Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 37. 72 LIỆT SĨ HOÀNG HOA CƯƠNG

 Người dịch: Dương Đình Giao
Sau khi thành lập Đồng Minh hội, Tôn Trung Sơn đã lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang, trong đó cuộc khởi nghĩa quan trọng nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất là cuộc khởi nghĩa Quảng Châu ngày 27 tháng 4 năm 1911. Đó chính là cuộc khởi nghĩa vẫn được gọi bằng cái tên “Khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương”.
Trước cuộc khởi nghĩa này không lâu, Đồng Minh hội đã từng có lần tổ chức khởi nghĩa ở Quảng Châu nhưng không thành công. Lúc đó, tinh thần cách mạng sa sút nghiêm trọng, mọi người vô cùng bi quan thất vọng.
Tôn Trung Sơn nhận thấy phải nhanh chóng thay đổi tình hình, ông chỉ ra một cách sâu sắc triều đình nhà Thanh đã tới mức cùng đường mạt lộ, sự diệt vong không còn bao lâu, cần phải một lần nữa tiến hành khởi nghĩa, thúc đẩy phong trào cách mạng đi lên.
Những nguời lãnh đạo Đồng Minh hội khác như Hoàng Hưng (1), Triệu Thanh, … cũng triệt để tán thành, họ cho rằng tuy những cuộc khởi nghĩa trước có thất bại, nhưng cơ sở cách mạng là Tân quân (2) ở bên ngoài thành Quảng Châu vẫn giữ được liên hệ, ngay trong thành, các đồng chí cách mạng cũng còn rất đông, cơ sở cách mạng vẫn vững chắc, vì thế, họ quyết định cuộc khởi nghĩa vẫn sẽ nổ ra ở Quảng Châu. Hoàng Hưng làm nhiệm vụ Phó tổng chỉ huy, vào Quảng Châu trước để làm công việc chuẩn bị.
Tiếp đó, Tôn Trung Sơn ở hải ngoại tích cực quyên góp tiền bạc mua vũ khí đạn dược từ Nhật Bản, Việt Nam vận chuyển đến Quảng Châu. Ở Quảng Châu, Hoàng Hưng vừa liên lạc với các đồng chí trong thành để tổ chức khởi nghĩa vừa tích cực động viên binh lính Tân quân tham gia vào các hoạt động cách mạng. Chính trong thời gian đó, một hội viên của Đồng Minh hội là Ôn Sinh Tài đã tự phát ám sát Tướng quân Quảng Châu. Sự việc này khiến triều đình nhà Thanh hết sức chú ý, cho quân phong tỏa nghiêm mật thành Quảng Châu, hết sức chú ý đến những hành động của nguời thuộc đảng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa dần tới ngày hành động, nhưng binh lính Tân quân bỗng nhiên bị cấm trại, toàn bộ tình thế đã hoàn toàn thay đổi.
Bất đắc dĩ, Hoàng Hưng đành phải ra lệnh hủy bỏ việc khởi nghĩa, các lực lượng vũ trang của cách mạng đã tập trung gần Quảng Châu cũng phải giải tán. Nhưng Hoàng Hưng cũng đồng thời nghĩ, nếu giải tán các lực lượng này, tất cả những nỗ lực đã bỏ ra đều là vô ích cũng khiến các hoạt động ủng hộ cách mạng của nguời Hoa ở nước ngoài bị ảnh hưởng, cuộc vận động ủng hộ cho cách mạng sẽ gặp những khó khăn vì thế, ông quyết định “liều chết một phen”. Sau khi đã hạ lệnh hoãn, ông nói với các đồng chí xung quanh mình:
– Tôi đã tới Quảng Châu thì không thể quay lại. Mọi người đều có thể từ chối, nhưng Hoàng Hưng này quyết sống chết ở nơi đây.
Nhưng những đồng chí bên cạnh ông cũng có cùng suy nghĩ như thế. Nghe Hoàng Hưng nói xong, Như Lâm Văn cũng biểu thị thái độ:
– Tuy một cuộc khởi nghĩa đại quy mô không thể tiến hành, nhưng chúng ta vẫn có thể tiến hành ám sát một số kẻ nào đó. Anh đã xác định quyết tâm như thế, chúng tôi cũng quyết sẽ hy sinh tính mạng ở đây.
Dụ Bồi Luân cũng nói:
– Đúng, không thể nhát gan, tôi cũng tham gia.
Nhiều đồng chí bên cạnh Hoàng Hưng là từ những nơi xa muôn trùng đã tới đây, vốn đã mang quyết tâm chẳng xá gì cái chết, tới lúc này cũng hoàn toàn tán thành. Khi ấy lại có một tin đưa tới: trong số quân triều đình vừa bổ sung cũng có một số binh lính sẵn sàng ủng hộ những nguời cách mạng tiến hành khởi nghĩa.
Vì thế, buổi tối ngày hôm ấy, Hoàng Hưng quyết định mang một đội quân ở Quảng Châu làm tiên phong dốc toàn lực vẫn theo kế hoạch cũ, chuẩn bị đánh chiếm trụ sở chính quyền hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, một bộ phận chuẩn bị đánh vào cửa bắc thành Quảng Châu.
Chiều ngày 27 tháng 4, đội ngũ mới tập trung, có những nguời tới không kịp. Dụ Bồi Luân vẫn được gọi là “Tạc đạn đại vương” và Lâm Văn cùng mọi người đã phân phối súng đạn, dao găm vào buổi sáng. Nhiều nguời ở các tỉnh như Phúc Kiến, có nguời ở hải ngoại trở về, thậm chí có những nguời ở Hông Công cũng mãi sáng hôm sau mới có mặt. Nguời ở huyện Hoa tỉnh Quảng Đông là đông nhất, dường như toàn nguời họ Từ, vốn là những nông dân tự do, cũng có những nguời từ Việt Nam trở về. Mãi tới buổi chiều, đội ngũ mới có thể xuất phát, rồi hơn 50 hội viên Đồng Minh hội do Đàm Nhân Phượng chỉ huy cũng tới. Đàm Nhân Phượng nói với Hoàng Hưng ở Hương Cảng còn rất nhiều đồng chí chưa đến kịp. có thể chờ thêm một ngày. Hoàng Hưng trả lời:
– Lão tiên sinh, mọi việc đã chuẩn bị hết cả rồi, không nên làm mọi người hoang mang.
Nghe xong, Đàm Nhân Phượng im lặng không nói gì, cũng như những nguời khác, bịt khăn trắng lên đầu, chuẩn bị chiến đấu. Ông nói với Hoàng Hưng:
– Cho tôi một khẩu súng.
Hoàng Hưng nhìn ông đầu bịt khăn trắng, nói:
– Lão tiên sinh, sau này còn có nhiều việc khác cần đến ông. Đây là đội cảm tử, ông không nên tham gia.
Đàm Nhân Phượng nghe xong vẻ không vui:
– Tôi dám chết, lẽ nào Đàm Nhân Phượng này lại sợ chết?
Không còn cách nào khác, Hoàng Hưng bèn giao cho ông một khẩu súng.
Đàm Nhân Phượng chưa dùng súng bao giờ, ông huơ khẩu súng lên rất phấn chấn. Hoàng Hưng nhìn cảnh giác, kêu lớn:
– Lão tiên sinh đừng làm thế.
Nói chưa dứt câu, một tiếng súng nổ vang, đạn bắn lên tường. Đàm Nhân Phượng bỏ chạy, Hoàng Hưng vội cầm lấy khẩu súng, nói:
– Lão tiên sinh, đừng sợ, đừng sợ!
Đàm Nhân Phượng vừa ngượng vừa sợ, không nói tới việc xin tham gia chiến đấu nữa.
5 giờ 30 phút chiều, bộ đội do Hoàng Hưng chỉ huy xuất phát, nhằm thẳng tỉnh  đườngLưỡng Quảng. Lâm Văn cầm hiệu ốc, không ngừng thổi “tu tu”, họ hiên ngang đi vào cuộc chiến đấu.
Đây là một cuộc chiến đấu có nhiều phần tuyệt vọng vì nó xảy ra trong hoàn cảnh không thuận lợi. Hơn một trăm nguời dưới sự chỉ huy tiến đánh phủ quan, khi tới nơi họ phát hiện những tòa nhà trống không. Hình như quan viên triều đình sớm có sự chuẩn bị, đã bỏ đi từ trước đó. Các tờ báo địa phương hôm ấy đều đăng tin quan viên các cấp có cuộc khai hội, Hoàng Hưng và mọi người tới lúc này mới biết. Sau khi ra khỏi phủ quan, đội cảm tử gặp đội tuần phòng Quảng Châu. Lâm Văn tin rằng trong đó có những đồng chí sẵn sàng hưởng ứng nhưng hoàn toàn không hề có tín hiệu gì chứng tỏ có sự thỏa thuận từ trước. Một chiến sĩ vội vàng nổ súng bắn chết Ôn Đới Hùng chính là nguời đã có những  liên hệ trước đây. Thế là cuộc chiến đấu đã xảy ra, cục diện trở thành rối loạn.
Hơn một trăm nguời trong thành tả xung hữu đột, ai ai cũng tỏ ra hết sức dũng cảm. Trong khi xông vào phủ quan, Hoàng Hưng bị đạn bắn trúng đứt hai ngón tay phải nhưng vẫn cùng các đồng chí chiến đấu, vừa đánh vừa rút. Sau đó, các chiến sĩ bị lạc, may mắn gặp một cửa hàng bán quần áo nhỏ, bèn thay đổi quần áo mới thoát được. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt đêm, phần lớn chiến sĩ đều trúng đạn hoặc bị bắt, số nguời còn sống sót chẳng được là bao.
Trong lần khởi nghĩa này, đã có hơn 80 nguời hy sinh, trong đó có 72 nguời được mai táng ở Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu. Đây chính là “72 liệt sĩ Hoàng Hoa Cương” nổi tiếng.

Chú thích:
  • Hoàng Hưng (1874 – 1916) nguời Thiện Hóa, Hồ Nam (nay là Trường Sa). Năm 1902, lưu học sinh tại Nhật Bản, tham gia sáng lập tạp chí “Du học dịch biên”. Khi về nước sáng lập Hoa Hưng hội, năm 1905, cùng Tôn Trung Sơn sáng lập Đồng Minh hội. Sau khởi nghĩa Vũ Xương, chỉ huy dân quân tác chiến. Sau đó làm Tổng trưởng lục quân chính phủ lâm thời. Tham gia cách mạng lần thứ hai, sau khi thất bại làm Thủ lĩnh Hội nghiên cứu châu Âu ở Mỹ. Năm 1916 về nước rồi bị bệnh chết.
  • Tân quân:Tân vũ lục quân được biên chế và huấn luyện theo lối Âu Mỹ cuối triều Thanh, lực lượng chủ yếu trong khởi nghĩa Vũ Xương và Quang Phục các tỉnh.
  • Dụ Bồi Luân (1886 – 1911) nguời Nội Giang, Tứ Xuyên. 1905 lưu học sinh ở Nhật Bản, năm 1908 gia nhập Đồng Minh hội. Tích cực tham gia các vụ ám sát. Năm 1911, tham gia rồi hy sinh trong khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương. Năm 1912, được chính phủ Nam Kinh truy tặng “Đại tướng quân”.
  • Đàm Nhân Phượng (1860 – 1920), nguời Tân Hoa, Hồ Nam. Năm 1906 giá z nhập Đồng Minh hội sau tham gia bộ máy lãnh đạo Đồng Minh hội Trung bộ. Sau khởi nghĩa Vũ Xương, tham gia cách mạng lần thứ hai. Thất bại, sang Nhật. Năm 1916, về nước tiếp tục tham gia chống Viên Thế Khải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét