Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Bài thi của Trạng nguyên Lương Thế Vinh


TOÀN VĂN BÀI THI ĐÌNH GIÚP LƯƠNG THẾ VINH
ĐỖ TRẠNG NGUYÊN NĂM 1463

Khoa thi Đình năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4, (1463), đích thân Hoàng đế Lê Thánh Tông ra đề và chấm bài. Bài của Lương Thế Vinh đạt điểm cao nhất, giúp ông đỗ Trạng nguyên, khi đó ông 22 tuổi đời

1. Chế sách (đề bài):

Các bậc đế vương thánh thần thời thượng cổ, nối trời trị đời, dạo đó rất là thuần phác. Cho đến đời sau mới có thuyết Phật, Lão dấy lên mới bắt đầu có chuyện bàn về tam giáo (Nho, Phật, Lão) mà lòng người với trị đạo thật không còn như xưa. Giáo lý đạo Phật, đạo Lão hết thẩy đều mê đời, lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể xiết mà lòng người rất ham, rất tin.

Ðạo của Thánh nhân (Nho) lớn thì tam cương (1), ngũ thường (2), nhỏ thì tiết văn độ số (3) đều thiết dụng trong cuộc sống thường ngày mà lòng ham thích của người ta lại chẳng bằng đạo Phật, đạo Lão, sao lại như thế?

Nhà nước ta thiết lập quan, phân chia chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau. Giữ việc cơ mật có Nội Mật Viện; trấn giữ các miền có Ngũ Ðạo Quan; xử kiện tụng có Ngũ Hình Viện; lo giám sát có Ngự Sử Ðài; nắm lễ nhạc có Lễ Nghi Viện; giáo dưỡng nhân tài có trường Quốc học, Lộ học; quản lý kho tàng và xây dựng có Nội Thị Sảnh; thi hành giáo hóa ở các nơi xa có các quan phủ, lộ, trấn, huyện; giữ gìn phép tắc, coi sóc việc quân có quân quan các vệ. Tất cả những việc ấy dặt ra thẩy đều vì dân cả. Thế mà mọi việc chưa được sáng tỏ, hình ngục còn lạm, kỷ cương chưa giữ gìn, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa phát triển, của cải chưa phong phú, hàng hóa chưa lưu thông, đức trạch chưa nhuần thấm, quân dân còn oán thán, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy là cớ tại sao?

Ðiều cốt yếu để làm nên thịnh trị không ngoài ở chỗ làm sáng tỏ đạo Thánh, chính đáng nhân tâm, trừ dị đoan, bỏ tệ xấu, làm việc tốt. Làm được những điều ấy tất có thuật của nó.

Sĩ đại phu bác cổ thông kim hãy đem những hiểu biết viết ra rõ ràng, Trẫm sẽ đích thân xem xét".

2. Đối (Bài làm)

Thần xin đối: Thần nghe: Tà thuyết làm hại chính đạo là có nguyên do, thịnh trị có thể đạt đến là có nguồn gốc. Nguyên do là gì? Chính ở chỗ đạo học không sáng tỏ. Nguồn gốc là gì? Chính ở chỗ vua tôi trọn đạo. Nắm rõ điều này, tất cái hại của tà thuyết, cái phương sách của chính trị có thể biện biệt được rồi.

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ cho chúng thần vào chốn điện đình, thân ban sách vấn, lấy việc chính đạo dị đoan để hỏi, lại lấy việc đời nay chưa trị làm lo, ý mong tìm phương thịnh trị. Xét thần ngu thiển, sao đủ để biết. Nhưng người xưa có nói: “Hỏi han đến cả người cắt cỏ, kẻ kiếm củi”. Huống chi thần lạm dự hàng khoa mục tới đây, lại dám không dốc lòng mà bàn góp một lời sao? Thần kính cẩn chắp tay rập đầu xin đối.

Thần cúi đọc sách vấn của thánh thượng hỏi:

“Thời thượng cổ thánh thần nương theo phép trời để cai trị, đạo đó thuần nhất không có gì phải bàn cãi. Đến đời sau, thuyết Phật, Lão dấy lên, mới bắt đầu có chuyện bàn về tam giáo mà lòng người với trị đạo không còn được như xưa. Giáo lí đạo Phật đạo Lão hết thảy đều mê đời lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể xiết, thế mà người ta cuồng tín say mê; đạo của thánh nhân, lớn thì tam cương ngũ thường, nhỏ thì tiết văn độ số, đều là những điều thiết dụng trong cuộc sống thường ngày, mà lòng ham thích của người ta lại chẳng bằng đạo Phật đạo Lão, là cớ làm sao?”

Qua lời sách hỏi, thần thấy bệ hạ thực rõ đạo thánh phải được thi hành mà dị đoan phải được dẹp bỏ. Thần xin được diễn giải thêm.

Thần nghe: Nhất âm nhất dương là đạo tồn tại trong trời đất, thật rõ ràng thay. “Nối đạo là thiện, thành đạo là tính” là đạo đã phối vào con người và vạn vật, điều ấy thật cũng rõ ràng thay. Duy có bậc thánh nhân có thể tận được đạo cho nên đạo quy về thánh nhân, để lấy nguồn từ trời mà tận ở thánh nhân, nên mới gọi là “kế thiên”. Thánh nhân thể được đạo tất đem ra thi hành ở đời, nên mới gọi là “xuất trị”.

Phục Hy vẽ Bát quái để thông tỏ thần minh, Thần Nông làm ra cầy bừa để làm giầu dân sinh, đều là sự phát triển của đạo ấy cả. Ðến đời Hoàng Ðế, Nghiêu, Thuấn thần đạo đã biến hóa, cùng dân thích nghi, có cái gì không phải là thực sự "nối Trời xuất trị"? Do đó đạo truyền đến đời Hạ Vũ thì có luận thuyết "tinh nhất chấp trung" đạo truyền đến đời Thang, Vũ thì có cái ý "kiến trung lập cực". Chính cái thuần khiết của đạo đã có từ lâu lắm vậy. Kinh Dịch nói :"Họ Phục Hy mất thì họ Thần Nông nổi lên, họ Thần Nông mất thì họ Hoàng Ðế nổi lên, họ Hoàng Ðế mất thì Ðế Nghiêu, Ðế Thuấn nổi lên". Hàn Tử nói :"Nghiêu lấy đạo ấy truyền cho Thuấn, Thuấn lấy đạo ấy truyền cho Vũ, Thang, Văn, Võ" chính là nói về điều ấy. Ở vào thời đó, trên thì chính trị hưng thịnh, dưới thì phong tục thuần mỹ, Chính đạo thi hành ở đời như mặt trời mặt trăng trên trời, như vậy thì dị đoan ở đâu mà có?

Đến thời Khổng Tử, đạo thánh không được thi hành, mới bắt đầu có cái lo “chuyên chủ vào dị đoan”. Đến thời Mạnh Tử, cách thời các thánh càng xa nên mới phải có những lời chống Dương Chu, Mặc Địch. Từ đời Hán trở đi, đạo thánh ngày một suy yếu mà thuyết Phật, Lão lại nổi lên. Nhà Phật lấy sự tịch diệt làm cao, mở đầu từ Hán Minh Đế du nhập vào Trung Quốc. Đạo Lão lấy hư vô làm cội, lưu truyền từ đời Hán mà thịnh từ đời Đường đời Tống. Từ đó về sau mới có thuyết tam giáo. Nhưng mà đạo thánh là chính, Phật, Lão là tà, sao có thể xếp chung một hàng mà gọi là “tam” được? Người đời sau không xét được chỗ đó mới phán bừa như vậy. Do đó mà trị đạo và nhân tâm đều chẳng được như xưa.

Đạo Phật đạo Lão che lấp lí mà làm loạn sự thực, cho nên việc mê hoặc người đời, cản trở nhân nghĩa, thực cũng có vậy. Đạo của thánh nhân, có một vật ắt có một lý, cho nên tam cương ngũ thường, tiết văn độ số, không gì không đầy đủ. Cái hại của Phật, Lão như thế, đáng lẽ dân phải không tin mà họ lại cứ tin. Đạo thánh nhân như thế đáng lẽ dân phải chuộng mà lại ít chuộng. Sở dĩ như thế, còn nguyên cớ nào khác hơn là do thế suy đạo vi mà ra cả. Cho nên Chu Công qua đời thì trăm đời sau không có nền chính trị tốt đẹp, Mạnh Tử mất đi thì ngàn năm sau không có lại bậc chân nho. Đời Hán, Đường tuy chuộng Nho nhưng chưa thể làm sáng được đạo; Tống Nho tuy làm sáng đạo nhưng lại không thi hành được đạo; như vậy lòng dân sao khỏi sa vào vòng Phật, Lão?

Huống chi thuyết lí nhà Phật, cái ý “kiến tính thành Phật” của nó đủ lừa người có học; cái luận “thiện ác quả báo” của nó lại đủ dọa bọn thứ ngu; do đó lòng người dễ bị mê hoặc. Còn thuyết lí đạo Lão, cái nghĩa “huyền chi hựu huyền” đủ coi là luận thuyết cao siêu, cái điều “thần tiên bất tử” lại đủ để dụ bọn tầm thường; do vậy lòng dân dễ bị lừa gạt. Bậc hùng tài như Hán Vũ Đế còn thích đạo sĩ, cầu thần tiên; bậc chuộng Nho thuật như Hán Minh Đế còn sai sứ đi Tây Vực thỉnh kinh, như thế thì dân sao mà không chuộng Phật Lão cho được. Một bài biểu ngăn việc rước cốt Phật (của Hàn Dũ) vừa dâng lên mà Đường Hiến Tông cả giận; một lời can gián “trời có nói gì đâu” mà Tống Chân Tông không nghe; như vậy thì sao dân lại không hâm mộ Phật Lão cho được? Còn đạo thánh nhân là phỏng theo đạo của trời, không phải bậc trí thì không thấy được cái hay của nó, không phải bậc hiền thì không cảm được cái vui của nó, vì thế dân ít người học được.

Đạo thánh và dị đoan trái ngược nhau như âm với dương, như ngày với đêm, cái này thịnh thì cái kia phải suy, đó là cái lý tất nhiên. Hàn Tử (Hàn Dũ) nói: “Bất tắc bất lưu, bất chỉ bất hành” (dị đoan không bị ngăn chặn thì đạo thánh không thể truyền bá, dị đoan không bị cấm thì đạo thánh không thể thi hành), chính là nói về điều ấy.

Thần cúi đọc sách vấn của thánh thượng hỏi:

“Nhà nước ta thiết lập quan, phân chia chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau Nhà nước ta thiết lập quan, phân chia chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau. Giữ việc cơ mật có Nội mật viện, trấn giữ các miền có ngũ đạo quan, xử kiện tụng có ngũ hình viện, lo giám sát có ngự sử đài, nắm lễ nhạc có lễ nghi viện, giáo dưỡng nhân tài có trường quốc học, lộ học; quản lí kho tàng và xây dựng có nội thị sảnh, thi hành giáo hóa ở các nơi xa có các quan phủ lộ trấn huyện; giữ gìn phép tắc, coi sóc việc quân có quân quan các vệ; phàm những chức việc ấy đặt ra đều là vì dân cả. Thế mà mọi việc chưa được sáng tỏ, hình ngục còn lạm, kỉ cương chưa giữ gìn, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa phát triển, của cải chưa phong phú, hàng hóa chưa lưu thông, đức trạch chưa nhuần thấm, quân dân còn oán thán, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy, là cớ làm sao?”

Thần kính nghĩ: Trời dựng hoàng gia, quý tìm người có đức. Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế ta, lấy thiên tư trí dũng trời ban vượt qua thử thách gian nan trời tạo, cứu dân sinh từ trong lầm than, mở chinh phạt làm yên bốn bể. Lại ngay buổi đầu dựng nước, cắt đặt quan lại, định ra pháp chế, lớn nhỏ nối nhau, trong ngoài một mối, không có gì không vì dân mà đặt ra. Cái gọi là “phong quan đặt lại cũng vì dân”, chính ở chỗ đó. Lại đến đức Thái Tông Văn Hoàng đế nối ngôi, quan chế đã khá rõ ràng, Nhân Tông hoàng đế kế vị, quan chế lại càng hoàn bị. Kinh Thi nói: “Bất kiền bất vương, tất do cựu chương” (Không thiếu không quên, đều làm như sách cũ), Kinh Dịch nói: “Đại nhân dĩ kế, minh chiếu tứ phương” (Đại nhân thừa kế, sáng chiếu bốn phương), là nói về điều đó.

Huống nay bệ hạ nối nghiệp tiên thánh, vận mở trung hưng, thường răn quần thần làm hết chức trách, thường muốn dùng người phải lấy công tâm, vỗ về rộng lớn để thành phong tục, làm sáng tỏ công lao chính là ở thời nay, mà còn lấy việc chưa đạt nề vương trị làm lo, có thể thấy lòng mong mỏi, chí quyết tâm cầu trị vậy. Tấm lòng bệ hạ như vậy, thần dẫu không mẫn tuệ, cũng không dám có sự giấu che không nói. Thần kính xét Kinh Thư nói “Trị hay loạn là ở thứ quan”. Từ đó mà xem thì quan chức có được tu chỉnh hay không chẳng phải là rất quan hệ đến trị đạo hay sao?

Thần trộm nghĩ thời nay, nếu nói các quan đều không xứng chức cố nhiên là không đúng, nhưng bảo bách quan đều đã tận chức thì cũng chưa phải. Vì sao lại nói như thế? Như nội mật nắm các việc cơ mật, bệ hạ đã giao cho tể thần trông coi, lại chọn thêm văn thần để giữ việc, các chức quan chưa từng bỏ qua không xét, nhưng trong đó có tránh khỏi thiếu sót được không? Lại như các quan năm đạo cai quản các hạt, bệ hạ đã đặt các chức quản lí chung, lại chọn những người có năng lực đặt ở từng nơi, những việc ấy cố nhiên đều cần người hiền, song trong đó khó mà chọn đúng người cả. Đó là lí do mà công việc chưa đạt hiệu quả tối đa.

Đến như việc hình luật, “hình tức là thành” và một khi đã thành thì không thể biến đổi. Như thế đủ biết tầm quan trọng của hình quan thế nào. Nay trong ti ngũ hình cố nhiên đã có người tài nhưng đã quả là ai cũng được như các ông Thích Chi, Định Quốc đời trước chưa? Trên núi có mãnh thú thì không ai dám hái rau, triều đình có quan lại chính trực tất gian tà không thể nổi lên, như thế đủ biết tầm quan trọng của các gián quan thế nào. Nay Ngự sử đài cũng có những người cương trực hiền tài nhưng đã quả là ai cũng được như các bậc hiền Trương Cương, Phạm Báng đời trước chưa? Như thế thì việc kỉ cương chưa được thi hành chặt chẽ, không thể bảo đảm là không có sự gì.

Phàm việc yên triều đình, trị muôn dân không gì cần hơn lễ, thay đổi phong tục, không gì trước hơn nhạc. Việc nắm giữ lễ nhạc của bản triều thảy quy về Lễ nghi viện. Lễ nhạc khi dùng ở triều đình ắt thể hiện hết cái hay cái đẹp, nhưng đáng tiếc là vẫn chưa phổ xuống đến thứ dân. Việc giáo hóa thi hành thì phong tục tốt đẹp, đạo thầy được đề cao tất người thiện mới nhiều, như thế thì giáo chức có quan hệ với trị đạo rất to lớn. Trách nhiệm giáo dục nhân tài của bản triều là ở các trường quốc học, lộ học. Việc dạy văn nghệ đã có phép tắc nhưng cái đáng lo là chưa dạy thấu đáo về đức hạnh mà thôi.

Còn như của cải chưa phong phú là do chính sách tốt chưa làm trọn vẹn; hàng hóa chưa lưu thông chính bởi cấm lệnh triệt để chưa thi hành, há chỉ là trách nhiệm của riêng Nội thị sảnh hay sao?

Thần nghe các bậc tiên nho nói rằng: “Các quan thú lệnh chính là người thầy, là vị tướng soái của dân” để vâng mệnh giáo hóa các nơi. Các quan thú lệnh có tài đức hay không rất quan hệ đến sự sướng khổ của dân do đó dùng người làm thú lệnh không thể không chọn người tài giỏi.

Thần trộm thấy thời nay các quan ở phủ lộ trấn huyện, người làm hết chức trách thì ít, kẻ không làm hết chức trách thì nhiều. Cho việc giáo hóa là thế nào? Nói những điều chỉ là những việc ngọn như xử kiện, thúc thuế. Cho việc dân là thế nào? Làm những việc chỉ trong chuyện sổ sách hội họp. Con hiếu, cháu hiền, nghĩa phu, tiết phụ là những người đáng được triều đình khen ngợi mà các quan đề bạt kể được mấy người. Góa vợ, góa chồng, không con, không cha là những người không thể tự sinh tồn, triều đình rất là thương xót mà các quan tâu lên chẳng được là bao. Những người nắm giữ việc này chưa mấy ai làm tròn trách nhiệm.

Thần lại nghe Kinh Dịch nói: “Quẻ sư, chính đáng, bậc lão thành thì tốt”; lại nói: “Người cầm đầu ra quân tất phải nắm được quy luật cuộc chiến”. Cho nên không thể không chọn người tài giỏi. Lúc này những người nắm quyền binh, xứng đáng với chức vụ thì ít, không xứng đáng chức vụ thì nhiều. Tiếng là võ quan mà thông thạo vũ lược được mấy người? Chức là cầm quân mà am hiểu tình quân được bao nhiêu? Vơ vét là việc triều đình nghiêm cấm mà vẫn lấy lạm của quân như thế; vỗ về thương xót lê dân là bản ý của triều đình mà vẫn coi thường cấm lệnh, hoành hành bạo ngược như thế. Do đó mà chức trách kẻ cầm quân vẫn chưa làm trọn. Như vậy thì đức hạnh của bề trên vẫn chưa thấm nhuấn xuống dưới, quân tình còn oán thán há có thể không có chuyện đó hay sao? Do vậy mà tệ xấu chưa được trừ mà hiệu quả tốt cũng chưa thấy được.

Thần cúi đọc chế sách của thánh thượng hỏi: “Cốt lõi của việc cai trị không ngoài việc làm sáng đạo thánh, chính nhân tâm, trừ dị đoan, bỏ tệ xấu, tỏ rõ trị hiệu. Để làm được những điều ấy tất phải có thuật riêng. Sĩ đại phu bác cổ thông kim, hãy đem hiểu biết viết ra rõ ràng, trẫm sẽ đích thân xem xét.” Ôi, lời bệ hạ như thế không chỉ là điều may mắn cho chính đạo mà cũng là điều may mắn lớn cho thiên hạ.

Đạo thánh không thể không sáng tỏ, nhân tâm không thể không chấn chỉnh mà tà thuyết ắt phải bị tẩy trừ, đó là điều trọng yếu của thịnh trị. Như vậy sự sáng tỏ đạo thánh lại là gốc của sự chấn chỉnh nhân tâm, trừ bỏ tà thuyết. Nếu như có thể “xem xét ở nhân văn để giáo hóa tác thành cho thiên hạ” thì cái sáng của đạo thánh chính ở chỗ đó. Đạo thánh đã sáng tỏ thì cái lý đương nhiên người ta sẽ biết rõ. Nhân tâm đã đúng đắn thì sự sai trái như thế người ta ắt phân biệt được, còn lo gì đạo Phật đạo Lão làm hại. Hàn Tử (Hàn Dũ) nói: “Phải bắt người của chúng (Phật Lão) hoàn tục, đốt sách của chúng đi, biến chùa quán của chúng thành nhà ở, làm sáng tỏ đạo tiên vương để dẫn dắt chúng”. Mạnh Tử nói: “Người quân tử phải trở lại đường chính, đường chính đã đúng tất dân sẽ hưng thịnh, dân đã hưng thịnh thì không có gian tà”, chính là nói về điều ấy.

Đến ngay các quan cai trị không thể quản, các tệ xấu không thể sửa, việc tốt phải làm đều là các phương sách trị nước vậy. Mà việc quản lý các quan lại chính là gốc để đổi cải tệ nạn, làm điều tốt. Nhược bằng có thể khảo xét để thăng chức người tài, giáng chức kẻ ngu thì việc quản lý quan chức coi như đạt được. Quản được quan chức tất chính sự không sai lầm mà tệ xấu không gì không được sửa đổi. Tệ xấu được sửa đổi tất dân được hưởng phúc trạch mà việc tốt không gì không được làm. Kinh Thư có nói: “Kính cẩn chức quan của ngươi, sắp đặt chính sự của ngươi, muôn đời tốt đẹp cho dân, muôn nơi không khổ cực” quả nói về điều ấy chăng?

Phương sách trị nước vốn là như thế, nhưng tìm cái gốc của việc ấy chính là ở chỗ bệ hạ cùng triều thần phải đồng tâm nhất thể để đạt được như vậy.

Kinh Thư nói: "Ðầu óc sáng suốt, chân tay nhanh nhẹn, mọi việc tốt đẹp" đó là nói về "nhất thể". Thần mong rằng trên thì Bệ hạ, dưới thì triều thần, trên dưới hòa hợp tất cũng một lòng như Kinh Dịch nói, đầu óc chân tay tất cùng một thể như Kinh Thư nói. Vua biết rõ chức trách làm vua thì khó, bề tôi biết rõ trách nhiệm làm bề tôi là khó thì chính sự sẽ được sửa sang, muôn dân đều thấm nhuần đạo đức. Ðược như thế thì làm gì phải lo việc chính đáng nhân tâm, sáng tỏ đạo Thánh, trừ bỏ dị đoan không có cách, làm gì phải lo việc nắm các quan cai trị, sửa đổi tệ xấu, làm việc tốt không có đường?

Kiến giải của thần như thế, thần không biết viển vông trong lời ấy, cũng không biết ngông cuồng trong lời ấy. Nhưng lời của kẻ ngông cuồng cũng có khi Thánh nhân chọn lựa. Thần cúi mong Bệ Hạ điều nào có thể chọn được mà chọn thì kẻ hạ thần vô cùng may mắn.

Thần kính cẩn dâng lời đối sách".

Vua phê: Quyển này tường tận, minh bạch, không hổ danh là một bài đối sách, đọc văn đó mà lòng bứt rứt không yên.

Nguồn khảo cứu:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
- Tạp chí xưa và nay:
https://xuanay.vn/tu-tuong-chinh-tri-cua-trang-luong-luong…/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét