Trang

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Phim Trên từng cây số


KÝ ỨC XEM PHIM TRÊN TỪNG CÂY SỐ (P1)

Trần Minh Hải, tự truyện

Vừa qua Tôi đi xem "Tuần phim Nga" ở NCC, thật ra bây giờ xem lại thấy phim hồi ấy mình cho là hay, xem lại thấy tiết tấu chậm rãi, ngô nghê lắm, không hấp dẫn như những phim bây giờ đâu. Chẳng qua xem để nhớ về quá khứ, bật ra phim xưa minh xem ở hoàn cảnh nào, bồi hồi nhớ thời đói khát thèm được xem phim

Hôm qua admin trang "Lặng lẽ nước Nga" đăng dự định. Nhoằng cái trên 200 lượt bình luận, ủng hộ đăng lại sê ri phim. Tôi thích xem lại phim này lắm. “Trên từng cây số” là một trong những bộ phim tôi không thể quên đến tận bây giờ. Nếu Tôi được chọn một bộ phim điển hình cho phim trên truyền hình được yêu thích của những năm 197x (khi tivi phát 3 tối/tuần) chắc chắn đó là phim này.

Phim Trên từng cây số là bộ phim của Đài truyền hình Bun ga ri (1968-1971) rất hay một thời mê hoặc khán giả Việt Nam. Sao mà háo hức nghe nhạc đầu phim, có câu "chúng tôi có mặt trên từng cây số, từ đây đến tận cùng của Tổ Quốc..." vang vọng và hình ảnh người lính bị bắn đổ người chồm lên trên cột mốc cây số, đạn nổ chát chúa. Tiềng nhạc trầm hùng thôi thúc, giục ai đến muộn rảo bước chân...Như là mối tình đầu với tivi, chẳng bao giờ quên đâu.

Chợt nhớ : Năm 1975 Đài THVN phát hình 3 tối thứ 4,7 và Chủ nhật. Dễ biết được điểm xem tivi hồi ấy từ xa, nhờ cột sắt cao ngất ngưởng có ăng ten chĩa về phía Giảng võ. Biết mỗi điểm có vài chục cho đến hàng trăm người háo hức nhòm cái tivi màn hình lồi, phát hình trắng đen, hình ảnh muỗi thỉnh thoảng có xọc dưa loằng ngoằng do điện yếu.

Bộ phim này 2 phần 26 tập. 13 tập đầu tiên ngắn 60ph, chủ yếu quá trình cách mạng, không hay và dài thời lượng như của 13 tập sau (phản ánh chống thế lực phản động, trải dài nam mỹ, tây ban nha và ở châu âu, hấp dẫn, kết cấu chặt) Phần đầu có các nhan đề là

1-Chiếc xà lan

2-Hai cây đàn Ghi ta

3-Chiếc đồng hồ chuông

4-Ba dấu chấm than

5-Những đoàn tàu ngược chiều

6-8 giờ kém 10

7-Lối đi của con lừa

8-Cô gái Di gan

9-Trên từng cây số

10-Lễ Phục sinh

11-Người chết sống lại

12-Cây Thập tự Hiệp sỹ

13-Ngày đầu tiên...

Tôi xem phim này lần đầu tiên là tập 9 "Trên từng cây số" tại nông trường bộ Tam đảo khi mặc áo lính, ấn tượng là nhạc đầu phim hay õ. Cái tivi 19 ins hình muỗi. Tôi xem phim này chiếu rạp, khi đã ra quân, bởi áp phích phim vẽ quá đẹp tại rạp Kinh đô chiếu 2 tập liền   "Sà lan-Hai chiếc đàn ghi ta". Hồi ấy hiếm phim, thấy "Màn ảnh Thủ đô giới thiệu" (tập sách mỏng của bác Nguyễn Văn Mùi) các rạp lần lượt chiếu các tập phim seri trên. Dạo qua các sạp bán báo, ngoài ảnh Ái Vân, Trà Giang bôi màu má môi (Bộ đội hay mua nhét vào trong ví thập kỷ 1970-1972. Trong rừng đổi được gà của bà con dân tộc) còn có anh chàng Đâyanop kẻng trai hết chỗ nói (Các thiếu nữ HN thời 197x-198x trong ví ko thể thiếu ảnh Đây a nốp mặc quân phục Đức)

KÝ ỨC XEM PHIM TRÊN TỪNG CÂY SỐ (P2)

Trần Minh Hải, tự truyện

Thuở chiếu phim tivi đầu tiên "Trên từng cây số" ở làng, việc xem nhờ rõ cực. Bởi số tivi có trong làng đếm trên đầu ngón tay, có nhà khoảnh khoá cổng ngõ và thả chó. Có nhà cho vào thì chật không có chỗ ngó cửa sổ, ngó cửa ở hàng hiên (nói gì ngồi trong nhà) Tivi mắc ở hiên, sân gạch đặc kín người ngồi. Nhớ mãi xem "Cô gái Di gan" kiễng chân nhòm qua hàng rào găng cúc tần, qua chấn song cửa sổ tới tấm kính phóng quả tivi 12 ins, tiếng được tiếng mất, bùi ngùi cô gái mất trên tay Đayanop, cặp mắt xếch của Bombop rần rật.

Trẻ con khỏi nói, thấy khuôn mặt của Đại uý Bôm bốp là reo ầm lên, chỉ trỏ. Chị em hít hà khen Thiếu tá Đayanop "đẹp giai hết sảy". Ảnh của viên Thiếu tá này dán tường, lưu sổ tay vô khối.

Nhưng rồi đội CB32 huyện Từ liêm về làng, cũng chiếu phim này, có người thuyết minh, chạy máy nổ, chiếu bằng máy chiếu phim nhựa 35mm cưa cụt 3 chân máy, tập phim chỉ có 6 cuốn, kèm TSTL và "rong riềng khoai nước, chăm sóc bèo hoa dâu" là xong một buổi chiếu. Phim rõ nét hơn hẳn xem màn tivi muỗi lấm chấm. Phim phần 2 quay cốt truyện phản gián ở các nước. Cặp bài trùng Đayanop-Bombơ com lê củ táo nom hoành. Ác liệt nhất là Họ chiến đấu ở Tây ban nha, xứ sở của đấu bò tót. Tay trùm phản gián bên địch béo mẫm, mắt mèo xì gà hút thả phanh, đóng phim này hoá sướng. Cứ nhớ vẻ mặt thất thần của Hắn, sau mỗi trận thua "quân ta"

Có thời kỳ các rạp Hà nội đồng loạt chiếu luân phiên các tập. Xe chiếu bóng QĐ cũng chiếu một số tập phim hay. Sau năm 1975 ít viện trợ các kiểu, phim XHCN ko còn cho không, ít nhập phim nước ngoài. QDCB đành phải lấy phim truyền hình gốc (thường là phim màu) in tráng phim nhựa đen trắng chiếu cho toàn quốc, Thế hệ sau này không thể hình dung : Một thời thèm xem phim, được xem phim gì cũng thích và nhớ rất lâu.

Theo "Màn ảnh Thủ đô"giới thiệu bà con đồn thổi phim nào hay, thì ràn rạt người mua vé, nhất là các tập phản gián sau này. Nhiều chi tiết ko logic, có hề gì. Nom chàng đẹp giai từng cm là khoái tỷ rồi. Mí lại phong cảnh các thành phố châu Âu thì "thôi rồi Lượm ơi". Cuộc đời người tình báo sao mà hào hoa phong nhã thế không biết, thoát chết trong gang tấc tèn ten

Tôi biết 3 lần Đài THVN phát phim này, lần 3 là theo yêu cầu của Khán giả (chiếu 21 tập thôi nhé). Lại nhớ cái thuở đi lính về, học lại Đại học dang dở. Tối chiếu "Trên từng cây số" bèn cuốc bộ hơn 1km qua ga Lưu xá B, chui vào NVH của Xưởng Đường sắt (rìa QL3 đi qua Khu Gang thép) Tivi xem muỗi, tiếng thuyết minh phim lẫn tiếng đầu máy xe lửa hồng hộc vận chuyển vật liệu từ ga vào chân lò cao nấu gang thép. Lâu rồi không nhớ hết các tập về sau, nhưng nhớ cảm giác vui buồn, hồi hộp qua từng tập phim. Lúc tan sương trắng mờ, che lấp miền sỏi đá trập trùng cây bạch đàn và các răng tre pheo, bụi bám đầy từ lá đến thân gày guộc;

LẠI MỘT HUYỀN THOẠI ĐIỆN ẢNH THẾ GIỚI RA ĐI…

Vĩnh biệt Thiếu tá tình báo Deianov - diễn viên điện ảnh nổi tiếng Bulgaria và thế giới Stefan Danailov những năm 60, 70 của thế kỷ trước…

… Thời kỳ khá xa xưa đó, có lẽ bạn trẻ nào ở miền Bắc cũng lưu giữ cho mình những tấm ảnh của Deianov trong bộ phim nổi đình nổi đám “Trên từng cây số”. Một thần tượng điện ảnh đồng thời là một hình mẫu cho lớp trẻ VN thời bấy giờ về lòng quả cảm, sự trí dũng song toàn và đặc biệt là một hình tượng đẹp rất nam tính…

Nhớ lại, thời ấy chỉ có tivi đen trắng nhưng cứ mỗi buổi tối đến giờ chiếu phim này thì ngoài đường phố bỗng trở nên vắng tanh còn trong các gia đình có tivi thì đông vui như hội. Mọi người từng giờ từng phút mong được gặp lại Deianov - chàng Thiếu tá tình báo đẹp trai tài ba trong một bộ phim đang nổi như cồn…

Như bao người khác, mình cũng rất mê Deianov nên trong bộ sưu tập điện ảnh của mình không thể thiếu những hình ảnh của anh…(xin phép được gọi là anh vì trong tâm trí khán giả điện ảnh anh bao giờ cũng trẻ trung hào hoa, không ai muốn anh già đi theo thời gian cả).

Có một kỷ niệm nhỏ khó quên... Ngày ấy ở Hà Nội tại các sạp báo người ta hay bán những tấm ảnh của Deianov trong phim Trên từng cây số và ảnh bán rất chạy… Cũng may mình nhờ được cậu bạn Bảo Tuấn cạnh nhà cũ tìm mua hộ và cậu bạn thân đã cất công đi tìm mua bằng được ảnh và gửi vào Nam cho mình. Những tấm ảnh ấy hiện vẫn nằm trong bộ sưu tập điện ảnh mà mình đăng lên đây. Cu cậu còn tìm gửi cho mình nhiều cuốn Màn ảnh Hà Nội - hàng hiếm, giờ tìm không ra nữa. Thật cảm động! Một lần nữa cám ơn Bảo Tuấn nhé!

… Lại nói về huyền thoại điện ảnh Stefan Danailov. Anh sinh năm 1942 tại Sofia thủ đô Bulgaria và đã đóng vai chính trong hàng chục bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình nổi tiếng như  “Viên thanh tra và bóng đêm”, “Cuộc chơi lớn”, “Vũ hội hóa trang”, “Thiên thần đen”, “ Trên từng cây số”, v..v.  Ngoài ra, Danailov còn được mời tham gia những bộ phim do Bulgaria hợp tác với Liên Xô, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italy...

Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật, anh nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh cao quý trong nước và quốc tế như Askeer, Stara Planina và Golden Age. Anh còn là cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa đồng thời cũng là Phó Chủ tịch của Đảng Xã hội Bulgaria.

Ngoài ra, huyền thoại điện ảnh còn tham gia giảng dạy diễn xuất tại Học viện Sân khấu Bulgaria và sau đó trở thành giáo sư tại học viện này vào năm 1996.

Những năm gần đây, Stefan Danailov mắc bệnh Parkinson và bệnh tim. Anh ra đi ngày 27/11 vừa qua tại Sophia, tròn 77 tuổi…

Vẫn biết, huyền thoại điện ảnh thế giới nào rồi cũng phải chấp thuận quy luật tự nhiên nhưng sự ra đi của họ vẫn tạo nên sự hụt hẫng, nuối tiếc. Những gì tốt đẹp nhất về tài năng và vẻ đẹp của họ sẽ còn đọng mãi trong tâm trí khán giả và người hâm mộ mà Stefan Danailov là một trong số đó…

Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt Deianov, vĩnh biệt một huyền thoại và thần tượng điện ảnh của lớp trẻ những năm khó khăn nhưng rất đáng tự hào…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét