Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21. 01. ĐẠO TẶC VIÊN THẾ KHẢI

 Người dịch: Dương Đình Giao
Sau khi khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ, triều đình nhà Thanh hoảng loạn, lúng túng, không có khả năng đối phó, các nước đế quốc khi ấy cho rằng, chỉ có Viên Thế Khải mới có thể ổn định được tình hình. Nhiếp chính vương Tải Phong chưa có cách nào, đành cử nguời tới gặp Viên Thế Khải.
Viên Thế Khải từ nhỏ đã theo nghiệp binh, sau đó, nhờ tham gia đánh dẹp quân Nghĩa Hòa Đoàn, dựa vào Lý Hồng Chương, ông ta thành lập Tân thức lục quân hình thành Quân hệ Bắc Dương (1) chỉ nghe lệnh một nguời duy nhất là bản thân ông ta. Thấy quyền hành của ông ta quá lớn, triều đình nhà Thanh sợ tiếm quyền bèn cách chức. Viên Thế Khải về nhà mặc áo vải, đội mũ rơm, suốt ngày uống rượu, câu cá, không màng gì tới chuyện chính trị, nhưng bên trong, vẫn ngầm liên hệ mật thiết với quân phiệt Bắc Dương, đợi thời cơ sẽ xuất chính, nắm đại quyền.
Bây giờ cơ hội quả nhiên đã tới, nghe nói được nhận chức Tổng đốc Hồ Quảng, ông ta điện báo cho Tải Phong:
– Cái chân của tôi đang đau chữa vẫn chưa khỏi nên không thể nhận chức vụ này.
Tải Phong hiểu Viên Thế Khải đang làm cao nên cử Hiệp lý đại thần Từ Thế Xương tới gặp Viên Thế Khải để hỏi rõ nguồn cơn. Viên Thế Khải nói với Từ Thế Xương:
– Điều kiện của tôi là phải tổ chức Quốc hội, cải tổ nội các (2). Tôi phải được toàn quyền chỉ huy thủy lục quân toàn quốc. Nếu không thỏa mãn được những điều kiện đó, cái chân của tôi chắc không thể khỏi được!
Sau khi nghe Từ Thế Xương báo cáo những điều kiện do Viên Thế Khải đưa ra, Tải Phong để cứu sự diệt vong, đành phải chấp nhận cho Viên Thế Khải làm Khâm sai đại thần, để cho ông ta nắm được binh quyền cả nước; không lâu sau, lại để Viên Thế Khải làm Tổng lý nội các, cải tổ nội các. Khi thấy toàn bộ đại quyền đã nắm trong tay, Viên Thế Khải mới tới Bắc Kinh nhận việc.
Tôn Trung Sơn lúc này đã từ hải ngoại trở về, những nguời thuộc đảng cách mạng không chấp nhận Viên Thế Khải thuộc một phe khác phản đối, cuộc hội nghị 17 tỉnh (3) được tổ chức ở Nam Kinh, bầu Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống lâm thời. Nguyên đán năm 1912, Tôn Trung Sơn tới Nam Kinh nhậm chức, thành lập Chính phủ Trung Hoa Dân quốc lâm thời, định năm này là Quốc dân nguyên niên.
Viên Thế Khải lúc ấy chưa muốn mang toàn bộ sức mạnh trấn áp cách mạng mà muốn liên hợp cùng với cả phe phản đối trong chính phủ lâm thời nên tiến hành đàm phán, sau đó, đòi Tôn Trung Sơn phải từ chức để tự mình làm Đại Tổng thống của Trung Hoa Dân quốc. Vì sự nghiệp cách mạng, sau khi cân nhắc thiệt hơn, Tôn Trung Sơn đồng ý từ chức chức vụ Đại Tổng thống nhưng cũng đưa ra điều kiện Hoàng đế Tuyên Thống của nhà Thanh phải thoái vị.
Vì thế, Viên Thế Khải lập tức tiến hành những hoạt động buộc nhà vua thoái vị. Đầu tiên, ông ta nhờ Công sứ Nga điện báo yêu cầu nhà vua thoái vị, sau đó, tới ngày 16 tháng 1 năm 1912, bản thân Viên Thế Khải đích thân yêu cầu. Vua Tuyên Thống khi ấy chỉ là một đứa trẻ mấy tuổi, quyền hành trong tay Thái hậu Long Dụ (4). Một hôm, Viên Thế Khải thấy Thái hậu Long Dụ bèn nước mắt lưng tròng, mũi sụt sịt nói với Thái hậu:
– Toàn bộ hải quân đã phản biến, Bắc Kinh giờ đây rất khó giữ, chính phủ Nam Kinh đang muốn đánh lên phía bắc, quân đội của thần thật  khó mà chống đỡ. Trừ phi Hoàng thượng phải  thoái vị, thực hành chế độ Cộng hòa mới có thể đánh đổi lấy sự ưu đãi, không còn con đường nào khác. Nếu lưỡng lự không quyết, tình hình sẽ rất khó nói.
Nghe Viên Thế Khải nói như thế, Thái hậu Long Dụ vô cùng hốt hoảng, khóc khóc mếu mếu không biết làm thế nào. Thái hậu mấy lần triệu tập Hoàng thân quốc thích trong Hoàng tộc, tất cả ai cũng tranh cãi suốt nửa ngày mà chẳng tìm được cách nào giải quyết. Không lâu sau, một đại thần là Lương Bật đồng thời là nguời trong Hoàng tộc bị ám sát, Hoàng thân quốc thích đều tuyệt vọng, đua nhau bỏ trốn, ai cũng chỉ sợ thiệt đến thân. Long Dụ Thái hậu thấy không thể cứu vãn nổi, đành chấp nhận để Hoàng đế thoái vị.
Viên Thế Khải đồng ý, nói chỉ cần Hoàng đế thoái vị, niên hiệu Hoàng đế vẫn có thể bảo lưu, vẫn ở trong Hoàng cung, mỗi năm, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc sẽ cấp cho Hoàng thất 4.000.000 nguyên, các tài sản của Hoàng tộc được đảm bảo. Ngày 12 tháng 2 năm 1912, Thái hậu Long Dụ tuyên bố Hoàng đế Tuyên Thống thoái vị. Sự thống trị của triều đình nhà Thanh sau hơn 260 năm kết thúc, chế độ quân chủ chuyên chế sau hơn hai nghìn năm cũng cáo chung.
Viên Thế Khải lập tức điện báo cho Chính phủ Nam Kinh:
– Cộng hòa là quốc thể tốt nhất, tôi sẽ hết lòng cố gắng vì nó để vĩnh viễn không bao giờ chính thể quân chủ còn có thể trở lại Trung Quốc.
Nhận được điện báo của Viên Thế Khải, Tôn Trung Sơn đồng ý từ chức, giao chức vị Đại Tổng thống cho ông ta. Nhưng để cảnh giác, Tôn Trung Sơn sợ Viên Thế Khải phá hoại “Lâm thời ước pháp”, ông đưa ra ba điều kiện trước khi từ chức: một là, chính phủ lâm thời phải đặt ở Nam Kinh để ngăn chặn Viên Thế Khải với thế lực phong kiến ở phía bắc; hai là, khi Tân Đại Tổng thống nhậm chức ở Nam Kinh, Đại Tổng thống mới từ chức; và thứ ba Tân Đại Tổng thống phải tuân thủ “lâm thời ước pháp”. Sau đó, Tôn trung Sơn cử Thái Nguyên Bồi (5) tới Bắc Kinh đón Viên Thế Khải về Nam Kinh nhậm chức.
Bắc Kinh là trung tâm thế lực của Viên Thế Khải, ông ta tất nhiên không muốn dời tới Nam Kinh để bị kiềm chế. Nhưng bên ngoài, ông ta vẫn hoan nghênh Thái Nguyên Bồi, nói:
– Tôi đã sớm chuẩn bị tới Nam Kinh nhậm chức.
Nhưng bên trong, ông ta ngầm cho tay chân đứng đầu là Tào Côn làm một cuộc “binh biến”. Thái Nguyên Bồi tới Bắc Kinh được mấy ngày, đêm ấy, tiếng súng đột nhiên vang lên khắp nơi, lính tráng tới khắp nơi đốt phá, cướp bóc, nơi ở của Thái Nguyên Bồi cũng không tránh được lộn xộn. Viên Thế Khải giải thích với Thái Nguyên Bồi là quân lính làm binh biến để phản đối Viên Thế Khải dời Bắc Kinh. Những nguời ủng hộ Viên Thế Khải còn làm những bài văn dài, nói: “Viên Thế Khải không thể dời Bắc Kinh, dời Bắc Kinh nhất định sẽ phát sinh biến loạn. Chính phủ lâm thời phải đặt ở Bắc Kinh.”  Thái Nguyên Bồi cùng những nguời đi cùng bị lừa dối, họ không ngờ đây đều là những màn kịch do Viên Thế Khải dựng nên. Họ điện báo về chính phủ Nam Kinh và Tôn Trung Sơn: “Cần bỏ yêu cầu Viên Thế Khải về Nam Kinh, để ông ta tuyên thệ nhậm chức ở Bắc Kinh”. Tôn Trung Sơn thấy dù phản đối cũng chẳng có tác dụng gì, một lần nữa nhượng bộ, giao ấn chương Đại Tổng thống, đồng ý để Viên Thế Khải nhậm chức ở Bắc Kinh, đưa Chính phủ lâm thời về Bắc Kinh.
Ngày 10 tháng 3 năm 1912, Viên Thế Khải nhậm chức Đại Tổng thống ở Bắc Kinh. Nước Cộng hòa của  giai cấp tư sản do Tôn Trung Sơn lãnh đạo đã “nửa đường đứt gánh”.Viên Thế Khải, kẻ đại diện cho thế lực phong kiến và đế quốc đã đánh cắp thành quả của cách mạng Tân Hợi, mở đầu ách thống trị của Quân phiệt Bắc Dương. Nhiệm vụ của cách mạng dân chủ do giai cấp tư sản lãnh đạo chưa hoàn thành.

Chú thích:
  • Dưới triều Thanh cả nước chia Tân quân thành 36 trấn, trong đó Bắc Dương đại thần nắm trong tay quân Bắc Dương có 6 trấn, đó là đội quân tinh nhuệ của triều Thanh. Viên Thế Khải khống chế quân Bắc Dương, đó là cái gốc để có thể chi phối thời cuộc lúc này.
  • Cuối đời Thanh thực hành Tân chính, từ năm 1911, dựa theo mô hình phương Tây thành lập nội các khiến Viên Thế Khải và các quan nguời Hán bất mãn.
  • Ngày 8 tháng 11 năm 1911, 17 tỉnh mở hội nghị ở Nam Kinh tuyên bố độc lập, tiến cử Đại Tổng thống lâm thời. Tôn Trung Sơn trúng cử.
  • Long Dụ Thái hậu (1868 – 1913)Nguời Hoàng Kỳ, Mãn Châu triều Thanh. Năm 1899 được ;ập Hoàng hậu, sau khi vua Quang Tự chết, Tuyên Thống nối ngôi, bà được tôn làm Hoàng Thái hậu, buông rèm thính chính.
  • Thái Nguyên Bồi (1868 – 1940) nhà cách mạng dân chủ của giai cấp tư sản, nguời Thiệu Hưng, Chiết Giang, đỗ Tiến sĩ thời Quang Tự. Năm 1904, tham gia thành lập Quang Phục hội, sau đó du học ở Đức tới khởi nghĩa Vũ Xương về nước. Năm 1916, làm HIệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh. Sau sự biến “Cửu nhất bát” chủ trương kháng Nhật, phản đối Tưởng Giới Thạch thống trị độc tài.
Chia sẻ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét