Trang

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

LAN MAN KÍ ỨC BẾP


Trần Quang Dũng
Sưu tầm và biên tập
Vài năm gần đây, có lúc tôi nằm mơ thấy … bếp nhà mình. Cái thời xa lắm rồi, năm mươi năm, hoặc nhiều hơn một chút.
Cái bếp trong giấc mơ và cái bếp thật, bây giờ nhớ lại chẳng còn phân biệt nữa. Kí ức là sự trộn lẫn giữa những chi tiết sống thực và những điều tưởng tượng ...
Bếp nhà tôi ngày xưa cũng như mọi cái bếp của người Việt thời ấy. Đó là nơi bộc lộ một cách chân thật nhất, tình cảm của người trong nhà.
Ở phòng khách, hoặc nhà trên (thường là nhà thờ), phải khách sáo, phải kiềm chế để giữ chữ lễ, giữ khoảng cách. Dưới bếp thì không, cứ ồn ào cả lên : quát tháo, sai phái, mắng chửi thoải mái, đấy là những ngày vui vẻ. Còn những ngày buồn, thì chốn "xó bếp" quạnh hiu.

Nhà bếp thường thấp, chật hẹp, và muốn giữ cho kín gió, người ta hay để lỗ thông hơi (nếu có cửa sổ thì nó rất nhỏ), nên có nhiều bóng tối, nhiều sự kín đáo, chỗ dựa cho những riêng tư.
Tôi bắt gặp thầy tôi ngồi một mình trong bếp, nhìn mãi vào ngọn lửa, trong một buổi tối mùa đông khó khăn nhất của đời ông.
Có lần tôi thấy chị tôi chạy xuống bếp khóc tức tưởi, vì một oan ức nào đó.
Cái xó bếp yên tĩnh an ủi con người ta chăng ?

Đối với người Việt, bếp còn là nơi dung dưỡng những tình cảm gia đình truyền thống.
Những ngày giỗ, ngày Tết, anh chị em xa nhau lâu ngày, con cái về thăm bố mẹ.
Chuyện công việc, chuyện học hành, chuyện nhà cửa, chuyện làng xóm, chuyện phố phường và cả chuyện yêu đương nữa cứ gọi là nở như ngô rang ở ngay trong bếp.
Mắng yêu, chửi yêu, hờn dỗi, trêu chọc, ...
Thành ngữ "Vui như Tết" chắc phải đẻ ra từ trong bếp.

Bếp là thế, là nơi chốn ấm cúng của đời người, là mối nối bền chặt của sợi dây gia đình, là chỗ chứa đựng niềm hạnh phúc và cả nỗi thống khổ. Bếp nhà quan, bếp nhà giàu, và có cả bếp chị Dậu, chỉ biết mỗi một việc là luộc nồi khoai mót, và nhận những giọt nước mắt tủi sầu.

Bếp bao cấp thanh bạch của miền Bắc XHCN, thu xếp khéo léo dưới gầm cầu thang, ngoài hành lang, góc ban công của khu nhà tập thể, ..., ám mùi mắm muối, mùi đồ ăn quá lửa, mùi ẩm mốc lẫn mùi khói dầu, khói than tổ ong, ...

Thế kỉ XXI, người Việt đã chia tay với bao cấp. Cuộc chia tay ấy diễn ra ngay trong bếp.
Chào nhé, những cầu ao thơ mộng nằm dưới bóng mát cây sung già trăm tuổi, những bể nước, chum vại với gáo dừa, vỏ lon sữa bò và những xô chậu lỉnh kỉnh !
Chào nhé, góc sân gạch ẩm ướt rêu phong lúp xúp tàu lá khoai ráy lốm đốm nắng hè bên chiếc rô-bi-nê bằng đồng, hơn năm mươi tuổi lúc nào nước cũng nhỏ giọt tong tong !
Bây giờ là bồn rửa chén xịn hai ngăn đặt trên tủ phủ đá granít đen Italia, là vòi nước i-nox bóng loáng. Là bếp gass, bếp điện, ... đẹp long lanh.
Bếp Tây rộng rãi thoáng đãng ngăn nắp, sạch sẽ, ... lại không khói, không mùi.

Như thế là hết ư, cái bếp của người Việt ?
Không ! Vẫn còn đấy.
Với những viên chức lương ba cọc ba đồng. Với những người buôn thúng bán bưng ngày kiếm một hai chục bạc. Với những bà mẹ miền quê. Với ...
Buổi chiều, bạn đứng ở một chỗ nào đó, trên đê sông Hồng chẳng hạn, nhìn ra xa vẫn thấy làn khói bếp bay lên, trên những nóc nhà ngói cũ mới ẩn hiện nhấp nhô sau lũy tre làng, ...

(Theo nhạc sĩ Dương Thụ, báo
Tuổi Trẻ ngày 21- 01- 2004)

***

Ảnh sưu tầm. — cùng với Trần Quang Dũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét