Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Ngã 5 Chuồng chó





Ngã năm Chuồng Chó (Q.Gò Vấp) được đặt tên theo một trường huấn luyện quân khuyển chế độ cũ ở ngay sát ngã năm.

Ngã năm Chuồng Chó nút giao thông lớn nằm ở trung tâm quận Gò Vấp, nay đổi thành ngã 6 (P.3, Q.Gò Vấp), là trục giao giữa các đường Quang Trung – Nguyễn Oanh (An Nhơn) – Trần Thị Nghĩ (mới mở) – Nguyễn Văn Nghi (Gia Long, 30/4) – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Kiệm (Võ Di Nguy). Đến nay, khi đi qua đây người dân vẫn thường gọi thân thuộc là ngã năm Chuồng Chó.
Ông Nguyễn Văn Sáu (80 tuổi, ngụ đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp) cho biết, vào những năm 1945, Thực dân Pháp cho xây dựng ở khu vực ngã năm này một cơ sở nuôi chó huấn luyện phục vụ việc tuần tra và cảnh giới. Đến khi Pháp rút quân về nước, cơ sở này tiếp tục bàn giao lại cho quân đội chế độ cũ tiếp quản.
Thời chiến tranh, quân đội Mỹ sử dụng chó huấn luyện ở khu vực phục vụ kế hoạch xâm lược trên toàn Đông Dương.
Trại luyện chó lớn nhất Đông Dương
Theo ông Sáu, năm 1964 người Mỹ đưa quân vào Sài Gòn đã biến trung tâm này thành một Trường quân khuyển quy mô lớn (chuyên huấn luyện chó nghiệp vụ). Những con chó huấn luyện ở đây đều được cấp thẻ.
Mỗi khi đi tuần tra, mỗi tiểu đoàn được dắt theo từ 2 -3 con chó nhằm đánh mùi và phát hiện bộ đội ta. Một thời, chó huấn luyện ở khu vực được cung cấp trên toàn chiến trường Đông Dương phục vụ chiến tranh.
Người Sài Gòn lúc đó khi qua đây, đều nghe tiếng chó sủa và thấy lính dắt chó huấn luyện nên dần dần người ta quen hình ảnh này rồi gọi tên ngã năm Chuồng Chó.
Cũng theo ông Sáu, sau này hòa bình lập lại, đường Trần Thị Nghĩ được mở đường nối từ vòng xoay đến – Phan Văn Trị (Trước đây là căn cứ 26), khu vực trở thành ngã sáu, nhưng nhiều người vẫn quen gọi với tên cũ là ngã năm Chuồng Chó mỗi khi hẹn chờ nhau ở khu vực.
Gắn bó với mảnh đất này từ lúc sinh ra và đến tận ngày nay, ông Trần Kiều Quốc (75 tuổi, ngụ 30/12 Nguyễn Văn Công, P.7, Q.Gò Vấp) kể, trước giải phóng và cho đến đầu thập niên 80 thế kỷ trước đường Nguyễn Kiệm có tên là Võ Di Nguy (thuộc ấp Cộng Hòa 5, tỉnh Gia Định).
Ngay vòng xoay ngã năm kéo dài đường Võ Di Nguy ngang qua BV Cộng Hòa người Sài Gòn xưa còn gọi là Trung tâm tiếp huyết (nay là BV 175) đến ngã ba Chú Ía (nay là vòng xoay Nguyễn Thái Sơn) là những bến xe lam, xe xích lô và xe ôm đậu dày đặc hoạt động. Xung quanh hai bên đường này chỉ có một vài quán nhỏ buôn bán lụp xụp và đường lúc này cũng là đất đỏ.
Vòng xoay ngã năm Chuồng Chó nay được mở rộng thêm đường Trần Thị Nghĩ và trở thành ngã sáu Gò Vấp. Nhưng nhiều người vẫn quen gọi tên thân thuộc ngã năm Chuồng Chó
Người dân trong vùng chủ yếu sống bằng nghề nông như trồng khoai sắn và trồng hoa...Đường Quang Trung lúc đó đã có nhưng rất nhỏ, kéo dài băng qua nghĩa trang Cộng Hòa lên hướng Chợ Cầu ra Xa lộ Đại Hàn gặp quân trường Quang Trung (nay là QL 1).
Cạnh ngã 5 kế đường Võ Di Nguy (Nguyễn Kiệm bây giờ), lúc đó là trường nuôi chó huấn luyện quy mô rất lớn. Cứ mỗi tối hoặc sáng sớm khu vực luôn inh ỏi tiếng chó sủa. Sau khi giải phóng, ngôi trường nuôi chó này được quân đội ta tiếp quản và nuôi chó. Mãi đến những năm 1994 thì ngôi trường này mới được xóa bỏ, người dân nhập cư lấy đất làm nhà và ở hoạt động kinh doanh buôn bán đến ngày nay.
Trong tiềm thức người Sài Gòn
Với những người gắn bó mảnh đất này từ xưa đến nay, dù những con đường, góc phố luôn luôn vận động đổi mới theo hướng công nghiệp hóa. Thành phố đang ngày một phát triển với những công trình giao thông hiện đại. Nhưng Sài Gòn xưa vẫn còn in dấu những hình ảnh thân thuộc khó quên.
Nhắc về ngã năm Chuồng Chó, ông Bùi Văn Thành (65 tuổi ngụ 16/4A Phạm Ngũ Lão) vẫn nhớ như in là, đường Nguyễn Oanh (Trước đây là đường An Nhơn) trong những năm 1960 không có nhà dân sinh sống, đây là con đường dẫn vào khu quân đội và hai bên là dãy tường thành bê tông cốt thép cao, đi qua khu quân đội là đến khu vực xóm mới (xóm đạo bắc kỳ 1954). Năm 1982 Bắt đầu từ ngã 5 theo đường An Nhơn đất đỏ bụi mù đi về phía Xóm mới (bên phải đường An Nhơn) lần lượt là các đơn vị quân sự: căn cứ 26, trung đoàn pháo 595, Cư xá quân đội Lam Sơn, Khu gia binh Trần Bình Trọng, Trại giam T35, Trường Văn Thư Lưu Trữ khu vực phía Nam; Phía Bên Trái là nhà máy may X28, Nhà máy đóng dày X32 (quang Trung), Nhà máy Z755, Nhà máy Z751, Trường Quân cụ (sau là trường Hạ sỹ quan kỹ thuật năm 1982 là trường Sĩ quạn kỹ thuật Vinhempic do công Hòa Dân chủ Đức Tài trợ xây dựng, nay là đại học Trần Đại Nghĩa)
Đường Quang Trung đã có từ trước nhưng rất hẹp, chỉ đi lại được bằng xe máy, hai bên đường chỉ có một vài căn nhà lụp xụp. Từ con đường chạy lên đến khu vực chợ Hạnh Thông Tây hiện tại là nghĩa trang Cộng Hòa, mồ mã dày đặc.
Đường Nguyễn Văn Nghi hiện nay trước kia tên là Gia Long đã có nhà dân buôn bán và xôm tụ đông đúc. Đường Phạm Ngũ Lão, khu vực phía BV Cộng Hòa thuộc đất của quân đội nên bỏ hoang, cây cối mọc um tùm và không có nhà dân. Khu vực ngã năm chỉ còn quán phở Chí Phát (đầu đường Nguyễn Văn Nghi) là quán có tuổi đời hoạt động lâu nhất đến tận ngày nay.
Theo ông Thành, trường huấn luyện quân khuyển ở ngã năm khi xưa, hằng ngày có rất đông binh lính dắt chó huấn luyện. Ban ngày, mỗi khi đi qua đây ông đều thấy binh lính dắt chó huấn luyện đủ tư thế như: nằm, bò, nhảy, cắn...trên bãi sân cỏ rộng ngăn cách với đường bằng hàng rào thép gai.
Các tuyến đường hướng về vòng xoay ngã năm Chuồng Chó đều được mở rộng khang trang, nhưng với người Sài Gòn xưa, những hình ảnh một thời không thể xóa nhòa
Cạnh sân huấn luyện là dãy chuồng chó được xây riêng biệt, mỗi con một chuồng được đóng bằng gỗ và lợp mái tôn. Hằng ngày, chó không huấn luyện được xích bên ngoài, mỗi khi trời tối hoặc mưa mới được vào chuồng.
Hình ảnh trường huấn luyện chó ở khu vực này gắn bó sâu đậm với người Sài Gòn xưa. Mỗi khi nhắc đến ngã năm, mọi người đều nghĩ đến lính huấn luyện chó và dần dần được đọc thành ngã năm Chuồng Chó, lưu truyền mãi đến hôm nay.
Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, nhà nghiên cứu địa danh học, trước đây ngã năm Gò Vấp được gọi là ngã năm Cây Điệp, vì dọc các tuyến đường này trồng nhiều cây Điệp nối đuôi nhau. Sau này được đổi tên thành ngã năm Chuồng Chó vì cạnh ngã năm này có trại nuôi và huấn luyện chó nổi tiếng của quân đội chế độ cũ có từ thời Pháp thuộc.
Sau giải phóng được nhà nước tiếp quản và vẫn nuôi chó huấn luyện đến năm 1979 thì chuyển ra Bắc, ngôi trường tại đây cũng được xóa bỏ.
Sưu tầm từ Trang Sài gòn xưa có đính chính thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét