Trang

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Đặng Viết Xuân


Họ và tên: ĐẶNG VIẾT XUÂN

Ngày sinh: 20-05-1956

Nơi sinh: Xuân Hồng - Xuân Trường - Nam Định

Quê quán: Xuân Hồng - Xuân Trường - Nam Định

Chỗ ở hiện nay: 8A Hàng Cau, phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Trình độ học vấn: Cử nhân Toán kinh tế

Email: xdangviet@gmail.com

Điện thoại: 0963200997

ĐẶNG VIẾT XUÂN - THEO DÒNG KÝ ỨC

1. CHUYỆN CẶP LÁ YÊU THƯƠNG

CỦA SINH VIÊN THẾ HỆ 5X CHÚNG TÔI

        Chắc hẳn sinh viên chúng ta, ai cũng có nhiều kỷ niệm thời sinh viên của mình, vui có, buồn có. Tôi cũng thế, song có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên và còn luôn nhắc lại cho con cháu, bạn bè với niềm tự hào về sinh viên TMT17 - Đại học Kinh tế - Kế hoạch.

        Tôi nhớ năm 1975, sau những ngày tựu trường với không khí vui tươi, phấn khởi và pha chút tự hào, chúng tôi cùng mọi người đón một mùa đông rét kỷ lục, rét đến nỗi cá chết nổi lên mặt nước, lá bàng chưa kịp đỏ đã rụng đầy sân trường. Ấy vậy mà tôi, cậu sinh viên nghèo, vẫn ăn chẳng no, mặc chẳng ấm, song vì lo lắng học hành, tôi vẫn cùng bạn bè hết ngày dài lại đêm thâu ''cày'' trên các giảng đường. Bỗng một buổi tối, đang mải học trên giảng đường, tôi thấy Hòa gọi ra ngoài. Không biết có chuyện gì xảy ra mà thấy có nhiều bạn nữ đang cùng chờ ở đó. Các bạn đã thăm hỏi, động viên và tặng tôi một chiếc áo bông màu xanh công nhân. Tôi vô cùng bất ngờ và cảm động. Thú thực là nhận quà thì rất ngại nhưng tôi không thể không đáp lại sự quan tâm của các bạn. Và từ đó, tôi luôn trân trọng món quà mà các bạn đã tặng cho mình. Câu chuyện này cứ theo tôi suốt cuộc đời, đến nỗi sau này, khi kể chuyện cho em đồng nghiệp - cũng là sinh viên khoa Toán kinh tế - ĐH KTQD, em cũng tâm sự thực là rất thèm muốn có những tình bạn đẹp như thế hệ chúng tôi.

        Cũng cần nói thêm, mặc dù được các bạn nữ quan tâm, tặng quà, nhưng với tư cách là lớp phó học tập, mỗi khi họp lớp tôi vẫn không quên nhắc nhở các bạn nữ cần tích cực học tập hơn, vì trong mắt tôi lúc đó, các bạn nữ rất thông minh, nhưng rất lãng phí thời gian. Nhắc nhiều đến nỗi, có một lần, khoa Toán kinh tế giao cho mỗi lớp phải có 3 tiết mục văn nghệ, các bạn nữ nhất định phân cho các bạn nam phải có tiết mục riêng, nữ có tiết mục riêng. Đến lúc này, cánh nam chúng tôi bí quá, đành nói khó với các bạn nữ cho hát cùng, nhưng các bạn nữ không chịu, chỉ chiếu cố cử bạn Hòa đến dạy chúng tôi hát. Phải học hát, phải biểu diễn trong khi chúng tôi chẳng có năng khiếu hát hò gì, khi đó chúng tôi mới thấy rằng, xây dựng một tiết mục văn nghệ cũng có cái vất vả của người trong cuộc. Từ đó, cánh nam mới thôi điệp khúc nhắc nhở các bạn nữ hãy chăm chỉ học hành.

        Sau này, khi về công tác cùng thành phố Nam Định, tôi và gia đình hai bạn Oang - Hòa trở nên thân thiết hơn. Chúng tôi thỉnh thoảng nhắc lại những kỷ niệm thuở sinh viên với bao cảm xúc đong đầy.

2. KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ TRONG CUỘC ĐỜI CÔNG TÁC CỦA TÔI

        Cho đến bây giờ, mặc dù đã được nhà nước cho nghỉ hưu 4 năm, nhưng tôi vẫn không thể quên những đồng nghiệp và cơ quan - nơi tôi được sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời công tác của mình.

        Sau khi ra trường, tôi và nhiều bạn cùng lớp đại học đều phải trải qua lớp huấn luyện sỹ quan dự bị. Sau đó tôi nhập ngũ, tham gia xây dựng thủy điện Sông Đà. Hết 3 năm nghĩa vụ quân sự, tôi về công tác tại Xí nghiệp Dệt dân sinh Nam Định, nơi Anh hùng lao động Đào Thị Hào làm Giám đốc. Mãi tới năm 1991, tôi mới chuyển về Điện lực Hà Nam Ninh (tiền thân của Công ty Điện lực Nam Định ngày nay) làm công nghệ thông tin theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo.

        Tôi luôn cảm ơn bạn bè và cuộc đời đã cho tôi công tác tại một đơn vị đầy ắp tình người và thỏa sức sáng tạo. Tại đây, tôi đã làm việc dưới 3 đời giám đốc, song tất cả đều để lại trong tôi một niềm tin, sự cảm phục và đáng để học tập, đặc biệt là việc nuôi dạy con cháu và việc lãnh đạo cơ quan. Mặc dù chỉ là Trưởng phòng Công nghệ thông tin của một công ty, nhưng tôi nghĩ, mình đã có những đóng góp nhất định cho Công ty. Trong số những đóng góp đó, có công trình ''sử dụng máy tính bảng để ghi chỉ số công tơ''.

        Theo thông lệ, chỉ số công tơ được công nhân ra hiện trường ghi vào sổ rồi mang về nhà cho nhân viên nhập vào chương trình máy tính. Cách làm đó rất tốn công, nhưng lại xảy ra nhiều sai sót. Vào những năm 2010, trước những phát triển như vũ bão của CNTT, đặc biệt là sự tích hợp giữa điện thoại thông minh, máy tính bảng với các phần mềm lớn đã phổ biến, tôi đã đưa ra phương án sử dụng máy tính bảng cho công nhân nhập chỉ số công tơ, sau đó về chuyển dữ liệu vào chương trình kinh doanh của Công ty. Sau một năm miệt mài, tôi và đồng nghiệp đã lập và triển khai thử nghiệm thành công. Được Giám đốc Công ty ủng hộ và kiên quyết triển khai, sau 1 năm, toàn bộ Công ty Điện lực Nam Định đã triển khai xong. Đến lúc này, đoàn cán bộ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mới vào tham quan miền Nam, thấy các Điện lực miền Nam cũng đã triển khai, khi đó mới giao cho Công ty Công nghệ thông tin của Tổng Công ty lập trình và triển khai tại các Điện lực trực thuộc Tổng Công ty. Riêng Điện lực Nam Định được giữ và sử dụng phần mềm của riêng mình.

        Tôi nghĩ, dù ở bất cứ cương vị nào, nếu luôn chủ động sáng tạo thì vẫn phát huy tốt kiến thức cơ bản đã được học và tạo được uy tín cho khoa Toán kinh tế và trường Đại học Kinh tế quốc dân của mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét