Trang

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Phong Lan

Khái Hưng

(Phong Lan. Truyện ngắn của Khái Hưng đã được đăng trên Tuần Báo Ngày Nay số 22, in ngày chủ nhật 23/08/1936 tại Hà Nội)
Phất tì tay lan can ngồi ngước mắt ngắm khóm phong lan trong cái cũi nhỏ làm bằng gỗ thông treo ở hiên dưới cái gian cẩm leo nụ màu hồng nhạt vừa bắt đầu lấm tấm. Những chùm hoa vàng điểm chấm đen nhung óng ánh phản nắng chiều và se sẽ rung động đưa trước gió, trông như đàn bướm xòe cánh rập rờn bên những lá lan dài và nhọn rũ lỏa tỏa bốn phía.
Phất thở dài lẩm bẩm: “gần ba năm rồi”.
Chàng vẫn muốn quên, quên nhãng hẳn, vì chàng hiểu rằng khi nào người ta tìm nhớ thời dĩ vãng, thì thường những kỷ niệm buồn trở lại trong ký ức. Kỷ niệm vui, làm gì có kỷ niệm vui. Sự vui chỉ có trong hiện tại. Vui qua, còn lại cái buồn man mác, sự nhớ tiếc ở trong lòng, phảng phất như chút hương tan của bông hoa khô héo.
Năm ấy lần đầu Phất lên chơi Chapa. Nhà chàng không giàu, nhiều khi lại túng bẩn là khác. Chàng cũng không ưa gì cái thú nghỉ mát mà chàng cho là cái thú xa xỉ của riêng các gia đình phú quý. Hơn nữa, chàng rất khỏe mạnh, chẳng mấy khi ốm đau và cần đi nghỉ mát để dưỡng sức, tuy chàng vẫn chăm chỉ học lấy trong mấy tháng, để thi đậu tú tài phần hai.
Vậy Phất đi Chapa chỉ vì một lẽ riêng: Lẽ riêng ấy đối với cái tuổi ngoài hai mươi, chín mươi phần trăm thuộc phạm vi ái tình.
Chính thế, Chapa mà trước khi chàng không hề nghĩ đến, và cũng không biết ở về phía nào, vụt trở nên một thành phố đầy ánh sáng, đầy hy vọng, một thành phố ái tình. Vì Lan vừa cùng mẹ và em trai lên đó nghỉ mát.
Tình yêu của Phất đối với Lan thực là ly kỳ. Ngày chàng còn theo học tại trường Bảo Hộ, một hôm đến hội quán Tri Trí dự một cuộc âm nhạc tổ chức lấy tiền giúp việc thiện. Trong bọn tài tử có một thiếu nữ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, ngồi trước cây phong cầm đánh một bài độc tấu. Thế là Phất yêu ngay.
Chàng nhớ mãi khúc nhạc réo rắt và cái dáng ngồi yểu điệu của thiếu nữ: Cái đầu hơi nghiêng, một bên má phản chiếu ánh điện nhuốm sắc hồng hồng, đôi mắt buồn yên lặng ngước nhìn trần, hai bàn tay mềm, giẻo, thoắt chạy, thoắt ngừng trên hàng phím xương trắng muột. Có lúc sung sướng, mê man trong điệu trầm bổng, du dương, thiếu nữ se sẽ rung động toàn thân và bao nhiêu nếp áo của nàng đều uyển diệu rung rinh.
Hình ảnh ấy Phất chôn sâu ngay trong ký ức, trong tâm hồn. Và chàng chân thành thờ nó như thờ một lý tưởng thiêng liêng tuyệt đích.
Chàng hỏi thăm biết nhà thiếu nữ giàu, giàu lắm. Nhưng đó không phải một cớ khiến chàng tuyệt vọng. Chàng nghèo nhưng tri thức chàng giàu, tâm hồn chàng giàu. Và chàng thấy rõ rệt sự tương đương, sự cân đối của chữ “tài” và chữ “sắc” mà trước kia chàng cho rằng hai chữ sảo trong văn chương, không có một chút nghĩa lý gì thiết thực.
Từ đó, đời Phất chia hẳn ra hai phần đầy thú vị và có sự liên lạc mật thiết với nhau: học và yêu.
Yêu, nghĩa là mỗi ngày để ra chút thời gian nhàn rỗi mà tưởng nhớ tới người đánh đàn. Rồi chủ nhật, thứ năm được nghỉ học ra ngoài, khi qua nhà nàng, dừng lại trước cửa vài phút – vài phút thôi – mà ngắm cây liễu rũ lá thướt tha bên hàng giậu sắt. Hôm nào thoáng nghe thấy mấy tiếng phong cầm hay nhác trông thấy tà áo hồng phấp phới bên luống hoa chân chim thì buổi chiều về trường Phất nhảy múa, ca hát huyên thiên.
Còn học? Học như mọi ngày thường, Phất cho không thể xứng đáng với tình yêu kia được. Chàng liền bỏ trường về nhà học lấy cho chóng hơn. Thấy vậy, người ta tưởng Phất lười biếng bỏ học. Nhưng năm sau ai nấy phải kinh ngạc khi đọc nhật trình thấy tên chàng trên bảng những người đậu tú tài phần thứ nhất vào hạng bình thứ. Phất sung sướng mỉm cười nghĩ thầm: “Ảnh hưởng của ái tình. Cứ thế này thì không biết mình còn đi xa đến đâu?”
Nhưng ái tình của chàng ngoài chàng ra không ai biết, không ai có mộ tia ngờ. Chàng giữ nó âm thầm trong trái tim với cái hình ảnh cô đánh đàn diễm lệ.
Trong hai năm chàng chờ đợi, yêu, nhớ, thương thầm, chàng biết đích rằng không một ai đến hỏi Lan. Phất cho sự ngẫu nhiên ấy có ý nghĩa thiêng liêng, huyền bí và nhân duyên của chàng với Lan là một cuộc thiên duyên tiền định. Và lòng mong ước của Phất, hơn nữa lòng tín ngưỡng của Phất càng thấm thía, vững vàng.
Một hôm người ta bảo cho Phất biết rằng trong số tranh trưng bày ở phòng triễn lãm mỹ thuật có bức ảnh cô Lan, một trang tuyệt sắc Hà Thành. Phất vội thuê xe đến phòng triễn lãm, và suốt ba hôm, trừ hai bữa cơm ra, chàng ở luôn bên bức tranh thiếu nữ. Và chàng nghĩ thầm: “Biết thế mình học vẽ!”
***
Đầu mùa hè năm ấy thấy vắng bóng Lan tha thướt trong vườn. Phất hỏi thăm biết nàng cùng mẹ và em lên Chapa đã hơn nửa tháng. Lan đau phổi, thầy thuốc khuyên nên đi nghỉ mát ở vùng núi cao.
Trong mấy hôm liền, Phất chạy nháo đi khắp nơi thân thuộc vay được ba chục bạc rồi vội vàng hấp tấp lên thẳng Chapa.
Hôm đầu gặp Lan đi với mẹ và em ở trước cửa nhà bưu điện. Phất cảm động, luống cuống, toan cất mũ chào. Lan thản nhiên nhìn chàng, thản nhiên quay đi như đối với mọi người không quen biết.
Thì ra những bài thơ âu yếm phản chiếu hình ảnh nàng, vang động linh hồn nàng mà Phất đã viết và gửi đăng trên các báo, nàng không biết tác giả là ai. Lòng tự phụ, tự tin của Phất cho không thể nào như thế được. Thục ra, những bài thơ ấy Lan chưa từng đọc qua: Vì ngoài âm nhạc, nàng không thích một nghệ thuật nào khác nữa.
Hai tuần lể ở Chapa – cái ví nhẹ của chàng không cho phép chàng ở lâu hơn nữa – Phất mơ màng tưởng tượng ra mấy năm Từ Thức sống trong động Phi Lai, tuy tiên nữ của chàng đối với chàng vẫn thờ ơ, lãnh đạm, không ngờ có một khối tình vĩ đại ở dưới gót chân mềm yếu.
Nhưng chẳng vì thế mà mười lăm hôm nghỉ mát của Phất giảm phần lạc thú. Chàng yêu để yêu. Cần gì có ai yêu lại hay không! Chàng nghĩ thầm: “Ái tình mà có đi có lại thì gọi sao được là ái tình, họa chăng nó là việc buôn bán, hay một ván bạc “ăn miếng trả miếng”
Vả chàng còn ao ước vì hơn nữa. Ngày nào chàng không gặp mặt Lan ít ra một lần, hoặc ở rừng, hoặc ở Núi Đen. Câu truyện gặp gỡ trong giây phút ấy đối với chàng cũng đủ là một thiên trang thiên tiểu thuyết rồi.
Sáng, chiều, chàng đứng rình lúc Lan cùng mẹ và em ra đi. Xa xa chàng theo sau. Nếu bọn kia vào rừng thì chàng đợi đến chỗ đường hẻm để vượt qua, như thế cái mỉm cười kèm theo cái cất mũ ngả đầu chào của chàng mới có ý nghĩa:“Xin lỗi bà và cô, tôi xin phép tiến lên trước”
Cái cất mũ để vượt qua ngày ngày nhắc lại, lâu cũng thành ra có vẻ cố ý. Phất muốn tránh điều đó, nên chàng không vượt nữa, chàng gặp mặt. Cảnh gặp gỡ ấy chàng bố trí như thế này: Biết hai người đàn bà vào rừng, chàng hết sức đi thực mau, hầu như chạy về phía khách sạn lớn rồi theo con đường đồi bên kia mà vòng đến cầu. Gặp Lan, chàng vờ coi như một sự ngẫu nhiên may mắn.
Một hôm, Lan và mẹ đi qua nhà bưu điện lên Núi Đen. Phất vội rẽ đường tắt lên đó trước. Nhưng lúc nghe tiếng giày đè sỏi, chàng ngượng và sợ bà cụ ngờ vực, liền ngồi khuất sang phía bên kia mỏm đá, để nhường cái ghế dài cho hai người đàn bà.
Tiếng cười của Lan làm cho chàng sung sướng, ngây ngất. Lần ấy là lần đầu chàng nghe rõ tiếng Lan và chàng nhận thấy giọng Lan hơi khàn khàn. Chàng buồn rầu nghĩ đến bộ phổi ốm của người yêu. Bỗng Lan hỏi mẹ:
– Ồ, mẹ trông cây phong lan. Đẹp quá!
Ngừng vài giây, nàng lại nói:
– Con yêu phong lan lắm.
Bà mẹ đáp:
-Vì nó trùng tên với con đấy mà.
-Ồ nhỉ! Mẹ ạ, làm thế nào lấy được thì thích quá nhỉ. Con sẽ treo nó ở bên cái piano của con.
Phất muốn nhảy xổ ra leo lên cây lấy cho bằng được khóm phong lan để tặng người yêu. Nhưng chàng nhận thấy cử chỉ ấy không tự nhiên chút nào, nên thôi ngay.
Lúc hai người đàn bà về rồi, Phất ra đứng ngắm khóm phong lan mọc trên cây bồ kết dại, lá và hoa rũ xuống lòa xòa. Chàng buồn bã thở dài.
Hôm sau, vào giữa trưa – giờ ấy ở Núi Đen người vắng hẳn – Phất trở lại nơi hôm trước. Nhìn không thấy ai qua lại, chẳng tháo giầy, liều trèo lên cây, lấy được khóm phong lan, gói vào cái khăn rộng đem theo.
Chàng moi óc suy nghĩ mãi chưa tìm được cách biếu Lan khóm hoa rừng, thì vì cạn tiền, chàng phải về Hà Nội. Nhưng chàng thề với chàng rằng món quà kia thế nào cũng sẽ đến tay người yêu.
*****
Mùa rét năm ấy, bệnh đau phổi cướp Lan đi.
Phất ở trên đời với khóm phong lan.
Và năm năm, mỗi lần hoa phong lan bắt đầu nở, chàng lại như nghe tiếng đồng vọng trong không:
-“Ồ! Mẹ trông, cây phong lan! Đẹp quá!”
Khái Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét