Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Tình Yêu Định Mệnh (Chương 9-17 end)


 
   
Chương 9: Thiếu nữ khuynh thành hay nữ thuỷ thần

Đến trước cửa căn hộ dành cho ông thống chế Xanh Ăngđrê tại viện Luvrơ với tư cách là quan đại thần thị vệ nhà vua, đô đốc gõ cửa, nhưng chỉ khẽ đẩy, cánh cửa đã phải nhượng bộ ngón tay ông và mở ra trước cửa tiền sảnh.

Một gã hầu đứng trong tiền sảnh, vẻ rất kinh hoàng.

- Anh bạn - đô đốc nói với gã đầy tớ - dù đã khuya, liệu ngài thống chế có sẵn sàng tiếp khách không?

- Chắc chắn ngài thống chế luôn sẵn sàng tiếp ngài- Gã hầu đáp – nhưng một sự kiện bất chợt vừa buộc ngài phải qua chỗ nhà vua.

- Một sự kiện vừa bất chợt ư? – Côngđê hỏi.

- Đó là một sự kiện bất ngờ với cả chúng tôi nữa, đã đưa chúng tôi đến nhà ngài – Đô đốc Côlinhi nói – có lẽ vẫn cùng sự kiện ấy. Liệu có phải là vấn đề một hòn đá làm vỡ một ô cửa sổ không?

- Vâng thưa ngài, và đã rơi vào chân ngài thống chế đúng lúc ngài từ phòng làm việc qua phòng ngủ của ngài ạ.

- Anh thấy là tôi đã biết sự kiện này rồi đấy anh bạn ạ và tôi thực sự có thể cho ngài thống chế biết những dấu vết của thủ phạm nên tôi muốn thảo luận với ngài về vấn đề này.

- Nếu ngài đô đốc muốn đợi ngài- gã hầu phòng trả lời – thì trong lúc chờ đợi, xin ngài qua chỗ tiểu thư Xanh Ăngđrê, ngài sẽ sớm trở về thôi.

- Nhưng có lẽ tiểu thư không còn thức trong lúc này?- hoàng thân Côngđê hỏi – Không đời nào chúng tôi muốn thiếu thận trọng.

- Ồ! Thưa dức ông – gã hầu phòng đã nhận ra hoàng thân bèn nói – Xin Điện hạ có thể an tâm. Tôi vừa gặp bà hầu phòng của tiểu thư nói rằng tiểu thư nhất quyết không đi nằm chừng nào thân phụ của tiểu thư chưa về và tiểu thư chưa được biết lá thư ấy có nghĩa gì.

- Lá thư nào?- đô đốc hỏi.

Hoàng thân đụng vào cánh tay ông.

- Thật đơn giản – Ông nói- có thể là bức thư gắn vào hòn đá

Rồi ông nói thầm với đô đốc:

- Đó là cách thông tin tôi đã sử dụng hơn một lần có kết quả, ông anh họ ạ.

- Thế thì - đô đốc nói – chúng tôi chấp nhận lời mời của anh, anh bạn, hãy hỏi tiểu thư Xanh Ăngđrê đang đợi họ.

Thế rồi, theo gã hầu đi trước, họ đi vào trong hành làng dẫn tới phòng tiểu thư Xanh Ăngđrê.

- Hãy thú nhận, ông hoàng thân mến của tôi,- Đô đốc nói nhỏ -rằng ông buộc tôi làm cái nghề đặc biệt đấy nhé.

- Ông anh họ đáng mến của tôi ơi – Côngđê nói- hẳn ông biết câu phương ngôn “ Không có nghề nào dại dột cả” nhất là trong số những người mà ta làm do lòng trung thành tận tuỵ.

Gã hầu báo có điện hạ đức ông hoàng thân Côngđê và ngài đô đốc Côlinhi.

Rồi người ta nghe thấy tiếng nói rất duyên dáng của tiểu thư Xanh Ăngđrê.

- Mời các ông ấy vào!

Gã hầu phòng lùi ra và hai lãnh chúa trẻ vào phòng mà tiểu thư Xanh Ăngđrê đang đứng, giữa phòng cháy sáng một ngọn đèn có năm cánh mà từ ba tháng nay hoàng thân đã nhận ra ánh sáng qua những ô kính và những tấm rèm của thiếu nữ.

Đây là khuê phòng nhỏ căng màn Satanh xanh nhạt trong đó tiểu thư Xanh Ăngđrê hồng, trắng và hung giống như một nữ thuỷ thần trong một hang động màu thiên thanh

- Này! Lạy Chúa tôi! Thưa tiểu thư- Hoàng thân Côngđê hỏi như thể ông quá xúc động sợ phải dừng lại ở những lời chúc tụng tầm thường - Vậy có chuyện gì vừa xảy đến với tiểu thư hoặc với ngài thống chế?

- A! - Tiểu thư Xanh Ăngđrê nói- ông đã biết sự việc ư thưa ông?

- Vâng,thưa tiểu thư- Hoàng thân nói tiếp – chúng tôi vừa từ điện Luvrơ ra, ông đô đốc và tôi, chúng tôi ở đúng dưới cửa sổ tiểu thư thì một hòn đá bay rít qua đầu chúng tôi, đồng thời chúng tôi nghe thấy tiếng cửa kính vỡ rất to làm cả hai chúng tôi lo sợ; đến nỗi chúng tôi ở lại điện Luvrơ ngay tức thì và chúng tôi giành quyền tự do đến đây để biết tin, qua gia nhân của tiểu thư biết là thật sự không có chuyện gì xảy ra đến với ngài thống chế. Con người trung thực mà chúng tôi hỏi khá thận trọng nói với chúng tôi là chúng tôi có thể biết tin ngay ở chính tiểu thư; rằng dẫu đêm đã khuya, có thể tiểu thư rất muốn…vì cái cớ đã dẫn chúng tôi tới, mở cửa của tiểu thư cho chúng tôi. Ông đô đốc ngần ngại. Lợi ích mà chúng tôi đem tới cho ngài thống chế và những người khác ở gia đình ngài đã làm tôi nằn nì và sự thực… thưa tiểu thư, bất cẩn hay không thì chúng tôi đã ở đây rồi.

- Hoàng thân thật quá tốt, thưa hoàng thân, nghĩ rằng chỉ có chúng tôi bị đe doạ đã làm hoàng thân vì chúng tôi đã lo lắng như vậy. Nhưng mối hiểm nguy ấy, nếu có là gửi cho những cái đầu cao hơn cái đầu của chúng tôi.

- Tiểu thư muốn nói gì? Thưa tiểu thư- đô đốc hỏi.

- Hòn đá ấy được bọc trong một lá thư đã làm vỡ cái ô kính hầu như đe doạ là gửi cho nhà vua. Cha tôi đã lượm bức thư và đã mang nó tới địa chỉ của nó.

- Nhưng người ta đã báo cho viên chỉ huy đội cận vệ chưa? - Hoàng thân hỏi qua một ý chợt nghĩ.

- Tôi không rõ thưa đức ông - Tiểu thư Xanh Ăngđrê trả lời – Nhưng trong mọi trường hợp, nếu việc này chưa được làm thì hẳn người ta sẽ phải làm.

- Tất nhiên không thể chậm một phút - hoàng thân nói tiếp và quay về phía Côlinhi.

- Không phải là em ông, ông Đăngđơlô chỉ huy tuần này ở Luvrơ chứ? – Côngđê hỏi.

- Chính ông ấy, hoàng thân thân mến - đô đốc trả lời, nắm được ngay tư tưởng của Côngđê- để đề phòng mọi sự bất trắc, chính tôi sẽ đi nói với ông ấy tăng cường tuần tra gấp đôi và thay đổi khẩu lện, cuối cùng là có mặt ở đội cận vệ của ông ấy.

- Nào, thưa ông đô đốc,- Hoàng thân reo lên rất vui vì được thực sự hiểu ý- đúng là Chúa xúc tiến ông đến đúng lúc.

Đô đốc mỉm cười và rút lui để lại một mình hoàng thân Côngđê với tiểu thư Xanh Ăngđrê.

Thiếu nữ nhìn đô đốc nghiêm trang đi ra bằng con mắt giễu cợt, rồi quay lại hoàng thân:

- Giờ đây, người ta cho rằng – Nàng nói- Điện hạ không hề quan tâm tới nhà vua như em ruột ngài.

- Nhưng đã bao giờ có ai nghi ngờ về sự quan tâm ấy? Thưa tiểu thư- Hoàng thân hỏi.

- Toàn thể triều đình, thưa đức ông, đặc biệt là tôi đây.

- Triều đình có nghi ngờ điều ấy thì không có gì đơn giản hơn vì triều đình thuộc về ông Đờ Ghidơ, trong khi tiểu thư…

- Tôi ư, tôi còn chưa thuộc về ông ấy nhưng tôi sắp lệ thuộc vào ông ấy, không gì hơn.

- Như vậy cuộc hôn nhân không thể tưởng tượng này luôn được giữ chứ?

- Hơn bao giờ hết, thưa đức ông.

- Tôi không biết vì sao -Hoàng thân nói- nhưng trong đầu tôi, phải nói là trong lòng tôi, tôi có ý nghĩ thầm kín là sẽ không bao giờ thành cả.

- Thật sự tôi rất sợ, hoàng thân ạ, có thật hoàng thân là một nhà tiên tri tồi không?

- Lạy Chúa lòng lành! Vậy ai đã làm mất tiếng tăm về khoa học chiêm tinh của tôi đối với tiểu thư.

- Chính là hoàng thân, thưa hoàng thân.

- Thế là thế nào?

- Bằng cách tiên đoán cho tôi rằng tôi sẽ yêu hoàng thân.

- Tôi tiên đoán điều đó, đúng thế chứ?

- Ồ! Tôi thấy hoàng thân quên cái ngày đi câu tuyệt diệu rồi.

- Để quên nó, thưa tiểu thư, tôi cần phải phá đứt những mắt lưới mà tiểu thư đã bắt giữ tôi ngày đó.

- Ôi! Hoàng thân, hoàng thân có thể nói rõ rằng cái lưới do chính hoàng thân tự giam giữ mình. Tôi đã không bao giờ, đội ơn trời, giương ra một cái lưới nào cho ý định của hoàng thân cả.

- Không, nhưng tiểu thư thu hút tôi về mình như những nữ thuỷ thần ấy mà Horatxơ nói tới.

- Ồ! - Tiểu thư Xanh Ăngđrê nói quen thuộc bằng tiếng la tinh như mọi phụ nữ thời đại ấy hầu như mô phạm ngang bằng lẳng lơ “ Kết thúc thành đuôi cá” như Hôratxơ đã nói. Ông hãy nhìn tôi xem liệu tôi có kết thúc thành cá không?

- Không, mà tiểu thư còn nguy hiểm hơn vì tiểu thư có giọng nói và đôi mắt quyến rũ của những nữ pháp sư xưa. Tiểu thư đã hấp dẫn tôi tới tiểu thư mà không biết điều đó, có thể là vô tình; nhưng giờ này tôi đang ở đây, tôi xin thề với tiểu thư là tôi bị thu hút không thể rời được.

- Nếu tôi thêm chút ít niềm tin ở những lời kể của hoàng thân, tôi sẽ thành thật làm hoàng thân phiền lòng, thưa hoàng thân; bởi vì yêu mà không được đáp lại hầu như với tôi là nỗi đau đớn độc ác mà một trái tim nhạy cảm có thể biểu lộ.

- Vậy tiểu thư hãy làm phiền lòng tôi bằng tất cả tâm hồn tiểu thư, thưa tiểu thư; bởi vì một người đang yêu nhiều mà chỉ được ít yêu là tôi đây.

- Ít ra hoàng thân sẽ công nhận, thưa hoàng thân- tiểu thư Xanh Ăngđrê mỉm cười nói - rằng tôi đã báo trước cho hoàng thân kịp thời rồi.

- Tôi xin tiểu thư thứ lỗi, thưa tiểu thư: đã quá muộn rồi.

- Và từ kỉ nguyên nào đánh dấu ngày sinh của mối tình của hoàng thân? Từ kỉ nguyên Thiên Chúa hay từ kỉ nguyên Mahômet (đạo hồi, N.D).

- Từ lễ hội Lăngđi, thưa tiểu thư, từ cái ngày khổ sở hay rất sung sướng may mắn đó, tại nơi mà tất cả bị chìm trong chiếc áo choàng của tiểu thư, tiểu thư đã xuất hiện trước tôi với mái tóc bị giông tố rũ ra và rủ thành những vòng xoắn xung quanh chiếc cổ thiên nga của tiểu thư.

- Nhưng ngày ấy, hầu như hoàng thân đã không nói với tôi, thưa hoàng thân.

- Có thể tôi đã quá nhìn tiểu thư và cái nhìn đã giết chết lời nói. Người ta cũng không nói với các ngôi sao; người ta ngắm chúng, người ta mơ mộng và hi vọng.

- Nhưng hoàng thân có biết không, thưa hoàng thân, rằng đó là một sự so sánh làm cho ông Rôngxa sẽ ghen chứ?

- Nó làm tiểu thư ngạc nhiên ư?

- Vâng, tôi không biết tinh thần thật mạnh mẽ của hoàng thân đã chuyển sang hồn thơ.

- Những thi sĩ nhắc lại những bài ca đó.

- Càng ngày càng hay, thưa hoàng thân, và người ta đã vu khống hoàng thân khi nói rằng hoàng thân chỉ có tinh thần thôi; vả lại theo tôi hoàng thân có một trí tưởng tượng phong phú.

- Tôi có trong tim hình ảnh của tiểu thư và hình ảnh rực rỡ ấy chiếu sáng tới những lời nói ít ỏi của tôi: vậy chỉ riêng tiểu thư mới làm thoả lòng tôi được.

- Thế thì, thưa hoàng thân, hãy tin ở tôi, hoàng thân hãy nhắm mắt lại, đừng nhìn chút nào hình ảnh tôi nữa, đó là điều tôi có thể chúc hoàng thân may mắn hơn.

Tiểu thư Xanh Ăngđrê rạng rỡ hớn hở về chiến thắng trước ông Côngđê bị lăng nhục vì thất bại, liền bước một bước từ chỗ nàng về phía hoàng thân, chìa bàn tay cho ông.

- Hãy nắm lấy, thưa hoàng thân, - Nàng nói – Tôi cư xử với người bại trận của tôi như thế này đây.

Hoàng thân nắm lấy bàn tay trắng muốt nhưng lạnh giá của thiếu nữ, nồng nhiệt áp đôi môi vào.

Trong cử chỉ tính toán sai lầm ấy, một giọt nước mắt run rẩy ở góc mi hoàng thân và cơn sốt của lòng kiêu hãnh cố làm khô một cách vô ích đã rơi trên bàn tay đá này, tại đây, giọt nước mắt rung rinh và sáng như một hạt kim cương.

Tiểu thư Xanh Ăngđrê cảm nhận thấy nó đồng thời nhìn nó.

- A! quả thật tôi tin rằng hoàng thân khóc thức sự, thưa hoàng thân – Nàng cười phá lên reo to.

- Đó là một giọt nước mưa sau cơn bão tố - hoàng thân thở dài nói – Có gì kì lạ trong chuyện này?

Tiểu thư Xanh Ăngđrê nhìn cắm vào hoàng thân một cái nhìn bốc lửa, hầu như ngập ngừng giữa sự làm duyên và lòng trắc ẩn, cuối cùng, ta không thể nói rằng người có tình cảm nào trong hai thứ tình cảm ấy, nàng rút trong túi ra chiếc khăn tay vải mịn và không vũ khí, không mới tinh nhưng đầy hương thơm mà nàng mang theo mà ném nó cho hoàng thân.

- Hãy cầm lấy, thưa đức ông – Nàng nói- nếu ngẫu nhiên đức ông vì căn bệnh này mà khóc thì đây là chiếc khăn tay để đức ông lau những giọt lệ của đức ông.

Rồi với hai cái nhìn chắc chắc thuộc về sự làm duyên:

- Hoàng thân hãy giữ lấy nó để tưởng nhớ tới một con người bạc bẽo- Nàng nói.

Và nhẹ nhàng như một tiên nữ, nàng biến mất.

Hoàng thân, nửa điên dại vì tình si, đón nhận chiếc khăn trong lòng bàn tay, và như thể sợ người ta lấy lại món quà tặng quý báu này, ông lao người qua các bậc thang, không còn nhớ tới cuộc sống của nhà vua bị đe doạ nữa, quên cả ông anh họ của ông phải đến đón ông ở chỗ tiểu thư Xanh Ăngđrê mà chỉ còn nghĩ tới một điều, tức là âu yếm hôn chiếc khăn tay quý báu này.

VII

ĐỨC HẠNH CỦA TIỂU THƯ XANH ĂNG ĐRÊ

Côngđê chỉ dừng lại ở bờ sông như thể ông nghĩ rằng không cần phải mất tới dưới năm trăm bước chân từ nơi ông vừa đứng cùng tiểu thư Xanh Ăngđrê để ông tin chắc mình là chủ nhân lặng lẽ của chiếc khăn tay quý báu…

Rồi cũng chỉ lúc này ông mới nhớ tới ông đô đốc với lời hứa đợi ông ấy: vậy là ông chờ khoảng mười lăm phút, áp chặt chiếc khăn tay vào đôi môi, xiết nó vào ngực ông, như một học sinh mười sáu tuổi có thể làm như vậy với mối tình đầu của mình.

Lúc này có thật là ông đợi ông đô đốc hay chỉ đơn thuần là để nhìn lâu hơn cái ánh sáng đã có ảnh hưởng tai hại hấp dẫn ông, con bướm đêm hào nhoáng, cho đến khi ông tự thiêu ở đây chăng?

Vả chăng ông đã thực sự bị thiêu đốt, ông hoàng khốn khổ, và chiếc khăn tay sực nức hương thơm tham gia vào việc đốt cháy ông khủng khiếp.

Còn lâu ông mới tin mình thất bại, kẻ vô địch kiêu hãnh về tình ái và nếu, ẩn mình sau những bức rèm cửa sổ của nàng, thiếu nữ hẳn đã nhìn thấy dưới ánh trăng một giọt lệ thứ hai,giọt nước mắt hạnh phúc,giọt nước mắt lóng lánh ở bờ mi của hoàng thân; chắc chắn nàng hiểu rằng chiếc khăn tay ấy, thay cho lau khô những giọt nước mắt lại có đặc quyền làm chúng nảy sinh và những giọt nước mắt luyến tiếc đã bị xoá đi thay bằng những giọt nước mắt hạnh phúc.

Sau vài phút chuyển tải tình yêu và những nụ hôn cuồng nhiệt ấy, một trong số giác quan của hoàng thân không hề bận bịu, chắc chắn để trả thù cho sự bơ vơ này mà chủ nó bỏ rơi nó đã được khơi dậy đột ngột bởi một tiếng động bất chợt. Giác quan này là thính giác.

Tiếng động này rõ ràng là ở những nếp gấp của chiếc khăn tay.

Người ta đã nói tới vũ điệu của những chiếc lá khô trước làn gió thu thổi; hoặc giả một đám côn trùng nhỏ trở về từng đám trong những hốc cây của chúng sau những lễ hội ban ngày, hoặc nữa là những âm thanh u buồn của những giọt nước suối rơi xuống đáy vực làm ta nghe được.

Cuối cùng, một tiếng sột soạt nhỏ giống như tiếng động của tấm áo lụa dưới bàn tay gây nên..

Tiếng động ấy từ đâu tới?

Rõ ràng chiếc khăn tay mỏng mịn màng đáng yêu ấy cử động và ý chí riêng của nó không thể gây ra tiếng động mạnh mẽ đối với ông.

Hoàng thân Côngđê ngạc nhiên trước tiếng động này; tỉ mẩn mở chiếc khăn tay ra và nó hồn nhiên hiến cho ông một điều bí mật của nó.

Tiếng động chính từ một mảnh giấy vo tròn chắc hẳn do bất cẩn đã nằm ở trong những nếp gấp của chiếc khăn tay.

Mảnh giấy này hâu như không thấm hương thơm vẫn là của chiếc khăn tay mà có thể hương thơm đáng yêu này không phải toả ra từ chiếc khăn tay mà chính mảnh giấy.

Ông đờ Côngđê sắp cẩm lấy mảnh giấy nhỏ giữa ngón tay trỏ và ngón tay cái với biết bao thận trọng như một đứa trẻ rình bắt một con bướm đậu trên một bông hoa; nhưng như con bướm thoát khỏi tay đứa trẻ, mảnh giấy đã bị một làn gió cuốn đi và thoát khỏi bàn tay ông đờ Côngđê.

Ông đờ Côngđê nhìn nó bay lượn trong đêm như một bông tuyết nhỏ, ông liền cuồng nhiệt chạy theo nó như một đứa trẻ chạy theo con bướm.

Khốn thay mảnh giấy lại rơi lọt vào giữa những viên đá được đẽo gọt để xây dựng lâu đài và nó gần giông màu đá nên rất khó phân biệt giữa những viên đá nhỏ xây tường.

Hoàng thân liền say sưa tìm kiếm.

Ông dần dần nhận ra trong tâm trí những kẻ yêu đương hẳn là những con người lạ lung - hẳn là tiểu thư Xanh Ăngđrê đã nhìn thấy ông ở dưới cửa sổ nên đã viết sẵn bức thư nhỏ này để trao cho ông khi có dịp và dịp ấy đã đến, nàng đã trao cho ông.

Mảnh giấy nhỏ này có thể đem lại cho ông lời giải thích về cách xử sự của nàng: món quà khăn tay chỉ là một cách để đặt bức thư vào hòm thư mà thôi.

Thật là vận rủi mới để mất mảnh giấy như thế này, ta sẽ thấy nội dung trong đó.

Không thể để mất mảnh giấy được, ông đờ Côngđê thề trước Chúa là ông là ông phải đợi đến sáng hôm sau. Trong khi chờ đợi, ông tìm kiếm nhưng vô ích.

Trong chốc lát, ông đã có ý định chạy đến đội cận vệ ở điện Luvrơ mượn đèn để tìm mảnh giấy của ông.

Phải, nhưng nếu trong thời gian ấy, rủi lại có một cơn gió xấu xa nói với ông hoàng là liệu ông có tìm lại được mảnh giấy mà ông đã để rơi không? Ông hoàng đứng đó với những mối băn khoăn ác hại thì ông thấy một toán tuần tra đêm đi về phía ông, đi đầu là viên đội cầm trong tay một chiếc đèn đi đường.

Đây là tất cả những gì tốt nhất mà ông mong muốn.

Ông gọi viên đội, tự để nhận diện và mượn y cái đèn trong chốc lát.

Sau mười phút tìm kiếm, ông thốt lên một tiếng reo vui: ông vừa nhận ra mảnh giấy hạnh phúc.

Lần này mảnh giấy không tìm cách trốn mất và với niềm vui khôn tả, hoàng thân đặt bàn tay lên trên.

Nhưng cùng lúc ông đặt bàn tay lên mảnh giấy, ông cảm thấy một bàn tay khác đặt lên vai ông và một giọng nói thật quen thuộc hỏi ông với âm sắc ngạc nhiên:

- Ông làm cái trò quỷ quái gì thế? Ông hoàng thân mến của tôi. Ngẫu nhiên ông tìm kiếm một người hả?

Ông hoàng thân nhận ra tiêng nói của ông đô đốc.

Ông nhanh chóng trả lại chiếc đèn cho viên đội và cho những người lính hai hoặc ba đồng vàng mà ông có trong người, có thể ở thời điểm này là cả gia tài của người con út khốn khổ của gia đình.

- A! Ông nói – Tôi tìm thấy một vật vô cùng quan trọng đối với một kẻ si tình khác với một con người là đối tượng của nhà triết học: tôi tìm một lá thư của đàn bà.

- Vậy ông đã tìm thấy nó rồi chứ?

- Hạnh phúc thay! Bởi vì nếu tôi không kiên trì thì ngày mai, một mệnh phụ triều đình có thể bị mất phẩm giá khủng khiếp.

- A! quỷ quái thật Quả là một kị sĩ thận trọng. Còn lá thư ấy?

- Chỉ quan trọng đối với tôi thôi, đô đốc thân mến ạ - Ông hoàng trẻ vừa nói vừa lấy bàn tay giữ chặt lá thư trong túi chiếc áo chẽn của ông.- Vậy ông hãy nói với tôi trong khi tôi đưa ông trở lại phố Bêtisi, đã có chuyện gì xảy ra giữa thống chế Xanh Ăngđrê và nhà vua.

- Quả có chuyện thật kì lạ: một bức thư quở trách có liên quan đến khổ hình của pháp quan Đuybuôc đã được tuyên án ngày hai mươi hai.

- Ái chà! Đô đốc thân mến ạ - Hoàng thân Côngđê cười, nói - điều đó đối với tôi hoàn toàn có vẻ là một kẻ điên rồ nào đó sẽ làm điều ngớ ngẩn thôi.

- Tôi thật sự e sợ việc này – Côlinhi nói- tôi ngờ là chuyện giàn xếp những vụ việc của pháp quan tội nghiệp. Thế nào mà lại cầu xin đức vua gia ân vào lúc này chứ? Nhà vua sẽ luôn trả lời: “Không, bởi vì nếu viên pháp quan không chết thì người ta sẽ tin rằng ta sợ”.

- Thế thì – Côngđê nói- ông hãy suy nghĩ về vấn đề nghiêm trọng ấy, đô đốc thân mến ạ, còn tôi không nghi ngờ rằng, nhờ vào sự khôn ngoan của ông, ông sẽ tìm ra cách nào đó để giàn xếp vụ này.

Hai người đã đi đến nhà thờ Xanh Giecmanh Lôxeroa và để trở về lâu đài của mình, hoàng thân buộc phải đi qua sông Sen bằng chiếc cầu Mơniê thì cách ông mười bước, những người tuần đêm đã hô háo một giờ sáng, tất cả đối với ông là cái cớ, chỗ ở, khoảng cách phải vượt qua vào cái giờ đêm hôm khuya khoắt này để chia tay đô đốc trở về lâu đài của ông.

Về phía đô đốc thì quá bận tâm nên không giữ hoàng thân ở lại. Do đó không có gì chống lại việc ông Côngđê khi đã thoát khỏi tầm nhìn của lãnh chúa Satiông liền vắt chân lên cổ, luôn giữ chặt lá thư quý báu trong túi áo chẽn của mình sợ rằng lại bị mất nó. Nhưng lần này không có điều gì nguy hiểm xảy ra.

Trở về nhà, trèo mười lăm hoặc sáu bậc thang dẫn tới nơi ở của ông, ông bảo gã hầu phòng thắp sáng những cây nến, đuổi gã ra bằng cách nói với gã là không còn việc gì cần làm nữa, ông đóng cửa, lại gần những cây nến, rút tờ giấy khỏi túi, tất cả những việc này mất vừa tròn mười phút.

Chỉ có điều lúc mở ra và đọc bức thư thông điệp của tình yêu dễ thương này, một tờ giấy sực nức hương thơm không thể là cái gì khác thì một đám mấy trôi qua mắt ông và tim ông đập rộn, buộc ông phải dựa người vào lò sưởi.

Cuối cùng, hoàng thân bình tĩnh lại. Đôi mắt ông rực sáng và có thể dừng lại trên bức thư, đọc được những dòng chữ sau theo đó, trong một cảm giác êm dịu mà ông tạo ra, còn xa ông mới chờ đón nó.

Còn các độc giả thân mến, các bạn có chờ đợi nội dung bức thư này được gói ghém đo bất cẩn trong một chiếc khăn tay của tiểu thư Xanh Ăngđrê đã ném cho người tôn thờ tuyệt vọng của nàng chăng?

Các bạn là những người hiểu biết lòng dạ con người, liệu các bạn có thiện ý về cô thiếu nữ này không có tình yêu cả với ông hoàng đẹp trai này mà cô ta đã cuộc hẹn hò với người này để yêu cầu một cần câu và ném chiếc khăn tay cho người kia để giúp người ấy lau khô những giọt nước mắt do cô làm nó chảy ra; tất cả những chuyện đó lại vào lúc cô sắp cưới một người thứ ba?

Bản chất thực sự tạo ra từ những trái tim bằng đá ấy liệu lưỡi dao đã được tôi luyện kĩ có biết làm tổn thương không? Các bạn nghi ngờ ư?

Đây là nội dung bức thư mà các bạn sẽ không còn nghi ngờ nữa.

“Đừng quên, người tình thân yêu của anh, ngày mai nàng hãy đến vào một giờ sau nửa đêm trong phòng Biến hình căn phòng đã gắn bó chúng ta đêm qua và rất gần nơi ở của hai bà hoàng; người tâm phúc của chúng ta sẽ cẩn thận để ngỏ cửa!”

Không có chữ ký, nét chữ xa lạ.

- Ôi! Kẻ đồi bại! – Hoàng thân kêu lên, vừa đấm bàn tay lên bàn làm lá thư rơi xuống đất.

Sau sự bùng nổ đầu tiên thoát ra từ đáy lòng ông, hoàng thân chán ngán dừng lại một lúc.

Nhưng lời nói và cử chỉ sớm trở lại với ông, ông sải bước đi đi lại lại trong phòng, vừa bước ông vừa kêu lên:

- Như vậy, đô đốc đã có lý!

Lúc này ông đã nhận thấy lá thư ông đã để rơi trên ghế bành.

- Như vậy – Ông nói tiếp càng lúc càng khích động, - ta đã là đồ chơi của một con bé lẳng lơ đáng kể đã chới ta lại là đứa trẻ mười lăm tuổi. Ta, ông hoàng Côngđê là người trải qua cung đình để hiểu rõ hơn trái tim những người đàn bà mà ta, ta dễ bị lừa về những trò xảo quyệt của một con bé con ư! Ôi! Dòng máu của Chúa! Ta tự thấy hổ thẹn. Ta đã bị nhạo báng như một đứa học trò và đã để qua ba tháng của cuộc đời ta, ba tháng của một con người thông minh; những sự hi sinh bị tiêu ma, bị ném theo gió không có đích, chẳng lý do, chẳng ích lợi , chẳng vẻ vang gì, ta đã bỏ qua ba tháng để yêu một con bé kì quặc! ta! Ta!

- A! Phải. Nhưng giờ đây ta đã biết trò kì quặc ấy – ông nói tiếp – cho cả hai ta. Chúng ta sẽ chơi cho đến tận cùng. Cô biết ngón chơi của ta, cô bé xinh đẹp ạ; giờ đây đến lượt ta, ta biết ngón chơi của cô. A! Ta sẽ biết cái tên, ta sẽ trả lời cô về cái tên, ta đây, cái tên của gã đàn ông ấy không thể nếm trải một lạc thú bình lặng được.

Hoàng thân vò nhàu bức thư nhét nó vào giữa lòng bàn tay và chiếc găng tay của ông, cầm lấy kiếm, đội lại mũ chuẩn bị ra đi thì một ý nghĩ đột ngột loé lên làm ông đứng lại.

Ông chống cùi tay vào tường, áp trán vào lòng bàn tay và suy nghĩ sâu xa rồi sau một lúc suy tư, ông lây mũ trên đầu ném qua phòng, trở lại ngồi vào bàn và lần thứ hai đọc lại lá thư vừa gợi trong tâm trí ông một thay đổi thật khủng khiếp.

- Cái giống quỷ quái! – ông nói sau khi đọc xong bức thư - Hỡi con đàn bà đạo đức giả và dối trá! Mi lấy một tay đẩy ta còn tay kia mi kéo ta lại; mi lợi dụng chống ta, con người trung thực đến mức dại khờ, ta đã không thấy gì hết, đã không hiểu gì về mọi nguồn của xảo quyệt hiểm ác của mi; ta dai dột tin vào lòng trung thực lại phải hạ mình, ta đức hạnh trước tiết hạnh giả; phải, ta sẽ khóc vì phẫn ý; phải, ta sẽ khóc vì hạnh phúc, những giọt nước mắt tủi hổ và điên dại!Hãy chảy đi, giờ đây hãy chảy đi, những giọt nước mắt của ta! Hãy chảy đi và xoá đi dấu vết của tình yêu dơ dáy này trùm phủ lên ta! Hãy chảy và, như dòng thác cuốn đi những chiếc lá khô rụng , những ảo tưởng cuối cùng của tuổi thanh xuân của ta, những niềm tin cuối cùng của tâm hồn ta.

Quả nhiên, tinh thần mạnh mẽ ấy, trái tim sư tử ấy bật ra những tiếng nức nở như một đứa trẻ.

Rồi những tiếng nức nở của ông cạn kiệt, ông đọc lại lá thư lần thứ ba nhưng lần này không còn cay đắng nữa.

Những giọt nước mắt đã không hề cuốn đi những ảo tưởng của tuổi thanh xuân, những niêm tin của tâm hồn mà chỉ mất đi những gì chưa bao giờ có mà hoàn toàn trái lại, là sự tức giận và chua chat. Rõ ràng chúng chỉ để lại đó sự căm ghét và khinh bỉ.

- Tuy nhiên- sau một lúc ông nói- ta đã thề với chính mình là ta sẽ biết gã đàn ông đó, ta sẽ biết gã; sẽ phải là kẻ mà vì kẻ ấy cô ta sẽ cười về nỗi si mê kì cục của ta, sẽ chế giễu ta và sẽ sống…nhưng người đàn ông ấy - Hoàng thân nói tiếp – là kẻ nào nhỉ?

Ông đọc lại lá thư.

- Ta biết hầu hết những chữ viết của những nhà quý tộc trong triều đình, từ chữ viết của nhà vua đến chữ viết của ông đờ Musi thế mà ta không nhận ra chữ viết này, khi nghiên cứu nó, ta tin là nhận ra chữ viết của phụ nữ: chữ viết giả tạo “ vào một giờ sau nửa đêm, ngày mai, phòng Biến hình”. Chúng ta hãy đợi đến ngày mai, chính là phiên gác của Đăngđơlô ở Luvrơ tuần này. Đăngđơlô sẽ giúp ta một tay, nếu cần thì ông đô đốc. Quyết định như vậy rồi hoàng thân còn đi ba bốn bước trong phòng và cuổi cùng, vẫn mặc cả quần áo buông mình xuống giường.

Chưa bao giờ ông trải qua một đêm trước cuộc chiến đấu như thế này, thật chết chóc đến thế.

May thay, đêm đã khuya, những lính tuần tra đêm kêu báo đã ba giờ sáng thì hoàng thân gieo mình xuống giường.

Tảng sáng, hoàng thân dậy và ra đi, ông đến nhà đô đốc.

Ông Côlinhi có thói quen dậy sớm và ông thấy ông ta đang đứng.

Khi thấy ông Côngđê, đô đốc kinh sợ về vẻ xanh xao và sự kích động của ông hoàng trẻ.

- Ôi! Lạy Chúa tôi! – Ông kêu lên – Có chuyện gì thế? Hoàng thân thân mến? Có chuỵện gì xảy đến với ông thế?

- Có đấy – Hoàng thân nói – Hôm qua ông đã thấy tôi tìm kiếm một lá thư phải không? Giữa những hòn dá ở điện Luvrơ ấy.

- Vâng, và ông có hạnh phúc tìm thấy nó.

- Hạnh phúc! Thật sự tôi tin rằng đó là lời tôi đã nói.

- Bức thư ấy không phải của một người đàn bà chứ?

- Phải.

- Và người đàn bà ấy?

- Như ông đã nói về người ấy, ông anh họ của tôi ạ, đó là một con quỷ cái đạo đức giả.

- A! A! tiểu thư Xanh Ăngđrê, hình như cô ta có vấn đề.

- Ông hãy cầm lấy và đọc đi, đây là lá thư tôi đã đánh mất do gió cuốn đi từ chiếc khăn tay mà cô ta đã đưa cho tôi.

Đô đốc đọc thư.

Ông vừa đọc xong lá thư thì Đăngđơlô từ điện Luvrơ tới, bước vào, ông đã qua đêm ở điện Luvrơ. Đăngđơlô cùng tuổi với hoàng thân Côngđê và hết sức gắn bó với ông.

- A! Đăngđơlô tốt bụng của tôi – Côngđê reo lên – tôi đến nhà ông đô đốc, trước hết hi vọng được gặp ông ở đây.

- Thế thì tôi đây! Hoàng thân.

- Tôi có việc cần nhờ cậy ông.

- Tuân theo lệnh ông.

- Việc là thế này: Vì một lí do không cho phép tôi thổ lộ với ông, tôi nay, vào nửa đêm tôi cần vào phòng Biến hình,liệu ông có cớ nào để tôi vào đó được không?

- Vâng, thưa đức ông, tôi rất lấy làm tiếc.

- Tại sao thế?

- Bởi vì đêm vừa rồi hoàng thượng nhận được một lá thư hăm doạ, qua lá thư ấy, một người tuyên bố sẽ có biện pháp thâm nhập đến tận nhà vua nên nhà vua đã ra những lệnh hết sức nghiêm ngặt cấm mọi quý tộc không có việc không được vào điện Luvrơ kể từ mười giờ đêm.

- Nhưng Đăngđơlô thân mến của tôi - Hoàng thân nói - Biện pháp ấy không thể lien quan tới tôi được, cho đến nay, tôi có quyền vào điện Luvrơ vào mọi giờ và nếu không thể là chống lại cá nhân tôi mà biện pháp ấy được quyết định…

- Không cần phải nói, thưa Đức ông, rằng biện pháp ấy không phải nhằm chống lại riêng cá nhân ông mà nó được quyết định chống mọi người, ông phải đặt mình vào hoàn cảnh chung.

- Này, Đăngđơlô, cần có một ngoại lệ với tôi chứ, vì những nguyên cớ mà ông đô đốc đã biết, nguyên cớ xa lạ với những gì đang diễn ra vì một lý do hoàn toàn mang tính các cá nhân, tối nay tôi cần phải vào phòng Biến hình và rất cần, ngoài ra cuộc viếng thăm của tôi phải bí mật đối với mọi người, ngay cả với hoàng thượng.

Đăngđơlô ngần ngại, đầy tủi hổ nếu phải từ chối hoàng thân điều gì.

Ông liền quay lại ông đô đốc đưa mắt ngầm hỏi ông này về điều ông cần làm.

Đô đốc gật đầu hàm ý mấy lời sau: “ Tôi bảo lãnh cho ông ấy”.

Đăngđơlô liền nhượng bộ khá lịch sự.

- Nào, thưa Đức ông – Ông nói – hãy thú nhận với tôi tình yêu can dự vào việc nào đó trong cuộc mạo hiểm của ông nhằm nếu tôi có bị trách cứ, tôi cam chịu, ít ra vì một nguyện nhân mà một nhà quý tộc có thể thú nhận.

- Ồ! Trong mối quan hệ ấy, tôi không muốn giấy ông một điều gì cả, Đăngđơlô: xin thề danh dự, tình yêu là lý do duy nhất làm cho tôi cầu xin ông việc ấy.

- Thế thì, thưa ngài – Đăngđơlô nói - việc đã thoả thuận xong và vào nửa đêm, tôi sẽ dẫn ông vào phòng Biến hình.

- Cảm ơn Đăngđơlô! - Hoàng thân chìa bàn tay cho ông này và nói - Nếu bao giờ ông cần có một công việc gì thuộc loại này hoặc mọi loại khác, tôi xin ông đừng tìm kiếm người thứ hai nào khác tôi nhé.

Sau khi xiết chặt tay hai anh em ông đô đốc, hết người này tới người kia, Hăngri đờ Côngđê nhanh chóng bước xuống cầu thang lâu đài Côlinhi.

TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 10: Phòng biến hình

Độc giả thân mến, bạn hãy đếm lại những giờ phút sôi sục mà các bạn chậm dãi đếm giờ này sau giờ kia, trong khi chờ đợi giây phút của cuộc hẹn hò đầu tiên của bạn, hoặc hơn nữa, bạn hãy tìm trong kí ức những nỗi lo âu nhức nhối trong khi chờ đợi giây phút khốc liệt đem lại cho bạn chứng cứ về sự phản bội của người đàn bà mà bạn yêu quý thì bạn sẽ có một ý niệm về cái ngày đó trôi qua chậm chạp và đau đớn đến thế nào, riêng đối với ông hoàng thân khốn khổ Côngđê thì cái ngày này là vô tận. Thế là ông thử thực hiện các phương thuốc và những nhà triết học của mọi thời đại là: chống lại những mối bận tâm của tinh thần bằng cách làm cho cơ thể mệt mỏi. Ông nhanh chóng dắt con ngựa của mình, trèo lên, thả lỏng dây cương hoặc tưởng đã thả lỏng nó và sau đúng mười lăm phút, ngựa và kỵ sĩ đã ở Xanh Clu là nơi mà khi rời khỏi lâu đài, ông không hề có ý định tới đó.

Ông liền cho ngựa lao về hướng đối diện. Một giờ sau ông lại thấy mình vẫn ở chỗ cũ; lâu đài Xanh Clu đối với ông là trái tim kim cương của những thuỷ thủ trong Nghìn lẻ một đêm, tại đây lại trở lại không ngừng những con tàu lớn đã hết sức cố gắng để rời xa trái núi nhưng vô ích.

Phương pháp của những nhà triết học và thầy thuốc không thể lầm lẫn với những người khác lại hầu như vô hiệu đối với ông hoàng Côngđê. Buổi chiều, ông thấy cơ thể như vỡ vụn, đúng thế nhưng cũng vẫn hoàn toàn bận tâm như buổi sáng.

Vào lúc màn đêm buông xuống, ông trở về nhà, kiệt sức, mệt nhoài, chết lặng.

Gã hầu phòng trao cho ông ba lá thư mà ông nhận ra đó là những lá thư của các bà mệnh phụ hàng đầu ở cùng đình; ông cũng không thèm mở chúng ra. Cũng vẫn là gã hầu này báo cho ông biết có một người đàn ông trẻ tuổi đã sáu lần có mặt ở lâu đài trong cùng ngày, nói rằng ông ta có những tin tức quan trọng bậc nhất muốn nói với hoàng thân và mặc dầu bao lần nài nỉ, ông ta vẫn cứ từ chối không cho biết tên; còn hoàng thân không quan tâm tới cái tin này hơn là người ta nói với ông “ Thưa Đức ông, hôm nay trời đẹp” hoặc “Thưa Đức ông, trời đang mưa”.

Ông trèo lên buồng ngủ và máy móc mở một cuốn sách. Nhưng quyển sách nào có thể làm tê liệt những vết cắn của con rắn độc đang gặm nhấm trái tim ông được.

Ông gieo mình xuống giường, nhưng dẫu đêm trước ông đã mất ngủ và nay thật rã rời vì mệt mỏi bởi những cuộc đua ngựa trong ngày, ông vẫn kêu gọi một cách vô ích những người bạn mà người ta gọi là giấc ngủ ấy, giống hệt như những người bạn khác, luôn có mặt bên cạnh bạn vào những ngày hạnh phúc thì nó lại rời xa khi ta cần đến nó, có nghĩa là vào những lúc bất hạnh nhất.

Cuối cùng cái giờ biết bao chờ đợi cũng đã tới; chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng; người lính tuần cảnh đi qua kêu lên:

- Nửa đêm rồi!

Hoàng thân khoác áo choàng, thắt thanh kiếm, giắt dao găm và đi khỏi nhà.

Thật vô ích khi nói ông đi về hướng nào.

Mười hai giờ mười phút đêm, ông đã ở cổng điện Luvrơ.

Lính gác hộ khẩu hiệu, hoàng thân chỉ cần xưng danh và ông bước vào.

Một người đàn ông đang bước dạo trong hành lang trên đó mở ra chiếc cửa phòng Biến hình.

Ông Côngđê ngập ngừng giây lát. Người đàn ông này quay lưng lại, nhưng do tiếng động bởi hoàng thân gây ra, người này quay ngược lại và kẻ si tình của chúng ta nhận ra Đăngđơlô đang đợi ông.

- Xin cảm ơn! – Ông nói – Nhưng tôi không có gì e ngại cả mà tôi nhớ: không phải tôi là người được yêu đâu.

- Vậy thì – Đăngđơlô nói với hoàng thân – mà quỷ đưa dắt nào mà ông lại đến đây?

- Để xem ai là người mà người ta yêu.. nhưng, suỵt! Có kẻ nào đấy.

- Đâu? Tôi không thấy ai cả.

- Còn tôi, tôi nghe thấy tiếng bước chân.

- Chán thật! – Đăngđơlô nói- Những kẻ ghen tuông mới thính tai làm sao! Côngđê kéo bạn vào chỗ khuất và từ đấy, họ thấy một bóng người đi tới; đến trước cửa phòng Biến hình, cái bóng ấy dừng lại một lát nghe ngóng, nhìn quanh và không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì cả mới khẽ đẩy cửa bước vào.

- Không phải là tiểu thư Xanh Ăngđrê! - Hoàng thân lẩm bẩm - Người đàn bà này có cái đầu to hơn đầu cô ta.

- Vậy là ông đợi tiểu thư Xanh Ăngđrê à? – Đăngđơlô hỏi.

- Tôi đợi ư, không , mà tôi rình.

- Nhưng thế nào mà tiểu thư Xanh Ăngđrê?

- Suỵt!

- Nhưng mà…

- Hãy cầm lấy, Đăngđơlô thân mến, để lương tâm thanh thản, ông hãy giữ lại lá thư này, hãy giữ nó như con người của mắt ông, ông hãy thoả chí đọc nó và nếu ngẫu nhiên tối nay tôi không khám phá được điều gì mà tôi tìm kiếm thì ông hãy cố xem trong mọi nét chữ mà ông biết, tìm ra chủ nhân của nét chữ này.

- Tôi có thể chuyển lá thư này cho ông anh tôi được không?

- Ông ấy đã đọc rồi, tôi có chuyện gì bí mật với ông ấy được chứ?... A! Tôi sẽ cho rất hậu để biết ai viết thư này.

- Ngày mai tôi sẽ trả nó lại cho ông nhé.

- Không, tôi sẽ đến nhà ông lấy lại. Hãy để bức thư chỗ ông anh ông; có thể bản thân tôi có chuyện gì đó kể cho các ông… Này, đó, vẫn con người ấy đi ra.

Bóng người đã vào phòng đúng là lại trở ra và lần này đi bên cạnh hai người bạn; may thay cái hành lang này cố tình đề thiếu ánh sáng và hai người bạn ẩn sâu trong ấy đã ở ngoài tầm đường đi và đứng trong bóng tối.

Nhưng với bước chân nhanh nhẹn và vững vàng mà cái bóng ấy đi dù là tối mà, thật dễ dàng nhận thấy người ấy đã quá quen thuộc với con đường này.

Thật vậy, vào lúc con người này đi ngang qua hai người bạn thì ông Côngđê nắm chặt bàn tay Đăngđơlô.

- La Lanu! – Ông lẩm bẩm.

La Lanu là một trong số thì nữ của Catơrin đờ Mêđixit ( con gái của Lôrăng đờ Mêđixit, sinh ở Florăngxơ, vợ Hăngri đệ nhị, mẹ của Frăngxoa II, Xaclơ IX và Hăngri đệ tam, nhiếp chính khi Xaclơ còn nhỏ. Chính trị khéo léo nhưng không tế nhị, không có tầm nhìn cao xa, bà trị vì bằng chia rẽ, giữ thế cân bằng giữ Tin lành và Thiên

Chúa giáo trong chiến tranh tôn giáo. Trong chuyện này, bà là hoàng thái hậu (N.D));theo người t a nói thì trong tất cả các thị nữ thì mụ được hoàng thái hậu yêu mến hơn cả và được tin cẩn nhất.

Mụ đến đây làm gì nếu không phải là được gọi tới bởi cuộc hẹn hò trong lá thư?

Vả nữa, mụ không đóng cửa mà chỉ khép hờ, vậy mụ phải trở lại.

Không thể để mất một giây vì sau khi mụ ta, lần này có thể cửa bị đóng lại.

Tất cả những suy tư ấy qua đầu hoàng thân nhanh như ánh chớp; ông xiết chặt bàn tay Đăngđơlô một lần nữa và lao về phòng Biến hình.

Đăngđơlô khoát một cử chỉ định giữ hoàng thân lại thì Côngđê đã rời xa.

Như ông đã nghĩ, chỉ khẽ đẩy, cánh cửa đã phải nhượng bộ và ông đã ở trong phòng.

Căn phòng này là một trong những căn phòng đẹp nhất ở điện Luvrơ trước khi gian phòng nhỏ trưng bày đồ mĩ nghệ được bắt đầu khởi công bởi Xaclơ IX, mượn một cái tên thần thoại ở những tấm thảm phủ buồng.

Quả thật, đó là những chuyện hoang đường về Pecxê và Ăngđrômet, về Mêđuydơ, về thần Păng, Apôlông và Đapnê, hình thành những đề tài chính của những bức tranh này, ở đây chiếc kim thêu đã hơn một lần tranh chấp một cách vinh quang chống lại chiếc bút vẽ.

Nhưng đặc biệt hấp dẫn là thần thoại Giuypite và Đanaê theo lời các sử gia.

Bức Đananê được tạo bởi một bàn tay tinh tế thật khéo léo mà ta thấy bộ mặt nàng rạng rỡ như đang cảm nhận, đang nhìn và nghe cơn mưa vàng rơi.

Tẩm thảm này được coi như hoàng hậu của những tấm thảm khác, được chiếu sáng bởi ngọn đèn bằng bạc, chạm trổ chứ không phải đúc, theo người ta khẳng định thì đây là tác phẩm của chính bàn tay Benvennutô Xelini sáng tạo. Thật thế, nào ai khác hơn người thợ chạm khắc và tạc tượng người Florăngxơ (Ý) là người mới có thể tự hào tạo một khối bạc thành một bình hoa từ đây thoát ra một ngọn lửa chói sáng chính từ bông hoa.

Tẩm thảm Đanaê này tạo bởi những bức vách của khuê phòng, đồng thời được ngọn đèn chiếu sáng Đanaê bất tử cũng được dành để chiếu sáng mọi Đanaê đang sống và sẽ chết, chờ đợi trên giường này, trên đó được treo cơn mưa vàng, của những thần Giuypite ở trái núi Ôlempơ trên mảnh đất này mà ta gọi là Luvrơ.

Hoàng thân nhìn khắp quanh mình, nâng các tấm rèm và rèm cửa để tin chắc chỉ có mình ông và sau khi khám xét tỉ mỉ, ông nhảy qua những trụ lan can, nằm xuống tấm thảm rồi trườn vào gầm giường.

Đối với độc giả không quen trang trí nội thất của thế kỉ thứ mười sáu, chúng tôi xin nói rằng đó là cái lan can.

Người ta gọi lan can là hàng rào làm bằng các trụ nhỏ hình thành các phòng nhỏ đặt quanh các giường để đóng kín các phòng the như ta hiên còn thấy trong các nơi đồng ca ở nhà thờ hoặc tiểu giáo đường và trong phòng ngủ của vua Lui thứ mười bốn ở Vecxay.

Chúng ta hãy tin rằng ông Côngđê nhảy qua lan can, xin độc giả hãy miễn cho chúng tôi tả những quan sát của ông, nhưng thay cho việc giải thích, chúng ta hãy dũng cảm tiến lên phía trước.

Như chúng tôi đã nói, sau khi nằm trên tấm thảm, hoàng thân trườn vào gậm giường.

Này! Vâng, chắc chắn đây là một tư thế kì cục, một tư thế không xứng đáng với một ông hoàng, nhất là ông hoàng ấy lại là hoàng thân đờ Côngđê. Nhưng các bạn muốn gì! Đó không hề là lỗi của tôi vì đúng là ông hoàng Côngđê trẻ, đẹp trai, si tình, thật ghen tuông đã kì cục đến thế, và đúng như tôi thấy sự việc được ghi trong lịch sử của hoàng thân thì người ta sẽ cho phép tôi không hề tỉ mỉ hơn nhà sử học.

Thưa độc giả thân mến, nếu nhận xét của bạn thật đúng và hợp lý thì hoàng thân vừa nằm dưới gậm giường cũng có cùng những suy nghĩ như bạn là tự khiển trách mình một cách nghiêm khắc nhất. Ông tự hỏi bộ mặt ông sẽ khó coi thế nào dưới gậm giường nếu ông bị phát hiện tại đây dù chỉ bởi một tên hầu; ông sẽ cung cấp cho những kẻ thù của ông một loạt những lời châm biếm chế giễu đến mức nào! Ông có cơ tự chuốc lấy sự mất uy tín đến mức nào dưới mắt bạn bè! Cuối cùng ông đi tới chỗ tin rằng ông thấy tách ra từ đáy tấm thảm bộ mặt giận dữ của ông đô đốc; bởi vì dù là trẻ con hãy người lớn khi chúng ta ở trong một hoàn cảnh mập mờ thì con người mà chúng ta nghĩ tới và chúng ta sợ nhất là thấy xuất hiện để trách cứ chúng ta về sự điên rồ của chúng ta, luôn luôn là người chúng ta yêu mến và kính trọng nhất, bởi vì chính lúc ấy và cũng lúc ấy đó là con người mà ta sợ nhất.

Vây là hoàng thân- Chúng tôi xin độc giả khắt khe tin chắc điều này - tự sỉ vả hết lời mà một người với tính cách và điều kiện của mình phải làm trong hoàn cảnh như vậy nhưng kết quả của mọi lập luận của ông là ông tiến sâu vào gậm giường hơn hai mươi xăngtimet như ta nói ngày nay, và ông chọn một tư thế thuận lợi nhất có thể ở lại đó.

Vả lại còn có việc khác phải nghĩ tới.

Ông đã quyết định khi hai kẻ tình nhân có mặt.

Đối với ông, điều hầu như đơn giản nhất là đột ngột bước ra và không cần lời giải thích mào đầu, đọ kiếm luôn với tình đích của ông.

Hành động này vẻ hoàn toàn đơn giản nhưng suy nghĩ lại, đối với ông tỏ ra không phải là không nguy hiểm. Không phải vì con người ông mà vì danh dự của ông. Người bạn ấy dù là ai, đúng là đồng loã với tính lẳng lơ của tiểu thư Xanh Ăngđrê, nhưng là đồng loã vô tư.

Vậy ông trở lại quyết định ban đầu của ông là quyết nhìn và nghe một cách lạnh lùng những gì sắp diễn ra dưới cặp mắt và đôi tai của một tình địch.

Ông vừa làm tròn cái hành động từ nhượng nhẫn nhục lớn lao này thì nghe tiếng kêu của chiếc đồng hồ của ông vang to đột nhiên nhắc cho ông một hiểm hoạ mà ông không nghĩ tới nó. Vào thời ấy, những đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường không chỉ là những vật xa xỉ mà còn là sở thích riêng, đã chạy rất kém tuỳ theo ước vọng của người thợ cơ khí hơn là tuỳ theo tính chất thất thường của chúng. Do đó mà chiếc đồng hồ của ông Côngđê đã chạy chậm nửa giờ so với giờ Luvrơ nên đổ chuông báo nửa đêm.

Ông đờ Côngđê như ta đã thấy, đang bị giày vò về sự nôn nóng hơi thất thường của nó, và tiếng chuông kêu của kẻ tố giác này không thể để tố giác ông, ông liền để cái vật trang sức bất cẩn ấy trong lòng bàn tay trái và ép nó lên đầu chuôi dao găm của ông, ấn mạnh đầu chuôi dao lên mặt kính đồng hồ và dưới sức ép ấy làm vỡ cái vỏ kép; chiếc đồng hồ đeo tay vô tội đã thở hơi cuối cùng.

Sự bất công của con người đã được thoả mãn.

Hành động này vừa hoàn thành thì cửa buồng một lần nữa mở ra; qua tiếng động mà nó gây ra đã thu hút đôi mắt hoàng thân quay về bên cạnh mình và ông đờ Côngđê thấy tiểu thư Xanh Ăngđrê bước vào, mắt rình mò, tai hóng gió, và theo sau, đi nhón đầu ngón chân là cái mụ xấu xa ghê tờm có tên Lanu.

TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 11: Thần vệ nữ trang điểm

Khi chúng tôi nói: theo sau, đi nhón trên đầu ngón chân là cái mụ xấu xa ghê tởm có cái tên Lanu thì chúng tôi đã nhầm, không phải Lanu mà là bước chân của tiểu thư Xanh Ăngđrê.

Khi đã vào trong phòng Biến hình, tiểu thư Xanh Ăngđrê không đi theo Lanu nữa mà đi trước mụ.

Lanu ở lại sau để đóng cửa.

Thiếu nữ dừng lại trước bàn trang điểm trên đó đặt hai cây đèn chum đang chờ ngọn lửa châm đem lại sức sống cho chúng để toả hết mọi ánh sáng chói loà của chúng.

- Bà tin chắc là chúng ta không bị ai trông thấy chứ, Lanu thân yêu của thưa ông? – nàng nói bằng một giọng dịu dàng mà, sau khi làm rung động tình yêu lại làm rung lên niềm căm giận trong trái tim hoàng thân.

- Ồ! Đừng e sợ gì hết. thưa tiểu thư - Mụ mối manh trả lời – do lá thư đe doạ gửi cho nhà vua tối qua, những mệnh lệnh nghiêm khắc nhất đã được ban ra và kể từ mười giờ tối, các cổng ra vào Luvrơ đều bị đóng lại.

- Với mọi người ư?

- Với mọi người.

- Không loại trừ một ai chứ?

- Không loại trừ.

- Ngay cả với hoàng thân Côngđê?

Lanu mỉm cười:

- Nhất là với hoàng thân Côngđê thưa tiểu thư.

- Bà tin chắc điều này chứ Lanu.

- Chắc chắn, thưa tiểu thư.

- A! chính là…

Thiếu nữ ngừng lời.

- Vậy tiểu thư có gì để sợ Đức ông hả?

- Khá nhiều chuyện, Lanu ạ.

- Khá nhiều chuyện,thế là thế nào?

- Đúng, điều này giữa những điều kia.

- Điều gì?

- Đó là điều ông ấy không đeo đuổi tôi tới tận đây.

- Tới tận đây sao?

- Phải.

- Tận trong phòng Biến hình này ư?

- Đúng.

- Nhưng làm thế nào mà ông ấy lại biết được tiểu thư ở đây chứ?

- Chính là tại tôi.

- Tại tiểu thư?

- Tôi, tôi ngu ngốc biết bao!

- Ôi, lạy Chúa tôi.

- Bà hãy tưởng tượng vào hôm qua, vào lúc mà ông ây chia tay tôi, tôi đã bất cẩn tiếp sau một chuyện đùa cợt, tôi đã ném cho ông ấy chiếc khăn tay của tôi trong ấy có lá thư nhỏ mà bà vừa trao cho tôi.

- Nhưng bức thư ấy không kí tên người viết kia mà.

- Không, may mắn thay!

- Thật hết sức may mắn, thật thế, Giêxuma lạy Chúa tôi.

Mụ mối manh làm dấu thánh và nói tiếp:

- Tiểu thư không đòi lại ông ấy chiếc khăn tay của tiểu thư à?

- Có chứ, Mêdie đã qua nhà ông ấy sáu lần trong ngày nhưng ông hoàng đã đi từ sáng và đế chín giờ tối vẫn chưa về nhà.

- A! A! -Hoàng thân lẩm bẩm – Chính là gã thị đồng đi câu đã đến để nói với ta và đã hết sức khẩn khoản gặp ta.

- Tiểu thư ký thác cho chàng trai ư? Thưa tiểu thư.

-

- Hắn điên vì tôi.

- Những chàng thị đồng thật rất thiếu thận trọng; có một câu châm ngôn nói về họ trong chuyện này.

- Mêdie không phải là thị đồng của tôi, đó là kẻ nô lệ của tôi – Thiếu nữ nói với giọng một bà hoàng – A! Lanu, cái ông Côngđê thật đáng nguyền rủa! Tôi cầu mong cho điều tồi tệ xấu xa mãi mãi xảy đến với ông ta.

- Cảm ơn! Hỡi người đẹp trong số người đẹp ơi! - Hoàng thân lẩm bẩm- Tôi sẽ nhớ những tình cảm của cô đối với tôi.

- Này! Thưa tiểu thư- Lanu nói – còn đêm này, tiểu thư có thể an tâm. Tôi quen biết viên chỉ huy cận vệ người Êcôtxơ và tôi sẽ nhờ ông ta nói lại với đức ông.

- Về phần ai?

- Phần tôi! Thưa tiểu thư, tiểu thư hãy an tâm, điều ấy là đủ.

- A! Lanu.

- Tiểu thư muốn gì, thưa tiểu thư! Trong khi làm tất cả những công việc của người khác, không có gì xấu đề làm một chút cho công việc của mình.

- Cảm ơn Lanu; vì chỉ riêng ý nghĩ ấy đã làm xáo động niềm lạc thú mà tôi đã tự nhủ sẽ nếm hưởng đêm nay.

Lanu chuẩn bị đi ra.

- Này! Lanu! - Tiểu thư Xanh Ăngđrê gọi -Trước khi ra đi , hãy thắp sáng đèn lên, tôi van bà, tôi không muốn ở lại một mình trong bóng tối; tất cả những hình ảnh bán khoả thân lớn làm tôi sợ, hình như chúng sắp tách khỏi tấm thảm để đến với tôi.

- A! Nếu chúng có đến – Lanu nói trong lúc đi lấy tờ giấy châm lửa ở lò sưởi – hãy bình tĩnh, điều đó đối với tiểu thư sẽ là tôn sung tiểu thư như thần Vệ nữ thôi.

Mụ thắp sáng năm nhánh đèn chùm để thiếu nữ lồ lộ dưới mắt hoàng thân trong vòng hào quang của những ngọn lửa.

Nàng thật rực rỡ, phản chiếu qua tấm gương ở bàn trang điểm; nàng mặc chiếc áo lụa mỏng trong suốt qua đó nhìn thấy da thịt lồ lộ.

Tay nàng cầm một nhánh đào kim nhưỡng có hoa; nàng quấn quanh mái tóc như một vòng vương miện.

Nữ tu nguyện của thần Vệ nữ, nàng vừa trang điểm bằng cánh hoa thiêng liêng.

Lúc ấy có một mình hoặc ít ra tin rằng chỉ có một mình trong phòng, thiếu nữ làm duyên và tình tứ tự ngắm trong gương, lấy đầu các ngón tay hồng uốn cong hai hàng lông mi mịn như nhung và lấy lòng bàn tay ép mái tóc vàng.

Trang điểm như vậy và trong một dáng bộ làm tăng giá trị tấm thân mềm mại, thanh tú của nàng, thiếu nữ ưỡn người trước gương, tươi mát như dòng suối, ửng hồng như mấy buổi sớm, trong sáng như sự trinh bạch, sống động và tươi trẻ như những cây đầu xuân trong cuộc sống hối hả của chúng, xuyên qua những lớp tuyết cuối cùng, như Lanu nói về nàng, giống như thần vệ nữ Xitêrê, nhưng là Vệ nữ ở tuổi mười bốn vào buổi sáng đứng trên bờ sông. chuẩn bị đi vào thiên cung, nàng ngắm mình một lần cuối trong tấm gương biển, hãy còn ấm ở cuộc tiếp xúc cuối cùng.

Sau khi uốn cong làn mi, ép cho tóc óng mượt, qua một lúc nghỉ ngơi, lấy lại màu sắc hồng hào của da thịt bộ mặt mà trước đó do bước vội và lo lắng đã làm mặt quá đỏ, thiếu nữ từ bỏ sự tái hiện của bộ mặt nàng mà chiếc gương đã hiến cho nàng, đôi mắt nàng cụp xuống nhìn từ cổ đến vai hầu như tìm bộ ngực nàng khuất sau những lớp đăng- ten nhẹ xốp như những đám mây cơn gió bấc xua khỏi bầu trời.

Nàng thật đẹp, đôi mắt ướt, đôi má ửng hồng, miệng hé mở, hàm răng óng ánh như hai hàng ngọc trong một hộp đựng nữ trang bằng san hô, nàng thực sự là hình ảnh của sự khoái cảm vào đúng lúc hoàng thân quên bẵng sự làm dáng của nàng, lòng hận thù của ông, những sự đe doạ, đến mức ông định ra khỏi chỗ nấp và quỳ xuống chân nàng kêu lên:

- Vì tình yêu của Chúa! Hỡi thiếu nữ, hãy yêu tôi trong một giờ và lấy đi cuộc đời tôi bằng cách đổi một giờ yêu thương này…

May thay hoặc khốn thay cho ông, bởi vì chúng ta đã không cân nhắc những cái lợi hoặc những trở ngại mà ông sẽ có thể theo đuổi tư tưởng bất chợt ấy thì thiếu nữ quay mình về phía cửa nói hoặc đúng hơn là ấp úng.

- Ôi! Người tình yêu quý thân thiết của lòng em, liệu chàng không đến sao?

Lời than và cái nhìn ấy đem tới cho hoàng thân tất cả sự căm giận sục sôi và với ông, tiểu thư Xanh Ăngđrê lại xuất hiện là con người đáng căm ghét nhất trên đời.

Nàng đi tới chiếc cửa sổ gần nhất, kéo những tấm rèm che dầy, tìm cách mở chiếc cánh nặng nề nhưng những bàn tay thon dài xinh xắn thiếu sức mạnh đối với một công việc nặng nhọc như vậy nàng đành áp đầu lên tấm kính.

Cảm giác mát rượi lan truyền vào trán làm mở to đôi mắt chứa chất mệt mỏi, lờ đờ, đôi mắt ấy bắt đầu phân biệt được những sự vật, và cuối cùng dừng lại ở một người đứng bất động, khoác tấm áo choàng cách tầm ném một hòn đá vào điện Luvrơ.

Cái nhìn của con người ấy làm tiểu thư Xanh Ăngđrê mỉm cười và nếu hoàng thân nhìn được nụ cười ấy hẳn ông đoán được ý nghĩ độc ác đã làm này sinh nụ cười ấy.

Hơn nữa nếu ông ở thật gần để trông thấy nụ cười ấy mà ông cũng ở thật gần để nghe những tiếng sau lướt giữa đôi môi của thiếu nữ với giọng đắc thắng:

- Đúng là ông ấy!

Rồi bằng một giọng nhạo báng không dứt:

- Ông cứ đi dạo đi, ông Côngđê thân mến ạ - Nàng nói thêm – tôi thật hết lòng cầu mong ông có được niềm vui trong cuộc dạo chơi của ông.

Rõ ràng tiểu thư Xanh Ăngđrê coi người đàn ông khoác áo choàng là hoàng thân Côngđê.

Sự nhầm lẫn này thật hoàn toàn tự nhiên.

Tiểu thư Xanh Ăngđrê hoàn toàn biết rõ những chuyến đến thăm của hoàng thân đi dạo mọi buổi tối dưới những ô cửa sổ của nàng từ ba tháng nay, nhưng tiểu thư Xanh Ăngđrê đã biết giữ kín không nói chuyện này với hoàng thân; bởi vì nói rằng mình đã biết việc này tức là thú nhận rằng từ ba tháng nay nàng đã bận lòng với tư tưởng trái với việc cao giọng phủ nhận.

Vậy đây là hoàng thân mà tiểu thư Xanh Ăngđrê tin là đã nhìn thấy ở bờ sông.

Thế mà việc nhìn thấy hoàng thân đi dạo ở bờ sông khi nàng run rẩy bắt gặp ông trong điện Luvrơ là cái nhìn bảo đảm nhất mà ánh trăng, người bạn nhợt nhạt và u buồn của những kẻ yêu đương có thể phát hiện đó là ông.

Giờ đây, những độc giả của chúng tôi hoàn toàn biết rõ rằng hoàng thân đã không thiếu tài để có mặt ở khắp mọi nơi, nay không thể cùng một lúc vừa ở trong lại vừa ở ngoài, nên chúng tôi phải vội nói ngay rằng người đàn ông khoác áo choàng này là ai mà tiểu thư Xanh Ăngđrê lầm tưởng đó là hoàng thân và cho rằng ông đang run cầm cập ở dưới bờ sông.

Người đàn ông này chính là người tín đồ giáo phái tin lành của chúng ta hôm trước, thư của chàng mà chàng mong đợi thì chàng được tin những ngài ở pháp viện đã suốt ngày hoàn toàn hành động bằng mọi cách để việc hành hình Anơ Đuybuôc diễn ra vào ngày hôm sau hoặc hôm sau nữa; người này chính là Rôbơc Stuya đã quyết định liều một toan tính thứ hai.

Đúng lúc xác nhận sự ngộ nhận ấy với nụ cười độc ác nở trên môi thiếu nữ thì nàng thấy người đàn ông ở bờ sông rút cánh tay ra khỏi áo choàng, phác một cử chỉ đe doạ rồi sải bước ra xa.

Cùng lúc nàng nghe thấy một tiếng động giống như tiếng kính vỡ rơi loảng xoảng.

- A! – nàng kêu lên – không phải ông ấy.

Rồi những sắc hồng của nụ cười của nàng biến mất ngay dưới làn da tím tái của nàng.

Lần này nàng run bắn thật sự, không còn niềm vui nữa mà là hoảng sợ và buông rơi tấm rèm cửa sổ,nàng quay trở lại, chao đảo và tái nhợt, tựa người vào chiếc tràng kỉ mà trước đó vài phút nàng đã nằm dài trên , thật uể oải.

Như đêm trước, người ta làm vỡ kính một cửa sổ ở căn hộ của thống chế Xanh Ăngđrê.

Nhưng lần này là một cửa sổ ở phía sau sông Sen; và cửa sổ này vẫn thuộc căn hộ của cha nàng…

Nếu như đêm trước thống chế còn đứng hay đã đi nằm nhưng bật dậy đến gõ cửa buồng con gái ông mà không nhận được câu trả lời thì chuyện gì sẽ xảy ra.

Nàng ở đây, lo sơ,run rẩy, gần như ngất xỉu, với sự ngạc nhiên lớn của hoàng thân đã nhìn thấy mà không sao đoán được nguyên nhân của sự thay đổi đột ngột biểu lộ trên nét mặt thiếu nữ, trong trạng thái yếu lả ấy thì mọi chuyện có thể xảy ra đúng như trạng thái hiển hiện lúc này thì cửa mở và Lanu hấp tấp bước vào.

Mụ có bộ mặt hầu như cũng biến đổi như bộ mặt thiếu nữ.

- Ôi! Lanu – nàng nói – bà có biết chuyện gì vừa xảy ra không?

-

- Không, thưa tiểu thư- mụ trung gian trả lời – Nhưng phải có chuyện gì đó kinh khủng lắm vì tiểu thư nhợt nhạt như một kẻ chết rồi.

- Thật kinh khủng, đúng thế, bà cần đưa tôi trở lại ngay chỗ cha tôi.

- Tại sao lại thế? Thưa tiểu thư.

- Bà có biết chuyện gì xảy ra vào nửa đêm hôm qua không?

- Tiểu thư muốn nói tới hòn đá được gắn với mảnh giấy đe doạ nhà vua phải không?

- Phải… này! Vẫn là việc ấy vừa xảy đến, Lanu ạ, một người đàn ông, chắc chắn vẫn là người ấy mà tôi lầm tưởng là hoàng thân Côngđê, như hôm qua, đến ném một hòn đá làm vỡ kính một cửa sổ của buồng thống chế.

- Và tiểu thư đã sợ hãi?

- Tôi sợ, bà hiểu không, Lanu, tôi sợ cha tôi đến gõ cửa buồng tôi do hoặc nghi ngờ vực, hoặc lo lắng khi thấy tôi không hề trả lời, ông bèn mở cửa buồng tôi và thấy buồng trống trơn.

- Ồ! nếu tiểu thư chỉ sợ có điều đó thì thưa tiểu thư, xin tiểu thư an tâm.

- Vì sao?

- Cha tiểu thư đang ở chỗ hoàng thái hậu Catơrin.

- Ở chỗ hoàng thái hậu vào một giờ sáng ư?

- A!Thưa tiểu thư, vừa xảy ra một tai nạn nghiêm trọng.

- Tai nạn gì?

- Các Đức ngài đi săn ngày hôm nay…

- Thì sao?

- Chà! Thưa tiểu thư,con ngựa của tiểu hoàng hậu (người ta gọi Mari Stuya như vậy), con ngựa của tiểu hoàng hậu đã vấp ngã, nữ hoàng đã ngã và người lại đang có mang ba tháng, người ta e sợ nữ hoàng đã bị thương.

- A! Lạy Chúa lòng lành!

- Đến nỗi cả Triều đình phải theo chân người.

- Tôi tin chắc vậy.

- Mọi thị nữ đều ở trong tiền sảnh hoặc tại chỗ hoàng thái hậu.

- Thế mà bà không đến báo tin cho tôi hả Lanu?

- Tôi cũng vừa mới biết tin, thưa tiểu thư, và tôi chỉ đủ thời gian chạy đi để xác minh sự thật.

- Vậy bà đã gặp chàng chứ?

- Ai?

- Chàng.

- Tất nhiên là gặp.

- Thì sao?

- Chà, thưa tiểu thư, việc được hoãn lại: tiểu thư nên hiểu rõ rằng trong lúc như thế này thì ngài không thể vắng mặt được.

- Nhưng hoãn đến bao giờ?

- Ngài mai.

- Ở đâu?

- tại đây.

- Cũng vẫn giờ cũ?

- Vẫn giờ ấy.

- Vậy thì hãy lại đây nhanh lên, Lanu.

- Tôi đây, thưa tiểu thư, đúng là phải tin rằng có một vị thần bất trị cuồng loạn chống lại chúng ta.

- Tốt! – Lanu nói trong lúc thổi tắt ngọn nến cuối cùng.

- thế nào! Trái lại ư? – Tiểu thư ngoài hành lang hỏi vọng vào.

- Đúng thế; đó là một tai nạn sẽ đem lại cho tiểu thư tự do.

Và mụ đi ra theo gót tiểu thư Xanh Ăngđrê; những tiếng bước chân lập tức biến mất cũng như những tiếng bước chân của bạn mụ trong chiều sâu hành lang.

- Vậy là đến ngày mai! - Đến lượt hoàng thân nói khi ra khỏi nơi ẩn nấp và vượt qua hàng lan can, vẫn không hãy biết tên tình địch của ông đã có mặt tối hôm trước – Ngày mai, ngày kia và mọi ngày nếu cần, nhưng thề trước linh hồn cha ta! Ta sẽ đi đến cùng.

Và ông cũng đi ra khỏi phòng Biến hình theo phía hành lang đối diện với hướng đi của tiểu thư Xanh Ăngđrê và Lanu; ông qua sân và đến cổng ra phố mà không một ai, giữa sự rối rắm của hai tình huống mà chúng tôi đã kể trên, nghĩ đến hỏi ông đi đâu và từ đâu tới.

TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 12: Hai người êcôtxơ

Rôbơc Stuya mà tiểu thư Xanh Ăngđrê đã nhận ra qua chấn song của phòng Biến hình đã rất nhanh nhẹn và lạ lung chui vào trong bóng tối; Rôbơc Stuya mà lúc đầu thiếu nữ đã có ý nghĩ độc ác tưởng là hoàng thân Côngđê, sau khi ném hòn đá thứ hai và bằng cách này gửi đến nhà vua bức thư thứ hai như chúng tôi đã nói, chàng liền bỏ trốn và biến mất.

Chàng rảo bước đến điện Satơlê, nhưng khi tới đây, chàng cảm thấy thoát khỏi sự theo dõi và ngoài việc chàng đã hành động với hai hoặc ba tên kẻ cắp gặp trên cầu nhưng chúng ngán khi nhìn thấy thanh kiếm của chàng đập vào gót chàng và khẩu súng ngắn đeo ở thắt lưng được giữ ở khoảng cách thích hợp, chàng lặng lẽ trở về nhà bạn và là người đồng hương của chàng là Patric.

Vừa về tới nhà bạn, chàng bình thản đi nằm. Cố vận dụng sức mạnh của bản thân nhưng sức mạnh ấy dẫu thật lớn cũng không thể điều khiển được giấc ngủ; đến nỗi trong ba hoặc bốn giờ, chàng trằn chọc xoay người qua lại trên giường, đúng hơn là trên giường bạn đồng hương của chàng mà vẫn không tìm được sự nghỉ ngơi đã trốn chạy chàng từ ba đêm nay.

Chỉ đến tảng sáng vào lúc thần chịu khuất phục trước sự mệt nhọc hầu như lìa bỏ cơ thể và cho phép giấc ngủ đến thay chỗ nó trong chốc lát. Nhưng lúc ấy cái cơ thể đó hoàn toàn lệ thuộc vào giấc ngủ, người an hem của Thần chết ấy, do sự mê mệt quá sâu của chàng, dưới mắt mọi người hầu như một cái xác từ bỏ hoàn toàn cuộc sống.

Đến chập tối, trung thành với lời hứa của mình, chàng đợi Patric, bạn chàng, nhưng người lính xạ thủ bị cấm trại ở Luvrơ do lệnh của chỉ huy mà anh đã nhận được lệnh trên nên không một ai ta khỏi điện Luvrơ ( ta đã biết nguyên nhân của lệnh này ) , lính xạ thủ không thể lợi dụng được bộ y phục của Rôbơc Stuya.

Vào hồi bảy giờ tối, không nhận được tin tức của bạn, Rôbơc Stuya liền đi về hướng điện Luvrơ và tại đây, chàng biết được những mệnh lệnh nghiêm khắc được ban ra và nguyên nhân đưa ra những mệnh lệnh ấy.

Sau đó chàng đi lang thang trong các phố ở Paris, tại đây chàng đã nghe kể hàng trăm chuyện khác nhau, trừ sự thật về vụ ám hại chánh án Mina mà cái chết làm chói sáng như thể chưa thể có một hành động nào trong đời chàng đã có thể làm được việc này.

Rôbơc Stuya thương hại những sự ngốc nghếch của những người này cũng như sự tò mò của những kẻ khác, đến lượt chàng căn cứ vào những lời người ta đồn đại, chàng cam đoan là cái chết ấy với tất cả những chi tiết xác thực và những hoàn cảnh thực tế đã đưa chàng đến đấy nhưng không cần phải là những người nghe không muốn tin một lời nào về câu chuyện của chàng.

Chúng tôi không đưa ra một lý do nào khác về sự không dễ tin này, nếu không phải câu chuyện này là sự thật duy nhất.

Ngoài ra, chàng biết pháp viện đã rất kiên quyết thực hiện bản án chống pháp quan Đuybuôc một cách mau lẹ và nghiêm khắc mà người ta tin chắc là việc hành hình sẽ diễn ra tại Grevơ ( quảng trường trước toà thị chính ở Pari thời này là nơi hành hình các tử tù.) trong bốn mươi tám giờ nữa.

Vậy là Rôbơc Stuya không còn phương sách nào khác trước sự ương ngạnh của những pháp quan hơn là lặp lại một cách chính xác hơn bức thư của chàng gửi nhà vua.

Sau phiên gác, bạn chàng, Patric cuối cùng ra khỏi điện Luvrơ, trở về nhà với những sải bước chân dài và nhanh nhất, trèo lên thang, lọt vào buồng mình kêu to:

- Bắn!

Anh tưởng rằng đó là cách duy nhất để đánh thức Rôbơc Stuya khi thấy tiếng động cửa mà anh đóng sập lại, cũng như tiếng động mà anh kéo ghế và chuyển chỗ cái bàn đã không đủ để kéo bạn anh ra khỏi giấc ngủ say mê mệt.

Tiếng Patric kêu, đúng hơn là nghĩa của tiếng hô ấy cuối cùng đánh thức Rôbơc; tiếng động đã tới tai chàng nhưng không phải là những ý nghĩ. Ý nghĩ đầu tiên của chàng là người ta đến bắt chàng nên chàng vươn tay với thanh kiếm đặt trong mép giường và rút ra khỏi vỏ.

- Này! Thế đó! Thế đó! – Patric cười kêu lên – Hình như cậu nghe tiếng kêu gọi chiến đấu hả? Stuya thân mến; chúng ta hãy bình tĩnh nào! Và nhất là đến lúc chúng ta dậy rồi đấy.

- A! cậu đấy à – Stuya nói.

- Đúng thế, mình đây. Mình cho cậu mượn phòng mình để cậu muốn giết mình khi mình trở về đấy à!

- Cậu muốn thế à! Mình ngủ mà.

- Mình thấy đúng như vậy và điều đó làm mình ngạc nhiên; cậu ngủ à?

Patric đến bên cửa sổ, kéo rèm lên:

- Này! – anh nói – hãy nhìn xem.

Ánh sáng ban ngày ùa vào phòng. Người lính xạ thủ nói:

- Chuông mười giờ đã điểm và chuông các nhà thờ ở Pari đã đỏ rền.

- Mình đã đợi cậu cả ngày hôm qua và cũng có thể nói là cả đêm nữa.

Người lính xạ thủ nhún vai:

- Cậu muốn gì nào! Một người lính chỉ là một người lính dù đó là xạ thủ người Êcôtxơ; chúng mình đã bị cấm trại ở Luvrơ suốt ngày và suốt đêm, nhưng hôm nay, như cậu thấy đấy, mình được tự do.

- Điều đó muốn nói rằng cậu đến để đòi lại căn phòng của cậu chứ gì?

- Không, mà yêu cầu bộ quần áo của cậu.

- A! Đúng thế, mình đã quên và pháp quan rồi.

- May thay nàng không quên mình, nàng có thể chứng tỏ cho cậu điều này bằng món ba tê thú săn để trên bàn và đang đợi niềm vui ngon miệng của chúng ta đây. Người của cậu đã tới chưa? Còn phần mình, đã hai giờ hắn ở vị trí: có mặt!

- Và để trở về đây vì bộ quần áo của mình…

- Đúng thế: này, cậu hiểu rằng bà pháp quan của mình không thích hợp với đồ mặc trắng như thế leo lên bốn tầng gác của mình.Không, món ba tê này chỉ là một sứ giả, nó là kẻ mang bức thư, thư này nói với chúng mình rằng người ta đợi mình vào giữa trưa, cái giờ mà pháp quan của chúng mình đang bơi tại pháp viện đến tận bốn giờ chiều là lúc ông ta trở về cái bến của tình vợ chồng. Vậy là vào hồi mười hai giờ năm phút mình sẽ ở nhà nàng và mình sẽ thưởng cho lòng trung thành của nàng bằng cách trình diện với bộ y phục không thể gây phương hại tới nàng, tuy nhiên nếu cậu vẫn sẵn sàng giữ ý kiến của cậu đối với bạn cậu chứ.

- Quần áo của mình thuộc quyền sở hữu của cậu, Patric thân mến ạ, như cậu thấy đấy và chỉ chờ đợi người chủ. Hãy trao cho mình quần áo của cậu để đổi và tuỳ cậu sử dụng bộ quần áo này.

- Lát nữa, còn trước hết, chúng ta hãy nói chuyện với món ba tê này, cậu không cần dậy để hoà mình vào cuộc trò chuyện này, mình sẽ đưa bàn lại gần giường cậu. Thế! Như thế này nhé!

- tuyệt vời, Patric thân mến.

- Bây giờ (Patric rút chiếc dao găm và đưa phía cán cho bạn) trong khi mình đi kiếm chút gì để tưới vào miệng, cậu hãy mổ bụng cái gã vui vẻ này và cậu sẽ nói xem bà pháp quan của mình có thật là người đàn bà đảm đang khéo tay hay không?

Rôbơc tuân theo sự chỉ đạo một cách đúng mực như người lính xạ thủ thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy anh ta, và khi Patric trở lại bàn, hai tay ve vuốt cái bụng phình của chiếc bình đầy rượu vang, anh thấy cái vòm của công trình nghệ thuật ăn uống hoàn bị bật lên.

- A! Lạy thánh Đunstan!- anh nói – Một con thỏ rừng trong hàng giữa sáu con chim đa đa. Còn xứ sở nào đẹp như xư sở mà kẻ sang người hèn sống thật đồng tình dịu dàng đến thế này! Ông Rabơle chẳng đã nói đây là xứ Lạc Thú sao? Rôbơc bạn hỡi, hãy theo gương mình: hãy yêu một người đàn bà quyền quý, bạn thân mến, thay cho đi yêu một người đàn bà cung kiếm và mình sẽ không cần phải vua Ai Cập nhìn bẩy con bò mộng trong mộng để đoán trước cho cậu thứ của cải phong phú gấp đôi của Trời và Đất. Hãy tận dụng chúng, Stuya thân mến ạ, hoặc là chúng ta sẽ không đáng đoạt được chúng.

Và thêm ví dụ cho sự chỉ đạo, người lính xạ thủ liền ngồi vào bàn và lấy miếng ba tê cho vào đĩa của mình, khẩu phần đầu tiên làm vinh dự cho điều mà anh gọi là tiền phong của sự ngon miệng của anh.

Rôbơc cùng ăn. Vào tuổi hai mươi, dù tinh thần có bận trí đến mấy thì người ta vẫn phải ăn.

Vậy là chàng ăn một cách lặng lẽ và băn khoăn hơn bạn chàng; chàng chỉ ăn.

Vả chăng, ý nghĩ đến thăm bà pháp quan của anh làm cho Patric ba hoa và vui vẻ cho cả hai người.

Chuông điểm mười một giờ rưỡi.

Patric vội vã rời bàn đứng lên, nghiến dưới hai hàm răng trắng như răng sói rừng miếng vỏ ba tê vàng cuối cùng, và bắt đầu khoác lên người bộ quần áo của người đồng hương của anh.

Ăn mặc như vậy anh có vẻ cứng đơ và khác thường y hệt như những người lính của tình yêu ngày nay rời bỏ bộ quân phục của họ để mặc thường phục.

Bộ mặt và dáng bộ người lính, thật vậy, dù ăn mặc thế nào vẫn tố cáo anh ta phần nào còn mang dáng dấp quân nhân.

Người lính xạ thủ không kém như vậy, sau khi mặc anh trở thành một kị sĩ đẹp trai có đôi mắt xanh và mái tóc hung, vẻ nhanh nhẹn linh lợi.

Anh tự ngắm mình trong một mảnh gương hầu như anh tự nói với mình:

- Nếu bà pháp quan của ta mà không hài lòng thì quả là nàng rất khó tính.

Tuy nhiên, hoặc bản thân tự ti, hoặc muốn thấy Rôbơc cùng ý kiến với mình, anh quay về phía bạn:

- Cậu thấy mình thế nào, anh bạn? – Anh hỏi.

- Bộ mặt và dáng điệu thật hoàn hảo và mình không nghi ngờ là cậu sẽ gây một cảm xúc sâu sắc cho bà pháp quan của cậu.

Đúng là điều Patric mong muốn và đáp ứng được mong muốn ấy.

Anh mỉm cười, sửa lại cổ áo và chìa tay cho Rôbơc.

- Này – anh nói - tạm biệt! Mình chạy đến để làm nàng vững tâm vì nàng hẳn gần kề cái chết, người đàn bà tội nghiệp! Đã hai ngày nàng không được gặp mình và chằng được một tin tức nào về mình cả.

Anh vừa nhấc chân định đi về phía cửa lại dừng lại nói thêm:

- Mình không cần nói với cậu rằng bộ quân phục của mình không kết án cậu phải ở lại đây. Cậu không bị cấm trại đến phiên thứ tư của mình như bản thân mình bị cấm trại ở Luvrơ hôm qua; cậu có thể tự do đi khắp thành phố giữa ban ngày nếu có mặt trời hoặc dưới bóng râm nếu không có mặt trời, miễn là cậu đừng dính vào một chuyện gây gổ nào dưới cái lốt của mình ( mình đưa ra với cậu lời khuyến cáo này vì hai lí do: thứ nhất là cậu sẽ bị bắt giữ,bị điệu đến nhà tù Satơlê và được nhận ra cậu đội lốt, thứ hai là mình sẽ bị phạt, người bạn vô tội của cậu, vì đã rời bỏ bộ quân phục của mình); miễn là, mình nhắc lại với cậu dưới bộ cánh của mình, cậu đừng nhận một cuộc cãi cọ xấu xa nào thì cậu tự do như một con chim sẻ lương thiện.

- Về mặt này, cậu không có gì phải lo sọ hết, Patric ạ - Người Êcôtxơ nói - bản chất của mình không có tính gây gổ.

- Hừ! Hừ! - người lính xạ thủ lắc đầu nói – mình không mong đợi chuyện ấy: cậu là người Êcôtxơ hoặc gần như thế và như mọi người có giáo dục ở bên kia sông Tuyt (con sông nhỏ chia cắt nước Anh với Êcôtxơ – N.D), cậu phải có những giờ phút tồi tệ là người ta giận giữ nhìn cậu. Vả lại, cậu hiểu đấy, mình cho cậu một lời khuyên, thế thôi. Mình nói với cậu đừng tìm kiếm sự gây gổ cãi nhau; nhưng nếu người ta gây gổ với cậu thì, thề trước Thánh Chúa của mình, cậu đừng tránh né! Ôn dịch! Quan hệ là bảo trọng danh dự và bộ quân phục và, nếu cậu không giết chúng kịp thời thì hãy hết sức chú ý, cậu đã có bên mình một thanh gươm dài và một đoản kiếm và tự chúng sẽ ra khỏi vỏ.

- Hãy bình tâm, Patric, cậu sẽ lại thấy mình ở đây như cậu đã chia tay mình.

- Nhưng không, mà không, mình không muốn cậu lo lắng – con người miền núi cứng đầu khẩn khoản - cậu sẽ chết vì héo hon trong căn phòng này là nơi mà buổi tối nhìn không thú vị gì, bởi vì không muốn nhìn thấy gì ở đây cả mà ở đây ban ngày ta chỉ thấy mái ngói và tháp chuông, khi có khói và sương mù còn ngăn cản không cho nhìn thấy chúng nữa.

- Điều này luôn như ở đất nước chúng ta là nơi có mưa – Rôbơc nói.

- Chà – Patric nói - vậy khi nào có tuyết rơi?

Và hài lòng đã khôi phục danh dự cho xứ Êcôtxơ dưới quan hệ thời tiết, cuối cùng Patric quyết định ra đi nhưng ở trên đầu cầu thang, anh dừng lại mở cửa.

- Tất cả những chuyện này chỉ là cách đùa vui mà thôi – anh nói- đi, đến, chạy, tranh luận, cãi cọ, đánh nhau, cậu cứ việc miễn là cậu trở về không có lỗ thủng trên da thịt và bởi vậy, với chiếc áo chẽn của mình, mọi việc sẽ tốt đẹp; nhưng bạn thân mến ạ, mình sẽ có một lời khuyến cáo nghiêm chỉnh với cậu mà cậu cần suy nghĩ sâu sắc.

- Gì thế?

- Bạn ạ, xét tầm quan trọng của hoàn cảnh chúng ta đang sống và những sự đe doa mà những kẻ giáo đồ Canvanh ô nhục tự cho phép làm đối với nhà vua; vì vậy mình buộc phải trở lại điện Luvrơ vào đúng chín giờ; tối nay người ta đã ra lệnh triệu tập về trại sớm hơn bình thường một giờ.

- Cậu sẽ gặp mình ở đây khi cậu trở về.

- Vậy cầu Chúa phù hộ cho cậu!

- Và mong rằng niềm vui thú đưa các cậu đi!

- Vô ích – người lính xạ thủ phác một cử chỉ của kẻ yêu đương đắc thắng – nó đang đợi mình.

Lần này anh đi ra, nhẹ nhõm và đắc thắng như một đức ông đẹp trai trong triều khẽ hát một bài ca của xứ sở anh hẳn là vẳng tới tận Rôbơc Brutxơ (vua xứ Êcôtxơ, người đã giành lại tổ quốc khỏi sự đô hộ của Anh quốc năm 1314- N.D).

Người lính Êcôtxơ tội nghiệp vào giờ này sung sướng hơn người em họ của vua Nava, hơn ông hoàng trẻ và đẹp trai Lui- đờ- Côngđê.

Vả lại trong chốc lát nữa, chúng ta sẽ biết hoàng thân nói và làm gì trong lúc ấy, nhưng chúng tôi buộc phải nán lại làm bạn với ngài Rôbơc Stuya.

Người này, như chàng đã nói với bạn, có hai vấn đề suy nghĩ nghiêm trọng để không e ngại cho tới bốn giờ chiều; vậy là chàng giữ lời trong khi chờ đợi bạn chàng.

Từ bốn giờ đến năm giờ, chàng còn đợi bạn nhưng hết sức sốt ruột.

Đó là giờ mà chàng tính đợi ở cổng pháp viện để có những tin tức sốt dẻo, không phải là việc kết án pháp quan Anơ Đuybuôc nữa mà là quyết định nơi hành hình ông.

Vào năm giờ rưỡi, chàng không thể kìm mình và đến lượt chàng ra đi, tuy nhiên chàng để lại cho người đồng hương của chàng một mảnh giấy trong đó nói anh hãy bình tĩnh và rằng, đúng bảy giờ tối, chàng sẽ mang trả lại anh bộ quân phục.

Màn đêm bắt đầu buông xuống, Rôbơc đi như chạy tới cổng pháp viện.

Có một đám rất đông tụ tập tại quảng trường, phiên họp của Tối cao pháp viện vẫn kéo dài.

Điều này giải thích cho chàng sự vắng mặt của bạn chàng là Patric, nhưng việc này không nói được điều gì với chàng về cuộc tranh luận trong pháp viện.

Mãi tới sáu giờ, các pháp quan mới ra về.

Kết quả của phiên họp đến tai Rôbớc thật thê thảm.

Cách thức hành hình đã được quyết định: pháp quan phải chịu hoả thiêu sống.

Chỉ có điều người ta không biết đích xác sẽ là vào ngày mai, ngày kia hoặc ngày tiếp sau tức là hai mươi hai, hai mươi ba, hoặc hai mươi bốn sẽ diễn ra cuộc hành quyết.

Có thể người ta sẽ hoãn việc hành quyết chậm lại vài ngày để hoàng hậu Mari Stuya khốn khổ là người bị thương hôm trước có thể tham dự cuộc hành hình.

Nhưng trong trường hợp vết thương quá nặng thì cuộc hành hình có hoãn cũng không quá một tuần lễ.

Rôbơc Stuya rời quảng trường pháp viện với ý định trở lại phố Battoa- Xanh- Ăngđrê.

Nhưng từ xa chàng nhìn thấy một người lính xạ thủ người Êcôtxơ đến trước giờ tập hợp cấm trại đi vào điện Luvrơ.

Lúc ấy, chàng nảy ý nghĩ: đó là thâm nhập Luvrơ dưới bộ quân phục của bạn chàng để có được nguồn tin xác thực về nữ hoàng trẻ mà sức khoẻ hẳn có ảnh hưởng khủng khiếp tới mạng sống của người tử tội.

Chàng còn gần hai giờ và chàng đi về hướng Luvrơ.

Chàng không gặp một khó khăn nào kể cả cổng thứ nhất lẩn cổng thứ hai. Vậy là chàng đã ở trong sân.

Vào lúc đó người ta báo có một phái viên của pháp viện. Người phái viên này muốn nói với nhà vua nhân danh đơn vị lừng danh mà ông là sứ giả.

Người ta đưa Đăngđơlô đến.

Đăngđơlô tới nhận lệnh của nhà vua.

Mười phút sau, ông trở lại, tự mình chịu trách nhiệm đưa viên pháp quan vào

Rôbơc Stuya hiểu răng với một chút kiên nhẫn và khôn khéo, chàng sẽ biết những gì chàng muốn biết khi viên pháp quan đi khỏi. Vậy là chàng đợi.

Viên pháp quan ở lại với nhà vua gần một giờ.

Rôbơc Stuya đã chờ đợi khá lâu và chàng quyết định chờ đến phút chót.

Cuối cùng viên pháp quan đi ra.

Đăngđơlô dẫn ông đi có vẻ rất buồn, còn hơn buồn, mặt tối sầm lại.

Ông nói rất nhỏ vào tai viên chỉ huy đội cảnh binh Êcôtxơ và rút lui.

Những lời ấy rõ ràng có quan hệ tới sứ mệnh của viên pháp quan.

- Thưa các ông- viên chỉ huy đội cận vệ Êcôtxơ nói với những người của ông – các ông sẽ được báo trước rằng ngày kia sẽ có một công vụ đặc biệt là hành quyết pháp quan Đuybuôc ở quảng trường Grevơ.

Rôbơc Stuya đã biết điều chàng muốn biết và chàng cũng nhanh chóng bước vài bước về phía cổng, nhưng chắc hẳn chàng suy nghĩ điều gì vì chàng đột ngột dừng lại và sau vài phút suy nghĩ sâu sắc, chàng quay lại lẩn vào giữa những người bạn “lính” của chàng, một việc thật dễ dàng vì đông người và đêm quá tối.


TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 13: Chuyện gì có thể xảy ra dưới gầm giường

Khi vào trong phòng Biến hình, hoàng thân Côngđê đã hẹn gặp Đăngđơlô ở nhà đô đốc anh ông vào trưa hôm sau.

Hoàng thân sốt ruột để kể những sự kiện hôm trước vơi Côlinhi, nhất là với Đăngđơlô trẻ hơn và ít nghiêm khắc hơn ông anh ở phố Bêtexi trước giờ ấn định.

Về phía Đăngđơlô, ông đã đến trước hoàng thân. Ông đã ở cùng Côlinhi đã một giờ và mối tình phóng đãng của tiểu thư Xanh Ăngđrê đã được phán xét một cách nghiêm trọng nhất giữa hai tinh thần khắc nghiệt này không như giữa hoàng thân và Đăngđơlô.

Liên minh giữa thống chế Xanh Ăngđrê với nhóm Ghidơ không chỉ là liên minh giữa gia đình với gia đình mà còn là liên minh tôi giáo và chính được tạo nên để chống lại phe đảng Canvanh; và cái cách mà người ta đã khởi sự với pháp quan Anơ Đuybuôc chỉ ra rằng người ta không hề dè dặt trong việc đối xử khôn khéo đối với những người tân giáo.

Hai anh em đã tái mặt về bức thư của tiểu thư Xanh Ăngđrê; họ đã cố lục lọi trong kí ức, nhưng cả người này lẫn người kia đều không nhận dạng được chữ viết của lá thư và họ đã chuyển cho bà đô đốc đang giam kín mình trong buồng phòng bà làm những chuyện mộ đạo của bà, để biết những kỉ niện của bà có phục vụ cho việc truy tìm chữ viết của lá thư ấy hơn chồng và em chồng bà hay không.

Trong hoàn cảnh khác, Đăngđơlô và nhất là Côlinhi đã chống lại những việc người anh em kết nghĩa của họ là hoàng thân Côngđê tiếp tục cuộc phiêu lưu điên rồ ấy; nhưng những tấm lòng trung thực nhất đã có những sự nhượng bộ nào đó về lương tâm mà họ tin là buộc phải nhượng bộ trong những hoàn cảnh lớn lao đặc biệt.

Vả lại, thật quan trọng đối với phe đảng Canvanh, là ông đờ Gioanhvin không hề cưới tiểu thư Xanh Ăngđrê và , ít ra cuộc hẹn hò của tiểu thư Xanh Ăngđrê không phải với ông hoàng đờ Gioanhvin, điều này không thể có được mà chắc chắn hơn cả là ông đờ Côngđê, giả thử là ông này đã thấy vài điều gì đó sẽ gây ra dư luận ầm ĩ về những gì ông đã nhìn thấy, dư luận này sẽ tới tai những ông Đờ Ghidơ và vài sự đổ vỡ sẽ tiếp theo đó.

Còn hơn thế; từ sự thiếu thận trọng của hoàng thân Côngđê sẽ nổi lên điều đắng cay cho ông theo mọi khả năng có thể; thế mà hoàng thân đang lửng lơ giữa Thiên Chúa giáo và giáo phái Canvanh,bị Côlinhi và Đăngđơlô lôi kéo, có thể trở thành tín đồ Tin lành.

Đối với một phe đảng thì một người có giá trị hơn một chiến thắng.

Mà đó không chỉ là một con người mà là một nhân vật quang vinh, là ông hoàng đẹp trai, trẻ trung, trung thực và dũng cảm.

Vậy là người ta đợi ông ở lâu đài Côlinhi với sự sốt ruột mà ông không ngờ tới.

Như chúng tôi đã nói, ông tới trước giờ hẹn và theo lời mời của hai anh em là làm một cuộc xưng tội toàn bộ, ông bắt đầu câu chuyện kể theo đó, chúng tôi nói là vì vinh dự của tính xác thực của nó, ông hoàng không giấu những người nghe một điều gì về những việc đã xảy ra với ông.

Ông kể lại những gì ông đã nhìn và nghe thấy, không bỏ sót một chi tiết nào, nói cả trong tư thế nào mà ông đã nghe về những điều ông đã kể.

Hoàng thân là một người có trí tụê nên bắt đầu câu chuyện bằng cách tụ chế giễu mình nhằm đi trước những người kia làm cho những người này thấy rằng việc đã được nêu rồi không còn ý nghĩa giễu cợt nữa.

- Bây giờ - đô đốc hỏi sau khi hoàng thân chấm dứt câu chuyện kể- ông tính làm gì đây?

- Quả thật –Côngđê nói- một việc thật đơn giản là hơn bao giờ hết tôi trông cậy việc này ở ông, Đăngđơlô thân mến, lặp lại cuộc phiêu lưu của tôi.

Hại anh em nhìn nhau.

Hoàng thân cố bám lấy những ý nghĩ của mình nhưng Côlinhi vì danh dự của mình tin rằng phải có vài lời phản bác.

Nhưng vừa cất lời vội nói để can ngăn hoàng thân thì ông này đã đặt bàn tay lên cánh tay ông:

- đô đốc thân mến, nếu ông không đồng ý với tôi về điểm này, chúng ta nói tới chuyện khác xét rằng tôi đã quyết định việc này và tôi sẽ phải trả giá lớn để đấu tranh với lý lẽ và ý chí của con người mà tôi yêu và kính trọng hơn hết trên đời, có nghĩa là ông đấy.

Đô đốc cúi mình trước con người kiên quyết giữ chủ ý của mình và ông cảm thấy bất lực để đâú tranh, nhưng tự đáy lòng, ông rất vui trước sự kiên tâm của người em kết nghĩa này.

Coi như việc đã thoả thuận là tối ấy như đêm trước, Đăngđơlô tạo điều kiện dễ dàng cho hoàng thân xâm nhập vào phòng Biến hình.

Cuộc hẹn ấn định vào mười lăm phút trước nửa đêm cũng hành lang như đêm trước.

Khẩu lệnh đã được trao cho hoàng thân nhằm để ông có thể vào không khó khăn gì.Rồi ông xin lại bức thư.

Lúc ấy, đô đốc thú nhận với ông hoàng là cả ông lẫn em ông đã không thể nhận ra nét chữ trên nên ông đã đưa bức thư cho bà đô đốc mà vào giờ này không ai dám đến buồng bà vì bà đang cầu kinh mộ đạo.

Đăngđơlô nhận trách nhiệm hỏi xin lại bức thư ở bà chị dâu ngay tối hôm ấy tại câu lạc bộ của hoàng thái hậu Catơrin và đô đốc cam chắc là nhắc nhở vợ ông phải mang bức thư ấy vào Luvrơ.

Những điểm này đã được quyết định, Đăngđơlô và hoàng thân cáo từ đô đốc, Đăngđơlô trở lại đơn vị của ông và hoàng thân trở về nhà mình.

Thời gian còn lại trong ngày trôi chậm chạp và sôi sục đối với ông hoàng như thời gian ngày hôm trước cũng trôi như vậy.

Cuối cùng thì giờ này qua giờ khác và nửa giờ trước nửa đêm cũng đã tới. Ta biết rằng qua những điều đã xảy ra với Rôbơc Stuya ba giờ trước khi hoàng thân vào lâu đài thì đó cũng là những mối bận tâm như thế của chàng vào buổi tối.

Ở Luvrơ, người ta chỉ nói tới việc hành hình pháp quan Đuybuôc được chính nhà vua ấn định vào hai ngày sau.

Hoàng thân nhận thấy Đăngđơlô buồn rầu rất sâu sắc, nhưng cuộc hành quyết này thực sự đã quyết định không thể chối cãi được là sự tín nhiệm mà ông Đờ Ghidơ, kẻ ngược đãi hành hạ pháp quan Đuybuôc được hưởng ân huệ của nhà vua, vì vậy Đăngđơlô chỉ có một ước muốn nóng bỏng là được thấy ông đờ Gioanhvin có cơ bị mắc lừa gạt và chỉ ít được cười sư kì quặc giữa thắng lợi đẫm máu của những kẻ thù của ông.

Như đêm trước, hành làng chìm đắm trong bóng tối; như đêm trước, gian phòng Biến hình chỉ được chiếu sáng bởi ngọn đèn bằng bạc; như đêm trước, những ngọn đèn chùm chỉ đợi lệnh để lại được chói sáng những vẻ đẹp duyên dáng mà chúng đã toả sáng đêm trước.

Duy lần này, chiếc lan can của khuê phòng được mở ra.

Đó là một chỉ dẫn nữa khẳng định cuộc hẹn hò không hề được bãi lệnh.

Và, ông tin là nghe thấy những bước chân ở hành lang, hoàng thân trườn nhanh xuống gầm giường, không chút khó nhọc vào đêm nay, vẫn những suy tư như đêm trước, chứng tỏ người ta đã quen được mọi thứ, ngay cả ẩn náu dưới gầm giường.

Hoàng thân đã không nhầm; đúng là tiếng những bước chân mà ông nghe được trong hành lang, và những tiếng bước chân ấy rõ ràng là đàng tìm đến gian phòng Biến hình và chúng dừng lại trước cửa vào và hoàng thân nghe thấy tiếng cánh cửa xoay trên chiếc bản lề.

- Tốt! – Ông nói - Cặp tình nhân của chúng ta hôm nay vội vàng hơn hôm qua; điều này thật hết sức đơn giản là đã qua hai mươi bốn giờ họ không gặp nhau.

Những tiếng bước chân lại gần nhẹ nhàng như những tiếng bước chân của những kẻ lén lút đi vào.

Hoàng thân trườn cổ và nhìn thấy đôi chân trần của một lính xạ thủ đội cận vệ Êcôtxơ.

- Ô! Ô! - Hoàng thân khẽ thốt lên - Thế này là thế nào?

Và ông vươn dài cổ một chút nữa, đến mức sau đôi chân, ông nhìn thấy cơ thể người này.

Ông đã không lầm vì đúng là một lính xạ thủ đôi cận vệ người Êcôtxơ vừa mới đi vào.

Chỉ có điều người mới đến hầu như cũng lạc lõng bỡ ngỡ như bản thân ông đêm trước; như hoàng thân đã làm, người này vén những tấm rèm và những tấm thảm ở các bàn, nhưng không có những chỗ nào trong tất cả những thứ này cho người đó tìm được một chỗ trú ẩn tốt, người này trườn vào gầm giường đối diện với hoàng thân vừa trườn vào.

Duy trước khi người Êcôtxơ có thời cơ để nằm thuận tiện thì người này cảm thấy mũi dao nhọn tì vào tim mình trong lúc một giọng nói vào tai chàng:

- Tôi không biết ông là ai kể cả ý định nào đưa ông tới đây nhưng không được nói một lời, không một hành động hoặc là ông chết.

- Tôi cũng không biết ông là ai kể cả ý định nào đưa ông tới đây- người mới đến trả lời cùng bằng giọng ấy- nhưng tôi không chấp nhận điều kiện của ai cả: vậy ông hãy nhấn sâu con dao găm của ông nếu điều này thích hợp với ông;vị trí tốt đấy, tôi không sợ chết đâu.

- A!A! - Hoàng thân nói- Ông có vẻ là một con người dũng cảm và những người dũng cảm luôn luôn được tôi hoan nghênh. Tôi là hoàng thân đờ Côngđê, thưa ông, và tôi tra lại con dao găm của tôi vào vỏ đây.Tôi mong rằng ông cũng có niềm tin cậy đối với tôi và nói cho tôi biết ông là ai.

- Tôi là người Êcôtxơ, thưa ngài, tên là Rôbơc Stuya.

- Cái tên này thật xa đối với tôi, thưa ông.

Người Êcôtxơ im lặng.

- Xin ông vui long- Hoàng thân nói tiếp- hãy nói cho tôi biết ông đến căn phòng này nhằm việc gì và ý nghĩ nào mà ông lại ẩn mình dưới gầm giường này.

- Ngài cứ cho tôi ví dụ về lòng tin cậy, tôi sẽ rất vinh dự được ngài nói tiếp cho tôi biết với ý định nào mà chính ngài cũng ở đây?

- Quả thật, thưa ông ,việc đơn giản thôi - Hoàng thân nằm lại cho dễ chịu hơn lúc ban đầu – tôi say mê tiểu thư Xanh Ăngđrê.

- Con gái thống chế à?

- Đúng thê, thưa ông, chính là nàng. Vả lại qua con đường gián tiếp, được biết tin là nàng có cuộc hẹn hò với người tình của nàng tối nay ở đây, tôi mắc tội tò mò muốn biết kẻ sung sướng chết người ấy được hưởng ân huệ của cô gái đức hạnh và tôi chui xuống gầm giường này là chỗ bị khá gò bó, tôi xin thú nhận với ông điều này. Đến lượt ông, thưa ông.

- Thưa ngài, sẽ không cần nói rằng một kẻ lạ mặt có ít sự tin cậy ở một ông hoàng hơn nữa ông hoàng ấy đã có sự tin cậy ở kẻ đó trong chốc lát: chính tôi đây hôm kia và hôm qua đã viết thư cho nhà vua.

- A! Chán thật! Còn ai đã chuyển những lá thư ấy của ông đến địa chỉ ấy qua những cửa sổ của thống chế Xanh Ăngđrê.

- Vẫn là tôi.

- Xin lỗi- Hoàng thân nói- Nhưng thế…

- Sao? thưa ngài.

- Nếu tôi nhớ rõ thì trong bức thư ấy, ít ra trong bức thư đầu, ông đã đe doạ nhà vua.

- Vâng, thưa ngài, nếu nhà vua không hề trả lại tự do cho pháp quan Anơ Đuybuôc.

- Và để nhằm cho việc đe doạ của ông nghiêm trọng hơn, ông nói rằng chính ông đã giết hại chánh án Mina chứ? - Hoàng thân hỏi, khá sửng sốt thấy mình ở sát sườn một con người đã viết những bức thư như vậy.

- Đúng thế, chính tôi đây, thưa ngài; là người đã giết chánh án Mina - Người Êcôtxơ trả lời mà ta không thể chút nào nhận ra sự biến đổi trong giọng nói của chàng.

- Có lẽ ông sẽ dùng bạo lực với nhà vua phải không?

- Tôi ở đây với ý định đó.

- Với ý định đó ư? -Hoàng thân kêu to quên rằng nơi ông đang nằm và mối hiểm hoạ sẽ đến với ông nếu bị nghe thấy.

- Vâng, thưa đức ông, nhưng tôi xin lưu ý Điện hạ là ngài nói hơi to và tư thế mập mờ của chúng ta buộc chúng ta phải nói nhỏ đấy.

- Ông có lý- Hoàng thân nói- Vâng, bực thật! Thưa ông, chúng ta nói chậm vậy, bởi vì chúng ta đang nơi những chuyện gây tiếng vang xấu trong một cung điện Luvrơ đây.

Và ông hạ thấp giọng:

- Ôn dịch! Thật rất may mắn cho hoàng thượng là ta ở đây đúng lúc,trong khi đến đây hoàn toàn vì chuyện khác.

- Vậy ngài tính chống đối dự định của tôi.

- Tôi tin chắc điều này! Như ông tiến tới đó! Ông quyết định làm việc này đối với ông vua để ngăn cản việc hoả thiêu một pháp quan ư?

- Ông pháp quan ấy, thưa ngài, là con người trung thực nhất trên đời.

- Bất kể.

- Ông pháp quan ấy, thưa ngài, là cha tôi.

- A! Đó lại là chuyện khác. Này! Vậy thì thật hết sức may mắn, không riêng đối với nhà vua mà cả đối với ông mà tôi được gặp ông ở đây.

- Tại sao thế?

- Ông sẽ thấy… xin lỗi, mà tôi đã không nghe thấy chằng?... Không, tôi lầm …Ông hỏi tôi vì sao thật vì sao may mắn là tôi đã gặp ông ư?

- Vâng.

- Tôi sẽ nói với ông điều này: trước hết, ông hãy thề danh dự với tôi là không làm một điều xấu nào đối với nhà vua.

- Không bao giờ.

- Nhưng nếu tôi cam đoan thề với ông với lòng chân thành của một ông hoàng là có được sự gia ân cho pháp quan thì sao? Tôi đây.

- Nếu ngài cam đoan với lòng chân thành của ngài, thưa ngài.

- Vâng.

- Thế thì, hứa chân thành của Rôbơc Stuya! Thưa ngài. Nếu nhà vua ban cho ngài sự gia ân ấy, nhà vua sẽ là thiêng liêng đối với tôi.

- Hai con người có danh dự chỉ cần trao đổi với nhau một lời, lời thề của chúng ta đã được trao đổi, vậy chúng ta nói tới chuyện khác nhé.

- Thưa ngài, tôi tin rằng tốt hơn cả là hai chúng ta không nên nói gì hết.

- Ông nghe thấy tiếng động à?

- Không, nhưng lúc này tới lúc kia…

- Chà! Chúng để cho ông có thời gian để nói với tôi ông làm thế nào mà ở đây được.

- Thật rất đơn giản, thưa ngài: tôi xâm nhập vào Luvrơ nhờ sự cải tranh này.

- Vậy ông không phải là lính xạ thủ à?

- Không, tôi mặc bộ quân phục này của bạn tôi.

- Ông đã gây khó khăn cho bạn ông đấy.

- Tôi tuyên bố là đã đánh cắp của anh ấy bộ quân phục này.

- Nếu ông bị giết mà không có thời gian nói lời tuyên bố ấy?

- Người ta sẽ tìm trong túi áo tôi mảnh giấy nói rằng anh ấy vô tội.

- Nào, tôi thấy ông là con người khá chu đáo, nhưng tất cả mọi chuyện đó không nói với tôi làm thế nào mà ông lọt được vào tận đây, cả việc làm thế nào mà ông lại chui vào tận gầm giường căn phòng này, trong đó hoàng thượng có lẽ chỉ đặt chân tới đây mỗi năm có bốn lần thôi.

- Bởi vì hoàng đế hôm này tới đây,thưa đức ông.

- Ông tin chắc như thế ư?

- Vâng, thưa đức ông.

- Thế nào mà ông lại tin chắc điều này? Nào, ông hãy nói đi.

- Chỉ mất một lát khi tôi đang ở trong hành lang.

- Hành lang nào?

- Tôi không biết vì lần đầu tiên tôi vào Luvrơ.

- Này! Mới lần đầu mà ông không bước nhầm! Vậy ông đã ở trong hành làng ư?

- Nấp sau cửa một căn phòng không có ánh sáng thì tôi nghe thấy tiếng thì thầm cách tôi hai bước chân. Tôi lắng tai nghe và nghe được những lời nói sau của hai người phụ nữ như sau:

- “Vẫn là tối nay phải không?

- “ Vâng.

- “Trong phòng Biến hình?

- “Vâng.

- “Đúng một giờ, nhà vua sẽ tới đấy. Tôi đi đặt chìa khoá đây.

- Ông đã nghe như thế hả? - Hoàng thân kêu lên, quên bẵng là ông đang ở nơi nào và tiếng ông vang lên ghê gớm.

- Vâng, thưa ngài- Người Êcôtxơ trả lời - nếu khác đi thì tôi đến gian phòng này làm gì chứ?

- Đúng thế - Hoàng thân nói

Và ông trầm giọng lẩm bẩm nói riêng với mình: “Đó là nhà vua”.

- Ngài nói gì? Thưa đức ông - Người lính xạ thủ nói tiếp, tưởng rằng những lời ấy nói với chàng.

- Tôi hỏi ông, thưa ông, ông làm thế nào tìm được căn phòng này vì ông thú nhận là ông không biết Luvrơ.

- Ồ! Thật là đơn giản, thưa đức ông. Tôi hé mở cánh cửa và đưa mắt theo người đàn bà vừa đến tra chìa khoa vào ổ. Tra chía khoá xong, người ấy tiếp tục đi con đường của bà ta và biến mất ở đầu hành lang. Lúc ấy đến lượt tôi hành động gấp khi tôi nghe thấy những bước chân tiến lại gần: tôi náu mình sau một tấm thảm treo, một người đàn ông đi qua rồi đến lượt tôi dõi mắt theo ông ta và tôi thấy ông ta dừng lại ở cửa phòng này, đẩy cửa rồi bước vào. Lúc ấy tôi tự nhủ: “ Người đàn ông này đúng là vua!”.Tôi chỉ đủ thời gian cầu nguyện phó thác linh hồn mình cho Chúa.Tôi đi theo con đường vừa chỉ dẫn cho tôi, hết người đàn bà đến người đàn ông ấy. Không những tôi chỉ nhìn thấy chiếc chìa khoá ở cửa, hơn thế, cửa vẫn hé mở: tôi đẩy cửa bước vào, không thấy ai cả, tôi đã tưởng mịnh bị lầm cho rằng người đàn ông mà tôi nghĩ là quen thuộc với Luvrơ đã vào một gian bên. Tôi liền tìm một chỗ ẩn mình. Tôi thấy cái giường…Phần còn lại, ngài đã biết thưa đức ông.

- Ừ, chán thật, tôi biết rồi nhưng…

- Hãy im lặng thưa đức ông.

- Sao?

- Lần này, họ tới đấy.

- Tôi giữ lời hứa của ông, thưa ông.

- Còn tôi, lời hứa của đức ông, thưa đức ông.

Hai bàn tay của hai người đàn ông chạm vào nhau.

Một bước chân nhẹ nhàng, bước chân đàn bà rón rén đặt lên tấm thảm.

- Tiểu thư Xanh Ăngđrê - Hoàng thân nói rất khẽ - kia, ở bên trái tôi ấy. Trong lúc ấy, cửa mở ra ở đầu khác căn phòng và một người đàn ông trẻ tuổi hầu như một đứa trẻ bước vào.

- Nhà vua! - Người Êcôtxơ nói rất nhỏ - Đó, ở bên phải tôi ấy.

- Bực thật, - Hoàng thân lẩm bẩm – Đây là một người mà ta thú nhận rằng còn lâu ta mới ngờ tới.


TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 14: Những nhà thơ của hoàng thái hậu

Căn hộ của Catơrin Mêđixit ở Luvrơ được căng vải nâu, quanh tường là những tấm ván ghép bằng gỗ sồi màu sẫm. Goá bụa mới được vài tháng, trong lúc này bà mặc tang phục mà có lẽ mặc trong cả cuộc đời còn lại của bà, thoạt nhìn cho cảm giác thật tang tóc nhưng đủ để ngẩng đầu lên long đỉnh mà bà ngồi dưới đó để tin chắc người ta không hề ở trong mộ địa.

Thực tế, trên chiếc long đỉnh có một vòng cầu vồng được viền quanh một câu châm ngôn Hilạp của nhà vua cho con dâu, được dịch ra những từ sau: “ Ta đem lại ánh sáng và sự thanh bình”.

Ngoài chiếc cầu vồng này như một chiếc cầu nối quá khứ và tương lai, giữa tang tóc và lễ hội đã không đủ làm bình tâm người lạ đột nhiên vào trong căn hộ này, người ấy chỉ có đưa mắt nhìn từ trên xuống dưới chiếc long đỉnh và nhìn con người thực sự đẹp đẽ ngồi trong chiếc ghế bành có tên là Catơrin-đờ-Mêđixit, vây quanh là bảy người đàn bà trẻ mà người ta gọi là hội tao đàn hoàng gia.

Sinh năm 1519, con gái của Lôrăng đã bước sang tuổi tứ tuần và nếu màu sắc y phục của bà gợi nên vẻ chết chóc trong tất cả sự cứng rắn lạnh lùng của bà thì đôi mắt tinh anh sắc sảo toả ánh sáng siêu tự nhiên biểu lộ cuộc sống trong toàn bộ sức mạnh và sắc đẹp của bà. Ngoài ta, sắc trắng ngà của vầng trán, nước da sáng, sự trong sáng, vẻ cao quý, tính nghiêm khắc của những đường nét trên bộ mặt bà, cái nhìn kiêu hãnh, sự bất động của vẻ mặt, không ngừng đối lập với đôi mắt luôn đưa đẩy của bà, tất cả tạo nên từ cái đầu ấy một bộ mặt của nữ hoàng La Mã và nhìn nghiêng, với con mắt chiếu thẳng, đôi môi bất động, ta tưởng đó là một tượng đá cổ.

Tuy nhiên, vầng trán lúc bình thường u tối còn lúc này vừa sáng lên, đôi môi lúc thường vẫn mím chặt vừa hé mở mấp máy và khi bà đô đốc bước vào, bà gắng lắm mới kìm nổi tiếng kêu ngạc nhiên khi nhìn thấy nụ cười của bà này chỉ hơi mỉm miệng.

Nhưng bà sớm đoán ra ngay dưới sức mạnh bí mật nào mà nụ cười ấy hé mở.

Ngồi gần hoàng thái hậu là ngài hồng y giáo chủ Loren, tổng giám mục Rem và Nacbon, giám mục ở Metj, Tun và Vecđoong, Têruan, Luyxông, Valăngxơ, linh mục ở Xanh Đơnit, Fêcăm, Cluyny và Macmuchiê vân vân…

Hồng y giáo chỉ Loren mà hầu như chúng tôi quan tâm nhiều hơn bà hoàng Catơrin, xét tới địa vị quan trọng mà ông đảm nhiệm trong lịch sử cuối thế kỉ mười sáu; hồng y giáo chủ Loren là con trai thứ của quận công Đờ Ghidơ đệ nhaant, anh của Balafrê; hồng y giáo chủ Loren này mà mọi ân sủng của giáo hội, được biết và không được biết ở Pháp cùng lúc được truyền tụng; cuối cùng con người này được cử tới La Mã năm 1548, đã tạo được một cảm nghĩ thật lớn lao trong cái thành phố của giáo hội bởi sự trẻ trung, vẻ đẹp trai, sự duyên dáng, vóc người oai vệ, phong cách tuyệt vời, những cách ứng xử lịch thiệp, tình yêu khoa học của ông; mọi sự thiên tư nhận được của tạo hoá hoàn thiện và đóng khung bới nền giáo dục đã chứng minh ở món quà tặng là chức hồng y giáo chủ La Mã mà giáo hoàng Pôn đệ tam đã phong cho ông từ một năm nay.

Sinh năm 1525, vào thời này, ông ba mươi tư tuổi. Đây là một kị sĩ phi thường, đẹp trai, kiêu căng và phóng khoáng, nhắc lại với mẹ nuôi Catơrin của ông khi người ta trách cứ họ về nền tài chính kiệt quệ.

- Ta phải ca ngợi Chúa Trời về tất thảy; nhưng ta phải sống.

Mẹ nuôi Catơrin của ông, vì chúng ta đã gán cho ông cái từ gia đình thân thuộc ấy, thực sự là mẹ đỡ đầu của ông theo mọi nhận thức của từ này, vào thời ấy, bà không làm việc gì mà không hỏi ý kiến ngài hồng y giáo chủ Loren. Sự thâm giao này cắt nghĩa bởi sự chế ngự mà hồng y giáo chủ tác động tới tinh thần của hoàng thái hậu và cho ta hiểu thế lực vô biên và quyền uy tuyệt đối của dòng họ Loren tại cùng đình nước Pháp.

Khi nhìn thấy hồng y giáo chủ Loren tựa người vào chiếc ghế bành của Catơrin, bà đô đốc tự giải thích nụ cười của hoàng thái hậu: chắc chắn hồng y giáo chủ vừa kể một câu chuyện nào đó với tinh thần châm biếm cao độ của ông.

Những nhân vật khác vây quanh hoàng thái hậu là Frăngxoa-đờ-Ghidơ và ông hoàng Gioanhvin, con trai của ông và là vị hôn phu của tiểu thư Xanh Ăngđrê; thống chế Xanh Ăngđrê; ông hoàng Môngpăngxiê và vợ ông là Giăccơlin Hôngri thật nổi tiếng bởi được tín nhiệm gần gũi Catơrin-đờ-Mêđixit, ông hoàng LaRôtxơ-suya-yông.

Sau họ là: ngài Buôcđây (Brăngtôm); Rônga; Baip; “ cũng hiền lành như là thi sĩ tồi”, nói như hồng y giáo chủ Đuyperông Đôra là “ tinh thần đẹp đẽ, thi sĩ xấu xa và là Panhđa ( Pindare : ông trùm các nhà thơ trữ tình Hy Lạp (521-441 trước Thiên chúa giáng sinh). Tư tưởng mạnh bạo và ẩn dụ, văn phong rạng rỡ, uy nghiêm, hình ảnh dồi dào, phong phú, chuyện thuật nồng nhiệt và hoa mỹ là những nét nổi bật của những bài thơ của ông, tuy nhiên hơi khó hiểu và kiêu kì.(N.D)) của nước Pháp” như những người đương thời của ông nói.

Rồi đến Rơmi Belô, ít được biết bởi bản dịch tồi Anacrêông và bài thơ của ông về sự khác nhau của những viên đá quý, nhưng nổi tiếng bởi bài ca tươi mát về tháng tư; Pôngtuyt-đờ-Tia, nhà toán học, triết học, thần học và thi sĩ, “ Con người này, theo Rôngxa, là người đưa khổ thơ mười bốn câu và nước Pháp”; Giôđen, tác giả kịch bản Clêôpattrơ, vở kịch đầu tiên của nước Pháp, Chúa tha thứ cho ông ở trên trời như chúng ta tha thứ cho ông ở thế gian! Tác giả vở Điđông, vở kịch thứ hai: vở Ơgien, hài kịch và một loạt những bài thơ về bốn câu, những bài Catơrin, thơ trữ tình và bi ca phổ biến vào thời kì ấy nhưng lại không được biết tới ở thời hiện đại chúng ta, cuối cùng là toàn bộ nhóm bảy nhân vật nổi danh trừ Clêmăng Marô chết năm 1544 và Giôaxim-đuy-Belay được Macgơrit-đờ-Nava mệnh danh là Ôviđơ nước Pháp.

Tối nay, mọi nhà thơ ấy đều tụ họp tại nhà hoàng thái hậu mà lúc bình thường đã ít cố gắng để có mặt với sự hiện diện của những người này với những người khác vì đây là do tai nạn xảy ra đêm hôm trước với nữ hoàng trẻ Mari Stuya.

Ít ra đó là cái cớ cho mỗi người vịn vào, bởi vì nói đúng ra, sắc đẹp , sự trẻ trung, vẻ duyên dáng, tinh thần của người đàn bà trẻ đối với họ đã nhạt nhoà trước vẻ oai vệ và đầy quyền lực của hoàng thái hậu. Vì vậy, sau vài lời chia buồn sáo rỗng về một sự kiện hẳn có những hậu quả khủng khiếp trong tương lai, việc mất một kẻ thừa kế vương miện, người ta chóng quên lý do cuộc viếng thăm để chỉ còn nghĩ tới những ân huệ, những sự ưu ái hoặc lợi lộc mà người ta xin xỏ cho những người của họ hoặc cho chính bản thân họ.

Người ta cúng nói tới hai lá thư đe doạ lần lượt gửi tới nhà vua nước Pháp qua các cửa sổ của thống chế Xanh Ăngđrê, nhưng câu chuyện không hề tỏ ra có đầy đủ hứng thú nên tự nó bị rơi tõm mất.

Khi bà đô đốc tới, mọi bộ mặt tươi tỉnh ấy liền cau có và cuộc nói chuyện đang vui vẻ trở nên lạnh nhạt và nghiêm trang.

Người ta nói rằng đó là việc một kẻ thù đến trong một phe liên minh.

Thật thế, do lòng mộ đạo khắt khe, bà đô đốc Côlinhi là một cái bóng che mờ bảy ngôi sao vây quanh Catơrin.

Như bảy cô gái của Atlat, những vì sao sáng chói ấy cảm thấy khó chịu trước đức hạnh không gì lay chuyển nổi ấy và biết bao lần người ta tìm cách làm tổn thương và họ đã buộc phải vu khống do không thể gièm pha.

Giữa sự im lặng thật có ý nghĩa ấy, bà đô đốc tỏ ra không hề để tâm, bước đến hôn bàn tay bà hoàng thái hậu Catơrin và trở lại ngồi trên một chiếc ghế đẩu, bên phải là ông hoàng Gioanhvin, bên trái là ông hoàng La Rôtxơ-suya-yoong.

- Này! Các ông ở Thi đàn- Catơrin nói sau khi bà đô đốc đã ngồi xuống – Không ai trong các ông không thể kể cho chúng tôi nghe bài ca mới nào, bài thơ bát cú nào hoặc bài thơ hay ho nào chứ? Nào, nhạc trưởng Rôngxa, ông Giôđen, ông Rơmi Benlô, chính các ông hãy khơi mào câu chuyện đấy; có đáng tự hào có ở nhà mình những con chim, nếu những con chim này lại không biết hót! Ông Piê đờ Buôcđây vừa làm chúng ta vui vì câu chuyện hay, các ông hãy làm chúng ta vui bằng những bài thơ đẹp nào.

Bà hoàng nói những lời này bằng âm tiết nửa Pháp, nửa Ý, đem lại một sự duyên dáng thật màu mè cho câu chuyện của bà khi bà vui vẻ tự nhiên, nhưng miệng lưỡi của Đăngtơ, bà biết lấy giọng chì chiết khủng khiếp khi vẩn là câu chuyện ấy trở thành u tối.

Vì Catơrin nhìn cắm vào ông Rôngxa làm ông này phải đi đầu đáp lại lời kêu gọi ấy:

- Tâu nữ hoàng kiều diễm- ông nói- Tất cả những gì tôi nói thì lệnh bà đã biết cả còn đối với những gì lệnh bà chưa biết thì thần không quá lời để lệnh bà biết.

- Tại sao thế? Nhạc trưởng- Catơrin hỏi.

- Bởi vì đó là những loại thơ tình được làm cho những kẻ ở trong buồng buồng ngủ mà mẫu hoàng khá oai nghiêm thì sao người ta lại dám hát trước mặt người những bản tình ca của những mục đồng ở Nhiđơ được.

- Chà – Catơrin nói- ta chẳng phải là người ở xứ sở của Pêtraccơ và Bôcaxơ ư? (Pêtraccơ(Péttrarque), thi sĩ Ý nổi tiếng về những bài thơ có ngôn ngữ nôm na – Bôcaxơ(Boccace), thì sĩ và văn sĩ Ý đã nâng cao cao và làm phong phú ngôn ngữ Ý) Hãy nói đi, nói đi, thày Piê, tất nhiên nếu bà đô đốc cho phép.

- Nữ hoàng là nữ hoàng ở đây cũng như mọi nơi khác, lệnh bà đã ra lệnh thì những lệnh đó phải được vâng lời!- Bà đô đốc nghiêng mình đáp.

- Ông thấy đấy, nhạc trưởng – Catơrin nói – ông có tất cả đặc quyền. Nào! Chúng ta nghe đây.

Rôngxa tiến lên một bước, lùa bàn tay vào trong bộ râu hung, ngước cặp mắt đầy vẻ dịu dàng trang trọng lên trời như lục tìm trong kí ức nguồn thi hứng và với giọng duyên dáng, ông đọc một bản tình ca mà không một ai trong những nhà thơ đương thời của chúng ta thèm muốn cả.

Sau ông này, đến lượt Rơmi Benlô đọc, theo yêu cầu của nữ hoàng Catơrin, một bản mục ca nói về những luyến tiếc của một con chim gáy đực đối với con chim gáy cái, bạn tình của nó. Đó là một ác ý ám chỉ bà đô đốc Côlinhi, bị những miệng lưỡi xấu xa ở trong Cung đình kết tội là bà có lòng thương cảm âu yếm thống chế Strôdi bị sát hại bởi một phát súng hoả mai năm trước ở giáo hội Tiôngvin.

Cử toạ vỗ tay trước sự ngỡ ngàng của bà đô đốc dẫu bà có sức mạnh tự chủ, bà vẫn không thể ngăn nổi máu dồn lên mặt.

Sự yên tĩnh gần được lặp lại thì Piê đờ Buôcđây, lãnh chúa Brăngtôm được mời kể về một vài giai thoại đàng điếm được kết thúc bởi một trận cười điên dại của cả cử toạ: người này cười ngất, người kia oằn người hoặc tựa người ngồi cạnh để khỏi ngã. Mọi cửa miệng thốt ra những tiếng kêu, những giọt nước mắt tuôn chảy từ những khoé mắt và ai nấy đều rút khăn tay nói:

- Ôi! Thôi đi ông Đờ Brăngtôm, xin ông hãy thôi đi cho! Thôi đi!

Cũng như những người khác, bà đô đốc bị co thắt thần kinh không cưỡng nổi mà người ta gọi là cười, và cũng như mọi người bà rút mạnh khăn tay trong túi ra.

Thế là trong lúc rút chiếc khăn tay, bà đã cùng lúc lôi theo lá thư định mệnh định đem đưa cho bà Đăngđơlô.

Chỉ có điều bà đưa khăn tay lên lau nước mắt, thì lá thư rơi xuống đất.

Như chúng tôi nói, ông hoàng Đờ Gioanhvin ngồi cạnh bà đô đốc. Cười ngất nghiêng ngả, cố giữ lấy mạng sườn, ông hoàng trẻ đã nhìn thấy lá thư rơi, một lá thư thơm phức, được gấp cẩn thận, một lá thư thực sự êm dịu từ túi bà đô đốc rơi xuống. Ông hoàng Đờ Gioanhvin cũng rút khăn tay như mọi người. Ông cố để rớt chiếc khăn trùm lên lá thư và cúi xuống nhặt cả lá thư và chiếc khăn tay.

Rồi, tin chắc là cái này đã bọc cái kia, ông nhét cả hai thứ đó vào túi dành để đọc lá thư vào lúc thích hợp.

Thời gian thích hợp ấy chính là lúc bà đô đốc đi khỏi.

Như ở mọi cực điểm của sự vui vẻ, đau đớn hay cười cợt, tiếp sau những tiếng ồn ào của xã hội hoàng gia là một vài giây yên lặng trong đó chuông đồng hồ đã báo nửa đêm.

Tiếng chuông đồng hồ và cái giờ ấy nhắc bà đô đốc đã đến lúc bà trả lại lá thư cho Đăngđơlô và trở về lâu đài Côlinhi.

Bà lục trong túi tìm lá thư. Bức thư không còn trong túi nữa.

Bà tiếp tục lục soát trong tất cả các túi tiền đeo ở thắt lưng, trong ngực, nhưng hoàn toàn vô ích. Bức thư đã biến mất, bị đánh cắp hay đánh mất.

Bà đô đốc còn cầm chiếc khăn tay. Ý nghĩ chợt loé lên trong đầu bà là khi rút chiếc khăn tay ra khỏi túi, bà đã kéo theo cả lá thư.

Bà nhìn xuống đất: lá thư không có ở đấy. Bà dịch chiếc ghế: không có lá thư!

Bà đô đốc cảm thấy thất sắc.

Ông Đờ Gioanhvin theo dõi mọi hành động ấy của bà đô đốc không nén được hỏi:

- Có chuyện gì vậy? Thưa bà đô đốc. Hình như bà tìm cái gì đó thì phải?

- Tôi ư? Không… Có… Không có gì… không có gì… tôi không mất gì cả - Bà đô đốc đứng lên, ấp úng.

- Ồ! Lạy Chúa tôi, bà bạn thân mến – Catơrin hỏi- Có chuyện gì xảy đến với bà vậy? Mặt bà chuyển từ trắng sang đỏ tía…

- Tôi cảm thấy khó chịu trong người,- Bà đô đốc bàng hoàng nói – Xin lệnh bà cho phép tôi cáo lui…

Catơrin bắt gặp cái nhìn của ông Đờ Gioanhvin và hiểu ý cái nhìn ấy, thấy cần để bà đô đốc hoàn toàn tự do.

- Ồ! Bạn thân mến – Bà hoàng nói với bà đô đốc- có Chúa mới che chở tôi đi giữ bà trong tình trạng bà đau khổ như thế này! Hãy trở lại nhà bà và hãy giữ gìn sức khoẻ vì sức khỏe của bà thật thân thiết đối với tất cả chúng tôi.

Bà đô đốc gần như nghẹn ngào tức tối, cúi mình không trả lời và đi ra.

Cùng với bà ra về còn có các ông Rôngxa, Ba-ip, Đôra, Giôđen, Ti-a, và Belô đưa tiễn bà; bà luôn lục tìm trong túi cho tới tận kiệu của bà; rồi sau khi thấy những người khiêng kiệu đi về hướng lâu đài Côlinhi, sáu thi sĩ đến bến cảng vừa chuyện trò về tài hùng biện và triết lý rồi đi về phố Fôtxe-Xanh-Victo, tại đây có ngôi nhà của Ba-ip, một kiểu viện hàn lâm cũ mà mọi thi sĩ tụ tập hàng ngày, đúng hơn là một số đêm để sáng tác, bình thơ hoặc tất cả những vấn đề văn học hoặc triết học.

Chúng ta hãy để họ đi bởi họ tách khỏi con đường dẫn dắt chúng ta vào trong mê hồn trận của những âm mưu chính trị và tình ái mà chúng ta được tham dự, vậy chúng ta hãy trở lại chỗ ở của Catơrin.

TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 15: Macx và vênuyts

Bà đô đốc vừa đi khỏi thì ai đó nghi ngờ có chuyện lạ lùng vừa xảy ra, kêu lên:

- Bà đô đốc có chuyện gì vậy?

- Hãy hỏi ông Đờ Gioanhvin - Mẫu hoàng trả lời.

- Thế nào, hỏi ông ư?- Hồng y giáo chủ Loren hỏi.

- Hãy nói đi! Hoàng thân! Hãy nói đi - Tất cả các bà reo lên.

- Sự thật! Thưa các bà – ông hoàng trả lời – Tôi không biết nói gì với các bà cả- Nhưng ông rút từ túi ra một lá thư và nói thêm – đây là kẻ sẽ nói thay tôi.

- Một lá thư! – Người ta reo lên từ mọi phía.

- Một lá thư ấm áp, sực nức hương thơm, mịn màng rơi ra từ lúc nào vậy?

- Ôi! Hoàng thân…

- Các vị hãy đoán xem?

- Không, ông hãy nói đi.

- Trong túi kẻ thù nghiêm trọng của chúng ta, bà đô đốc!

- A! –Catơrin nói – Chính vì thế mà ông ra hiệu cho ta để bà ấy đi phải không?

- Vâng, thần xin thú nhận sự bất cẩn của mình,thần nóng lòng muốn biết có chuyện gì trong lá thư này.

- Và có chứ?- Catơrin hỏi.

- Thần nghĩ rằng sẽ thiếu kính trọng lệnh bà nếu đọc lá thư quý giá này trước lệnh bà.

- Vậy thì hãy đưa đây, hoàng thân.

Ông đờ Gioanhvin cúi mình kính cẩn đưa lá thư cho hoàng thái hậu.

Người ta vội vây quanh Catơrin, sự tò mò át sự tôn trọng.

- Thưa các bà – Catơrin nói – có thế lá thư này chứa đựng vài điều bí mật nào đó của cái gia đình ấy. Hãy để tôi đọc trước lá thư này và tôi hứa với các bà rằng, nếu có thể đọc to nó lên thì đấy là một niềm vui mà tôi không hề giấu giếm các bà.

Mọi người lui ra xa Catơrin: với sự giãn ra này, một ngọn đèn chùm không bị che lấp ánh sáng và bà hoàng có thể đọc lá thư.

Ông Đờ Gioanhvin lo lắng theo dõi diễn biến trên nét mặt Catơrin và nói khi bà ta đọc xong:

- Thưa các bà, hoàng thái hậu sắp đọc.

- Thực tình, hoàng thân ạ, tôi thấy là ông quá hấp tấp đấy. Tôi không biết là tôi có thế phó thác những tình yêu bí mật của người bạn tốt bụng như vậy được à.

- Vậy đó thực sự là một bức thư tình ư? - Quận công Đờ Ghidơ hỏi.

- Đúng thế! – Bà hoàng nói- Các ông các bà tự phán xét lấy, bởi vì theo tôi, tôi tin rằng đã đọc lầm.

- Và chính vì điều đó mà lệnh bà sẽ đọc lại, có phải không, thưa lệnh bà?- ông hoàng Đờ Gioanhvin sốt ruột nói.

- Các ngài hãy nghe đây –Catơrin nói.

Một sự im lặng tuyệt vời trong đó người ta không nghe thấy một hơi thở nào, mặc dầu ở đây có tới mười lăm con người.

Bà hoàng đọc:

“Nàng đừng quên có mặt vào một giờ sau nửa đêm trong phòng Biến hình. Căn phòng mà chúng ta đã gặp nhau đêm qua ở rất gần nơi của hai bà hoàng. Người tâm phúc của chúng ta mà nàng đã biết lòng trung thành của bà ấy sẽ cẩn thận để ngỏ cửa”.

Chỉ có một tiếng kêu ngạc nhiên.

Đây là một cuộc hẹn hò, một cuộc hẹn hò thật rõ ràng, một cuộc hẹn hò do bà đô đốc đưa ra vì bức thư này từ túi bà rơi ra.- Như vậy chuyện đến thăm bà hoàng Catơrin của bà đô đốc chỉ là cái cớ để vào điện Luvrơ và Đăngđơlô đang phiên gác, bà đô đốc chắc chắn có thể trông cậy ông em chồng để ra vào đây khi nào bà muốn.

Chỉ có điều, người đàn ông có thể là ai nhỉ?

Người ta xem xét mọi bạn trai của ba đô đốc hết những người này đến những người khác, nhưng bà Côlinhi sống một cuộc đời thật nghiêm chỉnh làm cho họ không biết dừng lại ở người nào.

Người ta đi đến nghi ngờ ngày chính Đăngđơlô, sự nghi ngờ thật dễ dãi biết bao trong cái triều đình đồi bại này.

- Nhưng- Quận công Đờ Ghidơ nói – Có một cách thật đơn giản để biết kẻ đàng điếm ấy.

- Cách nào? - Những người từ mọi phía hỏi dồn.

- Cuộc hẹn hò là vào đêm nay phái không?

- Phải-Catơrin nói.

- Trong phòng Biến hình à?

- Đúng.

- Thế thì, đó là cách làm đối với đôi tình nhân như các thần núi Ôlempơ đã làm đối với Macx và Vênuyts.

- Đến thăm họ trong giấc ngủ say sưa của họ ư?

Những mệnh phụ nhìn nhau.

Họ thèm muốn đến chết đón nhận lời đề nghị bằng những loạt vỗ tay nhất trí tán thưởng nhưng họ không dám thú nhận lòng thèm muốn ấy.

Lúc này đã mười hai giờ rưỡi đêm.

Còn phải đợi nửa giờ nữa và sự rèm pha đàm tiếu của những người này thì nửa giờ trôi qua rất nhanh.

Người ta rèm pha bà đô đốc, người ta vẽ ra trước sự bối rối của bà và nửa giờ trôi qua.

Nhưng không ai say sưa vui mừng như Catơrin về ý nghĩ tuỵệt vời là bắt quả tang bà đô đốc thân thiết tại trận.

Chuông điểm một giờ.

Mọi người vỗ tay, cái giờ chờ đợi ấy dài biết bao.

- Nào! – Hoàng thân Đờ Gioanhvin nói - Tiến lên!

Nhưng thống chế Xanh Ăngđrê ngăn ông ta lại.

- Ôi! tuổi trẻ bất cẩn làm sao! – ông nói.

- Ông có vài ý kiến gì để làm hả? – ông Đờ-la-Rôtxơ-suya-yông hỏi.

- Vâng- Thống chế nói.

- Trong trường hợp này, hãy nghe ý kiến của ông ấy, và một cách chính xác- Catơrin nói tiếp – thưa các ông. Ông bạn thống chế của chúng ta có kinh nghiệm lớn về mọi việc, đặc biệt về những loại tính chất như thế này.

- Đây! - Thống chế nói- Đây là điều tôi muốn nói để chế ngự sự sốt ruột của con rể tương lai của tôi, ông Đờ Gioanhvin: đó là đôi khi người ta không có mặt ở một cuộc hẹn hò đúng giờ đã định và nếu chúng ta đến quá sớm, ý định của chúng ta có cơ hội bị truội mất.

Người ta hàng phục trước lời khuyên thận trọng của thống chế Xanh Ăngđrê và người nào cũng đồng tình với bà Catơrin là ông thống chế đã trở thành ông thày của nhưng loại chuyện như thế này.

Vậy là người ta đồng ý chờ thêm nửa giờ nữa.

Nửa giờ trôi qua.

Nhưng lúc này sự sốt ruột đã tới mức mà dù có lời nhận xét của ngài thống chế lẽ ra phải làm thì những ý kiến này đã không được nghe theo. Ông cũng nghĩ không có nguy cơ gì trong việc này, hoặc giả ông hiểu những ý kiến này là hoàn toàn vô ích, hoặc giả ông nghỉ rằng cái giờ xuất phát thực sự đã đến rồi.

Tuy nhiên ông hứa với cái nhóm vui vẻ này là đưa ông đến tận cửa và khi đến đấy sẽ chờ đợi kết quả ở đấy.

Ông đã làm hoàng thái hậu đồng ý lui về phòng ngủ của bà và hoàng thân Đờ Gioanhvin sẽ trở lại đấy để thông báo với bà tất cả mọi chuyện sẽ diễn ra.

Mọi thủ tục đã được quyết định như vậy rồi, mỗi người cầm trong tay một ngọn nến.

Đến cửa phòng, mọi người đều dừng lại và ai nấy đều dán tai vào ổ khoá.

Không có một tiếng động nhỏ nào được nghe thấy.

Người ta nhớ rằng ở bên cạnh đó, họ còn bị tách khỏi phòng Biến hình bởi một tiền phòng.

Thống chế Xanh Ăngđrê nhẹ nhàng đẩy chiếc cửa căn tiền phòng nhưng cánh cửa cưỡng lại.

- Quỷ thật! – Ông nói- Chúng ta đã không nghĩ tới điều này: cửa bị đóng ở bên trong.

- Chúng ta đạp đổ nó đi!- Những ông hoảng trẻ tuổi nói- Hãy bình tĩnh, thưa các ông!- Ông Đờ Ghidơ nói – chúng ta đang ở Luvrơ.

- Được!- Ông hoàng Đờ-la-Rôtxơ-suy-yông trả lời- Nhưng chúng ta là những người của Luvrơ.

- Này các ông! Các ông! - Quận công nhấn mạnh – Chúng ta vừa xác nhận một vụ bê bối, chúng ta đừng chứng minh nó bằng một vụ bê bối khác.

- Đúng thế!- Brăngtôm nói- Lời khuyên thật hay. Tôi đã biết một mệnh phụ đẹp và trung thực…

- Ông Brăngtôm! - Hoàng thân Đờ Gioanhvin cười nói – Trong lúc này chúng ta có việc để làm và chúng ta không nói tới chuyện ấy. Ông hãy tìm cho chúng tôi cách nào để vào và đó sẽ thêm một chương nữa vào cuốn “Những bà lẳng lơ” của ông đấy.

- Thế thì – ông Brăngtôm nói- hãy làm như ta làm tại nơi ở của nhà vua: cào cửa nhẹ nhàng và có thể người ta sẽ mở cửa cho ông.

- Ông Brăngtôm có lí- Hoàng thân Đờ Gioanhvin nói –Hãy cào đi, thưa nhạc phụ, cào đi!

Thống chế Xanh Ăngđrê cào cửa.

Một tên hầu đang thức, đúng hơn là đang ngủ trong tiền phòng và không nghe thấy một chút nào cuộc đối thoại mà chúng tôi vừa kể, cuộc đối thoại này nói giọng khẽ khàng làm gã tỉnh dậy và nghĩ rằng đó là Lanu đến đón tiểu thư Xanh Ăngđrê như thường lệ liền mở hé cửa và dụi mắt hỏi:

- Có chuyện gì thế?

Thống chế Xanh Ăngđrê giấu mình ở một bên cửa và gã hầu phòng ở ngay trước mặt ông Đờ Ghidơ.

Gã hầu phòng khi nhìn thấy tất cả những cây nến ấy, mọi lãnh chúa ấy, mọi mệnh phụ ấy, mọi ánh mắt cười cợt ấy, mọi cái miệng nhạo báng ấy, bắt đầu hiểu và tin ở chuyện bắt chộp và tìm cách đóng cửa lại.

Nhưng quận công Đờ Ghidơ đã đặt một chân vào tiền phòng, thực đúng là người chiếm các thành phố mà ông đã làm trước đây, và cánh cửa trong khi đóng lại đã đập vào chiếc ủng da của ông.

Gã hầu phòng ráng hết sức tiếp tục đẩy cửa để đóng lại.

- Ô kìa! Tên kì cục này- Quận công nói –hãy mở cái cửa này cho chúng ta.

- Nhưng thưa đức ông – Tên quỷ quái khốn khổ, toàn thân run bắn khi nhận ra quận công, nói – con có những mệnh lệnh nghiêm ngặt…

- Ta biết những mệnh lệnh của ngươi rồi, nhưng ta cũng biết điều bí mật của việc đang diễn ra ở trong kia, và chính vì việc của nhà vua và với sự thuận tình của Ngài mà chúng ta muốn vào đây, những ông này và ta.

Ông hẳn có thể nói thêm các mệnh phụ này vì năm hoặc sáu bà tò mò và cười thầm đi theo nhóm.

Như mọi người, gã hầu phòng biết uy quyền của ông Đờ Ghidơ hành động ở Triều đình, đã nghĩ đúng là có sự thoả thuận giữa nhà vua và quận công. Gã mở cửa tiền phòng trước rồi đến cửa phòng Biến hình, đứng nhón đầu ngón chân để chộp được việc gì đó của cái cảnh sắp xảy ra.

Đây không phải là việc vào căn phòng bình thường mà là cuộc đột nhập. Làn sóng người hối hả tràn vào căn phòng như nước triều dâng và…

TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 16: Ông đờ gioanhvin buộc phải kể nỗi rủi ro của mình

- Tôi tin, thưa đức ông - Rôbơc Stuya là người đầu tiên ra khỏi nơi ẩn nấp nói – ngài không có những lí lẽ lớn lao để ca ngợi đức vua nếu hoàng thượng không ban ngay cho ngài việc gia ân cho Anơ Đuybuôc, ngài sẽ không có gì nữa để chống lại dự định của tôi bằng những luận cứ chặt chẽ.

- Ông lầm rồi, thưa ông - Hoàng thân Côngđê nói khi ra khỏi bên đối diện và đứng lên - dẫu nhà vua còn quở mắng tôi nặng nề hơn thì nhà vua luôn luôn là nhà vua và tôi sẽ không biết trả thù người đứng đầu quốc gia về một lời nhục mạ cá nhân.

- Vậy thì những gì vừa xảy ra không hề thay đổi chút nào lời cam kết của ngài đối với tôi chứ; thưa đức ông?

- Tôi đã hứa với ông, thưa ông, sẽ xin gia ân cho pháp quan Anơ Đuybuôc khi nhà vua tỉnh dậy. Vào tám giờ sáng hôm nay, tôi sẽ ở điện Luvrơ và tôi sẽ xin việc ân xá ấy.

- Thành thật mà nói, thưa đức ông- Rôbơc Stuya nói- liệu ngài có tin rằng ngài được ban cho việc ân xá không?

- Thưa ông,- Hoàng thân Côngđê với phẩm cách cao cả của một ông hoàng trả lời – ông hãy tin chắc rằng tôi sẽ không nhọc công đi cầu xin sự ân xá nếu tôi ít tin chắc là có được.

- Được rồi!- Rôbơc Stuya nói với cử chỉ tỏ rõ chàng không có cùng niềm tin ấy – Trong vài giờ nữa trời sẽ sáng và chúng ta sẽ thấy rõ…

- Giờ đây, thưa ông - Hoàng thân nhìn quanh mình và nói- Chúng ta cần đi thoát nơi này thật mau lẹ và thông minh. Do hai lá thư và cái cách khác thường mà ông đã chuyển chúng đi, các cổng ra vào Luvrơ đã được canh phòng phòng như thể chúng bị vây hãm và tôi tin chắc rằng ông sẽ gặp khó khăn, nhất là với bộ quân phục mà ông đang mặc, để ra khỏi đây trước sáng sớm ngày mai. Vậy tôi lưu ý ông là để tôi đưa ông đi cùng với tôi, tôi sẽ kéo các ông, ông và bạn ông là người cho mượn bộ quân phục ra khỏi bước tồi tệ.

- Thưa đức ông, tôi sẽ không bao giờ quên cả điều tốt lẫn điều xấu.

- Ông hãy tin rằng việc này không hề đòi hỏi chút nào lòng biết ơn của ông mà chỉ để chứng tỏ lòng trung thực của những ý nghĩ của tôi mà qua đó cho ông một ví dụ, bởi vì ông hãy lưu ý rằng tôi chỉ cần rõ ràng và đơn giản bỏ rơi ông ở lại đây để thoát khỏi lời thề của tôi là xong; nhưng tôi không hề có ý định bỏ cuộc.

- Tôi hiều lòng trung thực của ông hoàng Côngđê – chàng trai xúc động trả lời - và tôi tin rằng sẽ không có gì phải phàn nàn về lòng trung thực của tôi. Kể từ hôm nay tôi trung thành với ngài cả về thể xác lẫn tâm hồn. Ngài mà đạt được sự ân xá cho cha tôi thì ngài sẽ không có ai là kẻ tôi tớ sẵn sàng chết vì ngài hơn tôi.

- Tôi tin ông, thưa ông - Hoàng thân Côngđê trả lời - Mặc dầu nguyên nhân cuộc gặp gỡ của chúng ta và cái cách mà chúng ta gặp được nhau thật hết sức đặc biệt, tôi sẽ không giấu ông rằng căn cứ vào cái cớ thúc đẩy ông hoàn thành nó, bản thân tôi cũng vì hành động của ông, thật đáng trách cứ dưới mắt của mọi con người trung thực, hầu như một lòng nhân hậu nào đó đi tới thiện cảm. Chỉ có điều tôi cần ông nói với tôi một điều là vì sao ông lại mang một cái tên Êcôtxơ và pháp quan Anơ Đuybuôc lại là cha ông.

- Thưa đức ông, thật đơn gián như mọi câu chuyện tình ái. Chuyện này đã qua hai mươi năm rồi, lúc ấy pháp quan Đuybuôc hai mươi tám tuổi; ông có một chuyến đi sang Êcôtxơ để thăm bạn ông là Giôn Nôc. Ở đấy ông quen biết một thiếu nữ của gia đình Lôtian, đó là mẹ tôi. Duy khi trở về Pari, ông biết rằng thiếu nữ ấy đã mang thai. Ông không bao giờ nghi ngờ đức hạnh của bà đến mức ông nhận đứa bé mà bà sinh ra là con ông và gửi gắm nó cho Giôn Nôc.

- Tốt lắm! Thưa ông - Hoàng thân Côngđê nói – tôi đã biết điều tôi muốn biết. Giờ đây chúng ta hãy quan tấm tới chuyện ra đi của chúng ta.

Hoàng thân ra trước và mở hé cửa phòng Biến hình. Hành lang đã trở lại tối tăm và cô đơn; vậy là họ đi khá an toàn trong đó. Đến cổng Luvrơ, hoàng thân ném chiếc áo choàng của ông lên vại người Êcôtxơ và gọi Đăngđơlô.

Đăngđơlô tới. Chỉ bằng vài lời hoàng thân cho ông này biết những chuyện đã xảy ra nhưng chỉ giữa nhà vua, tiểu thư Xanh Ăngđrê và những người khách đến kéo hai người này ra khỏi giấc ngủ của họ. Về Rôbơc Stuya, ông không nói gì khác hơn mấy lời sau:

- Ông này đi với tôi!

Đăngđơlô hiểu sự cần thiết lúc này đối với Côngđê là ra khỏi Luvrơ thật nhanh. Ông cho mở một cửa đặc biệt và hoàng thân cùng bạn ông đã ở bên ngoài.

Người này cũng như người kia vội vã đi về phía cổng không nói với nhau một lời; điều đó chứng tỏ cả hai người đánh giá đúng mức mối hiểm hoạ mà họ vừa tránh khỏi.

Đến bờ sông, hoàng thân Côngđê hỏi người Êcôtxơ rằng chàng đi đâu.

- Bên phải thưa ngài - Người này nói.

- Còn tôi, bên trái- Hoàng thân nói - Tối nay ông hãy đến trước Xanh Giecmanh Lôxenroa. Tôi mong rằng sẽ có những tin tức tốt đẹp để kể cho ông.

- Xin cám ơn đức ông – chàng trai kính cẩn nghiêng mình – và cho phép tôi nhắc lại với ngài, kể từ giờ này, tôi là kẻ trung thành với ngài cả thể xác lẫn tâm hồn.

Rồi mỗi người đi về phía của mình.

Chuông điểm ba giờ sáng.

Đúng lúc này, ông hoàng Đờ Gioanhvin vào phòng ngủ của Catơrin đờ Mêđixit.

Thế nào mà ông hoàng bất đắc dĩ lại vào phòng hoàng thái hậu vào giờ này và quyền gì mà người cháu lại dám lấn những đặc quyền của ông chú?

Chúng tôi sẽ nói tới chuyện này.

Không phải do thiện chí và tấm lòng vui vẻ mà ông hoàng khốn khổ này tới đây.

Đây là những chuyện thật sự đã xảy ra.

Ta nhớ rằng hoàng thái hậu đã ở lại căn hộ của bà, báo rằng bà sẽ đi nằm và tại đây bà chờ đợi ông hoàng Đờ Gioanhvin là kẻ đầu tiên khởi xướng biết bao chuyện bê bối, sẽ tới báo cho bà biết điều gì sẽ xảy ra.

Điều xảy ra, chúng ta đã biết.

Vả lại, ông hoàng Đờ Gioanhvin hoàn toàn sượng sung về những gì ông nhìn thấy đã ít sẵn sàng hơn ai để làm nhà sử học về một thảm hoạ mà danh dự vợ chồng của ông lại đóng vai trò buồn bã đến thế ngay trước ngày cưới.

Không quên lời hứa đã đưa ra, ông hoàng Đờ Gioanhvin vậy là không chút vội vã gì để thực hiện. Nhưng Catơrin lại không có cùng mối lo thờ ơ với điều bí mật chưa được biết. Bà được những bà tì nữ giúp cởi váy áo, đi nằm, đuổi hết mọi người ra trừ bà hầu phòng tin cẩn và bà chờ đợi.

Chuông đã điểm hai giờ sáng. Còn chưa hết thời gian. Rồi hai giờ mười lăm, hai giờ rưỡi, rồi hai giờ bốn mươi lăm phút.

Lúc này, không thấy cả chú lẫn cháu lộ diện, bà hoàng đã mất kiên nhẫn, thổi còi gọi bà hầu phòng (sáng kiến lắc chuông chỉ có ở bà Manhtơnông) và ra lệnh cho người đi tìm hoàng thân Đờ Gioanhvin và dẫn ông ta đến dù sống hay chết.

Người ta tìm thấy ông hoàng đang bàn luận sôi nổi với quận công Frăngxoa-Đờ Ghidơ và hồng y giáo chủ Loren.

Không cần phải nói rằng lời khuyên của gia đình đã quyết định cuộc hôn nhân giữa ông hoàng Đờ Gioanhvin và tiểu thư Xanh Ăngđrê đã trở nên hoàn toàn không thể có được.

Đối mặt với lệnh của hoàng thái hậu buộc phải qua chỗ bà, ông không thể lùi bước.

Ông Đờ Gioanhvin đi ra, đầu cúi xuống và khi đến nơi, đầu ông càng cúi thấp hơn.

Còn đối với quận công Môngpăngxiê và ông hoàng Đờ-la-Rôtxơ-suya-yông thì họ đã lẩn trên đường đi.

Sau đây chúng ta sẽ thấy vì ý nghĩ nào mà họ lẩn mặt.

Mỗi phút trôi qua làm tăng thêm sự sốt ruột của Catơrin. Nếu giờ đã quá khuya đòi hỏi giấc ngủ của bà thì ý nghĩ bà sắp được chuyện tiên đoán về sự lầm lỡ của bà đô đốc không ngoan của bà đã giữ bà phải thức.

“Cuối cùng, hắn đấy ư?”- Bà tự nhủ.

- Vậy ông đã đến, ông Đờ Gioanhvin – Bà kêu lên với ông hoàng bằng một giọng khá gay gắt – Tôi đợi ông từ một giờ này rồi!

Ông hoàng lại gần giường ấp úng xin lỗi, giữa những tiếng đó thì tất cả những gì mà Catơrin có thể hiểu được chỉ là những lời:

- Mong lệnh bà tha lỗi cho thần.

- Ta sẽ không tha thứ cho ông, ông Đờ Gioanhvin – Hoàng thái hậu nói với giọng Florăngxơ - nếu câu chuyện kể của ông không làm ta vui vì sự vắng mặt của ông đã làm ta e ngại. Hãy lấy một cái ghế đẩu và hãy ngồi trong góc tiếp khách của ta. Ta thấy dáng vẻ của ông có những chuyện kì lạ đã xảy ra ở đó.

- Thưa vâng- Ông hoàng lẩm bẩm- đúng là rất kì lạ, trong đó chúng thần còn khá xa mới chờ đợi!

- Càng hay! Càng hay!- Hoàng thái hậu xoa tay reo lên- Hãy kể cho ta những chuyện ấy và đừng kể sót một chi tiết nào đấy. Đã từ lâu ta không có được một câu chuyện vui vẻ như thế này. A! ông Đờ Gioanhvin a, người ta không cười nữa ở triều đình.

- Điều đó là đúng, thưa lệnh bà- Ông Đờ Gioanhvin đáp, vẻ thảm hại.

- Này! Khi cơ hội hiển hiện để giải trí một chút- Catơrin tiếp- ta phải chạy trước nó thay cho để nó thoát mất. Vậy ông hãy bắt đầu câu chuyện của ông đi, ông Đờ Gioanhvin: ta nghe đây và hứa không bỏ sót một lời nào.

Và Catơrin trước hết lấy tư thế nằm thật thoải mái trên giường để không bị rầy rà trong sự thỏa mãn mà bà sắp được thưởng thức.

Rồi bà chờ đợi.

Nhưng câu chuyện thật khó bắt đầu với ông Đờ Gioanhvin, nhưng Catơrin nói:

- Ông Đờ Gioanhvin hẳn bị câm!

Lúc bắt đầu hoàng thái hậu nghĩ con người trẻ tuổi đang thu thập những ý nghĩ nhưng thấy sự im lặng kéo dài, bà vươn dài cổ nhưng không nhúc nhích phần cơ thể còn lại rồi thêm cho ông ta một cái nhìn dò hỏi khó tả:

- Sao? – Bà hỏi.

- Sao! Thưa lệnh bà- ông hoàng đáp - thần xin thú nhận với lệnh và rằng cơn bối rối của thần quá lớn.

- Sự bối rối của ông ư? Tại sao?

- Vì phải kể cho lệnh và những việc thần đã nhìn thấy.

- Vậy ông đã trông thấy những gì, ông Đờ Gioanhvin. Ta thú thực với ông rằng ông đã làm ta điên người vì tò mò đấy. Ta chờ đợi, đúng thế - Catơrin xoa xoa hai bàn tay đẹp nói tiếp – nhưng hầu như ta không chết vì chờ đợi. Nào!...A! Vậy đúng là tối nay, ông Đờ Gioanhvin thân mến, ông hẳn nhớ rằng bức thư mà ông trao cho ta nói rõ: tối nay nhưng không nêu rõ ngày tháng phải không?

- Thật đúng tối nay, phải, tâu lệnh bà.

- Đến mức họ đã ở trong phòng Biến hình phải không?

- Họ đã ở đấy ạ.

- Cả hai?

- Cả hai.

- Vậy là Macx và Vênuyts hả? Ái chà! Hãy nói với ta, ta biết ai là Vênuyts rồi, nhưng Macx?...

- Macx ư? Tâu lệnh bà.

- Phải, Macx…Ta không biết ai là Macx.

- Thật sự, tâu lệnh bà, thần tự hỏi có thật thần phải bẩm với lệnh bà …

- thế nào, nếu ông phải bẩm với ta ư? Ta tin chắc ông phải nói và nếu ông có sự ngại ngùng thì ta sẽ gạt bỏ chúng. Nào, gã Macx!...Trẻ hay già?

- Trẻ ạ.

- Con người đàng hoàng chứ?

- Tất nhiên rất đàng hoàng ạ.

- Phẩm chất nữa, tất nhiên!

- Phẩm chất cao quý nhất ạ.

- Ồ! Ồ! Ông nói chuyện gì với ta đây, ông Đờ Gioanhvin – Bà hoàng ngồi nhổm dậy nói.

- Sự thật, tâu lệnh bà.

- Thế nào, không phải là gã thị đồng nào mù quáng và ngu dốt chứ?

- Thưa, không hề là một thị đồng.

- Gã trai dũng cảm ấy – Catơrin hỏi, không thể cưỡng nổi ham muốn nhạo báng chua cay – Gã trai dũng cảm ấy chiếm một địa vị trong triều chứ?

- Vâng, tâu lệnh bà….Một địa vị rất cao là đằng khác.

- Một địa vị rất cao ư? Nhưng, lạy Chúa, hãy nói ngay đi, ông Đờ Gioanhvin! Ông cứ nói nhát gừng như thuộc về một bí mật quốc gia không bằng.

- Đúng là thuộc một bí mật quốc gia, thật vậy, tâu lệnh bà – Ông hoàng nói.

- Ồ! Vậy thì, ông Đờ Gioanhvin, đây không còn là lời cầu xin của ta đối với ông nữa mà là ta ra lệnh cho ông. Hãy nói với ta tên con người ấy.

- Lệnh bà muốn thế sao?

- Ta muốn thế.

- Thế thì, tâu lệnh bà – Ông hoàng ngẩng đầu nói - người ấy, như lệnh bà gọi người ấy, không phải ai khác chính là Đức vua Frăngxoa đệ nhị.

- Con ta ư? – Catơrin chồm lên trên giường kêu lên.

- Vâng, con trai lệnh bà, thưa lệnh bà.

Một phát súng hoả mai bất chợt nổ giữa căn phòng cũng không tạo nên bộ mặt hoàng thái hậu một sự xúc động thật mãnh liệt, một sự biến động nhanh đến thế.

Bà đưa bàn tay lên che mắt như thể căn phòng này chỉ được soi sáng bằng có một ngọn đèn đã ngăn bà phân biệt những đồ vật, rồi nhìn xoáy vào ông Đờ Gioanhvin và xích lại gần tới mức chạm vào người ông ta, bà nói nhỏ với ông bằng âm sắc từ chế giễu đã trở nên khủng khiếp.

- Ta thật tỉnh đấy chứ, phải không? Ông Đờ Gioanhvin. Ta đã nghe rõ; ông đến đây để nói với ta rằng anh hùng của sự kiện bất ngờ này là con trai hử ?

- Vâng, thưa lệnh bà.

- Ông hãy nhắc lại xem?

- Thần xin nhắc lại là đúng như vậy.

- Ông khẳng định thế?

- Thần xin thề là đúng như vậy.

Và ông hoàng trẻ xoè bàn tay.

- Được! ông Đờ Gioanhvin! – Catơrin nói tiếp vẻ u tối – Bây giờ ta hiểu được sự ngập ngừng của ông, ta cũng hiểu sự im lặng của ông. Ôi! Máu bốc lên mặt ta rồi! Liệu có thể thế chăng! Con trai có một người vợ trẻ và duyên dáng lại bắt nhân tình với một người gấp đôi tuổi nó ư? Con trai ta chuyển qua hàng ngũ những kẻ thù của ta; con trait a, lạy Chúa! Không thể! Con trai của ta, tình nhân của bà đô đốc sao?

- Thưa lệnh bà- ông hoàng Đờ Gioanhvin nói- lá thư đúng là ở trong túi bà đô đốc, không lẽ thần quên sao. Nhưng điều mà thần biết, khốn khổ thay lại không phải bà đô đốc ở trong phòng.

- Thế nào – Catơrin kêu lên – ông nói gì vậy, không phải bà đô đốc ư?

- Không, tâu lệnh bà, không phải bà ấy.

- Nếu không phải bà ấy thì là ai?

- Tâu lệnh bà…

-

- Ông Đờ Gioanhvin, tên người ấy, nói ngay tên người ấy.

- Mong lệnh bà đoái thương thứ lỗi cho thần…

- Thứ lỗi cho ông! Tại sao thế?...

- Bởi vì thần là kẻ duy nhất mà thực sự người ta không có quyền đòi hỏi một sự gợi lại như vậy.

- Ngay cả với ta ư? Ông Đờ Gioanhvin.

- Ngay cả lệnh bà, tâu lệnh bà. Vả lại sự tò mò của lệnh bà thật dễ dàng được thoả mãn, đó là người đứng đầu triều đình mà lệnh bà sẽ hỏi thay thần…

- Nhưng để hỏi người đứng đầu ấy, ta cần đợi đến ngày mai, ông Đờ Gioanhvin. Ta muốn biết tên người ấy ngay lúc này. Ai nói với ông rằng ta không hề có biện pháp nào không gây đau khổ cho sự chậm trễ hả?

Và đôi mắt rực lửa của Catơrin nhìn xoáy vào con người trẻ tuổi.

- Tâu lệnh bà, lệnh bà hãy tìm trong toàn bộ Cung đình con người duy nhất mà thần không thể nêu tên với lệnh bà. Lệnh bà hãy nêu tên người ấy…Còn thần, ôi! Thật thật sự không thể!

Và ông hoàng trẻ đưa hai tay lên úp mặt để che giấu một nửa là sự tủi hổ đến đỏ mặt, một nửa là những giọt nước mắt căm giận.

Một ý nghĩ lướt qua tâm trí Catơrin giống như ánh chớp loé sáng.

Bà kêu lên một tiếng, nắm lấy hai bàn tay người trẻ tuổi rồi gạt luôn ta:

- A! Tiểu thư Xanh Ăngđrê hả - bà hỏi.

Ông hoàng không trả lời mà không trả lời có nghĩa là thú nhận. Hơn nữa ông ta còn để rơi người xuống chiếc ghế đẩu đặt gần giường.

Catơrin nhìn ông hoàng một lát với vẻ thương hại xen lẫn khinh miệt. Rồi bằng một giọng cố sức làm ra vẻ âu yếm nhất:

- Con trai tội nghiệp!- Bà nói - Tự đáy lòng, ta hết sức ái ngại cho con, bởi vì hầu như con yêu con bé thối tha ấy. Con hãy lại gần đây đưa bàn tay cho ta và hãy trút bớt những nỗi sầu muộn của con trong trái tim người mẹ Catơrin tốt bụng của con. Giờ đây ta hiểu vì sao con không nói, và ta hối hận đã ép nài con quá nhiều. Vậy hãy tha thứ cho ta, con trai của ta; và lúc này ta biết điều tệ hại, chúng ta hãy tìm phương cứu chữa…Còn có bao thiếu nữ xinh đẹp khác như tiểu thư Xanh Ăngđrê trong triều đình chúng ta, và nếu không có ai cao quý và khá đẹp đối với con trong triều đình chúng ta ở Pari thì chúng ta sẽ đi hỏi việc này ở triều đình Tây Ban Nha hoặc Ý. Vậy con hãy bình tâm, hoàng thân thân yêu của ta; và chúng ta hãy nói chuyện nghiêm chỉnh nếu có thể.

Nhưng ông hoàng Đờ Gioanhvin thay cho đáp từ bài diễn băn ấy rõ ràng có dụng ý nhằm một đích thấy được và một đích ẩn giấu, một là an ủi ông ta, một là thăm dò lòng can đảm của ông ta; ông hoàng Đờ Gioanhvin liền quỳ gối trước giường hoàng thái hậu giấu mặt vào khăn trải giường thổn thức:

- Tạ ân lệnh bà! – Ông nức nở kêu lên – xin tạ ân và cảm ơn sự ân cần dịu dàng của lệnh bà…nhưng vào giờ này thần chỉ còn đủ sức để cân đong sự hổ nhục và cảm nhận nỗi đau khổ của mình. Vậy cầu xin lệnh bà cho phép thần được cáo lui.

Hoàng thái hậu dừng lại ở người đàn ông gập người trong nỗi đau xót của ông ta một cái nhìn khinh miệt sâu sắc.

Rồi bà cất giọng không phản lại tình cảm in trong mắt bà:

- Hãy đi đi, con của ta!- Bà nói trong lúc chìa bàn tay đẹp cho ông hoàng trẻ, ông này cúi hôn – Và sáng mai hãy đến nói chuyện với ta. Lại đây. Chúc ngủ ngon và cầu Chúa phù hộ cho con!

Ông Đờ Gioanhvin nhanh chòng chấp nhận sự nghỉ ngơi đã ban cho ông và lao người ra khỏi phòng.

Catơrin lặng lẽ đưa mắt nhìn theo cho tới khi ông hoàng khuất sau tấm thảm treo rồi và nhìn cắm vào chiếc thảm thêu ấy cho tới khi chiếc thảm không còn lay động do ông hoàng bước qua.

Lúc này, bà hoàng tì khuỷu tay vào chiếc gối và với một giọng trầm kèm cái nhìn sáng ánh một ngọn lửa tối sầm:

- Kể từ hôm nay – Bà nói- Ta có một nữ địch thủ, còn ngày mai trở đi, ta mất mọi quyền lực về tinh thần với con ta nếu ta không khép nó vào kỷ cương.

Rồi sau một lát im lặng suy tư, một nụ cười đắc thắng lướt trên môi bà:

- Ta sẽ khép nói vào kỉ cương!- Bà nói.

TÌNH YÊU ĐỊNH MỆNH
Chương 17: Công khai chế giễu

Giờ đây, trong lúc ngài hồng y giáo chủ Loren được gã hầu phòng đưa vào giường nằm; trong lúc Rôbơc Stuya trở lại nhà Patric, bạn chàng; trong lúc hoàng thân Côngđê trở về lâu đài cùng lúc điên dại và cười cợt; trong lúc bà đô đốc không mệt mỏi lục hết các tủ áo của bà để tìm bức thư rủi ro đã gây nên tất cả sự bê bối này; trong lúc nhà vua hỏi mụ Lanu để thông qua mụ cố tìm hiểu làm thế nào mà cuộc hẹn hò của ông có thể lan truyền dư luận được; trong lúc ngài thống chế Xanh Ăngđrê tự hỏi có nên cảm ơn Chúa hoặc kết án sự ngẫu nhiên của sự việc đã xảy đến với ông; trong lúc tiểu thư Xanh Ăngđrê mơ màng có được quanh cổ và đôi cánh tay những đồ trang sức của bà Etămpơ và nữ công tước Valăngtinoa và trên đầu là vương miện của Mari Stuya, thì chúng ta hãy xem hai ông hoàng trẻ Môngpăngxiê và La Rôtxơ-suya-yông làm gì; về hai ông này chúng tôi hứa sẽ nói tới.

Hai ông hoàng đẹp trai và vui vẻ này, nhân chứng của cái cảnh ngoạn mục mà họ cho là hay ho thú vị đã cố hết sức kìm mình cho là hay ho thú vị đã hết sức kìm mình trước ba bộ mặt nghiêm khắc hơn bình thường vào lúc đó: ông Đờ Ghidơ, ông Xanh Ăngđrê và hồng y giáo chủ Loren. Còn hơn thế: cố giữ bộ mặt cho hợp với hoàn cảnh, họ đã có những lời lẽ an ủi rất thích hợp với hồng y giáo chỉ Loren, với ông thống chế Xanh Ăngđrê và ông Đờ Ghidơ. Rồi lợi dụng cái góc đầu tiên của hành lang cho phép họ giấu mặt, họ nín lặng dừng lại trong bóng tối đợi từng người một đi ra và khuất trong hướng đi thích hợp của họ. Khi chỉ còn hai người với nhau thì tiếng cười cố nén trong lồng ngực họ thoát ra ầm vang làm cho những cánh cửa kính của điện Luvrơ rung lên như có một chiếc xe chở nặng đi qua.

Mỗi người tựa lưng vào một bên tường, đối mặt với nhau, hai tay chống nạnh, đầu ngửa ra sau, oằn người cười sặc sụa trong những cơn co thắt làm người ta lầm tưởng là hai kẻ bị động kinh hoặc như người ta nói lúc ấy là hai kẻ bị ma ám.

- A! công tước thân mến! - Hoàng thân đờ La Rôtxơ-suya-yông lấy lại hơi thở nói.

- A! Hoàng thân thân mến!- Người này gắng đáp lại.

- Khi ta nghĩ rằng….khi ta nghĩ rằng có những người… những người đòi hỏi ta đừng cười nữa…ta đừng cười nữa trong cái thành phố Pari khốn khổ này!

- Đó là những người… những người có ý đồ xấu.

- A! Lạy Chúa tôi!...Việc này dẫu cùng lúc tạo ra cả điều tốt lẫn điều xấu thì cũng dễ cười cả thôi.

- Ông có nhìn thấy bộ mặt ông Đờ Gioanhvin không?

- Và bộ mặt thống chế đờ Xanh…Đờ Xanh Ăngđrê…

- Tôi chỉ tiếc một điều, công tước ạ - Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông bình tĩnh lại một chút nói.

- Còn tôi, tôi lại tiếc hai điều, hoàng thân ạ - Người này trả lời.

- Đó là không hề được ở vào vị trí nhà vua, tôi hẳn được cả Pari chú ý đến!

- Còn tôi, đó là không hề được cả Pari chú ý khi ở vào địa vị nhà vua.

- Ồ! Đừng tiếc làm gì, công tước ạ: ngày mai, trước buổi trưa, cả Pari sẽ biết chuyện.

- Nếu ông có cùng tính hài hước như tôi, công tước ạ, cả Pari sẽ biết chuyện này đêm này thôi.

- Bằng cách nào?

- Thật đơn giản.

- Nhưng còn…

- Tất nhiên! Bằng cách hô lên trên những nóc nhà.

- Nhưng lúc này cả Pari ngủ hết rồi.

- Pari không thể ngủ trong khi nhà vua của nó thức.

- Ông có lí! Tôi cam đoan là nhà vua còn chưa nhắm mắt.

- Vậy chúng ta hãy đánh thức Pari dậy đi.

- Ôi! Sự điên rồ mới tốt đẹp biết bao!

- Ông từ chối ư?

- Không, vì tôi nói với ông rằng đó là sự điên rồ có nghĩa là tất nhiên tôi đồng ý rồi.

- Thế thì lên đường.

- Này! Tôi e rằng cả thành phố sẽ biết một phần câu chuyện.

Hai người trẻ tuổi bước vội qua các bậc, xuống thềm điện Luvrơ như Hippômen và Atalăngtơ (Atalăngto(atalante):con gái vua Xirôs(Syros) nổi tiếng về chạy giỏi trong cuộc chạy đua. Hipppmen(Hippomène), nhờ ở ba quả táo vàng liên tiếp bở lại trên đường đua để cám dỗ và làm chậm bước chạy của Atalăngtơ nên đã giành phần thưởng(N.D)) đang gianh đua giải chạy thi.

Đến trong sân, họ gặp Đăngđơlô; với ông này họ giữ kín miệng cảnh giác vì lý do vai trò của bà chị dâu ông này đã đóng trong toàn bộ câu chuyện ấy và sợ ông này ngăn cản không cho họ ra.

Đăngđơlô xác định lí lích họ như ông đã làm với hoàng thân Côngđê và cho mở cửa để họ đi ra.

Hai con người trẻ tuổi khoác tay nhau tươi cười trong nhưng tấm áo choàng của họ, nhào qua khỏi điện Luvrơ, qua cầu treo và đến gần sông; tại đây một cơn gió bấc giá lạnh bắt đầu quất vào mặt họ. Lúc ấy, lấy cớ làm ấm người, họ lượm những hòn đá và ném vào những ô cửa những nhà lân cận.

Họ vừa ném vỡ hai hoặc ba ô kính cửa sổ và định tiếp tục cái trò giải trí dễ chịu này thì hai người đàn ông khoác áo choàng thấy hai người trẻ tuổi đang chạy liền ngăn đường, hô họ dừng lại.Hai người này bèn dừng lại. Họ chạy nhưng không trốn.

- Ông có quyền gì mà ra lệnh cho chúng tôi dứng lại? - công tước Môngpăngxiê bước lại chỗ một trong hai người la lên – Các ông hãy đi con đường của các ông và để cho hai nhà quý tộc cao thượng giải trí theo ý họ.

- A! Xin lỗi, thưa ngài, tôi không nhận ra ngài - Một người được công tước Môngpăngxiê hỏi liền nói – Tôi là Savinhi, chỉ huy trăm lính xạ thủ đội cận vệ và tôi trở về Luvrơ cùng ông Cacvoadanh, kị sỹ tuỳ viên thứ nhất của hoàng đế.

- Xin chào ông Savinhi! - Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông đi đến gặp viên chỉ huy trăm lính xạ thủ, chìa bàn tay cho ông ta, trong khi công tước Môngpăngxiê lịch sự trả lời những lời cung kính của kị sỹ tuỳ viên thứ nhất.

- Ông nói rằng ông trở vào điện Luvrơ à? Thưa ông Savinhi.

- Vâng, thưa hoàng thân.

- Thế này, chúng tôi vừa ở đấy ra, chúng tôi đây.

- Vào giờ này ư?

- Ông Savinhi, xin ông hãy lưu ý rằng nếu giờ vào là tốt thì giờ để đi ra hẳn cũng tốt đấy.

- Ngài hãy tin rằng, thưa hoàng thân, nếu biết đích xác là ngài thì tôi đã không bất cẩn hỏi ngài.

- Và ông đã lầm, ông bạn thân mến, bởi vì chúng tôi có những chuyện cực kì lí thú để nói với ông đấy.

- Về công việc của nhà vua phải không? – ông Cacvoadanh hỏi.

- Đúng thế, về việc của nhà vua. Ông đã phát hiện sự việc rồi sao, thưa ông kỵ sĩ tuỳ viên vĩ đại - Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông cười phá lên.

- Đúng thế sao? – Ông Savinhi hỏi.

- Xin lấy danh dự mà thề.

- Thuộc chuyện gì thưa các ngài.

- Nó thuộc về vinh dự lớn lao mà hoàng đế vừa làm thoả mãn chỉ trong chốc lát một trong số chỉ huy nổi tiếng nhất của ngài, - Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói.

- Và ông em của tôi, Đờ Gioanhvin, - Công tước Môngpăngxiê nói với tư cách là một học sinh thực thụ.

- Ngài nói về vinh dự nào? Thưa Hoàng thân.

- Vị chỉ huy ấy là ai, thưa công tước.

- Thưa các ông, đó là thống chế Xanh Ăngđrê.

- Còn những vinh dự nào mà hoàng đế còn có thể ban thêm vào những vinh dự mà ngài đã trao quá nhiều trọng trách cho ngài Xanh Ăngđrê: thống chế nước Pháp này, quý tộc đứng đầu đại diện này, dây bắc đẩu Bội tinh Xanh Misen này, hiệp sĩ Giarơchie này? Thực tế có những con người thật may mắn!

- Còn tuỳ.

- Thế nào? Còn tuỳ gì?

- Tất nhiên đó là một hạnh phúc có thể sẽ không thích hợp với ông, với ông, ông Savinhi ạ - vì ông đã có một bà vợ trẻ đẹp; kể cả ông, ông Cacvoadanh là người có một Côngđêcon gái trẻ và xinh đẹp…

- Thật thế sao? – Ông Savinhi kêu lên, bắt đầu hiểu ra.

- Ông đã hiểu rồi đấy, ông bạn thân mến- Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói.

- Liệu ông có tin chắc những điều ông nói đấy chứ?- Ông Savinhi hỏi.

- Tất nhiên!

- điều ông nói đó thật nghiêm trọng đấy, thưa hoàng thân! – Ông Cacvoadanh nói tiếp.

- Ông thấy thế ư? Còn tôi, tôi thấy điều đó, trái lại, hài hước khủng khiếp.

- Nhưng ai đã nói với ông?

- Ai đã nói với chúng tôi ư? Không ai cả , chúng tôi đã nhìn thấy.

- Ở đâu?

- Tôi đã nhìn thấy và cùng nhìn thấy với tôi là các ông Đờ La Rôtxơ-suya-yông, Xanh Ăngđrê, ông em Đờ Gioanhvin của tôi, xin mở ngoặc chính ông này đã nhìn thấy rõ hơn người khác vì ông ấy cầm một cây đèn chum… Có bao nhiêu ngọn nhỉ, hoàng thân?

- Có năm ngọn!- Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói và lại cười ròn rã hơn.

- Sự liên minh giữa hoàng thượng và thống chế vậy là không còn nghi ngờ nữa – Công tước Môngpăngxiê nghiêm nghị nói tiếp- kể từ lúc này, những kẻ tà giáo chỉ có giữ mình cho kỹ. Chính vì lũ ấy chúng tôi sắp tiếp xúc với người Thiên Chúa giáo chính thống của Pari.

- Có thể thế được chăng?- Ông Savinhi và ông Cacvoadanh cùng kêu lên một lúc.

- Đúng như tôi có hân hạnh nói với các ông chuyện này, thưa các ông- Hoàng thân trả lời- tin tức còn tươi rói chưa quá một giờ đến nỗi chúng tôi tin rằng chúng tôi đã cho các ông một chứng minh sự thân ái bằng cách thông báo cho các ông tin này. Thật rõ ràng đó là điều kiện cho các ông lan truyền tin này và ông thông báo chuyện này cho tất cả những ai mà các ông gặp.

- Vào giờ này thật ít gặp được bạn bè, ít ra là một sự may mắn như may mắn đã cho phép chúng tôi gặp được các ông, chúng tôi mời các ông làm như chúng tôi là những cánh cửa đóng kín phải mở ra, làm cho các bạn ông đang ngủ phải bật dậy và nói với họ bằng cách thông báo cho họ điều bí mật như gã thợ cạo của vua Miđat đã làm với những kẻ yếu: “Vua Frăngxoa đệ nhị là tình nhân của tiểu thư Xanh Ăngđrê".

- A! tất nhiên! Thưa các ngài- Nhà kị sỹ tuỳ viên vĩ đại nói- việc sẽ được làm như ông nói, tôi có thể làm thống chế Xanh Ăngđrê đau khổ và tôi biết gần đây có một bạn tôi và với tin này sẽ gây biết bao niêm vui nên tôi sẽ không ngần ngại khi chia tay ông, đi đánh thức ông ta dậy dù ông ta mới ngủ say.

- Còn ông, ông Savinhi thân mến- Hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông nói- Tôi tin chắc rằng ông không có thiện cảm gì với ông Đờ Gioanhvin, tôi tin rằng ông sẽ theo gương ông Cacvoadanh.

- A! Tất nhiên! Vâng! – Ông Savinhi kêu lên- Thay cho việc trở vào Luvrơ, tôi sẽ về nhà và kể việc này cho vợ tôi. Ngày mai, trước chín giờ sáng, bốn bà trong số bạn bà ấy sẽ biết chuyện tôi hứa với ông rằng không khác gì ông đưa bốn cái kèn hoa hướng về bốn phía.

Thoả thuận xong, bốn lãnh chúa tạm biệt nhau, hai người trẻ tuổi đi qua bờ sông về phố Mone; còn ông Savinhi và ông Cacvoadanh, đáng lẽ trở vào Luvrơ thì mỗi người đi mỗi phía, cần mẫn loan cái tin của ngày này, đúng hơn là ban đêm.

Đến phố Mone, hoàng thân Đờ La Rôtxơ-suya-yông thấy một bảng hiệu kêu ken két trước gió, một cửa sổ còn sáng đèn.

- Này!- Công tước nói - Tuyệt! Kia là một cửa kính của gia đình sang trọng còn sáng vào ba giờ rưỡi sáng. Đây là một nhà tư sản cưới vợ hoặc một thi sĩ hẳn đang làm thơ.

- Có cái đúng trong những lời ông vừa nói, ông bạn thân yêu, tôi quên khuấy là tôi được mời dự một hôn lễ. Quả thật, tôi muốn có thể chỉ cho ông người vợ của ngài Bantada. Ông sẽ thấy cô gái dẫu không phải là con một thống chế nước Pháp nhưng không kém một cô gái đẹp; tuy vắng mặt người vợ, tôi sẽ chỉ cho ông thấy mặt người chồng.

- A! Hoàng thân thân mến, sẽ không nhân ái bắt người đàn ông khốn khổ phải ra cửa sổ lúc này.

- Được! - Hoàng thân nói -Về chuyện này, đây là con người duy nhất không sợ gì hết.

- Tại sao?

- Bởi vì người này luôn bị sổ mũi. Tôi quên biết ông ta đã mười năm nhưng tôi chưa thể kéo nổi lưỡi ông ta lấy một lời “ chào hoàng thân” một cách thẳng thắn.

- Vậy chúng ta hãy xem con người ấy.

- Bởi lẽ ông ta vừa là chủ nhà tắm vừa là chủ khách sạn nên ông ta có những nồi hấp trên sông Sen và ngày mai khi kỳ cọ những người của ông ta, ông ta sẽ nói chuyện mà chúng ta kể cho ông ta.

- Hoan hô!

Hai người trẻ tuổi của chúng ta giống như hai học sinh đi đến bờ sông, nhét đầy sỏi vào túi để ném thia lia xuống nước; hai người trẻ tuổi buộc phải rời bờ sông đã nhét đầy túi những hòn đá nhỏ mà họ tính sẽ sử sụng như những máy phóng đá vào những ngôi nhà mà họ mong là công hãm được. Hoàng thân lấy một hòn sỏi trong túi, lùi lại hai bước để lấy đà như chúng ta đã thấy Rôbơc Stuya làm… nhưng với ý đồ thâm hiểm hơn, ông liệng hòn sỏi vào những ô cửa sổ sáng đèn.

Cửa sổ được mở ra rất mau lẹ làm ta tưởng như chính hòn sỏi mở nó ra.

Một người đàn ông đội mũ ngủ xuất hiện, tay cầm cây đèn nến la lên:

- Cướp!

- Hắn nói gì thế?- Công tước hỏi.

- Ông thấy rõ ta cần làm quen với hắn để hiểu hắn nói gì. Hắn gọi chúng ta là kẻ cướp đấp.

Rồi quay lưng về phía cửa sổ:

- Đừng nóng vội, Bantada; tôi đây! - Hoàng thân nói.

- Ngài…Điện hạ đấy ư?....Mong Điện hạ thứ lỗi cho tôi!... Điện hạ có đầy đủ quyền làm vỡ những “ô vuông” kính của tôi nếu điều đó làm điện hạ vui lòng.

- A! Lạy Chúa lòng lành!- Công tước cười khùng khục trong họng kêu lên – Con người hiền lành nói tiếng gì với ông lạ thế? Hoàng thân?

- Những người quen biết hắn nói rằng đó bí ngữ của tiếng Iarốc và Hôtăng. Trong cái giọng gầm gừ ấy, hắn nói với chúng ta một điều rất thật thà.

- Điều gì?

- Rằng chúng ta có quyền ném vỡ các ô cửa kính của hắn.

-

- A! Tất nhiên! Điều này xứng đáng một lời cảm ơn đấy.

Rồi nói với Bantada:

- Ông bạn ơi – Ông nói với gã - Tiếng đồn lan tới tận cung đình là hôm nay ông cưới vợ và vợ ông thật đẹp. Thế là chúng tôi vội vàng ra khỏi Luvrơ để chúc mừng ông.

- Và để nói với ông rằng, ông Bantada thân mến, trời chuyển lạnh và đó là thời tiết tốt cho hạnh phúc trên trái đất.

- Trong lúc trái tim của hoàng thượng lại chuyển sang nóng, đó sẽ là điều hạnh phúc cho thông chế Xanh Ăngđrê đấy.

- Tôi không hiều gì cả.

- Bất kể! Ông hãy nhắc lại đúng những lời chúng tôi vừa nói với ông là đủ, ông Bantada thân mến ạ. Những người khác sẽ hiểu điều đó và sẽ biết điều đó muốn nói gì rồi. Xin gửi lời chúc mừng của chúng tôi tới bà nhà nhé.

Và hai người trẻ tuổi lại quay về phía Mone vừa cười phá lên, vừa lắng tai nghe người chủ khách sạn “Bò cái đen” làu bàu và ho, ông ta có thể đã đóng chặt cửa nhưng không thể hàn gắn lại các ô cửa kính vỡ.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét