Báo Bồng là vùng đất cổ, bởi Báo Bồng
nằm giữa khu vực sinh sống của con người thuộc văn hóa Đa Bút (làng Đa Bút), di
chỉ Rú Hến (làng Kênh Thủy), di chỉ Cồn Cổ Ngựa thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà
Trung.
Xưa kia, khi các chân sào chống thuyền
trên dòng sông Mã, vượt qua ngã Ba Bông(1), trai đò cất tiếng hò: Thuyền đà
vượt ngã Ba Bông/ Đến đây là đất Báo Bồng em ơi. Trai đò báo cho khách trong
thuyền biết thuyền đã đến miền Báo Bồng.
Đất Báo Bồng ngày xưa chỉ có hai làng là
Biện Thượng và Biện Hạ. Ngày nay đất Báo Bồng gồm các làng Bồng Thượng (xã Vĩnh
Hùng), làng Bồng Trung, Bồng Hạ, Bồng Thôn, làng Mai và làng Vực (xã Minh Tân)
thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đường đến miền Báo Bồng hôm nay rất thuận
tiện bằng cả đường sông và đường bộ. Nếu đi từ thành phố Thanh Hóa, ngược quốc
lộ 45 đến thị trấn Quán Lào 26 cây số, rẽ phải 7 cây số, qua cầu Yên Hoành gặp
đất Báo Bồng. Hoặc từ quốc lộ 1A (ở khu vực Đò Lèn) ngược quốc lộ 217 (Đò Lèn -
Na Mèo) khoảng mươi lăm cây số là đến Báo Bồng. Miền Báo Bồng cách Thành nhà Hồ
14 cây số.
Làng Bồng Thượng và làng Bồng Trung
trước kia là một đơn vị hành chính có tên là sách Biện Đà rồi hương Biện
Thượng, xã Biện Thượng, rồi làng Biện Thượng. Vào năm 1510, dưới triều Hồng
Thuận thứ 2, đời vua Lê Tương Dực, dân cư ở phía Đông làng Biện Thượng đủ thành
lập một làng riêng. Các cụ trong làng xin được thành lập làng lấy tên là Đông
Biện - làng nằm ở phía đông làng Biện Thượng. Cuối thế kỷ XIX vì kiêng chữ Biện
húy của vua Đồng Khánh và chúa nào đó nên làng Biện Thượng đổi thành là Bồng
Thượng, làng Đông Biện đổi là Bồng Trung, làng Biện Hạ đổi là Bồng Hạ.
Làng Biện Thượng còn có tên gọi làng
Báo. Hiện chưa tìm thấy sách vở ghi về đơn vị hành chính làng Báo, mà chỉ được
lưu truyền, để làng Báo vẫn còn mãi với cư dân làng Bồng Thượng, với người dân
trong vùng. Những tên núi, tên sông, chùa chiền vẫn được gọi theo tên làng Báo,
đó là núi Hùng Lĩnh gọi là núi Báo, rồi bến Đò Báo, chùa Báo, Phủ Báo.
Đặc biệt, tên làng Báo đã đi vào thành
ngữ, thi ca lưu truyền trong Nhân dân. Nói về cảnh đẹp, cảnh nhộn nhịp của Báo
Bồng ca dao có câu:
Nhác
trông phong cảnh vui thay
Báo Bồng
có phải chốn này hay không
Xưa kia, điều kiện sản xuất nông nghiệp
ở làng Báo vô cùng khó khăn, vất vả. Rồi khu vực Bồng Báo ba bề đều núi cao bao
bọc, do đó thời tiết ở đây cũng khác thường được phản ánh qua tục ngữ, thành
ngữ:
- Ăn cơm
làng Báo tháo xương hông
- Mưa từ
trong Nghệ mưa ra
- Mưa
khắp thiên hạ mưa qua Báo Bồng
Nói về Báo Bồng quê hương Chúa Trịnh và
đất Báo Bồng lắm người học hành đỗ đạt cao và làm quan.
- Ngựa
xe về Bồng Báo
- Bồng
Báo là đất quý hương
Ai về
Bồng Báo kéo dây cương ngựa thờ.
Trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính, trong
đó có câu “Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo”. Câu thơ nói đến đất Bồng Báo
giỏi dạy người xấu thành người tốt.
Làng Bồng Thượng, Bồng Trung, Bồng Hạ,
trước làng có dòng sông Mã chảy qua, sau làng có dãy núi Mông Cù có đỉnh cao
374m. Phía đông có dãy núi Biện Lĩnh (gọi theo làng là núi Bền), phía Tây có
dãy núi Hùng Lĩnh (gọi theo làng là núi Báo). Sách Đại Nam nhất thống chí triều
Nguyễn viết: “Mạch núi từ phía đông núi Hùng Lĩnh, theo ven sông Mã bỏ xuống,
nổi vọt lên 29 ngọn, đứng xa mà trông hiện ra nhiều hình tàn lộng, như lâu đài,
như cờ quạt, như voi, ngựa, như gấm hoa, như bình phong, khi râm, khi nắng,
buổi sáng, buổi chiều khí sắc luôn thay đổi”. Nhà sử họ Phan Huy Chú viết về
tỉnh Thanh Hóa “vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương
tướng, khí tinh hoa tụ họp lại nảy sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa
tụ họp lại nảy ra nhiều văn nho.... Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra
những bậc phi thường, vương khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”. Đất
Báo Bồng là một miền đất thiêng.
Theo cuốn “Gia phả dòng họ Trịnh Kỷ và
Trịnh Tư phụ tập” biên soạn vào đời Gia Long thứ 2 (1803), được Nghiêm Thành
Sâm và Nguyễn Hữu Sáng - người xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương phụ sao, hiện
lưu giữ tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa, nhà Hán học Bùi Xuân Vỹ dịch, nội dung
cuốn gia phả có đoạn: “Tổ bốn đời của ông Trịnh Kiểm là ông Trịnh Liễu vốn
người làng Sáo Sơn (nay là Sóc Sơn). Ông Trịnh Liễu lúc bé cha mất sớm, nhà
nghèo nhưng vẫn ham học.
Lớn lên ông lấy cày cấy, chăn nuôi làm
nghề sinh sống. Tính tình nhân hậu lại hay thương người. Ông Trịnh Liễu được
một thầy địa lý ở xứ Chỏng nún (núi Nang Lợn) có một ngôi đất quý để mộ ở đấy
bốn đời sau có thể làm nên vương nghiệp. Thầy địa lý còn hướng dẫn ông Liễu đi
về phía đông núi Hùng Lĩnh, đến Ngõ Thẳng làng Biện Thượng, thầy địa lý nói:
“chỗ này có thể lập được một dương cơ tốt”. Ông Liễu y theo thầy địa lý đã đi
lấy hài cốt của bố mẹ đem chôn cất ở nơi được chỉ dẫn. Sau đó, ông Liễu lấy con
gái ông Tú họ Hoàng làng Biện Thượng, rồi dời nhà về Ngõ thẳng ở. Ông Trịnh
Liễu đã sinh ra ông Trịnh Lan. Ông Trịnh Lan sinh ra ông Trịnh Lâu. Ông Trịnh
Lâu lấy con gái người họ Hoàng ở thôn Hổ, làng Vệ Quốc, huyện Yên Định sinh ra
Trịnh Kiểm.
Trịnh Kiểm lớn lên là người rất thông
minh, can đảm và mưu lược hơn người. Bấy giờ, nhà Mạc cướp ngôi nhà Hậu Lê,
Nguyễn Kim là người quê ở Gia Miêu (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung) là An
thành hầu dưới triều Lê Sơ dựng cờ khởi nghĩa tái lập nhà Lê. Trịnh Kiểm đầu
quân làm gia tướng theo Nguyễn Kim. Nguyễn Kim mến tài đem con gái Ngọc Bảo gả
cho Trịnh Kiểm.
Năm 1533, Nguyễn Kim sai Trịnh Kiểm đem
quân sang Ai Lao đón Lê Duy Ninh về lập làm vua (tức vua Lê Trang Tông). Vua
thấy Trịnh Kiểm tướng mạo khác thường, bèn phong cho làm Đại tướng quân, lúc đó
Trịnh Kiểm mới 37 tuổi.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà
Mạc đánh thuốc độc chết, binh quyền về tay Trịnh Kiểm và Trịnh Kiểm được vua Lê
gia phong làm Thái sư Lượng Quốc Công, đứng đầu trăm quan cùng lo việc nước.
Năm Bính Ngọ (1546), Trịnh Kiểm rút quân
về Thanh Hóa, lập hành điện ở sách Vạn Lại (nay thuộc xã Xuân Châu, huyện Thọ
Xuân) để cho vua ở và dựng hành dinh ở Ngõ Thẳng làng Biện Thượng (nay thuộc xã
Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc), tức phủ Trịnh.
Từ khi lên nắm quyền bính, Trịnh Kiểm ra
sức củng cố lực lượng, thu hút nhiều nhân tài, nên Nam triều ngày càng mạnh
lên, họ Trịnh cai quản vùng phía nam của Đại Việt (trên danh nghĩa vẫn là dưới
quyền vua Lê) và chiến đấu với nhà Mạc ở phía bắc (Bắc Triều). Bấy giờ, nhà Lê
chiếm được Thanh Hóa và Nghệ An. Nhờ có khẩu hiệu “Phù Lê - Diệt Mạc”, thanh
thế họ Trịnh ngày một lớn.
Năm 1556, vua Lê Trang Tông mất sớm,
không có con nối dõi, Trịnh Kiểm bèn đi tìm được người trong tôn thất nhà Lê là
Lê Duy Bang lập làm vua, tức là Lê Anh Tông. Từ đó, họ Trịnh vốn đời cầm quyền
nhưng danh nghĩa vẫn tôn phò làm bề tôi cho nhà Lê, hai họ sống chung trong cơ
chế “lưỡng đầu” suốt trên 240 năm, đất nước không có ngoại bang xâm lược.
Ngay trong khói lửa chiến tranh, Trịnh
Kiểm vẫn chăm lo tới công việc triều chính. Ông đã cho đo đạc ruộng đất, lập
chế độ thuế khóa, chú ý tới phát triển nông nghiệp. Trên lĩnh vực giáo dục khoa
bảng, Trịnh Kiểm đã mở khoa thi Sĩ vọng, mở các kỳ thi Hương… để chọn lựa hiền
tài cho đất nước. Ông còn chú trọng mở rộng bang giao với Ai Lao để giữ yên mặt
phía tây. Với những cống hiến của Trịnh Kiểm cho Vương triều Lê và trong công
cuộc xây dựng đất nước, vua Lê Anh Tông đã gia phong cho ông chức Thượng tướng
Thái Quốc công và tôn là Thượng Phụ.
Trịnh Kiểm mất ngày 18/02 Âm lịch năm
Canh Ngọ (1570) được truy tôn là Minh Khang Thái Vương. 25 năm giữ binh quyền,
đức Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm có công lao rất lớn, là rường cột tạo dựng
triều Lê Trung Hưng và là người mở đầu sự nghiệp nắm quyền của các Chúa Trịnh,
đó là: Trịnh Tùng (1570 - 1623), Trịnh Tráng (1623 - 1657), Trịnh Tạc (1657 -
1682), Trịnh Căn (1682 - 1709), Trịnh Cương (1709 - 1729), Trịnh Giang (1729 -
1740), Trịnh Doanh (1740 - 1767), Trịnh Sâm (1767 - 1782), Trịnh Cán (1782),
Trịnh Khải (1782 - 1786), Trịnh Bồng (1786 - 1787).
Như phần trên đã nói, vào năm 1546,
Trịnh Kiểm rút quân về Thanh Hóa và lập hành điện ở Vạn Lại để vua Lê ở; đồng
thời lập hành dinh ở Biện Thượng, gọi là phủ Liêu. Phủ Liêu là cả một hệ thống
cung điện, đền đài khá hoàn chỉnh làm nơi thờ tự tiên tổ, nơi ăn ở và làm việc
của nhà Trịnh trong công cuộc “Phù Lê diệt Mạc”.
Tháng Chạp năm 1592, nhà Mạc cơ bản bị
diệt, cuộc nội chiến Nam - Bắc triều chấm dứt. Tháng 4 năm 1593, chúa Trịnh
Tùng rước vua Lê từ Thanh Hóa ra Thăng Long ngự ở chính điện. Năm 1599, chúa
Trịnh Tùng lập ra phủ Chúa ở Thăng Long làm nơi ở và làm việc của chúa Trịnh.
Lúc bấy giờ ở Biện Thượng và Thăng Long vẫn có sự giao lưu thường xuyên. Không
một đời chúa nào mà không có một lần về bái yết tôn lăng hoặc lưu lại Biện
Thượng trong khi đi tuần trong kinh lý trấn Thanh Hoa. Không một quan đại thần
nào mà không có một lần về chiêm ngưỡng quê hương đất tổ nhà Trịnh. Chính những
sự đi lại tấp nập mà người xưa có câu “Ngựa xe về Bồng Báo”.
Trải qua các cuộc binh đao và thời gian mưa
nắng, phủ nhà Trịnh ở Biện Thượng chỉ còn lại một ngôi nhà cổ 7 gian, xây gạch
vồ, lợp ngói mũi, làm toàn bằng gỗ lim, cột to. Năm 1995, ngôi nhà Phủ Trịnh
được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di
tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê
duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ Trịnh
nhằm mục đích phát huy giá trị di tích, góp phần tôn vinh công lao to lớn của
các chúa Trịnh trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Từ đó công việc xây dựng, tu
bổ, tôn tạo khu di tích Phủ Trịnh đã và đang được tiến hành.
Năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích Phủ Trịnh, xã
Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu xây dựng khu di tích Phủ
Trịnh thành điểm đến của du lịch Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung, góp
phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Quyết định nêu rõ tính chất, chức
năng khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh gắn liền với điểm tham quan, du
lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa.
Quy mô quy hoạch khu di tích Phủ Trịnh
có tổng diện tích là 16,36ha. Trong đó khu vực di tích bao gồm: Khu phủ từ gồm
các hạng mục: Nhà tiền điện, nhà Hậu điện, cổng, nhà tả mạc, sân, vườn, cảnh
quan… Khu trưng bày, Vườn Thượng Uyển gồm có 11 gian: Lầu ngắm cảnh, khu trưng
bày thú trên đá, hồ nước, các loại cây hoa, cây cảnh. Khu lễ hội có các hạng
mục: Nhà bia, cổng Nam, cổng tây, lầu ngâm thơ trên hồ nước, sân vườn, cảnh
quan… Khu cảnh quan phía ngoài đê có khu cây xanh, có bến thuyền sông Mã và
đường giao thông để khách đi bằng đường thủy về thăm Phủ Trịnh.
Về thăm khu di tích Phủ Trịnh, du khách
đến thăm một số di tích lịch sử liên quan đến nhà Trịnh đã được xếp hạng di
tích lịch sử cấp quốc gia, đó là: Nghè vẹt, Nhà thờ họ Hoàng Đình (làng Bồng
Thượng), mộ tổ 5 đời của Thái vương Trịnh Kiểm, lăng mộ Thành tổ Triết vương
Trịnh Tùng (làng Sóc Sơn)…
Nghè Vẹt là một công trình kiến trúc quy
mô rất lớn, gồm có: Nhà tiền đường 11 gian, trung đường 11 gian và hậu cung.
Nhà làm toàn bằng gỗ lim, cột to, mái lợp ngói mũi. Dãy cột cái phía sau nhà
tiền đường, mỗi cây cột bài trí một chim Vẹt gỗ và một tượng phỗng gỗ (quan
hầu) tất cả đều chầu vào gian giữa. Ở hai cột quân phía sau nhà tiền đường có
đặt đôi Ngựa hồng cũng chầu vào gian giữa. (Đầu năm 70 của thế kỷ XX, địa
phương hạ giải 8 gian cả dãy nhà trung đường, hiện còn 3 gian). Nghè Vẹt đã
được trùng tu tôn tạo khang trang.
Nghè Vẹt là nơi thờ Thành hoàng làng
Biện Thượng. Thần họ Trịnh tên húy là Gia, người đất Thiên Vực, lộ Vĩnh Ninh
(nay là Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc). Vào niên hiệu Hàm Thông, đời vua Đường Ý Tông
(Trung Quốc), vua sai Cao Biền đem quân đánh giặc, Trịnh Gia theo giúp được làm
quản gia và trở nên giàu có. Ông rất thương người nghèo đói, thường đem của chu
cấp cho Nhân dân trong cả huyện. Sau bị người ở xã Vĩnh Thành (nay thuộc thị
trấn Vĩnh Lộc) hiềm thù giết chết rồi bỏ xác xuống sông. Cao Biền bèn làm lễ
chôn cất. Từ đó về sau, dân ở ven sông Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) và một số nơi khác
lập đền thờ. Trên đất Thanh Hóa có 72 nơi thờ Trịnh Gia, riêng huyện Vĩnh Lộc
có 28 nơi thờ. Kỵ thần vào ngày 14/11 âm lịch.
Nhà thờ họ Hoàng Đình là nơi thờ Thái tử
Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái - danh tướng thời Lê Trung Hưng. Hoàng Đình Ái
sinh năm 1527, quê ở Biện Thượng. Từ nhỏ Hoàng Đình Ái đã theo nghiệp võ, lớn
lên ông đầu quân giúp nhà Lê Trung Hưng, làm quan trải 4 triều: Trung Tông
(1549-1556), Anh Tông (1557-1573), Thế Tông (1573-1600), Kính Tông (1600-1619),
“một đời công thần ở ngôi vị tướng văn, tướng võ, công danh bao trùm thiên hạ,
sự nghiệp rải khắp biên thùy”. Ông mất năm 1608, hưởng thọ 81 tuổi, triều đình
truy tặng Bình Chương sự, Nhã Đô Mậu nghĩa công, ban tên thụy là Hậu Đức. Vua
sai Đông các đại học sĩ Ngô Chí Hòa soạn văn bia để ghi công. Lời minh trong
văn bia ghi: “Non sông nước Nam/ Giữa tin Nhật nguyệt/ Tướng công chung nghĩa/
Đứng giữa đất Việt/ Thư khoán nhà Hán/ Cờ quạt nhà Chu/ Hoàn nghiệp tướng công/
Rạng danh muôn thuở/ Hòe quế đầy sân/ Lan chi đầy thềm/ Con cháu tướng công/
Trăm đời hiển đạt”.
Từ Bồng Thượng khách du lịch lên làng
Sóc Sơn (cùng xã Vĩnh Hùng) thăm viếng mộ tổ 5 đời Thái sư Trịnh Kiểm là Tuy
nhân vương Trịnh Kỷ, cùng phu nhân họ Lê, húy là An Nhân. Khu mộ nằm ở nanh lợn
thuộc khu vực Chổng Nun. Truyền lại đây là nơi đất quý được thầy địa lý mách
bảo, Trịnh Liễu đưa hài cốt bố mẹ chôn cất tại đây, về sau đến đời Trịnh Kiểm
đã làm nên vương nghiệp.
Ở làng Sóc Sơn còn có khu lăng mộ chúa
Trịnh Tùng, con thứ của Trịnh Kiểm, nằm trên khu đất cao bên cạnh hón thác
(suối), quanh năm có nước chảy ra sông Mã. Trịnh Tùng có 53 năm nắm giữ binh
quyền và phục triều 4 triều vua Lê: Anh Tông, Thế Tông, Kính Tông, Thần Tông,
đất nước hai mặt Nam - Bắc đều yên ổn. Trịnh Tùng mất năm 1623, hưởng thọ 74
tuổi. Triều đình nhà Lê tôn phong Miếu hiệu là Thành tổ Triết Vương. Khu lăng
mộ Trịnh Tùng được tu bổ, tôn tạo từ năm 2012 trên diện tích 11.000m2. Công
trình gồm: Lăng mộ, nhà bia, cổng tứ trụ, hậu chẩm, tượng chầu, sân, hồ bán
nguyệt, cây xanh…
Đất Báo Bồng còn là đất học hành, khoa
bảng và tinh thần yêu nước, ý chí chống xâm lược. Trong thời kỳ phong kiến, nơi
đây có nhiều người đỗ đạt cao, đứng đầu là Trịnh Tuệ, người làng Biện Thượng có
Trịnh Khắc Tuy đỗ Tiến sĩ năm 1685, Trịnh Kiên đỗ Tiến sĩ năm 1448… Ở làng Đông
Biện có Đỗ Thiện Chính đỗ Hoàng giáp năm 1659, Tống Duy Tân đỗ Tiến sĩ năm
1875, Đỗ Thiện Kế đỗ Phó bảng năm 1875. Dưới triều Nguyễn, làng Đông Biện có 27
người đỗ Cử nhân và có người đỗ Tú tài (cả huyện Vĩnh Lộc dưới triều Nguyễn có
42 người đỗ Cử nhân). Người đương thời ca ngợi, “Nghệ Đông Thành, Thanh Đông
Biện”, nói về đất Đông Thành thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và đất Đông
Biện tỉnh Thanh Hóa có nhiều người học hành, đỗ đạt cao.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước
Việt Nam ra đời, người Bồng Báo vẫn phát huy truyền thống đất học, trẻ em lớn
lên đều đi học, nhiều người có trình độ đại học. Đến nay có 25 người có học vị
Tiến sĩ, trong đó làng Bồng Trung có 15 Tiến sĩ. Năm 2018, em Hoàng Minh Trung
- làng Bồng Trung đạt Huy chương Vàng môn Sinh học tại kỳ thi Olympic Sinh học
quốc tế. Năm 2019, em lại tiếp tục đạt Huy chương Bạc với môn học này.
Về tinh thần yêu nước chống xâm lược,
trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX, làng Đông Biện có Lê Văn Điếm -
một dũng tướng không sợ hy sinh, quyết chiến đấu với giặc đến hơi thở cuối cùng
và Tiến sĩ Tống Duy Tân là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh chống thực dân
Pháp (1886 - 1892).
Lê Văn Điếm sinh năm 1850, là người có
sức khỏe khác thường, lớn lên ông đi lính và được tuyển vào trường võ bị trong
quân đội nhà Nguyễn. Sau thời gian học tập, ông tỏ ra là một võ sinh xuất sắc
được tuyển đi thi võ. Kết quả ông đã đậu Phó bảng võ (kém Tiến sĩ một bậc). Sau
khi trúng tuyển, ông được phục vụ dưới quyền của ông Ích Khiêm - vị quan lớn
của triều Nguyễn. Ông được giữ chức Đề đốc hộ thành Nam Định (chỉ huy quân đội
trong một tỉnh). Năm 1883, quân Pháp mở rộng xâm lược Bắc Kỳ lần thứ 2. Sau khi
đánh chiếm thành Hà Nội, chúng kéo quân đánh chiếm thành Nam Định. Về tương
quan lực lượng, quân Pháp mạnh hơn ta rất nhiều. Về phía ta, quân số đã ít, vũ
khí lại thô sơ. Trước tình hình đó, Tổng đốc tỉnh Nam Định Vũ Trọng Bình rất
hoảng hốt phải bỏ chạy, Án sát Hồ Bá Ơn bị thương. Quân Pháp tấn công mạnh,
nhưng Đô đốc Lê Văn Điểm vẫn kiên cường đốc quân chống trả quyết liệt. Quân
địch càng tăng cường hỏa lực. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Lê Văn Điếm
và binh sĩ vẫn kiên cường chống trả đến phút chót. Cuối cùng, ông bị đạn bắn
thủng ruột rồi hi sinh vào ngày 27 tháng 3 năm 1883 (19 tháng 2 năm Quý Mùi).
Sau khi Lê Văn Điếm qua đời, Nhân dân
rất lấy làm thương tiếc, triều đình nhà Nguyễn đã truy phong tước cho ông và bố
mẹ ông.
Khu lăng mộ Đề đốc Lê Văn Điếm nằm cạnh
quốc lộ 217, thuộc địa phận làng Bồng Trung (xã Minh Tân). Lăng mộ được tôn tạo
năm 2010 bằng vật liệu đá xanh, kiến trúc theo kiểu lăng mộ của các Quận công
trước đây. Tổng diện tích lăng mộ là 300m2, riêng phần khuôn viên lăng mộ là
150m2. Khu lăng mộ có giá trị về lịch sử, về nghệ thuật điêu khắc và mỹ thuật
đương đại được thể hiện ở các mảng đề tài trang trí khá phong phú như: Chạm
hình chim phượng, hoa lá cách điệu, hoa văn sóng nước, tùng, trúc, cúc, mai…
Tống Duy Tân sinh năm 1838, ông thi đỗ
Cử nhân năm 1870, đến năm 1875 ông đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Tri phủ Vĩnh Tường
(Vĩnh Phúc). Về sau, ông được thăng lên chức Thừa biện Bộ Hình. Ông là một vị
quan nghiêm minh xét xử công bằng, được Nhân dân trong vùng mến phục.
Do không đồng tình thái độ của triều
đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp, Tống Duy Tân cáo quan về quê dạy học, mượn cớ
về để tang mẹ mới tạ thế. Tại quê nhà, ông vừa dạy học, vừa bí mật chuẩn bị lực
lượng chống thực dân Pháp. Khi Tôn Thất Thuyết còn làm Tổng đốc Thanh Hóa, nể
lời mời, Tống Duy Tân nhận chức Đốc học Thanh Hóa, sau làm Thượng Biện tỉnh vụ,
rồi làm Chánh sứ Sơn phòng.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của
vua Hàm Nghi, Tống Duy Tân đã kịp thời vận động Nhân dân xây dựng lực lượng,
“sức đi các phủ, huyện lấy hương binh ra đầu quân” làm cuộc khởi nghĩa chống
Pháp mang tên Hùng Lĩnh (Hùng Lĩnh là một ngọn núi ở làng Bồng Thượng, dân làng
gọi là núi Báo). Tại quê nhà được Nhân dân đồng tình ủng hộ, trong đó có một số
người ở quê tham gia trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa như Nguyễn Sự Chí (làng
Bồng Trung), Lê Văn Dơi (làng Bồng Thượng), Trịnh Văn Khôi (làng Bản Thủy - quê
vợ Tống Duy Tân). Nghĩa quân dựa vào dãy núi Mông Cù, làng Đa Bút làm chiến
khu. Sau này, Tống Duy Tân đã tổ chức xây dựng căn cứ Bồng Trung - Đa Bút để
đánh trả các cuộc tấn công của quân Pháp. Cứ điểm Bồng Trung - Đa Bút trở thành
một trong những trung tâm của phong trào khởi nghĩa của Nhân dân Thanh Hóa.
Thực dân Pháp đã tức tốc mang quân tới đánh phá hòng tiêu diệt nghĩa quân.
Trong hai trận đánh liên tiếp, ngày 8
tháng 11 và ngày 22 tháng 12 năm 1885, khi quân Pháp từ tỉnh lỵ Thanh Hóa đi
bằng xuồng máy ngược dòng sông Mã lên đánh phá chiến khu đã bị nghĩa quân tiêu
diệt nhiều tên bị thương. Đến đầu năm 1886 nghĩa quân Hùng Lĩnh trên bước đường
trưởng thành đã phối hợp chiến đấu với nhiều đội nghĩa quân khác trong tỉnh.
Nhưng từ sau khi cứ điểm Ba Đình bị triệt hạ (01 - 1887), phong trào đấu tranh
của Nhân dân Thanh Hóa đứng trước những khó khăn lớn. Sau những cuộc đàn áp đẫm
máu của địch, lực lượng nghĩa quân bị suy giảm, một số lãnh tụ hi sinh trong
chiến đấu hay bị sa vào tay giặc. Trong tình thế đó, Tống Duy Tân không thể duy
trì toán quân nhỏ của mình để đương đầu với địch, mà phải tìm mọi cách tăng
cường lực lượng, chắp nối với các phong trào ở hai miền Trung, Bắc. Nhằm mục
đích ấy, nghĩa quân Hùng Lĩnh tạm phân tán, còn Tống Duy Tân tìm đường ra Bắc
vận động văn thân và Nhân dân ủng hộ phong trào đấu tranh của Thanh Hóa.
Bước vào các năm (1889 - 1890), nghĩa
quân Hùng Lĩnh được phục hồi và phát triển. Dưới sự chỉ huy của Tống Duy Tân và
Cao Bá Điển, nghĩa quân Hùng Lĩnh đã lập được nhiều chiến công trong các trận
đánh ở Vân Đồn, núi Mưng (Nông Cống), Yên Lãng (Thọ Xuân)… Nhưng suốt trong hai
năm 1891 - 1892, nghĩa quân Hùng Lĩnh phải chiến đấu lưu động trên một địa bàn
rộng lớn từ các huyện miền xuôi lên các huyện miền núi Thanh Hóa, trong tình
thế bị địch bao vây o ép ráo riết, lực lượng chiến đấu bị giảm sút, vũ khí và
binh lương ngày càng hao hụt. Tống Duy Tân và Cao Bá Điển bàn với các tướng
lĩnh tạm thời phân tán về các địa phương, vũ khí, binh lương phần lớn chuyển
giao cho Cầm Bá Thước, Tống Duy Tân dẫn một toán quân nhỏ về ẩn ở hang Dong
thuộc huyện Bá Thước, sau đó lại tìm cách gây dựng lại phong trào. Nhưng Pháp
đã đem quân vây bắt được Tống Duy Tân và kết án tử hình ông vào ngày 5 tháng 10
năm 1892 tại Thanh Hóa. Tấm lòng yêu nước cao cả và cái chết vẻ vang vì nước,
vì Nhân dân của Tống Duy Tân sống mãi với quê hương đất nước. Năm 1920, Nguyễn
Ái Quốc - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đang hoạt động ở nước Pháp đánh giá:
“Tống Duy Tân là một nhà đại trí thức, đấu tranh dũng cảm chống bọn xâm lược
Pháp” và Người khẳng định: “Tôi tôn kính tất cả những Tống Duy Tân… cái chết
của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ bất diệt”.
Lăng mộ Tống Duy Tân hiện đang nằm trong
khuôn viên trường học mang tên ông, đó là Trường THPT Tống Duy Tân ở làng Bồng
Trung.
Truyền thống yêu nước của Nhân dân Bồng
Báo được phát huy “Trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 -
1975), Nhân dân cả 3 xã miền Bồng Báo đều có thành tích xuất sắc về đóng góp
sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến của Nhân dân ta giành thắng lợi.
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Vĩnh Ninh và xã Vĩnh Tân
đều được tặng thưởng Huân chương kháng chiến về thành tích tòng quân chi viện;
xã Vĩnh Hùng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì về thành tích
tòng quân chi viện cho tiền tuyến.
Ở các xã miền Bồng Báo còn nhiều di tích
lịch sử được xếp hạng, được gìn giữ và phát huy giá trị, là điểm đến thăm quan
của khách du lịch, đó là khu tượng đá Đa Bút, chùa Đa Bút, chùa Bền, nghè Cung,
đình Bồng Trung, đình Bồng Hạ, đình Bồng Thôn, đình làng Vực, chùa và Phủ Báo
và từ đường (nhà thờ) các dòng họ như: họ Trịnh Tất Đạt, họ Đỗ, họ Mai, họ
Nguyễn Ngõ Phủ, họ Nguyễn Bá Thân (xã Minh Tân), họ Lê Văn Ngõ Thẳng, họ Lê
Đình, họ Hoàng Đình Phùng (xã Vĩnh Hùng).
Ngoài ra, ở phụ cận miền Báo Bồng có
những di tích lịch sử, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia, là những điểm
du lịch hấp dẫn, như: Bia ký và đền thờ Trịnh Khả (làng Giang Đông, xã Vĩnh
Hòa), chùa Hoa Long, đền thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thịnh),
danh thắng Kim Sơn và chùa Linh Ứng (xã Vĩnh An).
Các làng xã ở Báo Bồng từ xưa có nhiều
phong tục, tập quán và các lễ hội được cả làng tham gia đó là: lễ Thượng Nguyên
(rằm tháng Giêng), lễ Kỳ Phúc (lễ cầu phúc), ngày kỵ thần (thành hoàng làng). Ở
làng Bồng Thượng có lệ rước bóng ở Phủ Báo (rước kiệu mẫu Liễu Hạnh vãn cảnh
ngày Xuân) vào ngày 28 tháng 2 âm lịch, thu hút đông đảo Nhân dân trong vùng
tham gia: Câu ca về lễ rước bóng còn truyền mãi đến nay: “Lệ làng 28 tháng 2/
Lệ làng rước bóng gái trai phải lòng/ Mưa xuân cho cỏ rậm đồng/ Cho trai với
gái phải lòng thương nhau”. Hiện nay miền Báo Bồng có thêm lễ hội Phủ Trịnh và
giỗ Đức Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm vào ngày 18 tháng 2 âm lịch tại làng
Bồng Thượng. Đây là lễ hội cấp tỉnh nên đông đảo khách thập phương và con cháu
dòng họ Trịnh cả nước về tham dự.
Về sản vật ở miền Bồng Báo có rất nhiều.
Theo sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của cử nhân Lưu Công Đạo người
Châu Hoan (Nghệ An) biên soạn năm Bính Tý, đời vua Gia Long thứ 15 (1816) khi
ông giữ chức Huyện Doãn (Tri huyện) huyện Vĩnh Lộc cho biết: Ở Biện Thượng
(vùng Bồng Báo) có nhiều sản vật quý như long cốt, nhân sâm, con trai, con ốc,
khoai lang Đa Bút… Nhân sâm tức loài sâm củ hao hao hình người, là sản vật quý
hiếm, mọc ở núi Hùng Lĩnh, dân làng gọi là núi Báo, do đó nhân sâm ở đây gọi
tắt là sâm Báo. Lưu Công Đạo đã viết về nhân sâm như sau: “Nhân sâm là sản vật
hiếm ở các núi Biện Thượng, Hùng Lĩnh, tục gọi là Báo sâm, mùi vị ngọt, hơi
chua, tính hơi hàn. Tẩm nước gừng đen đồ với gạo nếp, xắt thành từng miếng nhỏ,
thời tiết càng nóng uống càng tốt, sách bản thảo chép rằng: Nước Nam có nhiều
sâm, chỉ có sâm ở đất Biện công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân sâm có
nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”(2).. Ngày 09 tháng 12 năm 2019, rượu sâm Báo xã Vĩnh
Hùng, huyện Vĩnh Lộc đã được Hội đồng thẩm định tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là sản
phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019./.
Tác giả:
Lê Khắc Tuế
Chi hội
Khoa học lịch sử Tây Đô