Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Luật Làm Thơ - Học làm thơ (sưu tầm các bài viết)

 


(BÀI SỐ I)

Thơ Lục Bát

Lục bát là thể thơ thông dụng nhất, vì cách gieo vần tương đối đơn giản.

Lục = sáu chữ --- chữ 2 bằng, 4 trắc, 6 bằng

Bát = tám chữ --- chữ 2 bằng, 4 trắc, 6 bằng, 8 bằng

x B x T x B (v1)

x B x T x B (v1) x B (v2)

x B x T x B (v2)

x B x T x B (v2) x B (v3)

Thơ Thất Ngôn (hay còn gọi Tứ Tuyệt)

Thất ngôn đơn giản là thể thơ gồm bốn câu mỗi đoạn, và mỗi câu được mang bảy chữ, được sắp theo luật như sau:

Bốn câu được chia thành hai cặp:

Một cặp mang thanh x T x B x T x (trắc, bằng, trắc)

Một cặp mang thanh x B x T x B x (bằng, trắc, bằng)

Hai cặp này có thể đặt xen kẽ, hoặc đối xứng tùy ý, miễn sao nghe êm tai là được. Trong từng câu, những chữ mang thanh trắc bằng bắt buộc phải là các chữ 2, 4, và 6 của mỗi câu. Như vậy chữ thứ 2 và thứ 6 luôn mang cùng một thanh còn chữ thứ 4 thì ngược lại theo đúng luật thơ.

Thơ Bát Ngôn (thơ 8 chữ)

Bát Ngôn là thể thơ tám chữ, tức là mỗi dòng trong đoạn thơ sẽ có tám chữ. Làm thơ Bát ngôn dễ dàng hơn những thể thơ khác rất nhiều vì không bị luật thơ gò bó như những thể loại khác:

Câu đầu tiên của bài thơ thì có thể tự do mà làm, vì không phải theo khuôn khổ nào hết.

Câu hai và ba thì chữ cuối của câu hai và câu ba phải theo cùng vần là trắc trắc, hoặc bằng bằng, cứ hai cặp trắc lại đến hai cặp bằng cho đến hết bài thơ.

Câu cuối cùng cũng tương tự câu đầu. không cần phải vần với câu nào hết, nhưng nếu chữ cuối của câu cuối có thể vần với chữ cuối câu đầu thì sẽ hay hơn.

Vì Bát ngôn không có quá gò bó, từ ngữ bạn dùng sẽ làm bài thơ trở nên hay hơn, chỉ cần uốn nắn, uyển chuyển dùng từ sẽ tạo ra một bài thơ thật hấp dẫn.

Thơ Tứ Ngôn (thơ 4 chữ)

Thơ tứ ngôn là loại thơ có thể gọi là đơn giản nhất bởi vì luật bằng trắc chỉ được áp dụng cho chữ thứ 2 và chữ thứ 4 trong câu mà thôi.

Nếu chữ thứ 2 là bằng thì chữ thứ 4 là trắc và ngược lại nếu chữ thứ 2 là trắc thì chữ thư 4 là bằng.

Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm hai loại thường được gọi là cách gieo vần tiếp, và cách gieo vần tréo. Tuy nhiên vẫn còn một cách gieo vần nữa, cách này ít ai dùng đến, là cách gieo vần ba tiếng.

Cách gieo vần tiếp

x B x T (v1)

x B x T (v1)

x T x B (v2)

x T x B (v2)

Cách gieo vần tréo

x B x T (v1)

x T x B (v2)

x B x T (v1)

x T x B (v2)

 

Cách gieo vần ba tiếng

x B x T (v1)

x T x B (v1)

x B x T (tự do)

x T x B (v2)

Thơ Ngũ Ngôn (thơ 5 chữ)

Cũng giống như thơ 4 chữ, nếu chữ thứ 2 trong câu là bằng thì chữ thứ 4 là trắc và ngược lại. Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm hai loại thường được gọi là cách gieo vần ôm, và cách gieo vần tréo.

Cách gieo vần ôm

x B x T x (v1)

x T x B x (v2)

x B x T x (v2)

x T x B x (v1)

Cách gieo vần tréo

x B x T x (v1)

x T x B x (v2)

x B x T x (v1)

x T x B x (v2)

Thơ Đường

Thơ Đường được bắt đầu từ bên Trung Hoa, thời nhà Đường bên Trung Hoa rất xem trọng các văn hào, và cũng vì lẽ đó nên các quan trong triều bắt buộc phải biết làm thơ, cho nên trong thơ nhà Đường có rất nhiều thi sĩ nổi tiếng. Đặc biệt hơn nữa, các thi hào thời nhà Đường đã phát triển một lối làm thơ riêng biệt mà ngày nay chúng ta được biết là thơ Đường.

Thơ Đường còn được gọi là "Đường Thi Thất Ngôn Bát Cú" tạm dịch là Đường thơ bảy chữ tám câu. Tám câu này được phân ra thành bốn cặp (cặp là hai câu giống nhau theo luật bằng trắc).

cặp 1: gồm câu một và câu tám

cặp 2: gồm câu hai và câu ba

cặp 3: gồm câu bốn và câu năm

cặp 4: gồm câu sáu và câu bảy

Cũng giống như Thất Ngôn Tứ Tuyệt, luật bằng trắc trong Đường Thi áp dụng cho những chữ 2, 4, và 6 trong mỗi câu; đặc biệt, những chữ 7 (chữ cuối của mỗi câu) cũng phải theo luật bằng-trắc (b=bằng, t=trắc).

Nếu mở đầu bài thơ bằng T B T (luật trắc) thì bài thơ sẽ theo luật như sau:

câu 1: x T x B x T b (vần)

câu 2: x B x T x B b (vần)

câu 3: x B x T x B t

câu 4: x T x B x T b (vần)

câu 5: x T x B x T t

câu 6: x B x T x B b (vần)

câu 7: x B x T x B t

câu 8: x T x B x T b (vần)

Nếu mở đầu bài thơ bằng B T B (luật bằng) thì bài thơ sẽ theo luật như sau:

câu 1: x B x T x B b (vần)

câu 2: x T x B x T b (vần)

câu 3: x T x B x T t

câu 4: x B x T x B b (vần)

câu 5: x B x T x B t

câu 6: x T x B x T b (vần)

câu 7: x T x B x T t

câu 8: x B x T x B b (vần)

Điểm khó nhất trong Đường Thi là câu số ba và câu số bốn, bởi vì hai câu này được gọi là hai câu THỰC và hai câu năm và câu sáu là hai câu LUẬN.... hai cặp câu này luôn luôn đối nhau, danh từ (noun) đối danh từ, động từ (verb) đối động từ, tính từ (adjective) đối tính từ, quan trọng hơn cả là hai cặp câu này phải Ý đối Ý.

Điểm cao nhất của Đường Thi là có thể HỌA THƠ với người khác, nghĩa là sẽ dùng lại tất cả những mang VẦN của bài thơ muốn họa tức là bài thơ của người đầu tiên (thường được gọi là bài Xướng Thi) để diễn tả theo ý thơ của mình.

Note: Chủ ý để viết nên 1 bài thơ là để diễn tả cảm xúc, dùng từ ngữ mà diễn đạt tâm ý của người làm thơ, nhiều khi quá gò bó trong luật thơ có thể sẽ mất đi cái hứng làm thơ, vì vậy, nếu bài thơ khi đọc lên nghe êm dịu, xuôi tai, diễn tả được ý tứ và cảm xúc của tác giả thì không cần theo đúng luật thơ cũng có thể là 1 bài thơ hay phải không các bạn.

Luật làm thơ

II/MỘT BÀI VIẾT KHÁC

Các thể loại thơ thông thường: Thể Lục Bát, Biến Thể Lục Bát, Thể Song Thất Lục Bát, Thể Thất Ngôn/Bảy Chữ (Thơ Cũ), Thể Thất Ngôn/Bảy Chữ (Thơ Mới), và Thể Thơ Tám Chữ.

Thể Lục Bát

Thơ Lục Bát, còn được gọi là thơ "Sáu Tám", vì câu đi trước có 6 chữ, còn câu đi sau có 8 chữ. Cứ thế mà lập lại hoài cho tới khi nào tác giả muốn ngưng bài thơ. Thông thường, bài thơ Lục Bát dừng lại ở câu 8.

1. Cách Gieo Vần-Chữ cuối của câu trên (tức câu 6) phải vần với chữ thứ sáu của câu dưới (tức câu 8). Cứ mỗi hai câu thì đổi vần, và bao giờ cũng gieo vần bằng (còn gọi là bằng hoặc bình, tức có dấu huyền hoặc không dấu). Ký hiệu của bằng là B. Ðặc biệt chữ thứ tư của câu 6 và câu 8 và chữ thứ bảy của câu 8 luôn luôn được gieo ở vần trắc hay trắc (tức có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, hoặc dấu nặng). Ký hiệu của trắc là T. Chữ thứ sáu của câu 8 được gọi là yêu vận (vần lưng chừng câu), và chữ thứ 8 của câu tám được gọi là cước vận (vần cuối câu). Vận hay vần là tiếng đồng thanh với nhau. Gieo vần thì phải hiệp vận (tức cho đúng vận của nó). Ví dụ: hòn, non, mòn, con... Nếu gieo vần mưa với mây thì bị lạc vận. Còn nếu gieo vần không hiệp với nhau thì gọi là cưỡng vận. Ví dụ: tin đi với tiên.

2. Luật Bằng Trắc-Cách dùng mẫu tự và viết tắt như sau: B là Bằng, T là Trắc, V là Vần.

Câu 6: B B T T B B

Câu 8: B B T T B B T B

Ví dụ:

Câu 6: Trăm năm | trong cõi | người ta

Câu 8: Chữ tài | chữ mệnh | khéo là | ghét nhau

Câu 6: Trải qua | một cuộc | bể dâu

Câu 8: Những điều | trông thấy | mà đau | đớn lòng

(Kiều)

Ghi chú: Chữ là và đau là yêu vận (tức là vần đặt ở trong câu); chữ nhau và lòng là cước vận (tức là vần đặt ở cuối câu). Chữ thứ 6 của câu 6 (ta) hiệp vận (V) với chữ thứ 6 của câu 8 (là), chữ thứ 8 (nhau) của câu 8 hiệp vận (V) với chữ thứ 6 (dâu) của câu 6, chữ thứ 6 (dâu) của câu 6 hiệp vận (V) với chữ thứ 6 (đau) của câu 8.

Biệt lệ-Tuy luật bằng trắc đã qui định như ở trên, nhưng những chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 nếu không theo đúng luật thì cũng không sao. Cái biệt lệ ấy được gọi là "nhất, tam, ngũ bất luận", có nghĩa là chữ thứ 1, chữ thứ 3 và chữ thứ 5 không kể (bất luận), tức không nhất thiết phải theo đúng luật. Còn các chữ thứ 2, chữ thứ 4, và chữ thứ 6 bắt buộc phải theo đúng luật (phân minh), do câu "nhì, tứ, lục phân minh".

Ví dụ:

Trăm năm trong cõi người ta (Kiều)

(Ghi chú: chữ thứ 3 (trong) đáng lẽ thuộc vần Trắc, nhưng lại đổi thành vần Bằng).

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều)

(Ghi chú: chữ thứ 1 (Chữ) và thứ 5 (khéo) đáng lẽ thuộc vần Bằng, nhưng lại đổi thành vần Trắc).

3. Thanh-Thanh gồm có Trầm Bình Thanh và Phù Bình Thanh. Trầm Bình Thanh là những tiếng hay chữ có dấu huyền. Ví dụ: là, lòng, phòng... Phù Bình Thanh là những tiếng hay chữ không có dấu. Ví dụ: nhau, đau, mau... Trong câu 8, hai chữ thứ 6 và thứ 8 luôn luôn ở vần Bằng, nhưng không được có cùng một thanh. Có như thế, âm điệu mới êm ái và dễ nghe. Nếu chữ thứ 6 thuộc Phù Bình Thanh thì chữ thứ 8 phải thuộc Trầm Bình Thanh, và ngược lại.

Ví dụ:

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

(Ghi chú: là thuộc Trầm Bình Thanh, nhau thuộc Phù Bình Thanh).

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

(Ghi chú: đau thuộc Phù Bình Thanh, lòng thuộc Trầm Bình Thanh).

4. Phá Luật-Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp người làm thơ thích phá luật ở chữ thứ hai câu 6, thay vì vần bằng thì lại đổi ra vần trắc; còn chữ thứ tư thì có khi đổi thành vần bằng thay vì vần trắc như thường lệ. Câu 6 cũng được ngắt ra làm hai vế.

Ví dụ: Mai cốt cách | tuyết tinh thần (B T T T B

Mỗi người | một vẻ | mười phân | vẹn mười (T B T T B B T

(Kiều)

Ðau đớn thay | phận đàn bà (B T B T B

(Kiều)

Khi tựa gối | khi cúi đầu (B T T B T

(Kiều)

Ðồ tế nhuyễn | của riêng tây (B T T T B

Sạch sành sanh vét | cho đầy túi tham (T B B T B B T

(Kiều)

Biến Thể Lục Bát

Biến Thể Lục Bát là thể văn biến đổi ở cách gieo vần.

Ví dụ:

Câu 6: Vừa ra đến chợ một khi

Câu 8: Thấy rồng che phủ tứ vi một người

Câu 6: Nguyên nàng số lý nghề nòi

Câu 8: Dưới đất trên trời thuộc hết mọi phương (T T B B T T B

(Truyện Lý Công )

Chú thích: Câu tám thứ hai vừa phá luật vừa biến thể. Chữ thứ tư (trời) của câu 8 lại vần với chữ thứ sáu (nòi) của câu 6.

Hoặc:

Câu 6: Khoan khoan chân bước bên đường

Câu 8: Thấy chàng họ Lý ngồi đương ăn mày

Câu 6: Ðầu thời đội nón cỏ may

Câu 8: Mặt võ mình gầy cầm sách giờ lâu (T T B B B T B

(Truyện Lý Công)

Chú thích: Câu tám thứ hai vừa phá luật vừa biến thể. Chữ thứ tư (gầy) của câu 8 lại vần với chữ thứ sáu (may) của câu 6.

Trên đây là một số niêm luật căn bản của thơ Lục Bát. Làm thơ Lục Bát tuy dễ mà khó. Cái khó là ở cách gieo vần, làm sao đừng cho bị lạc vận hoặc cưỡng vận. Một bài thơ hay mà bị lạc vận hoặc cưỡng vận thì sẽ làm hỏng cả bài thơ, cũng giống như một con sâu làm hỏng cả nồi canh ngon vậy!

Người viết sẽ nêu một vài ví dụ điển hình để bạn thấy những khuyết điểm nho nhỏ mà người làm thơ không để ý tới, có thể vì chưa nắm vững niêm luật hoặc cũng có thể vì coi thường niêm luật. Sự không hiệp vận ấy gọi là cưỡng vận hay ép vận (tin đi với tiên) và lạc vận (mưa đi với mây).

(Ghi Chú: Về Vần hay Vận, xin xem một bài viết riêng về Thanh, Bằng Trắc và Vần của cùng tác giả sẽ cống hiến các bạn trong một dịp khác.)

Ví dụ:

Nhớ xuân lửa đạn rừng đồi

Nhớ đêm không ngủ cuối trời Việt Nam

Bây giờ mượn chút thời gian

Chia cho hiện tại để làm quà Xuân

Chú thích:

đồi đi với trời là Cưỡng vận (đồi với trời thuộc Vần Thông,1 chỉ hợp về Thanh chứ không hợp về Âm).

Nam đi với gian là Lạc vận (Nam và gian không thuộc Vần Chính 2 và Vần Thông).

gian đi với làm là Lạc vận (gian và làm không thuộc Vần Chính và Vần Thông).

Nhớ mi quầng biệt Quỳnh Côi

Nhớ hương bồ kết nhớ người mẹ quê

Chú thích:

Côi đi với người là Lạc vận (Côi và người không thuộc Vần Chính và Vần Thông).

Nhớ em phụng phịu: trời mưa

Giao thừa chẳng được vui đùa với nhau

Chú thích:

Mưa đi với đùa là Cưỡng vận (mưa và đùa thuộc Vần Thông, chỉ hợp về Thanh chứ không hợp về Âm).

Có người hôm ấy chải đầu

Vô tình tóc cứ bay vào vai ta

Chú thích:

đầu đi với vào là Lạc vận (đầu và vào không thuộc Vần Chính và Vần Thông).

Ly cà phê Mỹ nhạt hơn

Nhưng đầy chất đắng trong hồn tha hương

Chú thích:

hơn đi với hồn là Cưỡng vận (hơn và hồn thuộc Vần Thông, chỉ hợp về Thanh chứ không hợp về Âm).

Vẫn không gian ấy bão bùng

Hay mồ hôi tưới trên thung lũng cằn

Bây giờ ngồi giữa thế gian

So giây ướm thử mấy gam giao mùa

Chú thích:

cằn đi với gian là Lạc vận (cằn và gian không thuộc Vần Chính và Vần Thông).

gian đi với gam là Lạc vận (gian và gam không thuộc Vần Chính và Vần Thông).

Gió thơm từ thuở hoàng hôn

Theo chân ánh sáng về ôm ngang trời

Chú thích:

hôn đi với ôm là Lạc vận (hôn và ôm không thuộc Vần Chính và Vần Thông).

Rừng Xuân hoa lá êm đềm

Có người thơ thẩn đi tìm phong lan

Chú thích:

đềm đi với tìm là Lạc vận (đềm và tìm không thuộc Vần Chính và Vần Thông).

1 Vần Thông là những vần chỉ hợp nhau về thanh, còn âm thì tương tự chớ không hợp hẳn.

2 Vần Chính là những vần mà cả thanh lẫn âm đều hợp nhau.

III/CÁCH LÀM THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ

(Thơ Đường Luật)

Thơ thất ngôn bát cú Đường luật gồm có 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Tổng cộng có 56 chữ.

Về cách phối âm, hay luật bằng trắc giữa các câu, ta chỉ nói các thanh Bằng-Trắc của các chữ đứng thứ 2-4-6 trong 1 câu (theo quy tắc Nhất-tam-ngũ bất luận, nhị-tứ-lục phân minh). Các tiếng 2-4-6 trong cùng 1 câu theo thứ tự luật bằng trắc có thể là B - T - B hay có thể là T - B - T.

Ví dụ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông B - T - B

Nuôi đủ năm con với một chồng T - B - T

Đôi khi trong câu đầu tiên của bài thơ cũng có thể làm theo thứ tự B - B - T, cũng có thể xem đó là luật phối thanh của câu T - B - T. Ví dụ:

Một đèo, một đèo, lại một đèo B - B - T

Về cách gieo vần trong thơ: Vần trong thơ là những tiếng đọc giống nhau hay những tiếng đọc gần giống nhau như cùng một vần, hay là vần gần giống nhau mhư sông-chồng, tà-hoa.... Các vần giống nhau trong thơ Đường luật mang thanh bằng, và được đặt ở cuối mỗi câu thơ. Có thể gieo vần vào các tiếng cuối của các câu 1-2-4-6-8, hay có thể là 2-4-6-8, và các vần phải vần với nhau rõ ràng,các tiếng cuối câu 3-5-7 còn lại phải mang thanh trắc, các cao nhân thời xưa thường hay gieo vần vào các tiếng cuối các câu 1-2-4-6-8. Ví dụ:

Sóc phong suy hải khí lăng lăng

Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng

Ngạc đoạn, kình khoa sơn khúc khúc

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng

Quan hà Bách nhị do thiên thiết

Hào kiệt công danh thử địa tằng

Vãn sự hồi đầu ta dĩ hĩ

Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng

(Bạch Đằng hải khẩu - Nguyễn Trãi)

Trong khi gieo vần thường các cao nhan cũng chú ý đối thanh trong thơ, thường có 2 cách đối thanh, đó là đối thanh huyền (H) và thanh ngang (N) trong các vần được gieo. Ở bài thơ ví dụ trên ta thấy lăng-Đằng-tằng-tằng-thăng theo thứ tự N-H-H-H-N. Còn cách đối kách là xen kẽ thanh huyền và thanh ngang với nhau. Ví dụ như bài Qua đèo ngang của bà huyện Thanh Quan.

Phép đối trong thơ thất ngôn bát cú, là đối giữa các câu 3-4, 5-6. Các câu này đối lại nhau như các câu đối thời xưa. Rõ nhất là về các câu trong bài Qua đèo Ngang. Về bố cục thì bài thơ được chia làm 4 mỗi phần có 2 câu:

Câu 1-2 là hai câu đề: Mở ra vấn đề về bài thơ

Câu 3-4 là hai câu thực: Giải thích về vẫn đề

Câu 5-6 là hai câu luận: Bàn luận về vấn đề

Câu 7-8 là hai câu kết: Kết luận lại vấn đề

CÁCH LÀM THƠ THẤT NGÔN TỨ TUYỆT

Thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật gồm có 4 câu, mỗi câu 7 chữ, về phối thanh hay luật bằng trắc hoàn toàn giống thơ thất ngôn bát cú. Về gieo vần thì có 3 cách:

Gieo vần vào tiếng cuối các câu 1-2-4 (tiếng cuối câu 3 bắt buộc thanh trắc)

Ví dụ:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Cách này thường được các cao nhân thời xưa xử dụng nhiều nhất.

Gieo vần chéo: vào tiếng cuối các câu 1-3 (tiếng cuối các câu 2-4 phải là thanh trắc) hay các câu 2-4 (tiếng cuối các câu 1-3 phải là thanh trắc). Ví dụ:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân

Cách này thường được Hồ Chí Minh sử dụng.

Gieo vần ôm: Tiếng cuối câu 1 vần với tiếng cuối câu 4, tiếng cuối câu 2 vần với tiếng cuối câu 3. Ví dụ:

Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi

Qua những sân cung rộng hải hồ

Có phải A Phòng hay Cô Tô ?

Lá liễu dài như một nét mi

Cách này ít người sử dụng.

Nói chung thơ này giống với thơ thất ngôn bát cú.

CÁCH LÀM THƠ NGŨ NGÔN

Thơ ngũ ngôn Đường luật cũng giống thơ thất ngôn Đường luật, hoàn toàn giống về niêm, về cách gieo vần, nhưng về bắng trắc thì chỉ có 2 tiếng 2-4 nên theo thứ tự B-T hay là T-B, cứ như thế.

Ví dụ:

Đoạt sóc Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái bình nghi nổ lực

Vạn cổ thử giang san.

CÁCH NGẮT NHỊP THƠ

Đọc thơ phải đúng cách, đó là đọc đúng cách ngắt nhịp trong thơ để có thể cảm nhận hết được những ý tứ của tá gỉ trong thơ.

Cách ngắt nhịp thường gặp trong thơ thất ngôn Đường luật là nhịp chắn: nhịp 2/2/3 hay còn gọi là nhịp 4-3.Ví dụ:

Một đèo / một đèo / lại một đèo

Nhưng đôi khi cũng có thể làm nhịp 3-4 theo dụng ý tác giả.

Cách ngắt nhịp thơ ngũ ngôn theo nhịp 2/3.

Cách ngắt nhịp giúp ta hiểu rõ thơ hơn, cảm nhận hết ý tứ thơ.

Trên đây chỉ là những hiểu biết sơ sài của tôi về thơ Đường luật, post lên đây với mong muốn mọi nguời hãy sửa chữa những chỗ sai sót và bổ sung chỗ thiếu sót giúp cho chúng ta có thể hiểu thêm về một thể thơ nổi tiếng từ thời xa xưa đến nay. Mong các bạn giúp đỡ. Cảm ơn.

Phép đối và câu đối

SONG THẤT LỤC BÁT

Song Thất Lục Bát . Có 4 câu : hai câu đầu 7 chữ, câu thứ ba 6 chữ, câu cuối 8 chữ

Luật Bằng trắc :


Đông đã đến bao mùa ngao ngán

Nhớ thương người bao tháng năm qua

Phổ cầm khúc tuyệt tình ca

Nhỏ dòng máu thắm xót xa đoạn trường

Luật :

x = Không qui luật (Bằng hoặc Trắc cũng được)

B = Bằng (là những chữ không dấu hoặc có dấu huyền)

T = Trắc (là những chữ có dấu Sắc, Hỏi, Ngã, Nặng)T1= Vần Trắc ......T1 (chữ thứ 7) của câu 1 phải vần với T1 (chữ thứ 5) của câu 2 B2= Vần Bằng .....Chữ thứ 7 của câu 2 ..vần với chữ thứ 6 cuả câu 3 ......Chữ thứ 6 của câu 4 vần với chữ thứ 6 của câu 3

Vần

Chữ thứ 5 của câu 2 (tháng) vần với chữ thứ 7 của câu 1 (ngán)

Chữ cuối cùng của câu 3 (ca) vần với chữ cuối của câu 2 (qua)

Chữ thứ 6 của câu 4 (xa) vần với chữ cuối của câu 3 (ca)

Note : Câu 3 và câu 4 làm theo thể thơ Lục Bát

Âm Khúc :

Chia từng câu thành những khúc nhỏ ..... trong Song Thất Lục Bát chia câu số 1 thành hai khúc và dùng lời thơ để nhấn mạnh từng khúc:

Câu 1 :

Đông đã đến / bao mùa ngao ngán

Câu 2 :

Nhớ thương người, / bao tháng năm qua

Câu 3 :

Phổ cầm / khúc tuyệt / tình ca

Câu 4 :

Nhỏ giòng / máu thắm / xót xa / đoạn trường

SONG THẤT LỤC BÁT

Cũng như LỤC BÁT, SONG THẤT LỤC BÁT thường được dùng trong những truyện thơ, và là thể loại thứ hai của hai thể thơ "chính tông" trong Việt văn.

Song Thất Lục Bát là loại thơ mở đầu bằng hai câu THẤT, rồi tiếp đến hai câu LỤC BÁT, tạo thành một KHỔ với ý từ trọn vẹn. (có nghĩa là trong 4 câu phải trọn vẹn một ý)

Câu THẤT trên (câu số 1), tiếng thứ 3 là chữ TRẮC, tiếng thứ 5 là chữ BẰNG, và tiếng thứ 7 là chữ TRẮc và VẦN.

Câu Thất dưới (câu số 2), tiếng thứ 3 là chữ BẰNG, tiếng thứ 5 là chữ TRẮC và VẦN với tiếng thứ 7 của câu trên, tiếng thứ 7 là chữ BẰNG và VẦN.

***Song Thất Lục Bát không giống như Thất Ngôn Luật theo lối

Hán văn, vì luật BẰNG TRẮC được áp dụng trong Song Thất ở

chữ thứ 3, thứ 5, mà trong Thất Ngôn Luật thì chữ thứ 3 và

chữ thứ 5 lại có thể theo lệ BẤT LUẬN.

Sau hai câu Thất là hai câu Lục Bát, theo luật của Lục Bát...chữ cuối của câu LỤC vần với chữ thứ 7 của câu THẤT thứ nhì):

ĐIỀU NGOẠI LỆ: Thông thường chữ thứ 3 của câu Thất(1) là chữ TRẮC, nhưng trong trường hợp không có đối ở câu dưới, thì chữ thứ 3 của câu Thất trên có thể là chữ BẰNG. :

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét