Trang

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Bài thơ Lửa từ bi

“Lửa từ bi” trên hành trình thơ của Vũ Hoàng Chương

Hoàng Chương xuất hiện trên thi đàn sau khi những tên tuổi lớn của Phong trào thơ mới như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu… đã đi qua thời đỉnh cao. Ông xuất hiện với một giọng thơ lạ: vừa cổ kính xưa cũ vừa hiện đại đến táo bạo; vừa thanh cao phiêu dật vừa nhục thể đến trần trụi rã rời…

Ông tự nhận và cũng được không ít người xưng tụng là “Ông hoàng thơ ca”, bậc “Thi vương” (Hoàng Chương), “Thi bá”... Trước 1945 ông có Thơ say (1940), Mây (1943). Trong kháng chiến ông có Thơ lửa (1948), Rừng phong (1954). Sau 1954 ông có Hoa đăng (1959), Trời một phương (1962), Lửa từ bi (1963), Ánh trăng đạo lý (1966), Bút nở hoa đàm (1967), Cành mai trắng mộng (1968), Ngồi quán (1971), Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973)... Dõi theo hành trình thơ của Vũ Hoàng Chương ta thấy có nhiều thay đổi, trong đó có khúc quanh quan trọng là việc cho ra đời tập thơ Lửa từ bi – một tập thơ được viết ra từ ánh sáng ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức trong cuộc đấu tranh vì tự do, hòa bình, vì Phật pháp và vì dân tộc.

1. VŨ HOÀNG CHƯƠNG TỪ “THƠ SAY” ĐẾN “LỬA TỪ BI”

Từ Say (Thơ say) đến Mộng (Mây)

Vũ Hoàng Chương xuất hiện với những vần thơ say – có cái say từ thiên cổ theo kiểu “túy hậu cuồng ngâm”, say để phát lộ tính tình, nhưng cũng có cái say của thời hiện đại, ở những đô thị mới mẻ, náo nhiệt mà cũng không thiếu trụy lạc của thời thực dân. Bài thơ Say đi em mở đầu tập Thơ say là bài thơ mang nhịp điệu mới mẻ ấy. Người thơ say nhạc, say khiêu vũ, say rượu và say với giai nhân:

     Khúc nhạc hồng êm ái

     Điệu kèn biếc quay cuồng.

     Một trời phấn hương

     Đôi người gió sương

(…) Âm ba gờn gợn nhỏ,

     Ánh sáng phai phai dần…

     Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân,

     Lui đôi vai, tiến đôi chân:

     Riết đôi tay, ngả đôi thân,

     Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió,

     Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,

     Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

Say để quên đi mối Sầu – một mối Sầu nào đó người thơ không nói rõ, nhưng cơ hồ lớn lắm, như bức thành sừng sững mà cái say rã rời cũng không làm cho nó sụp đổ được:

     Say đi em! Say đi em!

     Say cho lơi lả ánh đèn,

     Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt

     Rượu, rượu nữa và quên quên hết!

(…) Chân rã rời

     Quay cuồng chi được nữa,

     Gối mỏi gân rơi!

     Trong men cháy giác quan vừa bén lửa.

     Say không còn biết cho đời,

     Nhưng em ơi,

     Đất trời nghiêng ngửa

     Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ

     Đất trời nghiêng ngửa,

     Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!(1)

Bài Say đi em mở đầu tập thơ mà như bài tựa, nó gồm thâu hết cái say trong cả tập thơ. Ẩn chứa sau cái say ấy là mối sầu vạn cổ như trong thơ xưa, mà cũng pha chút đắng cay thân phận của một người dân thuộc địa.

Người thơ sẽ nói rõ hơn, thảm hại hơn về cái thân phận ấy ở nhiều bài thơ sau, mà ấn tượng nhất là bài Phương xa:

     Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa,

     Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh,

     Bể vô tận xá gì phương hướng nữa,

     Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh.

 

     Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ.

     Một đôi người u uất nỗi bơ vơ,

     Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,

     Thuyền ơi thuyền! xin ghé bến hoang sơ.

Thế nhưng nhổ thuyền đi đâu, trốn ở bến bờ nào được? Người trốn vào ái tình bẽ bàng với những cô gái môi nâu vì  thuốc phiện:

     Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc,

     Sát gần đây, gần nữa cặp môi nâu

     (…) Hãy buông lại gần đây làn tóc rối

     Sát gần đây, gần nữa cặp môi điên,

     Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,

     Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.

                                         Quên (Thơ Say)

Trong những cơn say rượu và thuốc phiện, người thơ mơ trốn lên Thiên Thai, Đào Nguyên… nhưng động xưa đã khép, “Đào Nguyên lạc lối” không tìm được nữa! Người tìm vào những mối tình học trò với những U tình, Cánh buồm trắng, Vườn tâm sự, Em là công chúa... Nhưng tình học trò dù có thiết tha đến mấy nhưng dường như cũng quá nhạt với người! Người tìm vào những giấc mộng tình yêu với hồ ly, gái liêu trai… với phức cảm vừa rùng rợn lại vừa đắm say:

     Gạn giấc chiêm bao với mảnh hình

     Tóc xòa buông rủ mái tròn xinh.

     Hoa mai thêu trắng nền xiêm lụa,

     Đôi mắt ngời sao miệng đẫm tình.

 

     Lòng cháy yêu đương tự bấy giờ,

     Sá chi người thực với trong mơ!

     … Đêm đêm ảo ảnh thơm chăn gối,

     Tình hướng về Đông, dạ lắng chờ.

                                         Tình Liêu Trai (Mây)

Thế nhưng Tình Liêu Trai cũng chỉ Mộng. Đôi khi người sực tỉnh, một niềm xót xa thân phận và một niềm khao khát hành động lại ùa về:

     Ôi! Lòng ta sao buồn không nguôi?

     Niềm u uất dâng cao hề tháng ngày trôi xuôi.

     Há vì cơm áo chẳng no lành?

     Há vì đời không ai mắt xanh?

 

     Nhớ thuở xưa chưa có ta hề đường đi thênh thênh

     Kịp tới khi có ta hề chông gai mông mênh.

     Cuồng vọng cả mà thôi, bốn phương hề vướng mắc.

     Ba mươi năm trên vai hề trống không bình sinh…

Túy hậu cuồng ngâm

Bài thơ Túy hậu cuồng ngâm cuối tập thơ Mây có một giọng khác lạ so với những bài thơ trước, nhưng theo tôi nó vẫn là một phần máu thịt trong hồn thơ Vũ Hoàng Chương. Bài thơ như một sự tỉnh mộng, nhưng từ một góc nhìn khác lại cũng là chìm vào giấc mộng: giấc mộng hành động, giấc mộng anh hùng!

      Từ Mộng đến với Hành động và Sân hận

Từ Vũ Hoàng Chương của Túy hậu cuồng ngâm đến Vũ Hoàng Chương của Thơ lửa do Hội Văn hóa Liên khu 3 ấn hành 1948 thì gần lắm rồi, chỉ một bước chân qua bên kia là “Vùng tự do” (vùng kháng chiến) là tới. Như chính Vũ Hoàng Chương bộc bạch: “Tự biết mình là một người dân vong quốc, tôi rất kính trọng Kháng chiến và cảm phục Cách mạng. Sự cảm phục và kính trọng này đã khiến cho tôi giác ngộ được phần nào, và tự hứa sẽ tích cực tham dự công cuộc chung của nhân dân do Hồ Chủ tịch lãnh đạo”(2).

Trong kháng chiến, Vũ Hoàng Chương chuyển hướng thành một nhà thơ ái quốc nhiệt thành và say mê hành động, như chính trong văn bản trên, ông đã kể về những hoạt động của mình:

“- đã viết được vở kịch thơ Hồn Cách mạng, diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội (1946)

 - đã được giải thưởng thứ 3 về thơ Toàn quốc kháng chiến, do đích thân Hồ Chủ tịch làm chủ khảo (1947)

- đã được hội Văn hóa Liên khu 3 ấn hành cho tập thơ kháng chiến nhan đề Thơ lửa (1948)

- đã viết đều ở báo Công Dân tại tỉnh Nam Định (1947, 48)…

- đã được bầu làm trưởng nhánh Văn chương Báo chí của hội Văn nghệ chi nhánh Liên khu 3 (1948)…”(3).

Vì thế chúng ta không hề ngạc nhiên khi đọc bài thơ Nhớ về Hà Nội vàng son của ông viết năm 1947 – bài thơ có một giọng điệu trong sáng, hào hứng hiếm có. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về Cách mạng tháng Tám:

Ôi ngày mười chín, ngày oanh liệt!

Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương

Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt

Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương.

Ba mươi sáu phố, ngày hôm ấy

Là những nhành sông đỏ sóng cờ

Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại

Năm cánh hoa xoè trên năm cửa ô (…)

 

Chen tiếng hoan hô, này khẩu hiệu

Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Muôn năm người lính già tiêu biểu

Vì giang sơn quyết bỏ gia đình.

 

Ôi ngày mười chín, ngày sung sướng!

Vạn ước mong dồn một ước mong!

Ôi mùa thi ấy, mùa tin tưởng!

Một tấm lòng mang vạn tấm lòng (…)

Thế nhưng rồi Vũ Hoàng Chương lại đi đến một khúc quanh khác: năm 1950, ông bỏ về Hà Nội, rồi từ Hà Nội ông di cư vào Nam năm 1954. Thơ Vũ Hoàng Chương từ sau 1954 là nỗi hoài niệm về Hà Nội, về quê hương miền Bắc. Được chiều chuộng trong không gian văn nghệ bên kia bờ Hiền Lương, ông trượt đi trong nghịch cảnh. Với những tập Hoa đăng (1959), Trời một phương (1962)… thơ ông mang nặng nỗi niềm u uất và cả sân hận… Đọc những bài thơ như Bài ca Bình Bắc, Nhớ Thăng Long, Từ đây, Nhớ Bắc… người ta thấy rất nhiều ảo tưởng, rất nhiều hoang tưởng và nhất là rất nhiều sân hận. Nhưng mà thôi, với thi sĩ thì nói đến sân hận làm gì! Nguyễn Du chẳng đã từng nhắc chúng ta: “Thân tàn gạn đục khơi trong/ Là nhờ quân tử khác lòng người ta”?…

2. ĐẾN VỚI TỈNH THỨC, TÌNH YÊU TRONG “LỬA TỪ BI”

Chế độ Ngô Đình Diệm đã không đem lại tự do, hòa bình, thống nhất như có thời Vũ Hoàng Chương từng ảo tưởng. Chế độ ấy thi hành chính sách kỳ thị tôn giáo, cấm đoán Phật giáo – một tôn giáo thân thiết gắn bó với dân tộc hơn nghìn năm nay. Chế độ ấy mở cửa đất nước cho quân đội ngoại bang vào dày xéo quê hương. Hòa bình, thống nhất trở nên xa vời, thảm họa của cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc đang đến rất gần… Ngày 11 tháng 6 năm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Hòa thượng bình thản ngồi trong khối lửa, nhưng cả thế giới thì rúng động trước sức nóng của khối lửa ấy.

Trong bối cảnh ấy, Vũ Hoàng Chương đã nhận chân ra bộ mặt thật của chế độ và nghịch cảnh của dân tộc, nhà thơ đã đi đến một khúc quanh mới: ông từ bỏ những vọng tưởng và sân hận mà thức tỉnh đi đến với Tình yêu - tình yêu Tự do, Hòa bình, tình Anh em và tình Nhân loại. Bài thơ Lửa từ bi và cả tập thơ cùng tên là minh chứng cho khúc quanh đó.

Vũ Hoàng Chương cũng xác quyết về khúc quanh này trong Lời tựa tập Lửa từ bi: “Những bài thơ trong tập này nhằm ghi lại một nguồn cảm hứng mới của tác giả, khơi dậy trong lòng cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ Việt Nam, khoảng năm 2.507 Phật lịch (từ 15 tháng Tư đến 15 tháng Chín), tức là năm 1963 d.l.”(4).

Trong không khí đàn áp Phật giáo khốc liệt của năm 1963, bài thơ Lửa từ bi đã ra đời một cách khó khăn. Lúc đầu bài thơ bị tòa báo từ chối, sau nó được in dạng quay ronéo như truyền đơn, và sau đó mới được xuất bản trong tập thơ Lửa từ bi cùng 14 bài thơ khác. Tác giả kể: “Bài Lửa từ bi gửi đăng nhật báo Tự do Saigon ngày 28/7/63 bị kiểm duyệt bỏ trọn, đã được văn phòng Chùa Xá Lợi, ngay sau đó, quay thành những bản "Ronéo" và phổ biến nhân ngày Chung thất của Bồ Tát Quảng Đức. Bài Người với người được đăng trên nhật báo Tự do ngày 18/8/63 chỉ bị kiểm duyệt bỏ 10 chữ. Sau đấy, Chùa Xá Lợi bị cường quyền xâm phạm, nhật báo Tự do cũng bị đình bản, tác giả không còn phương tiện nào khác để phổ biến thơ của mình ngoài cách truyền tay trong số các bạn thân tín”(5).

Tập thơ được xuất bản, nhưng không phải bởi một nhà xuất bản có uy tín nào, mà do Đoàn Thanh niên tăng ni – một tổ chức đấu tranh cho Phật giáo đứng ra in. Giấy in xấu, bìa vẽ vội, xuất bản rất nhanh – chỉ 3 tháng sau khi Hòa thượng chịu pháp nạn: tháng 9 năm 1963. Thế nhưng tập thơ này lại trở thành tập thơ hay nhất của Vũ Hoàng Chương sau Thơ say. 

Bài thơ bắt đầu bằng cảnh tượng Hòa Thượng Thích Quảng Đức tọa thiền trong tòa sen lửa. Ngọn lửa thì ngùn ngụt bốc lên, còn chúng sinh với xác phàm và tâm trần khổ đau thì quỳ xuống. Ngọn lửa của Hòa thượng cháy lên thành một mặt trời thứ hai:

Lửa! lửa cháy ngất tòa sen!

tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.

Hai Vầng - Sáng rưng rưng

Đông Tây nhoà lệ ngọc

chắp tay đón một Mặt-trời-mới-mọc,

ánh Đạo - Vàng phơi phới

 

đang bừng lên, dâng lên(6)

Hòa thượng thiêu mình không phải bằng cái tâm sân hận, mà Người tận hiến cuộc sống của mình từ tình thương và lòng từ bi:

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày

bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây;

gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ,

Phật - pháp chẳng rời tay.

Sáu ngả Luân - hồi đâu đó

mang mang cùng nín thở,

tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh - xe - quay.

Ngọn lửa từ nhục thân của Hòa thượng ngùn ngụt cháy, nhưng ngọn lửa ấy không phải lan ra thành bão lửa, mà ngọn lửa đưa Hòa thượng lên Niết bàn và để lại bóng mát cho chúng sinh:

Không khí vặn mình theo

khóc oà lên nổi gió;

NGƯỜI siêu thăng

giông bão lắng từ đây.

Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây,

nhân gian mát rợi bóng cây Bồ - đề.

Hòa thượng trở thành bất tử - bất tử mà không cần ngọc đá để tạc tượng, không cần lụa tre của người viết sử làm thơ:

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc;

lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi; 

chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên - thu - tuyệt - tác

trong vô hình sáng chói nét Từ - Bi.

Vì ngọc đá lụa tre của trần gian vẫn có ngày mục nát, nhưng trái tim yêu thương của Hòa thượng thì vĩnh cửu, tỏa ánh sáng từ bi xuống tận tầng đáy sâu nhất của hỏa ngục – nơi con người bị đọa đày:

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ?

ngọc đá cũng thành tro

lụa tre dần mục nát

với Thời - gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ! còn Trái - Tim - Bồ - Tát

gội hào quang xuống tận ngục A - tỳ.

Trước ngọn lửa từ bi ấy, nhà thơ đại ngộ: từ vô minh mà đến tỉnh thức. Những kiêu căng, ngông nghênh của một “thi vương”, “thi bá” trần hoàn cũng hết, nhà thơ chỉ  coi thơ là rơm rác trước ánh lửa kia, và rồi lại mong thơ mình là rơm rạ để cháy lên theo lời kinh:

Ôi Ngọn - lửa - huyền - vi!

thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác

từ cõi Vô - minh

hướng về Cực - lạc; 

vần điệu của Thi - nhân chỉ còn là rơm rác

và chỉ nguyện được là rơm rác,

THƠ cháy lên theo với lời Kinh

tụng cho Nhân - loại hoà bình

trước sau bền vững tình Huynh - đệ này.

Thơ Vũ Hoàng Chương cháy lên từ đó, cháy lên để soi đường đi đến với Tình yêu - tình yêu Tự do, Hòa bình, tình Anh em và tình Nhân loại:

Thổn thức nghe lòng trái Đất

mong thành quả Phúc về cây;

nam mô Bổn - Sư Thích - Ca - Mâu - Ni - Phật;

đồng loại chúng con

nắm tay nhau tràn nước mắt,

tình thương hiện Tháp - Chín - Tầng xây.

Bài thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ. Ngay sau đó nó được truyền ra nước ngoài. Với uy tín của mình, Vũ Hoàng Chương đã kêu gọi giới trí thức quốc tế chú ý đến cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Tác giả kể:

“Riêng 2 bài Lửa từ bi và Người với người đã gửi sang Âu châu ngay sau lúc sáng tác nên nữ thi sĩ Bỉ quốc Simone Kuhnen de la Cœuillerie đã dịch Pháp ngữ để kịp thời đệ trình lên Hội nghị thi ca quốc tế họp tại Knokke từ 5 đến 9 tháng 9/63. Tác giả cũng đích thân gửi thư yêu cầu Hội nghị chú trọng đến cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ tại Việt Nam. Thi sĩ Pierre - Louis Flouquet, nhân danh Phó chủ tịch, đã thỏa mãn lời yêu cầu này. Hai bản dịch (Feu de Sacrifice và D’homme à homme) đã được giới thiệu với các đại biểu của 50 quốc gia. Một đoạn trong bài thứ nhất được ngâm lên giữa Hội nghị, đó là đoạn:

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát

Với Thời-gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT

Gội hào quang xuống tận ngục A - Tỳ”(7)

Từ sau tập Lửa tư bi, trong thơ Vũ Hoàng Chương những chán chường, khổ đau, mộng mị như trong Thơ Say và Mây cũng hết; những ảo tưởng, hoang tưởng và sân hận trong Hoa đăng, Trời một phương cũng không còn, thơ ông như đến với một cảnh giới khác: tràn đầy yêu thương, tràn đầy tình huynh đệ, tràn đầy hỉ xả, và cả lạc quan. Đọc tên các tập thơ sau Lửa từ bi cũng thấy được phần nào: Ánh trăng đạo lý (1966), Bút nở hoa đàm (1967), Cành mai trắng mộng (1968), v.v... Ông bắt đầu cách ly mình với chính quyền thân Mỹ. Năm 1966 khi đang làm chủ tịch Hội văn bút(8), ông đã từ chối tham gia  hội nghị về thơ tổ chức ở New York để phản đối Mỹ và chính quyền bù nhìn – như ông viết: “Năm 1966, hội nghị ở Mỹ (New York) nhưng tôi không đi, và đã cử Tổng thư ký đi thay làm trưởng phái đoàn. Vì tôi ghét bọn Mỹ Thiệu và Kỳ lúc đó đang đàn áp Phật giáo ở Đà Nẵng, Sài Gòn”(9).

Con đường thơ của Vũ Hoàng Chương trải qua những tháng ngày buồn tủi, khốc liệt nhất của dân tộc. Vũ Hoàng Chương là một thiên tài thơ Việt Nam hiện đại, một thiên tài thơ chịu lắm thăng trầm. Dường như chúng ta vẫn nhìn ông với con mắt định kiến mà không biết ông đã trải qua một hành trình gian khổ từ Thơ Say, Mây đến Thơ lửa; rồi từ Hoa đăng, Trời một phương đến với Lửa từ bi… một hành trình tự lột xác mình. Chúng ta chưa đánh giá hết bước chuyển mình của Vũ Hoàng Chương từ tập Lửa từ bi cũng như chưa đánh giá hết vị trí lịch sử của tập thơ này với văn học Việt Nam hiện đại. Tôi xin trích một đoạn đánh giá về tập thơ này trong Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Rừng Trúc khi ấn hành thơ Vũ Hoàng Chương ở Paris:

“Phải nhận rằng ngàn-chín-trăm-sáu-ba đánh dấu sự chuyển mình lớn của văn học Việt Nam trong giai đoạn mới của sử tính. Dường như chúng ta vừa trở về tổ ấm, vừa nắm bắt vũ khí sở trường chôn lâu trong hoen rỉ và lãng quên để trang bị tri thức và tâm linh mình. Không có vũ khí tinh thần này, chúng ta chẳng còn là ta nữa.

Bài Lửa từ bi của Vũ Hoàng Chương đã thực đánh dấu cho sự chuyển mình đó. Nó bộc lộ đủ một phong triều văn học mới, dựng trên Bao dung và Trí tuệ. Bởi nó ánh được Ngọn lửa tỉnh thức. Bởi nó đã dùng lời Việt nói ra sự chấn động ầm ầm của lương tâm quốc tế”(10).

Bài thơ là một khúc quanh của một nhà thơ, đánh dấu một khúc quanh của một nền văn học(11). Nó thực sự cần có một chỗ đứng xứng đáng hơn trong các tuyển tập, trong các bộ lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Và tác giả của bài thơ cũng vậy

 Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét