Trang

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Sơ lược về hậu cung triều Nguyễn

#NhàNguyễn


Ảnh: Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi

Hậu cung triều Nguyễn ở khu vực nào

          Vị trí được gọi là "hậu cung triều Nguyễn", tức là nhóm 6 viện - gọi chung là "Lục viện" - nằm ở phía Tây Bắc trong Tử Cấm Thành. Hoàng thành Huế có hai dãy thành, mà khu vực sâu nhất chính là Tử Cấm Thành, cũng là nơi mà gia đình của Hoàng đế triều Nguyễn sinh hoạt chủ yếu.

           Hệ thống Lục viện ấy gồm: viện Thuận Huy, viện Đoan Thuận, viện Đoan Hòa, viện Đoan Huy, viện Đoan Trang và viện Đoan Tường. Các phi tần sẽ được chia ra vỏn vẹn trong 6 viện này, vào thời điểm đông nhất thì một viện chứa tới mấy chục người. Cho đến nay, kiến trúc và quy mô của từng viện quả thật còn là ẩn số, vì không chỉ chứa các phi tần, mà còn bao gồm cả Hoàng tử và Hoàng nữ của từng bà kèm các người nữ hầu. Hệ thống 6 viện này tương đối khép kín, quan trọng là phái nam không thể vào. Dẫu nhà Vua lúc nào cũng có Ngự tiền Thị vệ, song khi đến cửa bên ngoài Lục viện, thì ông sẽ thay tất cả Thị vệ bằng một nhóm Nữ binh trang bị nhẹ làm hộ vệ để đi vào Lục viện. Các vị Hoàng tử vốn ở cùng các bà, đến tuổi cũng phải ra học ở các nhà học khác, do vậy khu vực này hạn chế tối đa sự hiện diện của phái nam. Ngay cả các quan Cung giám, tức Hoạn quan, cũng chỉ phục vụ cho các bà Thái hậu và nhà Vua mà thôi. Bên cạnh đó, nhân lực Cung giám trong cung Nguyễn rất rất ít, đối lập hoàn toàn với triều Minh-Thanh của Trung Quốc. Do vậy hình ảnh hiểm độc, luôn ảnh hưởng đến các bà như trên phim khó có thể năng xảy ra dưới thời Nguyễn.

          Ngoài Lục viện, phi tần không thể ở chỗ khác. Những thông tin về “Phi ở Trinh Minh”, “Bà vợ cả ở điện Khôn Thái”, “Viện A viện B là cho tước X tước Y”,... là những nhầm lẫn xuất phát từ ghi chú trong Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H). Thực tế, tác giả khi ghi chú đã từng tự nhận “Có thể phạm sai sót”, bên cạnh đó thì thông tin về điện Khôn Thái ngay trong Thực lục cũng chỉ ra, nó là một dạng cung thất to, từng được Vua Hiệp Hòa đón mẹ ruột là Thụy tần Trương Thị Thận vào ở, rồi Vua Đồng Khánh còn từng muốn đưa bà Lệ Thiên Anh Hoàng hậu vào, trước khi đổi qua cung Trường Sinh. Việc duy nhất khiến điện Khôn Thái liên hệ với “vợ cả” của nhà Vua là việc đó từng là cung riêng của bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, vợ của Vua Gia Long. Còn như điện Trinh Minh, cùng điện Quang Minh là hai điện đối nhau ngay trước điện Càn Thành - tẩm điện của Hoàng đế. Xét về vị trí, tư duy ràng buộc phi tần cộng thêm việc Thực lục và Hội điển chưa bao giờ đề cập, việc tước Phi ở đó hoàn toàn không thể.

Những nhân tố của hậu cung triều Nguyễn

         Triều Nguyễn có hệ thống hậu phi rất phức tạp. Ngoại trừ bề trên là các bà Hoàng thái hậu, ngôi chính vị là Hoàng hậu, thì hạng Phi tần cho đặt ra 10 bậc có sách phong liệt vào hạng Cung giai, lại một nhóm Tần ngự không sách phong và cuối cùng là nhóm Nữ quan Cung tỳ.

          Rất nhiều thông tin từ sách báo cũ thuộc thế kỉ trước đã tạo nên định kiến nhà Nguyễn cấm kỵ việc lập Hoàng hậu. Thực tế ngôi Hoàng hậu, vợ cả của Hoàng đế, vẫn được soạn rất đầy đủ trong điển chương, vì vậy mới có Thừa Thiên Cao Hoàng hậu được lập vào năm Gia Long thứ 5, và dưới triều Bảo Đại có Nam Phương Hoàng hậu. Chỉ là các vị Vua nhà Nguyễn luôn rất coi trọng vị trí này, luôn ở tâm thế “đợi chờ người đủ đức” để tấn lập. Từ triều Đồng Khánh, vị trí Hoàng quý phi (皇貴妃) bắt đầu được xem như Hoàng hậu, khi lần lượt bà Thánh Cung của Vua Đồng Khánh và bà Hoàng quý phi của Vua Thành Thái được xem là [Hoàng đích mẫu], tức mẹ cả.

       Vị hiệu Hoàng quý phi lần đầu được định vào năm Minh Mạng thứ 17, cũng là lúc triều Nguyễn bắt đầu định lệ các bậc Cung giai. Các bậc Cung giai, dưới Hoàng quý phi là ở trên cả thảy, thì còn lại có 10 bậc, trong đó thì bậc Nhất giai và Nhị giai là tước Phi (), bậc Tam giai đến Ngũ giai là tước Tần (), bậc Lục giai là Tiệp dư (婕妤), bậc Thất giai là Quý nhân (貴人), bậc Bát giai là Mỹ nhân (美人), bậc Cửu giai là Tài nhân (才人), và bậc cuối cùng là Tài nhân vị nhập giai (才人未入階), có nghĩa là “Tài nhân không vào ban thứ”. Việc khẳng định Tài nhân vị nhập giai cũng thuộc hàng Cung giai chính thức là vì các bà này cũng có sách phong khi nhà Vua định hiệu. Thuộc về hạng này, thì các bà Tần ngự ấy sẽ có mức quy định cụ thể, lương bổng và đãi ngộ được cố định. Tước Phi và tước Tần, sẽ được định phong hiệu riêng, thứ tự của phong hiệu sẽ phản ánh vị trí thứ tự của từng người trong vấn đề cúng tế và sắp xếp.

          Dưới 10 bậc này là Cung nhân (宮人), Cung nga (宮娥) và Thị nữ (侍女), những nhân tố tuy cũng là Tần ngự nhưng không có sách phong bằng văn bản chính thức. Mức hạng Tần ngự này luôn là đông đảo nhất, họ có đãi ngộ riêng, có lương bổng tương đối cao, thế nhưng danh vị chính thức so với 10 bậc trên thì không có. Hạng người như Thị nữ thường xuyên chiếm tỷ lệ lớn nhất, và các Thị nữ này cũng rất nhiều người tuy được nhà Vua lâm hạnh nhưng không được xem là Tần ngự chính thức. Hai hạng Cung nhân và Cung nga thường được xem trọng hơn một chút, nhất là Cung nhân đa số là con gái nhà quan viên.

         Cuối cùng là các Nữ quan Cung tỳ. Các nữ quan là chức vụ quản lý Lục thượng (六尚), là cơ quan chuyên phụ trách các vấn đề sinh hoạt của Nhà vua, được đặt định lần đầu năm Minh Mạng thứ 17, và lại lần nữa sửa đối dưới triều Thiệu Trị. Theo thứ tự ban đầu, 6 cơ quan lần lượt là Thượng nghi (尚儀) giữ nghi lễ tiết văn; Thượng trân (尚珍) giữ châu ngọc quý báu; Thượng khí (尚器) giữ những đồ đạc quý; Thượng phục (尚服) giữ chầu nệm, giường màn; Thượng thực (尚食) giữ các loại bánh trái quà mọn và Thượng y (尚衣) giữ việc áo xiêm. Sau đó dưới triều Thiệu Trị, nhà Vua cho thay đổi Thượng thực thành Thượng diên (尚筵) vì tránh húy chữ “Thực” từ mẹ ông là bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu, sau đó lại tiếp tục sửa đổi thứ tự và cơ cấu trong Lục thượng. Các Cung tỳ, là các nàng hầu phục vụ cho các bà Tần ngự và trong các cơ quan Lục thượng.

Vai trò của các bà Nội đình

         Cách gọi “Các bà Nội đình” là nói đến Cung tần Phi thiếp triều Nguyễn nói chung. Trong ba hạng nhân tố được kể ở mục trên, thì những người có tước hiệu chính thức có tỷ lệ ít nhất.

        Theo thói quen của triều Nguyễn, bất luận con gái nhà quan hàm Nhất phẩm hay dân nữ nghèo hèn, khi sung vào cung thì bọn họ đều phải trải qua một cái gọi là “thử thách rèn luyện”, theo đó họ phải phục vụ trong cung đình một thời gian ở hàng Cung nhân, Cung nga hoặc Thị nữ, rồi xem xét thời gian phục vụ, có công lao gì (cụ thể là sinh con trai),... cuối cùng mới xét ban tước hiệu. Mà tỷ lệ được tước Phi, tước Tần là càng khó, thông thường chỉ là Quý nhân trở xuống, đại đa số những ai là Phi là Tần đều phục vụ lâu năm cho nhà Vua.

          Rất nhiều bài viết sơ lược về hậu cung triều Nguyễn cũng chỉ giới thiệu 9 bậc Cung giai, và cũng rất nhiều người xem lại xét hệ quy chiếu của cung đình triều Thanh để đánh giá địa vị của các Tần ngự triều Nguyễn. Thực tế hệ quy chiếu địa vị của hai triều đại này là khác xa nhau, mà nếu miễn cưỡng xem xét, thì Quý nhân, Thường tại trở xuống của triều Thanh chính là ngang với Cung nhân, Cung nga và Thị nữ của triều Nguyễn. Bởi vì cả “Quý nhân trở xuống của Thanh” cùng “Cung nhân trở xuống của Nguyễn” đều là thiếp hầu không được ban cho sách phong tước hiệu chính thức, và cũng là những hạng người thường xuyên không được xem là thành viên chính thức của hoàng gia. Bọn họ khi vào cung đều chịu số phận “sung vào hầu hạ”, phải có phẩm hạnh mới được gia phong. Những bà Nội đình triều Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị có không ít người là con gái công thần đại tộc, nhưng rất nhiều bà chỉ là hạng Cung nhân khi còn sống, và sau khi qua đời mới được truy tặng, thường đều là Tài nhân, cao nhất thì là Tiệp dư. Như vậy có thể thấy, được ban tước Tài nhân, hay Tài nhân vị nhập giai trong triều Nguyễn thôi là đã rất cao rồi.

         Càng có địa vị cao, thì trách nhiệm của các bà càng lớn, mà nhiệm vụ hàng đầu nhất của các bà chính là hầu hạ nhà Vua cùng các ngài Thái hậu bề trên. Theo sự thay đổi triều Thiệu Trị, chức vụ nữ quan quản lý từng Thượng phần nhiều đều do các bà Nội đình được sung nhiệm, những bậc cao như tước Phi cũng thường xuyên được giao việc xem xét ở từng Thượng, như bà Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (tức bà Từ Dụ Thái hậu) đã từng quản lý Thượng nghi khi còn là Phi, hay như bà Lệ Thiên Anh Hoàng hậu từng quản Thượng nghi, rồi có quyền quản chung cả Lục thượng khi là Hoàng quý phi.

          Nói là quản lý, thực ra các bà chỉ có vai trò đốc thúc, vì ở từng Thượng và từng cơ quan nhỏ bên trong đều có sự vận hành rất riêng và chặt chẽ. Các hệ thống nữ quan Lục thượng còn sẽ quản lý Cung tỳ - những người phục vụ trong các cơ quan Lục thượng và trong các ban, tổng cộng có 8 ban, chưa kể đến là các Nô nữ thuộc diện Cung nô. Có thể nói Lục thượng là cơ cấu quy mô, tỉ mỉ, phức tạp và quy tụ nhiều loại nhân tố nhất trong nội đình nhà Nguyễn.

Lệ cư xử và vị thứ

          Thời điểm nhà Vua cũ qua đời, nhà Vua mới lên ngôi, triều Nguyễn nghiêm ngặt để tang 3 năm, có nghĩa trong 3 năm đó thì từ Tần ngự đến quan viên đều phải mặc áo trắng để tang. Càng có quan hệ thân thích với Tiên Đế, càng phải mặc áo xấu nhất và để tang dài nhất.

         Vì lý do để tang rất lâu và đặc thù này của triều Nguyễn, trong vòng 3 năm đầu của một triều Vua mới, các bà Nội đình trong thời gian này tùy địa vị mà được “sung” vào 3 bậc là Cung tần (宮嬪), Cung nhân (宮人) hoặc Thị nữ (侍女), bởi vì trong thời gian này không thể diễn ra lễ sách phong, nhưng cũng không thể vì thế mà các bà lơi là việc phục vụ nhà Vua cùng Thái hậu. Sau khi thời điểm để tang đã qua đủ 3 năm, các bà mới được xét công lao mà gia ban tước hiệu. Có thể thấy, gánh nặng việc hầu hạ của các bà trong cung Nguyễn là cực kỳ lớn. Theo mật độ lễ lạc cúng tế, mỗi tháng trong năm đều sẽ có một lễ, công việc cúng tế các thứ đều phải chuẩn bị chu đáo và luân phiên suốt. Có thể thấy dù là không có tang hay có tang, nhiệm vụ hàng đầu của các bà Nội đình vẫn là hầu hạ cho Vua và Thái hậu. Vị thứ của các bà luôn trở thành đề tài của phim ảnh và tiểu thuyết, cứ có kiểu càng cao thì càng “một tay che trời”, “hô mưa gọi gió”, thậm chí chỉ cần một bà có được sự yêu thích bởi Vua là có thể “sai khiến” các bà khác. Nhưng cung đình cũng chỉ là một xã hội thu nhỏ, từ xưa đến nay đều dùng pháp độ và lễ giáo cai trị, huống hồ triều Nguyễn là cực kỳ coi trọng những khuôn phép này. Các bà Nội đình được chia ra ban thứ, không gì ngoài việc quy định “lấy lễ đãi người”, có công lớn thì có đãi ngộ như vậy. Vốn chỉ là khác nhau về lễ nghi và đãi ngộ, nhưng dưới con mắt người ngoài lại hay bị nhìn thành “Ai thắng ai thua, người sống ta chết” nhan nhản trên phim ảnh tiểu thuyết.

         Lệ cư xử được quy định dưới thời Tự Đức cũng cho thấy phần nào “khoảng cách” giữa các bà chỉ là thuộc về lễ nghi. Hoàng quý phi là đứng trên tất cả, có thể xem là Chính cung, nhưng đều sẽ đáp lễ lại toàn bộ các bà tước Phi và tước Tần, từ Tiệp dư trở xuống thì Hoàng quý phi không cần đáp lại. Còn tước Phi và Tần yến kiến nhau, cũng như Tiệp dư trở xuống yết kiến nhau, đều là vái chào và đáp lại như nhau. Chỉ khi Tiệp dư trở xuống yết kiến tước Phi và tước Tần thì chủ động vái trước, sau đó tước Phi và Tần cũng đáp lại. Có thể thấy rõ, lễ nghĩa giữa các bà vẫn nhấn mạnh sự tôn trọng lẫn nhau, không có địa vị nào quá tuyệt đối. Giữa các Phi và Tần tuy lại chia thêm bậc Giai, thứ tự phong hiệu cũng có trên dưới, thế nhưng chỉ là thiên về phân biệt vai vế, chứ không phải ai có quyền trội hơn ai. Người có quyền tuyệt đối nhất không ai khác chính là các bà Thái hậu - bậc trưởng bối cao quý nhất trong các triều đại.

         Bên cạnh cư xử, xưng hô cũng là một vấn đề. Nhìn chung, tước Phi và tước Tần chỉ cần gọi tước hiệu, như “Giai phi”, “Lệnh phi”, “Thận tần”,... trong đó thì “Tần” phải đọc thành “Tân” do kỵ húy Chúa Nguyễn Phúc Tần, người được nhà Nguyễn truy tôn Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế. Từ tước Tiệp dư đến Vị nhập giai đều là tên tước kèm họ, còn Cung nhân trở xuống đều xưng “Thị” kèm tên. Trừ những người được ban tên đẹp, đại đa phần đều là tên một chữ, đây cũng là một điểm cực kỳ đặc trưng của triều Nguyễn, huống hồ các vị Vua đều thường hay gọi thẳng tên các bà, cho dù kẻ hầu đều không dám. Việc gọi thẳng tên có đề cập hẳn trường hợp của bà Từ Dụ Thái hậu, khi còn là Quý phi được Vua Thiệu Trị yêu, cho nên “Phàm khi lên chầu hay triệu hỏi, đều chỉ gọi là ‘Phi’ chứ không gọi tên”. Như vậy có thể thấy, trong sinh hoạt bình thường thì đại đa số nhà Vua triều Nguyễn vẫn gọi các bà bằng tên dù các bà có tước vị hay chưa, ưu ái mới chỉ gọi bằng tước vị riêng. Và đây cũng là lý do vấn đề tên của các bà triều Nguyễn được ghi lại tương đối đầy đủ, bởi vì các kẻ hầu trong cung phải nhớ mà kiêng tránh.

        Về vấn đề tự xưng, các bà đều xưng “Tôi” hoặc “Chúng tôi”, kính gọi nhà Vua là “Ngài”, “Ngài ngự” hoặc “Thánh thượng” hay “Hoàng thượng”, vì ở diễn Nôm thì “Tôi” đồng nghĩa với “Thần” trong chữ Hán (là chữ ). Nhà Vua ngoài gọi tên các bà, thì hay gọi “Khanh” hoặc “Bà”, ngẫu nhiên khi thân mật thì các bà có thể tự gọi là “Em”, nhưng không phổ biến lắm vì ý thức thân phận ngày xưa không cho phép sự “quá phận” này. Điều này cũng thể hiện qua sự dạy dỗ của bà Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu, được ghi lại trong “Tùng Thiện vương, tiểu sử và thi văn” bởi Ưng Trình - cháu của Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Theo Ưng Trình ghi lại, bà Thục tần khi giáo dục con trai, không dám dạy con thân phận “Cha con” của ngài Tùng Thiện đối với Vua cha, mà chỉ dạy phận “Vua tôi” mang ý phục tùng cung kính. Vua Minh Mạng vì chuyện này còn khen ngợi bà Thục tần biết lễ nghĩa.

         Những kẻ hầu đối với các bậc bề trên tuy nhìn chung là kính xưng, nhưng đối với từng loại thân phận chủ nhân khác nhau cũng sẽ có xưng hô khác nhau. Ví dụ một chút, chỉ duy nhất nhà Vua mới được kính xưng là “Tâu” khi kính lên trên, còn các ông Hoàng bà Chúa (tức là Hoàng tử và Công chúa) thì thường là “Gởi”, các bà Nội đình thì thường là “Bẩm” hay “Thưa”,... Việc này không phải là dạng thích dùng thế nào là dùng, nếu phạm phải cũng rất dễ bị trị tội.

Số mệnh của các bà Tiền triều

         Các vị Vua nhà Nguyễn đời nào cũng có rất nhiều Tần ngự, có danh phận lẫn không có danh phận đều cực kỳ nhiều, do vậy triều đình luôn đề cập cụm từ “Cung tần triều trước” trong đãi ngộ và ban thưởng.

         Khác với triều Thanh, các bà cung phi của triều trước không được gọi là “Thái phi”, “Thái tần” mà là tước vị vốn có, ví dụ ai là Tài nhân thì vẫn là Tài nhân, ai là Tần thì vẫn là Tần, chỉ là họ được đưa riêng ra gọi là nhóm “Cung tần triều trước” mà thôi. Hoặc nếu như có được nhà Vua mới gia tôn thêm tước cao hơn trong hệ thống Cung giai thì gọi theo tước mới ấy. Ngoại trừ Thánh mẫu cùng Hoàng mẫu, các bà triều trước đều sẽ được đưa đến một nơi cụ thể xa khỏi Lục viện, nhằm chuẩn bị bổn phận đến hết toàn bộ quãng đời còn lại của mình: mà là tước vị vốn có, ví dụ ai là Tài nhân thì vẫn là Tài nhân, ai là Tần thì vẫn là Tần, chỉ là họ được đưa riêng ra gọi là nhóm “Cung tần triều trước” mà thôi. Hoặc nếu như có được nhà Vua mới gia tôn thêm tước cao hơn trong hệ thống Cung giai thì gọi theo tước mới ấy. Ngoại trừ Thánh mẫu cùng Hoàng mẫu, các bà triều trước đều sẽ được đưa đến một nơi cụ thể xa khỏi Lục viện, nhằm chuẩn bị bổn phận đến hết toàn bộ quãng đời còn lại của mình: thờ phụng nhang khói cho Tiên Đế. Đây là một lệ cực kỳ gắt gao của triều Nguyễn, kéo dài đến tận thời Khải Định. Sau khi bài vị của các vị Vua được đưa lên điện Phụng Tiên, thì các bà sẽ chuyển đến đó sống trong các nhà viện xung quanh để tiện phụng thờ linh vị và hầu hạ các bà Thái hậu, có một số được cho phép lên thẳng lăng viên, và một số nhỏ được cho phép đến ở cùng con trai cả trong phủ. Có một trường hợp nữa là cho về nhà và gả chồng khác, nhưng những người này căn bản chưa từng được xem là Tần ngự chính thức, và sau khi qua đời thì triều đình sẽ không phụ trách mai táng nữa.

         Những ai là Thánh mẫu và Hoàng mẫu? Đây chính là các “mẹ” của nhà Vua mới. Triều Nguyễn thường không lập ngôi Hoàng hậu chính danh, nhưng dựa theo di chiếu của Tiên Đế, việc tấn tôn cho các bà được diễn ra rất quy củ. Thông thường, các triều đại chỉ có Hoàng mẫu (皇母), tức là người mẹ sinh ra vị Vua tương lai, sau khi mãn tang 3 năm thì chính danh trở thành Hoàng thái hậu. Tuy nhiên triều Nguyễn lại có 3 lần đề cập thêm người mẹ khác ngoài Hoàng mẫu, tức là Thánh mẫu (聖母). Đó là các bà Lệ Thiên Anh Hoàng hậu triều Tự Đức, Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu triều Đồng Khánh (tức bà Thánh Cung) cùng bà Hoàng quý phi Nguyễn Gia thị triều Thành Thái. Trường hợp bà Lệ Thiên, đó là do Vua Tự Đức di chiếu cho Vua Dục Đức, nghị tôn làm Hoàng thái hậu với tư cách Hoàng mẫu, nhưng Vua Dục Đức lại bị phế. Khi Vua Kiến Phúc lên ngôi, vừa muốn tôn bà Lệ Thiên làm Hoàng thái hậu theo di chiếu, vừa muốn tôn bà Học phi Nguyễn Văn Thị Hương làm Hoàng thái phi vì là Hoàng mẫu, do vậy xưng gọi bà Lệ Thiên thành “Thánh mẫu”, biểu thị vị trí ở trên bà Học phi. Bà Phụ Thiên, được Vua Khải Định gọi “Thánh mẫu” và tôn làm Hoàng thái hậu, trong khi mẹ ruột nhà Vua là “Tiên mẫu” trở thành Hoàng thái phi. Còn như bà Nguyễn Gia thị triều Thành Thái, vì nhà Vua bị ép thoái vị mà không phải qua đời, Vua Duy Tân chỉ tạm gọi là Hoàng đích mẫu (皇嫡母), sau đó Vua Khải Định phế đi tước hiệu.

          So với các bà cung tần khác, thì các bà Thánh mẫu và Hoàng mẫu chính là “người chiến thắng” trong nhóm triều trước, bởi vì triều đại nhà Nguyễn luôn coi chữ “Hiếu” làm đầu, hơn nữa các Thánh mẫu và Hoàng mẫu lại có thân phận chính danh nhất. Và tuy các bà cung tần cũng có sự tôn trọng nhất định từ nhà Vua mới, nhưng các bà Thánh mẫu và Hoàng mẫu chính xác là những nữ chủ nhân thật sự của cung đình triều Nguyễn.

Nguồn: Nam Văn Hội Quán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét