Trang

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

LỜI CẢM TẠ CỦA GIA ĐÌNH BÀ NGUYỄN TRUNG THUẦN TẠI TANG LỄ

Kính thưa toàn thể các ông bà, anh chị em, bạn bè thân hữu, bà con nội ngoại xa gần...đã chia sẻ nỗi đau mất người thân với gia đình chúng tôi suốt mấy ngày qua.
Hôm qua 19/2/2019 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi), chị cả chúng tôi Nguyên Trung Thuanđã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng với tang lễ trang trọng và ấm cúng trong vòng tay yêu thương của người thân và bạn bè.

Xin được gửi đến quý vị toàn văn Lời cảm ơn do chị thứ 2 Nguyễn Hồng Thục viết và thay mặt gia đình đọc trong lễ truy điệu chị Thuần ngày 19/2/2019. Đó cũng là lời cảm ơn chân thành nhất kính gửi toàn thể anh chị em bạn bè, bà con nội ngoại gần xa:

“LỜI CẢM TẠ CỦA GIA ĐÌNH BÀ NGUYỄN TRUNG THUẦN TẠI TANG LỄ

Kính thưa:
- Các cụ, các ông các bà, đại diện các cơ quan đoàn thể, các bạn hữu thân thiết của chị tôi, bà con khối phố, các gia đình thông gia, các bậc cha chú cô bác trong dòng họ, các con cháu nội ngoại... đã có mặt trong giờ phút này để tiễn biệt bà Nguyễn Trung Thuần, người chị cả của 6 anh chị em chúng tôi.
- Kính thưa các vị trong Ban tang lễ, cùng các bác các anh chị Nhà tang lễ thành phố Hà Nội đã thương xót, tận tình giúp gia đình chúng tôi tổ chức tang lễ trọng thể này.

Trong vòng có 9 ngày đầu năm nay chị em chúng tôi đã mất tới hai người, em trai và chị cả, gia đình quá đau đớn. Nhưng, người có thể giúp chúng tôi đừng tuyệt vọng là người chị bé nhỏ của tôi đang nằm trong linh cữu kia.
Chị tôi bé nhỏ vì bị tật từ nhỏ, người trải qua 8 lần mổ xẻ, nhưng là chị cả, vẫn đảm đương lo toan mọi việc trong gia đình, phải học giỏi cho các em noi gương, che chở khi Ba tôi đi tù “xét lại” biền biệt, cùng Mạ tôi tần tảo gìn giữ gia đình...
Kiên cường đầy nghị lực, phẩm chất trí thức của chị là cuốn Chu Dịch một triệu mục nghĩa từ dày ngót 1500 trang, là nhiều công trình khoa học, biên soạn, dịch thuật đồ sộ như chị đã làm, con người bé nhỏ ấy đã phải tận lực, tận tâm hơn những người khác rất nhiều.
Và nhà khoa học ấy trước nguy cơ đất nước bị xâm lăng đã tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt tổng thuật nhiều thông tin từ báo chí Trung Quốc để dịch và công bố rất kịp thời phục vụ cho công tác nghiên cứu Biển Đông, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Nếu ông Trời đã không cho chị tôi suốt cuộc đời một chút may mắn nào, thì đã dành tặng người chị nhỏ bé của tôi lòng khí khái. Nó là tư chất của một trí thức quyết tự vượt lên số phận của mình để dâng hiến...
Trong những năm tháng cuối đời, chị tôi, với tất cả sự gắng gượng cuối cùng đã lo chu toàn cho gia đình và con trai, hai cháu nội của bà. Chị tôi bé nhỏ đã tìm thấy niềm vui bên con cháu.

Thưa Hương hồn chị.
Đừng tuyệt vọng. Vâng chị đã dặn thế, chúng em cùng các con, cháu sẽ ghi nhớ, nhớ mãi mãi hình ảnh của một CON NGƯỜI cả cuộc đời kiên gan vô cùng đối đầu với mọi đau đớn, để trở thành một người trí thức được xã hội yêu mến công nhận những cống hiến của mình.
Một áng văn của Người Cha kính yêu của chúng tôi đã đón chị về cùng Người: 
“Sống gửi thác về”, “về” không chỉ là có cái gì đó tiếp nối sự sống sau khi chết, đó còn hơn là một sự tiếp nối đơn thuần, đó là sự tồn tại vĩnh hằng, là sự trở lại mãi mãi với cõi thiên đường, hay cõi Niết bàn…”
“Như một qui luật tự nhiên không muốn có, tâm thức người Việt thấm vào tôi thật sâu lắng. Cái chết bao giờ cũng là một nỗi buồn ghê gớm, nhưng ngay từ trong những nhịp sống hàng ngày hôm nay, tôi bình thản chờ nó. Nó giống như một tấm gương soi, vô hình nhưng luôn luôn hiện hữu. Một cuộc sống tử tế hẳn sẽ được thưởng bằng một cái chết tử tế. Trong sự tiễn đưa ấm áp của người thân, của bạn bè, trong sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời...”

Chị ra đi thanh thản nhé, Ba, Mạ, cậu Tuấn đang đón đợi chị rồi. Cả nhà cầu mong cho Hương linh chị được về với đất Phật.

Kính thưa toàn thể quý vị, đã ở đây, giờ phút này cùng gia đình chúng tôi làm lễ đưa tiễn người quá cố. Gia đình chúng tôi xin trân trọng cảm tạ, biết ơn toàn thể quý vị. Nếu có những sơ suất trong tang gia, xin được rộng lòng lượng thứ.
Chúng tôi sẽ đưa thi hài chị tôi về An táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Một lần nữa thay mặt toàn gia đình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và cảm tạ tất cả mọi người.”

TRÂN TRỌNG!
 — cùng với Nguyên Trung Thuan.

Gia đình dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần (Nguyên Biên tập viên chính Viện Từ điển học và Bách khoa thư thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vừa phát đi cáo phó, thương tiếc báo tin bà Nguyễn Trung Thuần đã từ trần hồi 1 giờ 21 phút ngày 17.2.2019 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 67 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét