Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Chân lý chính là Thực Tế chứ không phải ảo tưởng


Bồ Tát chỉ ngồi để thấy…

Một người nọ nhìn thấy cái kén của con bướm. Sau đó,anh thấy một cái lỗ nhỏ xuất hiện. Anh ngồi chăm chú theo dõi con bướm trong vài giờ đồng hồ và thấy nó cố gắng vùng vẫy tìm cách chui ra ngoài qua cái lỗ nhỏ đó. Rồi dường như nó không có thêm một tiến triển nào nữa. Trông cứ như thể nó đã làm hết mức có thể rồi và không thể xoay xở gì thêm được.

Thấy tội nghiệp nên người đàn ông quyết định giúp con bướm. Anh lấy một cái kéo và cắt cái kén. Con bướm dễ dàng thoát ra. Nhưng nó có một cái thân căng phồng và đôi cánh nhỏ bé, teo quắt. Thế là, con bướm đó sẽ phải bỏ ra suốt cả cuộc đời nó chỉ để bò trườn với cơ thề sưng phồng và đôi cánh co lại. Nó không bao giờ bay được…

Cho nên Quy tắc thứ ba của người Ấn độ : “Trong mỗi khoảnh khắc mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm”.

Người đàn ông tốt bụng đã không hiểu rằng chiếc kén chật hẹp và sự vùng vẫy của con bướm để chui qua được cái lỗ nhỏ ấy chính là cái cách mà Tạo Hóa buộc chất lỏng trong thân con bướm chảy vào cánh để sẵn sàng cho nó có đủ sức mạnh để cất cánh bay…

Vì vậy, đừng bao giờ tin vào quan niệm Bồ Tát độ mình cả, nếu Bồ Tát đến độ mình tức là Bồ Tát can thiệp vào việc mình cần phải làm là để thoát ra khỏi cái kén (thoát khỏi vô minh) chính mình là người cần phải mở ra mọi cái mà mình đã trói buộc vào, không có Bồ Tát nào làm thay cho mình…

Quan niệm Bồ Tát cứu độ bị hiểu sai kiểu như người mẹ giúp con ” thôi con đừng đánh vần để mẹ đánh vần cho… Con đừng làm toán để mẹ làm toán cho…vân vân…và vân vân…”

Bồ Tát chỉ ngồi để thấy, để xem mình đau khổ như thế nào và thoát khỏi đau khổ như thế nào… mà Tâm Ngài vẫn hoàn toàn bất động, đó mới chính là Bồ Tát chân chính nhất.

Qua câu chuyện trên, con nhộng chỉ cần đợi thêm một chút nữa, nó có thể tự vùng vẫy thoát ra khỏi cái kén, thì nó mới đủ sức mạnh cất cánh bay cao… cũng như con người ta cần phải chịu đựng đau khổ thêm một chút nữa thì mới có được bài học Giác Ngộ cho chính mình… Thế cho nên, Bồ Tát chỉ khai thị mà không có cứu độ… khai thị cho mọi người thấy ra mọi cái đã có sẵn nơi mỗi người, và để mọi người biết tự trở về với chính mình…

Trong Phật Giáo không có quan niệm có người khác cứu độ… đừng xin xỏ mong cầu mà trở thành mê tín…

Đức Phật dạy, Pháp hộ trì người sống đúng Pháp, thuận Pháp… Những người sống thuận Pháp, khi gặp chuyện thì tự động có Chư Thiên hộ Pháp hộ trì… Cũng như một người sống đúng tốt thì được nhiều người tin tưởng giúp đỡ…

Chân lý chính là Thực Tế chứ không phải ảo tưởng …

Thiền sư Viên Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét