Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Hổ tướng Trương Tấn Bửu (1752 - 1827)



Trương Tấn Bửu (1752 - 1827), có tên khác là Trương Tấn Long; là một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lịch sử Việt Nam. Nhờ lập được nhiều công lao, ông được phong tước Long Vân Hầu và được người đương thời liệt vào Ngũ hổ tướng Gia Định.
ông là người làng Hưng Lễ, tổng Bảo Thạnh (thuộc xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ngày nay). Ông xuất thân từ gia đình phú nông, có bảy anh em. Là người hào hiệp, giỏi võ nghệ có sức đánh hổ, dù chỉ học ít chữ nghĩa nhưng ông cũng là người có tư chất thông minh, trong quá trình làm quan, được Gia Long đưa thầy đến dạy chữ, lại miệt mài nghiên cứu binh thư, sách vở thánh hiền, về sau ông còn biết sáng tác cả thơ phú...
Vào một đêm tháng 10 năm Đinh Dậu (1787), đoàn chiến thuyền của Chúa Nguyễn Ánh bị quân của Tây Sơn truy đuổi từ Mỹ Lồng rẽ vào sông Hương Điểm. Bị lạc đường Nguyễn Ánh vài người thân cận bỏ thuyền lên bờ tới xóm Cây Da, xã Hưng Lễ. Họ gõ cửa nhà ông Trương Tấn Khương (thân phụ của Trương Tấn Bửu) để xin tá túc. Vốn thương người, cha con ông Trương Tấn Khương liền mời khách vào đãi cơm và cho ngủ nhờ. Nguyễn Ánh lưu lại đây một thời gian, cùng làm ruộng và sống rất thân tình với gia đình họ Trương. Trương Tấn Bửu là người có mắt tinh đời, nên hoài nghi, gạn hỏi. Nguyễn Ánh thấy Bửu là người tài giỏi lại trung thực có thể tin cậy được nên thú nhận thân phận của ông. Trương Tấn Bửu bèn xin theo phò chúa Nguyễn.
Tháng 6 năm Canh Tuất (1790) Long Vân Hầu được làm Hậu quân, Hậu chánh trưởng chi, rồi lại đổi qua Tiền quân. Ông đánh nhau với nhà Tây Sơn ở Qui Nhơn, lập được nhiều chiến công, tháng 2 năm Đinh Tỵ (1797), ông được phong làm Tiền quân Phó tướng, một lượt với Phan Tấn Huỳnh.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi (Gia Long), phong ông làm Chưởng dinh, quản lĩnh đạo quân Bắc Thành.
Đầu năm Bính Dần (1806), bọn cướp biển “Tề ngụy hải phỉ” (giặc Tàu Ô) vốn là quân "phản Thanh phục Minh" trước được nhà Tây Sơn dung dưỡng, sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ thì họp nhau lại mưu chống nhà Nguyễn khôi phục lại nhà Tây Sơn mới đem ba mươi thuyền tới đảo Huê Phong để cướp phá đồn Phượng Hoàng. Long Vân Hầu thân chinh đánh đuổi bọn cướp. Dẹp giặc xong, ông liền được dời về Đế đô nhậm chức Trung quân Phó tướng. Rồi ngay sau đó lại ra quân đánh giặc cướp suốt. Ông đánh nhau với giặc Tàu Ô ba mươi sáu trận. Ông bình được bọn quần khấu cho dân an cư lạc nghiệp. Dân các trấn kể trên rất kính phục, luôn tưởng nhớ đến công đức của ông. Vua ban thưởng cho cùng ba quân vạn quan tiền và ban ân điển cho tướng sĩ trận vong.
Tháng 11 năm Canh Ngũ (1810), Long Vân Hầu được triệu về giữ chức Tổng trấn thành Gia Định thay Nguyễn Văn Nhân.
Năm 1816, ông đốc suất đắp thành Châu Đốc rồi được điều về Huế làm Trung quân phó tướng.
Năm Nhâm Thân (1821), ông lại được cử làm Phó Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ hai.
Năm Nhâm Ngọ (1822), ông được thăng Chánh nhất phẩm, thân phụ ông cũng được vua Minh Mạng ban sắc truy phong là Nghiêm oai tướng quân, Trung quân Thống chế và mẹ ông cũng được truy phong vào hàng mệnh phụ phu nhân.
Năm Quý Mùi (1823), theo lệnh của Lê Văn Duyệt, ông chỉ huy khoảng 35.000 quân và dân lo nạo vét kênh Vĩnh Tế cùng với Thoại Ngọc Hầu, rồi chẳng bao lâu sau ông bệnh, xin về hưu vào ngày 17 tháng 11 năm Ất Dậu (1825).
Tuy hưu trí, nhưng ông được vua Minh Mạng cho hưởng lương bổng đầy đủ. Ngày 2 tháng 8 năm 1827 (10 tháng 6 âm lịch năm Đinh Hợi) ông mất, thọ 75 tuổi. Chánh tướng Lê Văn Duyệt trông coi việc chôn cất cho Phó tướng Trương Tấn Bửu tại làng Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM ngày nay).

Nguyễn Huỳnh Đức (1748 - 1819) là một trong Gia Đinh ngũ hổ tướng Gia Định


Nguyễn Huỳnh Đức (1748 - 1819) là một trong Gia Đinh ngũ hổ tướng, khai quốc công thần triều Nguyễn và từng là tổng trấn Bắc Thành và Gia Định.
Ông tên thật à Huỳnh Tường Đức, cha và ông nội của ông đều là quan chức phụng sự chúa Nguyễn. Tương truyền ông là người có dung mạo khôi ngô, lại có sức khoẻ, dũng cảm hơn người.
Năm 1781, sau khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa, chúa Nguyễn Ánh phải lên đường bôn tẩu, ông Nguyễn Huỳnh Đức gia nhập quân Đông Sơn lãnh đạo bởi Đỗ Thành Nhơn chống chọi với quân Tây Sơn. Về sau Đỗ Thành Nhơn bị Nguyễn Ánh giết chết, nhưng Nguyễn Huỳnh Đức vẫn được lưu dùng.
Năm 1782, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại ở Định Tường, quân sĩ chạy tan tác cả, chúa chẳng may bị sa lầy. Ai cũng lo chạy thoát thân, chỉ có Huỳnh Đức là quay trở lại cứu chúa. Lúc ấy trời sập tối , quân Tây Sơn sợ có phục binh nên không truy đuổi nữa. Cả đêm, vì kiệt sức mà Nguyễn Ánh nằm gối đầu lên đùi ông mà ngủ say, Huỳnh Đức thức trắng đêm, ngồi bất động như tượng đá canh cho chúa ngủ. Cảm động vì sự trung thành và tận tuỵ của ông mà chúa Nguyễn Ánh ban quốc tính họ Nguyễn cho ông, đối đãi ông như là thành viên của hoàng tộc.
Năm 1783, ông dẫn quân đánh nhau với quân Tây Sơn ở Đông Tuyên, thua trận bị bắt. Chủ tướng quân Tây Sơn lúc đó là Nguyễn Huệ thấy ông là người hữu dũng bèn thu dụng ông. Nguyễn Huỳnh Đức chịu theo, nhưng có lời giao kết là ông chỉ đánh quân Trịnh không đánh quân chúa Nguyễn.
Năm 1786, ông theo Nguyễn Huệ ra bắc đánh quân Trịnh, được giao làm phó tướng của Nguyễn Văn Duệ. Duệ là tâm phúc của vua Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, có ý không phục Nguyễn Huệ. Ông bèn dụ Duệ cùng mình theo đường tắt lẻn trở về Quy Nhơn với Nguyễn Nhạc, dọc đường nhân khi quân Duệ sơ hở ông trốn sang Vạn Tượng rồi chạy tiếp sang Xiêm La tìm Nguyễn Ánh, nhưng lúc này Nguyễn Ánh đã về Gia Định rồi, vua Xiêm muốn giữ ông lại, nhưng ông kiên quyết về với chúa Nguyễn.
Năm 1799, ông được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, ra đánh lấy được Phan Rí, rồi Thị Nại (Bình Định). Năm sau, ông dẫn quân đánh hạ được thành Quy Nhơn, rồi được cử vào Nam cai quản xứ Định Tường. Sau khi Nguyễn Phúc Ánh chiếm thành Phú Xuân, giao ông trấn giữ thành Quy Nhơn.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công.
Ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Mão (tức 27 tháng 10 năm 1819), ông mất khi đang tại chức, thọ 71 tuổi, an táng tại nơi quê nhà và được thờ tại miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng là Kiến Xương Quận công. Ông có 4 người con trai đều là võ quan, trong số đó có 2 người là rể của vua Gia Long.

Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764- 1832)- một trong ngũ hổ tướng Gia Định

Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764- 1832) là một nhà chính trị, quân sự lớn của Việt Nam. Ông cũng là người được biết tới nhiều nhất trong số Ngũ hổ tướng Gia Định khi tham gia phò tá chúa Nguyễn Ánh, trong cuộc chiến của ông này với quân Tây Sơn. Sau khi chiến tranh kết thúc và Nhà Nguyễn được thành lập, ông trở thành một vị quan cấp cao trong triều đình và phục vụ hai triều vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) và Minh Mạng.
Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 hoặc 1764 tại vàm Trà Lọt, thuộc làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường, về sau gọi là xã Hòa Khánh thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Cha ông là Lê Văn Toại có tất cả 4 người con trai, Lê Văn Duyệt là con trưởng. Sử cũ mô tả ông là người bị yếm hoạn, từ lúc sinh đã không có ngọc hoàn. Tương truyền vì điều này mà cha ông rất buồn dù cho con trai sinh trưởng và khoẻ mạnh hơn những đứa trẻ khác, một lần ông nhờ một vị thầy bói người Tàu giỏi coi tướng xem cho con trai; vị thầy tướng số sau khi trông mặt Duyệt thì cười nói " thằng bé này tuy bị yếm hoạn nhưng sau này làm nên nghiệp lớn, vợ con thê thiếp đều có đủ cả!". Nghe vậy cha ông mừng lắm mới để ông được ăn học chữ nghĩa đầy đủ, lại cho ông học thêm binh thư theo sở thích.
Năm 1781, một lần chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy đến vàm Trà Lọt, có ngụ tại nhà ông Lê Văn Toại. Nhân dịp này Lê Văn Toại mới thỉnh cầu cho con là Lê Văn Duyệt được theo hầu chúa Nguyễn, chúa Nguyễn bèn thu nhận ông làm thái giám lo việc bảo vệ cung quyến để tạ ơn.
Theo Quốc triều sử toát yếu, thì trong trận đánh tại Đồng Văn ông bị quân Tây Sơn bắt. Tương truyền tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ có ý muốn thu dụng ông, nhưng Lê Văn Duyệt không theo, sau đó tìm cách trốn về được với Nguyễn Ánh, tháng 11 (âm lịch) năm 1784.
Qua nhiều lần bôn tẩu cùng chúa Nguyễn và hai lần cùng chúa sang Xiêm, Nguyễn Ánh nhận ra ông không chỉ là một thái giám tầm thường, mới nhận xét: " tuy sinh ra là người (thái) giám, (nhưng là) người mạnh dữ mà đánh giỏi, có công tùng chinh" từ đó luôn giữ Duyệt bên mình, việc quân cũng đem ra bàn với ông.
Năm 1793, khi theo chúa đi đánh quân Tây Sơn ở Quy Nhơn, Duyệt lập được công lớn nên được phong Thuộc nội vệ úy thuộc quân Thần Sách.
Năm 1795, Lê Văn Duyệt cùng tướng Nguyễn Đức Xuyên đi cứu thành Diên Khánh bị quân Tây Sơn vây. Tướng Tây Sơn là Lê Phong giữ đồn Trung Hội chặt, quân Nguyễn không vượt được. Duyệt liền bàn với tướng Nguyễn Đức Xuyên rằng: "chia quân 2 đạo, tôi đánh thẳng sau đồn, cho giặc chống giữ, ông dẫn quân đến trước đồn đào nát cái lũy, lũy sụt, quân ta đánh trông hò reo mà vào, đồn thế nào cũng bị phá thôi".
Đức Xuyên chần chứ không quyết, Duyệt nói cứng rằng "đã có lệnh rồi, tội vạ gì tôi xin chịu cả". Đức Xuyên mới nghe theo. Quả nhiên quân Tây Sơn bị thua. Tin thắng trận báo về, Nguyễn Ánh liền tới nơi xem. Duyệt bước ra xin nhận tội giả làm lệnh chúa nhưng Nguyễn Ánh cười nói: "Đánh để thắng trận công ấy phải ghi thưởng, có tội gì".
Tháng 11 (âm lịch) năm 1800, ông được cử theo Tiết chế Nguyễn Văn Thành. Hai ông hợp quân đánh thắng một trận lớn, nhưng sau đó nảy sinh hiềm khích. Sách Quốc triều sử toát yếu chép: ...Thành hay uống rượu, lúc gần ra trận, cầm hồ rót rượu, rót cho Duyệt một chén và nói rằng: "Uống rượu để thêm sức mạnh". Ông Duyệt nói: "Ai tánh hay sợ mới uống rượu để cho thêm sức mạnh, còn như tôi thời trước mắt không coi (đó là) trận dữ, cần chi phải uống rượu". Thành có ý thẹn, từ đó giận Duyệt.
Năm 1801 nổ ra trận quyết chiến giữa Tây Sơn và quân Nguyễn ở Thị Nại, Lê Văn Duyệt và tướng Võ Duy Nghi cùng dẫn quân đánh thẳng vào thuỷ trại quân Tây Sơn. Đại Nam liệt truyện chép: “Quân giặc giữ đồn núi chống đánh. Súng đạn như mưa, Di Nguy bị súng giặc bắn ngã xuống nước chết. Duyệt đánh càng khỏe. Vua thấy tướng sĩ nhiều người chết, và bị thương, cho tiểu sai dụ tướng sĩ hãy tạm lui để tránh mũi nhọn của giặc. Duyệt xin liều chết đánh, đối với tiểu sai nói rằng chỉ có tiến không lui, cứ vào không ra, vây quân kíp tiến bèn vào được cửa biển, thuận gió phóng hỏa, đốt hết chiến thuyền của giặc. Giặc cả vỡ, chết rất nhiều, trận này là ngày 16 tháng giêng”.
Trận này được xem là "võ công đệ nhất" của nhà Nguyễn và cũng là trận đánh lớn nhất, lừng lẫy nhất của ông.
Tháng 4 (âm lịch) cùng năm, ông Duyệt theo chúa Nguyễn ra đánh Phú Xuân. Tháng sau, đại binh vào cửa Tư Hiền, ông và Lê Chất phá được đồn quân Tây Sơn ở núi Quy Sơn (tức núi Linh Thái), bắt sống được Phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách. Đến ngày 3 tháng 5 (tức ngày 15 tháng 6 năm 1801), ông cùng chúa Nguyễn Phúc Ánh tiến vào nội thành Phú Xuân sau khi đánh tan đội thủy quân của nhà Tây Sơn, khiến vua Cảnh Thịnh phải tháo chạy ra Bắc.

Sau đó, chúa Nguyễn sai Tiết chế Lê Văn Duyệt (có Lê Chất đi theo) đem quân bộ vào Quảng Nam, Tống Viết Phước (hay Phúc) đem quân thủy, chia đường vào cứu thành Bình Định. Dọc đường, Lê Văn Duyệt đánh thắng nhiều trận, nhưng không kịp cứu Quận công Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu. Vì lương hết, hai ông đều đã tuẫn tiết vào cuối tháng 5 (âm lịch) năm 1801. Xét công, chúa Nguyễn phong Lê Văn Duyệt làm "Thần sách quân Chưởng tả dinh Đô thống chế Quận công". Lại cho Lê Chất làm tướng dưới quyền, để cùng mang quân đi thu phục các nơi.
Ngày mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (tức 31 tháng 5 năm 1802), chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Gia Long. Lê Văn Duyệt được phong làm "Khâm sai Chưởng Tả quân dinh Bình tây tướng quân, tước Quận công" để cùng với Lê Chất đem bộ binh ra Bắc truy diệt vua quan nhà Tây Sơn. Theo phối hợp còn có binh thuyền do tướng Nguyễn Văn Trương chỉ huy. Đến tháng 6 (âm lịch), thì quân bộ sang sông Linh Giang (tức sông Gianh ở Quảng Bình) rồi hiệp với quân thủy đánh lấy Nghệ An, Thanh Hóa, và Thăng Long. Đến lúc ấy, nhà Tây Sơn kể như bị diệt.
Tháng 3 (âm lịch) năm 1803, Lê Văn Duyệt phá tan cuộc nổi dậy của người dân thiểu số ở Vách Đá (Quảng Nghĩa, nay là Quảng Ngãi), được vua khen thưởng. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, cha Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại được vua cho mời ra Huế ban khăn áo.
Ngoài ra để tưởng thưởng cho công lao của Lê Văn Duyệt, vua Gia Long còn gả một cung nữ cho ông là bà Đỗ Thị Phẫn. Sau này hai ông bà mất được táng cạnh nhau, lăng của ông bà tại Gia Định được gọi là lăng ông bà Chiểu.
Năm 1808, lại sai Lê Văn Duyệt mang quân đến Đá Vách. Thấy Phó quản cơ Lê Quốc Huy, vì nhiễu hại quá, nên dân mới nổi dậy. Lê Văn Duyệt bèn xin lệnh chém chết viên quan này, từ đó Quảng Nghĩa lại được yên.
Tháng 6 (âm lịch) năm 1812, nhà vua cho triệu Tổng trấn Gia Định Thành Nguyễn Văn Nhơn về, cử Lê Văn Duyệt vào thay, và cho Trương Tấn Bửu làm Phó tổng trấn, Ngô Nhân Tịnh làm Hiệp trấn.
Tháng 2 (âm lịch) năm 1813, nhận lệnh vua, Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh đem 13.000 quân thủy đưa Nặc Chân về nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Tại đây, ông thấy quân Xiêm cứ dòm ngó Chân Lạp, bèn xin vua Gia Long cho đắp thành Nam Vang cho vua nước này ở (trước đó ở thành La Bích), đắp thành Lô Yêm để trữ lương, đồng thời lưu binh ở lại bảo hộ (Nguyễn Văn Thoại được cử ở lại). Tất cả đều được vua nghe theo.
Năm 1815, Lê Văn Duyệt được chỉ triệu về kinh để bàn nghị về ngôi Thái tử. Khi ấy Lê Văn Duyệt ủng hộ con của hoàng tử Cảnh kế ngôi thái tử, phản đối truyền ngôi cho Minh Mạng. Nên về sau vua Minh Mạng rất căm giận ông, dù vậy khi ông còn sống vua Minh Mạng vẫn sợ uy ông mà không dám động tới.
Trên triều Lê Văn Duyệt không kiêng nể ai thường có tấu sớ kể tội các quan, nên triều thần nhiều người cũng căm giận ông mà sau này đồng loã với vua Minh Mạng tìm cách trả thù.
Tháng Giêng (âm lịch) năm 1819, Lê Văn Duyệt nhận mệnh đi kinh lược các vùng: Thanh Hóa, Nghệ An và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình). Vì các nơi ấy thường mất mùa, sinh ra nhiều trộm cướp, quan sở tại không kiềm chế được. Đến nơi, ông dâng sớ về triều "nói việc khổ của dân, xin tha thuế cho dân, lại phải lựa quan trấn để an tập dân", được vua y cho. Ở Thanh Hóa, ông nhận Lê Văn Khôi làm con nuôi. Ông Khôi nguyên là người ở Cao Bằng, vì khởi binh chống Nguyễn, bị quan quân đuổi đánh, phải chạy vào Thanh Hóa, gặp ông Duyệt đang làm Kinh lược ở đấy. Khôi nể Duyệt là người rộng lượng lại xét xử nghiêm minh bèn ra xin đầu thú, Duyệt thấy Khôi là kẻ hữu dũng có thể kế thừa ý chí của mình bèn thu dụng và nhận làm con nuôi.
Tháng 9 (âm lịch), triệu Lê Văn Duyệt về triều. Sang tháng 12 (âm lịch), vua Gia Long cho đòi ông và Phạm Đăng Hưng vào cung lãnh di chiếu, tôn Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi (tức vua Minh Mạng). Đồng thời nhà vua cho ông Duyệt cai quản quân 5 dinh Thần sách.
Tháng 10 (âm lịch) năm 1822, vua Minh Mạng sai Lê Văn Duyệt điều động quân và dân (được hơn 39.000 người) để tiếp tục đào kênh Vĩnh Tế là dự án còn dang dở từ thời Gia Long (đến tháng 5 âm lịch năm 1824 thì xong).
Đêm 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (tức 28 tháng 8 năm 1832), Chưởng tả quân lãnh Gia Định Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất tại chức, thọ 69 tuổi. Sau đó, triều đình truy tặng ông chức "Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân – Tả quân đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái bảo quận công", thụy là "Oai Nghị".
Sau khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho bãi chức Tổng trấn Gia Định Thành, và đổi 5 trấn ra thành 6 tỉnh, là: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Lại đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, bố chính, Án Sát, Lãnh binh như các tỉnh ở ngoài Bắc. Đến khi Bạch Xuân Nguyên đến làm Bố chính ở Phiên An (tức tỉnh Gia Định), nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cứ, đồng thời trị tội các tôi tớ của ông Duyệt. Vì bị bức, con nuôi ông Duyệt là Lê Văn Khôi bèn khởi binh chống lại.
Vua Minh Mạng nhân đó cho quan quân đánh dẹp khởi nghĩa Lê Văn Khôi, dẹp xong rồi thì cho đình thần hoạch tội ông. Minh Mạng phán rằng: " Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" (Chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp)". Án này vạ lây sang những người thân tín với ông trong đó có gia đình tướng Lê Chất. Riêng vợ ông bà Đỗ Thị Phẫn thì được tha vì ông là người yếm hoạn, chiểu theo luật thời ấy bà không bị bắt tội.
Năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị lên ngôi, ban lệnh tha tội các thân thuộc của Lê Chất và Lê Văn Duyệt.
Tháng 2 (âm lịch) năm đầu Tự Đức (1848), Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin lục dụng những con cháu của Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Lời tâu làm vua cảm động, bèn cho con cháu ông Thành làm Chánh đội. Tuy nhiên, mãi đến năm tháng 4 (âm lịch) năm 1868, nhà vua mới chính thức ban lệnh truy phục chức hàm cho Nguyễn Văn Thành (là Chưởng trung quân Đại tướng quân Quận công) và Lê Văn Duyệt (là Chưởng tả quân Đại tướng quân), đồng thời cho thờ trong miếu Trung hưng công thần ở Huế.

Nguyễn Văn Nhơn (1753-1822) là một trong ngũ hổ tướng Gia Định



Nguyễn Văn Nhơn (1753-1822) là một trong ngũ hổ tướng Gia Định, phò tá chúa Nguyễn Phúc Ánh từ những buổi đầu. Ông cũng là tổng trấn đầu tiên của thành Gia Định triều Nguyễn.
Nguyễn Văn Nhơn sinh năm Quý Dậu (1753) tại làng Tân Đông, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, về sau đổi thành xã Tân Đông thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ông là con ông Nguyễn Quang (tước Minh Đức hầu) và bà Thị Áo.
Năm Giáp Ngọ (1774), lúc 21 tuổi, ông theo Tống Phước Hiệp và Nguyễn Khoa Thuyên, làm chức đội trưởng. Ông lại theo Tống Phước Hòa, được thăng cai đội.
Năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn Nguyễn Phúc Ánh khởi binh ở Long Xuyên (nay là Cà Mau), ông theo Dương Công Trừng đóng giữ ở Sa Đéc.
Năm Nhâm Dần (1782), bị quân Tây sơn bắt tại Thủ Thiêm (Sài Gòn), nhưng sau đó ông trốn thoát, sang Xiêm tìm chúa Nguyễn. Nhân lúc đó, chúa Nguyễn sai người về nước, ông liền trở lại hợp lực đánh chiếm đất Long Xuyên (Cà Mau).
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, phong ông làm Chưởng Chấn võ quân, tước Nhơn Quận công; giữ chức Lưu trấn Gia Định trấn đến năm 1805.
Cuối năm ấy, vua Gia Long bình xong Bắc Hà, ông dâng sớ điều trần 14 khoản để xin chấn chỉnh nhiều việc, như: Định lại các sắc thuế; trọng dụng người hiền; cải cách phong tục; biểu dương người trinh tiết; định phép khoa cử; chấn chỉnh nghiêm việc quan lại; phát chẩn cho dân nghèo… Về thuế má, ông tâu với vua rằng: “Các hạng lão tật của dân đồn điền, xin từ nay về sau giảm bớt thóc thuế cho 5 phần 10. Lại khe ngòi xưa nay không có thuế, gần đây bọn lại gian mưu lợi thu nộp cả, làm cho rối dân, xin tha cho”.
Về giáo dục, ông đề xuất “Trị nước thì gốc ở nhân tài, hành chính thì trước lấy giáo hóa. Vừa rồi trời gây đen tối, người ở Gia Định nghiên bút bỏ hoang. Nay non sông dựng lại, đất nước lặng trong, chính là lúc học giả được thành nghiệp. Vậy xin định lại giáo điều, khiến cho học trò có đường tiến tới để đáp lại tấm lòng thánh thượng muốn xếp qua để giảng học”. Các điều trần của ông, vua đều theo.
Năm Mậu Thìn (1808), chấm dứt giai đoạn Gia Định trấn để trở thành Gia Định Thành, ông được cử làm Tổng trấn và Trịnh Hoài Đức làm hiệp Tổng trấn. Vậy, chính ông là vị Tổng trấn đầu tiên ở miền Nam kiêm lãnh hai trấn là Bình Thuận và Hà Tiên cho đến 1812 thì bàn giao cho Lê Văn Duyệt.
Năm 1819-1820, Nguyễn Văn Nhơn được cử làm Tổng trấn Gia Định Thành một lần nữa.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng triệu ông về kinh đô Huế sung chức Tổng tài ở Quốc sử quán, nhưng chỉ được một năm thì ông mất. Hay tin ông qua đời, vua cho nghỉ chầu 3 ngày, sai các quan đến dụ tế và ban tặng Thái bảo, thụy là Trung Cẩn; Cho 1.000 quan tiền, 300 lạng bạc, 2 cây gấm thêu bằng kim tuyến, 3 cây gấm Tống và 30 tấm lụa.
Thực lục chính biên chép: “Vua bảo Trịnh Hoài Đức rằng: Nguyễn Văn Nhơn là bậc đại thần huân cựu, là người trung thành cẩn hậu. Khi trẫm được tin ốm nặng, muốn thân tới thăm, nhưng nghĩ lễ vua tôi rất nghiêm, nếu cho phép nằm thì không dám yên tâm, mà gượng dậy thì lại mỏi mệt, cho nên trẫm thường sai hoàng tử đến thăm. Nay không may qua đời, thương tiếc vô cùng. Lại nói: Nhân bình nhật ăn mặc rất tiết kiệm, nay lễ tế điện trẫm muốn làm hậu”. Rồi đặc biệt sai xuất tiền kho, ủy cho đội Thị thiện hằng ngày làm cỗ nấu để cúng. Đến hôm đám đưa về Gia Định, vua ngự giá đến nhà, thân rót rượu cúng. Cho 100 binh đội hữu sai đưa đi. Đến ngày an táng, lại nghỉ chầu một ngày.
Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), vua cho Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhơn được thờ ở đền Trung hưng công thần và ân cấp 100 mẫu ruộng tự điền.
Năm Tân Mão (1831), ông lại được truy tặng làm Tráng võ tướng quân, Đô thống phủ Chưởng phủ sự, tước Kinh Môn quận công, thụy là Mục Hiến.
Ông có một người con gái gả cho vua Thiệu Trị là Lệnh phi Nguyễn Thị Nhiệm.

Ngũ hổ tướng-Nguyễn Văn Trương ( 1740 - 1810)



Nguyễn Văn Trương ( 1740 - 1810), danh tướng của Nguyễn Phúc Ánh và là một trong Ngũ hổ tướng Gia Định.
Ông là người huyện Lễ Dương (nay là huyện Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam. Năm 1776 khi Nguyễn Lữ (một trong ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn) đem quân vào Nam, lấy được thành Sài Gòn, đuổi chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy đến Trấn Biên (Biên Hòa), thì Nguyễn Văn Trương xin theo phò tá Nguyễn Lữ, và được cho giữ chức Chưởng cơ cai quản binh thuyền.
Trong khoảng 1777 – 1783, Nguyễn Ánh nhiều lần đem quân về chiếm lại Gia Định, nên ông cũng thường xuyên phải đụng trận với chúa Nguyễn. Có lần quân Tây Sơn thắng thế, Nguyễn Văn Trương cùng quân Tây Sơn cưỡi ngựa đuổi bắt chúa Nguyễn đang chạy bộ, đến đoạn đường hẹp đột nhiên có một cây cổ thụ lớn đã mục ruỗng đổ sập xuống chặn đường quân Tây Sơn làm ngựa không thể vượt qua được vì vậy mà chúa Nguyễn Ánh thoát nạn, từ sự kiện đó mà Nguyễn Văn Trương trong lòng đã cho rằng chúa Nguyễn là người có thiên mệnh.
Đến năm 1787, nhà Tây Sơn cứ lục đục nội bộ mãi, các tướng quay sang đánh giết lẫn nhau, chúa Nguyễn Ánh nhân đó mà chiếm lấy Gia Định, chán chường Nguyễn Văn Trương đem quân thân tín chạy qua đầu hàng chúa Nguyễn.
Tháng 3 năm Nhâm Tí (1792), nhân khi mùa gió Nam thổi mạnh, chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương cùng Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), rồi quay về an toàn.
Tháng 3 năm sau (Quý Sửu, 1793), chúa Nguyễn để con là Nguyễn Phúc Cảnh ở lại giữ đất Gia Định, sai Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh đánh Phan Rí (nay thuộc Bình Thuận). Còn chúa Nguyễn cùng Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh đem thủy quân đi đánh mặt bể. Đến tháng 5 thì đoàn chiến thuyền của quân Nguyễn vào cửa bể Nha Trang, rồi đánh lên Diên Khánh, phủ Bình Khang, sau lại đánh lấy phủ Phú Yên.
Năm Tân Dậu (1801), ngày 15 tháng Giêng, chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương, Lê Văn Duyệt chia làm hai đạo tấn công thuỷ trại của Tây Sơn ở Thị Nại đốt được hết cả tàu và thuyền của quân Tây sơn. Đây là trận thủy chiến dữ dội nhất, đáng được gọi là "võ công đệ nhất" trong thời trung hưng của nhà Nguyễn.
Ngày 7 tháng 6 năm (1801). Nguyễn Văn Trương hợp binh với chúa Nguyễn tại cửa Hàn (Đà Nẵng). Ngày 9, khoảng 4 giờ quân Nguyễn cả lục quân và thủy quân tiến ra Phú Xuân (Huế). Đến 8 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu (15 tháng 6 năm 1801), thành Phú Xuân mất vào tay chúa Nguyễn.
Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802), vua Tây Sơn là Cảnh Thịnh sai Nguyễn Quang Thùy tiến lên vây đánh lũy Trấn Ninh. Thế trận chưa nghiêng ngả về bên nào thì có tin thủy quân của Tây Sơn đã bị Nguyễn Văn Trương phá tan ở cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), khiến quan quân nhà Tây Sơn hốt hoảng phải tháo chạy. Đây cũng là trận đánh quyết định cuối cùng từ đó nhà Tây Sơn trượt dài và sụp đổ. Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và lên ngôi hoàng đế.
Năm Ất Sửu (1805), vua Gia Long cử ông vào cai trị miền Nam với chức vụ Lưu trấn thành Gia Định, thay cho Nguyễn Văn Nhơn. Năm 1808, ông được triệu về kinh đảm nhận chức vụ khác.
Năm Canh Ngọ (1810) ông mất tại chức, thọ 70 tuổi, được truy tặng là Thái bảo, thờ ở miếu Trung hưng công thần. Đời Minh Mạng, ông lại được truy phong là Đoan Hùng Quận công.
Con ông là Nguyễn Văn Vân, cũng là một viên tướng có tài, làm quan võ đến chức Tiền quân đô thống chế.

Vài nét về bộ sử của Vương triều Tây Sơn

nguyenhue.jpg
Phan Huy Lê Dương Thị The Nguyễn Thị Thoa
Một đóng góp to lớn của vương triều Tây Sơn cho kho tàng văn hóa của dân tộc là việc vương triều này cho ra đời một tác phẩm sử học tầm cỡ có giá trị: Đó là bộ Đại Việt sử ký tiền biên.
Đại Việt sử ký tiền biên là một bộ sử lớn viết bằng chữ Hán do một tác giả nổi tiếng là Ngô Thì Sĩ biên soạn. Đến thời Tây Sơn con ông là Ngô Thì Nhậm sửa sang dâng lên vua và cho in. Bộ sử này được in lần đầu tiên vào năm 1800, niên hiệu Cảnh Thịnh thời Tây Sơn (bản này hiện nay chưa tìm được). Bản in ngày nay còn giữ được ở Phòng Bảo quản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thư viện của trường Đại học Tổng hợp, thư viện Viện Sử học và một vài tủ sách của tư gia là những bản được in vào đầu đời Nguyễn trên cơ sở ván khắc cũ của thời Tây Sơn có đục bớt một vài chữ như “Bắc Thành”, “Cảnh Thịnh”…
Bộ sử gồm 17 quyền chia làm 2 phần: Ngoại kỷ (7 quyển) và bản kỷ (10 quyển). Chép từ thời Hồng Bàng đến thời thuộc Minh gồm 4354 năm.
Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu đầy đủ nội dung của bộ sử mà chỉ xin so sánh để nêu lên vài nét đặc biệt của tác phẩm.
1) Tính độc lập về quan điểm của tác giả thể hiện qua bộ sử:
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Đà được coi là một ông vua chính thống, được xếp riêng thành một kỷ gọi là “Kỷ nhà Triệu”. Ngô Sĩ Liên đã từng nhắc lại lời Lê Văn Hưu tán tụng công đức của Triệu Đà: “Triệu Vũ đế khai thác đất Việt ta mà tự xưng đế, trong nước đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là lão phụ, là người mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy cũng to lắm vậy”(1).
Trong Đại Việt sử ký tiền biên, thì khác hẳn. Ngô Thì Sĩ không coi Triệu Đà là vị vua chính thống, thời kỳ Triệu Đà nắm quyền không phải thời kỳ tự chủ mà là thời kỳ Ngoại thuộc, do đó, ông chép thành kỷ “Ngoại thuộc Triệu Vũ đế”. Ngô Thì Sĩ đã nói rất rõ quan điểm của ông: “Không nhận Đà là vua, là để cho nước ta thành một nước riêng đấy”(2). Ông còn phân tích rõ bản chất quỷ quyệt của Triệu Đà và khẳng định Triệu Đà chính là kẻ đầu tiên gây họa cho nước ta, ông nói: “Triệu Đà đời Tần chỉ là một quan lệnh. Nhân nhà Tần loạn chiếm cứ đất Lưỡng Quảng. Lưu, Hạng đang tranh địa vị ở Trung Nguyên, chưa rỗi tính đến đất Lĩnh Nam. Sau khi nhà Hán ổn định Cao Tổ cũng thấy chán ghét binh đao, chán công trạng. Văn đế nối ngôi lại càng ngại dùng vũ lực… Đà nhân đấy buộc Mân Việt, Tây Âu phải lệ thuộc vào mình, xưng là “Hoàng Đế” để đề cao mình cho khác biệt. Song tự biết sức mình không địch nổi nhà Hán…bèn bỏ hiệu để tự xưng là bề tôi, dâng lễ công để làm vừa lòng nhà Hán, càng thấy rõ chỗ quỹ quyệt của Đà… Các nhà làm sử như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên lấy công mở đầu nghiệp đế mà quy cho Đà … Hết sức tán dương đức khiêm tốn của Đà là sai đấy… Đà chiếm Ngũ Lĩnh, chỉ khổ vì lòng tham không biết thế nào là đủ, lại tiêu diệt An Dương mà thôn tính đất đai, truyền được vài đời, rồi mất. Bản đồ sổ sách thuộc nước cũ của An Dương phải nhập vào nhà Hán do đó nước ta thành nguồn lợi cho Trung Quốc… nước ta ngoại thuộc vào Triệu, nên nội thuộc vào nhà Hán, cho mãi đến đời Đường quốc thống bị đoạn tuyệt, suy nguồn gốc người đầu tiên gây nên tai vạ không phải Đà thì còn ai ? Hơn nữa, Đà đặt nước ta làm quận huyện, chỉ biết tịch thu đất đai, vơ vét thuế má, chỉ cốt đầy ngọc bích cho nhà Hán, chất túi Lục Giả có đủ nghìn vàng. Còn như giáo hóa phong tục, không mảy may để ý đến. Trải qua hàng trăm năm đất nước chỉ là lệ thuộc… Lê Văn Hưu đặt phép chép sử đó, lập lối nghị luận đó, Ngô Sĩ Liên theo lối hiểu nông cạn đó mà không sửa đổi, cho đến bài Tổng luận của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm cùng nhau ca tụng cho Đà là bậc vua giỏi của nước mình. Đến nay đã trải hàng nghìn năm không ai cải chính, bởi vậy tôi phải luận thật sâu”(3).
Cuối cùng, ông kết luận: “Cho nên tiếc Ngũ Lĩnh, là tiếc cái sau khi bà Trưng mất, chứ không đáng tiếc cái trước khi Triệu Đà mất”(4). Bởi vì Bà Trưng mất, nước ta rơi vào tay nhà Hán, lại thành quận huyện của nhà Hán, chịu sự cai trị tàn ác của quân nhà Hán. Còn Triệu Đà mất hay còn thì nước ta vẫn mất độc lập, mất chủ quyền, vẫn bị quân Trung Quốc thống trị.
Quan điểm của Ngô Thì Sĩ về Triệu Đà thật rõ ràng dứt khoát. Quan điểm đó cũng được biểu thị khi tác giả đánh giá nhân vật Sĩ Nhiếp.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên coi Nhiếp là bậc vương, đặt hẳn thành kỷ gọi là “Kỷ Sĩ Vương” và viết “ Nước ta thông thi thư, quen lễ nhạc, thành một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Vương. Công đức ấy chẳng những chỉ thấy ở đương thời, mà còn truyền mãi đến đời sau, há chẳng lớn sao?”(5). Lê Văn Hưu cũng như Ngô Sĩ Liên đã đề cao Sĩ Nhiếp đến tột độ, cho Nhiếp là người mở mang nền văn hiến của nước ta, ca tụng đức khiêm tốn, tài văn chương của Nhiếp.
Trong Đại Việt sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ không gọi Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương, không xếp thành một kỷ “Sĩ Vương”. Ông cho rằng “Nhiếp chỉ là hạng quan thú mục, chỉ đáng xếp vào kỷ nội thuộc”. “Nhiếp tuy có tài, nhưng là người phương Bắc đến nhận mệnh làm thái thú; Nhiếp tuy có học vấn, giải sách Xuân thu, nhưng chỉ là để cho bản thân chứ chưa từng dạy dân trong nước, thực ra chưa bằng Tích Quang, Nhâm Diên(6). Hai ông Tích Quang, Nhâm Diên cũng chưa được chép riêng thành ký huống là Sĩ Nhiếp, cho nên tôi đã tước bỏ đi, cho vào kỷ nội thuộc theo lệ quan thú mục”(7). Đại Việt sử ký tiền biên là bộ quốc sử đầu tiên đã phê phán sai lầm kéo dài của các nhà sử học lúc đó khi coi nhà Triệu là một vương triều chính chống, coi Sĩ Nhiếp là ông tổ của nền văn hiến nước Nam và do đó, tác giả Đại Việt sử ký tiền biên đã không xếp Triệu Đà, Sĩ Nhiếp làm kỷ riêng, đấy là một quan điểm rất mới, rất tiến bộ của Đại Việt sử ký tiền biên, chứng tỏ tinh thần phê phán, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc rất chính đáng của tác giả. Tư tưởng này được quán triệt trong toàn bộ nội dung bộ quốc sử của vương triều Tây Sơn.
2) Đại Việt sử ký tiền biên tuy biên soạn trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư nhưng là một bộ sử riêng biệt mang tính chất một bộ sử luận phong phú. Bởi lẽ tác giả đã cố ý tập hợp lời bàn của nhiều sử gia nổi tiếng như lê Văn Hưu đời trần, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Nguyễn Nghiễm đời Lê và chủ yếu lời bàn của chính tác giả. Mỗi sự việc xẩy ra, mỗi đời vua, mỗi triều đại, mỗi nhân vật v.v… tác giả đều có những lời bàn xác đáng, lý luận chặt chẽ, lời lẽ đanh thép. Tất cả có tới 467 lời bàn. Sau mỗi triều đại đều có tổng luận, trong đó khen chê rõ ràng, khiến người đọc có thể tóm tắt được lịch sử của cả một triều đại. Sau đây là một vài lời bàn về một số nhân vật lịch sử, một số sự kiện v.v…
Về cuộc nổi dậy chiếm cứ Hoan Châu của Mai Hắc Đế, Ngô Thì Sĩ đã phê phán cách nhìn của sử cũ (Lê Văn Hưu) và ông nói rõ quan điểm của mình: “Đương lúc nội thuộc, Mai Hắc Đế ở Nam Đường khởi binh chiếm giữ châu, không chịu sự trói buộc của bọn quan lại bạo ngược, cũng là tay lỗi lạc trong bực thổ hào. Thành công thì có Lý Bôn, Triệu Quang Phục; không thành công thì có Phùng Hưng, Mai Thúc Loan. Họ đáng được biểu dương. Nhưng sử cũ lại chép là “tướng giặc” là sai lắm”.
Về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, tác giả hết lời biểu dương sự nghiệp của hai nữ anh hùng này. “Không gì khó thu phục bằng lòng người, không gì khó tập hợp bằng thế nước, lại càng không gì khó bằng một phụ nữ mà tập hợp được nhiều nam giới làm người đồng chí với mình. Nước Nam nội thuộc đã từ lâu… Bà Trưng là một đàn bà góa vấn tóc vùng lên, con trai trong nước đều cúi đầu chịu sự chỉ huy của bà, quan chức hơn 50 thành cũng phải nín hơi không dám chống cự… Tiếng tăm của bà chấn động cả Man Di, Hoa Hạ; cơ nghiệp mở mang của bà khuyâý động cả đất trời. Ôi ! thật anh hùng thay!”(8).
Về chiến thắng của Lý Thường Kiệt, Ngô Thì Sĩ cũng đánh giá cao: “Cho nên tôi cho là chiến dịch ỏ Châu Ung, Châu Liêm là võ công bậc nhất từ trước tới nay. Lý Thường Kiệt là một hoạn quan lập được công trạng thần kỳ, người Tổng phải hổ thẹn với ta nhiều lắm. Xét thấy chiến dịch này nước ta tỏ rõ được binh uy. Người Tống cho là nước ta đang mạnh muốn lấy ân ý mà vỗ về. Từ đó những lễ nghi tiến công và hình thức giấy tờ không dám trách móc hà khắc, chỉ sợ trái ý ta lại sinh thù hận”(9).
Về chiến thắng của Ngô Quyền, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ nhận xét chung chung. “Nhà Tiền Ngô nổi lên được không những chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”(10). Trong Đại Việt sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ lại đánh giá rất cao công lao của Ngô Quyền, ông nói: “Chiến dịch ấy giả sử Ngô Quyền không đánh cho một trận thật đau để đập tan nhuệ khí, bẻ gẫy mũi nhọn, thì bọn chúng sớm muộn sẽ đắc chí, cái thế nội thuộc lại dần dần hình thành. Cho nên chiến thắng Bạch Đằng là cơ sở của việc phục hồi quốc thống”(11).
Đối với kẻ thù, thái độ của Ngô Thì Sĩ được thể hiện trong Đại Việt sử ký tiền biên rất rõ ràng, sáng suốt và dứt khoát. Ông đã nhận định triều đình phong kiến Trung Quốc như sau: “…An Nam là nơi đô hội lớn, ruộng ưa trồng lúa, đất ưa trồng dâu, núi thì sản sinh vàng bạc, bể thì sẵn có ngọc châu. Kẻ buôn bán đến đây phần nhiều giàu có. Họ(12) lấy làm thèm thuồng muốn đặt nước ta làm quận huyện, bắt dân ta phải làm tôi tớ đã từ lâu. Khi chưa được thì muốn cho được, khi được rồi lẽ nào lại buông tha”(13). Cho nên “một thổ hào nổi lên thì quận thú dập tắt; một quận thú nổi lên thì thứ sử tập hợp lại mà đánh; thứ sử nổi lên thì Trung Quốc dốc toàn lực mà trị ngay”(14). Bản chất của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán Trung Quốc dốc toàn lực thôn tính ta là thế đấy.
Đối với cách chép sử của các sử gia đời trước, Ngô Thì Sĩ cũng mạnh dạn phê phán nhiều sai lầm của họ. Ví dụ trong “Ngoại kỷ thuộc Triệu”, ông nói: “Xét thấy một thời đại ngoại thuộc họ Triệu, sử cũ chép từ Vũ đế đến Thục Dương Vương đều phỏng theo sử nhà Hán mà biên chép thành sách.. Đà thuộc Hán, Giao Nam ta lại thuộc Đà, nên những hiện tượng tương ứng với Đà cũng đã không đáng ghi rồi, huống gì nhà Hán chép những biến dị của mặt trời và sao là để giúp cho việc chiêm nghiệm chứ liên quan gì đến Đà; nay đã nhầm mà đưa Đà vào hệ quốc thống, lại theo đấy mà bắt chước sự ghi chép của sử Hán cốt cho đầy sách sử, không xem xét có đúng hay không. Như thế thì đáng gọi là “dã” chứ không đáng là “sử”… sao có thể ghi chép nhầm như thế được. Cho nên tôi tước bỏ đi”(15). Cũng trong “Ngoại kỷ thuộc Triệu”, ông lại nhận xét: “Hai nước Mân Việt đánh nhau không phải việc của nước mình. Hơn nữa, Hoài Nam can việc đánh Mân Việt mà người Hán không nghe cũng không phải là việc bức thiết. Bức thư can gián của Hoài Nam mà sử cũ chép đã thấy trong sử nhà Hán rồi cho nên bỏ đi”(16). Trong kỷ nhà Lý, Ngô Thì Sĩ cũng nêu lên một số nhận xét phê phán: “Trong khoảng hơn 200 năm nhà Lý dựng chùa xây tháp, hết thảy các việc thờ Phật đều chép to chép đặc cách. Người biên soạn không biết đó là rườm rà, người hiệu đính cũng theo lối hủ lậu đó. Thật không đúng phép làm sử”(17). Ông phê phán sách chép sử của Lê Văn Hưu: “Lê Văn Hưu, rất tin điềm lành, thấy sự việc ghi trong lịch ngày của thời đại trước là ghi chép vào sử sách. Thế mà điển chương pháp lệnh của một thời đại thì không ghi. Rõ ràng là không đúng phép làm sử”(18).
Đại Việt sử ký tiền biên thể hiện một tinh thần phương pháp viết sử mới, tiến bộ. Tác giả đã phê bình lối viết cẩu thả không khảo cứu, thiếu khoa học của các sử gia thời trước, nhiều chỗ ông phê bình rất gắt gao và thẳng thắn. Lời bàn trong Đại Việt sử ký tiền biên vô cùng phong phú và đa dạng, đặc biệt là lời bàn của tác giả, thể hiện quan điểm dân tộc, tình yêu nước thương dân, căm ghét kẻ thù, bênh vực lẽ phải, khen chê đúng mức v.v…
3) Một giá trị đặc biệt nữa của Đại Việt sử ký tiền biên là tác giả đã tra cứu bổ sung được khá nhiều sự kiện, cải chính được khá nhiều sai sót của sử cũ mà chính bộ Việt sử thông giám cương mục đời sau đã phải theo. Đây là một điểm đáng chú ý và rất bổ ích cho người làm công tác nghiên cứu sau này và chính nó cũng nói lên được giá trị khoa học của bản thân tác phẩm. Xin đơn cử vài ví dụ:
Tất cả các sách sử của ta đều chép “Bà Trưng đã lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam”. Đại Việt sử ký tiền biên đã cải chính: “… Tổng cộng là 56 thành, sử cũ theo sử nhà Hán lầm là 65 thành, cho nên cải chính”(19). Trong sách; ông đã liệt kê từng thành và cộng lại là 56 thành. Về cái chết của Lý Nam Đế, ông đã vạch trần sự xuyên tạc của sử nhà Lương như sau: “Nói vua Lý Nam Đế ở trong động Khuất Liêu bị người trong động giết cắt tai dâng nhà Lương là nói khoác đấy”.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đại Hành hoàng đế, vua họ Lê, huý là Hoàn, người Ái Châu”(20). Đại Việt sử ký tiền biên nêu lên một ý mới: “Lê Đại Hành người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm chứ không phải người Châu Ái. Sử cũ chép nhầm”. Trong kháng chiến chống quân nguyên, về sự kiện năm 1288, Đại Việt sử ký tiền biên cũng có những giám định nói về sử liệu: “Xét sử cũ có ghi năm đó quan quân hội đánh ở ngoài cửa bể Đại Bàng, bắt được 300 chiếc thuyền tuần tiễu của giặc, người ngựa chết rất nhiều. Chiến dịch đó là do Khánh Dư đón đánh thuyền lương của nhà Nguyên. Nhà viết sử không khảo kỹ sự thực đó, cứ nói suông là quan quân. Còn chiến thắng của Khánh Dư lại ghi vào mùa đông năm Đinh Hợi. Cho nên cải chính lại mà ghi sự việc đó xuống dưới, để giữ lại sự ghi chép cũ. Hoặc sử cù chép Nguyễn Khoái đánh nhau với giặc bắt được Bình chương sự là áo Lỗ Xích. Nay tra Bắc sử thì áo Lỗ Xích là tướng đường bộ của nhà Nguyên, người đã cùng Thoát Hoan kéo quân đường bộ trở về. áo Lỗ Xích chưa hề đến Bạch Đằng mà bị Nguyễn Khoái bắt. Người bị bắt chỉ là viên tướng nhỏ… Những loại tương tự như vậy khảo xét không rõ, lường đặt không tường đã vội ghi vào sách làm cho người đọc nghi ngờ cho nên lược bỏ”(21).
Trong suốt 17 quyển của bộ sử còn nhiều chi tiết trận đánh, sự kiện lịch sử, địa danh thay đổiv.v… đã được bổ sung hoặc cải chính, mà chúng tôi không thể nêu ra hết được. Tóm lại, Bộ Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ được sử quán triều Tây Sơn in là một bộ quốc sử rất giá trị. Nó không những thể hiện được quan điểm tiến bộ cảu tác giả mà còn là bộ sử luận phong phú và có tính khoa học cao. Hy vọng rằng một ngày gần đây, bản dịch của bộ Sử này sẽ được xuất bản để phục vụ yêu cầu của giới nghiên cứu khoa học xã hội và tất cả ai muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc.
CHÚ THÍCH
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Nxb. KHXH Hà Nội, 1972, Tập I, tr. 78 (2) Đại việt sử ký tiền biên, Bản chữ Hán, Ngoại kỳ, q.2, tr.9. (3) (4) Sđd. tr.11. (5) Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, q.3. tr.102. (6) Tích Quang, Nhâm Diên là hai thái thú do nhà Hán cử sang nước ta thời thuộc Tây Hán. (7) Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, phần Ngoại kỷ, q3, tr.14. (8) Sđd, Ngoại kỷ, q.3, tr.6. (9) Sđd, Ngoại kỷ, q.3, tr.15. (10) Sđd, tr.148. (11) Sđd, Ngoại kỷ, q.7, tr5. (12) Chỉ các triều đại phong kiến Trung Quốc. (13) Sđd, Ngoại kỷ, q.6, tr.24. (14) Sđd, Bản kỷ, q.1, tr.7. (15) Sđd, Ngoại kỷ, q.2, tr.8. (16) Sđd, tr.12. (17) Sđd, tr.6. (18) Sđd, Bản kỷ, q.2, tr.11. (19) Sđd, Ngoại kỷ, q.3, tr.5. (20) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập I, tr. 160. (21) Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, Bản kỷ, q.1, tr.2.

Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh

- Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh
- Nhìn lại Tây Sơn (I)

Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh
Nguyễn Văn Lục

Mới đây, bạn bè có gửi cho tôi một bài viết của cố giào sư Trần Quốc Vượng nhan đề : Mấy vấn đề về vua Gia Long. Bài tham luận của gs Trần Quốc Vượng được viết cho một buổi Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1996. Nhưng do liên quan đến quan điểm chính trị mà buổi hội thảo bị bãi bỏ và bài của gs Trần Quốc Vượng cũng chưa được đăng lần nào.
Theo gs Vượng, quan điểm sử học của Hà Nội là phủ định sạch trơn(table rase) về thời Nguyễn và nhà Nguyễn.
Bài viết của gs Vượng phù hợp quan điểm của tôi là cần nhìn lại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh!! Bài tham khảo của tôi chắc hẳn đã từng gây sốc và sẽ gây sốc, làm phiền lòng nhiều người vì đụng chạm đến những điều không được phép đụng chạm!! Biết làm sao được. NVL

Lịch sử bao giờ cũng ở số nhiều.
Vì thế có thứ lịch sử của kẻ cai trị, kẻ cầm quyền và nhất là thứ sử của kẻ cầm bút mà đôi khi họ chỉ là thứ cung văn. Trong các chế độ tài đảng trị bây gìờ thì nhà sử học bị liệt vào hạng văn nô. Chẳng hạn như trường hợp sử gia Dương Trung Quốc mà Tưởng Năng Tiến đã nêu tên trong một bài viết mới đây của anh.
Trong khi đó, lịch sử lại chỉ có thể xảy ra duy nhất một lần.
Phần còn lại của lịch sử được viết đi, viết lại nhiều lần tùy theo mỗi người và tuy theo mỗi thời kỳ.
Trong lịch sử Việt Nam có hai nhân vật lịch sử cách đây hơn 200 năm, người này người kia đã làm nên vận mệnh lịch sử Việt Nam là Tây Sơn Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh Gia Long. Vóc dáng và sự nghiệp của họ đã được huyền thoại hóa, được vinh danh hoặc đã bị bôi nhọ và bị người đời nguyền rủa tùy theo ngòi bút của các người viết sử.
Vấn đề ở đây là có một thứ lịch sử của những nhân vật lịch sử hay là thứ lịch sử của những người viết sử? Muốn nhìn lại chân diện những nhận vật lịch sử này quả thực không dễ. Một phần phải xóa đi những lớp bụi thời gian đã đóng rêu, đóng mốc đến mọc rễ trên họ. Một phần phải bỏ đi những định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người như một thứ chân lý, sự thật hiển nhiên.
Đó là hai công việc đồng thời phải làm.
 Chẳng những phải xóa bỏ thần tượng trong sách vở, xóa bỏ những đám mây mù tài liệu và hơn tất cả, xóa bỏ thần tượng trong đầu mỗi người mà công việc ấy gần như thể là một công việc tẩy não.
Và nhiệm vụ của sử học không thể câu nệ chỉ căn cứ vào sự đồng tình ít hay nhiều của người đời rồi cứ thế trôi theo. Bài viết này mong trả lại được công đạo cho sự thật và một cách gián tiếp giải trừ một số huyền thoại về Tây Sơn Nguyễn Huệ và trả lại công đạo cho Nguyễn Ánh dựa trên một số công trình của các nhà nghiên cứu chuyên ngành về sử.
Người viết cùng lắm chỉ làm công việc thông tin qua những kiến thức sử của các vị chuyên ngành viết sử.

1. Có sự chênh lệnh quá đáng về số lượng tài liệu viết về Tây Sơn
Người viết nhận thấy có một sự thuận lợi rõ ràng về số lượng tài liệu viết về Tây Sơn và sự bất lợi vì quá ít tài liệu viết về phía Nguyễn Ánh. Số lượng chênh lệch về tài liệu có một ý nghĩa gì? Phải chăng những người viết sử chạy theo số đông như về hùa? Hay viết với nhiều cảm tính?
Động cơ nào đã thúc đẩy họ viết như thế? Có thể động cơ chính trị là chính yếu.
Hiểu được những động cơ thúc đẩy họ viết là hiểu được một phần sự thật. Chẳng hạn cộng sản Hà Nội trước đây đã hết lời ca tụng Tây Sơn nhằm lợi dụng Tây Sơn. Nhưng phía các nhà viết sử Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 cũng phần đông bốc Tây Sơn thì do động cơ nào?

Phía tài liệu sử nhà Nguyễn, ngoại trừ một số sách sử của triều Nguyễn viết một cách chính thức như Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam Thực lục tiền biên và chính biên viết theo lối biên niên. Đây là số lượng tài liệu đồ sộ, nhưng lại không dễ được tiếp cận và nay dù đã dịch từ Hán ra Việt cũng không mấy người có để đọc.
 Người viết đọc các tập tài liệu này, măc dầu có những khuyết điểm không tránh được như sự rườm rà, quá chi ly từng sự việc, nhưng rõ nét tính chính thống.
Không thể phủ nhận tinh thần công tâm, nhân cách các nhà viết sử biên niên triều Nguyễn. Tất cả trên dưới gồm 30 vị.
Nhiều sự kiện lịch sử nay vẫn có giá trị sử học vô giá.
Ngoài thứ chính sử đó ra thì hầu như không có mấy ai “ở ngoài luồng” sau này để công sức viết đến nơi đến chốn về 100 năm nhà Nguyễn Gia Long.
25 năm Nguyễn Ánh nằm gai nếm mật lao đao. Ông vào sinh ra tử. Và gần 100 năm dòng họ ngồi ở ngôi báu.
Biết bao điều để phải nói, phải viết.
Không lẽ chúng ta lại phải ngồi đợi một nhà sử học ngoại quốc nào đó lò mò để cả đời ra viết hộ chúng ta?
Triều đại Tây Sơn ngắn ngủi mà đều là những năm bận rộn với chinh chiến. Liệu Tây Sơn đã thực sự làm được gì? Vậy mà người ta có thể ngồi “vẽ ra” nào là về chính tri, ngoại giao, chính sách về tôn giáo, tiền tệ, v.v… và v.v…và ngay cả văn học thời Tây Sơn nữa.
Trong khi nhà Nguyễn phải mất 88 năm mới biên soạn xong bộ Đại Nam Thực Lục mà số người đọc được đếm trên đầu ngón tay! Vì những sách này lại rất khó đến tay người đọc vì phần đông dân chúng không biết chữ Hán.
Cho nên đối với phần đông dân chúng vì không được đọc chính sử nhà Nguyễn nên chỉ nghe nói về sử hơn là đọc sử. Biết về Nguyễn Ánh phần đông chỉ là nghe lời đồn hơn là đọc sử. Đây là điều bất lợi không nhỏ cho Nguyễn Ánh Gia Long bị bao vây bởi một thứ sử dân gian, truyền miệng. Làm thế nào bịt miệng dân gian?
Tư liệu viết về Quang Trung đã nhiều lại viết một cách thiên lệch.
Hiện tượng tài liệu sử viết về Quang Trung lấn lướt tài liệu viết về Nguyễn Ánh là điều có thực. Có thể nó bắt đầu kể từ khi Trần Trọng Kim, một sử gia Việt Nam dưới thời chính phủ Bảo Đại viết bộ sử Việt Nam Sử lược với một cái nhìn mới về vua Quang Trung.
Nó đã mở đầu cho một trào lưu viết sử về Quang Trung với nhiều hào quang, với nhiều danh xưng tán tụng như “anh hùng áo vải, anh hùng dân tộc dựng cờ đào, Cách mạng nông dân Quang Trung Nguyễn Huệ và Napoleon, nhà ngoại giao xuất sắc, Nguyễn Huệ với chiến lược con người vv,,
Nói không quá đáng là có sự hình thành một dòng Văn sử học viết về Tây Sơn.
Đồng ý phải nhìn nhận ở một mặt nào đó, đôi khi một dân tộc cũng cần được nuôi dưỡng bằng một số hào quang lịch sử như thế chấp cho sự tầm thường và kém cỏi của đời sống.
Sức quyến rũ về hình ảnh một Quang Trung anh hùng làm nức lòng mọi người, khơi dậy tình tự dân tộc phải chăng cũng là một điều cần và đủ.
Nhưng liệu nó có thể thay thế cho sự trung thực của sử học?
Duyên Anh đã có lần viết mơ được làm Người Quang Trung. Từ đó, nhiều giới trẻ trong Nam trước 1875 cũng mơ như thế!!
Tài liệu sử viết về Quang Trung nhiều đã đành. Cạnh đó, thơ văn, kịch nghê, sân khấu, tiểu thuyết, sách giáo khoa, tên các địa danh, ngay cả các lễ hội đã dành một chỗ cao cho “người anh hùng áo vải”.
Phải chăng có một thứ sử học, văn học và văn hóa Quang Trung thấm đẫm tình tự dân tộc, đất nước, con người theo cái tinh thần chúng ta sống với thời đại của những người anh hùng?
Và cứ thế tiếp nối sau đó có cả hơn một ngàn tài liệu sách vở viết về Quang Trung. Cuốn sách viết về Tây Sơn được một số nhà viết sử tham khảo rộng rãi là cuốn của Hoa Bằng: Quang Trung, Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc 1788-1792, Sàigòn,1958.
Tựa đề sách coi Tây Sơn là anh hùng như một khẳng định vị thế của Quang Trung trong lịch sử và nhất là trong lòng người.
Nguyễn Phương với cuốn Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, Sài Gòn, Khai Trí, 1967
Người ta có thể đồng ý với nhau là tài liệu viết về Quang Trung thì nhiều. Nhưng phải chăng viết giống nhau cũng nhiều.
Trong đó có nên nhìn nhận tính chất viết nhái và thời thượng có phần trổi bật không?
Người trước viết thế nào thì người sau viết lại như thế. Nó chẳng khác gì khi có phong trào “thời thượng triết hiện sinh” sau này.
Phải chăng có một phong trào, một sùng bái Tây Sơn?
Ở miền Nam, tập san Sử Địa là “ấn tượng và biểu tượng” nhất của phong trào này cũng đã trôi theo một dòng chảy “thời thượng” Tây Sơn. Trong đó Tập san Sử Địa đã dành ba số chủ đề bàn về Tây Sơn.
Ý hướng thiện chí thì có. Nhưng nay đọc lại thấy một số bài tham khảo viết dựa trên những kiến thức “định sẵn”, phần biện luận một chiều được chú trọng nhiều hơn phần tài liệu sử.
Đây là tính chất đặc biệt của các cây viết sử Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 và có thể cả sau 1975 viết trong tình trạng thiếu tài liệu. Càng thiếu tài liệu thì càng biện giải thay vì trưng dẫn tài liệu.
Đã thế, cách viết, cách chọn tài liệu, nhất là phong cách, ngôn ngữ xử dụng cho người đọc bây giờ có cảm tưởng một số vị ấy tránh những tài liệu xem ra bất lợi về Tây Sơn.
Đó là lối viết sử viết một chiều. Đó cũng là tính chất đặc biệt của một số người viết sử mà đôi vị dù viết rất cảm tình, rất thiên lệch, phong cách viết, ngôn ngữ xử dụng đọc thấy “tự cao” ngoài khuôn khổ mà vẫn tự khoác cho mình vai trò sử gia viết trung thực.
Vì thế nói chung trong các bài tham khảo ấy, hầu như không có mấy bài chú trọng đến tài liệu sử Trung Hoa đời Càn Long. Cũng ít chú trọng đến các tài liệu do phía người Pháp qua những phúc trình và thư từ của các giáo sĩ thừa sai gửi về cho gia đình hoặc tu hội của họ. Tài liệu này dài đến mấy ngàn trang mà một phần dành cho Việt Nam.
Ngày nay, ai muốn đọc đều dễ dàng tham khảo. Nhan dề là: Choix des lettres Edifiantes, Ecrites des missions Etrangers.
 Tôi nhận thấy các nhà viết sử Hà Nội chẳng những không xử dụng tài liệu của nhà Thanh mà cũng không thấy ai trích dẫn những lá thư thừa sai cũng như Bulletin des amis du vieux Hue. ( Viết tắt là B.A V.H). Những tài liệu này đã được người Pháp cho dịch ra tiếng Việt. Chỉ riêng mình Leopold Cadiere đã viết khoảng 250 bài  liên quan đến Việt Nam.
Chẳng lẽ những tải liệu này đều vô giá trị cả sao?
 Những tài liệu này ngoài tính chất quý báu là cái nhìn tại chỗ và không bị chi phối nhiều về phe phái chính trị hẳn là có ưu điểm nói lên một phần sự việc đã xảy ra.
Bà Đăng Phương Nghi người đầu tiên dịch các tài liệu sang tiếng Việt như hai tài liệu: “Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Sử Địa số 9-10, 1968, tr94-243 và “Triều đại vua Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây Phương”, Sử địa số 13, Sàigòn 1969, tr.143-180.
Tài liệu đã hiếm hoi. Nhưng có một số tài liệu “đầu tay”, đầu nguồn cùng thời với sự kiện lịch sử như thế này thì lại úy kỵ không dùng. Riêng người viết bài này thì ngược lại không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi đọc sấp tài liệu này.
Phải đọc để thích thú với những sự kiện lịch sử về người, về việc cách đây trên hai thế kỷ. Nó diễn ra như thật trước mặt.
Vậy mà ngay phần đông người viết sử miền Nam hình như tránh né, ít xử dụng các loại sử liệu của các thừa sai Pháp. Phải chăng vì nó trình bày những “bất lợi”cho Tây Sơn.
Xem ra nhiều nhà viết sử dị ứng với kho tài liệu này? Phải chăng vì nội dung của chúng đi ngược với những kiến thức sử quen thuộc, hay nội dung đụng chạm đến thần tượng Quang Trung mà họ đã trót tô vẽ?
Có người như Vũ Ngư Chiêu không ngần ngại xếp chúng vào loại tài liệu “lời đồn” hay “nghe kể”.
Hoặc cho rằng các nhà truyền giáo này không có ý định viết sử. Hoặc họ có lập trường chính thống ngả theo ủng hộ Nguyễn Ánh thay vì “tiếm vương” Quang Trung.
Nhưng, theo người viết, chính vì họ không có ý định viết sử, mà điều họ viết chỉ kể lại nên về mặt sử liệu lại rất sử hơn ai hết!!
Vì thế, đấy vẫn là thứ tài liệu đầu nguồn, trực tiếp bằng sự có mặt của họ như một nhân chứng sử.
Sự kiện họ là nhân chứng là điều quan trọng nhất. Cùng lắm, ta dùng chúng với sự thận trọng như bất cứ tài liệu sử nào.
Xin nêu ra ở đây như một bằng chứng là những vấn đề như chiến dịch Tây Sơn đánh ra Bắc cũng như lịch sử nhà Tây Sơn trong hơn 40 số Tập San Sử Địa với rất nhiều giới hạn tài liệu.
• Chủ đề thứ nhất: Đặc Khảo về Quang Trung. Trong đó có đến 4 bài viết của Tạ Chí Đại Trường như: Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính của Tây Sơn – Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn v.v… Hoàng Xuân Hãn đóng góp với bài: Việt Thanh chiến sử theo Ngụy Nguyên, một sử gia Trung Quốc đời Thanh. Tạ Quang Phát với bài: Vua Quang Trung qua chính sử triều Nguyễn. Nhưng một tài liệu không thể bỏ qua được của bà Đặng Phương Nghi trích và dịch ra từ Văn khố Âu Châu bao gồm các thư: Lettres Édifiantes et Curieuse của Gia Tô Hội.
• Chủ đề thứ hai được thực hiện ngay năm sau, tháng1-3, năm 1969 để kỷ niệm: Kỷ niệm chiến thắng Xuân Kỷ Dậu, Đống Đa. Tạ Chí Đại Trường như thường lệ có bài: Đống Đa, mâu thuẫn văn hóa vượt biên giới. Hoàng Xuân Hãn với Bắc Hành Tùng Kí. Nguyễn Nhã với: Tài dùng binh của Nguyễn Huệ. Đăng Phương Nghi dịch: Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây Phương.
• Chủ đề thứ ba số tháng 1-3, 1971: 200 năm Phong Trào Tây Sơn với các bài của
Hoàng Xuân Hãn: Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập “Cử Trung Ngân”. Việc mất đất 6 châu Hưng Hóa của Nguyễn Toại. Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt giáo sĩ Phương Tây, bản dịch của Nguyễn Ngọc Cư (tài liệu Nha Văn Khố Pháp do bà Đặng Phương Nghi để lại trước khi bà sang Pháp dạy học ở Đại học Sorbonne).
Trong cả ba số chủ đề trên, sự đóng góp của Tạ Chí Đại Trường là nhiều và trổi bật. Nhưng sự đóng góp của ông Hoàng Xuân Hãn và bà Đặng Phương Nghi trong cách nhìn mới, tìm tòi nhiều tư liệu là đáng kể hơn cả.
Ít ra hai người đã mở ra một hướng nghiên cứu sử học như mở một cái lối đi trong khu rừng rậm.

Phía các người viết sử miền Bắc
Phần các nhà viết sử miền Bắc xem ra “đi trước” các nhà viết sử trong Nam. Họ gán cho Tây Sơn những vai trò “cách mạng” đi trước cả Mác-Lênin. Và phải chăng Tây Sơn là ông tổ của cuộc cách mạng XHCN? Người ta đọc được các bài viết sau đây về Tây Sơn, Nguyễn Huệ:
- Xã hội Việt Nam trong thế kỷ XVIII và những phong trào nông dân khởi nghĩa.
- Đánh giá cuộc cách mạng Tây Sơn và vai trò lịch sử của Nguyễn Huệ.
- Nguyên nhân thành bại của cuộc cách mạng Tây Sơn.
- Cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn qua một ít bức thư của người ngoại quốc đã ở Việt Nam đương thời.
- Giới thiệu văn học Việt Nam thời Tây Sơn
- Một số tài liệu về vấn đề ruộng đất thời Quang Trung
Người ta cũng thừa hiểu rằng tất cả những người viết sử miền Bắc, dựa trên Sử quan duy vật biện chứng đã biến sử học trở thành công cụ cho chế độ ấy. Mặc dầu miền Bắc có một số trí thức đáng nể. Nhưng những vị này cũng tự khuôn mình vào lối viết theo “lề phải” như Nguyễn Đổng Chi, Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Trần Thanh Mại, Trần Văn Giàu, Vũ Ngọc Phan, Trần Đức Thảo.
Tôi có đọc đâu đây một bài viết của triết gia Trần Đức Thảo viết về Thằng Bờm. Ta quen gọi Thằng Bờm và Bờm trước sau chỉ là Bờm..Nhưng Bờm dưới mắt các ngự sử miền Bắc là biểu tượng cho nhà tranh đấu chống giai cấp phong kiến nên không được gọi bằng thằng. Phải gọi trân trọng là Anh Bờm!! Thật tội nghiệp cho Trần Đức Thảo! Tội nghiệp cho trí thức miền Bắc!! Tội nghiệp cho cả dân tộc Việt Nam. Và vì thế phải gọi Nguyễn Ánh là thằng Nguyễn Ánh và anh Tây Sơn!!
Có thể gọi chung đó là thứ sử phi sử. Đó cũng là là thứ sử nay phải viết lại hết, viết lại từ đầu vì những điều gì họ viết về nhà Tây Sơn thì đều chỉ có mục đích tuyên truyền.
Họ càng “tụng” Tây Sơn, Tây Sơn càng không phải Tây Sơn.
Sự ca tụng Tây Sơn có khác gì bây giờ họ đang “đánh bóng” Lý Công Uẩn?
Với những dụng ý như thế, Tây Sơn Nguyễn Huệ đã được bôi vẽ bằng rất nhiều hình ảnh không thật.
Sau 1975, Quách Tấn-Quách Giao có cho in Nhà Tây Sơn, xnb Trẻ, TP. HCM, 2000.
Đặc biệt có cuốn sách của Trần Quỳnh Cư-Trần Viết Quỳnh nhan đề: Mười ba đời nhà Nguyễn đã không thiếu những lời khiếm nhã đối với các vua nhà Nguyễn. Nhưng đặc biệt ở trang 172 có ghi: Hành động cách mạng “số một” của vua Bảo Đại, trích hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của Phạm Khắc Hòe cho thấy sự kính trọng của Bảo Đại đối với “ thánh” Nguyễn Ái Quốc!
Thánh Nguyễn Ái Quốc nay được tôn thờ trong một số đền chùa là phải!!

Những tài liệu ít ỏi viết về Nguyễn Ánh
Nhưng viết về Nguyễn Ánh, khó khăn và hiếm hoi lắm mới gom được vài bài như: “Một vài ý kiến về sự nghiệp Gia Long”, Phạm Việt Tuyền, Đại Học Huế, số 8 tháng 3/1958. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thế Anh: La Monarchie des Nguyên de la mort de Tu Đuc à 1925. Bài viết gần đây như: Đánh giá lại một số tài liệu về thời kỳ Tây Sơn, số 3, tháng 4-6, 2007, Dòng Sử Việt.
Bài viết này khá là quan trọng..
Mới đây nhất, có bài viết khá lý thú của Võ Hương An: Bàn về Tây Sơn, Nguyễn Ánh. Chuyện đời vay trả giải lý một phần nào những nỗi oan đổ trên đầu Nguyễn Ánh.
Có thể còn có một số bài viết khác mà người viết không thu tập được. Nhưng nói chung nó quá ít ỏi so với số lượng tài liệu viết về Tây Sơn.
Nhưng người viết tin rằng sẽ có những loạt bài khảo cứu nghiêm túc nhìn lại Tây Sơn trong tương lai. Riêng các nhà viết sử có tiếng tăm ở miền Nam trước 1975, chắc hẳn phải điều chỉnh lại tầm nhìn lịch sử về các chiến thắng cũng như con người Tây Sơn cho thích hợp.
Như nhận xét ở trên, ông Hoàng Xuân Hãn là một trong những người sớm nhận ra tính cách “một chiều” trong các bài khảo luận về Quang Trung. Vì thế, ông đã dịch Việt Thanh Chiến, theo Ngụy Nguyên, một sử gia Trung Quốc đời Thanh trong Càn Long chính vũ An-Nam ký, năm Đạo Quang thứ 22-1842 nhằm cân bằng kiến thức lệnh lạc một chiều của một số người viết. Bài viết này về mặt sử liệu nên được coi là một đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu chiến dịch đánh ra Bắc của Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Ông Hãn còn viết thêm bài: Phe chống Đảng Tây Sơn ở Bắc với tập “Cử Trung Ngân”
Ông cũng đã chú trọng và giới thiệu đến các bộ sách sử khổng lồ Đại Thanh Thật Lục được xuất bản bên Nhật để độc giả có thêm một cái nhìn “theo lề trái” về Quang Trung.
Cái ưu điểm của ông Hoàng Xuân Hãn mà một số sử gia thời đệ nhất và đệ nhị không có được là ông rành chữ Hán, tiếp xúc trực tiếp với tài liệu của Trung Hoa cũng giống như các ông Phan Khoang, Chen Ching Ho (Trần Kình Hòa).
Viết sử Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Hoa mà không rành Hán Văn, lại không chú trọng đến các tài liệu phía Trung Quốc phải chăng là một thiếu sót mang danh nghĩa một nhà sử học?
Cái ưu điểm của học giả Hoàng Xuân Hãn là cái nhìn cao và vượt trên tài liệu chỉ từ một phía. Và theo ông, cần tham khảo sử liệu từ nhiều phía.
Vì thế, viết sử ta mà không đọc được sử Tầu thì mất đi ít nhất một nửa sự thật.
Sau này, các người biên khảo sử như Nguyễn Duy Chính cũng đi theo hướng khảo cứu đó khi tìm hiểu - điều mà ông gọi là Đi tìm một mảnh khuyết sử- thông qua cuốn Khâm Đinh An Nam Kỷ lược. Cuốn sách của triều đình nhà Thanh tổng hợp tất cả những thư từ, chiếu biểu của vua Càn Long liên lạc trao đổi với nước ta.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Chính, đó là một văn bản hiếm quý để trong thư viện của vua Gia Khánh (1798-1820), đóng dấu Ngự Thư Phòng Bảo, được in lại do Cố Cung Bác Vật Viện biên tuyển, ấn hành lần thứ nhất vào tháng 6 năm 2000.
Vì thế khẳng định rằng viết về sử Việt mà thiếu sự tham khảo tài liệu sử Tàu thì dễ có nguy cơ rơi vào khiếm khuyết sử.
Sử một lần nữa phải viết lại và nhiều bài viết sử thập niên 1960 chỉ có giá trị thư tịch, tồn trữ đối chiếu mà không hé mở cánh cửa vào sự thật.
Cho nên phần đông các tham luận về sử, đặc biệt viết về Quang Trung Nguyễn Huệ đăng trong hơn 40 Tập San sử địa thì hiện nay chỉ có chút ít giá trị tham chiếu. Nếu không nói là phải viết lại toàn bộ.
Nguyen Phuc Anh - 1783

2. Những ngộ nhận và đánh giá sai lầm về Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ
Từ những thiếu sót về tài liệu cộng với “trào lưu văn sử học Tây Sơn” đã đưa tới tình trạng nhiều tác giả viết sử đã có định kiến về Nguyễn Ánh. Người ta có cảm tưởng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh có một cái trục về điều xấu và một trục về điều tốt. Sự phân biệt chính tà hầu như rõ rệt và phân minh lắm, Cái gì về phía Nguyễn Ánh là phản phúc, tàn độc, là dã man, là phong kiến. Cái gì về phía Quang Trung là anh hùng, hào kiệt, là cách mạng nông dân, là chiến thắng thần thánh, là “hết lời, hết ý”.
Tinh thần phân biệt thị phi giữa thiện ác, giữa xấu tốt là một “bước lầm” dẫm chân giữa các lãnh vực. Không phân biệt rõ ràng ranh giới và trách nhiệm giữa lãnh vực sử học, lãnh vực chính trị và lãnh vực đạo lý.
Nhiều nhà sử học thay vì trình bày khách quan sự việc đã nhảy chổm sang lãnh vực đạo lý, đưa ra những lời phê phán đáng nhẽ thuộc thẩm quyền đạo lý.
Việc phê phán sự “tàn ác” của Nguyễn Ánh mà bỏ quên bối cảnh lịch sử của thời đại ấy với khung pháp lý, chính trị của thời đại ông ta phải chăng là một thiếu sót? Chẳng hạn, việc phê phán hình phạt cho voi giầy thật đáng phê phán ở thời đại này, nhưng lại là việc “thông thường” trong khuôn khổ chính trị, pháp lý thời trước.
“Phong trào thần tượng Tây Sơn” còn lan tỏa ra chung quanh hào quang của ông ấy. Chẳng những Tây Sơn được coi như anh hùng hào kiệt đã đành mà đến tất cả các bộ tướng, các cận thần đến vợ con, đến những quan hệ “hôn nhân chính trị” chung quanh ông cũng tắm gội trong cái hào quang ấy.
Hầu như có một thế giới Tây Sơn, một thời đại Tây Sơn -một thời đại vàng son- không ai có thể nói khác đi được.
Các cận thần như La Sơn Phu Tử, Nguyễn Thiếp là những bậc trí giả, đạo đức cao vời. Họ vừa khôn ngoan, vừa đạo hạnh, vừa chính nhân quân tử, vừa nho phong đạo cốt, vừa ứng xử tuyệt vời ban ra những lời nói vàng ngọc đáng ghi khắc.
Cái hay của Huệ là chỗ biết nghe, biết dùng người tài.

Tay Son soldier
Về các tướng tá chung quanh ông như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân là những mãnh tướng can trường có đảm lược ngoài trận địa. Chẳng những thế còn có khí tiết cho đến lúc bị voi giầy. Ai ai không xúc động khi được nghe những lời đối đáp can trường giữa mẹ và con gái bà Bùi Thị Xuân.
Chỉ không ai ngạc nhiên hỏi xem ai là người đã được chứng kiến cái cảnh đau lòng đó và có đủ thẩm quyền ghi lại từng câu, từng chữ một cách trung thực? Để đến nỗi ngày có người đã viết lại cảnh đó trong dịp ngày lễ Vu Lan?
Tuyệt vời cái scénario này.
Ngọc Hân công Chúa với Ai Tư Vãn đi vào huyền thoại dân gian và sau này thể hiện qua Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác nhhư một bản Tình Ca bất hủ.
Nay thì từ lịch sử đã chuyển sang một công đoạn khác: Văn Học.
Từ lịch sử chuyển sang văn học dĩ nhiên có một đứt đoạn được bù khuyết bằng cái gọi là “hư cấu”. Nếu người viết sử ít nhiều còn dè dặt trách nhiệm, băn khoăn về sự đúng sai của sử liệu thì nhà văn tự vịn vai hai chữ “sáng tác” để viết gì thì viết.
Nhưng câu hỏi đặt ra là nhà văn có quyền viết tên thật các nhân vật lịch sử đồng thời ”hư cấu” tùy tiện? Đó là câu hỏi quan trọng được đặt ra, nhưng không thuộc lãnh vực của bài này.
Đó là chỗ khúc mắc chưa được giải đáp nên mới có câu chuyện nhà văn Trần Vũ nhân đọc Sông Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác thấy các nhân vật Nguyễn Huệ-Ngọc Hân, cô An, ông thày giáo “tròn quá, toàn bích quá”. Nguyễn Huệ vừa anh hùng, vừa đạo đức, vừa tôn sư trọng đạo, vừa tôn vinh tình yêu lý tưởng. Nguyễn Huệ là mẫu người toàn bích, văn võ song toàn, vì dân, vì nước, không ham danh cầu lợi..Cô An mê Nguyễn Huệ là phải, phần tôi đọc cũng mê luôn!!
Chẳng biết có phải vì thế mà Trần Vũ thấy “ngứa ngáy, khó chịu” mới viết truyện Mùa mưa gai sắc như một “viết ngược” lại tác giả Sông Côn mùa lũ?
Trong Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ”, ông đã “biến tướng” Ngọc Hân công chúa “lá ngọc cành vàng” thành một thiếu phụ “sẵn sàng tự cởi xiêm y cho mục đích nhằm” -một kẻ đối đầu với kẻ thù đã ám hại dòng họ nhà Lê.
 Bằng một bút pháp sắc bén như dao, lạnh lùng và tàn bạo. Dưới ngọn bút của Trần Vũ, Huệ không hơn không kém chỉ là một kẻ bạo dâm.
Trần Vũ cũng có cái lý của nhà văn. Lẽ thường tình cho thấy có lý nào Ngọc Hân lại dễ dàng “dâng hiến” cái tiết trinh tuổi 16 và quên nỗi nhục cho kẻ đã chiếm đoạt và hạ nhục cả dòng họ Lê? Có thể nào có một mối tình “đẹp như tiểu thuyết” giữa hai kẻ đáng nhẽ phải coi nhau như kẻ thù?
Ngọc Hân chẳng lẽ không nhớ cái cảnh gia đình tan nát vì “tiếm quân” Tây Sơn sau đây:
“Chẳng những thế Tây Sơn còn cho giết bào đệ vua Chiêu Thống khi đánh nhau với Tây Sơn. và Hơn thế nữa, khi mẹ vợ của ông bị điệu về triều đình, ông đà trách mắng bà thậm tệ vì mối cảm tình của bà đối với Đốc Chiêm. Số vàng do bà cấp cho Đốc Chiêm phải vào tay ông. Cuối cùng ông ra lệnh xử trảm vị tướng này ngày 1 tháng 6”.
Trích Những tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Đặng Phương Nghi, TSSĐ số 9-10, trang 209.
Chẳng lẽ những truyện “tàn độc” của Nguyễn Huệ đối với vua Lê, Ngọc Hân công chúa đều không biết?
Chỗ nào là sự thật lịch sử và chỗ nào là cái lý lẽ thế nhân thường tình?
Hãy đọc một trích đoạn lối viết ngược của Trần Vũ cho biết:

“Đêm ở phủ Chúa, Huệ bước chân lên lầu Tử Các, lòng âm ỉ cơn say. Sống với Huệ hơn một tháng, Ngọc Hân đã biết những thói quen chung chạ của Huệ. Thói quen của chứng bệnh thường thấy đi kèm với bệnh cuồng sát. Lẳng lặng, tự nguyện, không đợi Huệ bắt, nàng cởi xiêm áo đến quỳ trước chân giường. Cái liếc mắt của Ngọc Hân ném về phía Huệ sắc đến nổi gai. Huệ lấy roi, không phải dây đai của đêm hợp cẩn, mà là thứ roi gai của quản tượng dùng quất voi khi lâm trận. Ngọc Hân uốn lưng đợi, tóc xõa chảy xuống nền đá, không trang sức, không cả chiếc vòng kiềng cổ truyền của con gái Bắc Hà, chỉ dấu thẹo đỏ do sắt nung ở vai. Vết thẹo đã lên da non nhưng đoán được dấu tỉ ấn của Huệ. Hai ba tấm màn gấm dụ buông quanh chỗ Ngọc Hân quỳ, Huệ tiến tới một bước, hai bước, rồi vung tay quất. Đâu roi vút tiếng rít như rạch tấm màn gấm. Ngọc Hân oằn người bấu cứng lấy trụ giường. Huệ đã say máu, những chấm máu li ti tím bầm nổi trên lưng Ngọc Hân trông như những vết ong đốt, hay những giọt mực son rỏ trên lên vũng sữa. Huệ vung tay tới tấp”.
Đây là truyện ngắn mà người viết bài này đọc đến ngỡ ngàng, thích thú và sướng vô cùng. Đọc tiếp :
 “Đêm hôm đó, để mặc Huệ dày vò, đánh đá trong một cuộc truy hoan trước khi viễn chinh. Hân vừa rên rỉ vừa thì thào “nữa đi, nữa đi” như thách thức, dầu chỉ tưởng đến cái cơ nghiệp nhà Lê để quên nỗi đau của thể xác.”
Đọc xong, chỉ ước làm người Quang Trung của Trần Vũ!! Không phải của Duyên Anh.
Phải chăng cũng một cung cách ấy mà Nam Dao trong tập truyện dài lịch sử lấy bối cảnh triều Tây Sơn trong cuốn Gió Lửa?
Khiếp quá! Giữa cái “hư cấu“ của Nguyễn Mộng Giác và cái hư cấu của Trần Vũ và của Nam Dao thì đọc Trần Vũ, Nam Dao sướng hơn nhiều.
Tập truyện dài Gió lửa củ Nam Dao với “tuyệt hư cấu” và thay đổi cả “trục thời gian lịch sử” viết thật hay. Rất tiếc, phải cần một trình độ thưởng thức văn học nào đó nên cuốn truyện đã không được người đọc lưu tâm đủ.
Và cuối cùng trong Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn cầm bút ở ngoài Bắc với xác chết người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa, người tình của Nguyễn Huệ. Câu chuyện trong Phẩm tiết xoay quanh một cái chết mà chỉ nhà văn với giầu óc tưởng tượng mói viết ra được.
Một số nhà phê bình miền Bắc gọi Nguyễn Huy Thiệp “xuyên tạc lịch sử” hay là một thứ “ lịch sử giả”?
Nguyễn Huy Thiệp đã trả lời một cách đích đáng, “Không ai đánh nhau với cái xác chết, người ta chỉ khai thác các xác chết sao có lợi mà thôi.”
Phải chăng cái xác chết mà nhà văn muốn nói ở đây là sự thật lịch sử về Nguyễn Huệ?
Giữa Ngọc Hân - Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác và Ngọc Hân-Nguyễn Huệ của Trần Vũ, của Nam Dao có một chặng đường sa mạc không bao giờ tưởng có thể đi tới.
Đó là một sự đánh tráo con người và số phận Ngọc Hân-Nguyễn Huệ mà chỉ có tiểu thuyết mới có quyền năng làm như vậy. Như thế, phải chăng sẽ không có điểm hẹn lịch sử nào giữa một nhà viết sử và một nhà văn? Thế giới của nhà viết sử và của nhà văn thì không phải là một?
Cho nên rõ ràng nó không có chỗ cho một sự đối đầu cần thiết giữa các quan điểm lịch sử với quan điểm văn học mà chúng ta mong đợi.
Và vì thế chuyện viết sử và chuyện viết của nhà văn có những đối tượng và mục đích khác nhau. Cùng lắm nhà viết sử đi tìm sự thật còn nhà văn trên cả sự thật đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật.
Trở về lại với khung cảnh sử học Việt Nam, đặc biệt phía những người Quốc Gia người ta nhận thấy từ Trần Trọng Kim tiếp nối Hoa Bằng, Phạm Văn Sơn, Tạ Chí Đại Trường, Vũ Ngự Chiêu và đến người viết mới đây nhất về Tây Sơn, tác giả Trần Gia Phụng thì ít nhiều đều đi theo một một đường thẳng của hình học phẳng mà không bắt gặp bất cứ con đường nào khác.

Ta Chi Dai Truong
Riêng Tạ Chí Đại Trường - ông có thế giá sử học - ông có những cố gắng khám phá, những biện luận thông minh sắc bén và trí thức, nhưng đôi khi cũng lùi bước trước những “gánh nặng lịch sử”.
Có thể ông đã không viết khác được.
Tạ Chí Đại Trường càng tỏ ra cái tài tuấn biện luận sử học thì một mặt khác cho thấy sự biện luận ấy là do thiếu tài liệu sử, thiếu thông tin sử học. Giả dụ rằng, ông có trong tay đầy đủ chứng liệu sử học từ nhiều nguồn thì chỉ việc khệ nệ bê ra và khỏi cần đến biện luận?
Ngày nay đọc lại bài khảo cứu của ông về cuộc hành quân ra Bắc trong chiến dịch Việt -Thanh cho thấy sự khan hiếm tài liệu thật rõ rệt. Các biện luận của ông về chiến dịch này không còn đứng vững nữa vì thiếu cơ sở.
Lấy một tỉ dụ, người ta đọc thấy những câu chuyện hư cấu, những huyền thoại về Tây Sơn được viết lại trong “ngoại thư” Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC) - một tập sách mà thật ra chỉ là sự pha trộn khéo léo giữa một số sự kiện có thể “giả định là thực” cộng với hư cấu! Linh Mục Nguyễn Phương, giáo sư sử học đại học Huế có viết một bài: Giá trị Hoàng Lê Nhất Thống Chí đăng trên báo Bách Khoa, ngày 14-5-1963, trang 15-22 Trong đó linh mục Nguyễn Phương đánh giá thấp giá trị lịch sử của tập sách và cuối cùng ông xếp vào loại sách truyện, thứ ngoại thư.
Tạ Chí Đại Trường trong tác phẩm Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771-1802 cũng thừa nhận HLNTC là không dùng được vì tính cách truyện của nội dung tập tài liệu.
Vậy mà cũng chính Tạ Chí Đại Trường trong phần viết về: Chiến tranh tiêu diệt họ Trịnh, vì không có tài liệu nào khác về phía nhà Nguyễn cũng như về phía sử Trung Hoa. Ông đã đành lòng ghi nhận: Phần viết này thì đều lấy lại ở HLNTC!
Sự trung thực đáng quý. Nhưng nó lại thật là mâu thuẫn với tư cách một người viết sử.
Những “kiến thức có sẵn” ấy do sự lập đi lập lại bởi nhiều người, bởi nhiều “sách vở viết theo” do những nguyên do khác nhau đã dần trở thành những “gánh nặng lịch sử” khó phá vỡ được?
Đã đến lúc phải can đảm trút đi cái “Gánh nặng lịch sử này”.
Xin đưa ra một bằng chứng để làm bằng cớ về số quân nhà Thanh trong cuộc chiến Việt Thanh. Số quân nhà Thanh sang đánh nước ta được sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí phóng lên đến 500.000, chỗ tài liệu khác xuống 300.000 quân. Riêng sử gia Tạ Chí Đại Trường thì đành “khiên cưỡng” chấp nhận con số 200.000 quân được coi là chấp nhận được bằng vào các sử liệu của Việt Nam. Nhà sử học Trần Quốc Vượng cũng nói đến con số  20 vạn quân.
Nhưng ngay từ thập niên 1960 thì một ông sử gia Trung Quốc, ông Tưởng Quân Chương, dựa theo Thanh sử, châu bản cũng như Tấu chương của Tôn Sĩ Nghĩ đã đưa ra một con số “sửng sốt”. Tưởng Quân Chương cho rằng Tôn Sĩ Nghị chỉ mang “8000” quân sang Việt Nam, trong khi đó Nguyễn Văn Nhạc đã tụ tập 10 vạn binh mã để đánh quân Thanh. Vì vậy quân Thanh đại bại.

Nguyen Hien Le
Để đáp lễ tức khắc Tưởng Quân Chương, các tác giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Hữu Ngư viết bài trên Bách Khoa, số 77, ngày 15-3-1960, trang 23: “Bàn về đính chính sử liệu Việt Nam nhân một bài viết của học giả Trung Quốc Tưởng Quân Chương”
Trích lại trong Sự thực sử học: một con đường ngắn nhấn dẫn tới đoàn kết dân tộc, tác giả Vũ Ngự Chiêu, Phần tài liệu đọc thêm II: Việc nghiên cứu nhà Tây Sơn. Đăng trên Báo Đi Tới số 84, Bộ mới, Tôn giáo và Dân tộc, trang 159.
Vấn đề ở đây là để phản bác học giả Trung Quốc, ông Nguyễn Hiến Lê đã dựa trên tài liệu chính sử nào? Tài liệu của các thừa sai Pháp, tài liệu Thanh sử hay tài liệu của các học giả viết bằng tiếng Anh?
Ai là nhà sử học trên có thẩm quyền tinh thần để đưa ra một con số “gần đúng” với sự thật lịch sử?
Tác giả Nguyễn Duy Chính, trong tập biên khảo Việt Thanh chiến dịch. Quân Thanh tiến vào Thăng Long đã đưa ra một con số khá tương cận với con số của học giả Trung Quốc khi ông viết:
“Việc dựng lại các trận đụng độ giữa quân Thanh và quân Nam trong vòng một tháng tiến binh của họ cần phải được cân nhắc để không quá sơ sài như sử nước ta mà cũng không huyênh hoang như sử Trung Hoa.
Vấn đề quân số nhà Thanh đem sang nước ta là bao nhiêu cũng cần được đánh giá lại . Việc khẳng định 20, 30, 50 vạn như nhiều sách vở khó có thể coi là chính xác, phần lớn do nhận định chủ quan và dựa trên ước đoán tổng quát.
Riêng sách vở của Trung Hoa thì họ luôn luôn nhắc lại con số trong Đại Thanh thực lục là một vạn quân mặt đông và tám ngàn quân mặt tây đưa đến con số 18.000 quân cho cả hai mặt.
Và tác giả Nguyễn Duy Chính giải thích thêm là “vua Càn Long chỉ sử dụng quân của bốn tỉnh phía Nam và tây nam như một cuộc chiến ủy nhiệm khác hẳn các chiến dịch khác thường điều động nhiều cánh quân từ nhiều vùng, nhất là Bát kỳ Binh ở miền Bắc.” [Xin đọc thêm bài viết của cùng tác giả về “Từ Quân Doanh kỷ lược đến Khâm Định An-Nam kỷ lược”, đăng trên Gio-o.com (http://www.gio-o.com/nguyenduychinh.html)]
Giữa con số đề nghị của Tạ Chí Đại Trường là 200.000 ngàn quân Thanh và con số của Nguyễn Duy Chính chứa tới 20.000 người, đâu là con số giả định có thể chấp nhân được gần đúng?

Người viết xin mượn chữ của Phạm thị Hoài phải chăng cần có kết quả của những phép tính trừ trong việc đọc về các con số trong chiến dịch Việt-Thanh?

3. Giải trừ huyền thoại về cách đối xử tàn nhẫn của nhà Nguyễn Gia Long đối với Quang Trung Nguyễn Huệ

Có một điều cần lưu ý bạn đọc là những tài liệu liên quan đến sự “bạo tàn” của Nguyễn Ánh khi mới lên ngôi thì đều xuất phát từ hai nguồn tài liệu:

Thứ nhất từ các lá thư của các thừa sai Pháp trong Archives des Missions Étrangères de Paris, Cochinchine, trong đó có các tài liệu như: Lettres édifiantes et curieuses của Gia Tô Hội. Bộ Nouvelles lettres Édifiantes et curieuses do Đặng Phương Nghi hoặc do Nguyễn Ngọc Cư dịch hoặc Những Lời thuật của Barisy về Trận Thị Nại, Thư của giáo sĩ Le Labousse cũng về Trận Thị Nại hoặc Lời thuật của Brisy về trận Phú Xuân. Cả ba tài liệu trên đều do giáo sư Hoàng Xuân Hãn chuyển ngữ.

Thứ hai và đây là phần quan trọng nhất là các vụ trả thù Tây Sơn lại do chính các sử gia triều Nguyễn chính thức tường thuật lại. Điều đó cho thấy thái độ công khai hóa các trừng phạt vì họ cho rằng trừng phạt đó là xứng đáng, là xử theo luật. Bây giờ người đọc cho là xử phạt quá tàn độc như hình phạt cho voi giày xé là có ghi trong luật lệ hẳn hoi. Giả dụ Tây Sơn có quyền lực trong tay mà bắt được giặc có lẽ cũng không làm khác hơn.

Về các tài liệu của Hội Thừa sai Ba Lê

Khi dịch các tài liệu của Hội Thừa sai Ba Lê, bà Đặng Phương Nghi cũng ghi nhận tính cách “tế nhị” khi phải dịch những lá thư đó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tính cách cập nhật và tinh cách nhân chứng của các lá thư này.

Đọc các thư từ hay bài tường thuật của các thừa sai Ba Lê cho thấy những nhận xét chi li, tỉ mỉ, tính chất người đậm nét và những biểu lộ tình cảm cũng rất người của các lời tường thuật. Nó như chuyện kể thực, sống động và trung thực.

Điều này cũng chứng tỏ Vũ Ngự Chiêu đã bất công khi đánh giá các tài liệu này.

Các lời tường thuật có tính truyền đạt, được sự cảm thông của người đọc không thua gì một bài phóng sự của một tay viết báo bây giờ. Đọc không thể không mủi lòng, rơi lệ vì sự tàn bạo của con người, của kẻ thắng trận đối với kẻ bại trận. Nhất là đối với các phụ nữ, vợ các tướng tá bại trận.
Xin được trích dẫn vài đoạn tiêu biểu.

“Sau đó, Nguyễn Vương hỏi tôi đã trông thấy các ngụy tướng chưa; thấy tôi đáp rằng chưa, ngài cho lệnh giải họ tới. Rồi ngài bảo tôi đi xem các chị em của Tiếm vương (Cảnh Thịnh). Tôi đã tuân lệnh. Những tù nhân này ở một ngôi nhà kín, hơi tối, thiếu vẻ thanh nhã; trong cảnh huống của họ, có sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại. Tất cả có 5 người; một 16 tuổi rất đẹp, một thiếu nữ 12 tuổi, con vương phi Đàng Ngoài, dung mạo tầm thường; còn ba người khác từ 16 đến 18 có nứỚc da hơi sẫm, nhưng dung mạo xinh đẹp. Trong một ngục thất khác không xa, có thân mẫu của vị thiếu phó, tướng chỉ huy đạo quânbao vây thành Quy Nhơn. Bà ta độ 55 tuổi và có nhan sắc. Trong trạng huống bất hạnh, bà tỏ ra rất cương quyết, có vẻ trinh thục và không tự tôn. Rồi tới vợ phò mã Nguyễn Văn Trị, là chị ruột của Tiếm Vương. Còn bà Tư-Khấu Định, vợ tướng chỉ huy pháo binh, có võ tướng; Bà Tham-lĩnh Thông, vợ phó đô đốc hải quân và sau nữa còn rất nhiều người, muốn nhớ hết phải ghi cả một niên giám trong ký ức.

Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những tòa nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình cho Nhật Bản.

Tóm lại, đó là chung cục việc báo thù của Nguyễn Vương và chắc hẳn ít là nỗi oán cừu của ngài rất hời hợt”.

Về Chính sử triều Nguyễn

Nay thử đọc một số trích đoạn được ghi chép trong chính sử triều Nguyễn về các hình phạt “dã man” dành cho kẻ chiến bại:
“Tháng 11 làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày Quý dậu tế thiên địa thần kỳ, Ngày Giáp tuất hiến phù ở Thái miếu.(Hiến Phù: Dâng những người bắt được trong chiến tranh.)
Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (Dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất di, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và một của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại. (Ngoại đồ gia: Sau đổi là vũ khổ (Năm Minh Mệnh thứ hai đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi) Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài”.
Trích Thực Lục, trang 531.

Theo tài liệu Bissachère ghi ở trên còn đưa ra chi tiết anh em nhà Cảnh Thịnh trước khi chết còn phải chứng kiến cảnh các lính tráng tiểu tiện vào sọt đựng hài cốt của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc.
Căn cứ vào sự việc được chính thức sử gia nhà Nguyễn kể lại thì quả thực cách hành xử của Nguyễn Ánh quả là quá tàn độc đội với kẻ đã chết cũng như đối với con cháu và tướng tá thuộc hạ của Nguyễn Huệ.

Cũng vì thế, các nhà viết sử VN đều đồng loạt lên án Nguyễn Ánh, Gia Long. Từ Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, Phạm Văn Sơn trong Việt sử toàn thư, Hoa Bằng trong Quang Trung, anh hùng dân tộc đến Vũ Ngự Chiêu đều cùng đồng loạt lên án Nguyễn Ánh Gia Long.
Các sử gia Trần Trọng Kim và Phạm Văn Sơn chê trách triều đình nhà Nguyễn hẹp lượng. Hoa Bằng thương tiếc cho người anh hùng Quang Trung bị gán cho chữ Ngụy.

Trần Gia Phụng chê trách Nguyễn Ánh viện cớ việc trả thù chỉ là dựa trên “nghĩa lớn trong kinh Xuân Thu” mà thực ra là trái với đạo lý cổ truyền của dân tộc.

Vũ Ngự Chiêu thì viết: 
“Không ai phủ nhận được một điều: Cách đối xử của các vua nhà Nguyễn (1802-1945) với Quang Trung Nguyễn Huệ và gia đình Tây Sơn cực kỳ tàn nhẫn. Theo Đại Nam Thực Lục, Chính biên, từ tháng Một Tân Dậu,ngay khi tái chiếm kinh thành Huế, Nguyễn Chủng cho lệnh phá hủy mộ Quang Trung, “bổ săng, phơi thây bêu đầu ở chợ”. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của nhà Tây Sơn ”31 người đều bị lăng trì cắt nát thây”...Sự trả Thù còn trút xuống dòng dõi Nguyễn Văn Nhạc dưới thời Minh Mạng (...)
(Trích Việc nghiên cứu nhà Tây Sơn (1778-1802) Nguyên Vũ, Ngàn năm soi mặt, 2002. Trích lại trong báo Đi Tới, số 84, bộ mới, trang 159.

Qua những tư liệu vừa trích dẫn trên cũng như sự đồng thuận của các người viết sử cho thấy dư luận nói chung đều lên án cách hành xử của các vua quan nhà Nguyễn đối với Tây Sơn- một người được coi là anh hùng dân tộc.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại và đánh giá lịch sử cho công bằng.

Thực sự Nguyễn Ánh có phải là người có bản tính tàn độc đối với kẻ bại trận không?

Căn cứ vào chính sử Nhà Nguyễn cho thấy Nguyễn Ánh không phải ác độc như cái nhìn miệt thị của các người viết sử.
“Trừ cỏ xấu, cốt để nuôi cho lúa tốt; giết kẻ ác, cốt để cứu giúp dân lành. Vả chăng một phủ Quy Nhơn đều là đất đai cũ, nhân dân cũ của ta, từ thuở Tây Sơn nổi loạn, dùng làm sào huyệt, nhân dân bị thế bắt buộc, không thể không theo (...) Vậy ra lệnh từ nay phàm khi đối trận chém giết thì không kể, còn bắt được người tại trận, không kể người ở Thuận Hóa, Bắc Hà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, đều được thưởng như nhau bất tất phân biệt; người từ Quảng Ngãi về Bắc thì cho lưu lại để thu dùng, người ở Quy Nhơn trở vào thì cấp cho tiền gạo rồi thả về. Đó thực là đánh bằng nghĩa mà dạy bằng nhân vậy. Ta đã đinh ninh dặn bảo, nếu có ý trái lệnh giết càn thì tức là hạng quân kiêu căng giận dữ, do lòng tàn nhẫn, đều chiếu theo quân pháp mà trị tội.”
Trích “Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục”, tập một, trang 471-472, nxb Giáo Dục.

Và đối với bọn cựu thần nhà Lê và những hương cống học trò cũng như con cháu họ Trịnh, Nguyễn Ánh đều lấy lẽ phủ dụ, thấu rõ tâm tình của họ để thu phục họ. Sử nhà Nguyễn viết:
“Ta sẽ nghe lời nói thử việc làm, tùy tài bổ dụng, cho người hiền được có vị, người tài được có chức, họp lòng nghĩ, chia mưu làm, để cùng nên đạo trị nước. (…)
Với dòng họ Trịnh sử viết “Tiên thế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua củ người trước, không nên nói nữa. Ngày nay trong ngoài một nhà, nghĩ lại mồí tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy cũng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trong họ giữ việc thờ cúng, để giữ tình nghĩa đời đời “.
Trích ĐNTL, trang 507-508.

Cách ứng xử như trên, có tình có nghĩa nào phải của một kẻ tàn độc?

Riêng đối với La Sơn phu tử được coi là cố vấn cận thần của Tây Sơn, 4 lần được Nguyễn Huệ vời ra giúp nước đã được Nguyễn Ánh đối đãi khoan hồng như Sử sách ghi:
“Thả Xử sĩ ở Nghệ An là Nguyễn Thiếp vê. Vua dụ rằng: “Khanh là người có tuổi tác đạo đức, rất được người ta trông cậy. Sau khi trở về núi nên khéo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức phò giúp thịnh triều, khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta”. Bèn sai quan quân đưa về.
Trích ĐNTL, trang 445.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Nguyễn Ánh, Gia Long lại có mối thâm thù và muốn trả món nợ cừu hận ấy? Phải chăng Nguyễn Huệ cũng xử sự tàn độc khi chiến thắng?

Những việc làm “tàn độc” của Tây Sơn hầu như bị sử sách bỏ quên

Việc Nguyễn Ánh làm thì được kể lại kỹ càng. Nhưng việc của Tây Sơn làm thì không đụng tới. Phải được hiểu như thế nào về sự việc này?

Xin đọc trích dẫn một số sự việc khi Nguyễn Huệ Bắc tiến do linh mục Thomas Thiện viết phúc trình:
“Chừng một tháng nay, một vị tướng của tầu Attila, Nguyễn Huệ tên là Vach Quinh đã trở lại xứ Nghệ mộ rất nhiều lính. và bắt dân chúng cung cấp một số gạo lớn. Với những hành động tối dã man, tên ác quỷ đó thường hay xẻo tai, lột da mặt từ trán cho tới miệng, đánh nhừ tử cho đến chết những viên xã trưởng hay những đại diện cho các làng xã không tuân lệnh hắn ngay (...) Ai nếu đều tin chắc rằng Bắc Vương ra Bắc Kỳ là để chiếm ngai vàng vương quốc mà thôi. 
Những người ra trình diện đều bị bắt ngay lập tức. Họ phaỉ trả một số tiền chuộc ít hay nhiều tùy theo chức vụ và tư cách của họ nếu họ muốn chạy tội. Còn nếu không có tiền chuộc, họ sẽ bị xử tử (...) Phẫn nộ trước các hành động khinh thị ý ngài, Bắc Vương liền cho bắt họ lại và ra lệnh tịch thu tài sản của họ. Ngược lại họ cứng đầu mãi, thì họ sẽ bị giết (…) Quân Tây Sơn ra lệnh cho dân làng ông phải đem nộp ông ta ngay nếu không cả làng sẽ bị cướp phá hoàn toàn. Dân làng buộc lòng phải tuân lệnh và vị quan khốn nạn này lại rơi vào tay của quân Tây Sơn “ bạo tàn”, chúng liền xử tử ông và treo đầu ông bên lề đường.”
Ký tên. Thomas Thiện, linh mục người Bắc Kỳ.
Trích Tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Đăng Phương Nghi,Tập san sử địa, số 9-10, Sàigòn, 1968, từ trang 196-198.

Có hai tài liệu do Ngô Bắc dịch mới đây chứng minh rằng Tây Sơn đã dùng hải tặc Trung Hoa trong việc Bắc tiến. Đám Hải tặc Trung Hoa đã gây nhiều kiếp nạn trong vùng mà chúng đi qua hoặc trú đóng đúng như nội dung bản phúc trình của Thomas Thiện vừa được trích dẫn ở trên. Tài liệu do Dian H. Murray viết với tựa đề: Các ảnh hưởng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn trên sự phát triển của Hải tặc Trung Hoa. Để viết tài liệu này, Murray cũng đã dẫn chứng hàng chục tài liệu liên quan của các sử gia Tầu như Shun-tehsien-chih, Kuang-tung t’ung-chih, Chu Huai,8 chuan, 1827, v.v…

Điều đó cho thấy binh đội Tây Sơn đi đến đâu dân chúng lầm than khổ sở vì bị cướp bóc, bắt lính và tàn sát dân chúng đến đó.

Nào ai đã viết lại về các sự việc này?

Riêng đối với dòng họ Nguyễn Ánh thì kể như không một người nào sống sót dưới bàn tay của Tây Sơn, trừ lại còn mình Nguyễn Ánh. Theo Trần Gia Phụng ghi lại thì:
- Thứ nhất chú, bác ruột Nguyễn Ánh bị giết là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương.
- Thứ nhì anh em ruột của Nguyễn Ánh cũng bị Tây Sơn giết là Nguyễn Phúc Đông (anh ruột) và Nguyễn Phúc Mân, Nguyễn Phúc Thiên (em ruột).
- Thứ ba quan trọng hơn cả, Tây Sơn đã cho quật mộ Nguyễn Phúc Côn (thân phụ cuả Gia Long) đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790.

Về việc này, xin đọc kỹ chính sử nhà Nguyễn đã viết lại như sau:
“Tháng 9, ngày Ất Hợi, sửa lại sơn lăng.
Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu rất tốt, định dem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấ. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quẳng xuống vưc…(...) Đến nay Huyên đem việc tâu lên Vua thương xót vô cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại.(..) Ngày kỷ Hợi, vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều khóc cả“
Trích ĐNTL, trang 466.

Chẳng những thế, Tây Sơn Nguyễn Huệ còn đào hết lăng tẩm 8 đời của chúa Nguyễn tại Thừa Thiên, ném xuống sông. Nhưng điều mà Nguyễn Ánh không thể tha thứ được là phần mộ của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh của Nguyễn Ánh cũng bị khai quật và hài cốt bị ném xuống sông.

Theo tài liệu ghi lại không lấy gì làm chắc chắn trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả cho biết chi tiết như sau:
“Theo truyền thuyết khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức đức Hưng tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi đi tìm lại hài cốt của thân phụ nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những gọt huyết này (lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục giữa hai người)”.
Trích “Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả”, trang 193, nxb Thuận Hoa,, Huế 1995. Trích lại trong bài viết của cụ Võ Hương An “Bàn về Tây Sơn Nguyễn Ánh. Chuyện đời vay trả.”

Dưới cái nhìn thông tục, đời thường, cụ Võ Hương An cho rằng cuộc trả thù của Nguyễn Ánh chỉ là một cuộc vay trả. Đời có vay thì có trả. Nói khác đi sự trả thù có ý nghĩa chính đáng, chấp nhận được nếu đặt trong bối cảnh một xã hội theo thứ “Văn Hóa nuôi thù” vốn tồn tại nơi người Việt Nam.

Trả thù đôi khi trở thành một thúc bách luân lý và bổn phận.

Kết luận

Nay về phía Hà Nội, vào năm 2008 đã có một hội thảo “đánh giá lại Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn” từ đó có một chuyển hướng trong cách nhìn và đánh giá lại sử đời nhà Nguyễn theo một cái nhìn công bình và khách quan hơn. Những đánh giá sử học dựa trên yêu cầu chính trị xem ra không còn thỏa đáng nữa.

Và nay còn một chút hy vọng, có một số người viết sử chuyên ngành, tham khảo nhiều nguồn tài liệu từ nhiều nguồn - từ tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Anh.

Hy vọng họ như những con tàu phá băng, phải phá vỡ từ bên trong những kiến thức đã đông cứng. Không thể cứ mãi sống trong những huyễn tượng sử không thật, tự dối mình và dối người.
Nhìn lại Tây Sơn (I)
Nguyễn Văn Lục

Nhìn lại Tây Sơn dưới góc cạnh tài liệu lịch sử ngoại quốc

Lịch sử dân tộc Việt nói cho cùng chỉ là lịch sử của một số vị anh hùng. Đó là những vị anh hùng chống ngoại xâm trong suốt lịch sử sống còn của dân tộc Việt. Chúng ta hãnh diện về điều đó. Hình ảnh của họ đẹp lắm. Không một tì vết, chỉ có những đức tính mà thiên hạ khó có ai đạt được. Nhiều khi, chúng ta cũng biết rằng, rất có thể những vị đó có thể được thần thánh hóa, được tô vẽ thêm, hay huyền thoại hóa như trường hợp vua Lê với thần rùa.

Nhưng biết là không phải như thế, nhưng không tiện viết ra. Vì họ có được mấy người. Vì họ là anh hùng. Vì muôn người mới có một người. Hiếm lắm.

Vì hiếm như thế nên đã có lần Tào Tháo cùng Lưu Bị ngồi luận bàn thời thế đã nhìn thẳng vào mặt Lưu mà bảo: “Anh hùng trong thiên hạ ngày nay, chỉ có tôi với sứ quân...” Lưu Bị hoảng hốt vì Tào Tháo “đi guốc vào bụng mình”...

Cho nên người viết sử hay đọc sử bao giờ cũng chạm vào một cái écran, một bức màn ẩn dấu. Chúng ta cần có đủ can đảm lắm để có thể mở bức màn đó ra bằng phân tích, so sánh tài liệu, bằng cân nhắc, bằng sự thông minh và cũng vẫn không thể thiếu một tấm lòng. Điều mà ông R. Aron đòi hỏi mỗi người phải là một khán giả dấn thân, nhập cuộc. (L’historien digne de ce nom est toutoujours un spectateur engagé. Một sử gia chân chính phải là một khán giả dấn thân, nhập cuộc).
Nhưng bên cạnh những người anh hùng vừa kể trên, còn có những vị vua chúa của một triều đại. Trong đó, có vị vua tốt, có vị vua xấu. Cũng chẳng thiếu những vua tàn độc, hoang dâm vô độ. Họ chỉ là những con người theo ý nghĩa trọn vẹn của chữ này. Nghĩa là có người tốt và rất nhiều người chẳng ra gì. Mà phần đông thì chẳng ra gì. Chẳng hạn, vua Càn Long bên Trung Hoa, ăn mừng Khánh thọ 80 tuổi đã tiêu tốn hết 1.100.000 lượng bạc. Trăm họ khốn khổ vì sự hoang phí vô độ ấy. Nào ai dám nói gì? Khi Càn Long vừa chết thì đến Hoà Khôn. Y bị bắt và tài sản của y trị giá 80 triệu lượng bạc. Ông Nguyễn Duy Chính tỉ mỉ ngồi tính ra thời giá hiện nay là 1.5 tỉ dollars.

Cách đây hơn 200 năm mà tài sản có tương đương 1.5 tỉ dollars thì bằng tài sản cả nước Trung Hoa cộng lại? Vua Tàu thì con số cung phi có thể lên đến con số 10 ngàn người. Nhưng vì là vua nên ho lọ bảo vệ cái ngai vàng của họ, rồi có các thị thần ngự sử lo chùi đồng, đánh bóng họ.

Lịch sử người Việt cũng không tránh khỏi cái cảnh coi cái ngai vàng của vua là định mệnh của cả một dân tộc. Trong bối cảnh đó thì các sinh hoạt đời sống của người dân như cái đèn cù xoay chung quanh một vị vua với tất cả những gì tốt đẹp xảy ra chung quanh triều đại đó. Vua làm gì, vua lên ngôi, vua chết, vua thoái vị, việc tranh quyền đạt lợi của một dòng tộc trở thành lịch sử của cả dân tộc ấy.

Thật là oái ăm quá. Giả dụ không có những vị anh hùng đó, không có triều đại đó thì chúng ta có còn lịch sử hay không và nhất là có cần lịch sử nữa không?

Lịch sử cuối cùng chỉ là lịch sử một triều đại như nhà Trần, nhà Lý, nhà Nguyễn, nhà Ngô.

Nào đã có lúc nào là lịch sử người con dân Việt?

Điều đó muốn gián tiếp nói rằng đặc tính của sử liệu Việt Nam dành cho vua chúa quan quyền mang tính cách đơn thuần, đơn điệu, một chiều. Người viết sử trở thành người viết sử của một triều vua. Nó thiếu tính cách khách quan và khá xa sự thật lịch sử. Dưới mắt sử gia lúc ấy chỉ còn có hai loại người: hoặc minh quân hoặc là phản thần hay tặc tử. Minh quân là ai thì đã biết rồi. Là những kẻ ngồi trên ngai vàng. Phần còn lại là những phản thần. Họ chỉ là những “giống chó dê”, “thằng mọi đen ở đất Tây Sơn” giống “quân mọi rợ”, “giống cõng rắn cắn gà nhà”. Đó là trường hợp những Hồ Quý Ly, Mặc Đăng Dung, ngay cả Quang Trung, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh đến Tôn thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tuỳ theo cái nhìn của sử quan mỗi thời? Được làm vua thua làm giặc.
Đến đây, tôi nghĩ và so sánh đến trường hợp Nguyễn Thái Học đã có lần bị một người Pháp mô tả về người anh hùng ấy như sau: “hắn có bộ mặt lầm lì, trán gồ nhiều vết ngấn, đôi mắt cú vọ, biểu tượng mẫu người cứng đầu và phạm thượng.”

Như thế thì viết sử trung thực được bao nhiêu?

Người đọc sử riết rồi bị uốn nắn, thuần hóa rồi đồng hóa vào thái độ, quan điểm của người viết sử. Chẳng hạn, ta có thói quen quán tính, quen nếp nghĩ thời phong kiến lấy cái ngai vàng của vua quan làm cứu cánh, còn con dân chỉ là phương tiện?

Nhiều lúc, tôi chỉ muốn tự hỏi mình thôi là trong tất cả các sách sử với các chiến công hiển hách, với vinh danh dành cho các vị anh hùng ấy.

Có một trang, có một dòng nào các vị vua ấy nghĩ tới nỗi khốn khổ, lầm than chết chóc của người dân? Vinh danh nào mà đằng sau nó chả là những tủi nhục và hy sinh? Có ai nghĩ rằng đằng sau cái vĩ đại của Vạn lý trường thành có hằng trăm ngàn người đã chết cho việc xây dựng ấy?

Phải có một cái nhìn nhân bản về sử học, bởi vì sử học trước hết là lịch sử về con người?

Nhưng vì lịch sử chỉ gói gọn trong chiếc ngai vàng nên sử hay dở tuỳ thuộc vào kẻ ngồi viết sử của mỗi triều đại. Sử trở thành phong thần, thành dật sử, huyền sư, dã sử?

Bài viết này viết về Tây Sơn, Nguyễn Huệ nên mọi tình tiết, tài liệu xoay quanh con người anh hùng ấy.

Việc đầu tiên đối với tôi, thì Tây Sơn hay bất cứ ai khác, dù đã làm nên chiến công hiển hách, vẫn là con người với tất cả những cao và những thấp. Vì tôi nghĩ rằng, những gì mà một con người đã là con người làm ra thì chẳng có gì xa lạ. Nghĩa là họ có thể xấu, có thể tốt.

Chẳng hạn, nếu ta tin vào sách vở, tin vào tờ chiếu lên ngôi của Nguyễn Huệ, một con người vốn được mô tả là từ chỗ bần hàn, cơm rau, áo vải, học hành ít ỏi như thế, vậy mà đã từng tuyên bố: “Vài ngàn dặm đất ở cõi Nam đều thuộc về ta hết”. Tham vọng ngất trời. Và rồi thì cũng phải cầu cứu đến một biện giải của chủ nghĩa cơ hội để biện minh cho việc làm của mình như: “Vua Lê đã không giữ được nước thì các trấn thành từ Thanh Hóa trở ra... Tây Sơn không lấy, người khác cũng lấy.”

Phải chăng đó là giấc mơ của người Quang Trung, của người anh hùng áo vải với giấc mộng đế vương?

Vì thế, ngay cả cái chức Bắc Bình vương mà Nguyễn Nhạc phong cho em nhằm xoa dịu nỗi bất bình của em cũng không làm Nguyễn Huệ hài lòng, để rồi đi đến cảnh “nồi da xáo thịt”, công khai mắng nhau là “sài lang, cẩu trệ”. Và còn biết bao nhiêu câu truyện với những âm mưu, giết người nọ, người kia để giữ cho bằng được cái ngai vàng đó?

Phần chúng ta, người đời sau, tựa vào đâu mà kê cứu, tìm hiểu, cắt nghĩa? Không lẽ chỉ dựa vào những sử liệu đã được phong thần?

Cho nên, lịch sử vẫn còn đó, nhưng đâu là sự thật?

Công việc tìm hiểu đôi chút sự thật trở thành truyện không dễ vì thiếu sử liệu. Đã thế, người đời sau dễ dãi, dễ lấy giả làm thật, bằng lòng với những điều đôi khi chỉ là hoang tưởng, biến nó thành sự thật, thành một niềm tin. Một thứ sự thật không thể nói khác, không thể đảo ngược được.

Ai dám nói khác đi là không được.

Bài viết này giới hạn vào giai đoạn hơn 200 năm nhà Tây Sơn để ít ra một lần chúng ta có dịp đối đầu với một vài sự thật lịch sử.

Sử liệu của chúng ta ở thời kỳ này phần lớn căn cứ vào hai tài liệu: Đại Nam chính biên liệt truyện và thông dụng hơn cả là cuốn Hoàng Lê nhất thống chí. Nhưng cả hai sách này đều được biên soạn vào cuối thế 19, đầu 20, nghĩa là vài chục năm sau mới được nhà Nguyễn cho biên soạn. Việc biên soạn về triều Tây Sơn chỉ thực sự bắt đầu từ thời Tự Đức đến về sau này mà thôi.

Ngoài hai tập đó ra thì phần lớn là những công trình biên soạn hoặc dịch lại như Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục (1856, đời Tự Đức) bộ Liệt truyện, Chính biến sơ tập, Thục Lục tiền biên, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Đại Nam nhất thống chí, dịch giả Á Nam Trần Tuấn Khải, Hoàng Xuân Hãn với La Sơn phu tử, v.v...

Yếu tố thời gian đã hẳn làm cho công việc biên soạn không còn dễ dàng nữa. Nhất là sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, có tha gì mà không đốt sạch, phá sạch dấu vết nhà Tây Sơn còn sót lại? Trong Việt sử cương mục tiết yếu, soạn vào cuối thế kỷ 19 có viết: “Đến như sự tích thời Tây Sơn thì hồi đầu Gia Long đã có chiếu tiêu huỷ hết.. Vào năm Tự Đức, quan ngự sử bùi Đình Trí dâgn sớ xin sai quan biên soạn, sau vì có việc lại thôi.”

Có nghĩa việc biên soạn về thời Tây Sơn chỉ được thực hiện kể từ đời Tự Đức về sau.
Tất cả những gì được gọi là “Nguỵ tây” thì bị nhà Nguyễn đốt sạch. Không muốn để sót lại dấu tích gì của Nguỵ Tây Sơn. Đến nắm xương đã thành tro nguội của con cháu Tây Sơn cũng không yên thì nói gì nữa.
“Việc truy quét đó không phải chỉ một lần mà còn đuợc lập lại ở những vì vua kế tiếp cho đến khi mầm mống đối nghịch hoàn toàn không còn một dấu tích. Một chính quyền với đầy đủ quyền lực nhất định khóa sổ quá khứ thì không gì mà không làm được, lắm khi kẻ thừa hành còn làm quá cả những đòi hỏi của cấp trên”
( trích Đi tìm một mảnh khuyet sử qua Khâm định Annam kỷ lược, Nguyễn Duy Chính.)

Lúc ấy viết sử chỉ là ngồi “nhớ lại”, nếu không nói là tán rộng, bàn ngang... truyện hàng mấy chục năm về trước.

Cuốn Hoàng Lê Nhất thống chí nằm trong trường hợp này. Sau mấy chục năm, sử liệu đào đâu ra mà viết cho đến nơi đến chốn? Mặc dầu Émile Gaspardonne trong bài Bibliographie Annamite xác định rõ là ông Ngô Thời Chí, tác giả Hoàng Lê Nhất Thống Chí là người sống đồng thời với các việc được thuật lại trong sách và cũng còn là nạn nhân của các biến cố ấy, nhưng vấn đề là tác giả thu tập được bao nhiêu và nhớ được bao nhiêu?

Kể như mấy chục năm trời không ai viết, không ai ghi chép, giai đoạn sau Tây sơn rơi vào tình trạng khuyết sử chăng?

Chúng ta thử ghi lại những điều trong sách ấy ghi chép cho rõ đúng sai.

Chẳng hạn, trong phần trích dẫn Hoàng Lê Nhất Thống Chí, trang 254, về việc Huệ khi đến Nghệ An có hỏi ý kiến một người cống sĩ ở huyện La Sơn, tên là Nguyễn Thiếp như sau:
“Huệ mừng lắm trả lời:
– Ông nói chính hợp ý tôi.

Huệ bèn ở lại mười ngày, tuyển dân Nghệ An, ba đinh bắt một. Chỉ trong chốc lát được hơn một vạn. Huệ bèn mở cuộc duyệt binh rất lớn”.

Vậy mà trong Tri Tân thì lại viết như sau:

Nguyễn Huệ đi qua Nghệ An, Thanh Hóa, lấy thêm tám vạn lính.

Một vạn lính với tám vạn lính hẳn là chênh lệch nhiều lắm chứ? Một vạn có phần đứng vững vì còn phải tập luyện, còn lương thực, còn quần áo, còn khí giới, còn phải có trại để đục nắng, v.v...

Tôi chỉ hỏi, chỉ trong chốc lát hơn một tuần lễ, lấy đâu ra võ khí cho 8 vạn quân mới được tuyển chọn?

Lại còn cái dụ miệng của Quang Trung, HLNTC, trang 254-255, tác giả Ngô Thời Chí làm thế nào để nhớ được từng điều, từng chữ để mà chép lại đến đời nay? Bởi vậy mà ông Phù Lang Trương Bá Phát khi viết bài: Trận Đống Đa đã viết về việc này như sau:
“Dụ miệng thì làm sao nhớ đủ để lặp lại cho đời sau. Thế nên, tôi không chép lại mà chỉ nói sơ qua ở đây vậy thôi.”

Lý do gì ông Trương Bá Phát không chép lại? Vì người viết sử đã viết sai sự thật, không tin được nên chép lại cũng uổng công thôi?

Trên tờ Nam Phong, số 102, Lê Thúc Thông chép rằng,
Thầy La Sơn nói phải dùng võng để hai người võng một người, đặng mấy giờ, người nằm, giậy và để chỗ cho một trong hai người khiêng lên ngủ, đúng mấy giờ lại người nghỉ phải giậy, nhường chỗ cho người chót chưa nghỉ, lên ngủ, cứ luân phiên như vậy mà đi...”
(trích lại trong bài Trận Đống Đa của Trương Bá Phát).

Cũng vậy, Tạ Chí Đại Trường trong bài viết Mâu thuẫn Văn Hoá vượt biên giới xem ra cũng đồng thuận với quan điểm dụng binh của La Sơn Phu tử khi ông viết:
“Di chuyển bằng võng có hai người khiêng, đó là điều người ta thường thấy trước mắt, đương thời. Hồi đầu khởi loạn, Tây Sơn cũng thăng tiến bằng cách không đi bộ nữa mà đi ngựa, võng, cáng.”
(Trích tập san Sử Địa).

Ông còn lý luận thêm mà xem ra có tính cách cường điệu nhiều hơn là thực tế lịch sử:
Nhưng hình thức bên ngoài có giống mà sự khác biệt giữa cảnh một một ông nghè điếu đóm theo hầu trẩy hội vinh quy với cảnh hai người lính thay nhau cho người thứ ba nghỉ mệt, thật cách xa một trời một vực. Giá trị nhân bản nổi bật đồng thời với giá trị chiến thuật. Và giá trị chiến thuật lại tăng cao giá trị nhân bản: khi người lính thanh thả về tinh thần vì nhận thấy không có chênh mực giá trị giữa người nằm và người khiêng, thì tinh thần đồng đội san sẻ trong ý tưởng phục vụ và thụ hưởng đồng đều, sẽ nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu trong suốt thời gian tiến quân cho quân lính đạt đến một mức độ đắc dụng lý tưởng vào lúc cần thiết. Sách lược Tôn Sĩ nghị “lấy khoẻ chờ mệt” không ngờ lại phải đổi là “lấy biếng lười uể oải chống cường lập hăng say”
( trích mâu thuẫn văn hóa vượt biên giới, Tập san sử địa)

Nghe ra thì có vẻ có cơ trí lắm. Suy luận rất là chừng mực. Cuộc tiến quân ra Bắc sẽ rút ngắn được thời gian chuyển quân vì lúc nào cũng có người được nghỉ. Nhưng thật sự không hẳn như vậy và không làm thế được xét thực tế. Thà để ba người cùng đi bộ thì “đi khỏe và nhanh” hơn hai người võng. Võng như thế dễ kiệt lực lắm? Ai võng nổi? Mà thời gian đâu có vội vã gì? Vào đến Nghệ An, Nguyễn Huệ còn có thì giờ là 10 ngày để tuyển quân. Đến 30 tháng chạp, Quang Trung mới cất binh đi đánh Thăng Long.

Về số lính giữa quân Thanh và Nguyễn thì mỗi người nói mỗi cách. HLNTC, trang 261 viết như sau:
“Trận Đống Đa kết thúc vậy. Từ cuối tháng 10 năm Mậu thân 1788 đến mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu, không đầy ba tháng, mười vạn quân Việt Nam đã thắng 50 chục vạn quân nhà Thanh”.

Trong một bài viết của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, tác giả mà tôi rất trân trọng, có thể trong những hoàn cảnh chưa có cơ hội tiếp xúc với sử liệu của Tàu cũng như tài liệu của các nhà truyền giáo, bài viết Mâu thuẫn văn hóa vượt biên giới của Tạ Chí Đại Trường cũng để lộ ra kẽ hở, rất có thể vì hoàn cảnh nghiên cứu chưa cho phép. Ông viết như sau:
“Nổi bật lên trong chống đối là quân thanh và Tây Sơn. Hai mươi vạn quân Lưỡng Quảng, Vân, Quý ồ ạt tràn sang Thăng Long tạo sinh khí cấp thời cho xã hội Lê mạt tàn tạ đối với sức mạnh rừng rú phương Nam bên dưới đèo Tam Điệp.”

Tôi không đặt vấn đề 10 vạn hay 20 vạn mà chỉ đặt vấn đề con số đó dựa trên tài liệu nào?

Theo Nguyễn Duy Chính thì:
“Những giải thích đó (việc tiến quân ra bắc từ Phú Xuân ra Thăng Long trong khoảng từ 20 đến 40 ngày bằng các kỹ thuật di chuyển như bằng võng, thuyền, voi, ngựa thì đều là những tính toán gượng gạo và không thực tế. Vì dù có đi bộ, đi thuyền hay đi ngựa, đi võng thì vẫn có giới hạn nhất định về tốc độ, về sự chịu đựng.
(Trích Việt Thanh chiến dịch. Vua Quang Trung ra Bắc, Nguyễn Duy Chính)
Từ 50 vạn quân ở trên, nay trong bài viết của TCĐT chỉ còn 20 vạn quân. Con số cách biệt kể là quá lớn. Trong 20 vạn quân mà Tạ Chí Đại Trường đưa ra, không biết có bao gồm bọn tạp dịch, phu đeo không? Bởi vì trong lối tổ chức binh bị của quân Tàu khá chu đáo: Mỗi người lính có một người phu đeo đi theo phục dịch, có toán quân bắc cầu, phạt đường, dò bẫy, làm nhiệm vụ hỏa thực, y tế, yểm trợ dịch vụ cốt nuôi dưỡng và tăng cường tiềm lực chiến đấu ? Nghĩa là phải nhân lên ít lắm là hai lần số lính tạp dịch so với lính chính quy?

Đã thế, cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí do nhiều người viết và không thể không nghĩ tới chuyện mỗi người viết một cách. Ngô Thì Chí soạn 7 hồi đầu, đến những hồi sau thì lại do Ngô Thì Dụ, Ngô Thì Thiến tục biên.

Chuyện viết đúng, viết sai, viết thừa, viết thiếu, viết tưởng tượng, viết thêm bớt là có thực trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Nhiều người cho rằng Hoàng Lê Nhất thống chí chỉ là một thứ tiểu thuyết không hơn không kém.
Theo lời tựa của bản dịch của Ngô tất Tố ghi như sau:
“Riêng cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí, hoặc Annam nhất thống chí, không phải là một sách địa chí, mà chính là một cuốn lịch sử tiểu thuyết viết theo lối truyện “Tam quốc diễn nghĩa” của Tàu.

Nhận xét về cuốn HLNTC, tác giả Nguyễn Duy Chính viết:
“Cuốn sách đó không những được dân chúng tìm đọc mà còn được cả triều đình tham cứu, rồi đến ngày nay trở thành những sự thật lịch sử. Nếu có những mâu thuẫn thì người ta dùng cuốn tiểu thuyết để tấn công lại, dù đối phương có đưa ra tài liệu hay chứng cớ rõ ràng. Hiếm có biên khảo nào không trích một vài đọan để dẫn chứng, kể cả những câu truyện phòng the giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân mà ngay cả kẻ thị thần chắc cũng không am tường được như thế.

Đó là Hoàng Lê nhất Thống Chí của nhà họ Ngô viết về giai đoạn cuối đời Lê sang đến đầu nhà Nguyễn. Thế nhưng đến một lúc nhìn ra đây chỉ là một cuốn sách để mua vui, người nghiên cứu phải có can đảm gạt bỏ nhửng chi tiết được miêu tả chủ quan thiếu căn cứ, đối chiếu với tài liệu khác có cơ sở, để giai đoạn lịch sử này ăn khớp với các quốc gia khác- và cũng nhất quán với chính sử Việt nam trước và sau thời tây Sơn”.
(Trích trong tập biên khảo Nguyên nhân Thanh triều động binh, do tác giả gửi tặng).

Nhưng cách đây gần 40 năm, có người đã không đồng ý như thế, linh mục Nguyễn Phương, giáo sư sử địa Đại học Văn Khoa Huế đã viết một bài biện hộ cho cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí trong bài Giá trị quyển Hoàng Lê Nhất Thống Chí, đăng trên bách Khoa số CLI và CLII, trang 15... Giáo sư Nguyễn Phương khẳng định rằng HLNTC của Ngô Thời Chí là một tập sử chứ không phải là một cuốn tiểu thuyết. Ông viết:
“Thật vậy, quyển HLNTC, không phải chỉ là một áng văn hay, mà còn là một sử liệu quý. Đó là một quyển sử chép rất có nghệ thuật nên người ta đã quá chú trọng vào nghệ thuật của nó mà quên nhãng cả sự thật góc cạnh ở bên trong. và chính vì nhận thấy sự thật quá góc cạnh nầy nên chúng tôi cần có mấy lời giải thích ở đây”.

Và ông cho rằng không thể xếp HLNTC ngang hàng với Tam Quốc Chí vì như thế là điều bất công. Đặc biệt LM Nguyễn Phương phản bác ý kiến của Dương Quảng hàm:
“Dương Quảng Hàm chẳng hạn, trong quyển Việt Nam Văn học sử yếu, xuất bản lần đầu năm 1941, chép về Hoàng lê Nhất Thống Chí rằng: Sách này trái với nhan đề không phải là sách địa chí, mà là một quyển lịch sử tiểu thuyêt viết theo lối truyện “Tam quốc diễn nghĩa” của tàu, chia làm 7 hồi vv( trích Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ 8, 1961, trang 289)..Tất cả sáng kiến của tác giả chỉ là so sánh so sánh HLNTC với bộ Tam quốc chí diễn nghĩa, nhưng so sánh như vậy lệch lạc biết bao. Không cần phải xét kỹ vào cách kết cấu của hai câu truyện xem thử có giống nhau hay không, chỉ nhìn vào người viết của các bộ sách đó, cũng thấy được hai đàng không ăn nhau rồi. Hỏi tác giả của bộ Tam quốc diễn nghĩa có sống đồng thời với chuyện Tam Quốc hay không?

Dù vậy, LM Nguyễn Phương vẫn phải thừa nhận:
“Tác phẩm của Ngô Thời Chí, Ngô Du, không phải là không có đôi chi tiết không được đúng, nhưng sự không được đúng này thuộc phạm vi lầm lẫn một quyển sử chứ không phải trong ở trong cương giới của một tập tiểu thuyết.

Bài viết của Lm Nguyễn Phương không đủ thuyết phục. Tính cách truyện trong HLNTC là có thật. Mà truyện thì có thể thêm bớt, có thể không thật. Cho dù nay có so sánh giữa HLNTC với các bộ sách sử khác như Khâm định việt sử Thông giám cương mục hay Liệt truyện Chính biên sơ tập có đôi chỗ cả ba bộ sách đều viết giống nhau về một sự việc. Việc viết giống nhau không đủ là bằng cớ xác thực, vì rất có thể, các sách đó đã chép lẫn nhau. Chép sai giống nhau thì vẫn là sai. Ba lần sai thì không có nghĩa đó là sự thật?

Cũng vậy, những câu truyện truyền kỳ về “mối tình” Ngọc Hân công chúa-Nguyễn Huệ trong HLNTC xét cho cùng cũng chỉ là truyện với rất nhiều hư cấu, Suy luận một chút thì đây chỉ là một “chiến lợi phẩm” do những nguyên nhân chính trị hơn là bất cứ thứ gì khác.

Việc Vũ văn Nhậm “vét được hơn ba vạn người” tiến ra Bắc cũng không phải là dễ để từ đó cho rằng “Hàng loạt trai tráng nô nức tòng quân”. Hoặc hơn nữa, chúng ta có thể hình dung ra một cuộc chiến thần tốc với “biển người”, dày xéo lên quân Thanh để chúng phải dẫm đạp lên nhau mà chết.
Chỉ có một điều rõ rệt là Quang Trung, Nguyễn Huệ đã dùng một đám quân ô hợp, vơ vét từ nhiều nguồn như đám “cướp biển”, đám quân Thanh Nghệ Tĩnh từ trong Nam ra, binh sĩ dưới quyền Ngô Văn Sở còn sót lại. Và không thiếu đám quân ô hợp cưỡng bách tại các làng mạc vơ vét được khi quân đội Tây Sơn đi qua các địa phương. Cứ ba lấy một. Cứ đầu người mà bắt lính. bất kể già trẻ lớn bé, gia cảnh vợ con, giầu nghèo, bệnh hoạn. (Hoàn cảnh thực tế đã bắt buộc như thế vì nhu cầu chiến trường. Nắng quá, mưa quá, bệnh dịch, cướp. Nhà nào có mấy người bắt đi lính cả, 6 người thì đi cả 6, nhà có 5 người thì đi cả năm, không kỳ già nua, trẻ yếu. Trích Lá thư thưa sai của Sérard gửi ông Blandin.)

Không ai chối cãi được chiến thắng có một không hai này của một Quang Trung Nguyễn Huệ Nhưng nguyên nhân của thắng lợi đó thì cần phải được tìm hiểu kỹ càng cả từ hai cánh quân, từ cách đánh đến tinh thần binh lính, đến khả năng chỉ huy của Nguyễn Huệ và sự khinh địch của Tôn Sĩ Nghị và cuối cùng là nguồn tiêp tế hậu cần cho đến việc di chuyển binh lính và quân nhu, quân dụng.

Các sách đó kể trên có thể viết sai vì do trí nhớ kém hoặc do định kiến nên viết về Tây Sơn Nguyễn Huệ nên cần phải được xét lại, so sánh với các tài liệu khác, ngoài sử liệu Việt Nam để tìm ra đôi phần sự thật.

Đi tìm lại một phần sự thực lịch sử qua tài liệu ngoại quốc

Trong lá thư tòa soạn của Tập San sử địa nhân dịp kỷ niệm chiến thắng xuân kỷ dậu của vua Quang Trung, lá thư tòa soạn đã có nhận định như sau về tình trạng khiếm khuyết tài liệu sử về Quang Trung như sau:
“Các tài liệu của các nhà truyền giáo Tây Phương cũng như của người Trung Hoa vẫn còn là những nguồn sử liệu vô cùng phong phú cho công cuộc nghiên cứu về Quang Trung hay phong trào Tây Sơn”.

Nhận định đó rất là chính xác và đứng đắn. Không thể nào nghiên cứu về phong trào Tây Sơn cũng như cuộc chiến Thanh-Nguyễn mà có thể bỏ quên hai nguồn tài liệu đó được.

1. Về tài liêu của các nhà truyền giáo

Nói chung, tư liệu của người Pháp về Việt nam kể là nhiều như Bulletin de l’école Francaise d’Extrême-Orient, Bulletin de la société des Études Indochinoises, Excursions et Reconnaisances. Tất cả đều nằm trong Revue Indochinoise.

Tác giả Trần Anh Tuấn đã có công sưu tập đầy đủ các công trình nghiên cứu của người Pháp về Việt Nam như lịch sử, chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục trong bài viết: “Thư tịch chú giải lịch sử Việt nam qua tạp chí Revue Indochinoise ( 1893-1925) qua tài liệu của các giáo sĩ như Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Bénigne Vachet, Jean Koffler, Bonifacy hoặc những nhà ngoại giao như Samuel Baron, William Dampier, Georges Staunton.

Ngioài ra, còn phải kể đến những tài liệu đủ loại như sau đây tàng trữ trong thư khố của Pháp như: Archives d’Outre Mer, Archives du ministère des affaires étrangères, Bulletin de renseignement, Ministères des Affaires Étrangers, Service de Documentation

Extérieure et de Contre Espionnage. Những tài liệu này bao gồm những văn thư, những bá cáo, những trao đổi thư từ giữa chính quốc và thuộc địa, những nghị định, những bỏ nhiệm thư, những phúc trình đủ loại của phòng nhì Pháp...

Hoặc các phúc trình, tập san viết tại chỗ gửi về Pháp như Bulletin de la société des MEP, Missi, Missionnaires d’Asie..Hay bộ sách của Forest Alain: Les Missionnaires francais au Siam et au Tonkin. XVII-XVIII siècles, analyse comparée d’un relatif succès et d’un total échec. Hay của Launay, A. Histoire de la Mission de Cochinchine.. Paris, 1925.

Hiện nay, đang có vụ tranh chấp về Trường Sa, Hoàng Sa với phía Trung Quốc. Chúng ta hiện có một số tài liệu quý giá của các thừa sai ngoại quốc viết về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Nhã, Giám mục Taberd đã chú thích rõ ràng bản đồ ấn hành năm 1838 với địa danh Paracel ( Chỉ Trường Sa, Hoàng Sa). Bà Đặng Phương Nghi, ở Pháp đã có công chép lại các lá thư nguyên bản tiếng Pháp và dịch ra tiếng việt của thừa sai Pháp viết về vấn đề này như:

1.Thư của Giám mục Marin, ngày 31-5-1715 gửi cho giám đốc chủng viện (Ar, M.E Cochinchine vol. 729.235-238.
2.Thư của Godefroy ngày 4-7-1715 gửi Tessier.. như trên vol.739. p. 213
3.Thư của Heusse, từ Huế, ngày 6-7-1715 gửi giám mục Hilopolis (.... vol.800, pp13-15.
4.Thư của giám mục Labbé, ngày 16-10-1718 gửi giám đốc chủng viện (.... pp 535-549.
Biết cơ man nào là tài liệu.

Nhưng tài liệu quan trọng nhất liên quan đến nhà Tây Sơn vẫn là tài liệu của các thừa sai Pháp tại Việt Nam, đặc biệt là các lá thư của các thừa sai Balê gửi về cho gia đình và bạn bè mà tôi đã có dịp giới thiệu một phần nhỏ. Missions Étrangères de Paris, viết tắt là MEP. Số tài liệu này chưa được khai thác đầy đủ. Những thừa sai này không phải là những nhà sử học. Mục đích họ viết ra cũng không nhằm viết cho ai đó đọc nên tránh được viết một chiều.

Tính cách trung thực và tại chỗ là điều không thể không ghi nhận. Có những lá thư viết và gửi đi chỉ 10 ngày sau khi Quang Trung đã vào Thăng Long. Tin tức còn mới và sốt dẻo so với sách HLNTC viết sau vài chục năm.

Mặc dầu vậy, những lá thư đó cũng có thể sai lầm vì họ chỉ được nghe kể lại, hoặc do giáo dân nói lại. Hoặc do có cảm tình với nhà Lê chính thống hơn nên thiếu vô tư. Cũng không trách họ được, vì ở đâu thì thì tôn kính vua chúa ở đó.
Ngoài ra, họ là người trong cuộc, là chứng nhân lịch sử, chia sẻ với những người dân thường tất cả những gì họ thấy được, nghe được và biết được. Họ cảm nhận và sống những nỗi đau nỗi sợ như người trong cuộc mà các nhà viết sử sau này không có được. Nhất là hoàn cảnh khốn cùng mà người dân phải gánh chịu như cảnh bắt lính ba lấy một, cảnh đói kém mất mùa, cảnh người chết vì bị tàn sát, cảnh bị cướp của, đốt nhà và bao nhiêu những khốn đốn lao đao khác do cuộc chiến gây ra.

Sử nào chép một dòng về những điều ấy?

Có một số lá thư viết với lời lẽ chân tình, bao dung, tình người, chia xẻ, chứa đầy tâm tư, lòng nhân từ của các thừa sai ấy. Chẳng hạn thư Lm René Jacques Tessier, gửi anh ruột là Lm Tessier, viết ngày 3-6-1810, NLEC, tập 8. Thư của lm Artaud gửi anh em học viện thuộc cộng đồng Xuân Bích ở Paris, ngày 22-7-1965, NLEC, trang188-189. Thư của lm Blandin, viết từ Bắc Kỳ ngày 30-7-1782 cho lm Becquet, bề trên chủng viện Chúa Thánh thần. NLEC, tập VI, trang 334-335.

Và sau đây, xin trích một đoạn thư của Lm Pavec gửi về cho cha mẹ, viết ngày 07/04/1797, NLEC, tập 7, trang 382-383:
“Điều mà họ (người dân) cảm động hơn cả là nhìn thấy chúng con (các thừa sai) chấp nhận bao vất vả và gian nguy mà không có một niềm hy vọng trần thế nào, mà chỉ có mục tiêu duy nhất là rao giảng cho họ về tin mừng, về chân lý. Vì thế, chúng con sẵn sàng chịu tất cả vì danh Ngài. Ở đây, người ta thiếu thốn: Nước thì độc, khí hậu thì âm u nặng nề, dịch bịnh. Mọi người đều nói rằng Chúa đã làm một phép lạ để giữ cho con được khỏe mạnh an toàn”.

Thiết nghĩ phần trình bày này đã đủ.

Để kết luận phần này, xin trích dẫn ý kiến của ông Nguyễn Duy Chính như sau:
“Các giáo sĩ Tây phương tuy chỉ ghi nhận hiện tượng, nhiều chỗ chủ quan theo sự suy nghĩ của họ và dựa vào những nguồn tin không chính xác (Chẳng hạn số lượng quân của cả hai phe), nhưng vẫn là những tài liệu nguyên thủy (primary sources), chưa bị đãi lọc.”
Và ông kết luận:
Việc điều quân của Nguyễn Huệ cho đến nay vẫn còn là một chuỗi những huyền thọai. Mặc dù những bức thư của các nhà truyền giáo đã được đưa ra ánh sáng hơn30 năm nay, nhưng rất ít sử gia Việt nam khai thác vì những chi tiết trong đó không phù hợp với những gì người ta muốn miêu tả về thời Tây Sơn. Hầu hết chúng ta vẫn thích lập lại những tường thuật trích từ Hoàng Lê Nhất Thống Chí của nhà họ Ngô coi như chính sử, nhất là để tô vẽ cho một chiến thắng vẫn được coi như thiên anh hùng ca của dân tộc.”

2. Về tài liệu của sử Trung Quốc

Nếu muốn hiểu biết rõ thêm về tình hình binh đội Tây Sơn thì cần tham chíếu những lá thư của các thừa sai Pháp gửi về Paris. Nhưng nếu muốn hiểu rõ quân nhà Thanh thì không gì bằng tham chiếu tài liệu chính gốc của người Trung Hoa.
Phần tài liệu này, xin tóm lược một vài ý chính trong những bài viết của ông Nguyễn Duy Chính, người đã có công biên soạn hay dịch thuật các sử liệu chính thức của người Trung Hoa. Những tài liệu này giúp chúng ta có thể so sánh và nhận rõ được một số sự việc trong cuộc chiến Việt Trung, thời kỳ Tây Sơn. Trong bài viết tựa đề: “Đi tìm một mảnh khuyết sử qua Khâm Định Annam sử lược”. Ông Nguyễn Duy Chính dùng tài liệu này để tìm hiểu tất cả những diễn biến cũng như chiến dịch Việt –Thanh. Đây là một tài liệu chính thức của triều đình nhà Thanh trong đó giữ lại tất cả những thư từ chiếu biểu của vua Càn Long và Quân cơ xứ liên lạc với các nơi cũng nhu một số quốc thư gồm những tờ biểu quan trọng nhất của Lê Duy Kỳ, Nguyễn Quang Bình gửi vua Càn Long.
Chúng tôi chỉ xin ghi chép lại một vài điểm.

Chẳng hạn về số quân Trung Hoa được gửi sang thì thấy rằng không nhiều như người ta ttưởng. Theo tỗ chức và định chế của Trung Hoa thì mỗi tỉnh không được phép tập trung nhiều binh đội trong một tỉnh để phòng ngừa nổi lọan. Theo ông Nguyễn Duy Chính:
“Vấn đề quân số nhà Thanh đem sang nước ta cũng cần được đánh giá lại. Việc khẳng định 20, 30, 50 vạn như nhiều sách vở khó có thể coi là chính xác, phần lớn dựa trên chủ quan và và dựa trên ước đoán tổng quát. Riêng sách vở của trung Hoa thì họ luôn luôn nhắc lại con số trong Đại Thanh Thực Lục là một vạn quân mặt đông và 8 ngàn quân mặt tây đưa con số 18.000 cho cả hai mặt.”

Dĩ nhiên, đây là quân chính quy, chưa kể đến đám quân hậu cần có thể nhân lên hai ba lần số quân chính quy. nhưng những con số 30 chục vạn hay 50 chục vạn là quá đáng. Bởi vì ở một đọan khác viết rằng:
Tôn Sĩ Nghị tiến quân theo đường Lạng Sơn thấy nơi nào nhà cửa tiêu điều, xóm làng tan nát vì chiến tranh lâu nay, nhiều nơi còn cả xương trắng đến xác người thối rữa. Ngày 6 tháng 11, đốc tiêu quân, tỉnh Quảng Đông lại tăng viện thêm 1000 người nữa.

Tăng viện 1000 người nữa cho một đoàn quân 30 vạn thì phỏng có ý nghĩa gì?

Hơn nữa trong cuộc chiến Việt Thanh năn 1789, Càn Long chỉ xử dụng quân của 4 tỉnh phía nam và tây nam. Mà quân của các tỉnh này trung bình không quá 5000 người. Tôn Sĩ Nghị lấy đâu ra binh đội cả 30 chục vạn người?

Rất có thể chỉ là cách nói phô trương thanh thế của cả hai bên. Chẳng hạn như khi quân Tôn Sĩ Nghị ra khỏi trấn Nam Quan, Tôn Sĩ Nghị điều động 2000 quân dọc theo bờ sông để phòng thủ, 8000 quân còn lại tiếp tục tiến xuống nhưng phô trương thanh thế nói là dưới tay có đến 10 vạn quân.Và theo tài liệu nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị tuyển thêm vài trăm binh đi cùng với bồi thần nhà Lê là Lê Nguyễn Đĩnh. hợp cùng đám thổ binh ra hàng, nhân lúc trời tối lẩn theo các khu vực cây rậm rạp tiến lên trước, nhưng không gặp phục binh của quân ta vì tất cả đã được lệnh lui về dựa vào các sông lớn ở Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương án binh chống giặc.

Còn biết bao nhiêu câu truyện sử cần đặt lại như truyện vua Lê Chiêu Thống sang Tàu để cầu viện để sau này nhận lãnh cái tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”. Nào ai thử hỏi việc đầu tiên sau khi đánh đuổi được Tôn Sĩ Nghị , vua Quang Trung phải làm là gì? Phải chăng việc dùng một Quang Trung giả sang thần phục nhà Thanh là điều có thật? Phải chăng việc đòi đất Lưỡng Quảng và được nhà Thanh chấp nhận trao trả cũng là điều có thật?
Đã đành rằng ngày nay chúng ta không thể nào viết lại đầy đủ một cách chính xác sử đời Tây Sơn.

Nhưng việc khảo xét lại những tồn nghi trong lịch sử là điều nên làm và nên được khuyến khích mặc dù có thể bị hiểu lầm, bị quy chụp là bội nhọ lịch sử.


Nhận xét
Bạn không có quyền thêm nhận xét.