Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

TÌM HIỂU THÊM VỀ THÀNH NHÀ HỒ

 

Thành được xây dựng Năm 1397 ở khoảng giữa sông Mã và sông Bưởi, phía Bắc có núi Thổ Tượng (Núi Voi), phía Tây có núi Ngưu Ngoạ (Thọ Sơn Trang xưa-Làng Thọ Đồn xã Vĩnh yên ngày nay) trên núi có nghè Đồn thờ 3 vị thánh đánh giặc Minh thời Lê Lợi có 11 sắc phong kể từ thời kháng minh; Phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam có 2 dãy núi Trác Phong và Xuân đài đồng thời là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Sử cũ cho biết thành xây 3 tháng thì xong. Thành Tây Đô được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông. Ngoài kiến thức phong thuỷ nằm giữa hai sông, thế rồng chầu, rắn cuốn, thành còn nằm ở thế cuối nước đầu non; Đầu non là núi thổ tượng (núi Voi), cuối nước là nơi hai con sông Mã và Bưởi gặp nhau ở địa phận xã Vĩnh Khang;

Về núi: Trong khu vực xây thành có Núi An Tôn thuộc địa phận xã Vĩnh Yên (vào thời Trần có tên là động An Tôn), cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Tây. Núi có 2 ngọn riêng biệt, hai đỉnh cao nhất là 122m (làng Phù Lưu) và 114m (làng Yên Tôn Thượng có hang Nàng giam vua Trần Thiếu Đế) so với mực nước biển. Nhiều giả thuyết và tư liệu cho biết đá xây dựng Thành Nhà Hồ được khai thác tại dãy núi (làng Phù Lưu).

Ngược về phía Bắc An Tôn có Núi Quan Vịnh (Vĩnh Quang), Núi Thổ Tượng (Vĩnh Yên), Núi Ngưu Ngoạ (Thọ sơn Trang, làng đồn Vĩnh Yên) kéo dài dãy núi thấp là núi Phú Sơn làng Phú Lĩnh, Núi Hắc Khuyển (Vĩnh Long), núi Đốn Sơn (Vĩnh Thành), núi Hý Mã, núi Xuân Đài (Vĩnh Ninh), núi Du Anh (thuộc dãy Xuân Đài có Du Anh tự), núi Ngưỡng Sơn (Vĩnh Ninh), Núi Trác Phong (Vĩnh Ninh)

Về chùa: Trong khu vực Thành có Tứ Linh Tự: Một điều rất đặc biệt của Thành Nhà Hồ là bốn phía ở bốn ngọn núi có liên quan tới phong thủy của Thành Nhà Hồ đều có chùa. Lâu nay để ý chúng ta mới biết:

Phía đông có chùa Thái Bình (Núi Hắc Khuyển) thuộc làng Bèo, xã Vĩnh Long,

Phía tây có chùa Linh Giang (Núi thấp Phú Sơn) thuộc làng Phú Lĩnh xã Vĩnh Tiến,

Phía nam có chùa Tường Vân (Núi Đún) thuộc thị khu III, trấn Vĩnh Lộc.

Phía bắc thì sao, nếu tìm trên núi Voi thì sẽ không có ngôi chùa nào. Từ những lập luận và suy đoán về phong thủy, chúng tôi đã tìm đến núi Quan Vịnh có chùa Lê Sơn (Vĩnh Quang). Lê Sơn Động (còn gọi là chùa Vịnh hay động Eo Lê), nằm trên địa phận thôn Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc; cách trung tâm Thành Nhà Hồ khoảng 4km về phía Bắc. Động “gây mê” cho du khách thập phương bởi sự hòa quện giữa một bên là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và một bên là dòng sông Mã uốn lượn hình rồng chầu đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Còn về đền thì:

Cổng Đông có đền thờ nàng Bình Khương,

Cổng Nam có đền thờ Trần Khát Chân (Thờ vọng cái đầu),

Cổng Tây có đền thờ Thánh Trên núi Ngưu Ngoạ (Làng Đồn, Vĩnh Yên),

Cổng Bắc không có đến;

Xung quanh Thành Nhà Hồ còn rất nhiều lĩnh vực chưa được người dân trong vùng cung cấp và khảo cứu, kính mong mọi người góp ý thêm;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét