Trang

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Nhóm di sản văn hóa Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ cũng có nghĩa là tòa thành đá hay thành trong theo quy hoạch kinh thành kiểu Đông Á, với tư cách là cung thành của một kinh đô. Thành có bình đồ gần vuông cạnh Đông - Tây dài 877m; cạnh Bắc - Nam dài 880m, diện tích 769.086m2, (khoảng 77 ha). Thành có 4 cửa, mở chính giữa tường thành, được gọi tên theo bốn hướng chính: Cửa Bắc, Cửa Nam, Cửa Đông, Cửa Tây. Là khu vực có các cung, điện, miếu, dinh thự của kinh thành Tây Đô. Nhóm di sản xung quanh thành còn có:
 1. Chùa

 - Chùa Giáng: Có tên chữ là Tường Vân tự, thuộc xã Vĩnh Thành, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Đông Nam. Chùa được xây dựng dưới chân núi Đốn Sơn vào thời vua Trần Duệ Tôn (1372 - 1377). Tổng thể kiến trúc chùa hiện khoảng 2ha, bao gồm các dãy nhà riêng biệt nằm trên 2 tầng thế đất khác nhau, đó là: Nhà Tứ Ân, nhà Phật điện, nhà Mẫu, nhà Điêu túc.

  Chùa được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 2009.


 - Chùa Nhân Lộ: Còn có tên gọi khác là chùa Giò, tên chữ là Phúc Long tự thuộc địa phận xã Vĩnh Thành, cách Thành Nhà Hồ 2,5km về phía Tây Nam. Chùa nằm trong một vùng cảnh quan tươi đẹp bên bờ sông Mã.

   Theo truyền thuyết chùa được xây dựng vào thời Trần, phục vụ tín ngưỡng của quan lại và binh lính trong thành Tây Đô. Ngày nay, trong chùa còn giữ được một số hiện vật có giá trị như: Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, 2 bản sắc phong triều Nguyễn.

   Chùa được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1992.


  - Chùa Du Anh: Có tên gọi khác là chùa Thông, được xây dựng dưới chân lèn đá phía Tây núi Xuân Đài, cách Thành Nhà Hồ khoảng 4,5km về phía Tây Nam thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh.

   Tương truyền công chúa Du Anh (thời Trần) đi du ngoạn, thấy cảnh núi sông nơi đây hữu tình đã cho xây dựng chùa vào năm 1270 và lấy tên mình để đặt tên chùa. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị thời Trần (thế kỷ 14) như: Sư tử đá, nghê đá, voi đá. Đặc biệt là bia đá 4 mặt được tạc từ đá gốc nguyên khối do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn văn bia ghi việc trùng tu chùa năm 1606 đời vua Lê Kính Tông.

   Chùa được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 2009.




 - Chùa Linh Giang: Cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Tây Nam, thuộc thôn Phú Lĩnh, xã Vĩnh Tiến.

    Chùa nằm bên cạnh Bến Ngự sông Mã, nơi vua quan triều Trần - Hồ du ngoạn và ngắm cảnh. Chưa có tài liệu xác định niên đại khởi dựng chùa. Theo tư liệu tại chùa, trong chiến tranh Trịnh - Mạc (thế kỷ 17-18) chùa bị hư hỏng nhiều, đến cuối thời Nguyễn được trùng tu lại.

     Năm 1995, chùa được tiếp tục tu bổ, tôn tạo có diện tích là 336,6m2 với 3 gian thờ: Tam Bảo Phật, phủ Mẫu và nhà thờ Tổ. Trải qua thời gian, chùa có nhiều thay đổi nhưng kiến trúc của Phủ Mẫu vẫn lưu giữ nét cổ như: Toàn bộ hệ thống khung nhà, khung cửa được chế tạo liên kết bằng những phiến đá. Phần bạo cửa cũng làm bằng đá xanh liền tấm tạo nên vẻ đẹp khoẻ khoắn, vững chãi.

     Chùa được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2000.


   2. Đền

  - Đền Trần Khát Chân: Thuộc địa phận thôn Cao Mật, xã Vĩnh Thành, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Đông Nam.

    Đền được xây dựng ở sườn Đông Bắc núi Đốn Sơn vào thế kỷ 16, thờ Đức Thánh Lưỡng - Thượng tướng Trần Khát Chân, vị tướng có nhiều công lao đánh giặc dưới thời nhà Trần và có công xây dựng kinh thành Tây Đô (thời Hồ). Ngày nay, di tích vẫn còn giữ được nhiều văn bản Hán Nôm cổ (hơn 20 bản sắc phong, các hoành phi, câu đối) và các đồ thờ bằng gỗ đặc biệt có giá trị.

  Đền được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2001.


  - Đền Bình Khương: Thuộc địa phận thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, nằm sát tường phía Đông của thành trong Thành Nhà Hồ. Đền là nơi thờ nàng Bình Khương phu nhân của Cống sinh Trần Công Sỹ, một trong những người chỉ huy xây dựng tường thành phía đông của thành Tây Đô.

    Đền có diện tích 600m2, kiến trúc gồm tiền đường và hậu cung. Hiện nay trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Phiến đá – kiêm thần vị thờ nàng Bình Khương, bia đá dựng năm Thành Thái thứ 15 (1903) do Vương Duy Trinh soạn ghi sự tích Bình Khương và Cống Sinh; bia đá dựng năm Thành Thái thứ 15 (1903) do Phan Hữu Nguyên soạn ghi nội dung ca tụng Bình Khương và bia trùng tu miếu Bình Khương dựng năm Bảo Đại thứ 5 (1930).

    Đền được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1995.


  - Đền Tam Tổng: Thuộc địa phận làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, cách Thành Nhà Hồ khoảng 400m về phía Nam. Sau Hội thề Đốn Sơn (1399), Trần Khát Chân mất, nhân dân nhiều nơi thương tiếc lập đền thờ ông. Ba tổng: Bỉnh Bút, Cao Mật, Hồ Nam thuộc huyện Vĩnh Lộc xưa tôn ông làm Thành hoàng chung. Hàng năm lễ lội đền Tam Tổng diễn ra vào ngày 24/4 Âm lịch, có nhiều trò diễn mô tả văn hoá truyền thống của vùng đất kinh đô xưa.

    Khu vực đền có diện tích 1500m2, lần trùng tu, tôn tạo gần đây nhất là năm 2005.

    Đền được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1992.


   - Đền Hà Lương: Thuộc địa phận thôn Hà Lương, xã Vĩnh Thành, cách Thành Nhà Hồ 3,5km về hướng Tây Nam. Đền phối thờ các vị thần là người sinh ra ở làng Hà Lương như: Trần Khát Chân, Lưu Hưng Hiếu. Theo thần tích làng Hà Lương, đền được xây dựng từ lâu đời,về sau đổ nát, di tích hiện nay đã được trùng tu, tôn tạo vào những năm 1990.

  Đền được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1998.


  - Đền Phạm Đốc: Thuộc địa phận làng Thổ Phụ, xã Vĩnh Tiến, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Tây Nam. Đền thờ Tĩnh Quốc Công Phạm Đốc - một nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn, khôi phục sự nghiệp của nhà Lê ở thế kỷ 16. Tại di tích còn lưu giữ tấm bia đá có niên đại năm 1558 ghi chép thân thế và sự nghiệp của tướng quân Phạm Đốc.

    Đền được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1998.

  3. Đình

  - Đình Yên Tôn Thượng: Thuộc địa phận thôn Yên Tôn Thượng, xã Vĩnh Yên, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về hướng Tây. Tọa lạc dưới chân núi An Tôn, phía trước là sông Mã.

  Đình có lịch sử lâu đời, kiến trúc hiện còn đại đình và hậu cung theo kiểu chữ Đinh (T) được trùng tu vào thời Nguyễn năm Thành Thái thứ 11 (1899). Theo thần tích và sắc phong lưu giữ ở đình cho biết thần Cao Sơn và Quản Gia đô bác được thờ tại đây.

    Đình được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc cấp tỉnh năm 2002.


  - Đình Đông Môn: Nằm cách cổng Đông Thành Nhà Hồ khoảng 150m về phía Đông, thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long. Đây là ngôi đình lớn, niên đại thời Nguyễn (thế kỷ 19), và có giá trị nghệ thuật cao. Tại ngôi đình còn lưu giữ một số hiện vật liên quan đến di tích Thành Nhà Hồ và nhiều sinh hoạt truyền thống gắn với ngôi làng cổ của kinh đô xưa. Từ năm 2007 đến năm 2009 đình được trùng tu, tôn tạo.

  Đình được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc cấp tỉnh năm 1992.


 - Đình Tây Giai: Thuộc địa phận làng Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, cách cổng Tây thành 400m. Kiến trúc hiện biết được xây dựng ở thời Nguyễn dưới triều vua Tự Đức năm 1835 và chỉ còn phần hậu cung với diện tích 106m2.

  Đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2001.

 - Đình Phù Lưu: Nằm trên địa bàn làng Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về hướng Tây Bắc. Kiến trúc hiện biết được xây dựng ở thời Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức năm 1850.
 
     Đình Phù Lưu được dựng trên khu đất rộng, thoáng với diện tích 188m2, gồm 5 gian có kết cấu tương đối cân xứng nhau, mặt tiền quay về hướng Nam. Đình thờ Thành Hoàng làng Phù Lưu là Cao Sơn tôn thần. Kiến trúc đình còn lưu giữ nhiều mảng chạm nghệ thuật điêu khắc gỗ.

 Đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2006.

   4. Làng cổ
    Trong khu vực đệm của di sản cho đến ngày nay còn tồn tại nhiều làng cổ, có lịch sử đồng đại hoặc lịch đại so với sự ra đời và tồn tại của vương triều Hồ và kinh thành Tây Đô, ở cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15.
   - Làng Tây Giai: Nằm ở phía Tây Thành Nhà Hồ. Đây là ngôi làng cổ gắn liền với sự ra đời của Thành Nhà Hồ. Ngày nay, tại làng vẫn còn những địa danh gắn với kinh đô xưa như Chợ Tây, Đường Cống Đá…
  - Làng Xuân Giai: Nằm ở phía nam Thành Nhà Hồ. Đây là ngôi làng cổ gắn liền với sự ra đời của thành nhà Hồ. Ngày nay, trong làng vẫn còn những địa danh gắn với vùng đất kinh đô xưa như đường Hoa Nhai, Bãi Chuối Khô, Gò Ngục, đồng Bái Đàn…
   - Làng Đông Môn: Nằm gần tường thành phía Đông của Thành Nhà Hồ. Đây là ngôi làng cổ gắn liền với sự ra đời của Thành Nhà Hồ. Làng Đông Môn có dân cư tụ cư lâu đời.
  - Làng Trác: Thuộc xã Vĩnh Long, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Đông, trên bờ hữu sông Bưởi. Làng có lịch sử lâu đời, gắn với vùng đất Tây Đô, hiện vẫn còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết liên quan đến vương triều Hồ. Đặc biệt, trong lòng đất làng Trác các nhà khảo cổ học còn phát hiện được các di vật cho biết vùng đất này từ thời đại Văn hóa Đông Sơn, cách nay hơn 2000 năm đã hình thành các làng Việt cổ.
  - Làng Cổ Điệp: Thuộc xã Vĩnh Phúc, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Đông Nam. Đây là làng cổ, có lịch sử lâu đời, gắn với sự ra đời của vùng đất kinh đô cổ.
   - Làng Xoài: Thuộc xã Vĩnh Phúc, cách Thành Nhà Hồ khoảng 1,8km về phía Đông Nam (gần làng Cổ Điệp). Cũng như làng Cổ Điệp, đây là làng cổ, có lịch sử lâu đời, gắn với sự ra đời của vùng đất kinh đô cổ.
   - Làng Bái Xuân: Thuộc xã Vĩnh Phúc, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Đông Nam. Làng được thành lập cùng với việc xây thành. Tương truyền đây là nơi trồng hoa phục vụ triều đình nên còn có tên gọi là làng Bái Xuân Hoa.
  - Làng Cao Mật: Còn có tên gọi khác là làng Giáng, thuộc xã Vĩnh Thành, cách Thành Nhà Hồ 2,5km về hướng Nam, làng có lịch sử hình thành rất sớm cùng với quá trình xây dựng kinh đô nhà Trần- Hồ. Tại đây còn bảo lưu trò diễn “bơi chèo cạn” mô tả trận đánh của Tướng quân Trần Khát Chân với quân giặc Chiêm.
  - Làng Cẩm Hoàng: Thuộc xã Vĩnh Quang, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Tây Bắc. Hai làng Giáp Hạ và Thái Thôn được thành lập vào cuối thế kỷ 14, cùng thời gian Hồ Quý Ly xây dựng kinh thành. Sau đó hai làng này hợp nhất thành làng Cẩm Hoàng ở phía bắc kinh thành.
  - Làng Yên Tôn Thượng: Thuộc xã Vĩnh Yên, cách Thành Nhà Hồ 2,5km về phía Tây Bắc. Đây là làng cổ ra đời từ trước sự ra đời của Thành Nhà Hồ. Làng có địa thế tuyệt đẹp, lưng dựa vào núi An Tôn, mặt hướng ra sông Mã.
  - Làng Thọ Đồn: Thuộc xã Vĩnh Yên, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Tây Nam. Theo lịch sử làng cho biết, sau thất bại của nhà Hồ trong cuộc chống quân Minh, một bộ phận binh lính của nhà Hồ đã lưu lại vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Nơi đầu tiên mà binh lính ở lại lập làng là Thọ Sơn Trang, vốn trước là trang trại của quân lính nhà Hồ đồn trú.
  - Làng Thổ Phụ: Thuộc xã Vĩnh Tiến, có tên cổ là làng Thổ Sơn, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2km về phía Tây Nam (nằm bên bờ sông Mã). Nơi đây vẫn lưu truyền nhiều truyền thuyết về Thành Nhà Hồ với các địa danh như Bến Quân, Gò Cồn Ngựa.
  - Làng Nhân Lộ: Thuộc xã Vĩnh Thành, cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Tây Nam (gần làng Thổ Phụ). Đây là làng cổ có truyền thống hiếu học lâu đời. Hiện nay trong làng còn nhiều địa danh cổ gắn với vùng đất kinh đô xưa như: Vườn Hồng, Ao Mái, Cồn Quýt, Cồn Sấm.
  - Làng Hà Lương: Thuộc xã Vĩnh Thành, cách Thành Nhà Hồ 3,5 km về phía Tây Nam, nằm bên tả ngạn sông Mã. Đây là quê hương của tướng quân Trần Khát Chân và Thám hoa Lưu Hưng Hiếu (đỗ khoa Tân Sửu, năm thứ 12, đời vua Lê Thánh Tông [1471]). Hai nhân vật này được nhân dân thờ làm thành hoàng ở đình làng.
 5. Kiến trúc nhà cổ
  - Nhà cổ gia đình ông Phạm Ngọc Tùng: Thuộc làng Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, cách cổng Tây Thành Nhà Hồ 200m về phía Tây. Ngôi nhà này được xây dựng năm 1810, về mặt kiến trúc nhà cổ đã được UNESCO công nhận là một trong 10 nhà cổ dân gian tiêu biểu nhất của Việt Nam. Năm 2002 tổ chức JICA của Nhật Bản đầu tư kinh phí nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích này.
  Ngoài nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng, trong các làng cổ ở khu vực đệm còn bảo tồn rất nhiều các nhà cổ truyền thống (hiện là nhà ở của nhân dân), có niên đại thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

  6. Nhà thờ
  Nhà thờ Thiên Chúa Giáo thuộc làng Nhân Lộ, cách Thành Nhà Hồ 2,5km về hướng Tây Nam. Nhà thờ do linh mục Liên xây dựng năm 1866 và lấy tên là nhà thờ Xứ Nhân Lộ. Năm 1877, linh mục Châu chủ trì kiến tạo lại nhà thờ. Năm 1881, nhà thờ được khánh thành với quy mô khang trang hơn trước. Năm 1998, nhà thờ được trùng tu như hiện nay.
  7. Các di chỉ khác
   - Đường Hoa Nhai: Được nhà Hồ cho xây dựng nối từ Thành Nhà Hồ đến Đàn Tế Nam Giao (núi Đốn Sơn) năm 1402. Đường có chiều rộng khoảng 4,5m được xây dựng bằng những phiến đá xanh lớn. Năm 2008, cuộc khai quật khảo cổ học trước cổng Nam Thành Nhà Hồ đã xuất lộ một phần kiến trúc con đường này.

  - Đường Cống Đá: Nay thuộc thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên chạy về thôn Tây Giai xã Vĩnh Tiến. Con đường này, theo truyền thuyết của nhân dân bắt đầu từ khu vực bến Đá sông Mã chạy thẳng đến cửa Tây Thành Nhà Hồ. Khảo sát dọc tuyến đường, hiện vẫn thấy một số phiến đá nằm rải rác hai bên con đường. Điều này cho thấy khả năng con đường còn được bảo lưu dưới nền đường hiện tại.
    Ngoài ra, theo sử sách ghi chép, một số di chỉ khác như: Đàn thề ở khu vực núi Đốn Sơn; Đàn Xã Tắc, chợ Khả Lãng…hiện nay chưa xác định chính xác vị trí cũng như quy mô kiến trúc. Điều này được đặt ra trong kế hoạch nghiên cứu tổng thể đối với khu di sản Thành Nhà Hồ.
   Trung Tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét