Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

Lịch sử Làng Yên Lạc xã Vĩnh Ninh

 


          Xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất cổ, nơi phát hiện ra trống đồng Đông Sơn, đỉnh cao nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ, có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 đến 2.500 năm.

        Theo các tài liệu nghiên cứu, từ trong lịch sử vùng đất Vĩnh Ninh luôn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Theo tiến trình lịch sử, huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần thay đổi tên địa danh: Thời Hùng Vương, Vĩnh Lộc thuộc bộ Cửu Chân; thời Tần thuộc Tượng Quận; thời Triệu thuộc quận Cửu Chân; thời Hán – Đường thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân; đời nhà Tùy thuộc huyện Nhật Nam, châu Ái; thời Lý – Trần vùng đất này mang tên Vĩnh Ninh thuộc phủ (trại, lộ, trấn) Thanh Hóa, Thanh Đô (từ 1397 – 1407); thời thuộc Minh vẫn theo như thế và thuộc phủ Thanh Hóa; đời Lê Quang Thuận (1460-1470) thuộc phủ Thiệu Thiên; đời Lê Trung Hưng vì tránh tên húy vua Lê Trang Tông (1533 – 1548) nên đổi tên Vĩnh Ninh thành Vĩnh Phúc; thời Tây Sơn đổi thành Vĩnh Lộc [2; tr 224 – 232].

      Thời Gia Long năm 1802, huyện Vĩnh Lộc thuộc phủ Thiệu Hóa. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) lấy 4 huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quảng Địa lập ra phủ Quảng Hóa (đến đời vua Tự Đức phủ Quảng Hóa mở rộng thêm châu Quan Hóa, nhưng về sau còn lại 3 huyện cũ là Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và thêm Yên Định).

      Vào thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) tổ chức bộ máy hành chính rất chặt chẽ, dưới huyện có các tổng, dưới tổng có các thôn, trang, vạn (sau đổi là xã, có lúc là thôn). Đến đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840), đơn vị hành chính huyện Vĩnh Lộc có 7 tổng: Nam Cai, Cao Mật, Ngọ Xá, Hoàng xá, Biện Thượng, Sóc Sơn, Bỉnh Bút. Trong đó tổng Nam Cai có 5 xã: Nam Cai, Hữu Cơ, Thiên Vực, Kỳ Thù, Bất Một. Đến đời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) tổng Hoàng Xá được đổi tên thành tổng Thanh Xá. Xã Thiên Vực đổi thành Thọ Vực, xã Hữu Cơ đổi thành xã Hữu Chấp.

     Đầu thế kỷ XX, xã Nam Cai đổi tên thành xã Hồ Nam, xã Bất Một đổi tên thành Phi Bình, xã Kỳ Thù đổi thành xã Kỳ Ngãi, tổng Nam Cai đổi thành tổng Hồ Nam. Do đó các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Hồ Nam, Hữu Chấp đều thuộc tổng Hồ Nam. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng đã giải thể các tổng và lập ra 15 đơn vị hành chính xã. Trong đó các làng ở tổng Hồ Nam được lập ra 2 xã: xã Quốc Tuấn (gồm các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Yên Lạc), xã Hạnh Phúc (gồm toàn bộ làng Hồ Nam).

     Năm 1947, xã Hạnh Phúc và xã Quốc Tuấn nhập lại thành xã mới có tên là Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Ninh có tên từ đó). Năm 1954, xã Vĩnh Ninh lại chia ra hai xã là Vĩnh Ninh và Vĩnh Khang. Xã Vĩnh Ninh mới gồm các làng Thọ Vực, làng Yên Lạc, làng Phi Bình, làng Kỳ Ngãi. Xã Vĩnh Khang gồm làng Hồ Nam.

          Sau Cách Mạng tháng 8 năm 1945 (chính quyền cách mạng đã giải thể các tổng và lập ra 15 đơn vị hành chính xã) làng Yên Lạc được thành lập gồm đất Vực Giữa và đất Vực Đò của làng Thọ Vực.

           Làng Thọ Vực là nơi có dấu tích của người Việt Cổ sinh sống. Theo người già nhiều thế hệ truyền lại trên mảnh đất này trước đây chỉ có núi đá và rừng cây rậm rạp; Có một bộ tộc sinh sống nên gọi là đất Mường Rồng. Đến thời Bắc Thuộc đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên làng có tên là Thiên vực, đến thế kỷ XIX có tên là Thọ Vực;

          Làng Thọ Vực trước cách mạng tháng 8 năm 1945 bao gồm cả đất của làng Yên Lạc ngày nay. Thọ vực được coi là “nhất xã tứ thôn” (Một xã với 4 thôn) gồm có thôn Vực Đồng xóm giáp Hà Lương Vĩnh Thành, Thôn Vực núi là trung tâm làng Thọ Vực ngày nay, thôn Vực giữa là các xóm ven đê của làng Yên Lạc, Thôn Vực đò là xóm Long Vân của làng Yên Lạc hiện nay (Có bến đò sang làng Đan Nê, Yên Thọ, Yên Định bên kia sông); Hầu hết các núi đá của xã Vĩnh Ninh đều nằm trên đất làng Thọ Vực;

           Sau khi tách ra khỏi làng Thọ Vực Thành lập làng Yên Lạc lúc bấy giờ làng có 160 gia đình với 640 khẩu. Hiện nay làng Yên Lạc có tới 15 dòng họ đang cùng sinh sống trong làng đó là các dòng họ: Lê, Lưu, Đậu, Hoàng, Nguyễn, Trịnh, Hà, Phan, Phùng, Vũ, Dương, Lữ, Đỗ; Trong đó họ Nguyễn có tới 4 dòng, họ Trịnh 4 dòng họ Hoàng 3 dòng, họ Lê 3 dòng… Theo truyền lại và theo gia phả của các dòng họ chúng tôi xin nêu một số dòng họ đã đến sinh cơ, lập nghiệp trên đất Yên Lạc như sau:

          Họ Lê của ông Lê Viết Lượt là trưởng tộc gốc từ làng Mai Trang huyện Yên Định (gần chợ Bản cũ) có ông tổ tên tự là Phúc Khánh đến sinh cơ lập nghiệp ở Yên Lạc đến nay đã được trên 300 năm;

          Họ Lưu của ông Lưu Thanh Thảo là trưởng tộc có cụ tổ là Lưu Huệ Lan gốc Từ Hải Dương về đất Yên Lạc truyền cho đến nay đã được 10 đời khoảng 250 năm;

          Họ Hoàng của ông Hoàng Đại Đạo là trưởng tộc có cụ tổ tên là Phúc Lành người ngoài Bắc đi lính thời Chúa Nguyễn (Trịnh Nguyễn phân tranh) năm 1783 khi quân Tây Sơn đánh tan quân chúa Nguyễn ở đằng trong cụ chạy lánh nạn về Yên Lạc và sinh sống tại đây gây dựng nên dòng họ Hoàng này;

         Còn họ Hoàng Đình ở Yên Lạc hiện nay vốn là họ Hoàng Đình ở Thọ Vực di cư xuống ở Thọ Vực là chi cả, ở Yên Lạc là chi hai, do ông Hoàng Văn Trúc là Trưởng Chi;

          Họ Lê ông Lê Văn Lai trưởng tộc gốc từ Hà Đồng (Hoằn Hóa) lên ở làng Bân Bân (Yên Định) vào khoảng năm 1860 lại chuyển sang ở Vực Giữa (Yên Lạc) Hiện nay dòng họ này có 30 hộ; Họ Lê ông Lê Văn Trúc có trên 20 hộ;

          Họ Đặng của ông Đặng Thanh Hồng là trưởng tộc gốc lại là họ Trịnh. Trong dòng họ truyền lại lúc bấy giờ có một người họ trịnh từ huyện Nga Sơn lên làng Bùi (nay thuộc xã Yên Phú huyện Yên Định) dạy học; Làng Bùi có thứ chè xanh ngon nổi tiếng khắp vùng 1 người con gái ở vực giữa (nay là Yên Lạc) làm nghề buôn bán chè và hay sang làng Bùi mua chè. Người con trai họ Trịnh làm nghề dạy học đã gặp và lấy cô gái buôn chè xanh làm vợ, vợ chồng sinh được 3 người con trai, các người con được ăn học sau đó 1 người theo cha về Nga Sơn 1 người theo mẹ về đất Thiên Vực, 1 người ở lại làng Bùi. Người con theo mẹ về Thiên Vực là Trịnh Học Sỹ đã đến dạy học cho con cái một nhà họ Đặng trong làng, sau đó Trịnh Học Sỹ làm con môi của gia đình họ Đặng này và đã đổi họ Trịnh thành họ Đặng, dòng họ Đặng gốc Họ Trịnh này đã truyền đến nay được 8 đời bằng 200 năm; Hiện nay có tấm bia mộ tổ của dòng họ Đặng này ghi “Đặng mộ tổ Trịnh Học Sỹ”

          Họ Nguyễn của ông Nguyễn Văn Thanh là trưởng tộc gốc Nam Đàn tỉnh Nghệ An cụ tổ là người buôn nước mắm đậu thuyền trên bến Vực Đò rồi lấy vợ ở đây, cụ sinh được tới năm, sáu người con trai, các con của cụ ở lại đất Yên Lạc lập nên dòng họ Nguyễn này tính ra đã được 175 năm’’

          Ở yên lạc hiện có tới 4 dòng họ Trịnh có dòng biết được nguồn gốc như dòng Trịnh do ông Trịnh Văn Lơi là trưởng tộc từ Thọ Vực xuống đến nay được 150 năm;  Dòng Trịnh của ông Trịnh Tơ là trưởng tộc chưa rõ từ đâu đến nhưng đã có mặt ở Yên Lạc được 170 năm, rồi họ Đinh của ông Đinh Ngọc Lan là dân từ Ninh Bình đến sinh cơ, lập nghiệp đã được 150 năm….

          Làng Yên Lạc nằm bên bờ sông Mã lại có dãy núi Nhoài (dãy núi Nhà Rồng) núi đá vôi đồ sộ tạo nên phong cảnh thật hữu tình. Nơi đây có Ao Thăng một thắng cảnh nổi tiếng, Ao Thăng là một hồ nước rộng gần một mẫu Bắc Bộ xung quanh là núi đá cao ngất vây thành một vòng tròn chỉ có lối vào rộng khoảng 20m bốn mùa nước trong xanh, dưới chân núi cây cối um tùm, là nơi cư trú của đàn cò trắng. Trên đỉnh núi là những đá xếp, đá dựng tạo ra cảnh trí muôn màu, muôn vẻ;

          Trên mảnh trên mảnh đất này xưa kia có chùa, gọi là chùa Thăng, nhưng hiện nay không còn dấu tích gì chỉ còn truyền lại địa chỉ ở thung lũng núi đá có tên là chùa Thăng. Nghè Yên Lạc cũng được xây dựng từ lâu đời gồm 5 gian 2 dãy có nghinh môn. Nhưng nghè này đã hạ giải vào năm 1975 lấy vật liệu xây dựng Trường cấp 2 Vĩnh Ninh. Đầu năm 2010 làng Yên Lạc đã đem cốt gỗ nhà ba gian hậu cung của Nghè cũ dựng lên làm nơi thờ thành hoàng làng;

         Đình làng Yên Lạc được xây dựng năm Giáp Tý (đời vua khải định thứ 9) 1924 gồm 3 gian hậu cung và tiền đường 5 gian. Đình cũng bị hạ giải năm 1980 ngoài ra Yên Lạc còn có khu Văn chỉ nằm ở cuối làng nay cũng không còn.

         Nghề sống chính của dân làng Yên Lạc từ xưa tới nay chủ yếu là nghề nông ngoài ra còn có 1 số hộ làm nghề chài lưới và chở đò trên sông Mã; Cây trồng chính là: lúa, bông, lạc, mía, đậu, khoai lang,… đất đai ở đây phì nhiêu và cao ráo hợp với cây bông, xưa kia cánh đồng Ba Bậc thuộc loại đất trồng bông tốt nhất, rồi cánh đồng Dọc Đông lại là nơi có bùn đất hầu trồng lúa rất tốt nên dân làng có câu tục ngữ “lúa Dọc Đông, bông Ba Bậc”. Rồi những cánh đồng Bến Cáo đất cát pha hợp với cây khoai lang lắm củ lại vừa ngon, vừa bùi. Cánh Đồng Bàn trồng mía rất tốt kéo mật ngọt và vàng thơm. Mật mía ở cánh đồng Bàn này là nguyên liệu cung cấp cho các cửa hiệu phố Giáng làm chè lam Phủ Quảng. Nhân dân trong làng còn có câu “mía Đồng Bàn, khoai lang Bến Cáo” là vậy.

          Từ xưa người dân Yên Lạc đã lập ra các phường họ để giúp nhau trong cuộc sống và sản xuất như họ tranh lợp nhà, phường kéo mật, nhóm cày xâu (cày giúp lẫn nhau);

         Ngoài sản xuất nông nghiệp ở Yên Lạc có một số gia đình làm nghề nung vôi, làm gạch, ngói, làm thợ mộc, trong làng xuất hiện những tên ngõ như ngõ Đá, ngõ Đất, ngõ Bóng, ngõ Bến, ngõ Đình, ngõ Hạ, ngõ Dọc…rồi thành những xóm như xóm Long Vân, xóm Văn Chỉ, xóm Chùa Thăng, xóm Đường Làn…

          Hiện nay làng Yên Lạc có diện tích tự nhiên là 189 ha trong đó đất canh tác 82,84 ha đất thổ cư 16,5 ha;

Địa giới hành chính:

 + Phía bắc giáp sông Mã (bên kia sông là xã Quý Lộc huyện Yên Định)

 + Phía nam là làng Kỳ Ngãi

 + Phía tây giáp sông Mã (bên kia là làng Đan Lê xã Yên Thọ Yên Định)

 + Phía đông giáp với làng Thọ Vực ngăn cách bởi dãy núi đá Nhà Rồng.

          Theo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở ngày mùng 1 tháng 4 năm 2009 làng Yên Lạc có 1,655 khẩu thực hiện quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh tháng 4 năm 2009 làng Yên Lạc chia ra thành Yên Lạc 1, Yên Lạc 2

Yên Lạc 1 do ông Đặng Trọng Kiên làm trưởng thôn

Yên Lạc 2 ông Lưu Thanh Chính làm trưởng thôn;

Cả Yên Lạc 1 và Yên Lạc 2 cùng một chi bộ đảng; Chi bộ đảng hiện tại đồng chí Lê Như Lụa là bí thư chi bộ kiêm trưởng làng Yên Lạc lớn./.

 

Nguồn: Lịch sử xã Vĩnh Ninh năm 2010 và sử liệu tổng hợp từ nhiều nguồn

Thông tin bài viết đã cách nay 15 năm, độc giả nếu thấy cần bổ sung sai lệch thì cho ý kiến để chỉnh sửa phù hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét