Trang

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Mến Cảnh Xuân


BÀI THƠ LẠ "MẾN CẢNH XUÂN"
1. Bài thơ gốc: (Khuyết danh?)

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

2. Ðọc ngược bài gốc từ dưới lên:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ hai tiếng đầu mỗi câu trong bài gốc:

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. Bỏ hai tiếng cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên:

Mắt ai bóng thướt tha
Ðàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

5. Bỏ ba tiếng cuối mỗi câu trong bài gốc:

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.

6. Bỏ ba tiếng đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên:

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. Bỏ bốn tiếng đầu mỗi câu trong bài gốc:

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Ðàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

8. Bỏ bốn tiếng cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên:

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

Nguồn: Bác Nguyễn Bá Vượng chia sẻ trong Nhóm "Câu lạc bộ Nghệ ngữ" của FB.

BigSchool: Sau khi chúng tôi đăng bài trên thì bạn Minh Lê cho biết bài thơ gốc có tên là "Mến cảnh Xuân" và tác giả của bài thơ là thi sĩ Hàn Mạc Tử. Đối chiếu với các tư liệu khác, có thể tin rằng thông tin mà bạn cho biết là đáng tin cậy. Cảm ơn bạn nhiều. Tác giả Hàn Mạc Tử rất ưa lối chơi thơ theo kiểu biến hóa bằng cách lật ngược bài, đảo câu, bớt từ để tạo thành những bài thơ mới cũng rất hay, đầy thi vị. Cảm phục thay!
Thi sĩ Hàn Mạc Tử

Không chỉ ở bài thơ trên mà thi sĩ Hàn Mạc Tử còn những bài thơ khác cũng chơi thơ theo cách có thể biến hoá từ bài thơ ban đầu để có bài thơ khác. Xin chia sẻ tiếp tục với các bạn 2 bài như thế!

ĐI THUYỀN

Bèo trôi nước gợn sóng mênh mông
Cỏ mọc bờ xa bóng liễu trông
Chèo vững thiếp qua vời khổ hải
Chí bền chàng đến vận trung không
Theo lần nguyệt xế mây mờ mịt
Hoạ đáp thông reo trống não nồng
Neo thả biết đâu nơi định trước
Bèo trôi nước gợn sóng mênh mông

Đọc ngược:

Mông mênh sóng gợn nước trôi bèo
Trước định nơi đâu biết thả neo
Nồng não trống reo thông đáp họa
Mịt mờ mây xế nguyệt lần theo
Không trung vận đến chàng bền chí
Hải khổ vời qua thiếp vững chèo
Trông liễu bóng xa bờ cỏ mọc
Mông mênh sóng gợn nước trôi bèo



CỬA SỔ ĐÊM KHUYA

Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn sóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hoà đàn sẵn có dế bên tường.

Đọc ngược:

Tường bên dế có sẵn đàn hòa
Lá ủ dâu ngàn yến lại qua
Bàng bẽ rượu thơ ngâm bạn vắng
Láng lai tình cảnh nhớ người xa
Hương đưa gió thoảng mai hờ hững
Sóng gợn hồ in liễu thướt tha
Vương vấn nỗi thêm buồn cảnh lạ
Gương lồng cửa rọi nguyệt cười hoa

Nhà thơ Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình ngày 22/9/1912, lớn lên ở Quy Nhơn và mất ngày 11/11/1940. Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm Mặt Trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. "Mặt Trăng khuyết" đã được "đặt vào" chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Hàn Mặc Tử có nghĩa là "chàng trai bút nghiên".

Xin trích ý kiến của các nhà thơ, nhà phê bình văn học nói về thi sĩ Hàn Mặc Tử:

"Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"

"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử."

(Nhà thơ Chế Lan Viên)

"Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."

(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)

"Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch..."

(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

"...Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới."

(Nhà thơ Huy Cận)

"...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng..." và "Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh..."

(Nhà phê bình văn học Hoài Thanh)

CHÚ Ý THÊM: Thơ thuận nghịch độc, thơ xuôi ngược hay còn gọi là thơ lục chuyển hồi văn, đây là thể thơ độc đáo có nhiều cách đọc. Đó là cách gọi chung cho những thể thơ thuận nghịch độc, tuy nhiên, thơ lục chuyển hồi văn có thể đọc theo 6 cách khác nhau, thơ thuận ngược chỉ đọc được 2 kiểu đơn thuần là xuôi và ngược, còn thơ thuận nghịch độc nói chung thì có rất nhiều cách đọc.

– Cách đọc thơ thuận nghịch độc:

    Ðọc xuôi
    Ðọc ngược
    Bỏ 2 từ đầu đọc xuôi
    Bỏ 2 từ đầu đọc ngược
    Bỏ 2 từ sau đọc xuôi
    Bỏ 2 từ sau đọc ngược
    Bỏ 3 từ đầu đọc xuôi
    Bỏ 3 từ đầu đọc ngược
    Bỏ 4 từ đầu đọc xuôi
    Bỏ 4 từ đầu đọc ngược
    Bỏ 3 từ đầu, lấy từ 5 đảo làm 4 – đọc xuôi
    Bỏ 3 từ cuối, lấy từ 3 đảo làm 4 – đọc ngược
    Ghép chéo câu thơ đọc xuôi
    Ghép chéo câu thơ đọc ngược
    Có thể đọc theo nhiều kiểu khác nữa.

– Cách đọc thơ lục chuyển hồi văn:

    Ðọc xuôi
    Ðọc ngược
    Bỏ 2 chữ đầu đọc xuôi
    Bỏ 2 chữ đầu đọc ngược
    Bỏ 2 chữ sau đọc xuôi
    Bỏ 2 chữ sau đọc ngược

– Cách đọc thơ thuận ngược: Đọc xuôi & đọc ngược.

Hai bài thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử mới giới thiệu thêm với các bạn là thể thơ chuyển lục hồi văn, các bạn thử theo các cách đọc hướng dẫn trên để có thêm những bài thơ mới.

HOẠ THƠ CỦA HÀN MẠC TỬ


Học tập kiểu chơi thơ này, nhân dịp Xuân Nhâm Thìn (2012), bạn Nguyễn Hồng Trân (Đại học Huế) đã có bài hoạ lại bài thơ gốc của Hàn Mạc Tử:

MỪNG XUÂN VỀ                        

Tươi xuân nắng ấm sáng ngời ngời

Đượm thắm tình ai thấy bóng vơi

Phơi nở đào mai khoe sắc thắm

Giỡn đùa trai gái quý hồn tươi

Trời tung cánh nhạn mong tìm bạn

Lá giọt sương đêm đợi gặp người

Chơi thú vui mừng chào đón Tết

Lời vang khúc nhạc tiếng reo cười.



Khi đọc ngược lại bài thơ trên ta có bài thơ:

XUÂN TƯƠI

Cười reo tiếng nhạc khúc vang lời

Tết đón chào mừng vui thú chơi

Người gặp đợi đêm sương giọt lá

Bạn tìm mong nhạn cánh tung trời

Tươi hồn quý gái trai đùa giỡn

Thắm sắc khoe mai đào nở phơi

Vơi bóng thấy ai tình thắm đượm

Ngời ngời sáng ấm nắng xuân tươi.

Hy vọng nhận được từ các bạn yêu thơ Đường luật những bài thơ theo kiểu chơi thơ như trên để chúng ta cùng thưởng thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét