Trang

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

TỐNG NHO

CHU HY
Trình Di
 

TỐNG NHO ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆT NAM

Nguyễn Thị Thúy Hạnh: Ảnh hưởng của đạo học - triết học Tống Nho đến tư tưởng nho sỹ Việt Nam thời trung đại

          Đạo học – tức Nho giáo đời Tống, một trong những tông chi của Nho giáo. Tống Nho còn xưng là Đạo học, Tống học. Trước đấy, trong tư tưởng Nho giáo nguyên thủy của Khổng Tử đã xuất hiện chữ Đạo (“Chí ư đạo”, “Quân tử học dĩ trí kỳ đạo” - Luận ngữ; “Tu đạo chi vị giáo” - Trung Dung…) nhưng danh từ “Đạo học” chưa thấy xuất hiện trong Tứ thư, Ngũ kinh. Từ khi Hàn Dũ làm bài luận về “Nguyên Đạo”, đề xướng thuyết “đạo Khổng Mạnh”, gây nên phong trào “Vệ đạo”, “Vận Đạo” hết sức rộng lớn vào thời nhà Tống thì danh từ Đạo học mới bắt đầu thông dụng ở Trung Hoa.

          Về nguyên lai của Tống học, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và trên thế giới hầu hết đều thống nhất nhận định: Nho giáo trước đời Tống nhìn chung không có vũ trụ luận. Nho giáo nguyên thuỷ từ thời Khổng Tử nặng về phần hình nhi hạ, chỉ có những yếu tố vũ trụ quan đơn giản. Thời Hán, Đường, tuy Nho giáo được tôn làm quốc giáo nhưng do tính chất trọng thực tế, luân lý xã hội nên vẫn chưa xây dựng được một vũ trụ luận để hệ toàn nền triết học của mình. Đến đời Tống, các danh Nho như Trình Di, Trình Hạo, Chu Hi (1) mới chú ý đến phần hình nhi thượng, bằng cách thâu thái những phạm trù triết học của Đạo học và Phật học. Vì vậy, triết học Tống Nho được các nhà triết học sử Trung Quốc gọi là Tân Nho giáo (néo – confucianisme), là Đạo học hoặc Lý học. Chữ “lý” thường thấy trong Kinh Dịch: “Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc”, “Quân tử hoàng trung thông lý”…Đến đời Tống, các học giả dùng chữ “lý” theo một nghĩa rất rộng: về vũ trụ luận thì nói “lý khí”, về tâm thể luận thì nói “tính tức lý”, về phương pháp luận thì nói “tồn lý khử dục”.

          Nho giáo đời Tống không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và văn hóa Trung Hoa mà còn lan rộng đến các nước Đông Á. Ở Triều Tiên, Tống Nho ảnh hưởng đến thể chế chính trị và tư tưởng văn hoá hơn năm trăm năm (thời kỳ 1392 - 1910), thậm chí đến cả thời Cận đại. Ở Nhật Bản, Tống Nho có tác động to lớn đối với chính trị, xã hội, văn hoá của nước này, đặc biệt thời đại Đức Xuyên (1600-1868). Còn ở Việt Nam, Tống Nho có ảnh hưởng đến thời đại Hậu Lê (1428-1784) và thời nhà Nguyễn (1802-1945), tạo ra thời kỳ hưng thịnh của Nho học Việt Nam. Nhìn chung, từ sau thế kỷ XV, Tống Nho đã có ảnh hưởng to lớn đối với cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Bản thân Tống Nho cũng có ý nghĩa quan trọng tạo nên truyền thống của ba nước.

          Ở Việt Nam, sự ảnh hưởng của Nho giáo diễn ra ở cả hai dạng thức: cưỡng bức và tự nguyện. Thời kỳ đầu Bắc thuộc, Hán Nho đã được các quan lại Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp ra sức truyền bá. Tuy nhiên, vì đây là thứ văn hóa do kẻ xâm lược áp đặt nên suốt giai đoạn chống Bắc thuộc, Nho giáo chưa thực sự chỗ đứng trong xã hội Việt Nam. Đến năm 1070, với sự kiện Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử, Nho giáo mới được tiếp nhận chính thức. Chính vì vậy mà Nho giáo ở Việt Nam chủ yếu là Tống Nho chứ không phải Hán Nho, Đường Nho hay Minh Nho, Thanh Nho.

          Thời nhà Hồ, giặc Minh xâm lược nước ta đem Tống Nho vào truyền bá. Từ đây Tống Nho ngày càng phổ biến. Đến khi nhà Lê giành được độc lập, Tống Nho dần dần chiếm địa vị độc tôn trong thượng tầng kiến trúc của xã hội phong kiến. Sau khi đánh đuổi hết quân Minh, giải phóng đất nước, vương triều Lê chính thức được kiến lập (1428) và bắt đầu công việc xây dựng, phát triển nền văn hóa độc lập dân tộc. Lê Thái Tông lên ngôi năm Giáp Dần (1434). Nhà vua đã họp triều đình bàn định việc mở khoa thi Tiến sĩ và đưa ra điều lệ thi Hương, thi Hội cùng phép thi ở các kỳ. Nhưng phải tới tháng 3 năm Nhâm Tuất (1442), thời Lê Nhân Tông, triều Lê mới chính thức cho thi đối sách ở sân điện để lấy Tiến sĩ và cũng bắt đầu cho dựng bia khắc văn nói về việc mở khoa thi Tiến sĩ, khắc tên những người đỗ đầu. Khoa thi Tiến sĩ năm Nhâm Tuất là cái mốc quan trọng xác lập vị trí độc tôn của Nho học ở Việt Nam hồi thế kỷ XV.

          Vậy trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thời trung đại, Tống Nho đã tồn tại như thế nào? Theo GS. Phan Ngọc: “Lấy năm 1075, năm mở khoa thi đầu tiên để chọn người “minh kinh bác học” làm quan, mở bước đầu cho Nho giáo, thì lúc ấy ở Trung Quốc là thời kỳ Bắc thuộc (960 – 1279). Tiếp thu văn hoá nói chung là tiếp thu văn hoá đương thời…Ngay từ đầu, ta đã tiếp thu Tống Nho. Đến đời Trần, Chu Văn An soạn bộ Tứ thư thuyết ước, Tứ thư xuất phát từ Chu Hy (1130 – 1200), học giả lớn nhất thời Nam tống (1127 – 1279). Chu Hy là người đầu tiên chọn một trong số 120 bộ sách đồ sộ 4 quyển mà ông gọi là Tứ thư gồm Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung dung, Đại học, là sách then chốt của Nho giáo. Trước đó, không có khái niệm Tứ thư. Như vậy, suốt lịch sử tiếp thu Nho giáo, Việt Nam hầu như chỉ tiếp thu Tống Nho, sau đó việc tiếp thu càng chặt chẽ hơn dưới thời Lê Thánh Tông thế kỷ XVI, nhất là vào thế kỷ XIX nhà Nguyễn (56,7)

          Thực chất của Tống Nho là một học thuyết hình thức Khổng giáo, phương pháp lý luận là Phật giáo và những khái niệm cơ bản là Đạo giáo.

        Mặc dù trái ngược với Khổng học như vậy, Tống Nho đã chiếm ưu thế ở Trung Hoa và Việt Nam, vì thực tế nó cấp cho Nho giáo một cách lý giải nhất quán bao gồm từ vũ trụ đến chính trị, sinh hoạt, gia đình, các quan hệ xã hội. Với những nhược điểm (chết cứng không chấp nhận khoa học thực nghiệm, giáo điều cực đoan và xa thực tế), phải nói nó có mặt biểu hiện văn hoá của quan điểm đời Tống, giai đoạn văn hoá Trung Quốc thống lĩnh thế giới.

          Xã hội Việt Nam từ xưa đến nay vẫn được nhìn nhận là một xã hội mang màu sắc Nho giáo. Nhưng phải đến thời kì nhà Minh thì nước ta mới thực sự bị Nho giáo hoá. Nhà Minh kế nối, trọng thị các tư tưởng về Nho học đời Tống, cho in khắc nhiều kinh điển Nho giáo. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư thì sách chuyển đến Việt Nam: kinh điển gồm có: Tứ thư, Ngũ kinh, Tính lý đại toàn, Hiếu thuận sự thực…Đặc biệt, Tính lý đại toàn là một bộ sách do một nhóm nhà Nho thời Minh phụng chỉ biên soạn, in ấn xong năm Vĩnh Lạc 13 (1415) gồm 70 quyển. Sách này khai thác quan điểm của 120 nhà Tống Nho, 26 quyển đầu bao gồm 9 loại: Thái cực đồ thuyết, Thông thư của Chu Đôn Di, Tây Minh, Chính Mông của Trương Tải, Hoàng cực kinh thế của Thiệu Ung; Dịch học khải mông, Gia Lễ của Chu Hy, Luật lã tân thư của Thái Năng Địch, Hồng phạm hoàng cực nội thiên của Thái Thẩm. Từ quyển 27 trở đi là chuyên luận về các vấn đề trích từ lời nói của các nhà mà soạn thành, bao gồm 13 loại: Lý Khí, Quỷ thần, Tính lý, Đạo thống, Thiền, Chư nho, Học, Chư Tử, Lịch đại, Quân đạo, Trị đạo, Thi, Văn. Sách còn tập hợp các lời bàn nổi tiếng từ các tác phẩm Lý học của người thời Tống, cung cấp những tư tưởng quan trọng cho việc nghiên cứu Lý học thời Tống. Qua đó, có thể thấy, các nội dung và tôn giáo cơ bản của triết học Tống Nho đã được chuyển tải vào Việt Nam, chủ yếu thông qua bộ sách này. Kể từ đây, tư tưởng Tống Nho mới thực sự được các nhà Nho Việt Nam học tập và vận dụng. Đối với dân chúng, nhà Minh cũng đã áp dụng một số biện pháp giáo huấn để đưa các giáo điều của Nho giáo vào trong dân. Tuy chỉ kéo dài 20 năm, song nỗ lực của chính quyền nhà Minh cũng đã thu được những kết quả nhất định - đó là việc đặt nền móng cho quá trình truyền bá sâu rộng tư tưởng Tống Nho vào Việt Nam và sự lớn mạnh của tầng lớp Nho sĩ mang tư tưởng Tống Nho.

Dòng chảy Đạo học trong thơ ca trung đại Việt Nam đã được khai thông từ những thế kỷ trước. Một số tác phẩm văn chương có nội dung Đạo học đều trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến vấn đề bản thể của thế giới. Chẳng hạn, Văn bia pháp Sùng Thiện Diên Linh do Nguyễn Côn Bạt (? - ?) dựng (28/8/1121) nêu ý thức về sự khó khăn khi đi tìm khởi nguyên của thế giới. Căn cứ vào tư liệu hiện còn và được công bố trong các tập Thơ văn Lý Trần tập I và Tổng tập văn học Việt Nam tập I, cũng có thể thấy các tác giả thời Lý cũng ảnh hưởng từ học thuyết Tống Nho khi bàn về khởi nguyên của thế giới. Chẳng hạn:

Phan Trường Nguyên (1110 – 1165) thế hệ thứ mười dòng thiền Quang Bích có những câu thơ luận về Đạo:

Đạo ở khắp mọi nơi, sáng tạo tất cả, trường tồn cùng vạn vật

 

Ở trong ánh sáng, ở trong hạt bụi

 

Nhưng lại không phải là ánh sáng, cũng không phải là hạt bụi

 

Như tượng thì trong suốt, không thân với vật nào cả

 

Là bản thể của giới tự nhiên

 

ứng nhiên vào tất cả các vật, không trừ vật nào

 

Là ông thợ khéo sáng tạo ra trời đất

 

Nhào nặn nhân luân

 

Sinh ra vạn vật

 

Và trường tồn cùng vạn vật

 

(như) cô vũ nữ bằng sắt nhảy múa

 

(và như) thằng người gỗ đánh trống

 

Trong Văn bia chùa Linh Xứng (làng Ngọc Xá, huyện Hà Trung, Thanh Hoá viết trước năm 1001, khắc năm 1126 nói về Đạo biểu hiện qua hai phạm trù “một” và “muôn”.

 

Phạm Thường Chiến (? – 1203), thuộc thế hệ thứ 12, dòng Thiền Quang Bích, làm quan thời Lý Cao Tông nói về Đạo: “Đạo bản vô nhan sắc”.

 

Đàm Cứu Chu (? - ?) sống vào thời Lý, đã viết một mệnh đề ngắn gọn ẩn trong một đoạn văn dài về tư tưởng triết học: “Thế giới đều là biến hoá” - nêu lên mệnh đề cơ bản của phép biện chứng.

 

Đến thời Trần, các Nho sĩ đã biểu đạt những tư tưởng triết học qua việc vận dụng Kinh Dịch và đặc biệt là thuyết Âm dương Nho học vào thực tế Việt Nam, có thể kể đến như: Trần Nhân Tông, Trần Nhật Duật, Trần Minh Tông, Trần Thái Tông…

 

Trong Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông viết: “Sách Dịch xem chơi, Yêu tính sáng yêu hơn châu báu”.

 

Thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly đả kích các nhà Tống Nho, gọi là “bọn học trò mặt trắng”, “vô tích sự” nhưng lại rất coi trọng Đạo gia.

 

Trong Bài phú Kiếm chém rắn, Sử Hy Nhan viết: “Thanh kiếm này, hợp đức tinh chính của hào Lục quẻ Khôn, đủ khí kiên cường của hào cửu, quẻ càn”.

          Lê Văn Hưu với hai quẻ bĩ, thái trong Kinh Dịch đã cắt nghĩa sự chìm nổi của dân tộc trên con đường phát triển.

         Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi nhắc đến hai quẻ quan trọng nhất của Kinh Dịch “Càn khôn bĩ mà lại thái, nhật nguyệt hối mà lại minh”.

Việc bói toán theo Kinh Dịch trong xã hội Việt Nam đã được nhà sử học Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư (tr75)

          Phạm Sư Mạnh nói: “tra xét Âm, Dương, bọc thành triết ? hiếm thay cùng vận số” (Thơ văn Lý Trần, tập III), nói lên sự giao cảm vận chuyển của âm dương, sự sinh sôi nảy nở của muôn vật.

          Đào Sư Tích trong bài thơ Sao Cảnh Tinh dùng âm dương để giải thích sự sinh thành con người, sự nối tiếp và phát triển của xã hội…

 

Theo dòng khảo luận văn học trung đại Việt Nam, mặc dù trong phạm vi nhỏ, biểu hiện cũng chỉ rải rác ở góc độ từ ngữ, hình tượng của văn bản, nhưng cũng cho thấy ảnh hưởng rõ nét của Tống Nho đến thơ văn trung đại.

          Nhắc đến các nhà Nho am hiểu sâu sắc Đạo học, bên cạnh Nguyễn Bỉnh Khiêm, các nhà nghiên cứu thường nhắc đến Chu Văn An, Ngô Thì Nhậm, Trịnh Tuệ, Lê Quý Đôn. Thế kỷ XVII, tác giả Ngô Thì Nhậm không đem phần vũ trụ luận của Phật, Lão, Trung Dung hợp thành các phạm trù của mình, trang bị cho mình như các học giả đời Tống đã làm. Ông chỉ sử dụng các phạm trù mà Tống Nho đã tạo dựng như Tâm, Tính, Lý, Đạo để giải thích trở lại các quan điểm triết học của Phật giáo. Điểm này Ngô Thì Nhậm có chỗ thuận lợi vì chính các bản thể, các phạm trù vừa nêu đã được học giả đời Tống kiến lập trên cơ sở vay mượn mô thức tư duy và các quan điểm triết học của Phật giáo. Tống Nho đã đem quan niệm về Phật tính trừu tượng để khái quát và trừu tượng hoá về nhân tính. GS. Trần Đình Hượu rất có lý khi cho rằng cách làm của Ngô Thì Nhậm không vượt ra ngoài quỹ đạo của Chu Hy. Tuy nhiên, đây là một cố gắng dung hợp tôn giáo ở tầng thứ nhận thức bản thể.

          Trịnh Tuệ cũng sử dụng các phạm trù của Tống Nho để chứng minh tương đồng tôn giáo. Ông hướng tới quán thông các con đường tu dưỡng và thể hiện đạo của thế giới trong một chữ Lý của Nho gia. “Giữ tâm nuôi tính rồi suy ra mà dựng đặt những cương lĩnh lớn, giúp đỡ nền hoá dục lớn, đó là tính của Nho. Tỏ rõ tâm tính rồi đi đến phổ độ chúng sinh, thoát ly bể khổ, đó là Lý của nhà Phật. Sửa mình luyện tính rồi đi đến chỗ vượt ra ngoài sự vật, đứng ra ngoài cõi trần, đó là lý của Đạo gia” (Tôn giáo nhất nguyên thuyết)

          Thực tế lịch sử ở nước ta, khi tầng lớp sĩ hình thành, trở thành tầng lớp xã hội quan trọng thì tư tưởng Tống Nho, văn chương Bát đại gia đã trở thành điển phạm, việc đi học, đi thi đều lấy đó làm chuẩn. Loại người nửa triết gia, nửa thi nhân thành mẫu người trí thức. GS. Trần Đình Hượu nhận định: Triết gia là với ý nghĩa phân biệt với làm khoa học, học thuật chứ không phải với ý nghĩa người sáng tạo tư tưởng. Người trí thức đó thực ra là thi nhân nhiều hơn triết gia. Nguyễn Bỉnh Khiêm tiêu biểu cho người trí thức như vậy.

         Theo Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí): Lịch sử Việt Nam - đời Trần có Chu Văn An giỏi về Đạo học. Thế kỷ XVI có Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sang thế kỷ XVIII có Lê Quý Đôn, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng dòng phái học thuật. Theo các tài liệu chúng tôi tổng hợp được, trong các danh Nho của thế kỷ XVIII, nhiều người theo tư tưởng Đạo gia, Đạo giáo nhưng hỗn dung cả Nho – Phật - Đạo như Ngô Thì Sĩ, Trịnh Tuệ, Lê Quý Đôn, Phan Huy Tích, Lê Hữu Kiều (theo Đạo nhưng sau thờ Phật), Lê Huy Oánh, La Sơn phu Tử Nguyễn Thiếp từng dụng công luyện đan…Về Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp thì có thể nói chắc rằng, họ cùng nghiên cứu Lý học đời Tống. Tuy nhiên, giữa hai phương diện lý khí và tâm tính thì có vẻ Nguyễn Thiếp chú trọng nhiều về tâm tính, tức là việc thực hành luân lý, đạo đức. Trái lại, Nguyễn Bỉnh Khiêm khai triển tư tưởng theo hướng lý khí, đi vào các vấn đề hình nhi thượng của triết học, như khởi nguyên của trời đất, những thuộc tính mâu thuẫn, đối lập hằng thường của sự vật, nguyên lý lưu động, chuyển hoá của vạn vật…Tất nhiên, khi nhìn vào con người và bản tính của nó, nhiều chỗ ông cũng nhắc lại những quan niệm “thiên chân”, “thiên tính”, “thiên lý nhân dục”…

         Ở Việt Nam, người được coi là am hiểu thực sự về Tống Nho, Đạo học ở thế kỷ XX cho đến nay chỉ có GS. Cao Xuân Huy. Trong công trình nghiên cứu để lại Tư tưởng phương Đông – gợi những điểm nhìn tham chiếu, ông trình bày khách quan về triết học Tống Nho, ảnh hưởng của Tống Nho đến Lê Quý Đôn…mà không thể hiện thái độ khen hoặc chê. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu của Việt Nam khi tìm hiểu tư tưởng Tống Nho của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng: Tống Nho so với Nho giáo những thời kỳ trước thực ra là một bước thụt lùi, bởi nó đi vào siêu hình học bằng cách vay mượn những phạm trù Phật, Lão mà không đóng góp được gì thêm về mặt tư tưởng. Thực ra, đặt Tống Nho vào quá trình phát triển logic của triết học Trung Quốc, chúng ta thấy không hoàn toàn như vậy. Trên thực tế, Nho học mà chúng ta nói ở đây không phải nhất thành bất biến. Nó là một thứ kết cấu động thái, một hệ thống mở. Nó tùy theo tình hình cụ thể của các thời kỳ lịch sử khác nhau mà không ngừng phát triển, biến hóa và tự hoàn thiện. Trung Quốc ở thời Xuân thu – Chiến quốc (770 – 221TCN) là thời kì phát triển rực rỡ nhất của triết học, thời kỳ phồn vinh “Bách gia tranh minh”, trăm hoa đua nở. Thời điểm này đã xuất hiện các cuộc luận chiến của các hệ thống triết học độc đáo như Nho gia, Mặc gia, Pháp gia, Âm Dương gia…Nội dung tranh biện chủ yếu thông qua mệnh đề: giữa “trời với người”, “danh và thực”…Đời Hán, nhờ công lao của Đổng Trọng Thư nên Nho học độc tôn. Đến thời Nguỵ Tấn, khi huyền học thịnh hành, mới bắt đầu xuất hiện cục diện chân vạc Nho, Phật, Đạo. Phật, Đạo có phần lấn át tầm ảnh hưởng của Nho gia. Do đó, đến thời Tuỳ Đường, các Nho sĩ tìm cách tác động và hợp lưu Nho, Phật, Đạo. Điều này đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển triết học. Phật học ngày càng bị dung hoá đi, còn Nho gia thì hấp thu được phần sinh khí mới. Các danh sĩ Tống Nho rút kinh nghiệm từ Hàn Dũ, quá phê phán Phật Lão, còn Lý Cao lại thâu thái quá nhiều thuật ngữ Phật giáo khi nghị luận về triết học. Cách làm này của Tống Nho, về mặt triết học toàn thể nói chung, thì đúng là chưa phát triển thêm gì mới. Quan trọng là nó đã hệ toàn được diện mạo Nho học, từ đây, Nho học có thêm phần hình nhi thượng bên cạnh hình nhi hạ tồn tại đơn độc suốt mấy nghìn năm.

          Đối với xã hội Việt Nam thời kỳ Trung đại, ảnh hưởng của Nho giáo đã được lịch sử chứng minh, nhất là đối với tầng lớp Nho sĩ. Có thể khẳng định, Nho giáo đã tạo ra cho các nhà tư tưởng phong kiến Việt Nam một thế giới quan, cách nhìn nhận và tư duy trong suốt thời kỳ trung đại. Từ trước đến nay, ở nước ta, Nho giáo nói chung, trong đó có Tống Nho chủ yếu được nghiên cứu ở các khía cạnh chính trị - xă hội, đạo đức, mà ít được xét ở góc độ nhận thức luận. Vì vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của nhận thức luận Tống Nho tới các nhà Nho ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề mở cần nhiều nhà khoa học quan tâm.

 

Chú thích

(1). Chu Hi (朱熹) tự là Nguyên Hối, hiệu là Hối Am, sinh ngày 18 tháng 10, 1130 tại Vưu Khê, Phúc Kiến,Trung Quốc – mất ngày 23 tháng 4, 1200. Ông là người đã phát triển học thuyết lí - khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa lí học lên thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu lí học.

 

Tư liệu tham khảo:

1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hội đồng lịch sử Hải Phòng, Viện Văn học Việt Nam, NXB Hải Phòng 2001

2. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thơ văn Lý Trần(1989), tập II, Quyển thượng, NXB KHXH, Hà Nội

3. Nhiều tác giả, Thơ văn Lý Trần, tập I, NXB KHXH, Hà Nội, 1977

4. Nhiều tác giả, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Về tác gia và tác phẩm, NXB GD, 2003

5. Nhiều tác giả, Nho giáo ở Việt Nam, Viện nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam), Viện Harvard – Yending (Hoa Kỳ), NXB KHXH, Hà Nội 2006

6. Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, Nd: Lê Anh Minh, quyển I. Thời đại Tử học, NXB KHXH, 2006

7. Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Thanh Niên, 2007

8. Mộng Bồi Nguyên, Hệ thống phạm trù Lý học triết học phương Đông, ND: Tạ Phú Chinh, Nguyễn Văn Đức, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998

9. Bùi Văn Nguyên, Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại, Bùi Văn Nguyên, NXB Khoa học xã hội, HN 1971

10. Nguyễn Tôn Nhan, Nho giáo Trung Quốc, NXB Văn hoá thông tin, 2005.

 

Nguồn: Tạp chí Văn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét