Trang

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

LỄ TẢO MỘ VÀ HỘI ĐẠP THANH


KHẢO CỨU CÔNG PHU QUA MỘT SỐ TƯ LIỆU" CỦA TS. NGUYỄN QUANG HÀ

Bằng phương pháp xâu chuỗi các văn bản từ "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du, "Cổ thi ngũ ngôn" (TQ) và đặc biệt là tác phẩm "Lĩnh ngoại đại đáp" của Chu Khứ Phi đời Tống.... đã chứng minh lễ hội trong tiết thanh minh (ngày Thượng Tỵ mồng 3 tháng 3, âm lịch) ở Việt Nam ít nhất có từ thời Lý. Đây là ngày hội của tình yêu.

Từ các nghiên cứu qua tư liệu cổ và kết quả của các nhà nghiên cứu dân tộc học Trung Quốc, tác giả đi đến nhận xét: Tết thanh minh và tảo mộ ở TQ ban đầu không liên quan với nhau, sau đó mới kết hợp với nhau. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đề cập đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh là phản ánh lễ và hội ở giai đoạn lịch sử đương thời.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác văn chương được chuyển dịch từ một tập tiểu thuyết mang tên: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân (người đời Thanh) sang một thể thơ truyền thống của người Việt (Việt Nam). Sự thành công của Nguyễn Du là thể hiện (chuyển dịch) một tác phẩm có nguồn gốc ngoại lai nhưng đã được Việt hóa tối đa, thể hiện không những qua hình thức thể loại mà còn rất gần với nếp cảm và nếp nghĩ của đời sống con người Việt Nam.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đề cập đến nhiều tích, nhiều truyện về đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trung Hoa trong đó có lễ tảo mộ và hội đạp thanh:

“Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

GS. Triệu Ngọc Lan trong tác phẩm: Truyện Kiều, Nguyên cứu và dịch thuật[1] - đã chuyển dịch từ Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng phổ thông Trung Hoa bằng một thể thơ hiện đại cũng với 3.254 câu. Ý câu thơ trên của Nguyễn Du được học giả họ Triệu dịch như sau:

芳草青青连天碧

梨花数点白依希

转眼三月清明至

又到扫墓踏青时

Phiên âm:

Phương thảo thanh thanh liên thiên bích

Hoa lê sổ điểm bạch y hy

Chuyển nhãn tam nguyệt thanh minh chí

Hựu đáo tảo mộ đạp thanh thì

(Cỏ thơm xanh tươi đến tận chân trời

Mấy cành lê điểm những bông trắng tinh khôi

Trong mắt thấy tháng ba đã về, tiết thanh minh tới

Lại đến kỳ thảo mộ, lúc tổ chức (hội) đạp thanh).

Trong “Ngũ ngôn cổ thi” của Trung Quốc có câu thơ ca ngợi về thú thưởng ngoạn tao nhã trong suốt bốn mùa trong năm được nhiều người Trung Hoa cũng như người Việt Nam đều thích, trong đó có hội du xuân như sau:

“Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi”

(Mùa xuân đi chơi nơi đồng cỏ thơm

Mùa Hạ tắm nước ao sen

Mùa thu uống rượu hoàng hoa (Hoa cúc)

Mùa đông ngồi ngâm ngợi câu thơ về tuyết trắng).

Trong đó câu thơ: “Xuân du phương thảo địa”, theo chúng tôi, ấy chính là lễ hội mùa xuân - Hội đạp thanh truyền thống của Trung Hoa.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, không riêng gì người dân Trung Hoa (người Hán) lục địa có lễ hội đạp thanh mà từ xa xưa, người dân của vùng phía Nam núi Ngũ Lĩnh - (phía Nam Trung Hoa) cũng từng tồn tại những lễ hội mùa xuân tương tự như hội đạp thanh.

Hội Thượng Tỵ - Tiết Thanh minh ở Giao Chỉ (thời Lý)

Trong chính sử Việt Nam cũng như thư tịch cổ dường như không có chi tiết nào ghi về lễ, hội trong tiết Thanh minh. Nhưng tác phẩm Lĩnh ngoại đại đáp 嶺外代答 của Chu Khứ Phi 周去非 lại ghi về lễ hội của người Giao Chỉ thời Tống - tương đương thời Lý (Việt Nam). Tác phẩm này được Chu Khứ Phi hoàn thành dưới thời Tống niên hiệu Thuần Hy 淳煕 (1178). Sách gồm 294 điều, phân làm 10 quyển: Quyển (Q) 1: Môn địa lý; : Q2: Môn ngoại quốc thượng; Q3: Môn ngoại quốc hạ; Q4: Môn Phong thổ; Q5: Môn Pháp chế; Q6: Môn khí dụng; Q7: Môn các loại hương; Q8: Môn hoa mộc (cây, hoa); Q9: Môn Cầm thú; Q10: Môn Trùng ngư (sâu,bò sát, cá)...

Đánh giá về sách Lĩnh ngoại đại đáp, học giả Dương Vũ Tuyền viết: “Lĩnh ngoại đại đáp là tác phẩm nổi tiếng duy nhất lưu truyền trên đời của Chu Khứ Phi cũng là tác phẩm có giá trị cao nhất của bậc sĩ phu, học giả Quảng Tây[2]”.

Qua lời tựa của Chu Khứ Phi, cho biết: Được triều đình giao cho việc cai quản khu vực phía Nam núi Ngũ lĩnh, khi rảnh rỗi, Ông đi rong ruổi khắp nơi, gặp việc gì thì ghi chép việc ấy. Về đến nhiệm sở bèn biên tập lại. Các quan liêu trong triều, muốn tìm hiểu phong tục tập quán nơi ấy, hỏi đáp mệt rồi nên mới biên tập thành sách để trả lời thay. Vì thế mới đặt thành tên gọi: “Lĩnh ngoại đại đáp”. Nguyên văn phần cuối bài tựa viết như sau: “Song khi gặp việc nhà mà luận, có khi bày tỏ được một hai điều, là những điều tư suy đoán rộng. Sau được quyển Quế Hải ngu hành chí của Phạm Thạch Hồ, lại được những tên gọi được sao chép ở gói thuốc, nhân đấy liệt ra thứ tự, tất cả là 294 điều. Ứng thù đã mệt rồi, có ai hỏi nữa, tôi dùng sách này để trả lời thay (…).

Ngày mồng 5, mùa đông tháng 10 năm Mậu Tuất niên hiệu Thuần Hy (1178), Chu Khứ Phi, tự Trực Phu, người quận Vĩnh Gia ghi”[3].

Mục thứ 270 của sách Lĩnh ngoại đại đáp, Chu Khí Phi đã viết về lễ Thượng tỵ thông qua tục tung cầu 飛駝 (Phi đà) trong mục Man tục như sau:

交趾俗上巳日,男女會聚各爲行列,以五色結為毬,歌而拋之,謂之飛駞.男女目成,則女受駞,而男婚已定”.

Tạm dịch như sau: “Tục ở người Giao Chỉ, cứ ngày Thượng Tỵ thì trai gái tụ hội, đứng từng hàng bên trai, bên gái, họ lấy vải lụa năm sắc kết làm quả cầu, hát mà ném quả cầu, gọi là “phi đà”. Trai gái đưa tình bằng mắt nhìn nhau thân ái, thì người con gái nhận đỡ lấy quả cầu, mà việc hôn nhân của người con gái đã quyết định”.

Ở đây, cần phải giải thích một số thuật ngữ “Phi đà” là gì, ngày “Thượng Tỵ” là ngày bao nhiêu?.

Trước hết là thuật ngữ “Phi đà”. Theo cách giải thích của Dương Vũ Tuyền trong tác phẩm Lĩnh ngoại đại đáp hiệu chú (2012, Trung Hoa Thư cục) như sau: “Căn cứ ghi chép của Cố Hiệt Cương trong sách Sử lâm tạp thức - Phao thải cầu rằng: “Phía đông từ Kiềm Miêu, phía tây đến Điền Thái, phía nam đến Giao Chỉ, phong tục hôn nhân của những nơi này cơ bản giống nhau, trong nghi thức hôn nhân không ai là không làm quả cầu đỏ bằng tơ”, kéo dài mãi tới thời hiện đại vẫn còn tục lệ này, mà ở Quảng Tây là rõ nhất. Về cách sử dụng quả cầu này, người con gái ném quả cầu, người con trai bắt lấy, cũng có khi người con trai ném cầu, người con gái bắt lấy. Có khi gọi là phao cầu, có khi nói là đâu bao, hơi có sự khác biệt mà thôi. Tục lệ này Trung Nguyên đã nghe nói, thế rồi xuất hiện các vở kịch như Lã Mông Chính phong tuyết phá quật ký 呂蒙正風雪破崛記 của Vương Thực Phủ 王寔甫,Sơn thần miếu Bùi Đồ hoàn đái 山神廟裴圖環帯của Quan Hán Khanh官漢卿. Đầu thời Minh, Cao Khải còn có câu “chọn rể bằng cách ngồi trên lầu cao ném quả cầu rơi xuống” (xem sách Thanh Khâu Cao Quý Địch tiên sinh thi tập 青丘高貴迪先生詩集, quyển. Nhưng những gì suy diễn, phúng vịnh, đều là truyền thuyết, không phải sự thực”.

Hội tung cầu của trai gái như đã miêu tả của Chu Khứ Phi về người Giao Chỉ là một trò chơi khá phổ biến đối với nhiều tộc người ở Nam Trung Quốc cũng như Giao Chỉ (Việt Nam).

Còn ngày “Thượng tỵ”上巳 - ngày tổ chức hội trai gái tung cầu được học giả họ Dương giải thích như sau:

“Về ngày Thượng Tỵ, tức ngày Tỵ thứ nhất trong tháng Ba theo lịch nhà Hạ, là một ngày tết thời cổ. Sách Văn tuyển, quyển 46, mục Tam nguyệt tam nhật Khúc Thủy thi tự của Nhan Diên Chi, Lý Thiện chú giải có dẫn sách Hàn thi rằng: “Trịnh quốc chi tục, tam nguyệt Thượng Tỵ, ư Trăn Vị lưỡng thủy chi thượng, chấp lan chiêu hồn, bạt trừ bất tường dã” 鄭國之俗,三月,上巳,於溱洧兩水之上,执攔招魂,拔除不詳也. (Tục của nước Trịnh, tháng 3 ngày Thượng Tỵ, ở hai bên bờ sông Trăn, sông Vị, có việc chiêu hồn, việc kéo hồn lên (như thế nào) thì không rõ). Từ thời Nam Bắc Triều về sau, ấn định là ngày mồng 3 tháng Ba. Thời Đường - Tống vẫn còn thịnh hành, Sách Mộng Lương lục 夢粱籙 của Ngô Tự Mục thời Tống, quyển 2, nói ngày này hàng năm, “Quý gia sĩ tộc diệc thiết tiếu kỳ ân, bần giả chước thủy, hiến hoa”貴家仕族亦設俏其恩,貧者酌水,献花, (những gia đình quý tộc, giàu có thì đặt lễ để tạ ơn, nhà nghèo thì chỉ mời nước, dâng hoa thôi) nhưng không phải kỳ hội nam nữ tìm nhau. Ngày tiết “Thượng Tỵ” của Giao Chỉ, đại khái chỉ là tục này”.

GS. Dương Vũ Tuyền - tác giả hiệu chú sách Lĩnh ngoại đại đáp cho biết: “Khê man tùng tiếu của Chu Phụ thời Tống nói: “Thổ tục, tuế tiết sổ nhật, dã ngoại nam nữ phân lưỡng bằng các dĩ ngũ sắc thải nang đậu túc vãng lai phao tiếp, danh phi đà” 土俗岁節数日野外,男女分兩傍,各以五色彩囊豆蹙往来拋接,名飛駞 (Phong tục của thổ dân, tiết của năm có mấy ngày dã ngoại, nam nữ phân làm hai bên, đều lấy vải ngũ sắc để làm quả cầu để đá qua đá lại, gọi là Phi đà).Sách Quân Tử đường nhật tuân thủ kính 君子堂日遵鏡 của Vương Tế 王濟 thời Minh cũng nói: “Mỗi tuế Nguyên đán hoặc thứ nhật, lý trung thiếu niên, liệt bố vi mạt, hiệp vãng thôn lạc, mịch xử nữ thiếu phụ, tương kỳ đáp ca. Doãn giả, nam tử dĩ bố mạt đầu nữ, nữ giải sở y hãn sam thụ nam tử quy, vị chi phao bạch”. 每歲元旦或次日,里中少年列布爲茉,協往村樂,覔處女少婦相其答歌.允者,男女以布茉投,女解所衣,罕杉授,男子歸謂之拋帛(Mỗi năm vào Tết Nguyên đán hoặc ngày thường, những người trẻ trong làng lấy vải làm quả cầu, cùng với những người qua thôn để làm vui, tìm những người con gái trẻ để cùng đáp ca. Nếu ưng nhau, trai gái lấy vải để tung cho nhau, người con gái được cuộn vải, tết thành con sam để ném truyền cho, người con trai nhận lấy rồi về gọi là phao bạch (ném quả cầu vải).

Tục lệ này ghi chép trong hai sách trên, tương đồng với ghi chép trong điều này của sách Đại đáp”[4].

Như thế, cách gọi tên “ngày Thượng Tỵ” là cách gọi ngày Tết mồng 3 tháng 3 - tiết Thanh minh, rất cổ xưa, có nguồn gốc từ nhà Hạ (Trung Quốc, TK XX I- XVI TCN). Nhưng đến thời Nam Bắc triều (năm 420 - 589 SCN) thì ấn định là ngày (mồng 3 tháng 3) và thịnh hành ở thời Đường - Tống.

Khảo sát, tìm kiếm trong nhiều bộ chính sử của Việt Nam lại không thấy ghi về lễ hội Thanh minh thời Lý - Trần - Lê nhưng rất may lại được Chu Khứ Phi - một vị quan nhà Tống, thời đi khảo sát, chi chép phong tục, địa lý, sản vật ở vùng phía Nam Trung Quốc và vùng Giao Chỉ. Dù miêu tả trong một đoạn ngắn ngủi nhưng tác giả cho biết, thời đó có hội “Phi đà” trong ngày Tết Thanh minh - ngày hội của tình yêu.

- Hiện nay, giới học giả trung Quốc nhận thức về lễ tảo mộ và hội đạp thanh trong tiết thanh minh (3/3) như thế nào ?.

Tôi xin dịch một đoạn viết về nhận thức/nghiên cứu của một GS (Trung Quốc) về lễ tảo mộ và đạp thanh trong Nhân dân Nhật báo (ngày 30/3/2021) ngõ hầu giúp cho việc tìm hiểu về tục tảo mộ và hội đạp thanh như sau:

“Hai hoạt động chủ yếu của tiết Thanh minh là: Một là tảo mộ tế tổ, một là đạp thanh. Do đó, mà tiết Thanh minh cũng gọi là Tiết đạp thanh. Trên thực tế, phong tục tảo mộ muộn hơn đạp thanh. Giáo sư Lưu Thiết Lương 刘铁梁 (Khoa Dân tộc học, Đại học Sư phạm Bắc Kinh” cho rằng: Phong tục đạp thanh được hình thành khá sớm, nó có quan hệ với tiết “Thượng Tỵ” của thời Tiên Tần. Ngày này, thanh niên nam nữ cùng nhau giao ước, vui chơi nơi đồng nội. Trong “Kinh thi” cũng đã miêu tả.Việc du xuân đạp thanh. Hai nhân tố chủ yếu của việc hình thành nên chế độ gia tộc trong tập tục tảo mộ và tết hàn thực. GS Lưu Thiết Lương cho rằng: thời Tiên Tần, chế độ tông pháp còn tồn tại ở tầng lớp quý tộc. Vào đầu thời Chiến Quốc, tầng lớp bình dân và nô lệ đã được ban cho họ tên ngày càng phổ biến, quan niện về gia tộc và quan niệm về chế độ kế thừa dần dần được phổ biến trong các dòng họ bình dân trong xã hội, dần dần truyền thống tế tự, tảo mộ có tính chất phổ biến trong các dòng họ.

Từ đây, tảo mộ đã thành hạt nhân của buổi xuất hành trong tiết Thanh minh. Sau khi tảo mộ, lại thuận đường để đi giao lưu trong hội đạp thanh. Đến đời Tống, hội đạp thanh phát triển thịnh hành. Trong hội đạp thanh (người ta tiến hành các trò chơi thi bắn, thi đấu gà, hất nước, bắn cỏ tranh, đấu cỏ…Sắc thái trong lễ hội đạp thanh của người xưa rất phong phú:

“Gặp mùa xuân mà không vui chơi, chỉ sợ là người si tình.

Bỏ hội đạp thanh bên sông, ngoảnh đầu nhìn lá cờ.

Ngày mồng 3 tháng 3, trời đất như mới nguyên, ở bên sông Trường An có rất nhiều người đẹp.

Hoa lê nở trước gió là lúc đương thanh minh. Kẻ chơi bời đi tìm mùa xuân đã ra khỏi thành”….

Từ những câu thơ này, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của người xưa đối với hội đạp thanh.

Nhưng lấy gia tộc làm đơn vị và những người có cùng một độ tuổi trong tiết “Thượng Tỵ” cùng với hội đạp thanh là không giống nhau. Tiết Thượng Tỵ và đạp thanh nó đã cung cấp cho con người ta một thứ cảm thụ của sự tự do xa xưa. Từ tiết Thanh minh và hội đạp thanh, nó khiến cho mọi người có cùng chung một tổ tiên có điều kiện để tụ họp lại. GS Lưu Thiết Lương nói: Chúng tôi luôn luôn nghĩ đến hội đạp thanh nhưng cần thấy được cái gì đã gắn với hội đạp thanh?. Trong xã hội hiện đại, bình thường, rất khó có thể tập trung hết được tất cả các gia đình, có thể mượn việc tảo mộ là lý do đầu tiên để tập trung lại với nhau. Việc tập trung gặp nhau (ở ngày tảo mộ này) không giống với việc cảm nhận đặc biệt độc đáo của hội đạp thanh thông thường”[5].

Vì bài viết đã dài, tôi không trình bày ở đây về tục tảo mộ ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, xin để một dịp khác. Nhưng có thể nói ngắn gọn rằng, dường như, rất ít nguồn sử liệu trong chính sử đề cập đến những quy định về lễ tảo mộ và đạp thanh trong tiết thanh minh (3 tháng 3) ở Việt Nam nói chung và thời Lý -Trần nói riêng.

Người Việt (Kinh) thời xa xưa thường ít tảo mộ (và cũng thật hiếm khi cải táng) vào mùa xuân. Công việc cải táng thường được tiến hành vào trước tiết Đông chí và việc tảo mộ cũng thường được tiến hành vào trước Tết âm lịch hằng năm. Qua một số bi kí cổ viết bằng Hán Nôm, tại một số từ đường của dòng họ đã cho biết điều đó. Vì sao vậy?. Bởi vào mùa đông, tiết trời rét, lạnh, khô ráo, công việc nông nhàn, mùa màng đã thu hoạch xong, lại chuẩn bị đón Tết âm lịch, đón năm mới… chính thời điểm này phù hợp nhất với tảo mộ và cải táng.

Tóm lại, qua khảo cứu một số tư liệu Trung Hoa xưa cũng như những nhận định về lễ tảo mộ và hội đạp thanh (Thanh minh) cho thấy: Hội đạp thanh được ra đời sớm, từ thời cổ sơ, nó có một ý nghĩa riêng, gắn với những sinh hoạt, hình thức giao lưu nam - nữ và cũng có sự cảm nhận khác với tiết thanh minh hiện nay. Lễ tảo mộ được ra đời muộn hơn khi xã hội tông pháp đã phát triển. Hiện nay, trong xã hội hiện đại, lễ tảo mộ thực ra là một “cái cớ”, là một “cơ hội” để đoàn tụ gia đình, dòng tộc.

Hội đạp thanh của người Giao Chỉ gắn với nhiều trò chơi dân gian và điều kiện thuận lợi để trai gái giao lưu với nhau. Chính vì thế, từ rất xa xưa, cách đây gần 1000 năm, hội “Thượng Tỵ”, mồng 3 tháng 3 âm lịch - nhằm đúng ngày Thanh minh cũng là một ngày hội của người Giao Chỉ, của những đôi lứa yêu nhau. Không biết ngày hội này tồn tại và phát triển như thế nào trong lịch sử suốt các thời Lý - Trần - Lê. Ngày nay, ở nhiều tỉnh thuộc miền núi và trung du Bắc Bộ cho đến vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, châu thổ Sông Mã, sông Chu nở rộ nhiều lễ, hội mùa xuân. Nhưng lễ, hội mùa xuân của nhiều làng quê Việt Nam được tổ chức vào mùa xuân hiện nay không hoàn toàn mang màu sắc như hội “Thượng Tỵ”(mồng 3 tháng 3) của người Giao Chỉ được đề cập qua tập sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi cách đây gần một thiên niên kỷ.

Tiết Thanh minh (tiết trời trong sáng), là chu trình vận hành khách quan của vũ trụ, Trung Quốc và Việt Nam đều có. Nhưng việc thể hiện qua các nghi lễ và nội dung sinh hoạt trong tiết Thanh minh thì mỗi nơi có sự khác nhau. Căn cứ vào nghiên cứu của các học giả đi trước, cho thấy; lễ tảo mộ và hội đạp thanh của Trung Quốc cũng có sự phát triển tách bạch nhau, sau đó, vào giai đoạn muộn nó mới có sự sáp nhập và liên quan với nhau. Câu thơ của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” là phản ánh về phong tục của Trung Hoa trong tiết Thanh minh giai đoạn sau này của lịch sử phát triển, của phong tục lễ tảo mộ và hội đạp thanh của Trung Hoa./.

CHÚ DẪN

*TS. Nguyễn Quang Hà: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội

[1] Triệu Ngọc Lan: Truyện Kiều, nghiên cứu và dịch thuật, Nxb Nghệ An, Nguyễn Quang Hà (dịch Việt ngữ), 2020.

[2] Dương Vũ Tuyền: Chu Khứ Phi và sách Lĩnh ngoại đại đáp, in trong Lĩnh ngoại đại đáp hiệu chú, Trung Hoa thư cục, 2012, tr 7.

[3] Bài tựa sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, tờ 1;

[4] Những trích dẫn trên đây, tác giả bài viết đều trích dẫn từ sách Lĩnh ngoại đại đáp hiệu chú của Dương Vũ Tuyền, Trung Hoa thư cục, 2012;

[5] Nguyên văn: 清明节最主要的两大活动,一为扫墓祭祖,一为踏青,因而清明节也被称为踏青节。实际上,扫墓的习俗要晚于踏青。北京师范大学民俗学教授刘铁梁认为:踏青的习俗形成得早,它与先秦时代上巳节有关,在这一天青年男女会相约去野外郊游,在《诗经》中也有关于踏青游春的描写。

扫墓习俗的产生与家族制度的形成和寒食节两大因素有关。刘铁梁认为,先秦时期,宗法制度存在于王侯贵族阶层,自战国始,平民和奴隶获得姓氏的现象越来越普遍,家族观念与继承制度观念慢慢在庶民百姓中普及,渐渐有了普通百姓祭祀扫墓的传统。

从此,扫墓成了清明出行的核心目的,扫墓后还可以顺道踏青郊游。到了宋代,踏青之风盛行。荡秋千、射柳、蹴鞠、斗鸡、拔河、放风筝、斗草……古人踏青的活动丰富多彩。逢春不游乐,但恐是痴人。”“江边踏青罢,回首见旌旗。”“三月三日天地新,长安水边多丽人。”“梨花风起正清明,游子寻春半出城”……我们从这些诗句中都能感受到古人踏青的好心情。但以家族为单位的踏青与上巳节同龄人一起踏青是不一样的。上巳节踏青给人一种古老而自由的感受,而清明踏青,大家是因有着共同的祖先而聚到了一起。刘铁梁说,说起踏青,我们往往在说去哪踏青,而忽视了谁跟谁踏青。尤其是现代社会,对于平时很难聚齐的大家庭,可以借扫墓为由头聚到一起,这会带来不同于平日踏青的独特感受。

清明节的特殊在于它是以家族为本的传统文化的体现。保留清明习俗,便是在延续重视家庭、继承家风的优良传统。

Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét