Trang

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

BÍ ẨN RÙNG RỢN ĐẰNG SAU BÀI ĐỒNG DAO “RỒNG RẮN LÊN MÂY”

FB Nam Quốc Sơn Hà

“Rồng rắn lên mây

Có cây núc nác

Có nhà điểm binh

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?”

Trong tuổi thơ nhiều người, trò chơi dân gian tồn tại như một phần ký ức vui vẻ, hồn nhiên, với những ngày tháng nô đùa bên bạn bè nơi xóm quê. Trong đó có trò chơi “Rồng rắn lên mây”. Nhưng không phải ai cũng biết đằng sau những lời hát tưởng chừng như vô nghĩa, không ăn nhập gì với nhau ấy, là một sự thật rợn người.

Theo giáo sư, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên thì: "trò chơi dân gian là một tổng thể diễn xướng mang tính tổng hợp, nguyên hợp nhiều yếu tố văn hóa và nghệ thuật khác nhau. Do đó, muốn tìm hiểu cội nguồn lịch sử của nó ta phải lý giải cùng lúc nhiều yếu tố được trình diễn và xem độ tích tụ các tín hiệu của nó gần gũi nhất với cổ mẫu diễn xướng nào trong văn hóa. Và đơn giản nhất chính là bắt đầu từ yếu tố ngôn từ, tức lời xướng".

Tên trò chơi “Rồng rắn lên mây” là lấy từ câu mở đầu của lời xướng. Câu xướng này mang ý nghĩa gì? Rồng thường là vật thiêng, dữ dằn, đáng sợ... Tại sao nó lại được trẻ em sử dụng để vui đùa? Trong trò chơi là đoàn người nắm vạt áo sau lưng nhau  chuyển động ngoằn ngoèo như rồng rắn trườn, là chuỗi vận động vòng tròn hoặc uốn lượn. Đội hình này tồn tại ở nhiều diễn xướng dân gian như trên trống Đông Sơn hơn 2000 năm trước: đoàn 6 người hàng dọc, cầm theo nhạc cụ tiến đến ngôi nhà đang cử hành nghi lễ. Các lễ hội Phật giáo trong thời Bắc thuộc chắc chắn đã có đoàn người nhiễu quanh tháp tiến hành nghi lễ; tục đâm trâu hay lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên cũng mang động thái diễu hành; các loại nghi thức cầu đảo của thầy pháp cũng có động thái diễu hành quanh đàn hoặc quanh mộ. v.v… Chỉ riêng một dấu hiệu này ta thấy nó chưa tập trung ở một nguyên mẫu diễn xướng nào, hay nói cách khác, thông tin về nguyên mẫu hãy đang phân tán ra nhiều khả năng khác nhau.

Đến câu thứ 2 thì ta thấy những dấu hiệu lạ: “Có cây núc nác!” (dị bản phổ biến nhất). Nó là gì vậy? Sao lại từ rồng rắn đến núc nác? Núc nác thường được biết đến là một loài cây thuốc nam dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, giá trị tâm linh của loài cây này cũng không kém bên cạnh giá trị là thuốc chữa bệnh. Thành ngữ Việt Nam có câu: “Mắt đĩa đèn/Lưỡi núc nác” - dùng để tả ma quỷ trong dân gian ta. Cây núc nác được một số vùng quê sử dụng để yểm trên mộ người đã khuất tránh ma quỷ quấy nhiễu. Hơn nữa, núc nác chính là đầu vị trong bài thuốc cúng giải trùng tang của nhà chùa, của thầy pháp. Về cơ bản bài thuốc đó gồm: núc nác – hùng hoàng (hoặc chu sa) – lá mỏ (lá một loài dây leo) – gỗ vông…Bao giờ núc nác cũng đứng đầu. Đến đây ta thấy tín hiệu tập trung hơn: Diễu hành nghi lễ + thuốc giải trùng tang.

Câu thứ 3 là “Có nhà điểm binh”. Cứ ngỡ là thuật ngữ quân sự nhưng thật ra, thuật ngữ này được dùng phổ biến cho thầy cúng, thầy pháp: binh ở đây là âm binh, âm tướng. Thầy pháp có bao nhiêu “quân”, điểm danh và sai khiến được bao nhiêu “âm binh”. Điểm binh ở đây không loại trừ việc phù chú điểm âm binh. Ta nhận thấy dấu hiệu có kết cấu: Diễu hành nghi lễ + thuốc giải trùng tang + phù chú điểm âm binh.

Đến câu 4, hình ảnh “thầy thuốc” xuất hiện. Nho, y, lý, số là nghiệp ngày xưa của nhà Nho. Trong tình thế tam giáo đồng nguyên, nghi lễ trừ tà, giải ách được cả Phật, Nho, Đạo thực hành. Tuy nhiên, là một phần của cuộc chơi, nhân vật “thầy thuốc” vừa là thầy pháp cho thuốc lại vừa nhập thân vào Thần Trùng đi bắt người sống. Và cuộc ngã giá bắt đầu: “Con lên một…lên hai…lên ba…”, tất cả đều đồng thanh trả lời:

- “không ngon”!   

     Tại sao lại không ngon? Vì người dương gian không muốn Thần Trùng tác oai tác quái bắt đi ai cả. Ngay cả các đoạn khúc cũng không thể cho bắt:

"Xin khúc đầu - Những xương cùng xẩu

Xin khúc giữa - Những máu cùng me

Xin khúc đuôi - Tha hồ thầy đuổi"

Điều kiện đưa ra nhưng khúc nào cũng không "xực" được. Có nghĩa là không muốn Thần Trùng bắt ai. Đến đây ta nhớ những lời thầy pháp, hoặc các bà “độc canh” dặn hồn khi sang thế giới bên kia, gặp vong lạ thì giấu hết anh em họ hàng nội tộc, không để vong đó theo về bắt tiếp ai, đến cả quê quán nhà cửa cũng giấu biệt:

Nhà tôi ở gốc cây dâu

Ở trên cây khế

Biết đâu mà tìm... Cành dâu là roi trừ tà. Cành khế giòn dễ gãy. Nói thế là để dọa vong.

    Cuối cùng là cảnh thầy thuốc nhập vào Thần Trùng và bắt đầu đuổi bắt người dương thế và đoàn người chống sẽ lại định mệnh đó. Đến đây, chuỗi dấu hiệu đã hoàn chỉnh:

- Diễu hành nghi lễ  - Thuốc giải trùng tang

- Phù chú điểm âm binh

- Kinh đọc dặn vong người chết trùng

-  Hành vi chống lại định mệnh.

Như vậy, những dấu hiệu có định hướng rõ ràng được tích tụ trong một trò chơi nhỏ đã cho thấy, trò chơi “Rồng rắn lên mây” đã mô phỏng nghi lễ giải trùng tang của thầy cúng thầy pháp vẫn thường thực hành trong nghi lễ.

Trò chơi "Rồng rắn lên mây" chính là một hình thức lễ nghi ẩn sau những lời đồng dao (giễu nhại) ở miệng con trẻ. Việc trẻ con lấy những điều người lớn cho là nghiêm cẩn ra làm trò chơi là điều có thật là nét văn hoá có từ thời xa xưa, nhưng quan trọng hết, nó đã tạo ra một thực thể mới, sống động và mang những thông điệp mới cho những thứ lẽ ra phải cẩn trọng khi nói thành lời.

* Tài liệu tham khảo:

1. Trò chơi Rồng rắn lên mây: Cội nguồn và văn hoá giễu nhại dân gian - Nguyễn Hùng Vĩ, khoa Ngữ văn, ĐHKHXH-NV, ĐHQG-HN

2. Trò chơi dân gian - nét văn hóa dân tộc giàu bản sắc - PGS.TS Nguyễn Văn Huy

3. Bí ẩn về loài cây dùng để “yểm” trên mộ người chết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét