Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20.21. LIÊN QUÂN ANH PHÁP HỎA THIÊU VIÊN MINH VIÊN

 Người dịch: Dương Đình Giao
Viên Minh viên nằm ở Hải Điện, tây bắc ngoại ô Bắc Kinh, chu vi khoảng 15 km, là khu vườn của Hoàng gia triều Thanh. Viên Minh viên được xây dựng từ đời Khang Hy, đến thời Ung Chính được mở rộng, thời Càn Long đã được tôn tạo với quy mô lớn nhất. Qua từng đời vua, khu vườn này đều được sửa chữa, mở rộng ít nhiều. Trong vườn có hơn 200 công trình kiến trúc đẹp đẽ, cung điện, đền miếu, biệt thự, vườn hoa, bảo tháp, rừng cây, núi, hồ, cầu, động, … cái nào cũng vô cùng ngoạn mục, hoành tráng. Nó kết hợp lối kiến trúc Trung Quốc và phương Tây, vẫn được coi là “vạn viên chi viên”.
Nhưng, “vạn viên chi viên” này tới năm 1860 đã bị đại hỏa thiêu. Vì sao lại có sự việc này?
Vốn là, sau khi cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất kết thúc, Anh, Pháp cùng các nước phương Tây khác không ngừng bộc lộ dã tâm bành trướng xâm lược Trung Quốc, họ chưa vừa ý khi ký kết “Điều ước Nam Kinh, yêu cầu phải có sự bổ sung, thêm vào các điều khoản để gia tăng những lợi ích của họ ở Trung Quốc. Nhưng những yêu cầu vô lý đó bị triều đình nhà Thanh cự tuyệt. Vì thế, Anh Pháp tìm cách tăng cường vũ lực, tạo nên sự kiện “Mã Thần phủ” “Á La hiệu” (1), rắp tâm tạo nên một cuộc chiến tranh phi nghĩa mà lịch sử gọi là cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ hai. Trong chiến tranh, quân Anh  và Pháp câu kết thành liên quân Anh Pháp, rất nhanh chóng xâm chiếm Quảng Châu, Quảng Tây, Tổng đốc Diệp Danh Thám (2) bị bắt. Tiến thêm một bước, họ lại yêu cầu triều đình nhà Thanh phải tới Thượng  Hải để cùng đàm phán, nếu không họ sẽ tiến công Bắc Kinh. Triều đình nhà Thanh ấu trĩ, chủ quan cho rằng Anh, Pháp và các nước chẳng qua chỉ muốn cùng Trung Quốc buôn bán, việc nói tiến công Bắc Kinh chỉ là để đe dọa nên không chú ý phòng ngừa. Mãi tới khi quân Anh, Pháp đưa thuyền chiến tới cửa Đại Cô, Thiên Tân mới hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề, bất đắc dĩ phải cùng quân Anh, Pháp nghị hòa, lần thứ hai phải ký kết hiệp ước bất bình đẳng làm nhục quốc thể, đó là “Điều ước Thiên Tân” (3). Trước sự uy hiếp của quân Pháp, vua Hàm Phong rất bất mãn, đọc các điều khoản trong Điều ước nhà vua càng hối hận, quyết định không chấp hành những điều khoản đã ký. Quân Anh Pháp tức giận, một lần nữa đưa quân tiến lên phía bắc, đưa thuyền chiến từ Thiên Tân tới Bắc Kinh, huy động toàn bộ quân đội ở Trung Quốc mở cuộc xâm lược đại quy mô. Để triệt để khuất phục triều Thanh, quân Anh Pháp quyết định tiến vào Bắc Kinh, đánh thẳng vào Hoàng cung. Triều đình nhà Thanh tuy đã bố trí quân đội phòng thủ nhưng trước sự tiến công của quân Anh Pháp, quân triều đình không dám kháng cự, đua nhau bỏ chạy, cuối cùng, Bắc Kinh bị chiếm đóng. Nhà vua cùng với các hậu phi, các hoàng tử và các vương công đại thần lúc này đã dời Tử Cấm thành tới sơn trang Thừa Đức tỵ nạn.
Sau khi tiến vào bắc Kinh, liên quân Anh Pháp bắt đầu tiến hành cuộc cướp bóc, thảm sát vô nhân đạo. Của cải, tiền bạc trong nội thành Bắc Kinh đều trở thành mục tiêu cướp bóc của họ. Viên Minh viên vẫn được coi là “vạn viên chi viên” mà nguời Anh, nguời Pháp đã biết từ lâu nay trở thành nơi họ  cơ hội để tha hồ cướp bóc, đốt phá.
Ngày 6 tháng 10 năm 1860, bộ binh Pháp và kỵ binh Anh tiến vào Viên Minh viên. Quân triều đình có kháng cự nhưng rất nhanh chóng bị đánh lui, Viên Minh viên rơi vào tay quân xâm lược,  bắt đầu xảy ra thảm họa.
Tiến vào cướp bóc ở Viên Minh viên đầu tiên là quân Pháp, ngày đầu, họ đã có những hành động dã man vô sỉ, nhưng còn có vẻ lén lút, vụng trộm. Một nguời phiên dịch đã kể lại: “Trong các nhà đều đầy đồ cổ, chúng ta có thể xem chẳng khác gì như vào các viện bảo tàng khiến ai cũng vô cùng ngạc nhiên. Nguời Pháp  rất thích thú trước những đồ vật này nên bắt đầu ra tay. Vàng bạc cùng những đồ vật quý nhỏ bé được nguời Pháp lấy đi với tốc độ chóng mặt. Rất nhanh chóng, những món đồ quý giá đó được cho vào những cái túi. Chỉ khoảng sau 10 phút đồng hồ, chỉ huy nguời Pháp ra lệnh tất cả phải dừng lại, nghiêm cấm cướp bóc. Quân Pháp lại quay sang tơ lụa và đá quý. Nguời nào cũng cầm những vật quý đưa cho tôi xem, hỏi tôi nó có giá bao nhiêu tiền. Vì là nguời phiên dịch, đồng thời cũng là Thái giám nên tôi biết rõ tất cả, họ hỏi tôi mà không lo ngại gì. Nguời ta đưa tôi xem nhiều vật quý, có cái hộp bút khảm nhiều viên kim cương, những cái bình hoa khảm đầy ngọc quý.”
Nhưng đến ngày hôm sau, cái gọi là lệnh “nghiêm cấm cướp bóc” đã hoàn toàn không còn giá trị. Sự lén lút, giấu giếm đã biến mất, trở thành cuộc cướp bóc đại quy mô. Sự có mặt của nguời Anh đã nhanh chóng đưa cuộc cướp bóc lên cao trào. Mọi quân nhân đều đã dời bỏ doanh trại hướng tới Viên Minh viên. Trong nhà, nguời ta xếp các vật lấy được vào trong những  cái hòm, nguời đội trên đầu, nguời cầm trong tay các đồ vật đã lấy được. Họ vứt lại những đồ vật ít giá trị, chỉ thấy tiếng tranh cãi, chửi rủa, reo lên sung sướng, những hành động tranh cướp, thậm chí đánh nhau, … rồi bỏ đi đắc ý với những chiến lợi phẩm của mình. Nguời ta nhìn thấy cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy như trong một cái tổ kiến bị giẫm vào. Có những anh lính đội  trên đầu cái hòm sơn đỏ của Hoàng hậu, một số khác trên nguời chất đầy tơ lụa, nhung gấm, lại có những nguời nhét tất cả những viên đá quý vào túi quần, túi áo sơ-mi, trong mũ, thậm chí trước ngực còn treo lủng lẳng một cái vòng cổ quý giá. Binh lính có nguời dùng đại đao đập vỡ các đồ gia dụng để lấy những viên đá quý, có nguời lính còn đập nát cả những bức chạm khắc cầu kỳ, vô cùng tinh xảo chỉ để lấy một viên kim cương, tóm lại, thấy cái gì có thể lấy được là họ tìm mọi cách dù phải phá hủy biết bao những công trình nghệ thuật tuyệt mỹ. Chỉ có thể nói đó là những hành động vô cùng tàn bạo với bao tác phẩm mỹ thuật để thỏa lòng tham khôn cùng.
Nhưng số phận của Viên Minh viên cũng chưa dừng lại ở đó. Sau khi cuộc cướp bóc hoàn thành, liên quân Anh Pháp quyết định thiêu hủy Viên Minh viên. Buổi sớm ngày 18 tháng 10, dưới sự chỉ huy của một vị tướng, liên quân đã chuẩn bị rất nhiều điểm thiêu hủy. Sau một hiệu lệnh, những ngọn lửa ngày càng bốc cao. Khói tụ thành những vòng tròn rồi cùng lan nhanh làm trời đất tối sầm lại. Biết bao nhiêu  đống lửa ngày càng bốc cao, cháy rừng rực. Tất cả các đền miếu, cung điện, những kiến trúc cổ kính vốn là niềm tự hào từ lâu nay đều  sụp đổ rồi biến thành đống tro tàn. Do Viên Minh viên rất rộng lớn, lửa khó có thể thiêu rụi được tất cả, liên quân lại tổ chức những đội quân đi khắp nơi kiểm tra, thấy gì còn sót lại đều đốt hết. Lửa cháy suốt hai ngày hai đêm. Cuối cùng, Viên Minh viên trở thành một đống tro tàn, chỉ còn lại những bức tường cháy đen chưa kịp đổ sập. Công trình kiến trúc đồ sộ là tinh hoa của biết bao tài năng trí tuệ, được làm nên bởi bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu xương trong phút chốc đã bị tàn phá.
Ngọn lửa hỏa thiêu Viên Minh viên là tội ác của những đội quân xâm lược với nhân dân Trung Quốc, cũng chính đã thể hiện vai trò của triều đình nhà Thanh vô năng, hủ bại. Đó là nỗi đau không thể nào nguôi của biết bao nguời dân  Trung Quốc cho tới tận bây giờ.

Chú thích:
  • Mã Thần phố: sự kiện xảy ra tháng 2 năm 1856, nhà truyền giáo Pháp bị quan viên địa phương giết chết ở Quảng Tây. Á La hiệu xảy ra tháng 10 năm 1856. Quân Anh và Pháp dựa vào đó làm cớ để gây chiến.
  • Diệp Danh Thám (1807 – 1859), nguời Hán Dương, Hồ Bắc (nay là Vũ Hán), đỗ Tiến sĩ đời Đạo Quang, năm 1852, làm Tổng đốc Lưỡng Quảng kiêm Thông thương đại thần. Năm 1857 bị quân Anh Pháp bắt.
  • “Thiên Tâm điều ước”: ký kết giữa Trung Quốc với Anh và Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét