Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21. 08. “BÁT NHẤT” VÀ KHỞI NGHĨA NAM XƯƠNG

Người dịch: Dương Đình Giao
Sau khi chiếm được Thượng Hải năm 1927, Tưởng Giới Thạch bộc lộ bộ mặt gian ác, phát động chính biến phản cách mạng 12 tháng 4, mở đầu cuộc tàn sát tàn bạo các đảng viên cộng sản và công nhân vũ trang.
Ngày 15 tháng 4, ở Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch ra thông cáo và gửi công điện đi khắp nơi tuyên bố “thanh đảng”, phá hoại Quốc Cộng hợp tác. Ngày 28 tháng 4, Quân phiệt Phụng hệ Trương Tác Lâm giết hại Lý Đại Chiêu, một trong những người sáng lập đảng cộng sản Trung Quốc.
Ngày 21 tháng 5, quân quan ở Trường Sa Hứa Khắc Tường phát động chính biến Mã Nhật, giải trừ công nhân vũ trang, bắt bớ những người cộng sản. Trong thời khắc nguy cấp quyết định sự tồn vong, Trần Độc Tú, nhân vật lãnh đạo trọng yếu của đảng một lần nữa lại mắc sai lầm sa vào chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh, tỏ ra nhu nhược trước phái phản động Quốc dân đảng khiến lực lượng cách mạng bị tổn thất nghiêm trọng. Trong cuộc khủng bố trắng khiến cách mạng chịu nhiều tổn thất, phần lớn những người cách mạng vẫn không run sợ, họ kiên quyết yêu cầu thanh toán những phần tử hữu khuynh trong đảng, cầm vũ khí chống lại phái phản cách mạng. Thượng tuần tháng 7 năm 1927, căn cứ vào chỉ thị của Quốc tế cộng sản, năm người là Trương Quốc Đào, Trương Thái Lôi, Lý Duy Hán, Lý Lập Tam, Chu Ân Lai đã tập hợp thành Trung ương chính trị cục thường ủy hội Lâm thời, phế truất Trần Độc Tú khỏi vai trò lãnh đạo của đảng. Trung ương lâm thời đã có tuyên ngôn  chính thức về tình hình hiện tại, tuyên bố đảng cộng sản Trung Quốc tiếp tục cuộc đấu tranh phản đế phản phong. Trung ương lâm thời cũng quyết định ba việc lớn, đó là: Phát động cuộc khởi nghĩa Thu Thụ và khởi nghĩa Nam Xương, quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương khẩn cấp. Cuộc Hội nghị khẩn cấp này chính là “Hội nghị ngày 7 tháng 8” nổi tiếng.  Hội nghị tiến hành vào ngày 7 tháng 8 ở Hán Khẩu,  quyết định những chủ trương lớn  tiến hành cuộc cải cách ruộng đất và khởi nghĩa vũ trang, uốn nắn và kết thúc những sai lầm của chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh của Trần Độc Tú, bầu cử Bộ chính trị Trung ương lâm thời mới, Cù Thu Bạch, Lý Duy Hán, Tô Triệu Chính được cử làm Thường ủy Bộ Chính trị. Hội nghị ngày 7 tháng 8 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc. Từ đó, cách mạng Trung Quốc có chuyển biến tích cực, vượt qua những tổn thất, bắt đầu phát triển từ cuộc cách mạng ruộng đất và đấu tranh vũ trang. Mao Trạch Đông đã từng chỉ ra: “Từ sau khi có những sự chú ý khác thường về quân sự, chúng ta nhận ra chính quyền phải giành được bằng khẩu súng”. Câu nói này đã có ảnh hưởng sâu rộng tới quá trình cách mạng Trung Quốc.
Chu Ân Lai không tham gia hội nghị này, ngày 27 tháng 7, ông đã tới Nam Xương, theo mệnh lệnh của Trung ương, thành lập Ban Chấp hành tiền tiêu do ông làm Bí thư, chuẩn bị phát động khởi nghĩa  Nam Xương. Thời gian khởi nghĩa quy định vào 4 giờ ngày 1 tháng 8, nhưng vì có kẻ tiết lộ bí mật nên phải diễn ra trước đó 2 giờ, tức 2 giờ sáng ngày hôm đó.Quân tham gia khởi nghĩa có binh lính trong đoàn giáo dục do Chu Đức lãnh đạo cùng với hơn trăm cảnh sát và lính cứu hỏa; Đệ nhị thập quân của Hạ Long khoảng 7.500 người, Đệ thập nhất quân và Đệ nhị  thập tứ soái của Diệp Đĩnh khoảng 5.500 người. Tất cả ước chừng hai vạn người, đây là lực lượng chủ yếu của khởi nghĩa Nam Xương. Vào thời gian đó, Hạ Long còn chưa là đảng viên cộng sản, nhưng ông đã thể hiện thái độ kiên quyết đi theo cách mạng bất chấp thành bại thế nào. Công việc chuẩn bị khởi nghĩa tiến hành rất thuận lợi. Quân địch ở trong thành và ngoại ô Nam Xương có 6 đoàn, trong đó có 2 đoàn là quân Vân Nam, đoàn trưởng là những người rất quen biết Chu Đức. Buổi tối ngày 31 tháng 7, Chu Đức mời họ tới ăn cơm, sau khi ăn cùng nhau đánh mạt chược khiến quân của 2 đoàn này không có người chỉ huy trở thành rắn không đầu rất dễ đánh bại. 2 giờ sáng ngày 1 tháng 8 trong thành Nam Xương vang lên tiếng súng của quân khởi nghĩa, sau mấy giờ giao tranh, toàn thành Nam Xương đã bị quân khởi nghĩa chiếm giữ. Sau khi khởi nghĩa thành công, Ban Chấp hành tiền tiêu giao cho Hạ Long làm Tổng chỉ huy toàn quân, Lưu Bá Thừa làm Tham mưu trưởng. Theo kế hoạch đã định trước, quân khởi nghĩa sẽ dời Nam Xương, đánh chiếm khu vực Đông Giang ở Quảng Đông để xây dựng căn cứ địa, sau đó sẽ tiến đánh Quảng Châu, chuẩn bị tiến hành Bắc phạt trở lại. Trên đường hành quân về hướng nam, thời tiết rất nóng bức, thuốc men và lương thực đều thiếu thốn, bộ đội chỉ khỏe mạnh chừng một phần ba. Nhưng cũng có những người không quản gian lao tiếp tục gia nhập quân khởi nghĩa. Trần Nghị chính là một người rất tiêu biểu cho lực lượng này, ông đã đưa một phần quân do mình chỉ huy cùng hành quân.
Sau khi đánh bại quân địch ở Hội Xương, Giang Tây, quân khởi nghĩa tiến vào Phúc Kiến, chiếm Trường Thinh rồi tạm dừng để củng cố lực lượng. Sau đó, họ tiến về Quảng Đông, đến huyện Đại Phố, giao cho quân của Chu Đức bảo vệ đập Tam Hà, đề phòng quân địch ở huyện Mai, quân chủ lực tiến về Triều Châu, Sán Đầu. Khi ấy, toàn quân có chưa đầy một vạn người, trong khi quân địch có tới hơn 2 vạn 7 nghìn người. Trong trận đánh ngày 28 tháng 9, quân khởi nghĩa thương vong hơn 2.000 người, đạn dược đều đã cạn, không thể tiếp tục chiến đấu nên phải rút lui. Cả hai nơi vừa chiếm được là Sán Đầu và Triều Châu đều thất thủ, quân lính đều phải phân tán. Ngày 2 tháng 10, trong trận đánh ở đập Tam Hà , quân của Chu Đức cũng bị tổn thất rất lớn. Sau đó, Chu Đức và Trần Nghị đưa quân còn lại sau trận đánh đập Tam Hà chuyển về Giang Tây, phía nam của Hồ Nam, cuối cùng, tới Tỉnh Cương sơn, hội quân với Mao Trạch Đông. Quân khởi nghĩa các nơi tập trung lại tham gia các cuộc đấu tranh vũ trang ở địa phương.
Khởi nghĩa Nam Xương tuy thất bại nhưng đó là cuộc chiến đấu đầu tiên chống lại phe phản động Quốc dân đảng, từ đó đảng cộng sản Trung Quốc  đã tìm ra và mở đầu con đường lấy nông thôn bao vây thành thị, đó là một cống hiến xuất sắc cho quá trình đấu tranh. Năm 1933 nước Cộng hòa Xô viết Lâm thời Trung Quốc  đã quyết định lấy ngày 1 tháng 8 làm ngày lễ thành lập quân đội nhân dân của Trung Quốc.
Sau đó không lâu, theo chỉ thị của Trung ương, Trương Thái Lôi, Diệp Đĩnh lại phát động khởi nghĩa ở Quảng Châu, Mao Trạch Đông chỉ huy khởi nghĩa ở Hồ Nam, khởi nghĩa Thu Thụ tiếp giáp với Giang Tây. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang này tiếp theo khởi nghĩa Nam Xương đã mở đầu cho những sự kiện trọng đại là mở đầu cuộc chiến tranh cách mạng lần thứ hai và sự ra đời của Hồng quân Trung Quốc.

Chú thích:
  • Chính biến 12.4: ngày 12 tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch sử dụng những phần tử lưu manh tấn công lực lượng công nhân ở Thượng Hải, sau đó giải trừ lực lượng công nhân vũ trang. Khi công nhân tuần hành phản đối lại ra tay đàn áp, rồi tuyên bố “Thanh đảng”, quyết liệt đấu tranh với đảng cộng sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét