Trang

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Kể Chuyện Các Vua Nguyễn Phần III

Thiệu Trị ( 1840 - 1847 )
Vườn Cơ Hạ
Vua Thiệu Trị là người thích làm thơ, đi đâu cũng có thơ ngự chế. Vườn Cơ hạ do ông xây dựng lại đã được nhà vua ngự chế để ca tụng cảnh sắc ở đây, gồm 14 bài thơ. Nguyên các vật liệu của vườn Cơ Hạ là từ vườn Thư Quang dưới triều Minh Mạng được dỡ đi làm lại. Vua sai Chưởng Vệ Tôn Thất Nghi, Thư Thống Chế Hoàng Văn Cưu, Hoàng văn Hậu quản lỉnh 1800 biền binh chọn ngày tốt khởi công làm. Đô Ngự Sử Viện Đô sát Hà Thúc Lương dâng sớ xin đình chỉ làm vườn Cơ Hạ cho đở tốn phí tổn. Vua truyền chỉ nghiêm quở. Lại sắc cho bộ Công Phàm những người làm việc đều ban thưởng chu đáo. Vườn làm xong đặt các tên : phía Nam gọi là Khâm Vân điện, phía Bắc gọi là Thưởng Thắng lâu, phía Đông gọi là Minh Lý thư trai, phía Tây gọi là Thận hiên, khoảng giửa gọi là Quang Biểu các, chung quanh gọi là Tứ Phương Ninh bật hồi lang, hồ gọi là Minh Hồ, cầu gọi là Kim Nghê Kiều, núi gọi là Tỉnh An Sơn, đổi hoành biển ở Thọ An Sơn môn gọi là Cơ Hạ Viên, Thượng Uyển môn , Qui mô rộng rãi hơn trước rất nhiều.
Vua thường ngự đến chơi vườn Cơ Hạ, có khi gọi cả các quan đến để giải quyết công việc công việc  lại ngự chế các bài thơ về 14 cảnh:
Điện Khai văn Yến (mở tiệc văn ở trên diện)
Lầu thưởng Bồng Châu ( thưởng cảnh tiên ở trên lầu)
Các minh tứ chiếu (gác soi sáng cả bốn mặt)
Lang tập quần phương (hành lang có đủ các loài hoa)
Hiên Sinh thi tứ (hiên này tứ thơ)
Trai tả thư hoài (nhà trai toát ra tâm hoài văn thư)
Trì lưu liên phương ( thuyền hoa ven sen để ở hồ)
Sơn sực tùy đình (Đình cây tùng đứng sững trên núi)
Thủy tạ phong quang (Gió mát ở thủy tạ)
Nghê kiều tế nguyệt (Mặt trăng sáng chiếu vào chỗ cầu vồng)
Vũ giang điếu đỉnh (Thuyền câu ở sông Vũ Giang)
Tiên Đông phương tung ( dấu thơm ở động tiên)
Hồ tân liễu lăng (sóng như lá liễu ở bên hồ)
Đảo thụ oanh thanh (tiếng oanh kêu ở cây trên đảo)
Sau khi làm xong, Thiệu Trị đòi các quan văn ứng chế (1)
Có lần ngự chơi vườn này, Thiệu Trị đòi các hoàng thân và quan văn vào chầu thưởng bông mẫu đơn, làm thơ tức cảnh. Ông ban rằng:
- Nay làm thơ ứng chế, cả thảy 18 người, vừa đúng 18 học sĩ đời Đường được lên cõi DinhChâu (2)  

. Ban cho mỗi người một bút, giấy mực và nghiên. Vua tôi xướng họa, sáng tác thi ca trong vườn Cơ Hạ dưới ánh trăng trong .
Mười tám người trong hội thơ dưới triều Thiệu Trị cho ta liên tưởng đến Tao Đàn nhị thập bát tú triều Lê Thánh Tông. Đây là một hội thơ có lẽ được thành lập ở cung đình triều Nguyễn đầu tiên. Sau đó là Mặc Văn thi xã do Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương sáng lập, rồi Hương Bình thi xã của cụ Ưng Bình Thúc Giạ và Thảo Am Nguyễn Khoà Vy. Những thi đàn tiêu biểu cho xứ Huế đẹp và thơ .
(Theo Quốc triều chính biên và Đại Nam thực lục)

-------------------------------------
1 ) Vâng mạng (mệnh) vua mà làm văn chương  

2 ) Nghĩa là cỏi tiên. Đời Đường có 18 quan văn được lựa vào chầu phủ Thiên Sách, người ta cho là vinh hiển cũng như lên cõi tiên vậy.
Câu Đối Nguy Hiểm
Vua Thiệu Trị, trong những lúc rảnh rỗi công việc y triều chính, thường hợp các hoàng tử nhỏ tuổi để thử thách tài năng đối đáp. Một hôm nhà vua ra câu đối : 

- Bắc sứ lai triều
Hoàng Tử Hồng Bảo nhanh nhẩu đối:
Tây Sơn phục quốc
Vua Thiệu Trị phì cười, mắng khéo con :
- Tây Sơn mà phục quốc thì cả bà con mi không có đất mà chôn. Lần sau có đối thì cũng phải giữ gìn ý tứ nghe con !
Hồng Bảo giật mình, biết mình lỡ miệng, từ đó trở nên e dè, thận trọng hơn trong lời nói.
Nổi Lo Âu Đối Với Hồng Bảo
Biết tính Hồng Bảo ưa ăn chơi, ít ham học, nhà vua thường có lời dụ bảo:
- Con học thức còn nông kém, phàm làm việc gì, cần phải hỏi đến sư bảo. Cổ Nhân còn vái lạy khi lời nói chính đáng, huống chi là đối với thầy. Còn bọn Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Tôn Thất Bạch đều là những bể tôi kì cựu, thân tín, con phải lấy lễ mà đối đãi không được khinh lấn bậy, phải kính cẩn, gắng theo .
Vì có tâm trạng lo âu về đức hạnh và học vấn của con mình như vậy, nên nhà vua rất thận trọng chọn người giữ Kinh Thành khi ngự giá Bắc Thành. Ông bảo Đại học sĩ Trương Đăng Quế:
- Kinh Sư là chỗ căn bản trong thiên hạ, trách nhiệm coi việc nước không phải là nhẹ, Hồng Bảo tuổi tuy đã lớn, nhưng không có học, kiến văn hẹp hòi, e khó làm xong công việc, Hoàng Tử thứ hai vốn sẳn thông minh Trẫm muốn giao cho việc lưu kinh, được không ?.
Đăng Quế tâu rằng:
- Biết con thì không ai bằng cha, việc này chỉ tự bề trên quyết định, thần không dám biết!.
Nhân vào chầu Tây Cung, Thiệu Trị đem việc ấy tâu bày. Hoàng Thái Hậu dụ bảo trước mặt rằng:
- Hoàng Trưởng Tử lưu cung vốn là việc củ. Hồng Bảo tuy ít học, nhưng tuổi đã trưởng thành, để lại một vài đại thần giúp việc có gì là không nên? Hà tất phải thay đổi việc củ?

Sợ trái ý Hoàng Thái hậu, Thiệu Trị bèn sai Hồng Bảo lưu kinh mà cho Hoàng Tử thứ hai là Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức sau này) theo mình ra Bắc.
Thơ Ngự Chế của Thiệu Trị.
Hầu thư ở vua Thiệu Trị là một kho thơ. Việc gì ông cũng có thể lấy thơ ra để vịnh. Ngoài các bài thơ vịnh với các vị đại thần trong các buổi yến ẩm, vui chơi, nhà vua còn sáng tác thơ trong nhiều trường hợp khác.
Một hôm, ngự chơi cảnh Thuận An, ông lên lầu Lưỡng Kiêm xem tập trận thủy, hôm sau ban ra tám bài thơ vịnh cảnh Thuận An cho các quan xem:
1- Viên thành Trấn Hải
2- Kiểu các quan lan.
3- Cao lâu lưỡng đắc
4- Hành điện song thanh
5- Cáp châu biểu tấn
6 - Giải chữ nhờn dân
7- Sa cương bảo chướng
8 - Gia thọ thanh âm.
Thơ Ngự chế về võ công của ông có 129 bài vịnh về mưu lược dẹp yên Xiêm La và Chân Lạp; 12 bài vịnh về mưu lược dẹp giặc biển, giặc thổ. Theo thể thức Kinh Thi làm ra 9 bài thơ gọi là Hoàng Huấn (lời vua ban dạy): Cao minh (nói về trời). Bác hậu (nói về đất) Sủng tuy (nói về đạo làm vua) Trung lương (nói về đạo làm tôi); Từ ái (nói về đạo làm cha) Hiếu để (nói về đạo làm con em). Tạo đoan (nói về đạo vợ chồng). Hữu vu (nói về đạo anh em) Chỉ tín (nói về đạo bầu bạn)
Biển Động Ở Kinh Thành
Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông lâm trọng bệnh, các hoàng tử đều ngồi bên, duy có hoàng tử Hồng Bảo đang ngồi ở ca lâu. Vua Thiệu Trị thở dài, đòi Cố mạng lương thần Trương Đăng Quế và Đại thần Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào chầu. Ông truyền đuổi mấy người tả, hữu rồi ban rằng:
-" Ta nối nghiệp lớn đã bảy năm nay, ngày đêm lo lắng không dám thong thả vui chơi, mấy lâu se mình, hôm nay mệt lắm! Ta lo nghiệp lớn Tổ tôn phó thác cho ta, nên ta phải lựa người nối nghiệp để yên xã tắc. Trong mấy người con ta, Hồng Bảo tuy lớn , nhưng vì xuất (con bà hầu sinh ra - TTB) mà lại ngu độn ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không được, con thứ hai là Phước Tuy Công thông minh, ham học giống in như ta, đáng nối ngôi làm vua; hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để lại trong long đồng. Các ngươi phải kính nơi đó, đừng trái mệnh ta.
Các đại thần đều vâng mạng rồi lui ra.
Thiệu Trị liền gọi hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm trao cho ấn kiếm.
Bây giờ Phạm Thế Lịch làm chức Tham Tri Bộ Lại, phải vào túc trực ở nội điện, nghe có chiếu chỉ, đem 3000 quân Hổ Bôn Đóng ở cửa Ngọ Môn. Hồng Bảo biết tin, vội cưỡi ngựa đốc xuất thân binh đến tận nơi, thì có tiếng truyền loa:
-" Trong cấm điện, chỉ có một mình Hồng Bảo vào thôỉ.
Hồng Bảo vào bên giường vua, phục xuống đất tâu:
- Thánh thượng khi mới tức vị đã hứa cho con nối ngôi, khi ra Bắc tuần, con phải lưu giữ Kinh Thành, sau lại vâng mệnh đi tế Nam Giao, ai cũng công nhận con là Thái Tử. Nay con lỡ phạm tội bất hiếu, xin ơn trời lượng bể tha cho
Thiệu Trị phán:
- Thiên hạ là của đức Cao Hoàng , kế đến đức Thánh Tổ truyền lại cho ta, ta định truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh , thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Thần khí rất trọng, ta không thể lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung được!
Lúc ấy Pham Thế Lịch ở trong cấm điện, thấy Hồng Bảo vẫn quì bên giường ngự, liền đưa mắt cho Vũ Văn Giải, Giải liền giải Hồng Bảo ra hậu cung cấm cố. Đến ngày Quý Mão, bệnh nặng lắm , vua Thiệu Trị mất tại điện Càn Thành. Liền ngày ấy, các Hoàng Thân và các quan văn võ hội đồng tuyên đọc di chiếu tại điện Cần Chánh. Hoàng Tử thứ hai là Phước Tuy Công khóc lạy lĩnh mạng.
Hồng Nhậm (Phước tuy Công) nối ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức, truyền đem tờ chiếu vời Tôn Nhơn và đình thần ký tên. Hồng Bảo không ký, thúc đầu vào tường máu chảy chan hòa. Phạm Văn Nghị đến nơi khóc:
- Xin điện hạ nghĩ kỹ lại, di chiếu của Đức Tiên Hoàng điện hạ không ký cũng không được, xin ký để cho yên xã tắc và để đức Tiên Hoàng yên ổn dưới cửu truyền.
Khuyên hai ba lần, Hồng Bảo mới chịu ký.
Mâu Thuẫn giữa Hồng Bảo và Hồng Nhậm phát sinh từ đấy
(Theo Lăng Nhân và Quốc Triều chính biên)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét