Trang

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Nguyễn Văn Tố Danh nhân Hà Nội

ÔNG THÔNG, ÔNG PHÁN
VÀ CÂU CHUYỆN ÔNG PHÁN MEN (NGUYỄN VĂN TỐ) MỘT DANH NHÂN CỦA HÀ NỘI
*************
(Viet Cuong Sarraut sưu tầm bài của ông Kiều lê Kiều)

Ngày nay hai tiếng Ông Thông, Ông Phán đã thành một bóng mờ. Nhân đọc được trên fb bài viết về chân dung một Ông Phán, một danh nhân uyên bác của Việt Nam.Xin phép tác giả đăng lại để cùng suy ngẫm.

Ông Thông, Ông Phán, Ông Tham là tên gọi quan chức cấp trung và cao cấp thuộc cơ quan hành chính Pháp ở Đông Dương. Chúng ta thường “dị ứng” với các tên gọi trên qua hình ảnh có phần bôi bác ”Sáng vác ô đi tối vác về, Sáng uống Sâm banh tối sữa bò “, hình ảnh cũng được thổi lên quá khích về các bà Phán, bà Tham thân hình béo nục,quần áo gấm hoa, kiềng vàng, vòng xuyến, mặt phấn hương, tam bành quát mắng gia nhân…
Đó chẳng qua là ngòi bút văn học có chút “Thăng hoa“ thế thôi, chứ thực ra đâu đến nỗi !
Lớp công chức Thông, Phán chân chính (Đa phần) họ đều là dân tri thức có thực tài sau khi đã qua những kỳ khảo thi sát hạch kiểm tra nghiêm ngặt(chứ không phải là được bổ nhiệm đúng quy trình).Họ trở thành công chức ngạch bậc cao, tiền lương đáng nể (không phải là bơ thừa sữa cặn, và càng không thể là nhơ bẩn). Thường gia đình Thông, Phán có từ 2 đến 4 người giúp việc trong số:
-Vú em : chuyên một việc chăm sóc trẻ sơ sinh (Kể cả cho bú sữa)cho đến khi lớn
- Anh Xe : chuyên trách kéo xe tay (Xe có 2 càng phía trước để nắm tay vào đó rồi chạy bộ lôi xe theo mình ở sau)
-Anh Bếp chuyên việc bếp nước
-“Con Sen hoặc Thằng Nhỏ“ : để sai vặt việc nhà…
Những “Người ăn kẻ ở này” ở riêng dưới nhà xép, ăn sau nhà chủ. Họ sống an phận thủ thường, tuân theo nội quy gia chủ, sống có phép tăc kính cẩn “Gửi, Thưa “, chả mấy khi xẩy ra trộm vặt, tắt mắt hoặc đố kỵ nói xấu gia chủ.
Đối lại người gia đình ông Thông, ông Phán cũng coi họ thân tình, bắt con cái phải gọi vú nuôi là “Vú”xưng em, gọi anh Bếp anh Xe mà không thằng này con nọ. Ngày lễ tết, các Ông gửi quà biếu cho gia đình họ, đường ăn nếp ở giữa chủ và gia nhân khác lạ lắm lắm so với thời “Ô Sin“ ngày nay
Nhiều Ông Thông ông Phán là những người tài năng, có những người có thể gọi là xuất sắc, ví dụ Nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam, văn bằng Cử nhân, Đại học Sorbone -Pháp), Nhà thơ Tú Mỡ (Hoàng Trọng Hiếu), Hoạ sỹ Nguyễn Văn Thọ…họ đều xuất thân là Thông,Phán Sở Tài chính Đông dương, Nhà thơ Cù Huy Cận (Kỹ sư Nông nghiệp) tham tá Sở Canh nông, và đặc biệt xuất sắc siêu tài năng là Ông PHÁN MEN (Nguyễn văn Tố). Ông là niềm tự hào của người Việt chúng ta.Tuy là công chức cao cấp ở Viện Viễn Đông Bác Cổ (ngạch bậc lương của ông chỉ xếp sau Giám đốc Viện) nhưng khi đi làm chỉ đi bộ từ nhà (Phố Bát sứ) đến phố Carreau, nay là Phố Lý Thường Kiệt nơi có trụ sở Viện.Mùa đông cũng như hè, cả đời chỉ áo thâm khăn xếp, đi giầy Gia Định, không bao giờ mặc Âu phục (Theo “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”). Ông giỏi Hán Nôm, thông kim bác cổ về Văn học, biết nhiều lĩnh vực từ khảo cổ đến ngôn ngữ, Lich sử, văn hoá giáo dục. Đặc biệt tiếng Pháp (Xuất thân từ trường Thông ngôn),có lời đồn là ông nhớ từng chữ ở trang nào của Từ điển Larousse ! Văn phong tiếng Pháp và thông tuệ uyên bác đến mức viên Giám đốc Viện người Pháp Coedese phải”ngả mũ”, mỗi khi viết bài đều thông qua ông để có lỗi thì nhờ ông sửa (Theo "Hiền tài nguyên khí Quốc gia").Đầu thế kỷ XX ông được người đời tôn vinh là một trong "Tứ Kiệt nước Nam" Quỳnh - Vĩnh - Tố - Tốn (Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh, Nguyễn văn Tố và Phạm duy Tốn).
Đến thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Ông vẫn đóng áo thâm khăn xếp như ngày nào, ra mắt Chính phủ trong cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội, rồi Trưởng ban thường trực Quốc hội khóa I. Ông cùng nhà bác học Văn hoá lừng danh Hoàng Xuân Hãn đề xuất học Bình dân học vụ với cách đánh vần O,A,Bờ,Cờ,… I thời có móc, tờ dài có ngang…Nhờ có cách đánh vần tuyệt vời này mà dân ta nhanh chóng thoát khỏi mù chữ, đơn giản mà vĩ đại thay Ông PHÁN MEN (Người dân yêu quý ông và đặt tên thân tình như thế vì khi đi làm, ông cứ men theo các nhà trên phố mà đi). Đẹp qúa bóng dáng Ông như còn in dấu phố phường Hà nội đến tận bây giờ !
Ngày 7/10/ 1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, bắt được Ông và tưởng là Cụ Hồ. Nếu ông cứ mặc nhiên để chúng cho là như vậy, chắc chắn sẽ an toàn tính mạng, nhưng sợ quân Pháp loan tin đó ra, sẽ có hại cho Cách mạng nên cố tình vùng chạy…và ông đã bị chúng bắn theo sát hại !(Theo "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia")
Chúng ta tự hào thay một Phán Men sử dụng tiếng Pháp để chính người Pháp phải kính nể (Giống như dân Paris kính nể ông Trạng Mẹo Phạm duy Khiêm), một học giả, một nhà Văn hoá, một người con giữ quốc hồn quốc tuý lấp lánh trong áo thâm, khăn xếp nho nhã của tiền nhân, một tấm gương yêu nước vĩ đại đến quên cả thân mình, để con cháu muôn đời ngưỡng mộ .

 ÔNG PHÁN MEN- NGUYỄN VĂN TỐ !
______________
Chân dung ông Nguyễn Văn Tố (ảnh st)
247
 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét