Trang

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

ĐỀ ÁN CHỐNG DỊCH CỦA DƯỢC SỸ NGUYỄN DUY NHƯ

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, Ngày 01 tháng 9 năm 2021
KÍNH GỬI: BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 QUỐC GIA
Tôi tên là Nguyễn Duy Như, dược sỹ cao cấp Trường ĐH Dược Hà Nội, tốt nghiệp năm 1998
Dịch Covid 19 đang gây thiệt hại rất lớn về người và của cho nước ta, số người chết ngày một tăng và thiệt hại kinh tế rất lớn. Là một người dân Việt Nam, tôi thấy mình phải có phần trách nhiệm chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân dập dịch. Tôi xin mạo muội gửi đến Lãnh đạo về quan điểm cá nhân của mình ứng phó với dịch bệnh trong tình hình hiện tại như sau:
A) SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC VỆ SINH MŨI HỌNG VÀ ÁP DỤNG Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐỂ CHỐNG DỊCH COVID 19
I) Về virus SARS-CoV-2 đang gây ra dịch Covid-19
1. Đặc tính cơ bản của virus SARS-CoV-2.
SARS-CoV-2 là một loại virus cúm nên có những đặc tính như sau:
- Virus chỉ tấn công tế bào hệ hô hấp và điểm khởi phát đầu tiên luôn ở trên bề mặt niêm mạc khu vực khoang mũi, họng. Do đó, chỉ cần tập trung bảo vệ thật tốt vùng mũi họng và coi đây là yếu tố then chốt chống dịch.
- Virus không lây qua da hay hệ tiêu hoá, bởi đây không phải là nơi virus khởi phát gây bệnh. Do vậy, không cần phải mặc đồ bảo hộ toàn thân vốn gây mất sức rất nhiều cho các bác sỹ
- Virus chỉ nguy hiểm đến tính mạng khi nó tấn công xuống phổi. Nếu không, nó cũng chỉ như những chủng virus cúm thông thường, thậm chí triệu chứng bệnh có thể nhẹ hơn. Do vậy, cần triệt để khống chế virus ngay từ lúc chúng bám được vào niêm mạc mũi họng, không để chúng tấn công phổi.
2. Điểm yếu của virus mà chúng ta có thể tác động để làm giảm hay mất hoạt lực của chúng: virus SARS-CoV-2 có lớp vỏ ngoài là một màng phospholipid kép hình cầu và các mảnh protein đính trên đó. Lớp vỏ hình cầu này giúp virus ổn định hơn, tồn tại lâu hơn, nhưng cũng là điểm yếu chí mạng của chúng. Do cấu tạo từ lipid kép, nên các chất tẩy rửa (xà phòng, các chất diện hoạt), nước muối sinh lý, hay các loại tinh dầu có thể dễ dàng làm biến dạng vỏ này, từ đó làm giảm hoặc làm mất hoạt lực của virus với tế bào vật chủ.
II) Các chốt chặn có thể ngăn virus gây hại cho cơ thể.
Từ các nhận định nêu trên chúng ta cần xây dựng các nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19 theo các mức ưu tiên như sau:
- Không để lây nhiễm
- Khi bị nhiễm không để tấn công phổi
- Khi đã bị tấn công phổi thì hạn chế thấp nhất tử vong.
a) Không để lây nhiễm:
Xây dựng chốt chặn đầu tiên (tạm gọi là hàng rào chống xâm nhập) để ngăn ngừa virus bám dính vào nơi gây bệnh là niêm mạc khoang mũi họng. Tốt nhất để làm việc này là đeo khẩu trang thường xuyên, giữ khoảng cách và hạn chế tụ tập đông người. Hiện nay, biến thể Delta đã có kích thước to hơn hẳn các biến thể trước, điều đó giúp virus ổn định hơn, tồn tại trong không khí lâu hơn. Thế giới đã thừa nhận biến thể này lây như thủy đậu và cúm. Do vậy, các biện pháp giãn cách xã hội cực đoan chắc chắn không làm hết F0, trong khi lại gây thiệt hại kinh tế rất to lớn và làm đảo lộn đời sống người dân, đẩy cuộc sống của đại đa số người lao động vào con đường bần cùng.
Cần thay đổi thông điệp truyền thông để người dân hiểu rõ và sâu hơn vấn đề chống nhiễm bệnh. Rõ ràng, virus chỉ gây bệnh khi bám được vào niêm mạc hô hấp, trong đó khoang mũi họng là nơi đầu tiên. Vậy mà chúng ta quá nhấn mạnh vào rửa tay và khử khuẩn. Thực chất thì tay chân hay quần áo và vật dụng có virus nhưng mũi họng không có thì vẫn không nhiễm bệnh. Do vậy, cần đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ thật tốt vùng mũi họng bằng khẩu trang đạt chuẩn và dùng đúng cách. Đặc biệt, cần bỏ quy định bác sỹ mặc đồ bảo hộ áo liền quần dùng một lần, vì vốn tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả chống lây nhiễm mà còn làm tổn hại sức khoẻ.
b) Khi đã lây nhiễm không để Covid-19 tấn công đến phổi
Khi virus đã bám được vào niêm mạc mũi họng thì cần có chốt chặn thứ 2 được thiết lập ngay tại đây nhằm làm giảm hoặc mất hoạt lực của virus ngay khi chúng vừa bám vào niêm mạc. Tại thời điểm mới lây nhiễm, lượng virus thường ở mức thấp. Sẽ thật sai lầm, nếu chúng ta "mặc kệ" virus phát triển trong giai đoạn này. Thường xuyên thụt rửa khoang mũi và súc họng thật kỹ nhiều lần bằng nước muối ấm (nồng độ 0,9% đến 1%) có thể giảm đáng kể số lượng hạt virus vừa được sinh ra tại đây. Ngoài ra, xông hơi với tinh dầu sả chanh, húng chanh, quế hay hương nhu… cũng có thể làm giảm tải lượng virus, nhất là vùng niêm mạc sâu bên trong, niêm mạc phế quản và phổi, nơi mà nước muối không tiếp cận được. Về mặt khoa học đã chứng minh tinh dầu kết hợp với hơi nước nóng có thể vô hiệu hóa virus nhờ tác dụng làm biến dạng lớp vỏ ngoài phospholipid kép. Thực tế thì biện pháp này đã được áp dụng từ ngàn đời nay trong văn hóa của người Việt. Theo kinh nghiệm dân gian của ông cha ta, khi bị cảm cúm (cảm lạnh), xông lá (sả chanh, hương nhu, tía tô…) là một bài thuốc cổ truyền giúp chữa bệnh vô cùng hiệu quả. Sau khi xông, người bệnh sẽ thấy thông thoáng đường thở và nhanh khỏi bệnh.
Biến thể Delta gây tử vong nhanh vì nồng độ virus tại mũi họng tăng rất cao trong thời gian ngắn, do vậy chốt chặn thứ 2 này tối quan trọng để giảm nguy cơ tử vong và phải được thực hiện quyết liệt.
c) Khi SARS-CoV-2 đã tấn công phổi thì cần hạn chế thấp nhất tử vong
Khi virus đã xâm nhập sâu vào cơ thể thì hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ virus trong máu. Có thể coi hệ miễn dịch là chốt chặn cuối cùng của cơ thể chống lại virus. Do vậy, tiêm vaccine là giải pháp tối quan trọng để trấn áp dịch bệnh và hạn chế nguy cơ tử vong.
Cần ưu tiên nguồn lực để chuẩn bị tốt thiết bị cứu chữa bệnh nhân nặng như máy thở, nguồn oxy, tăng cường bổ sung các đơn nguyên ICU, bổ sung thiết bị can thiệp ECMO… để làm giảm nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, cần coi trọng miễn dịch tự nhiên của mỗi người. Có thể nhận thấy, cùng tiếp xúc nguồn bệnh nhưng người dương tính người không. Đó là do miễn dịch tự nhiên của mỗi người. Do vậy, cần để dân tập thể dục ngoài trời, không nên cấm. Việc giãn cách cực đoan và cấm tập thể dục ngoài trời làm giảm nền tảng sức khoẻ cả thể chất đến tinh thần của người dân.
Qua phân tích trên, có thể thấy chốt chặn đầu tiên là phòng dịch thụ động, giống như việc dựng hàng rào rồi núp sau hàng rào đó và cầu mong "kẻ địch không trèo qua". Chốt chặn thứ hai là chủ động tấn công "địch" ngay khi "địch vừa đặt chân lên đất mình, đang hạ trại và chưa ổn định đội ngũ". Chốt chặn thứ 3 là lớp phòng thủ sau cùng, nằm sâu trong nội địa, chiến đấu chống lại kẻ địch khi địch đã tiến sâu và tràn ngập lãnh thổ.
Chốt chặn thứ 2 quan trọng nhất, nó rẻ nhất và dễ thực hiện nhất. Điều này đặc biệt quan trọng, vì chốt này nếu làm tốt sẽ chặn được các loại virus biến thể, điều mà cả thế giới đang lo lắng và theo dõi, rất có thể sẽ có biến thể kháng lại vaccine hiện tại.
III) Chiến lược chống dịch trong tình hình hiện nay
Đã có bằng chứng rõ rệt rằng, biến thể Delta lây qua không khí như thuỷ đậu và cúm mùa. Do vậy, việc giữ khoảng cách 2-10m không còn ý nghĩa nhiều, rất khó truy vết F0 và có thể khẳng định không thể loại bỏ virus ra khỏi đời sống. Ngoài khả năng lây lan mạnh thì biến chủng này cũng gắn kết mạnh hơn vào tế bào nên thời gian ủ bệnh ngắn, tấn công phổi nhanh nhờ tải lượng virus rất cao ở mũi họng. Việc cách ly tập trung vô tình trở thành "ổ lây nhiễm" làm tăng số người mắc bệnh, từ đó gây quá tải cho công tác điều trị và tăng tỷ lệ tử vong. Người ở trong khu cách ly tập trung rất dễ bị lây nhiễm với chủng Delta và họ cũng thiếu điều kiện tự chăm sóc so với ở nhà, nên bệnh dễ chuyển nặng và gây tử vong cao.
Chúng ta cần sớm nhận định rằng virus SARS-CoV-2 không thể bị biến mất và khó có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng từ việc tiêm vaccine. Thế giới đang dần tiếp cận theo hướng này. Nếu chúng ta chậm trễ thì thiệt hại là vô cùng lớn cho nền kinh tế và sinh kế của người dân. Do vậy, thay vì đuổi theo chúng thông qua việc truy vết bằng xét nghiệm diện rộng rồi cách ly, giãn cách, nên chăng chúng ta chống dịch theo hướng: Chấp nhận sống chung với SASR-CoV-2 và coi nó là một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa, và mục tiêu duy nhất là giảm số người tử vong do bệnh này. Như vậy, cần cá nhân hóa việc chống dịch, biến mỗi nhà là một "pháo đài" chống dịch, mỗi người dân là một "chiến sĩ chống dịch". Nhà nước chỉ làm tốt khâu cung cấp vaccine cho toàn dân, tuyên truyền trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh đúng đắn và tổ chức thật tốt khâu điều trị bệnh nhân nặng để giảm tỷ lệ tử vong.
Cụ thể:
1. Để hạn chế lây nhiễm cộng đồng:
Chỉ cần thực hiện tốt việc đeo khẩu trang thường xuyên và không tụ tập đông người. Không cần giãn cách xã hội, không cách ly tập trung và không phun khử khuẩn môi trường. Hãy để cuộc sống người dân trở lại bình thường. Nguồn lực dành cho cách ly tập trung hay sàng lọc RT-PCR dùng để tổ chức các đơn nguyên ICU, trang thiết bị cứu chữa bệnh nhân nặng…
Công tác truyền thông cần nhấn mạnh việc vệ sinh mũi họng mỗi ngày bên cạnh việc đeo khẩu trang và không tụ tập đông người. Bởi, virus chỉ gây bệnh khi nó bám được vào niêm mạc mũi họng. Do vậy, tất cả các cơ quan, công sở đều bắt buộc mọi người phải súc rửa mũi họng khi vào làm việc và khi ra về, đồng thời đeo khẩu trang toàn thời gian trong giờ làm việc.
2. Để giảm số ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong:
Tiêm vaccine để tạo miễn dịch là một việc vô cùng quan trọng và then chốt nhằm giảm thiểu số ca tử vong. Nhưng, trong thời gian chờ tiêm đủ vaccine cho dân thì cần hướng dẫn người dân thực hiện thật tốt các phương pháp sau cũng có thể góp phần giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng cho ngành y tế. Đó là:
b) Rửa mũi họng thường xuyên mỗi ngày bằng nước muối sinh lý (0,9%) hoặc ưu trương nhẹ (1%): Pha khoảng 9 đến 10 gam muối tinh (2 thìa cà phê) với 1 lít nước sạch. Khi dùng thì cho vào lò vi sóng quay ấm khoảng 40 độ. Súc họng cần ngửa cổ súc thật kỹ vào sâu trong cổ họng rồi nhổ ra, rửa mũi thì dùng nước đó bơm vào mũi bên nọ cho chảy ra bên kia hoặc nhúng mũi hít thật nhẹ để nước muối dâng lên từ từ trong khoang mũi và chảy xuống họng rồi xì ra. Ngày rửa 2 lần sáng và tối. Mỗi khi tiếp xúc với người lạ, cần rửa ngay mũi họng như trên càng sớm càng tốt. Với người đang dương tính thì cách 1-2 giờ lại thực hiện việc trên để rửa sạch các hạt virus mới vừa được tạo ra nằm trên bề mặt niêm mạc. Với người dương tính, cần phải hiểu đây là một cuộc chiến. Nếu kẻ địch liên tục "bổ sung quân" thì chúng ta cũng phải liên tục tiêu diệt chúng, tranh thủ từng giờ chiến đấu với chúng cho đến khi "sạch bóng quân thù", không để địch lọt sâu vào phòng tuyến phía sau.
Cơ chế diệt khuẩn của nước muối rất đơn giản. Do chênh lệch áp lực thẩm thấu, nên khi virus hay vi khuẩn bị ngâm trong nước muối sẽ bị rút dịch nước từ bên trong ra bên ngoài làm méo mó lớp vỏ (giống như muối ô mai vậy), nhờ đó virus rất khó bám dính và không mở khóa tế bào vật chủ được nữa, nên bị rửa trôi xuống ruột hoặc xì ra ngoài. Điều đáng quý là cơ chế này không phân biệt biến thể hay chủng loại virus nào. Cũng vì cơ chế này, nên chúng ta cần "súc rửa" bằng nước muối mới đem lại hiệu quả cao nhất, phun xịt dung dịch nước muối không đem lại hiệu quả.
Khoang mũi là nơi chứa nồng độ virus cao nhất, cao hơn nhiều dưới họng, nên rửa mũi rất quan trọng và cần thiết…Việc rửa mũi họng mỗi ngày hoặc ngay sau khi tiếp xúc người lạ sẽ gần như ngay lập tức xóa sổ lượng vi rút chẳng may bám vào niêm mạc, từ đó hạn chế xuất hiện trường hợp F0 mới nên sẽ giảm nguồn lây. Biện pháp đó cũng làm giảm tải lượng vi rút trong mũi họng liên tục, phối hợp với hệ miễn dịch tự nhiên tiêu diệt nốt các hạt virus, nên sẽ rất nhanh để trở thành âm tính, tránh nguy cơ bệnh trở lên nặng. Tiếc là, trong các thông điệp chính thống hiện nay, chỉ nhắc nhẹ về việc súc họng, không đả động gì đến rửa khoang mũi và quá nhấn rất mạnh vào việc rửa tay. Đây là một truyền thông lệch hướng.
c) Mỗi tuần xông hơi ít nhất một lần: Dùng 500g sả chanh tươi kết hợp lá hương nhu, lá bưởi (nếu có) cho vào nồi lẩu rồi bật đun sôi, điều chỉnh nhiệt lượng qua chế độ đun. Lấy ghế nhỏ ngồi quay mặt về hướng bốc hơi của nồi nước rồi trùm chăn để xông từ 5 đến 10 phút. Nếu có điều kiện, nên mua tinh dầu sả chanh, quế, tràm nguyên chất sẽ tốt và tiện lợi hơn. Người dương tính chưa có dấu hiệu khó thở nên xông ngày 1 đến 2 lần cho đến khi test âm tính. Với người đang dương tính và có dấu hiệu khó thở, suy hô hấp, người đang sốt, nhịp tim cao, cao huyết áp, giãn tĩnh mạch cần thận trọng khi xông toàn thân. Khi đó, chỉ cần xông vùng mặt để tinh dầu và hơi nóng vào sâu trong mũi họng là được. Khoa học đã chứng minh các chủng cúm nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng hoạt động mạnh ở nền nhiệt độ thấp và suy yếu dần khi nhiệt độ tăng. Đặc biệt, các chất terpene trong tinh dầu có ái lực rất mạnh với các chất lipid kép (phospholipid), vốn là thành phần cấu tạo nên màng virus corona, chúng làm tan chảy, biến dạng, phá vỡ tính ổn định của màng này. Đó là lý do mà hàng ngàn năm nay dân gian đã chứng minh, nếu bị cảm cúm mà để tự khỏi thì phải mất cả tuần, nhưng nếu xông kĩ thì chỉ 1 đến 2 ngày là dứt hoàn toàn mà không cần biết bị mắc chủng cúm gì. Điều này củng cố chứng cứ virus cúm nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng hoàn toàn có thể khống chế bằng hơi nóng và các loại tinh dầu.
Tại các bệnh viện dã chiến đang điều trị F0 cần lắp buồng xông hơi di động và luân phiên đưa các bệnh nhân vào xông nhiều lần trong ngày, kết hợp rửa mũi họng liên tục và ăn cháo nóng với nhiều hành, gừng sẽ rất nhanh hết virus
d) Dinh dưỡng phù hợp:
Ăn nhiều thực phẩm tạo năng lượng và có tính ôn ấm cơ thể như Bò, Dê, Gà, Trứng, Cá… kết hợp các gia vị cay nóng như Hành, Gừng, Tiêu, Tỏi, Tía tô, Quế, Hồi. Hạn chế ăn thực phẩm có tính hàn như Vịt, Ngan, Ốc, Ếch... Đông y cho rằng, bị cảm cúm là do nhiễm hàn lạnh. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ giảm miễn dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng sinh các hạt virus, nhất là virus cúm. Vì vậy các dược liệu có tính cay ấm như Quế, Hồi, Thảo quả, Độc hoạt, Địa liền, Xuyên khung, hạt Dổi… rất thích hợp giúp cơ thể chống lại SARS-CoV-2
e) Thường xuyên tập thể dục:
Ngày tập ít nhất 2 lần, mỗi lần 30 – 45 phút. Hít đất 10 - 20 cái và squat 40 – 100 cái mỗi lần hoặc chạy bộ ngoài trời. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đặc biệt quan trọng. Cần tập sao cho toàn thân nóng lên và toát mồ hôi sẽ kích thích hệ miễn dịch hoạt động mạnh.
f) Tập thở sâu nhiều lần trong ngày:
Mỗi sáng thức dậy còn chưa ra khỏi giường, khi ngồi thiền, khi đứng hoặc trước khi ngủ đều có thể tập thở sâu được. Nằm, ngồi hay đứng đều để lưng thật thẳng, lưỡi chạm hàm trên. Hít vào và tập trung tâm trí tưởng tượng luồng khí từ đỉnh đầu đi dọc xương sống và đẩy dần xuống dưới xương cùng rồi đến hậu môn. Khi hít vào cơ hoành được hạ từ từ xuống dưới theo dòng khí vào, đồng thời giãn cơ mông, cơ hậu môn. Hít vào đến tận cùng rồi giữ lại 3 giây ở đó (đếm thầm 1, 2, 3). Thở ra thì co thắt hậu môn, cơ mông, cơ đùi và cơ bụng, đẩy khí từ bụng dưới đi vòng đường bụng qua rốn, lên ngực rồi qua mũi, bụng hóp lại và cơ hoành dồn hết lên trên khoang ngực đẩy kiệt khí ra ngoài rồi dừng lại 3 giây. Lặp lại các bước trên. Mỗi lần thực hiện ít nhất 20 chu kỳ thở, càng nhiều chu kỳ thở càng tốt. Trong ngày càng luyện tập nhiều đợt càng tốt. Chú ý: Luôn luôn để tâm trí bám sát theo hơi thở vào ra, không để tâm trí bị phân tán.
Tập thở sâu thành thói quen rất quan trọng và có thể cứu mạng trong tình trạng phổi bị tổn thương không trao đổi đủ oxy. Bình thường trong mỗi nhịp hít và thở chúng ta trao đổi được 500ml không khí, trong khí dung tích phổi có thể thực hiện được 4500 đến 5000ml. Điều đó cho thấy, thông thường chúng ta chỉ sử dụng 10% khả năng trao đổi khí của phổi. Chỉ cần luyện tập để sử dụng đến 50% khả năng trao đổi khí của phổi thì khi phổi bị tổn thương nặng vẫn có thể sống sót. Dễ nhận thấy nhất là người đang bị khó thở do phổi bị tổn thương, thay vì lo lắng và gắng gượng thở gấp thì hãy để tâm trí thả lỏng, toàn cơ thể thả lỏng và tập trung thở theo cách trên sẽ thấy cảm giác ngộp thở biến mất, hơi thở điều hoà trở lại và không còn bị thiếu oxy nữa.
B - KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
I) Điều chỉnh thông điệp truyền thông chống dịch
Thông điệp mới phải là:
- Đeo khẩu trang thường xuyên, nhất là nơi công cộng, nơi đông người
- Rửa mũi, súc họng thường xuyên mỗi ngày
- Không tụ tập đông người
- Tập thể dục thường xuyên
Trong đó cần nhấn mạnh việc đeo khẩu trang và rửa mũi, súc họng.
II) Bổ sung thêm phương pháp điều trị
Đối với các ca F0 với triệu chứng nhẹ đang ở tại các khu cách ly tập trung hay trong các bệnh viện dã chiến cần thực hiện các biện pháp sau:
a) Cán bộ điều trị cần tuyên truyền, hướng dẫn và làm mẫu việc vệ sinh mũi họng thường xuyên mỗi ngày bằng nước muối sinh lý (0,9%) hoặc ưu trương nhẹ (1%): Pha các bình nước muối 1% mỗi bình khoảng 20 lít đặt bên ngoài cửa các khu vệ sinh, kèm theo cốc giấy dùng 1 lần. Hướng dẫn người bệnh rửa mũi họng liên tục (từ 10 lần trở lên mỗi ngày), đặc biệt là trước khi đi ngủ.
b) Thực hiện xông hơi tinh dầu cho bệnh nhân F0:
Cứ mỗi 100 người sẽ cần trang bị 3 lều xông hơi cá nhân (khoảng 1.800.000đ/lều). Mua tinh dầu Sả chanh, Quế, Tràm nguyên chất để xông cho người bệnh. Mỗi người vào xông từ 5 đến 10 phút, ngày xông 2 lần hết 10 đến 20 phút mỗi người. Mỗi lều 1 tiếng xông được từ 3 đến 5 người, ngày sẽ xông được từ 30 đến 50 người cho mỗi lều. Như vậy, nếu trung tâm có 500 người đang điều trị sẽ cần 15 lều xông cá nhân (27 triệu) và hết 1 lít tinh dầu sả chanh mỗi ngày (1 triệu). Mỗi lần xông xong, cần rửa mũi họng ngay lập tức nhằm tống xuất virus ra khỏi cơ thể
c) Thực dưỡng cho bệnh nhân:
Bệnh nhân F0 trong khi xông cần cung cấp khoảng 300-500ml nước mật ong gừng để tránh tụt huyết áp và đường huyết, giải độc cơ thể, kích thích miễn dịch. Như vậy cứ 100 người F0 cần 50 lít nước mật ong gừng cho mỗi lần xông (khoảng 5 lít mật ong và 5kg gừng tươi cho 50 lít nước). Một ngày xông 2 lần hết 100 lít (khoảng 2.000.000đ/ngày).
Sau khi xông bệnh nhân cần ăn cháo thịt bò với hành khô băm nhỏ, tiêu, ớt để bổ sung năng lượng, trục hàn, giải cảm và tăng lực. Cứ mỗi 100 người cần 75kg cháo cho mỗi lần xông. Ngày cần 150kg cháo (tương ứng khoảng 5.000.000đ) cho 2 lần xông.
d) Sử dụng thảo dược trong điều trị:
Các phương thang giải cảm, khứ hàn nên được sử dụng phụ để giúp cơ thể chống lại SARS-CoV-2. Đặc biệt là vị Nhung hươu có tác dụng rất tốt trong hồi phục dương khí, đẩy hàn lạnh, làm lành các tổn thương của cơ thể và tăng thể lực.
e) Cán bộ điều trị cần hướng dẫn người bệnh các bài tập thở sâu qua tọa thiền, thiền hành mỗi ngày tại trung tâm điều trị: Việc hướng dẫn người bệnh tập thở sâu qua tọa thiền hay thiền hành sẽ giúp bệnh nhân giải tỏa được tâm lý, tăng dung lượng hô hấp, từ đó hạn chế phụ thuộc oxy cưỡng bức. Việc tổ chức tập thở thông qua tọa thiền hay thiền hành còn giúp điều hoà tâm lý, tăng sự đoàn kết và khơi gợi tình thương yêu trong mỗi người.
Tổng chi phí cho một bệnh viện dã chiến 500 người khi áp dụng các phương pháp trên gồm:
- Đầu tư ban đầu (lều xông, bình đựng nước…): 30.000.000đ
- Chi phí cho một ngày (tinh dầu, nước, cháo, nước mật ong, nhân lực…): 35.000.000đ
- Chi phí cho nhân sự: khoảng 20.000.000đ (hai người)/đợt
- Điều trị cho đến khi âm tính (Dự kiến 7 đến 10 ngày sẽ âm tính hết): từ 300.000.000đ đến 400.000.000đ
Với mong muốn kiểm chứng các lý luận chống dịch nêu trên bằng thực tiễn tại các vùng dịch, tôi mong muốn được cho phép triển khai thí điểm tại một bệnh viện dã chiến hay một trung tâm điều trị Covid 19. Tôi không can thiệp vào điều trị chuyên sâu, không thay đổi phác đồ điều trị của Bộ Y tế, chỉ hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân chưa phải can thiệp ECMO theo phương pháp cổ truyền nói trên. Mọi chi phí hỗ trợ bệnh nhân và hỗ trợ bác sỹ theo phương pháp nêu trên tôi sẽ tự lo liệu. Chúng ta sẽ xét nghiệm tải lượng virus qua kỹ thuật RT-PCR sau mỗi 3 ngày. Nếu nồng độ virus giảm nhanh hơn nhóm chứng, thời gian âm tính rút ngắn hơn và giảm tỷ lệ chuyển bệnh nặng cần can thiệp ECMO thì có thể nhân rộng mô hình này ra các bệnh viện và trung tâm điều trị covid khác trên cả nước. Điều này sẽ giúp chúng ta vượt dịch bệnh một cách rất Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn!
DS. NGUYỄN DUY NHƯ
---
Bài viết rất hữu ích áp dụng vào thực tiễn cả vĩ mô lẫn cá nhân, nên chia sẻ rộng. Mình chỉ góp thêm ý kiến; không nên xông hơi toàn thân nhiều lần, vì sẽ gây mất nước, mất muối, rối loạn điện giải. Và, cũng đề phòng cho người cao huyết áp. Chỉ nên xông toàn thân 1 tuần một lần. Những lần khác, chỉ cần xông khu vực mũi họng (nhỏ tinh dầu vào tô nước nóng đã đặt sẵn trong bao nhựa, dùng phần bao còn lại để bao kín quá tai, rồi hít thở.) Khi đi đường nên bọc theo chai tinh dầu: bạc hà, khuynh diệp, dầu xanh… loại nào cũng được, thoa mũi và nếm vài lần trong một buổi, nhất là nơi cần cảnh giác.
Đó là lời góp ý của nhà nghiên cứu Li Li Nghệ, riêng tôi, nên uống bù nước điện giải (oresol, nước dừa...) sau khi xông (nếu xông nhiều lần trong ngày) để bù tân dịch cho cơ thể vì lượng mồ hôi thoát ra và... nhớ tránh gió lùa khi đang xông.
Kính chúc các bạn mạnh khỏe!
PS: Đối với trẻ em dưới 24 tháng tuổi, chỉ nên dùng dầu khuynh diệp để xông/thoa. Bởi, trong dầu khuynh diệp không có menthol, hoạt chất menthol (có trong tinh dầu bạc hà) sẽ làm cho trẻ dưới 24 tháng suy hô hấp, thậm chí ngừng thở. Xin cẩn trọng trước khi dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét