Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đại Việt mấy lần đánh tan quân Nguyên?


Trong sách giáo khoa dạy học trò của VN lâu nay, cụm từ “Ba lần đánh tan quân Nguyên” quá quen thuộc. Hoặc có một dạng dị bản là “Ba lần đánh tan quân Nguyên Mông”. Lỗi này không phải do người viết sách bịa ra, mà lỗi trước hết do tầm chương trích cú. Và cho đến nay, ngay cả các học giả cũng tin bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên chủ biên là tuyệt đối đúng và miễn bàn luận.
Không phải như vậy.
Quân Mông Cổ xâm phạm Đại Việt năm 1258. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “tháng 12 ngày 12 năm Đinh Tị, (chú ý năm Đinh Tỵ là 1257, nhưng tháng 12 âm thì đã là 1258) , tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến…” Đó là năm Nguyên Phong thứ 7, tương ứng với Tống Bảo Hựu năm thứ 5.
Tướng Ngột Lương Hợp Thai tức là người có tên Mông cổ là Uriyangqadai, có sách phiên âm theo phiên âm Hán là Ngột Lương Hợp Đài, hoặc Ngột Lương Cáp Thai. Không hiểu sai sót ở đâu, do người dịch hay do chính Ngô Sĩ Liên, mà gọi tướng Uriyangqadai này là “tướng Nguyên”?
Viên tướng này thuộc quyền của Hốt Tất Liệt, khi đó Hốt Tất Liệt dưới quyền Mông Kha Hãn (Monkh Khan) dù đã chinh phục Đại Lý, chiếm nhiều vùng bắc Trung Quốc, nhưng chính quyền nhà Tống chạy xuống phía Nam, về danh chính ngôn thuận, vẫn là triều đình Trung Quốc. Năm 1257-1258, Hốt Tất Liệt chưa thiết lập triều Nguyên, còn phò Mông Kha đánh dẹp phía Bắc của triều (Nam) Tống.
Cũng chính Đại Việt sử ký toàn thư, đến năm Canh Thân 1260, là niên hiệu Thiệu Long thứ 3 của nhà Trần, Cảnh Định thứ 1 của Tống, thì triều Nguyên bắt đầu có niên hiệu Trung Thống năm thứ nhất. ĐÓ là năm lên ngôi của Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt. Như vậy, đến 3 năm sau mới có triều Nguyên, sao năm 1257 đã gọi Ngột Lương Hợp Thai là “tướng Nguyên”? (và toàn bộ những chỗ chỉ quân địch của quan quân Trần, ĐVSKTT đều gọi là "quân Nguyên"?)
Cuộc kháng chiến lần thứ nhất của quân dân nhà Trần diễn biến trong thời gian ngắn, chỉ 12 ngày sau, ngày 24/12 âm lịch trận Đông Bộ Đầu, quân của Uriyangqadai (Ngột Lương Hợp Thai) đã bị đánh bại. Cần khẳng định rằng, đối phương của vua Trần Thái tông năm 1258 không phải là “quân Nguyên” mà là “quân Mông Cổ”. Còn 2 lần kháng chiến sau, năm 1284 và 1287 thì mới đúng là “quân Nguyên”.
Có ý kiến cho rằng phải gọi là “Nguyên Mông” thì nói “Ba lần đánh quân Nguyên Mông” là đúng. Điều này cũng hoàn toàn không đúng với sử liệu về Mông Cổ và nhà Nguyên. Phải khẳng định nhà Nguyên là một triều đại của Trung Quốc, mặc dù triều đình Nguyên do người Mông Cổ thống trị các sắc dân khác ở lãnh thổ Trung Quốc. Triều đình nhà Nguyên không thể coi là một triều đại của Mông Cổ giai đoạn đó được. Để làm rõ điều này, phải xét lịch sử Mông Cổ từ Thành Cát Tư Hãn (Tringit Khan phiên âm theo chữ Nga dùng tại Mông Cổ) và một giai đoạn dài sau khi ông ta mất, theo dõi những cuộc tranh giành ngôi Khan (đại Hãn) thì sẽ thấy Hốt Tất Liệt chỉ là người tranh ngôi Khan Mông Cổ trên danh nghĩa, và thực tế chỉ làm vua ở Trung Quốc mà thôi.
Hốt Tất Liệt (Khubilai) là Khan thứ 5 kế thừa Khan Mông Kha (Monkh) cùng là cháu nội Thành Cát Tư Hãn. Đây là nhánh đáng lý kế thừa ngôi Khan (út) nhưng thế hệ Khan thứ hai lại do chính Thành Cát Tư Hãn chỉ định nối ngôi là người con thứ 3 Ô Khoát Đài (Ogiodei). Hai nhánh phả hệ này, thế hệ sau đã lôi kéo những con cháu thuộc các chi nhánh khác yếu hơn đã tạo thành cục diện phân tranh ba bè bẩy mối, rất khó thống nhất. Tại chính Mông Cổ, một hội nghị Kurultai (bầu Khan) đã đưa người em khác của Hốt Tất Liệt lên ngôi Khan Mông Cổ. Hốt Tất Liệt đã phải tổ chức một hội nghị khác của riêng mình, phạm vi hẹp, để xưng Khan. Năm đó lập ra nhà Nguyên. Tất nhiên Hốt Tất Liệt không được thừa nhận, đã phải chiến tranh chinh phục 5 năm, đến 1264 mới đánh bại được Khan ở Mông Cổ. . Tuy vậy, đế quốc Mông Cổ chính thức tan rã, các vị đứng đầu chi phái khác, mặc dù không xưng Khan nhưng không thần phục Hốt Tất Liệt, trở về cai quản và giữ đất đai của mình. Hốt Tất Liệt thực tế không cai trị được đế quốc Mông Cổ như các Khan khác, và chính miền đất ngày nay là Mông Cổ và Tân Cương (TQ) và những vùng Trung Á, châu Âu do quân Mông Cổ chiếm được đều không thuộc quyền cai trị của Hốt Tất Liệt.
Trong loạt bài viết về Mông Cổ, có chi tiết người Mông Cổ nói chỉ đến Đại Việt rồi rút về, khoan nói đúng sai, nhưng nói thêm, đối với người Mông Cổ, chỉ coi như có 1 lần xâm lược Đại Việt đó. Quân Mông Cổ thực sự đánh Đại Việt có một lần năm 1258. Hai lần sau cách xa gần 30 năm, là cuộc xâm lược của một triều đình Trung Quốc, với các chỉ huy Mông Cổ và Hán, đội quân đông đúc người Hán tham chiến.
Do đó, nói đúng ra là: Nhà Trần đã 1 lần đánh thắng quân Mông Cổ, và 2 lần đánh thắng quân Nguyên. Không thể nói gộp kiểu bà đi chợ, mua 2 cân rau, một cân thịt, thì gọi là “mua 3 cân rau thịt” được. Nói “ba lần đánh tan quân Nguyên Mông” thật là khiên cưỡng, không đúng với sử liệu.
Tham khảo Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, thì toàn bộ chiến cuộc 1258, ông không hề dùng từ nào là “quân Nguyên”, mà chỉ gọi là “quân Mông Cổ”, chỉ có đúng 1 từ thuật lời vua là còn chữ “Nguyên”. Trong khi đó, khi nói về cuộc chiến 1284 và 1287, Đại Việt sử ký tiền biên đều dùng chữ “quân Nguyên” mà không dùng chữ chỉ địch quân là “Mông Cổ”. Có thể nói, tác giả Ngô Thì Sĩ đã phân biệ rất rõ lần kháng chiến năm 1258 là quan quân Trần chống quân Mông Cổ, còn 2 cuộc kháng chiến 1284 và 1287 là kháng chiến chống quân Nguyên. Vấn đề là mấy chục năm qua, đã có sự đề cao Đại Việt sử ký toàn thư mà ít để ý đến bộ Đại Việt sử ký tiền biên, từ đó các tác giả soạn sách giáo khoa, viết báo gây nên một lầm lẫn kéo quá dài.
Không nói “ba lần đánh tan quân Nguyên” mà nói nhà Trần đã “một lần đánh thắng quân Mông Cổ và 2 lần đánh tan quân Nguyên” thì cũng không giảm đi tầm vóc và ý nghĩa chiến công của nhà Trần, mà còn nâng cao rõ rệt tầm vóc chiến công. Bởi vì 1 lần đánh thắng quân Mông Cổ, ý nghĩa lớn hơn nhiều nếu nói đánh thắng quân Nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét