Trang

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

THÀNH NHÀ HỒ – DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI

          Thành nhà Hồ còn gọi là thành An Tôn, hay là thành Tây Nhai, Tây Đô; ở địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành do Hồ Quý Ly cho xây đắp vào năm Đinh Sửu (1397). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo nên năm 2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

         Thành nhà Hồ được xây dựng dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy. Tháng 3 năm Canh Thìn (1400), triều Hồ được thành lập và Tây Đô là kinh đô của vương triều mới. Thành Tây Đô được dân gian quen gọi là thành nhà Hồ. Vị trí của thành nhà Hồ được Quý Ly chọn đắp ở địa phận động An Tôn, phủ Thanh Hóa. Thành được đắp rất nhanh, trong thời gian 3 tháng là hoàn thành. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 8, mặt khắc 28 khắc: Năm Đinh Sửu (1397), mùa xuân, tháng giêng, sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập miếu xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó. Tháng 3 thì công việc hoàn tất.

         Khi đắp thành An Tôn thì triều đình cũng bàn bạc dâng lời can ngăn vì cho rằng An Tôn đất chật hẹp, không hợp với thời trị. Khu mật chủ sự thị sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Hãy nên noi theo việc trước: khi ấy quân Nguyên bị giết, giặc Chiêm phải nộp đầu. Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu “cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”, nhưng Quý Ly không nghe.

         Thành nhà Hồ được đắp với mỗi mặt dài 120 trượng, cao 1 trượng 2 thước. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại rất chi tiết thành nhà Hồ về diện tích và vật liệu đắp thành như sau: Thành nhà Hồ ở xã An Tôn huyện Vĩnh Lộc, còn gọi là thành Tây Nhai. Thời Trần Thuận Đế, Hồ Quý Ly mưu toán, muốn bức ép Đế. Hồ Quý Ly cho dời đô và sai người đến đó đắp thành, đào hào, lập miếu xã, mở đường phố, gọi là thành Tây Đô. Thành vuông mà rộng hơn 200 mẫu. Cửa Nam của thành xây bằng đá ba tầng, như cửa Chu Tước ở thành Thăng Long. Ba cửa Đông, Tây, Bắc xây bằng đá, nền đều đắp bằng đá xanh. Các đường thông với thành đều lát đá hoa văn nên gọi là Hoa Nhai (đường hoa). Ngoài thành có hào, tả hữu có đá núi, phía trước là sông Mã, sông Bảo. Bao quanh thành lại đắp đất làm la thành. Phía tả từ tổng Cổ Biện qua các xã Bỉnh Bút và Cổ Điệp theo sông Bảo chạy về phía Nam đến Đốn Sơn (núi Đốn). Phía hữu từ tổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thủy men theo sông Mã chạy về Đông thẳng đến núi An Tôn mấy vạn trượng.

          Thành nhà Hồ sau một thời gian xây xong được củng cố thêm cho vững chắc, tạo thành hệ thống phòng thủ kiên cố. Năm Kỷ Mão (1399), Hồ Quý Ly sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía tây thành, phía nam từ Đốn Sơn, phía bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến Lỗi Giang, vây quanh làm toà thành lớn bọc phía ngoài. Dân chúng ai lấy trộm măng thì bị xử tử. Năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương cho sửa đắp thành Tây Đô. Trước đây, bên ngoài thành tại kinh đô mới, Quý Ly bắt dân Thanh Hóa trồng tre gai làm như cái la thành ở ngoài và bắc cầu cống, đặt hàng quán, đào khe cừ để tiện đi lại. Thân thành đều xây bằng đá, sau lại bị đổ. Nay Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để sửa đắp lại.

          Thành nhà Hồ dù được Hồ Quý Ly cho đắp vững chãi nhưng cũng bị hư hại do thiên tai và thời gian. Theo Khu mật chủ sự thị sử Nguyễn Nhữ Thuyết thì An Tôn địa thế nhỏ hẹp hẻo lánh, chỗ này là nơi sơn cùng thủy tận, không thể định cư được. Hơn nữa, bên tả bên hữu của thành đều sát với núi đá, lại có hai con sông Lương và sông Mã hợp lưu ở đằng trước nên thành nhiều lần bị lụt, sụt lở. Năm Bính Tuất (1586), tháng 6, mùa hạ, nước sông Mã thình lình lên to, tràn ngập cả vào thành Tây Đô. Dòng sông chảy ngược, xiết mạnh như tên bắn, cây và gỗ ngổn ngang nghẽn cả sông. Nhiều nhà cửa của cư dân ven sông bị trôi giạt ra biển.

          Kinh đô là nơi quan trọng của bậc đế vương, của một triều đại. Chính vì thế mà Phan Phu Tiên nói: Tào Tháo dời kinh đô đến đất Hứa, nắm lấy thiên tử để sai khiến chư hầu, cơ nghiệp nhà Hán chìm đắm thực là bắt đầu từ đó. Quý Ly dời kinh đô đến An Tôn, giết vua và diệt họ vua, cơ nghiệp nhà Trần bị sụp đổ, chả lẽ không phải bởi đó hay sao?

          Thành nhà Hồ được xây dựng trong thời gian Hồ Quý Ly khắc phục cuộc khủng hoảng của đất nước cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Tuy thời gian xây thành chỉ có 3 tháng nhưng nó tồn tại đến nay đã hơn 623 năm, một số đoạn của tòa thành còn lại tương đối nguyên vẹn. Nó là minh chứng, là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử, một triều đại nhà Hồ ngắn ngủi nhưng những di tích còn sót lại góp phần làm nên di sản thế giới./.

Tài liệu tham khảo:

1. H20/18, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. H60/11, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. H140/1, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội (1998);

5. Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Hoàng Khôi và Ban Cổ văn Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản (1970);

6. Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nxb Khoa học Xã hội (2004);

7. Đại Nam nhất thống chí, Quốc Sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa (2006).

Nhật Phương

NGUỒN BÀI ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét