Trang

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Quyết định số 602/QĐ-UBND Phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       TỈNH GIA LAI                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
     Số: 602/QĐ-UBND      Pleiku, ngày  21  tháng  09   năm 2009


QUYẾT ĐỊNH
Về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản
tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

           Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
           Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính Phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
           Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
            Căn cứ Thông tư số 03/2006/TT-BTS ngày 12/4/2006 của Bộ Thủy sản về hướng dẫn thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
          Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 519/TTr-KHĐT ngày 03/8/2009.

QUYẾT ĐỊNH:

          Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung như sau:

          I. TÊN QUY HOẠCH: Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

          II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
          - Khai thác hợp lý các loại hình mặt nước đưa vào phát triển khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản trên cơ sở tập trung đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội; phát triển nguồn lợi và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho người dân;
          - Lấy thị trường làm động lực và nhu cầu thị trường là cơ sở để định hướng các đối tượng và công nghệ nuôi, thả.
          - Phát huy nội lực thu hút mọi thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình hợp tác kinh tế, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ bên ngoài;
          - Phát triển hình thức đa canh, kết hợp canh tác nông nghiệp với thủy sản một cách hợp lý, vừa đa dạng hóa các đối tượng nuôi, làm tăng hiệu quả sử dụng mặt nước và an toàn cho chuyển đổi canh tác đối với nông dân nghèo.
          - Chủ động đưa lĩnh vực thủy sản của tỉnh hòa nhập với sự phát triển của cả nước trong xu thế hội nhập và thương mại toàn cầu.

          III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:
          1. Mục tiêu:
          Phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả cao nhất tiềm năng diện tích mặt nước để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác và tạo ra một ngành sản xuất hàng hóa, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng và phấn đấu hướng tới xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sinh.
          2. Chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
          - Diện tích phát triển thủy sản đến năm 2015 đạt 15.870ha, đến năm 2020 đạt 24.340ha; tốc độ tăng bình quân 2009-2020 là 16,22%/năm;
          - Sản lượng thủy sản đến năm 2015 đạt 4.295 tấn, đến năm 2020 đạt 9.051 tấn; tốc độ tăng bình quân 2007-2020 là 24,53% (trong đó sản lượng thủy sản nuôi đến 2015 đạt 3.500 tấn, năm 32020 đạt 8.000 tấn)
          - Số lao động làm việc trong ngành sản xuất thủy sản đến năm 2010 là 5.000 người, năm 2020 là 9.000 người.

          IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1.     Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản:
1.1. Đối tượng nuôi
          Bên cạnh các loại cá truyền thống, phát triển các đối tượng nuôi mới như: cá tra, rô phi đơn tính, cá lóc, cá chim trắng, cá trê lai, tôm càng xanh, ba ba, ếch, cá sấu...và từng bước tiến tới nuôi trồng các loại thủy đặc sản như cá thác lác, anh vũ, lăng, chình...Đối với mỗi loại hình mặt nước khác nhau có cơ cấu đàn giống thả nuôi khác nhau.
2.2. Diện tích, sản lượng nuôi trồng
          - Đến năm 2015 nuôi trồng 2.180 ha, trong đó nuôi thâm canh chiếm 10%; nuôi bán thâm canh chiếm 20%; nuôi quảng canh cải tiến chiếm 70%. Sản lượng đạt 3.500 tấn; năng suất đạt 1,6 tấn/ha.
          - Đến năm 2020 nuôi trồng 3.580 ha, trong đó nuôi thâm canh chiếm khoảng 13%, nuôi bán thâm canh chiếm khoảng 25%; nuôi quảng canh cải tiến chiếm khoảng 62%. Sản lượng đạt 8.000 tấn, năng suất đạt 2,2 tấn/ha.

          Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản theo các loại hình nuôi trồng đến năm 2015 và 2020 cụ thể như sau:
Các loại hình nuôi trồng thủy sản
Đến năm 2015
Đến năm 2020
Diện tích (ha)
Sản lượng (tấn)
Diện tích (ha)
Sản lượng (tấn)
I. Tổng số
2.180
3.500
3.580
8.000
1.Nuôi thủy sản ở ao hồ nhỏ
1.510
2.441
1.820
4.526
Thâm canh
140
560
310
1.395
Bán thâm canh
296
592
590
1.425
Quảng canh cải tiến
1.074
1.289
920
1.656
2. Nuôi thủy sản ở ruộng trũng
510
895
900
2.510
Thâm canh
50
200
160
720
Bán thâm canh
110
275
310
930
Quảng canh cải tiến
350
420
430
860
3. Nuôi thủy sản ở vùng bán ngập
160
128
860
860
Quảng canh cải tiến
160
128
860
860
II. Nuôi cá lồng
100
(lồng)
40
200
(lông)
100
          (Cụ thể ao, hồ nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản từng huyện, thị xã, thành phố có báo cáo Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 kèm theo)
2. Quy hoạch khai thác thủy sản trên các loại hình mặt nước lớn:
          -Khai thác thủy sản chủ yếu là ở hồ chứa và hồ tự nhiên, sông Ba, sông Ayun, sông Sê San, sống Sêrêpôk. Trong những năm đến tiếp tục thả giống ra các diện tích mặt nước lớn để phát triển nguồn lợi, dự kiến đến năm 2015 diện tích khai thác là 13.690ha, sản lượng đạt 795 tấn; đến năm 2020 diện tích khai thác là 20.760 ha, sản lượng đạt 1.051 tấn.
          - Nhu cầu đầu tư thêm tàu thuyền máy có công suất từ 12-35CV đến năm 2015 là 70 chiếc và đến 2020 là 100 chiếc.
          3. Nhu cầu lao động sản xuất thủy sản:
          Lao động trong sản xuất thủy sản đến năm 2015 là 5.000 lao động, đến năm 2020 là 9.000 lao động, trong đó lao động nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 là 4.650 lao động, đến năm 2020 là 8.500 lao động. Lao động khai thác thủy sản đến năm 2015 là 350 lao động, đến năm 2020 là 500 lao động. Để đáp ứng lao động có trình độ kỹ thuật cho sản xuất thủy sản, đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản, trong những năm tới cần mở các lớp tập huấn, đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao kiến thức về thủy sản cho người nuôi.
          4. Nhu cầu giống:
          - Đến năm 2015 là 9,8 triệu con, trong đó giống cá là 8,83 triệu con, giống tôm là 0,98 triệu con;
          - Đến năm 2020 là 21,1 triệu con, trong đó giống cá là 19 triệu con, giống tôm là 2,1 triệu con
          - Giống thả cho khai thác thủy sản (chủ yếu là giống cá) đến năm 2015 là 5,7 triệu con. đến năm 2020 là 7,2 triệu con.
          - Nguồn giống được cung cấp chủ yếu từ các cơ sở sản xuất và hộ gia đình.
          5. Nhu cầu về thức ăn:
          - Đến năm 2015 nhu cầu thức ăn là 77.700 tấn, trong đó thức ăn tinh 5.100 tấn, thức ăn xanh là 72.600 tấn
          - Đến năm 2020 nhu cầu thức ăn là 162.000 tấn, trong đó thức ăn tinh 12.500 tấn, thức ăn xanh là 149.500 tấn.
          6. Các dịch vụ hậu cần: Phát triển mạng lưới cơ  sở bán ngư cụ cho nghề cá. Các cơ quan về khuyến nông, khuyến ngư tích cực thúc đẩy mạng lưới này phát triển, đồng thời tư vấn về dịch bệnh và thuốc phòng chữa bệnh cho người nuôi. Việc quản lý và kiểm soát các dịch vụ này sẽ được thực hiện qua các cơ quan kiểm dịch về thú y và thủy sản hoặc các bộ phận khuyến nông, ngư. Các cơ quan có chức năng quản lý về thủy sản cần phải kiểm tra, giám sát và quản lý các cơ sở cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và đảm bảo an toàn cho người nuôi.
          7. Cơ sở hạ tầng về thủy lợi cho vùng nuôi trồng thủy sản
          Sử dụng hệ thống các hệ thống thủy lợi ao, hồ chứa, kênh mương hiện có cho cả nông nghiệp và thủy sản, tiến hành bê tông hóa các kênh mương cấp 1 và cấp 2 tăng hiệu suất lưu chuyển nước, xã hội hóa về xây dựng và quản lý hệ thống thủy lợi nuôi trồng thủy sản.
          8. Các chương trình và dự án nuôi trồng thủy sản:
          - Chương trình phát triển giống thủy sản; chương trình phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản; các dự án chi tiết (quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tập trung; phát triển thủy sản ao, hồ nhỏ, vùng ruộng trũng, phát triển nuôi và khai thác thủy sản hồ chứa, khai thác thủy sản sông ngòi);
          - Chương trình phát triển khoa học công nghệ và khuyến ngư; chương trình phát triển nguồn nhân lực; chương trình đầu tư cho tàu thuyền và ngư lưới cụ;
          - Nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển thủy sản gồm: Nguồn vốn đầu tư của ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương, vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước, vốn của nhân dân.

          V. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
          1. Giải pháp về cơ chế chính sách:
          - Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản, đặc biệt là đầu tư sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn và công nghệ cao.
          - Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê mặt nước để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển thủy sản phù hợp với chu trình sản xuất;
          - Thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển thủy sản theo qui định và hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
          2. Giải pháp về giống và thức ăn cho thủy sản:
          2.1. Giải pháp về giống:
          - Xây dựng Trung tâm giống thủy sản để sản xuất giống cấp I cùng với các trại vệ tinh để cung cấp 70% nhu cầu về giống; 30% lượng giống nhập từ các tỉnh khác trong nước và nước ngoài.
          - Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung ứng giống thủy sản đảm bảo chất lượng.
          2.2. Giải pháp về thức ăn:
          - Xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi (trong đó có chế biến thức ăn cho thủy sản), đồng thời nhập khẩu thức ăn thủy sản của các cơ sở chế biến trong và ngoài nước để đảm bảo cung cấp thức ăn cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
          - Sử dụng các sản phẩm, phụ phẩm trong nông, ngư nghiệp tại chỗ để cung cấp thức ăn cho nuôi trồng thủy sản.
          3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và khuyến ngư:
          Đào tạo kỹ thuật viên cho các cán bộ địa phương hoặc một số hộ dân ở vùng nuôi tập trung để làm nòng cốt cho phong trào....Đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật và kỹ năng quản lý thủy sản cho cán bộ quản lý. Tổ chức tập huấn cho nông dân hàng năm, hàng vụ đặc biệt là các lớp tập huấn đầu bờ. Thay thế hệ thống đào tạo không theo nhu cầu thị trường sang tiếp cận từ ngoài và bằng hệ thống đào tạo theo nhu cầu thị trường. Tích cực phổ biến các yêu cầu mới, chuẩn mực quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như áp dụng công nghệ mới. Phối hợp với viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản để lựa chọn và du nhập công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện nghề cá của tỉnh trong lĩnh vực thủy sản.
          4. Giải pháp về thị trường:
          Quản lý chặt chẽ chất lượng và duy trì sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản để đảm bảo uy tín trên thị trường. Giữa người nuôi trồng thủy sản và các tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để không bị bán ép giá. Đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Mở các lớp tập huấn cho người sản xuất thủy sản về phương pháp bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tránh việc phải bán hạ giá do bảo quản sản phẩm không tốt.
          5. Giải pháp về môi trường:
          - Khuyến cáo thực hiện đầy đủ các biện pháp tẩy dọn ao nuôi trước khi bắt đầu một vụ nuôi mới;
          - Khi cá, tôm bị dịch bệnh tuyệt đối không được xả nước hoặc vét bùn ra môi trường xung quanh và nguồn cung cấp nước;
          - Trong các khu nuôi tập trung và các khu nuôi theo hình thức sản xuất hàng hóa cần phải thực hiện các biện pháp về xử lý nước thải cũng như việc cấp thoát nước tuân thủ theo quy định chung;
          - Tăng cường giám sát môi trường nước xung quanh và điều tiết cấp thoát nước giữa nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp, tránh nguy cơ bị ô nhiễm từ các loại hóa chất bảo vệ thực vật cũng như thuốc trừ sâu từ sản xuất nông nghiệp.

          VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
          - Công khai Quy hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh cho các ngành và địa phương biết.
          - Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện quy hoạch; tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với nhiệm vụ và tình hình mới, cụ thể hóa quy hoạch bằng các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển thủy sản.
        Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
          Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:
-Như điều 2;
-Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
-Thường trực Tỉnh uỷ (b/c);
-Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
-Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
-Công ty KTCT thủy lợi
-Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
-Lưu VT, TH, NL.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Phạm Thế Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét