Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Sự vĩ đại của những cuộc đời giản dị

 

‘Những người khốn khổ’ – sự vĩ đại của những cuộc đời giản dị

Trong 150 năm qua, “Những người khốn khổ” của Victor Hugo đã khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học vĩ đại bậc nhất. Sự vĩ đại nằm ở chính những số phận tầm thường, cơ cực…

Trong 150 năm qua, Những người khốn khổ đã được dịch sang rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, được chuyển thể thành hàng chục tác phẩm điện ảnh, những vở nhạc kịch, vở múa ballet… Vở nhạc kịch Les Misérables hiện đang giữ kỷ lục là vở diễn lâu đời thường xuyên được diễn lại trên các sân khấu lớn của thế giới như tại West End (Anh) hay Broadway (Mỹ).

Những người khốn khổ (Les Misérables) của đại văn hào Pháp Victor Hugo xuất bản lần đầu năm 1862 là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn học thế giới. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Giăng Van-Giăng, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm thời trai trẻ.

Những người khốn khổ có nhiều nhân vật phụ với những mảnh đời khác nhau. Sợi dây nối những mảnh đời này lại là Giăng Vangiăng, người cựu tù khổ sai cố gắng sống một cuộc đời tốt đẹp nhưng không thể thoát khỏi quá khứ của mình.

Những người khốn khổ là tiểu thuyết mang tính hiện thực, sử thi, có tầm bao quát xã hội và cũng là bài ca về tình yêu. Xét về hiện thực, tiểu thuyết miêu tả thế giới của những con người nghèo khổ một cách chân thực. Trên khía cạnh sử thi, tác phẩm đã miêu tả những sự kiện lịch sử quan trọng của nước Pháp, đã khắc họa những xung đột lớn lao bên trong tâm hồn con người, giữa cái Thiện và cái Ác bên trong Giăng Vangiăng, giữa sự tôn trọng luật pháp và tôn trọng đạo lý làm người trong Giave.

Những người khốn khổ có số lượng nhân vật nữ đông đảo, mỗi nhân vật mang một ý nghĩa riêng. Sự xuất hiện của họ ám ảnh độc giả một cách sâu xa và thấm thía.

Nói đến nhân vật nữ trong Những người khốn khổ, người ta nghĩ ngay đến Phăngtin. Phăngtin có vẻ đẹp thanh khiết, đoan trang, trong sáng. Nhưng nhớ đến Phăngtin, người ta không đến sắc đẹp , mà nhớ đến tình mẫu tử thiêng liêng của nàng. Một phụ nữ trẻ bán tóc, bán răng để con có áo mặc, có tiền chữa bệnh.

Người phụ nữ khốn khổ ấy vì con, cuối cùng đã phải tự nhủ “đành bán nốt vậy” và làm gái điếm. Giữa cảnh bùn nhơ, nàng sáng ngời như một biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng. Phăngtin còn là biểu tượng của sự sa đoạ, nhục nhằn, bị lạm dụng rồi bị ruồng bỏ – thân phận của những người phụ nữ bất hạnh xưa nay. Nàng không có họ, bởi “đừng hỏi tên họ của một kẻ đi xin chỗ trú thân” – họ là cái “vô danh” trong cái “vô biên” của cuộc đời. “Nàng hứng một cái tên như người ta hứng một giọt mưa trên trời rơi xuống”.

Giống như tất cả những nhân vật nữ khác, Phăngtin chịu tác động lớn của ngoại cảnh. Khi còn hạnh phúc, sung sướng, nàng xinh đẹp với “vàng xếp trên mái tóc, ngọc giắt sau môi” nhưng một khi lâm vào bước đường cùng thì nàng chỉ còn là một cô gái điếm đầu trọc lốc với “tiếng chửi rủa khàn khàn vì rượu văng ra từ một cái mồm đen ngòm thiếu hai cái răng”. Kết thúc tất yếu là Phăngtin phải chết, nàng đã kiệt sức vì nỗi đau khổ đè nặng lên cuộc đời, vất vả kiếm sống, bệnh tật liên miên.

Hình tượng em bé khốn khổ được Hugo gửi gắm trong cô bé mồ côi Côdét. Em phải đi lấy nước giữa rừng trong đêm đông bão tuyết, đan tất cho con nhà chủ còn mình thì đi chân đất. Rời vòng tay mẹ lúc ba tuổi, em đẹp như một tiên đồng. Sống cùng vợ chồng Tênácđiê mấy năm, Côdét trở nên xấu xí, rách rưới. Bị thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần lại luôn luôn bị hành hạ nên lúc nào em cũng “run lẩy bẩy, lúc nào cũng sợ sệt, giật mình”, em giống như một con sơn ca “không bao giờ hót”.

Miêu tả cuộc sống của Côdét, Hugo dùng rất nhiều câu cảm thán với lòng xót thương vô hạn. Những hành động thơ ngây ở em khiến người đọc rớt nước mắt: em dùng một thanh kiếm nhỏ làm búp bê; mải ngắm đồ chơi ngoài phố em quên cả việc; trong đêm Giáng sinh em cũng để chiếc guốc của mình bên lò sưởi nhưng trong khi giày của hai đứa con nhà chủ có quà thì chiếc guốc xấu xí của em không có gì cả…

Trong cảnh sống khổ cực, Côdét xấu xí, rách rưới, “gầy còm, xanh xao”. “Chịu đựng lắm bất công nên con bé hoá ra cảu nhảu, đói khổ quá nó hoá ra xấu xí… Con bé không lớn hơn con chim, run lẩy bẩy, lúc nào cũng sợ sệt, giật mình…”. Nhưng Côdét cũng là nhân vật nữ duy nhất trong tác phẩm được Hugo ưu ái dành cho một kết thúc có hậu: sau này, nàng sống đầy đủ, sung sướng bên người cha nuôi yêu thương nàng, và cuối cùng được sống hạnh phúc bên người mình yêu.

Cùng tuổi với Côdét và từng sống chung dưới một mái nhà trong thơ ấu là Êpônin – một nhân vật đa dạng và phức tạp. Khi đã là thiếu nữ, Êpônin trở thành một hình tượng trong tác phẩm. Thuở nhỏ, sống trong sung sướng, nàng là đứa trẻ xinh đẹp, “tuổi này là rập khuôn của người mẹ” nên Eponine cũng đối xử với Côdét độc ác như mẹ. Lớn lên, cảnh nhà sa sút, Êpônin trở thành cô gái có vẻ táo tợn, liều lĩnh của những gái giang hồ đường phố.

Vẻ bên ngoài của cô được miêu tả chủ yếu từ điểm nhìn của Mariuyt, tuy nhiên khó mà xác định được cô đẹp hay xấu. Có lúc, Mariuyt nhìn thấy cô “xanh xao, gầy gò, hốc hác… hai vai gầy, giơ cả xương ra ngoài áo. Nước da nhợt nhạt, xương vai xám xịt, bàn tay thì đỏ bầm, miệng mất mấy cái răng, con mắt đục, táo tợn nhìn ngược. Cô có dáng một thiếu nữ cằn cỗi và cái nhìn của một mụ già dày dạc, năm mươi tuổi pha với mười lăm”. Có lúc, anh thấy “cô nghèo đi mà lại đẹp thêm… Mấy cọng rơm lẫn trên mái tóc của cô bé. Không phải như Ôphêlia điên dại vì lây cái điên dại của Hămlet mà chỉ vì cô đã chui vào ngủ trong một đống rơm chuồng ngựa nào đó. Với tất cả hình dung như thế, cô bé vẫn đẹp. Ôi! tuổi xuân sao mà thần tiên thế!”.

Êpônin, “bông hồng trong nghèo đói” bị biến chất theo hoàn cảnh, trong cô có cả mặt xấu và mặt tốt đan xen. Khó xác định được cô là nhân vật chính diện hay phản diện, chỉ chắc chắn một điều: cô cũng là nạn nhân của xã hội đương thời.

Êpônin chết trên chiến luỹ, là biểu tượng của tình yêu đơn phương và bị ruồng bỏ. “Với lại… hình như em cũng có đem lòng yêu ông đấy” là câu nói đầu tiên và cuối cùng của Êpônin để ngỏ tấm chân tình mà nàng dành cho Mariuyt. Êpônin yêu Mariuyt và vì tình yêu đó, cô có những hành động tưởng như mâu thuẫn mà lại rất hợp lý: biết Mariuyt yêu Côdét và để chàng vui, cô cố gắng tìm ra địa chỉ của Côdét cho chàng; ghét Côdét nhưng Êpônin liều chết bảo vệ gia đình Côdét khỏi bị bọn cướp tấn công; muốn tách Mariuyt và Côdét, muốn cùng Mariuyt chết trên chiến luỹ nhưng cô lại lấy thân mình đỡ dạn cho chàng và trước khi chết còn kịp đưa cho Mariuyt bức thư của Côdét.

Cô thuộc tuýp nhân vật bất hạnh, yêu nhưng không được tình yêu đáp lại, đã hy sinh tất cả cho người mình yêu hạnh phúc. Êpônin tắt thở, cô đã được giải thoát, được “gột rửa” trong cuộc cách mạng vĩ đại. Đó là cái nhìn hết sức nhân đạo của Hugo đối với những tuổi thơ bất hạnh. Quãng đời ngắn ngủi và buồn bã của Êpônin khép lại khiến cho người đọc không khỏi xót xa.

Khi xây dựng những nhân vật nam, Hugo miêu tả bằng bút pháp lãng mạn, nhân vật được lý tưởng hoá cao độ. Giăng Vangiăng chỉ vì một câu nói, một hành động cao quý của linh mục Mirien mà thay đổi hoàn toàn. Suốt quãng đời còn lại, ông luôn làm những việc thiện, hy sinh cả hạnh phúc của mình vì người khác. Giăng Vangiăng là biểu tượng sáng ngời của sự tu thiện.

Ngay cả nhân vật phản diện trong tác phẩm cũng được lý tưởng hoá cao độ: thanh tra Giave là biểu tượng của luật pháp hà khắc, hắn thực thi luật pháp mẫn cán đến mức “ví thử cha hắn vượt ngục, hắn cũng cứ bắt, mẹ hắn phạm pháp, hắn cũng cứ tố cáo… Hắn là hiện thân của nhiệm vụ cứng rắn, của an ninh khắc nghiệt, là một anh lính canh phòng không nể nang, là một thứ lương thiện đáng sợ, là một tên tố giác lạnh lùng, là công lý dưới mặt mũi một hung thần”. Khi thấy mình đang mắc kẹt trong mâu thuẫn giữa niềm tin vào luật pháp và niềm tin vào lòng tốt con người, để giải thoát cho bản thân, Giave đã nhảy xuống sông tự vẫn. Cái chết của Giave là sự khẳng định ý đồ của tác giả: Cái Thiện sau cùng sẽ chiến thắng cái Ác.

Đôi nét về tác giả

Hình ảnh Phăngtin trong bước xuống dốc cuối cùng của cuộc đời, nàng phải làm điếm để có tiền nuôi con được miêu tả rất chân thực và sống động. Nàng không chỉ là sản phẩm của thuần túy trí tưởng tượng mà còn bởi những trải nghiệm thực tế của chính nhà văn, Hugo vốn được biết tới là người có ham muốn tình dục mạnh mẽ và luôn tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình bằng những cuộc tình chóng vánh với các tuýp phụ nữ khác nhau.

Vì uất ức với thói đa tình của chồng, vợ của Hugo, Adele đã ngoại tình với bạn thân của Hugo – nhà phê bình văn học Sainte-Beuve. Khi biết tin này, Victor Hugo như rơi xuống vực thẳm, người vợ mà ông hằng tôn sùng, người mẹ của 5 đứa con ông, chỉ vì ghen tuông mà phản bội ông. Hugo lạnh nhạt dần với Adele. Tình yêu của nhà văn đã nguội lạnh, nhưng vì danh dự gia đình và lòng tự trọng bản thân, Hugo không ly dị vợ.

Trong khoảng thời gian này, Victor Hugo đã gặp Juliette Drouet – người phụ nữ sau này xuất hiện trong hầu hết các trang tiểu sử của Hugo.

Juliette mồ côi cha mẹ từ nhỏ, là diễn viên, người mẫu tranh cho các họa sĩ, Juliette sống “tầm gửi” vào những tay quý tộc. Cuộc gặp gỡ với Victor Hugo đã thay đổi cuộc đời cô. Juliette đã gắn bó với Victor trong suốt 50 năm mà không đòi hỏi một danh phận, trở thành phụ tá cần mẫn của ông. Juliette coi Victor Hugo là hiện thân của trí tuệ, là vị thiên sứ cứu vớt cuộc đời bất hạnh của cô. Trong 20 năm mà Hugo sống lưu vong ở nước ngoài, Juliette luôn đồng cam cộng khổ với ông.

Đã có biết bao nhiều người phụ nữ quý tộc đi qua cuộc đời của Victor Hugo, nhưng rốt cuộc người mà ông yêu nhất, gắn bó trọn đời lại là một người phụ nữ xuất thân hèn kém. Tình yêu đó đã vượt qua mọi định kiến về đẳng cấp thời bấy giờ.

Mùa đông năm 1883, Julliete Drouet mất sau cơn bạo bệnh. Victor đã đau buồn đến mức không đi đưa linh cữu của người tình đến nơi an nghỉ. Trên mộ Juliette ngày ấy có khắc hai câu thơ do nàng làm lúc cuối đời “Thế giới có được tư tưởng của chàng. Còn tôi có được tình yêu của chàng”.

Năm 1885 khi Victor Hugo qua đời, nước Pháp đã tổ chức nghi lễ quốc tang cho ông. Thi hài của vị đại văn hào được đặt tại điện Panthéon – nơi an nghỉ của các vĩ nhân.

Theo HỒ BÍCH NGỌC / DÂN TRÍ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét