Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

VÙNG ĐẤT BA DON ĐỘNG AN TÔN VÀ DƯA DON



Vùng đất Ba Don ở xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc

Dưa Don

Bao năm kiếm sng xa quê

Phn hoa cát bi mãi mê x người

Nhưng lòng vn nh khôn nguôi

Mùi dưa Ci mui mn môi thu nào

Đã tng "sơn v, hi hào"

V quê vn c thm vào trong ta

Nh mùa dưa ci quê nhà

Vi liêu xiêu bóng m già ...đã xa

Chng này rau ci ca ta

Sáng đêm m mui chc là thơm men

Nh khuya sương lnh ngoài thm

Hăng hăng mùi ci gió đêm vương v

Mn màng đất bãi ngoài đê

Quyn vào dưa mui tình quê mn mà

Đang còn mê mãi nơi xa

Mà lòng vn nh quê nhà “dưa Don”. (LVC)

          Xã Vĩnh Yên nằm ở phía tây bắc của huyện Vĩnh Lộc. Thiên nhiên đã tạo cho Vĩnh Yên một phong cảnh tuyệt vời. Trên có núi, có đồi; dưới có sông, có bãi. Đặc biệt là vùng đất An Tôn (nay gọi là Yên Tôn) còn gắn liền với nhiều truyền thuyết, sự kiện trong việc hình thành, xây dựng kinh đô triều Hồ. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản dưa Don.

          Chạy dài theo bờ bắc sông Mã, vùng Yên Tôn gồm có thôn Yên Tôn Thượng, Yên Tôn Hạ và thôn Phù Lưu. Hay còn gọi là ba Don: Don Thượng, Don Hạ và Don Trung. Dãy núi An Tôn nằm dọc theo phía đông của ba thôn. Vùng đất này thời nhà Trần thuộc động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh, Trấn Thanh Hóa. Sách Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo, Tri huyện Vĩnh Lộc thời vua Gia Long năm thứ 15 (1816) viết về núi An Tôn: “Núi ở địa phận xã An Tôn, xưa gọi là động An Tôn. Núi từ Mang Trình kéo xuống liền men theo Cẩm Hoàng, trải đến Cẩm Nhất, vượt theo sông nước Quảng Bình đến Quan Hoàng, Eo Lê men theo sông mà đổ về. Nham thạch nổi lên thưa thớt, trong núi có động, thạch nhũ nhỏ giọt, nước liên tục nhỏ giọt bốn mùa không thôi. Lại thấy hai ngọn núi đột nhiên hiện lên, thế thật độc lập, giống như hai con voi đang xuống sông. Đứng từ xa mà nhìn về, hình sắc như vẽ, thiên nhiên thật đáng yêu. Mé trái núi thời Hồ gọi là thành Tây Đô” [Trích Thanh Hóa tỉnh - Vĩnh Lộc huyện chí, tác giả Lưu Công Đạo. Biên dịch Nguyễn Văn Hải - NXB Thanh Hóa - 2012, trang 31].

Núi An Tôn thuộc địa phận xã Vĩnh Yên (vào thời Trần có tên là động An Tôn), cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Tây. Núi có hai đỉnh cao nhất là 122m và 114m so với mực nước biển. Nhiều giả thuyết và tư liệu cho biết đá xây dựng Thành Nhà Hồ được khai thác tại dãy núi 114m này. Núi làng An Tôn Thượng gọi là núi Độn (122m), núi làng Phù Lưu gọi là núi Vực (114m). Núi Độn có chùa An Tôn, chùa Lở, hang Tượng, hang Nàng, động Ngọc Thanh. Hang Nàng, nơi Hồ Quý Ly giam giữ vua Trần Thiếu Đế cho đến chết;

          Để có một làng quê tươi đẹp, trù phú, rộng rãi như hiện nay, vùng Yên Tôn đã trải qua thời gian dài hình thành và phát triển. Các cụ già trong vùng kể rằng, theo tiền nhân truyền lại, tên làng An Tôn đã có hàng ngàn năm trước. Khi cả vùng này còn hoang vu, rậm rạp, dân cư xung quanh thưa thớt, dòng sông Mã còn chảy sát chân núi An Tôn, thì làng An Tôn đã có nhiều cư dân sinh sống.

Thời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly họp bàn với triều thần, ép vua dời đô về Động An Tôn. Triều thần nhiều người phản đối. Khu mật chủ sự thị là Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can “... An Tôn là đất chật hẹp hẻo lánh, cuối nước đầu non, nên với loạn mà không nên với trị, chỉ cậy chỗ hiểm được thôi” [Trích Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 - NXB Văn hóa thông tin - 2004, trang 716]. Hồ Quý Ly không nghe, vẫn quyết định dời đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đinh Sửu (1397). Mùa Xuân, tháng giêng, sai Thượng Thư Lại Bộ kiêm Thái Sử lệnh là Đỗ Tỉnh đi xem xét đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà Miếu nền xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đấy, 3 tháng làm xong” [Trích Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 - NXB Văn hóa thông tin - 2004, trang 715]

          Mặc dù không nằm sát ngay cổng thành nhà Hồ nhưng từ khi Hồ Quý Ly cho người về xây dựng kinh thành và đóng đô, vùng đất An Tôn từ đó càng phát triển nhộn nhịp. Núi An Tôn là một trong những công trường khai thác đá xây dựng kinh thành, cũng là nơi tiếp nhận vận chuyển nguyên vật liệu. Kinh đô nhà Hồ tồn tại chỉ 7 năm. Sau đó quân Minh chiếm đóng. Có lúc là hành tại của vua Lê, chúa Trịnh. Vùng đất An Tôn thực sự là điểm quan trọng. Đất lành chim đậu, cư dân phiêu tán từ các nơi dần dần về ở trong vùng thêm đông đúc. Lý giải về việc An Tôn Thượng ở phía dưới, An Tôn Hạ lại ở trên, các cụ già kể lại rằng từ xa xưa chỉ có một làng An Tôn. Khi sông Mã còn chảy sát chân dãy núi An Tôn, làng nằm ở phía đông núi. Trải qua thời gian sông lở cát bồi, sông Mã đổi dòng chảy, đã tạo cho vùng đất An Tôn bãi bồi rộng lớn. Dân chuyển dần sang phía tây dãy núi An Tôn, cho gần với sông bãi, tránh được gió bấc. Gò thượng nổi trước, lại gần với kinh thành Tây Đô, được gọi là An Tôn Thượng. Gò hạ bồi đắp sau, nên có tên là An Tôn Hạ. Thôn Phù Lưu sau này được tách ra từ hai thôn mà thành. Từ xưa nhân dân An Tôn (ba Don) sinh cơ lập nghiệp phát triển rất tốt. Dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, dâu, đậu lạc và rau cải. Dân còn có nghề khai thác đá, cát. Cả ba thôn khi xưa đều có nghè, đình. Đương cảnh Thành Hoàng của ba thôn phụng thờ là Cao sơn Thần Tướng Đại Vương và Đương Giang Quản Gia, Đô Bác Đại Vương. Các triều vua đều có sắc ban phong mỹ tự.

          Từ An Tôn Hạ xuống đến Thọ Đồn. Vùng bãi bồi đến nay dài gần 3km, có chỗ rộng đến 600m, diện tích lên đến hàng trăm ha. Hàng năm vào mùa mưa, bãi bồi được tiếp một lượng lớn phù sa màu mỡ, rất thích hợp cho các loại cây trồng, đặc biệt là cây ngô, cây dâu và rau cải. Huyện Vĩnh Lộc không những nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân lịch sử, nhiều di tích danh thắng, mà nơi đây còn có nhiều đặc sản ngon nổi tiếng từ xưa đến nay, gắn với từng giai đoạn lịch sử. Các cụ xưa có câu: Chè lam Phủ Quảng, dưa Don, cà Giáng, táo Phương Giai, khoai làng Bồng... Dưa Don đã nổi tiếng trong tỉnh từ mấy trăm năm trước. Thiên nhiên ưu đãi cho ba Don, Thọ Đồn một bãi phù sa rộng lớn bên bờ sông Mã. Trừ mùa lũ lụt, còn lại các tháng trong năm, bãi bồi phù sa xanh mướt ngô đậu, rau cải dưa.

          Ở ba Don, rau cải được chọn để trồng bà con gọi là rau cải nứa, có nguồn gốc xuất xứ từ tổng Hồ Nam khi xưa. Cây rau cải nứa rất khác với cải sen hay cải ngọt, cải xanh. Cây cải nứa thân chỉ nhỏ bằng chiếc đũa, rau ít phân nhánh. Sau mùa mưa từ cuối tháng 9 âm lịch, chờ cho bãi đất khô, nông dân lại làm đất để gieo trồng ngô và rau cải. Khi tỉa ngô, để tận dụng đất phù sa mầu mỡ, bà con nông dân gieo xen rau cải dưa. Trên những luống ngô, đất tốt bãi bồi mát, rau cải lên nhanh như thổi, khi tới kỳ vun gốc cho ngô thì bà con nông dân cũng đồng loạt nhổ dưa thu hoạch, lúc này cây dưa đã cao, thân vàng những ngồng hoa chúm chím, gọi là cải ngồng. Dưa nhổ lên, đã có các thương lái đến mua tận bãi phân phối đi các nơi.

          Dưa Don, cách muối cũng đơn giản như các loại dưa cải khác. Muốn ăn nhanh thì khi muối cho nước, thêm lá hành, đường trắng, ớt để mau chua, tăng vị ngọt. Ngoài cách muối để nhanh ăn, nhân dân trong vùng còn có cách muối trường để dưa ngon và ăn được lâu. Dưa cải Don mua về, phơi trong mát một ngày cho héo, sau đó nhặt rửa sạch, để ráo nước, để nguyên cả cây, dùng chum sành hoặc vại to để muối. Lèn dưa vào vại, cứ một lớp dưa lại vảy đều một lớp muối hạt to. Khi đã muối dưa đầy chum vại, trên miệng vại lót vỉ tre, phủ kín bằng lớp rơm nếp đã rửa sạch phơi khô. Dùng đá cuội to để nén cho thật nặng mau nổi nước tự nhiên. Sau muối khoảng 15 ngày thì dưa đã chín vàng thơm ngon. Dưa Don muối kiểu này càng để lâu càng ngon, ăn cả cái lẫn nước. Khi ăn lấy dưa ra cắt khúc vừa ăn, bày vào đĩa, mùi dưa thơm đặc trưng, màu dưa vàng như chạch, nhìn đã thấy thèm, dưa Don ăn với thịt luộc ba chỉ, chấm nước mắm ớt. Ngày tết ăn kèm với thịt đông. Dùng dưa kho với cá đồng, ăn dưa còn thích hơn ăn cá. Thật là món ăn dân dã, đơn sơ nhưng đầm ấm, đã ăn một lần thì không quên được. Các cô gái ở vùng dưa, lấy chồng xa quê, khi về thăm nhà, lúc đi kiểu gì cũng nhổ rau cải dưa mang theo. Có cô còn xin cả vại dưa muối trường.

         Bãi bồi ven sông Mã ở xã Vĩnh Yên, có lớp đất phù sa pha cát rất dày. Nhưng đất của làng Yên Tôn Thượng lại tốt hơn cả. Trồng dưa đầu tiên và nhiều nhất, bắt nguồn từ làng Don Thượng. Dưa cải có thể gieo trồng quanh năm. Nhưng tốt nhất vẫn là vụ đông và vụ xuân. Nếu thời tiết thuận lợi, được mùa, được giá, dưa cải Don cũng đem lại một khoản thu nhập đáng kể. Song hiện nay diện tích gieo trồng dưa Don, đang dần bị thu hẹp, giá rẻ lại không năng suất bằng các loại rau cải cuốn. Chính quyền địa phương cũng rất trăn trở, tạo điều kiện cho nông dân, tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến khoa học kỹ thuật, để mở rộng diện tích trồng cây rau cải theo hướng chuyên canh. Cố gắng giữ được sản phẩm truyền thống. Đăng ký dưa Don thành sản phẩm OCOP. Rau dưa cải là cây trồng đặc thù của ba Don từ nhiều đời nay, là món ăn truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên vì làng ở ngoài đê bãi ven sông nên cũng gặp rất nhiều hệ lụy. Có những năm phải chạy mấy lần lũ lụt, rau mầu mất trắng. Người nông dân một nắng hai sương với đồng bãi, khắc phục khó khăn về thời tiết. Sống chung với lũ lụt, bà con nông dân vẫn duy trì cây rau mầu truyền thống, nhất là cây rau cải Don đã làm nên một thương hiệu từ xưa. Là sản phẩm ưa thích của nhân dân trong vùng.

         Hy vọng trong một tương lai không xa. Vùng kẻ Don sẽ nổi tiếng như xưa, với thiên nhiên thuận lợi, trên bến dưới thuyền, núi động hùng vĩ. Sẽ là vùng chuyên canh cây dưa Don đặc thù truyền thống. Sản phẩm có đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế. Để đánh thức tiềm năng, ban quản lý trung tâm di tích Thành nhà Hồ, mở thêm tour cho khách vào tham quan núi động An Tôn. Khách du lịch được tìm hiểu công trường khai thác đá xây dựng kinh đô nhà Hồ hơn sáu trăm năm trước. Không những thế, khách du lịch còn được thăm động Ngọc Thanh, tương truyền khi Hồ Quý Ly thay thế nhà Trần, đã an trí vua Trần Thiếu Đế (Trần Án) ở đây, cùng với các nàng hầu, cho đến lúc chết. Dân làng đặt tên là hang Nàng. Khách du lịch sẽ xuống thăm cánh bãi của ba Don, Thọ Đồn rộng ngút ngát, tham gia gieo trồng thu hoạch với nông dân để trải nghiệm. Vào thăm các ngôi đình cổ, tìm về cội nguồn, tiếp cận với 19 đạo sắc phong bằng chữ Hán của các triều vua ban phong cho thành hoàng của làng, từ mấy trăm năm nay, vẫn còn nguyên mầu mực. Lễ hội Thành Hoàng truyền thống đầu xuân, với các điệu múa văn hóa dân gian. Được nghe lại những câu ca dao:

Hỡi cô có thắt lưng xanh

Có về Don Thượng với anh thì về

Don Thượng có Sập nằm kề

Có sông tắm mát lại kề bãi ngô.

 


Sưu Tầm từ trang Tạp chí Xứ Thanh

12-2020

N.H.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét