Trang

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

CÓI KIM SƠN

(Có một làng nghề như thế) Thuyet Hung Vu

Từ trước năm 1829, đời vua Minh Mạng (1820-1840), với cương vị là Doanh điền sứ, Nguyễn Công Trứ tài ba đã chiêu mộ dân đi khai hoang vùng ven biển phía Đông Nam của tỉnh Ninh Bình. Đến tháng 3 (âm lịch) năm 1829, vua Minh Mạng quyết định thành lập ở đây một huyện mới, lấy tên là Kim Sơn (Núi Vàng). Từ đó huyện Kim Sơn chính thức có tên trên bản đồ tỉnh Ninh Bình.

Làng nghề cói Kim Sơn nằm ngay gần điểm tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm, thuộc huyện Kim Sơn. Cây cói đã có ở Kim Sơn gần hai thế kỉ, trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người Kim Sơn đã tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói và lấy đó làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm cói.

Cói là nguyên liệu chính của nghề dệt.

Ngay từ khi mới hình thành huyện Kim Sơn, người dân Kim Sơn đã trồng cây lúa và cây cói. Họ còn lưu truyền một huyền thoại lý thú: Thời xa xưa, đã lâu lắm rồi, có một bầy tiên nữ bay qua vùng biển nơi đây. Thấy biển rộng mênh mông sóng sánh phù sa màu mỡ, nàng tiên út của trời mến cảnh đẹp ấy, đã cắt mái tóc dài mượt, óng ả của mình ném xuống để đánh dấu vùng biển. Gió thổi, sóng vỗ ngày đêm đã đẩy những sợi tóc của nàng trôi dạt vào bờ, gặp đất sa bồi, mọc lên thành rừng cây nhỏ, cao, thân xanh mỡ, tròn thon từ gốc, nửa trên đến ngọn vuốt thành 3 cạnh, búp hoa chụm chúm xanh, gọi là cây cói.

Cây cói có chu kỳ sinh trưởng tựa cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng 5, cói mùa thu hoạch vào dịp tháng 10 Âm lịch. Quy trình trồng cói cũng giống như cây lúa: cày, xới, phơi, tháo nước, làm cỏ, bón phân. Chất lượng cói trồng phụ thuộc vào việc điều phối nước mặn và nước ngọt theo tỷ lên thích hợp.

Nổi bật nhất trong các sản phẩm từ cói của Kim Sơn phải kể đến chiếu cói. Dệt chiếu cói là cả một quá trình lao động sáng tạo, cẩn thận từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho đỏ tươi và bền mầu, đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Chiếu cải hoa và chiếu đậu là mặt hàng đặc sản của Kim Sơn.

Chiếu cải hoa có bố cục đối xứng chặt chẽ đến nghiêm ngặt: cạp điều rộng, đường chỉ thẳng, 4 góc và xung quanh là những hoa văn đẹp, chữ "Thọ" bằng Hán tự tròn truyện vuông ở giữa, hai đường thẳng và cong biến cải hoa mỹ uyển chuyển ở hàng riễu 4 bên và tụ lại. Trên và dưới chữ "Thọ" còn có các hàng chữ cải: "Chúc mừng", "Hạnh phúc" hoặc "Cung chúc", "Tân Xuân" hài hòa, đẹp đẽ như một tác phẩm nghệ thuật, không tả hết thành lời.

Chiếu chỉ có 2 màu: đỏ tươi và trắng hồng. Màu trắng hồng là màu nền của chiếu, nõn nà như lụa. Màu đỏ tươi rực rỡ là màu cải hoa, cải chữ, thể hiện ước mơ của con người.

Khó khăn nhất vẫn là dệt chiếu đậu, đòi hỏi cầu kỳ và tinh xảo hơn. Phải chọn cói kỹ, sao cho đều, trắng ngà, dài thon, tròn tắp, mỗi sợi chỉ nhỉnh hơn cái nan hoa xe đạp. Sợi đay phải săn, nhỏ, mịn. Khi dệt phải làm cho chiếu có múi nổi nho nhỏ, gọi là múi na, trông như một kiểu hoa văn tự nhiên. Lá chiếu đậu đẹp một cách sinh động, chắc, thơm, bền đến 5-7 năm chưa rách. Chiếu đậu không chỉ bền, mà còn là nét đẹp trắng trong, càng nhìn càng thấy đẹp. Đó là một nép đẹp tinh khiết, trinh nguyên của cây cói, không màu sắc, không đua tranh, như tâm hồn thầm kín của người con gái kín đáo, dịu dàng.

Để làm ra một là chiếu cải hoa và chiếu đậu là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, thận trọng của người dân từ khâu trồng cói, chọn cói sao cho dài và đều, phơi cói sao cho trắng nõn, nhuộm cói sao cho đỏ tươi và bền màu, sợi đay dệt phải nhỏ và bền, đến khâu dệt cải hoa mang tính nghệ thuật cao. Người ngồi dệt chiếu, hai bàn tay cầm go đập vào, lại đẩy ra thoăn thoắt, đập go đến đâu bẻ biên đến đó, hết tay phải lại tay trái, ngón tay bắt biên như múa. Go làm bằng tre, có nhiều thanh như phím đàn pianô, mỗi thanh một lỗ giữ một sợi đay. Đập go mạnh, lá chiếu sẽ dày. Ngón tay cắt dát phải khéo léo, mềm mại như một nghệ sỹ bắt đàn phím. Mắt phải tinh, chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi. Nét chữ, đường họa tiết, hoa văn, đường chỉ cải to hay nhỏ, vuông hay tròn đều phải theo mẫu, tính chi li đến từng sợi cói, sợi đay dệt. Tùy từng kiểu hoa văn mà cắt dát từng sợi, để khi đệt khi thay đổi màu cói (xanh, đỏ, vàng, tím, trắng) lá chiếu sẽ nổi các loại hoa (hoa vuông, hoa cải chữ, hoa cánh, hoa núi,…).

Còn người văng cói phải để bên hai bó cói trở ngọn, gốc nhặt từng sợi cói, quấn vào đầu văng, lao nhanh vào giữa hai dàn sợi day. Nguyên tắc văng cói là: cứ 1 gốc lại 2 ngọn, 2 gốc lại 1 ngọn (nếu dệt chiếu đàn chỉ 1 gốc, 1 ngọn). Văng cói phải nhịp nhàng theo người dệt. Sự thuần thục của 2 người văng và dệt chiếu giống như bác sỹ và người mổ phụ trong ca phẫu thuật, tới mức không cần nhìn nhau vẫn hòa nhập, hoàn hảo.

Nhìn lá chiếu cải hoa nền nã và rực rỡ với nét chữ, hoa văn trang trí, mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, do bàn tay vàng, khéo léo, tỷ mỉ, tinh xảo của người dân Kim Sơn tạo ra, ai cũng muốn có một đôi chiếu "để nằm" trên "hạnh phúc", chữ "thọ" để sống lâu khỏe mạnh, ước mơ nảy nở vuông tròn trong cuộc đời, tất cả như đã dệt vào lá chiếu.

Người cải hoa phải nhanh, uyểnuyể

Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của nghề, tạo dựng nên nghề trồng cói, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng xa gần và được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

Sưu Tầm








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét