Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

ĐI CHÙA, VIẾNG ĐỀN ĐƯỢC GÌ?

Chuyện chùa chiền, tâm linh tôi viết rất nhiều. Có lẽ, không còn ngôi chùa, đền, thắng cảnh tâm linh nào nổi tiếng ở Việt Nam mà tôi chưa đến tìm hiểu. Tuy nhiên, vẫn không thể nào lý giải nổi tâm lý của người Việt với vấn đề tâm linh. Chỉ có thể nói, hàng triệu người đầu óc đã bị tiêm nhiễm đến mụ mị.

          Đầu năm là người Việt đổ xô nô nức đến các chốn tâm linh cầu khấn. Hàng triệu người kéo đến chùa Hương, Yên Tử, mấy triệu người đến núi Sam. Cảnh tượng kéo đến đền ông Bảy, ông Hoàng Mười, chúa Kho, đền Trần, Ba Vàng... đúng là kinh khủng khiếp.

          Một số người đến vãn cảnh, đi chơi theo phong trào, còn lại hầu như là cầu cúng, xin xỏ.

          Điều đau đầu nhất, là tôi không thể lý giải nổi người Việt xin xỏ gì ở đền chùa miếu mạo?

          Anh em bạn bè doanh nhân của tôi cũng kéo đến đền bà Chúa Kho đông như kiến cỏ, làm lễ rất to, cúng bái vay mượn làm vốn. Toàn người trí thức đông tây kim cổ đầy mình, khiến tôi không thể hiểu nổi. Tôi đã kiên trì đến ngôi đền này nhiều lần, gặp thủ nhang, người già trong làng, đặc biệt cả đầu năm lẫn cuối năm, để tìm hiểu, nhưng vẫn không thể cắt nghĩa được. Đầu năm đi vay thì chen như đến ngạt thở. Cuối năm trả lễ (làm ăn được), thì thấy vắng hoe. Vậy bà Chúa Kho linh thiêng chỗ nào?

          Thấy cảnh người Việt đi đền chùa đông như trẩy hội, ai cũng nghĩ rằng, người Việt mộ đạo, thấm nhuần tư tưởng đạo Phật. Tuy nhiên, nếu hiểu về đạo Phật, thì thấy cực kỳ quái đản, kỳ dị.

          Tôi dám nói thẳng mà chẳng sợ vạ miệng, rằng, nếu thần, Phật, thánh ngự ở chốn tâm linh đó nhận tiền đút vào tay, nhận tiền âm phủ đốt rực trời, nhận gà xôi cúng ngập mặt để trợ giúp bọn quan tham, bọn buôn gian bán lận, thì thần phật đúng là hạng “Thánh Tham”, là hạng ma quỷ chứ chả phải vị thần tối cao nào.

          Thật kinh tởm với cảnh tượng con người chen nhau ở đền Trần để xin ngài ban cho chức tước, để có bổng lộc, để vơ vét của dân nghèo, để rút kiệt sinh lực của quốc gia. Nếu Thánh Trần mà giúp con người việc đó, thì đúng là một ông thánh bẩn thỉu nhất trong lịch sử nhân loại.

          Tôi tin rằng, nếu linh hồn Đức Thánh Trần còn ở thế gian, thì có lẽ ngài đang ngự ở một quả núi nào đó bên sườn Tây Yên Tử, nơi tổ tiên ngài cư ngụ, mà chẳng dám bước vào ngôi đền nào ở xứ này, để mà chảy máu mắt khi thấy đám con cháu tham lam dẫm đạp lên nhau cướp ấn ấy nữa.

          Điều dễ dàng nhận thấy, khi con người ta càng đặt niềm tin vào vị thánh thần do họ tưởng tượng ra, thì con người ta càng trở nên trống rỗng và có những suy nghĩ quái thai. Ngay trên cộng đồng mạng, bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu những câu cmt “a di đà phật”, “tội lỗi, tội lỗi”, “nhân quả không bỏ sót một ai”... nhưng ngay sau đó, cũng người đó sẽ cmt tiếp tục “mày gieo nhân nào gặp quả đó thôi con ạ”, “khẩu nghiệp”... với giọng điệu rủa cho người ta chóng chết, hoặc kiếp sau sẽ làm chó.

          Hầu hết người Việt đến với đạo Phật nhưng không thấm nhuần đạo Phật, để sửa mình, mà toàn đem kiến thức đó đi sửa người khác. Vậy nên, mới có chuyện, nhiều người hay đi chùa, cúng dường nhiều lắm, nuôi sư béo ú, nhưng sống với người thân thì chả ra gì. Trước mặt tượng Phật toàn nói lời hay, nhưng với người thân thì toàn “mắm tôm, mắm tép”.

          Có một sự thực bây giờ, đền chùa là nơi kinh doanh béo bở. Doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng xây xướng rất nhiều để thu hút du khách. Sư sãi cũng phải chạy chọt, đấu đá nhau để có chức trụ trì. Mấy ông nghiện mới cai được gửi vào chùa làm chú tiểu, mấy cô cậu “bê đê” lười biếng, cũng tìm cửa Phật nương náu, mấy kẻ thần kinh hoang tưởng mà ta cứ tưởng họ được “giời cho ăn lộc”, rồi khúm núm gọi thầy xưng con.

          Thật quái dị khi nhiều kẻ cướp tiền của người nghèo rồi đem cúng vào chùa.

          Tôi tin rằng, chẳng có thánh, thần, phật nào hiện hữu cả. Những thứ thánh thần, ma quỷ, chỉ là một khái niệm, nhưng lại có ở trong mỗi con người, đó chính là tưởng thức. Làm việc xấu thì là “ma tính”, làm việc tốt thì là “phật tính”. Những người tìm chỗ dựa ở Thánh Thần đẩu đâu, một là họ chả hiểu gì, hai là tâm họ không an, không có niềm tin vào cuộc sống, không có niềm tin vào bản thân mình.

          Nhà văn Nguyễn Quang Thiều có một đúc rút rất thú vị: “Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông…lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cũng vẫn thấy bất hạnh”.

          Tác giả: Phạm Dương Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét