Trang

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

TRUNG QUỐC XƯA VÀ NAY...

 


Ngay khi lập nước, họ gọi tên nước là Trung Quốc, nước ở trung tâm thế giới.

Đến đời nhà Chu, có thêm từ Trung Hoa, xứ văn minh ở trung tâm

Còn nhiều tên khác nữa, như Trung Nguyên, Trung Hạ, Thần Châu... đều có ý nghĩa chỉ xứ trung tâm trời đất.

Dân Việt gọi họ là Tàu. Từ này xuất hiện cuối Minh đầu Thanh, khi những người Trung Quốc di cư sang Việt Nam trên những con tàu biển. Xuất hiện hai cụm từ : Tàu ô, chỉ những con tàu sắt màu đen kịt, và Tàu khựa ( do người Việt để răng đen, người Trung Quốc để răng trắng nên có chữ này, khựa nghĩa là răng trắng)

Phương Tây gọi họ là China. Nguyên do vào đời Minh, đồ gốm Trung Quốc chủ yếu sản xuất tại trấn Cảnh Đức, Giang Tô, đồ gốm khi xuất sang châu Âu, chỉ ghi hai chữ Cảnh Đức, người Anh phiên âm thành China, từ đó họ gọi nước Trung Quốc là China

Đầu tiên chỉ là một bộ tộc Hoa Hạ trên lưu  vực sông Hoàng Hà, sau mấy ngàn năm, bộ tộc ấy nuốt vào bụng không biết bao nhiêu quốc gia lớn nhỏ,thành Trung Quốc hôm nay. Cũng có lúc họ bị xâm lược, nhưng đấy là cái bẫy của họ. Điển hình hai trường hợp : Mông Cổ và Mãn Thanh. Thế kỷ 13,  Hốt Tất Liệt xâm lược Trung Quốc, lập nhà Nguyên, kết quả toàn bộ người Mông Cổ vào Trung Nguyên biến thành người Hán, Mông Cổ mất một nửa đất nước cho Trung Quốc, đó là Khu tự trị Nội Mông hiện nay. Mãn Thanh còn bi thảm hơn. Năm 1644,  họ tràn qua Sơn Hải Quan, diệt Minh, lập Thanh triều, vài trăm năm sau, người Mãn thành người Hán tất, cái duy nhất còn lại là cái đuôi sam cũng bị cắt nốt sau 1911.  Đến giờ, chỉ còn lại độ 10000 người Mãn sống ở vùng đông bắc, ngồi tưởng nhớ quá khứ huy hoàng của dòng họ Ái Tân Giác La ngày xưa.

Nước duy nhất Hoa Hạ không đồng hoá được, là xứ Giao Chỉ, dù nó cai trị trên dưới 1000 năm,với nhiều thủ đoạn dã man, hèn hạ. Có ba nhân tố làm cho dân Việt giữ được nước, đó là làng xóm, luỹ tre xanh và thói quen lười học ngoại ngữ của người Việt.

Cũng có lúc Trung Quốc định giăng bẫy, khi các thủ đoạn đồng hoá vô tác dụng. Đó là thời kỳ Tây Sơn. Càn Long hứa trả cho Quang Trung hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Thật may mắn, Quang Trung mất sớm, nên ý định đó không thực hiện được. Nên nhớ Lưỡng Quảng có diện tích và số dân gấp hai lần Việt Nam.

Tất nhiên, họ phải có đầu óc sáng tạo. Sáng tạo đầu tiên của người Trung Quốc chính là chữ viết. Trên thế giới, không có thứ chữ tượng hình nào phong phú như chữ tượng hình Trung Quốc. Đằng sau mỗi chữ là một khái niệm. Đọc một bài thơ bằng chữ Hán như xem một bức tranh. Trong chữ hưu (hưu trí)  có ông già ngồi dưới gốc cây. Trong chữ An, có người phụ nữ ngồi trong ngôi nhà. Trong chữ Tửu (rượu)  có 3 giọt nước bên cạnh cái bình......... Chính chữ viết đã kết nối các tiểu quốc thành quốc gia vĩ đại Trung Hoa.

Từ Tần Thuỷ Hoàng, ông vua phong kiến đầu tiên, đến Phổ Nghi, ông vua cuối cùng, tổng cộng Trung Quốc có 494 Hoàng Đế, với vài chục triều đại, 6 kinh đô. Nhà Tần khởi đầu, và không có ấn tượng gì ngoài Vạn Lý Trường Thành. Nhà Hán bắt đầu định hình cơ cấu xã hội phong kiến, kéo dài hơn 400 năm, giữ vai trò quan trọng nhất lịch sử Trung Quốc, không triều đại nào so sánh được. Nhà Đường đạt mức độ thịnh trị nhất thế giới về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị văn hoá, đồ gốm sứ đi đến tận châu Âu, thơ Đường là đỉnh cao của ngôn ngữ văn minh nhân loại, bằng Tiến Sĩ thời Đường là học vị cao nhất thế giới. Thời Tống nổi tiếng với các phát minh. Nguyên, ngoại lai, nhạt nhẽo. Minh triều, bắt đầu có sự kết nối Trung Quốc với thế giới qua cuộc hành trình của Trịnh Hoà đầu thế kỷ 15,  và mầm mống tư bản xuất hiện. Và khi người Mãn Thanh vào Trung Nguyên, Trung Quốc bắt đầu ngủ yên.

Trong sân khấu chính trị ấy, xã hội Trung Quốc có đủ các gương mặt. Có tiểu nhân và quân tử. Có bọn thái giám và ngoại thích. Có Nhạc Phi ngồi cạnh Tần Cối, Đổng Trác cùng Gia Cát Lượng. Có tứ đại mĩ nhân, tứ đại kỳ thư, tứ đại phát minh. Người ta vừa kính phục, vừa sợ, vừa căm ghét.

Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, có bóng dáng của một con người vĩ đại, dù ông chưa một ngày làm Vua, nhưng là ông Vua tư tưởng. Khổng Tử. Tư tưởng của ông là cơ sở tinh thần cho xã hội phong kiến Trung Quốc. Giống như Mĩ, cơ sở tinh thần là văn minh Thiên Chúa giáo.

Tư tưởng Khổng Tử có tác dụng đảm bảo cho xã hội cân bằng, nhưng có nhược điểm là bảo thủ, hướng nội, khó tiếp thu cái mới.

Thế kỷ 17,  châu Âu bắt đầu bừng tỉnh, với các cuộc cách mạng tư sản và các nhà khai sáng như G.Ruxo, Đidoro, Kand, Vonte, Decac, Paxcan..... thì Trung Quốc đang trong giấc mộng. Họ đang say sưa với Trường An, Lạc Dương, những thành phố lớn nhất thế giới  say sưa với 4 phát minh, mà có biết đâu, châu Âu đã lợi dụng thuốc súng của họ, chế ra đại bác, chuẩn bị bắn vào đầu họ.

Trung Hoa đã trở nên vô cùng lạc hậu vào giữa thế kỷ 19.  Lúc ấy, các nước phương Tây đến mở cửa, giống như họ đã mở Nhật Bản. Nhưng thành trì Trung Quốc quá vững. Văn minh phương Tây chỉ như lớp sơn bề ngoài. Một Trung Quốc đầy chia rẽ và bệnh hoạn. Phương Tây giống như một lão già bệnh tật, hãm hiếp nền văn minh Trung Quốc, không đem lại sự sinh sản, mà gây ra bệnh tật và sự khổ đau.

Văn minh phương Tây không có đất sống ở Trung Quốc. Họ phải có con đường riêng. Tam quyền phân lập, lưỡng viện Quốc Hội, khẩu hiệu  tự do bình đẳng bác ái, chế độ đa nguyên..

hầu như không hợp với Trung Quốc.

Chỉ đến khi họ bị dìm đến đáy, họ mới vùng dậy. Cái đáy này là năm 1978,  khi Trung Quốc trở thành gã nghèo khổng lồ của thế giới.

Tư tưởng dân chủ tư sản, chủ nghĩa Mac đều không phù hợp với họ. Họ cần con đường riêng. Người xây con đường riêng ấy là Đặng Tiểu Bình  Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình.

Nhưng xuyên suốt lịch sử Trung Quốc từ cổ đến kim, là tư tưởng Đại Hán, xâm lược, cướp giật. Đó là bi kịch của các nước xung quanh. Nếu khôn ngoan, hãy chung sống hoà bình, và lợi dụng con hổ này để kiếm tiền.

Dại dột thì đối đầu, như đối đầu với Mĩ.

Trong tương lai, Trung Quốc có trở thành một nước dân chủ như phương Tây hay không?  Chắc chắn không.

Bài học lớn nhất từ lịch sử Trung Quốc là : nếu chính quyền trung ương suy yếu thì đất nước sẽ bị chia cắt, mà đã chia cắt là kéo dài vài trăm năm.

Vậy tương lai Trung Quốc sẽ thế nào? 

Tôi tin theo lời Ngài Lý Quang Diệu, khi ông cho rằng, có thể Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mĩ về kinh tế, nhưng không bao giờ Trung Quốc đuổi kịp Mĩ về khoa học và quân sự.

Vì sao vậy? 

Vì Trung Quốc vướng cái rào cản ngôn ngữ. Chữ Hán là thứ chữ của nghệ thuật, thơ ca. Còn tiếng Anh mới là ngôn ngữ của khoa học và kỹ thuật.

Vậy, cứ để cho họ mơ giấc mơ Trung Hoa.

Mọi giấc mơ đều đẹp

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét