Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

LỊCH SỬ LÀNG THỌ ĐỒN, XÃ VĨNH YÊN, HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HOÁ;

 

         Làng Thọ Đồn nằm trên dãy núi Ngưu Ngoạ, núi thấp; Đất của làng Thọ Đồn xưa là đất của Thổ sơn trang tức là đất của làng Thổ Phụ xã Vĩnh Tiến ngày nay. Vào thế kỷ XII ở khu vực làng Thổ Phụ bây giờ đã có dòng Họ Bùi đến khai phá lập nghiệp, sau đó các dòng họ khác như họ Phạm, Họ Dương, Họ Lê…ở các nơi khác đến sinh sống và lập nên làng xóm; Đến cuối triều Hồ khu vực núi Ngưu Ngoạ đã có một vài ba hộ của dòng họ Bùi, họ Lưu, họ Nguyễn đến khai phá đất đai và sinh sống;

          Đất Thổ sơn trang lúc bấy giờ không chỉ đến làng Thọ Đồn mà còn cả làng Cẩm Bào ngày nay; Bấy giờ ở Thổ Sơn Trang có ông Phạm Đốc sinh năm 1513 (đời vua Lê Tương Dực); Phạm Đốc mặt vuông chữ điền, lông mày nét mác, tướng mạo oai phong, đi đứng nhanh nhẹn, được cha trực tiếp dạy bảo Văn bài và Võ nghệ; Bấy giờ triều đình nhà Lê rối loạn, các vua Lê liên tiếp thay nhau và sống sa đoạ cực độ. Trong khi đó nhà Mạc tìm mọi cách chiếm ngôi nhà Lê; Phạm Đốc không có chí lập công danh chỉ lấy việc đọc sách và săn bắn làm vui;

        Năm 1533 một cựu thần nhà Lê tên là Nguyễn Kim đã đứng lên phù Lê diệt Mạc. Thái sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim sai người tìm được Lê Duy Ninh là con của vua Lê Chiêu Tông, cháu nhiều đời của Lê Thánh Tông, đón sang Ai Lao (Lào) tôn lập; Ở làng Biện Thượng (nay là là Bồng Thượng xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) có ông Trịnh Kiểm là người dũng lược đã theo Nguyễn Kim phò Lê diệt Mạc; Đến năm 1538 nghe tướng Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông (tức Lê Duy Ninh) chống lại nhà Mạc, Phạm Đốc mới đi theo Trịnh Kiểm và được nhà vua và Trịnh Kiểm trọng dụng; Ông Phạm Đốc là người có nhiều công lao và được phong nhiều ruộng đất, trong đó có ruộng đất của làng Thọ Đồn ngày nay.

        Trung tuần tháng 5 năm Mậu Ngọ Ông Phạm Đốc bị cảm mạo, thuốc thang chạy chữa không có hiệu nghiệm, ngày mùng 4 tháng 8 ông mất, năm ấy ông mới 46 tuổi (tính cả tuổi mụ) thi hài ông được đưa về làng Thổ Sơn (Thổ Phụ) chôn cất; Ông Phạm Đốc sinh được 3 người con trai trên đất Thổ sơn (Thổ Phụ) vào cuối thế kỷ thứ XVI người con trai cả là Phạm Đức Thắng – Tên Bộ là Phạm đức Kỳ vẫn ở tại Thổ Sơn trang (Thổ Phụ); Người con thứ 2 là Phạm Đức Thuần – tên bộ là Phạm Đức Nho lên Thọ Sơn Trang (Thọ Đồn); Người con thứ 3 là Phạm Quý Thư – tên bộ là Phạm Quý Tâm lên Bắc thượng Trang (Cẩm Bào).

       Sau khi ông Phạm Đức Thuần (Phạm Đức Nho) lên đất Thọ Sơn Trang, nhiều dòng họ các nơi cũng lần lượt đến khu vực Thọ Sơn Trang sinh cơ lập nghiệp; Đến đầu thế kỷ thứ XVII Thọ Sơn Trang đã hình thành thôn và đổi tên thành thôn Thọ Đồn; Mặc dù đã thành làng (thôn) nhưng Thọ Đồn vẫn trực thuộc vào làng Thổ Sơn (Thổ Phụ); Căn cứ vào các sắc phong thời Minh Mệnh năm thứ 5 (1824), sắc phong thời Thiệu Trị năm thưa 4 (1844), Sắc phong thời Tự Đức năm thứ 8 (1855) cho Long vương tôn thần ở Nghè Đồn đều ghi “Chuẩn cho thôn Thọ Đồn, xã Thổ Sơn, huyện Vĩnh Lộc phụng thờ như cũ”. Đến đời Đồng Khánh (1886 – 1888) mới ghi thôn Thọ Đồn, Thôn Thổ Sơn riêng; Hiện nay làng Thọ Đồn có các dòng họ: Phạm, Nguyễn, Trịnh, Bùi, Lưu, Lê, Đỗ, Nghiêm, Đoàn….Trong đó họ Phạm có 4 dòng, họ Nguyễn, Họ Trịnh 2 dòng.

      Họ Phạm Đức là dòng dõi Thái Uý Tĩnh Quốc Công Phạm Đốc hiện ông Phạm Văn Lộc làm trưởng Tộc; Họ có cụ tổ tên huý là Phạm Đức Thuần đến đất Thọ Đồn vào cuối thế kỷ thứ XVI, họ truyền lại đến nay được 17 đời; Hiện dòng họ nay có 3 chi với tổng số có 75 hộ đang sinh sống trong làng; Họ Phạm Huy do ông Phạm Huy Mày làm trưởng tộc, thờ cụ tổ Phạm Quý Công, tự Phúc Sự đến đất Thọ Đồn vào khoàng thời gian từ năm 1680 – 1685, theo gia phả cụ tổ truyền đến nay được 13 đời, hiện dòng họ có 3 chi với 28 hộ; Ngoài ra ở làng Thọ Đồn còn có họ Phạm, ông phạm văn Thấu gốc từ Bồng Trung (Vĩnh Tân –Vĩnh Lộc) lê ở đất Thọ Đồn được 3 đời, hiện có 1 hộ duy nhất; Họ Phạm do ông Phạm Văn Thẩm làm trưởng tộc, rồi họ Phạm do ông Phạm Văn Bầm làm trưởng tộc mỗi dòng họ này cũng chỉ có từ 1 đến 2 hộ; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Oánh làm trưởng tộc, gia phả gốc bị mất, theo truyền lại họ Nguyễn này hiện đã có 16 đời ở đất Thọ Đồn, tức cụ tổ đến đây từ đầu Thế kỷ thứ XVII, cách ngày nay khoảng 400 năm; Hiện dòng Nguyễn này có 3 chi vói 90 đinh; Họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Trà làm trưởng tộc, gốc là họ Mai ở Nga Sơn, xin nhập vào họ Nguyễn đến đất Thọ Đồn đến nay được 120 năm, hiện trong thôn có 10 hộ đang sinh sống; Ở làng Thọ Đồn có 2 dòng họ Lưu, một họ Lưu được coi là đến đất Thọ Đồn từ rất sớm cùng với họ Nguyễn, họ Phan Huy nhưng đã thất truyền. Dòng họ Lưu do ông Lưu Văn Thành gốc từ làng Thiện La (Hậu Lộc) đến Thọ Đồn năm 1860 đời Tự Đức (1848 – 1883) hiện có 3 hộ; Họ Bùi do ông Bùi Đình Thuần làm trưởng tộc đến đất Thọ Đồn vào khoảng năm 1785, truyền lại đến nay được 8 đời hiện có gần 50 hộ với 67 đinh; Họ Đoàn do ông Đoàn Văn Dương làm trưởng tộc từ Hà Trung đến Thọ Đồn được 5 đời cách ngày nay khoản 125 năm, hiện có 15 hộ. Họ Nghiêm do ông Nghiêm Văn Thiết làm trưởng tộc không rõ từ đâu đến, cụ tổ là con trai của một ông thầy đồ, đến 1835 đến lấy vợ ở làng Thọ Đồn truyền đến nay được 7 đời, nhưng chỉ có 4 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Kim Thành làm trưởng tộc, gốc Ninh Bình Ông Thành thuộc diện thương bệnh binh chống Pháp, năm 1954 nhân dân Thọ Đồn đón về làng chăm sóc và lấy vợ ở đây, hiện có 5 hộ; Họ Trịnh do ông Trịnh Văn Thao làm trưởng tộc, từ Giang Đông Vĩnh Hoà đến Thọ đồn đến nay được 100 năm, hiện có 4 hộ; Họ Đỗ do ông Đõ Khắc Chiến làm trưởng tộc, từ Nam Định đưa vợ con vào Thọ Đồn cư ngụ đến nay được gần 100 năm;

        Người dân làng Thọ Đồn từ xưa đến nay sống bằng nghề nông, cây trồng chính là lúa, khoai, đậu, vừng sau này có thêm cây bông, cây lạc; Có nghề trồng dâu nuôi tằm, một số gia đình dệt tơ, dệt sồi; Chăn nuôi những con vật chính là bò, lợn, gà, ngan,….Làng Thọ Đồn nằm trên dãy núi nên việc đi lại trước đây không mấy thuận lợi, nay đã được bê tông hoá đường làng đi lại thuận lợi hơn không còn đi theo bậc lên xuống từng bậc như xưa;

        Làng Thọ Đồn có Chùa, Nghè xuôi, Nghè ngược, có đình nhưng hiện nay chỉ còn Nghè Ngược (bây giờ gọi là Nghè Đồn); Đình làng được sửa chữa lại thành nhà gác chếnh; Tổng diện tích tự nhiên của làng Thọ Đồn năm 2010 là 95,52ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 74,54ha, đất thổ cư 14,56ha, còn lại là đất khác

       Địa giới hành chính phái đông giáp làng Tây Giai (Xã Vĩnh Tiến), phía Nam giáp làng Phú Lĩnh (Vĩnh Tiến), phía Tay giáp sông Mã, bên kia sông là huyện Yên Định, phía Bắc giáp làng Yên Tôn Thượng; Dân số hiện nay có 291 hộ, 1.123 nhân khẩu./.


Nghè Đồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét