Trang

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Kể Chuyện Các Vua Nguyễn Phần VI

Hàm Nghi (1884-1885)
Hàm Nghi Những Ngày Bôn Tẩu
Vua Kiến Phúc mất, đáng lý con thứ hai của vua Tự Đức là ông Chánh Mông lên nối ngôi, nhưng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không muốn lập , bèn chọn em ông Chánh Mông là Ưng Lịch lên làm vua, niên hiệu Hàm Nghi lúc đó mới mười ba tuổi
Lễ đăng quang của Hàm Nghi được tiến hành ngày 1 - 8 - 1884.
Làm vua chưa được 1 năm , Kinh Thành thất thủ vào đêm 4 -7 -1885 ( đêm 22, sang 23 Ất Dậu ) vua Hàm Nghi và Hoàng Thái Hậu được Tôn Thất Thuyết mời lên kiệu tẩu thoát.
Hàm Nghi mới 13 tuổi sửng sốt nói :
- Ta có đánh nhau với ai đâu mà phải chạy .
Tôn Thất Thuyết liền rút gươm ra khiến quân lính vực vua lên kiệu, qua cửa Hữu, ra khỏi phòng thành đi về phía Kim Long.
Đến Quảng Trị, đoàn đạo ngự chia làm hai, một đoàn theo đức Từ Dũ trở về Huế gồm có các hoàng thân và quan lại, hoặc già yếu, hoặc mất ý chí chiến đấu và phụ nữ không muốn đi lên Tân Sở . Một đoàn đi theo nhà vua lên Tân Sở gồm những quan văn, võ muốn giữ trọn chữ trung với nhà vua ; với nước và các phụ nữ muốn đi theo cha mẹ , chồng con.
Sáng sớm mồng 9 tháng 7, sau khi bái biệt Từ Dũ Thái hậu và hai bà Trang Ý, Học Phi , nhà vua lên đường ngay và chiều tối thì đến thành Tân Sở . Hàm Nghi cả gày đăm chiêu, buồn rầu vì nhớ Kinh Đô. Sau 3 ngày ở Tân Sở , nhà vua đòi Tôn Thất Thuyết cho người đưa về Huế, nhưng Tôn Thất Thuyết tỏ ý chí quyết chiến với Pháp, nên hai ngày sau Thuyết đệ vua một tờ chiếu kể tội giặc Pháp và yêu cầu nhân dân nổ dậy chống Pháp. Hịch Cần Vương ra đời
Nhà vua đọc hai lần mới phê chuẩn , rồi nói thêm:
- Bây giờ Trẫm mới hiểu vì sao khanh không muốn Trẫm về Huế còn bị giặc Pháp chiếm đóng.
- Vậy nếu công cuộc kháng chiến đòi hỏi phải đi vào sống trong rừng sâu, Ngài có đi không? Tôn Thất Thuyết hỏi:
- Đi đâu cũng đi, sống thế nào cũng được, miễn là đuổi cho giặc Pháp ra khỏi đất nước . Nhà vua nói với giọng trầm , chậm rãi nhưng cương quyết.
Thế là ngày hôm sau, Tôn Thất Thuyết phò vua rời Tân Sở, ngược Mai Lĩnh qua Lào, tiếp tục vượt đèo Qui Hợp, sang địa phận Hà Tỉnh để về Ấn Sơn là nơi mà Tôn Thất Thuyết dự định đặt đại bàn doanh của nhà vua.
Đoàn người trên 500 ra đi từ Hành Cung Quảng trị chỉ còn 200 người cả quan lẫn lính với một cái kiệu trong đó Hàm Nghi đang lên cơn sốt, 6 cái võng, 1 con ngựa, 3 con voi và 50 gánh hành lý
Suốt dọc con đường dài hiểm trở , gian lao, vị vua sơm nếm mùi gian khổ ấy vẫn giữ vững ý chí, trầm ngâm, suy ngẫm về cuộc chiến đấu sẽ vô cùng ác liệt sắp đến.
CUỘC CHIẾN ĐẤU TRONG RỪNG
Sau khi ban Hịch Cần Vương, các nơi đều hưởng ứng . Riêng ở Hà Tỉnh Lê Ninh, và Ấm Võ đã lãnh đạo thân hào, nhân sĩ và nhân dân chiếm tỉnh thành, bắt Trịnh Văn Báu, giết Lê Đạt là những người chống lại phong trào Cần Vương.
Triều đình Huế cử Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi và các quan cựu thần về . Trong tờ dụ Đồng Khánh ban cho Hoàng Kế Viêm đại lược nói rằng :
- Nếu vua Hàm Nghi thuận về thì thì sẽ phong cho làm Tổng Trấn ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tỉnh, lại cấp cho bổng lộc theo y tước vương. Các quan cựu thần như Trương Văn Ban, Nguyễn Trực, Lê Mô Khải, Phan Trọng Mưu , Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nha, Ngô Xuân Quỳnh..... ai về thú thì sẽ được phục nguyên chức , cho làm quan từ Quảng Trị trở vào. Còn các ông Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Đình Phùng có chịu về thì sẽ tha những lỗi trước, và phong cho chức hàm khác.
Chẳng có quan nào chịu về đầu hàng cả. Hoàng Kế Viêm chải triệt về tháng 5 năm Đinh Hợi  18887)
Bấy giờ quân của Đề Đốc là Lê Trực đóng ở mạn Thanh Thủy, thuộc huyện Tuyên Chánh; quân của Tôn Thất Đạm là quân của Tôn Thất Thuyết đóng ở ngàn Hà Tỉnh, về hạt Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Còn Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Phạm Tuân thì phò vua Hàm Nghi ở mạn huyện Tuyên Hóa.
Trong đoàn hộ giá vua Hàm Nghi còn có Trương Quang Ngọc, con một viên quan đã từng bị triều đình đày lên làng Vè, đem một đội quân Mường rất tinh nhuệ ra hàng, khi biết tin nhà vua đến Ấn Sơn.
Tôn Thất Thiệp giữ gìn nhà vua một cách nghiêm mật, thề sống chết không để cho quân Pháp bắt được . Bởi vậy hễ ai nói đến sự đầu hàng thì bắt chém ngay, cho nên bọn Trương Quang Ngọc tuy đã bị Pháp mua chuộc , nhưng chưa dám hạ thủ.
Ở mé ngoài thì các ông Lê Trực và Tôn Thất Đạm nay đánh chỗ này, mai phá chỗ kia, không sao bắt được. Đại úy Mouteaux đánh đuổi lâu ngày nhọc mệt, bèn xin về Pháp nghì.
Cuộc chiến đấu trong rừng của vua Hàm Nghi vẫn ntiếp tục cho đến tháng chín năm Mậu Tý (1888)

NHỮNG NGÀY KHÁNG CHIẾN CUỐI CÙNG
Từ tháng Giêng đến tháng chín năm Mậu Tý (1888) quan Pháp tuần tiễu vua Hàm Nghi , đuổi bắt ông Lê Trực và Tôn Thất Đạm nhưng không thành công. Chúng toan rút về . Bỗng có tên suất đội Nguyễn Đình Tình hầu cận vua Hàm Nghi, ra hàng ở đồn Đồng Cả, khai rỏ tình cảnh cùng chổ vua đóng. Bọn Pháp bèn sai tên Tình đem thư lên dụ tên Ngọc về. Được mấy hôm, cả hai tình nguyện xin đi bắt vua Hàm Nghi.
Mười giờ đêm ngày 26 tháng 9 năm 1888, Ngọc và Tình đem hơn 20 lính Mường vào vây lều tranh của vua Hàm Nghi trên bờ khe Tả Bảo. Nghe ngoài có tiếng động, quan Thống Chế Nguyễn Thúy và con trai ông 45 tuổi giữ chức Tham biện Nội Các, chạy ra bị tên Ngọc đâm chết ngay.
Tôn thất Thiệp, con út Tôn Thất Thuyết còn đang ngủ, hoảng hốt cầm gươm nhảy ra cũng bị một lính Mường phóng ngọn giáo vào ngực chết ngay
Biết mình bị phản, vua Hàm Nghi bước ra, cầm thanh gươm đưa cho Trương Quang Ngọc và bảo rằng:
- Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây.
Vua vừa nói dứt lời thì một tên lính Mường lẻn ra sau lưng ôm quàng lấy rồi giật thanh gươm ra. Từ đó, nhà vua không nói năng gì nữa.
Sáng hôm sau, Ngọc cõng nhà vua ra đến bến Ngã hai, rồi đưa xuống bè, đi mất hai ngày mới đi đến đồn Thanh Lang, nộp cho viên đại úy coi đồn là Boulangier. Viên đại úy lập tức đưa nhà vua về đồn Thuận Bài ờ sông Gianh, gần chợ Đồn.
Khi nhà vua từ dưới thuyền bước lên, quân đội Pháp do một thiếu tá chỉ huy cử nhạc và bồng súng chào thì nhà vua kéo chăn che mặt lại. Đến khi viên thiếu tá Pháp đọc lời chúc từ thì vua nói :
- " Tôi không dám nhận lời chúc mừng của ông vì tôi chỉ là kẻ bề tôi của vua Hàm Nghi. Vua chúng tôi hiện ở trong rừng. Nếu tôi không bị ốm nặng thì tôi đã tẩu thoát được với nhà vua rồi " .
Từ đó nhà vua lại im lặng. Bọn Pháp lại hoang mang không biết là người trước mặt có thật là vua Hàm Nghi chăng? hay là tên Trương Quang Ngọc phỉnh lừa?
Được tin vua Hàm Nghi tới Thuận Bài, viên đô đốc đồn Thanh Thủy và các đề đốc đến bái yết, nhà vua giả vờ không biết những người ấy, không truyền bảo một lời nào, càng làm tăng thêm sự hoang mang cho bọn quan Pháp.
Giữa lúc ấy, có một cụ già chống gậy đến. Đó là Nguyễn Thuận, thầy dạy vua Hàm Nghi thuo thiếu thời. Vừa thấy thầy cũ, vua Hàm Nghi đột nhiên đỡ cụ và vái chào. Bọn Pháp lúc đó mới tin chắc đó là vua Hàm Nghi , người đã chịu bao gian truân, khổ ải trong rừng sâu nước độc, quyết chiến đấu đến cùng, giờ đã sa vào tay giặc. Lúc đó nhà vua mới 17 tuổi, đã kháng chiến được ba năm.
TRÊN ĐƯỜNG LƯU ĐÀY
Từ Thuận Bái, quân Pháp đưa nhà vua về cửa Thuận An, khi bằng võng, khi bằng thuyền.
Tại Thuận An, khi Khâm sứ Rheinard và các cơ quan mật Đại thần đến chào , vua Hàm Nghi cáo ốm không ra tiếp. Sau vì nể, nhà vua phải tiếp Rheinard nhưng tỏ ra lạnh nhạt. Đến khi Rheinard cho biết Hoàng Thái hậu đang ốm và hỏi :
" Nếu nhà vua muốn thăm, tôi sẽ cho tàu về đón ra đây " Nhà vua đáp:
- " Tôi thân đã tù , nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh chị em nữa ".
Nói rồi vua cáo ốm, lánh vào phòng riêng.
Từ Thuận An, nhà vua được đưa bằng tàu La Comet vào Sài Gòn, rồi đáp tàu Biên Hòa cập bến Alger ngày 13 / 01 / 1889 Alger là thủ đô nước Algeries, một thuộc địa Pháp nằm trên bờ nam Địa Trung Hải
Ở đây , hằng năm Nam Triều sẽ trợ cấp cho vua hai mươi lăm ngàn quan, và cứ ba năm thay một người phục vụ.
ÂM THẦM NHƯ CÁ CHÉP
(Lời tường thuật của cô Blanche, con viên đại tá tư lệnh Alger)

" Vào một buổi chiều, tàu Biên Hòa (chở vua Hàm Nghi -TTB) cập bến, chờ làm thủ tục, tôi theo cha ra đón ông Hoàng nhỏ bé ấy. Không hiểu sao tôi cảm thấy một nổi buồn man mác động lòng trắc ẩn. Dưới bóng chiều chập chờn, con tàu nhả khói phì phì dường như muốn trút vơi nỗi nhọc nhằn trong cuộc hành trình. Một bóng đen nho nhỏ tựa vào lan can, đăm đăm nhìn ra phía chân trời. Người nghĩ gì? Điều chắc chắn là nổi căm hờn người Pháp chúng tôi đang hừng hực dâng lên như những lớp sóng vô tận đuổi nhau ra khơi chẳng hay có về đến Tổ Quốc thiêng liêng của Người không?
Nỗi bất bình chiếm lĩnh trí óc tôi. Lòng thương vô hạn con người nhỏ bé ấy sớm bị nanh vuốt cú diều cuỗm đi xa tổ ấm, xa bầu đàn, xa những người thân càng làm tôi băn khoăn, thao thức:
- " Ta phải sửa chữa lỗi lầm này! ". Cha tôi chế nhạo tôi đến phát khóc, nhưng cũng khen tôi có trái tim vàng.
Tôi yêu cầu cha tôi đề đạt với phủ Toàn Quyền cho tôi được trông nom, săn sóc Người và đã được chấp thuận. Tôi từ bỏ ý định tiếp tục khoa luật: quanh quẩn bên con chim nhỏ bé của tôi. Buồn thay ! Con chim ấy quên tiếng hót, âm thầm như cá chép ( muet come une carpe - ngạn ngữ Pháp ), không nói năng , đòi hỏi gì. Tình trạng ấy kéo dài mấy tháng , tôi xoay xở đủ cách cũng vô hiệu.
Một buổi nào đó, trăng luồn song cửa. Ôi! Trăng kia mơ màng, ảm đạm làm sao. Tôi ngồi trước dương cầm. Xin giới thiệu , tôi là một nhạc công tồi, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy cây đàn run run lên, dìu dặt, ai oán. Nỗi buồn lướt trên phím như tiếng nức nở của con tim, khi vút lên căm hờn sôi sục. Tôi không nhớ đã chơi bản nhạc nào, điều đó không quan trọng. Đây là khúc nhạc lòng tôi, tấm lòng vị tha đầy nỗi bất bình và thương cảm.
Tiếng đàn dứt , tôi ngoảnh lại thấy Người đứng sau tôi, cặp mắt long lanh. Tôi hỏi:
- Hoàng tử có ưa không?
Người gật đầu.
- Có thích học đàn không ?
Người lại gật đầu. Tôi sung sướng , hôn người từ đó con cá chép của tôi mở miệng. Có lẽ đó là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi...
Vì sao Người từ bỏ ngai vàng? Nếu Người y thuận theo trở lại ngôi báu thì người Pháp chúng tôi vui mừng biết chừng nào. Vì Người được toàn dân sùng bái, toàn thể sĩ phu tôn thờ. Tôi hiểu rằng lòng yêu Tổ Quốc, yêu quê hương , yêu gia đình, yêu đồng loại cao hơn chiếc ngai vàng nhỏ bé. Tôi yêu nước Pháp Tổ Quốc tôi, nên rất trọng những người yêu mến Tổ Quốc họ ".
(Theo Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi- Nguyễn Hải Âu).
Những Ngày Cuối Cùng

( ......... )
Người ta quen gọi cụ là ông Hoàng An Nam ( Le prince d Annam ) . Cụ Hàm Nghi có hai gái, một trai. Cô chị Như Mân thạc sĩ canh nông, không lấy chồng để " trọn đời tưởng nhớ ba tôi " . Như Lý lấy một đại tá không quân dòng dõi Hoàng tộc Bỉ. Minh Đức là con út, đại tá chiến xa trong quân đội Pháp, khi cụ mất được gọi về. Còn hai chị ở Canne, lâu đài De Cosse, không sang chịu tang được vì Pháp đang bị Đức chiếm đóng.
Cụ tặng tôi một bức tranh thủy mạc mực Tàu có đề thơ và một thanh bảo kiếm.
Cụ quan tâm theo dõi tình hình đất nước, thường băn khoăn chưa tìm ra được kế sách giúp ích gì cho Tổ Quốc. Chưa bao giờ cụ nhắc lại quá khứ lịch sử mà chỉ hỏi tôi về đất nước, dân tình, về phong trào và triển vọng. Có lần cụ hỏi tôi về cụ Nguyễn Ái Quốc, nào tôi có biết được là bao! Cụ hỏi tôi về Bảo Đại. Tôi khá rõ Bảo Đại là tay thiện xa cưỡi ngựa, giỏi tiếng Pháp hơn tiếng mẹ đẻ và rát thạo khiêu vũ. Nghe tôi kể, cụ cười nhẹ:" Nó là con rối " . Đó là nụ cười hiếm hoi. Trong bốn năm tiếp xúc với cụ, có lẽ mới thấy cụ chỉ cười đôi ba lần, lại là cái cười châm biếm, mỉa mai ....
Cụ sống giản dị, quần áo đều tự may lấy theo kiểu cổ Việt Nam . Cụ để búi tóc củ hành cho tới khi mất. Suốt những năm tháng đó cụ quên mình trong điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Nhiều lần triển lãm mỷ thuật họ mời cụ tham gia tác phẩm, cụ đều từ chối. Cụ soạn hoặc vẽ là để nung nấu tâm hồn u uất và thất vọng. Cụ chỉ đàn khi nào lâu đài mênh mông kia không một bóng người. Có lần tôi đến thăm thấy cụ đang say sưa đàn. Hình ảnh một cụ già rất Việt Nam thấp thoáng bên dương cầm bóng lộn khiến tôi liên tưởng đến ông nội tôi hay một cụ đồ nho khom lưng viết câu đối Tết. Tôi dốt âm nhạc, chỉ nghe thấy cây đàn khi nức nở thánh thót, khi bão bùng. Dứt tiếng đàn, cụ giang rộng hai tay đặt trên cây đàn đăm đăm suy nghĩ.
Tâm hồn cụ đang bay bổng theo tiếng đàn và đất nước quê hương chăng?
Cụ không có bạn, ít muốn tiếp xúc với ai. Một lần vợ chồng toàn quyền Catroux, lần khác tướng Givand Tổng thống lâm thời Pháp với De Gaulle, đến thăm, cụ đều thoái thác đi vắng, cho tôi thay mặt tiếp. Cụ nói :
- Họ đến với tôi vì tò mò.
Bà Foltz là người bạn duy nhất của cụ. Hình như số mệnh đã dă1t bà đến với cuộc đời ảm đạm của cụ Hàm Nghi; bà là niềm vui, là chút ánh sáng trong cuộc sống hằng ngày của cụ.
Bà Foltz kém cụ mười lăm tuổi, cháu ngoại dòng chính thống De Bourbon. Ông thân sinh ra bà là một nhân vật tăm tiếng ở Thụy Sĩ . Bà là một nhà văn. Người ta không hiểu được sức mạnh nào đã lôi cuốn bà ra khỏi chiếc lâu đài cổ kính, đồ sộ nhất Thụy Sĩ mà bà thừa kế, để sang Alger này, ngày hai buổi đến dùng trà và chăm sóc sức khỏe của cụ Hàm Nghi.
Tình yêu chăng? Tôi được bà thương yêu như con, cũng chưa bao giờ bà hé nửa lời tâm sự. Sự cách biệt về tuổi tác, nhất là lòng mến yêu của bà không cho phép tôi được nghỉ đến điều đó. Bà Foltz chỉ nói sơ qua là bà gặp cụ ở Londres và bà sang ở Alger.
Chớ đụng đến nước An Nam và người An Nam trước mặt bà ! Trong một buổi tiệc trà, mụ vợ toàn quyền Catroux muốn lấy lòng bà đã ca ngợi hết lời xứ An Nam văn minh :
- " Tôi kính cẩn nghiêng mình trước dân tộc An Nam " (Je minchine devant la race Annamite).
Tiệc tan, tôi nói với bà Flotz :
- Khi vợ chồng Catroux ở Đông Dương, chúng đã giết hại hàng ngàn người ".
Bà nổi giận ra lệnh ngay cho cô quản gia (gouvernante) Lola xóa tên mụ trong danh sách khác mời đến dự tiệc của gia đình.
Tôi không rõ được xu hướng chính trị của bà thế nào, có lẽ xu hướng duy nhất là tình người, là lòng nhân đạo, là lẽ phải ( bon sens). Bà phẫn nộ khi tôi kể lại tình cảnh sống dở , chết dở của người dân Đông Phương.Thực ra bà còn hiểu biết hơn tôi. Chính bà đã lục trong tủ sách của cụ Hàm Nghi đưa tôi cuốn Bản án thực dân Pháp ( Proces de la colonisation Française) của ông Nguyễn Ái Quốc và Đông Dương cấp cứu của bà Andrée Violla. Bà còn đưa một cuốn, không phải có phải Con Rồng Tre không, tôi đã bỏ qua không đọc, vì thấy một bản in litô nhòe nhoẹt, cho là chuyện tầm thường, chỉ nhớ mang máng ngoài bìa có một khóm tre có những chử to đậm nét như những lóng tre thôi. Nếu đúng là Con Rồng tre thì đáng tiếc vô cùng. Vào năm 1945 , bà đưa cho tôi một trang phụ lục báo đăng chi chít ảnh chụp cảnh chết đói của nước ta hồi đó. Bà hỏi tôi :
-" Anh muốn gì? Cần tiếp xúc với ai, khó khă, mấy tôi cũng làm hết mình, miển là có thể đem lại điều gì tốt lành cho đất nước anh".
( ..... )
Tôi nghĩ, chính cuộc đời sóng gió, lòng yêu nước và đức độ của cụ Hàm Nghi đã cảm hóa bà, bà đứng hẳn về phía Việt Nam, càng sâu đậm

( ......)
Cụ không còn nữa! Chỉ còn một nấm mộ hoang tận phía trời xa. Mỗi lần qua phố Hàm Nghi , tôi lại thầm ước vọng , nếu như nắm xương tàn của cụ được trở về với núi Ngự sông Hương , tưởng cũng xứng đáng và an ủi phần nào mảnh hương hồn của con người phí phách ấy
(Trích Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi - Nguyễn Hải Âu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét