Trang

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

THƯA MẸ, THA LỖI CHO CHÚNG CON !

   Trích (một trăm ngày trước tuổi hai mươi) C4, D1, E582, F432

    Một sáng, lính các tiểu đoàn tập trung về D5 để học chính trị. Cả trung đoàn có năm tiểu đoàn, dồn về đây, đông nghịt. Trời ơi, D5 có chỗ đóng quân quá đẹp. Một rừng vầu rộng như sân vận động. Cây nào cũng mập mạp, khỏe khoắn, thẳng tắp. Lá vầu xanh thẫm, phiến lớn, tỏa bóng thật hiền lành. Chỉ nhìn thôi, cũng thấy mê. Tôi đã nhắm một chỗ, sau bụi vầu, trải lá lên, nằm ngủ. Một giấc ngủ nơi thần tiên.

   Chưa đến giờ, lính tráng đứng lố nhố bên ngoài. Thằng Long, lính kinh tế, cầm cây harmonica, đang phồng mang trợn mắt  thổi bài “Hạ Trắng’’. Tiếng kèn réo rắt, da diết. Long đứng bên bà bán thuốc lá. Bà này là dân trong làng, nơi C4 đóng quân. Chúng tôi đặt cho bà biệt danh là bà Cả Bóp. Dân làng bảo, trước khi lính đến, bà bán thuốc lá, thuốc lào, giá bình thường. Nhưng khi lính đến, giá cả bà nâng lên gấp rưỡi, có lúc gấp đôi. Nhưng vì cả làng không ai bán thuốc nên bà ấy quát giá thế nào lính vẫn phải mua. Bà không những giỏi kinh doanh mà còn giỏi thông tin. Như sáng nay, chưa chi bà đã biết, lính tráng về D5 học chính trị. Bà mang thuốc đén từ sớm. Mặc thằng Long say sưa thổi kèn, không ai chú ý. Tất cả châu đầu vào mẹt thuốc. Trên mẹt, có đủ loại thuốc ngon. Nào Điện Biên, Tam Đảo. Nào Trường Sơn, Du Lịch, Thủ Đô… Thắng mua loại này, thằng mua loại khác. Mỗi thằng chỉ đủ tiền mua một vài điếu. Thằng trước chưa mua xong, thằng sau đã chen vào. Có thằng không mua, chơi khăm, đẩy thằng đang lom khom mua thuốc ngã dúi dụi. Một thằng ngã, kéo theo nhiều thằng khác. Cả khối người đổ xuống mẹt thuốc. Và thuốc bắn ra ngoài, rơi vãi lung tung. Lính tráng được thể xông vào cướp. Loáng một cái, cả mẹt thuốc biến mất. Mặc bà bán thuốc kêu gào ầm ĩ. Cuối cùng, thấy mất hết thuốc, bà khóc như mưa.

   Thấy ồn ào, anh cán bộ trung đoàn chạy ra. Chứng kiến cảnh lính tráng cướp thuốc của dân, anh xin lỗi. An ủi bà bán hàng. Anh đưa bà vào, ngồi phía sau tấm phông. Hai anh lính trẻ, giúp bà lau mặt và đưa nước cho bà .

Anh cán bộ trung đoàn cất  giọng:

- Thưa các đồng chí chiến sỹ. Tôi không gọi các đồng chí là tân binh nữa. Các đồng chí đã nhập ngũ được một tháng hai mươi ngày rồi. Mà các đồng chí biết, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Các đồng chí biết không? Một ngày trong đời lính, nó ý nghĩa lắm, nó cao cả lắm, nó thiêng liêng lắm ! Nhưng sáng nay, lúc 7 giờ 20 phút, tại đây, tôi được tận mắt chứng kiến một hành động vô cùng ô uế, vô cùng  nhục nhã . Các đồng chí xông vào, cướp thuốc lá của dân ! Quân đội có để các đồng chí đói kém đến thế đâu ? Hả ? Người ta nói, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Các đồng chí, binh nhất chưa qua, binh nhì chưa sạch cứt mũi, thế mà các đồng chí có hành động xấu xa giữa ban ngày. Sau này, các đồng chí làm quan, chắc lúc nào cũng đi cướp hay sao ? Hả ? Bây giờ, biết ăn nói làm sao với bà mẹ đây? Bà mẹ này của chúng ta, chắc chắn, thể nào cũng có con cháu đang đi bộ đội như các đồng chí. Họ đóng quân nơi xa. Con cháu mẹ sẽ nghĩ thế nào về hành động của các đồng chí ? Hả ? Có xứng đáng là đồng đội của nhau không ?

     Bây giờ, nếu tôi ra điều kiện, ai chót lấy của bà mẹ bao nhiêu thuốc, hãy tự giác bỏ ra. Các đồng chí có tự giác không ? Tôi tin là không ? Tại sao ? Bởi, nếu một đại đội, có thể tự giác. Nếu một tiểu đoàn, câu chuyện sẽ khác. Đằng này, chúng ta tập trung ở đây những năm tiểu đoàn. Các đồng chí dựa vào nhau. Cái xấu lẩn khuất vào nhau. Nhưng tôi, một sỹ quan, nhân danh một người lính, tôi quyết định, chúng ta cùng làm một nghĩa cử thế này để chuộc lỗi với bà mẹ.

     Đầu tiên, tôi xin lấy tôi làm gương. Tôi xin nộp 5 đồng, bằng một tháng phụ cấp của một chiến sỹ binh nhì, đền cho mẹ. Còn các đồng chí khác, mỗi người hãy tự nguyện, bỏ một số tiền nhất định vào chiếc mũ này. Chúng ta sẽ chuyền tay nhau chiếc mũ. Các đồng chí có đồng ý không?

- Đồng ý !

- Rất tốt. Bắt đầu từ tôi. Các đồng chí, hãy nhìn đây. Tờ 5 đồng xanh biếc !

- Anh cán bộ thả tờ tiền vào mũ.

   Chiếc mũ đi một vòng qua tay những hàng lính. Khi mũ về lại chỗ ban đầu, anh cán bộ mới dẫn bà mẹ ra, mời mẹ ngồi trên ghế. Anh ra hiệu cho hai người lính sắp xếp lại số tiền, bỏ vào phong bì. Anh lễ phép nói:

- Thưa mẹ, chúng con có lỗi rất lớn với mẹ. Con dại cái mang. Lính của con làm bậy, con xin chịu trách nhiệm trước mẹ. Còn đây là sự chuộc lỗi của chúng con, những đứa trẻ có lớn nhưng chưa có khôn, mong mẹ nhận cho chúng con !

     Bà mẹ đứng dậy:

- Tôi cảm ơn các anh. Tôi không giận gì các chú bộ đội đâu. Chốn chợ búa, chốn ba quân, tôi gặp nhiều lắm rồi. Nhưng tôi chỉ xin lại đúng số tiền mà tôi bị mất. Chỗ này nhiều quá, tôi không dám !

- Thưa mẹ, có thể số tiền bị mất không đáng bao nhiêu. Nhưng mẹ biết không, nếu  nâng quan điểm, phân tích ý nghĩa hành động vừa rồi, con nói thật với mẹ, dù có cả núi tiền cũng không đền bù nổi. Danh dự quân đội bị giảm sút. Đạo đức quân nhân có vấn đề. Nếu làm cho ra nhẽ, nhiều anh, sẽ phải ra tòa án binh, nhận hình thức kỷ luật cao nhất, là tử hình. Mẹ biết không? Vậy con mong mẹ nhận và tha lỗi cho chúng con !

   Lính tráng vỗ tay. Sau một hồi phân vân, cuối cùng, bà mẹ cũng phải nhận. Một anh láu lỉnh:

- Mẹ đi mua thúng mới, mẹt mới, thuốc mới về phục vụ chúng con. Học chính trị dài lắm. Những ba ngày liền cơ. Không có thuốc thì chẳng có chính nào vào được đầu đâu ! Bọn con chỉ thích chính em thôi, nhưng ở đây không có !

   Cả bọn cùng cười. Bà mẹ cũng cười.

   Hôm sau, chúng tôi lại tập trung về đây, học tiếp. Lại gặp, không những một bà mẹ, mà hai người bán thuốc lá. Người phụ nữ kia còn trẻ, dáng người đậm đà, gương mặt phúc hậu. Bọn tôi mua thuốc hút. Đình đùa:

- Hôm nay mà mẹ bị cướp thuốc lần nữa, con chắc, cán bộ trung đoàn sẽ đền gấp đôi hôm qua đấy !

- Tôi chẳng tin !- Chị bán thuốc cười.

- Sao lại không tin ? Đình nghiêm giọng – Hôm nay, có những bốn ông cán bộ trung đoàn xuống giảng bài. Lương binh nhì như tụi em, chỉ có nhõn 5 xèng. Còn lương cán bộ trung đoàn, hàng trăm đồng. Chị thử hô bị cướp xem ! Đấy đấy, cái ông hôm qua đang đi lại đây đấy! Hôm qua bà mẹ này hô rồi. Hôm nay đến lượt chị đấy. Chị hô đi !

   Cả bọn ôm bụng  cười. Hai người bán thuốc nhìn bọn tôi,  đều cười rất  hồn nhiên.

ĐOÀN TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét