Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

HỒI KÝ 1 NĂM SỐNG Ở XÍ NGHIỆP VẬT TƯ - VẬN TẢI VÀ BÀI THƠ CON NƯỚC THỦY TRIỀU...

Năm 1991 tôi chuyển công tác từ xí nghiệp đá ốp lát Vĩnh Minh về làm trưởng phòng Kế hoạch xí nghiệp Vật tư-Vận Tải trực thuộc Liên hiệp VLXDI, ở xí nghiệp này có một đội xe vận tải đường bộ và một đội 9 tàu vận chuyển đường Thủy; Nhiệm vụ của hai đội vận tải này cũng khá đơn giản và thuần túy đó là chở sản phẩm gạch, ngói, đá đi giao cho các đại lý hoặc bán sau đó chở than củi về xí nghiệp Cẩm Trướng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Minh; Riêng đội tàu và đội thuyền cá ngạo biên chế theo tàu để trung chuyển vật tư, vật liệu khi tàu mắc cạn hoặc giao hàng, tôi tương đối bỡ ngỡ về quản lý vận tải thủy vì đây là lần đầu tiên…ban đầu tôi thường bị các thuyền trưởng nói dối về lý do tàu thuyền về chậm không đúng lịch do con nước không đúng ngày nên không thể vượt cạn về đúng kế hoạch được…Biết tôi lúng túng do chưa tìm hiểu lịch con nước Anh Đỗ Hữu Đức Phó giám đốc Liên hiệp nói: Chú phải ra bên sông hoặc ngã Ba Bông uống rượu chả cá, cháo cá với dân chài mà học lịch con nước thủy triều thì mới quản lý được chúng nó, nên nhớ không được phép họp chín tàu 1 lúc vì dễ xảy ra đụng độ nên họp riêng từng tàu…Sau khi thâm nhập làng chài ngã ba bông và học được lịch con nước hôm nay đăng lại cho các đồng nghiệp cùng xí nghiệp tham khảo và ôn lại kỷ niệm một thời đã qua… Ngã Ba Bông thời ấy là nơi con sông Mã tách nhánh. Nhánh chính xuôi xuống hướng cầu Hàm Rồng, Hoằng Hóa, Sầm Sơn; nhánh phụ tách ra thành con sông Lèn hướng về biển theo địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn. Ngã ba sông “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Gồm xã Hà Sơn (huyện Hà Trung), chếch về tay trái theo hướng sông Lèn là xã Hoằng Khánh (huyện Hoằng Hóa) và xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc), phía tay phải bên kia sông Mã là xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc), xã Định Công (huyện Yên Định) và xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hóa). Hướng đi của xí nghiệp vân tải thủy chúng tôi là đi từ làng Cẩm Trướng, xã Định Công ra sông Mã, ngược dòng lên Ngã ba Bông sau đó đi theo hướng sông Lèn ra Quảng Ninh nên phụ thuộc rất nhiều về con nước thủy triều…Sau đây là bài thơ được truyền tụng trong dân gain sông nước:

BÀI THƠ CON NƯỚC THUỶ TRIỀU

Sưu tầm trong dân chài ngã ba Bông Sông Mã 1991

Thuỷ triều lên xuống cho hay

Kể trong một tháng hai ngày nước sinh

Tháng Giêng, tháng bảy phân minh

Mùng năm, mười chín Dần sinh-Tỵ hồi

Tháng Tám cho lẫn tháng Đôi

Mùng ba, Mười bảy, Tỵ lai-Ngọ hoàn

Tháng ba, tháng chín cho tường

Mười ba, đôi bảy Dần sang-Mão hồi

Tháng tư cho đến tháng mười

Đôi năm mười một, Tỵ hồi-Ngọ sinh.

Tháng năm, tháng một phân minh

Đôi ba, mùng chín Dần sinh-Mão hoàn

Tháng sáu, tháng chạp mới an

Mùng bảy, đôi một Sửu hoàn-Tý sinh

Theo Lý số Phương đông thì: Xuất phát từ ngày xưa nước ta là nước thuần nông. Công việc trồng trọt, canh tác của người dân bị sự ảnh hưởng lớn từ nguồn nước "Nhất nước, nhì phân tam cần, tứ giống ". Bởi vậy việc nắm bắt được qui luật của "con nước" là rất quan trọng.

Những ai ở miền đồng bằng, nếu để ý sẽ thấy rõ mực nuớc sông, ruộng trong những ngày con nước có sự thay đổi rõ rệt: nước có lên - có xuống hay có lớn - có ròng.

Qua thống kê, tổng hợp rút và ra qui luật ông cha ta đã tìm ra những ngày con nước. Do ảnh hưởng của mặt trăng đến hoạt động trên trái đất. Trong đó có sự lên xuống của mực nuớc ở các sông suối ao hồ.

Qui luật +14 minh chứng cho ảnh hưởng của mặt trăng đến tráí đất. Vì 14 ngày là 1 chu kỳ tròn dần hay mỏng dần của mặt trăng

"Mồng một lưỡi trai

Mồng hai lá lúa

Mồng ba câu liêm....

Mười rằm trăng náu....."

Chúng tôi đã sưu tầm được bảng lịch “Ngày con nước” như sau:

Tháng 1+ 7 : ngày 5 - 19

Tháng 2 + 8 : ngày 3 - 17 - 29.

Tháng 3 + 9 : ngày 13 - 27

Tháng 4 + 10: ngày 11 - 25

Tháng 5 + 11: ngày 9 - 23

Tháng 6 + 12: ngày 7 - 21.

Đây là bảng lịch của ngư dân vùng biển Đồ Sơn áp dụng từ xưa đến nay để đi biển, khai thác sò, cáy trên các bãi bồi. Riêng tháng 2+8 do tính chất tháng thiếu đủ nên có thêm bớt 1 ngày nữa là 29 (cách với ngày trước đó có 12 ngày, nhưng ngày kế tiếp của tháng sau vẫn cách là 14 ngày. Một năm có 26 ngày cố định, ko thay đổi so vơi trường hợp tháng thiếu ngày.

Nhận xét :

1- Lấy 364 ngày của một năm chia cho 14 được 26.

2- Bằng cách diễn giải ở trên cho thấy : cứ 6 tháng sau sẽ lặp lại như vậy : 1 +6 = 7; 2 +6 = 8……

3- Các ngày đó toàn ngày lẻ : Ở cột ngày đầu tháng : 3,5,7,9,11,13 và cột ngày cuối tháng 17, 19, 21, 23, 25, 27 và 29. Không có ngày 1 và 15 là những ngày Sóc Vọng.

Theo như bảng này thì ngày con nước trong một năm có 26 ngày.

Trong qúa trình sưu tầm tìm hiểu chúng tôi còn phát hiện một lịch “Ngày Con nước “ lưu truyền trong dân gian như sau:

Dị bản thứ nhất:

- Tháng giêng + 7: 5 - 19

- Tháng hai + 8: 3 - 17

- Tháng ba + 9 (Tháng Thìn – Tuất): 12 - 27

- Tháng tư + 10:12 - 25

- Tháng năm + 11: 9 - 23

- Tháng sáu + 12: 7 – 21

Dị bản thứ hai:

Bài này nói về giờ nước kém cho dân đi câu biển bày nhau :

" Tháng giêng, tháng bảy phân minh

Mồng năm, mười chín, thìn sinh tị hồi.

Tháng tám cho lẫn tháng đôi (Tháng Hai)

Mồng ba mười bảy tị lai, ngọ hoàn

Tam(3) cửu (9) tòng như nguyệt tiền

Ngày hai mươi chín nước liền thụ thai

Mười ba sinh con thứ hai

Tuất thăng, mão giáng chẳng sai chút nào.

Tháng tư đối với tháng mười.

Sinh con mười một cùng thời hăm lăm.

Tháng một (11) chi khác tháng năm

Đã tường mồng chín, chớ nhằm hăm ba

Tháng sáu, tháng chạp suy ra

Mồng bảy, hăm mốt ấy là nước sinh"

....................................................

Cụ thể dễ hiểu hơn:

Ngày con nước lên theo như lưu truyền trong dân gian Việt Namđược coi là ngày cực kỳ xấu, trăm sự đều kỵ, nhất là sự việc xảy ra lại rơi vào giờ con nước xuống. Các cụ ta vẫn có câu “Dù ai buôn bán trăm nghề, phải ngày con nước đi về tay không, dù ai giao hợp vợ chồng, phải ngày con nước khó lòng nuôi con”.

“Mùng năm, mười bốn, hai ba/Đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”

Nguyệt kỵ: ngày 5, 14, 23…Tam nương: 3, 7, 13, 18, 22, 27

Theo sơ đồ con nước:Ngày con nước hầu hết trùng ngày nguyệt kỵ hoặc tam nương...

Tháng 1+ 7 : ngày 5 – 19 (mùng 5 Nguyệt kỵ)

Tháng 2 + 8 : ngày 3 - 17 - 29. (ngày 3 tam nương)

Tháng 3 + 9 : ngày 13 – 27 (ngày tam nương)

Tháng 4 + 10: ngày 11 - 25

Tháng 5 + 11: ngày 9 – 23 (23 ngày nguyệt kỵ)

Tháng 6 + 12: ngày 7 - 21. (ngày 7 tam nương)

* Căn cứ vào lịch con nước này ta biết ngày nào nước biển lớn như sau: Ngày sinh con nước là nước nhỏ nhất (Trước đó 1 ngày gọi là ngày nghén nước), những ngày thứ 6,7 trở đi là nước cường (những ngày này vào lúc đỉnh của triều cường, gặp bão lớn đi gió Đông Nam thì nguy cơ vỡ đê rất lớn) tiếp sau đó nước nhỏ dần đến ngày nghén nước (không thăng, không giáng) và sang con nước mới. Vào tháng 9,10 Âm lịch có ngày nước biển dâng to gọi là nước rươi (theo dân gian). Ví dụ con nước tháng giêng hoặc tháng 7: Ngày 4 (nghén nước), 5 (nước sinh), 6, 7, 8, 9, 10, 11 (nước cường), 12 (nước cường), 13, 14, 15, 16, 17, 18 (nghén nước), 19 (nước sinh)

Tàu thuyền thường lợi dụng đúng đỉnh của triều cường (ngày nước cường) để vượt cạn; Đánh bắt hải sản người ta biết nước sinh, nước nghén đánh được loại hải sản nào, nước cường,đỉnh triều đánh bắt hải sản nào đánh gần bờ tốt hay xa bờ tốt hơn; Dân biển thường hỏi nhau hôm nay nước mấy con, nếu trả lời nước 1 con là nước sinh, 7 con là nước cường, 14 con là nước nghén sau đó người ta mới kiểm lại ngày tháng đơn giản vậy thôi; Ngày xưa mình làm điều hành phương tiện thủy khi chưa biết chưa rành hay bị thuyền trưởng lừa con nước tàu không vượt cạn để về bến đúng thời gian được nên nhớ lâu là như vậy;

--------------------

* Chú thích: Tháng nhuần cách tính không khác so với tháng trước đó . Chỉ có về giờ lệch nhau sớm, muộn vài tiếng

* Ngày Tam nương sát là gì

Ngày Tam nươngNgày tam nương (tam nương nhật) theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc là những ngày rất xấu. Do đó, mỗi khi khởi sự làm một việc quan trọng (như khai trương, xuất hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà, v.v...) để khỏi chuốc lấy thất bại, phải tránh khởi sự vào các ngày tam nương, gồm ngày mùng 3, mùng 7, 13, 18, 22, và 27 trong mỗi tháng Âm lịch.

Tam nương là “ba người đàn bà”. Theo dân gian Trung Quốc, tam nương gồm ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ và Bao Tự. Hầu hết sách sử Trung Quốc đều kết tội ba giai nhân tuyệt sắc này là nguyên nhân làm sụp đổ ba triều đại Hạ, Thương, Tây Chu trước Công nguyên (TCN). Các sử gia đều phỏng chừng ba sự kiện “tan nhà đổ nước” này lần lượt xảy ra trong các năm như sau:

1. Muội Hỉ (sinh ngày mồng 3 tử ngày mồng 7 (ngày Mão)mê hoặc vua Kiệt (tức Lý Quý, cai trị? - 1600 TCN), làm sụp đổ nhà Hạ (khoảng 2100 TCN - 1600 TCN).

2. Đát Kỷ (người Việt quen gọi Đắc Kỷ)(sinh ngày 13 tử ngày 18 (ngày Thìn) (mê hoặc vua Trụ (tức Đế Tân, cai trị khoảng 1154 TCN - 1066 TCN), làm sụp đổ nhà Thương (khoảng 1600 TCN - 1066 TCN). Huyền thoại đề quyết nàng Đát Kỷ là con cáo cái thành tinh (hồ ly tinh), có phép hoá ra mỹ nhân.

3. Bao Tự (sinh ngày 22 tử ngày 27 (ngày Mùi) (?-771 TCN) mê hoặc vua U (tức Cơ Cung Niết, cai trị 781 TCN – 771 TCN), làm sụp đổ nhà Tây Chu (khoảng 1066 TCN - 771 TCN).Vua U chưa bao giờ thấy Bao Tự cười, ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ được thưởng ngàn lạng vàng. Nàng thích nghe tiếng lụa bị xé, vua U cho xé lụa ngày đêm để nàng vui, thậm chí còn cho đốt lửa trên các hoả đài để đánh lừa các chư hầu đem quân về cứu Thiên tử nhà Chu (vua U). Bao Tự đứng trên lầu cao, nhìn cảnh chư hầu mắc lỡm, cười ngặt nghẽo. Hậu quả, khi bị quân Khuyển Nhung vây khốn nguy ngập, vua U cho đốt lửa trên hoả đài thì các chư hầu không thèm về cứu vì đinh ninh đó là trò lừa bịp cốt làm vui lòng người đẹp.

Ngày tam nương sát, ngày con nước

Khi Bao Tự cười là U Vương mất nước

Theo dân gian Trung Quốc, ngày tam nương là ngày ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ, Bao Tự được đưa vào nội cung của ba ông vua bị mang tiếng là rất hiếu sắc, tham dâm, bạo ngược vô đạo nói trên.

Thực ra theo phong tục tập quán của Việt Nam thì vào những ngày đó Ngọc Hoàng thượng Đế sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới (giáng hạ) để làm mê muội và thử lòng con Người (nếu ai gặp phải) làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc v.v.

Cũng là lời khuyên răn của Tiền Nhân cho con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, chịu khó học tập, cần cù làm việc.

Trong khoa Chiêm Tinh thì ngày Tam nương, Nguyệt kỵ không được cho là quan trọng so với các sao chính tinh và ngày kiêng kỵ khác như : Sát chủ, Thụ tử, Trùng tang, Trùng phục, Không sàng, Không phòng, Thiên tai địa hoạ, Trời nghiêng đất lở, Hoang ốc, Thiên hình hắc đạo, Chu tước hắc đạo, Bạch hổ hắc đạo, Thiên lao hắc đạo, Huyền vũ hắc đạo, Câu trận hắc đạo, Dương công kỵ, Thập ác đại ma, Lục nhật phá quần. v.v.

NGÃ BA BÔNG
Cảng than, bến tàu thuyền xí nghiệp Cẩm Trướng
NGÃ BA BÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét