Trang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Vùng đất Vĩnh Ninh và những liên quan đến Thành Nhà Hồ



1 - Sơ lược về Thành Nhà Hồ

        Vào những thập niên cuối thế kỷ XIV, vương triều Trần rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, toàn diện, chính quyền trung ương tập quyền suy yếu, khởi nghĩa nông dân diễn ra khắp nơi, nguy cơ bị ngoại bang xâm lược trở thành hiện hữu… Trong hoàn cảnh lịch sử đó, Hồ Quý Ly với trọng trách là đại thần nắm quyền lực thực quyền tối cao trong vương triều Trần lúc này, đã có kế hoạch rời kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, đồng thời lập ra một triều đại mới với mục đích đưa đất nước trở lại cường thịnh, độc lập. Công việc xây thành (1397) và dời đô (1398) đã biến vùng đất An Tôn trở thành kinh đô của đất nước những năm cuối vương triều Trần và Hồ (1398 – 1407). Kinh thành Tây Đô với kiến trúc trung tâm là tòa Hoàng Thành bằng đá có tọa độ 20004’06-20005’01N và 105026’23-105037’00E. Thành An Tôn được Hồ Quý Ly chỉ đạo xây dựng trong thời gian “ba tháng”.

     Tòa Hoàng Thành của kinh thành Tây Đô hiện còn nguyên vẹn với bốn bức tường và cổng thành với 6 vòm cuốn. Thành được xây dựng bằng những khối đá lớn có kích thước trung bình 2,20m x 1,50m x 1,20m, nặng khoảng 10 tấn, có viên dài 7m, cao 1,50m, nặng 16 tấn, viên lớn nhất nặng tới 26,70 tấn [1; tr 74]. Đây là thành tựu của kĩ thuật xây dựng đá lớn mà chưa kinh thành nào ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á cùng thời kỳ có được.

2 - Khái quát về vùng đất Vĩnh Ninh

     Vĩnh Ninh là một trong 8 xã và 01 thị trấn thuộc vùng đệm di sản thế giới Thành Nhà Hồ (bao gồm Vĩnh Ninh, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Tiến, Vĩnh Khang, Vĩnh Long, Vĩnh Yên, Vĩnh Quang và thị trấn Vĩnh Lộc), nằm cách huyện lỵ Vĩnh Lộc 2km về phía Tây Nam, cách Thành Nhà Hồ 5km về phía Nam, cách thành phố Thanh Hóa 40km về phía Tây Bắc, gồm có 4 làng là: Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Yên Lạc, Phi Bình.

     Xã Vĩnh Ninh có vị trí địa lý khá đặc biệt, là điểm nối phía Đông Nam của huyện Vĩnh Lộc (huyện trung du) với huyện Yên Định (đồng bằng); Ba mặt của xã giáp với sông Mã, mặt còn lại dựa núi. Cùng với khu vực xã Vĩnh Khang (trước đây thuộc Vĩnh Ninh), đây là vùng đất “tụ thủy”, nơi hợp lưu giữa sông Mã và sông Bưởi trước khi chảy về phía Ngã Ba Bông. Trong đánh giá của Trung tâm Di sản thế giới (WHC) đối với hồ sơ khoa học Thành Nhà Hồ đề cử UNESCO, đây là vùng “tiền án” trong cảnh quan cổ của kinh thành Tây Đô cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.

     Xã Vĩnh Ninh có diện tích tự nhiên 186,16ha. Phía Đông giáp xã Vĩnh Khang và xã Vĩnh Thành, với địa giới 2,2km. Phía Tây, phía Nam và phía Bắc đều giáp sông Mã với chiều dài hơn 5km. Điểm cực Bắc của xã Vĩnh Ninh nằm ở bến Cát, làng Thọ Vực, điểm cực Nam nằm ở bến đò Dọi của làng Phi Bình, điểm cực Đông nằm trên đê sông Mã giáp hai làng Thọ Vực và (xã Vĩnh Ninh) và làng Hà Lương (xã Vĩnh Thành), điểm cực Tây nằm ở bến đò Long Vân thuộc làng Yên Lạc.

     Với những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, Vĩnh Ninh có một vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ phía Nam của huyện Vĩnh Lộc, cửa ngõ của kinh thành Tây Đô bằng cả đường bộ và đường thủy. Từ đây có thể ngược lên phía Bắc thành Tây Đô qua Eo Lê đến Cửa Hà (Cẩm Thủy) có thể ngược đến vùng núi phía Tây của xứ Thanh. Đây đường thượng đạo duy nhất trong nhiều thế kỷ thời trung đại.

     Từ đây, ngược lên Thạch Thành, qua con đường thượng đạo, qua miền núi Thanh Hóa có thể ra Thăng Long, hoặc ngược sông Mã có thể lên miền núi phía Tây, xuôi sông Mã xuống các huyện miền xuôi: Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn…

     Xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất cổ, nơi phát hiện ra trống đồng Đông Sơn, đỉnh cao nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ, có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 đến 2.500 năm.

     Theo các tài liệu nghiên cứu, từ trong lịch sử vùng đất Vĩnh Ninh luôn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Theo tiến trình lịch sử, huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần thay đổi tên địa danh: Thời Hùng Vương, Vĩnh Lộc thuộc bộ Cửu Chân; thời Tần thuộc Tượng Quận; thời Triệu thuộc quận Cửu Chân; thời Hán – Đường thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân; đời nhà Tùy thuộc huyện Nhật Nam, châu Ái; thời Lý – Trần vùng đất này mang tên Vĩnh Ninh thuộc phủ (trại, lộ, trấn) Thanh Hóa, Thanh Đô (từ 1397 – 1407); thời thuộc Minh vẫn theo như thế và thuộc phủ Thanh Hóa; đời Lê Quang Thuận (1460-1470) thuộc phủ Thiệu Thiên; đời Lê Trung Hưng vì tránh tên húy vua Lê Trang Tông (1533 – 1548) nên đổi tên Vĩnh Ninh thành Vĩnh Phúc; thời Tây Sơn đổi thành Vĩnh Lộc [2; tr 224 – 232].

    Thời Gia Long năm 1802, huyện Vĩnh Lộc thuộc phủ Thiệu Hóa. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) lấy 4 huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quảng Địa lập ra phủ Quảng Hóa (đến đời vua Tự Đức phủ Quảng Hóa mở rộng thêm châu Quan Hóa, nhưng về sau còn lại 3 huyện cũ là Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và thêm Yên Định).

     Vào thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) tổ chức bộ máy hành chính rất chặt chẽ, dưới huyện có các tổng, dưới tổng có các thôn, trang, vạn (sau đổi là xã, có lúc là thôn). Đến đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840), đơn vị hành chính huyện Vĩnh Lộc có 7 tổng: Nam Cai, Cao Mật, Ngọ Xá, Hoàng xá, Biện Thượng, Sóc Sơn, Bỉnh Bút. Trong đó tổng Nam Cai có 5 xã: Nam Cai, Hữu Cơ, Thiên Vực, Kỳ Thù, Bất Một. Đến đời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) tổng Hoàng Xá được đổi tên thành tổng Thanh Xá. Xã Thiên Vực đổi thành Thọ Vực, xã Hữu Cơ đổi thành xã Hữu Chấp.

     Đầu thế kỷ XX, xã Nam Cai đổi tên thành xã Hồ Nam, xã Bất Một đổi tên thành Phi Bình, xã Kỳ Thù đổi thành xã Kỳ Ngãi, tổng Nam Cai đổi thành tổng Hồ Nam. Do đó các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Hồ Nam, Hữu Chấp đều thuộc tổng Hồ Nam. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng đã giải thể các tổng và lập ra 15 đơn vị hành chính xã. Trong đó các làng ở tổng Hồ Nam được lập ra 2 xã: xã Quốc Tuấn (gồm các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Yên Lạc), xã Hạnh Phúc (gồm toàn bộ làng Hồ Nam).

     Năm 1947, xã Hạnh Phúc và xã Quốc Tuấn nhập lại thành xã mới có tên là Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Ninh có tên từ đó). Năm 1954, xã Vĩnh Ninh lại chia ra hai xã là Vĩnh Ninh và Vĩnh Khang. Xã Vĩnh Ninh mới gồm các làng Thọ Vực, làng Yên Lạc, làng Phi Bình, làng Kỳ Ngãi. Xã Vĩnh Khang gồm làng Hồ Nam.

3 - Vai trò địa hình địa mạo và phong thuỷ của vùng đất Vĩnh Ninh đối với kinh thành Tây Đô

     Về mặt địa hình, vùng đất An Tôn (Vĩnh Lộc) là khu vực chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng với các núi đá vôi khá điệp trùng ở phía Tây Bắc, phân bố thưa dần về phía Nam, xen kẽ là các đồi núi thấp, các đồng bằng phù sa cổ được bồi đắp bởi sông Bưởi và sông Mã. Trong địa hình đa dạng đó, nổi lên một vùng đất đồng bằng rộng hàng nghìn ha nằm giữa 2 con sông, ba bề bốn bên đều có núi non tạo nên một vị thế và phong cảnh tuyệt đẹp, đắc địa cho việc chọn đất dựng đô theo quan niệm của thuật phong thủy cổ truyền phương Đông.

     Cùng với khu vực xã Vĩnh Khang (trước đây thuộc Vĩnh Ninh) thì đây là vùng đất “tụ thủy”. Trong đánh giá của Trung tâm Di sản thế giới (WHC) đối với hồ sơ khoa học Thành Nhà Hồ đề cử UNESCO thì đây là vùng cảnh quan môi trường cổ của kinh thành Tây Đô cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xác định các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

     Giá trị đó được cụ thể bằng Tiêu chí ii của UNESCO xét công nhận di sản Thành Nhà Hồ: “Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và qui hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình và cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á,… một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV” [3].

     Hồ Quý Ly chọn mảnh đất này thay thế cho Thăng Long bởi đây là vùng đất: “Thạch bàn – Long xà” nghĩa là thế đất như bàn đá, có rồng chầu sông Mã, rắn cuốn sông Bưởi. Đây là thế đất đẹp có vị trí bền vững dài lâu.

     Phía Nam Thành Nhà Hồ là nơi hội tụ của dòng sông Mã được ví như “Rồng chầu” từ phía Tây chảy về và sông Bưởi từ phía Đông chảy tới. Sông Mã và sông Bưởi bao quanh rồi tụ thủy ở phía Nam Đốn Sơn làm Minh Đường (sông Mã và sông Bưởi hợp lưu tại xã Vĩnh Khang ngày nay – trước đây là địa phận xã Vĩnh Ninh).

     Sử gia Phan Huy Chú ghi trong Lịch triều Hiến chương loại chí như sau: “Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly dời kinh đô đến động An Tôn, huyện Vĩnh Phúc gọi là Tây Đô, đắp thành đào hào, nền móng bền vững. Bên tả bên hữu thành, gần sát núi đá, sông Mã, sông Lương họp lại chảy về phía trước” [4; tr 48].

     Địa thế tự nhiên đã được người xưa lợi dụng và kết hợp với các công trình xây dựng để tạo nên một cảnh quan địa – văn hóa hài hòa với thiên nhiên và đem lại nhiều ích lợi về công năng. Vì thế các yếu tố tự nhiên trong khu vực là một thành phần không thể thiếu của khu di tích.

     Thành Nhà Hồ được xây dựng trên vùng đồng bằng thuộc lưu vực sông Mã (Lỗi Giang) ở phía Tây – Nam và sông Bưởi ở phía Đông – Bắc. Có độ cao trung bình 12,5m so với mực nước biển, dốc dần từ phía Nam lên phía Bắc. Các dãy Xuân Đài, Trác Phong, Nhà Rồng, Tiến Sĩ (xã Vĩnh Ninh)… tạo thành những ngọn núi riêng lẻ hoặc thành dãy có nhiều ngọn trùng điệp án ngữ ở phía Nam tạo thành những bức bình phong bảo vệ từ xa cho trung tâm kinh đô (Tây Đô), đồng thời đảm bảo yếu tố cảnh quan môi trường cho kinh thành.

     Khi khảo sát vùng đất vùng núi Vĩnh Ninh chuyên gia ICOMOS (Trung tâm tư vấn chuyên môn cho Ủy ban Di sản thế giới WHC) đánh giá rất cao vai trò cảnh quan cổ của khu vực này đối với Thành Nhà Hồ. Ở các phía khác: Phía Bắc có những dãy núi đá điệp trùng, ngọn cao nhất là núi Voi (Tượng sơn); phía Đông có núi Chó Đen (Hắc Khuyển); phía Tây được bao bọc bởi dãy núi An Tôn. Phía Tây Nam ven sông mã có dãy núi đất cao là Ngưu Ngoạ (Làng đồn) và dãy Phú Sơn (Làng Phú Lĩnh) Vòng ngoài cùng là dòng sông Mã và sông Bưởi chạy bao quanh bao bọc lấy vùng đất trung tâm của kinh đô xưa.

     Những điều kiện tự nhiên đã mang lại cho vùng đất Vĩnh Ninh một vị trí quan trọng đối với việc thiết kế cảnh quan môi trường của kinh thành Tây Đô, khác biệt với các kinh thành khác cùng thời kỳ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Đúng như đánh giá của sử gia Đặng Xuân Bảng thế kỷ XIX: “Nói về mặt đô hội Thanh Hóa không rộng rãi bằng Thăng Long, còn nói về mặt hình thế thì Thăng Long không hiểm cố bằng Thanh Hóa. Cho nên lập đô dựng nước ngoài Thăng Long không đâu hợp hơn Thanh Hóa” [5, tr 286 – 287].

4 - Vĩnh Ninh cung cấp nguyên liệu đá xây dựng kinh thành Tây Đô

     Đánh giá về kỹ thuật xây dựng đá lớn ở Thành Nhà Hồ, học giả người Pháp L.Bezacier khẳng định: “Ngôi thành này là một trong những mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn...” [6; tr 84].

     Trước khi Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới, đã có rất nhiều ý kiến và giả thuyết về công trường khai thác đá xây dựng Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, tất cả các ý kiến của các nhà nghiên cứu vẫn chỉ ở dạng đoán định, chưa có bằng chứng thực tiễn để chứng minh cho các giả thuyết đều chưa có… Trong đó, đáng chú ý có nhận định của L.Bezacier rằng “Tất cả các khối đá được sử dụng để xây dựng lên di tích tráng lệ này lấy từ một công trường đá cách phía Nam thành vài cây số” [6; tr 83].

     Mặc dù có nhiều ý kiến khẳng định toàn bộ đá xây dựng được lấy từ các núi đá quanh thành, nhưng một vấn đề quan trọng chưa được lý giải chính xác và còn nhiều ý kiến chưa xác định cụ thể, lấy từ núi đá nào gần thành, vì xung quanh thành hiện vẫn còn nhiều dãy núi đá [7; tr 103].

     Tháng 11/2011, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát tại khu vực phía Nam và Đông Nam Thành Nhà Hồ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tại núi Xuân Đài, Hí Mã, Nhà Rồng… hàng chục phiến đá đã được khai thác, chế tác tương tự như khu vực núi An Tôn. Các phiến đá này trung bình có kích thước 1,5m x 1,2m, đặc biệt có những phiến dài 2,2m x rộng 1,5m x cao 0,8m. Các phiến đá chủ yếu nằm dưới khu vực sườn núi, hoặc chân núi (đã bị đất vùi lấp, khó phát hiện). Một điều dễ nhận biết là tại các khu vực khảo sát thấy nhiều phiến đá bị bỏ lại dưới sườn hoặc chân núi thì độ cao của núi đã bị thấp đi rất nhiều, các thớ đá xếp theo lớp không còn nhiều, các dấu hiệu của việc bóc tách các khối đá vẫn còn nhiều (các con kê bằng đá vẫn còn kê trên các khối đá đã bóc tách, hoặc ở khe các lớp, thớ đá đang có ý định bóc tách…).

     Theo các thợ đá ở đây thì việc chuyển đá từ trên núi xuống hoàn toàn làm thủ công. Người thợ đẩy khối đá khai thác từ mỏ đá trên núi xuống. Những khối đá lớn có thể được đẩy vỡ thành các khối đá nhỏ hơn. Người ta có thể sử dụng dốc đất theo triền núi để chuyển hoặc tận dụng các cây gỗ lớn để chuyển đá.

     Việc phát hiện được nhiều khối đá đã được chế tác hoàn chỉnh nhưng không rõ vì lí do nào đó mà chúng chưa được vận chuyển đi, điều đó chứng tỏ núi Xuân Đài không chỉ là nơi khai thác mà còn là công trường khai thác đá tương đối hoàn chỉnh để xây dựng Thành Nhà Hồ. Qua các đoạn tường thành bị đổ, có thể quan sát được đất nhồi bên trong tường đá cũng có rất nhiều dăm đá cổ. Trong đợt khai quật di tích chân tường thành phía Nam (tháng 5/2015) cũng tìm được các loại đục bằng sắt để gia công chế tác đá. Điều này cho thấy, mặc dù những khối đá đã được chế tác tương đối hoàn chỉnh từ các công trường khai thác đá và được vận chuyển về đến tòa thành, thì chúng vẫn được gọt đẽo để phù hợp với vị trí mà nó đặt vào. Không ít trường hợp ở tường thành đã có những khối đá được cắt khấc để khớp với những viên đá nối tiếp với nó. Tuy nhiên, việc chế tác hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh những khối đá to sẽ giảm bớt trọng lượng không cần thiết khi vận chuyển.

5 – Vĩnh Ninh địa danh có khả năng Khai thác du lịch đối với di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ

     Với vị trí địa lý thuận lợi: Là cửa ngõ phía Nam của huyện Vĩnh Lộc trên tuyến đường Quốc lộ 45 (qua cầu Kiểu), đồng thời có sông Mã chảy uốn quanh địa hình, với kho tàng các giá trị vật thể và phi vật thể phong phú, vùng đất Vĩnh Ninh có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế du lịch gắn liền với di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Về đường sông có thể mở tour du lịch từ Vĩnh Ninh dọc theo sông Mã qua xã Vĩnh Thành tham quan các di tích lịch sử văn hóa và làng chài trên sông, rồi đến Vĩnh Tiến tham quan Bến Ngự, chùa Linh Giang rồi lên Vĩnh Yên, Vĩnh Quang thăm các di sản nơi đây. Về đường bộ, có thể mở tour du lịch từ di sản Thành Nhà Hồ, xuống tham quan động Hồ Công, chùa Du Anh, công trường khai thác đá cổ ở núi Xuân Đài – núi Tiến Sĩ… Đây là kế hoạch khả thi và đã được xác định trong quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch di sản Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

     Vĩnh Ninh là xã có diện tích trung bình của huyện Vĩnh Lộc, nằm trong vùng đệm của di sản thế giới Thành Nhà Hồ với 4 làng (thôn), nhưng đã tập trung nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đẹp, gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, trong đó phải kể đến cụm di tích lịch sử văn hóa Quốc gia chùa Thông – động Hồ Công: Chùa Thông được xây dựng từ thời Trần đang bảo tồn được những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt; Danh thắng động Hồ Công tạo lạc trên núi Xuân Đài, là một trong những động đẹp nhất Việt Nam. Động Hồ Công cách Thành Nhà Hồ khoảng 4,5km về hướng Đông Nam, có chiều dài 45m, rộng 23m, được tạo hóa hình thành kỳ công bởi những tấm đá xanh, vuông xếp chồng lên nhau thành nhiều hình dáng đem đến cho động một vẻ đẹp kỳ bí.

     Hiện trong động đang lưu giữ được hơn 20 bài thơ bằng chữ Hán Nôm khắc trên vách đá của các bậc vua, chúa, danh nhân, tao nhân mặc khách ca ngợi con người, lịch sử và cảnh đẹp của vùng đất Tây Đô (như các bài thơ của: Lê Thánh Tông, Lê Nhân Tông, Trịnh Sâm…).

     Ngoài ra, Vĩnh Ninh là một trong những địa phương trong vùng đệm di sản thế giới Thành Nhà Hồ có kho tàng phi vật thể đa dạng phong phú, tạo nên vẻ đẹp của làng quê thuần nông, giàu truyền thống, một thời từng là vùng trung tâm kinh đô của cả nước. Các phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, sản vật địa phương… vừa có nét chung của các làng quê khác, lại vừa có nét đặc trưng riêng có ở vùng đất Vĩnh Ninh yên bình, thơ mộng êm ả bên dòng Mã giang đã đi vào thi ca dân tộc. Đây là những điều kiện quan trọng để phát triển du lịch của huyện Vĩnh Lộc theo hướng lấy Thành Nhà Hồ làm trung tâm.

   Xã Vĩnh Ninh thuộc vùng đệm của di sản Thành Nhà Hồ, chứa đựng tất cả các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, sông hồ, hang động, kiến trúc liên quan đến triều đại và di sản Thành Nhà Hồ. Với những lợi thế về vị trí, cảnh quan, được thiên nhiên ưu đãi, Vĩnh Ninh có vị trí quan trọng đối với kinh đô Tây Đô trước đây và di sản thế giới Thành Nhà Hồ ngày nay. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vị trí, cảnh quan của vùng đất An Tôn (Vĩnh Lộc ngày nay) đối với việc hình thành kinh đô nhà Hồ và vương triều Hồ trong lịch sử, tuy nhiên, về vùng đất Vĩnh Ninh với Kinh thành Tây Đô, thì cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu chuyên biệt. Bài viết này sẽ bổ sung những tư liệu có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Nguồn nghiên cứu lịch sử thành Nhà Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét