Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 09. CUỘC TRANH GIÀNH NGÔI BÁU

  Người dịch: Dương Đình Giao
Vua Ung Chính Dận Chân là Hoàng đế thứ 3 sau khi triều Thanh nhập quan. Nhà vua sinh ngày 30 tháng 10 năm 1678, là con thứ 4 của vua Khang Hy.
Không thật giống như các vị Hoàng đế triều Thanh khác khi nối ngôi, Dận Chân được kế thừa ngôi vua sau khi giành phần thắng trong những cuộc tranh giành quyết liệt cùng với các anh em.
Cuối đời Khang Hy, các Hoàng tử đều tranh nhau làm Thái tử, việc này xảy ra trong vòng khoảng hai mươi năm, nó đã có những ảnh hưởng lớn tới tình hình triều chính đương thời. Vốn là, khi vua Khang Hy còn là một chàng trai mới 22 tuổi, đã sách lập con trai chưa đầy 2 tuổi là Doãn (Dận) Nhưng làm Thái tử. Nhưng sau khi làm Thái tử, Doãn Nhưng có rất nhiều hành vi khiến vua cha không hài lòng. Anh ta là nguời tham lam, tình cảm buồn vui thất thường. Năm 13 tuổi, mọi người cho anh ta là nguời ngang ngạnh bướng bỉnh, thích giết nguời. Với các đại thần trong triều hay những nguời thân thích trong Hoàng thất, anh ta không biết tôn trọng, thích chửi là chửi, thích đánh là đánh.. Khi cùng vua cha tới các nơi xem xét thường thích nhận quà cáp của quan lại ở địa phương. Biết những chuyện ấy, nhà vua thường mắng Doãn Nhưng nhất định sẽ chỉ là một ông vua hại dân hại nước. Tình cảm cha con giữa vua Khang Hy và Doãn Nhưng đã có nhiều thay đổi. Năm 1690, trên đường đi đánh Cát Nhĩ Đan, vua Khang Hy bị bệnh, nhớ tới Doãn Nhưng, cho gọi tới, nhưng Doãn Nhưng thấy bệnh của vua cha chưa có biểu hiện gì đáng lo ngại nên tỏ ra thờ ơ. Vua Khang Hy cho rằng Doãn Nhưng là nguời không hiếu đạo (2), tức giận, đuổi về Bắc Kinh. Năm 1708, Thái tử biết không còn được sự tin cậy của vua cha, trên đường cùng vua cha tuần du đã có ý đồ không tốt. Nhưng Khang Hy biết được, sự chịu đựng đã quá giới hạn, nhà vua hạ lệnh phế truất. Việc Hoàng Thái tử bị phế khiến các Hoàng tử đều có cơ hội tranh giành ngôi báu, vì thế, một cuộc đua tranh quyết liệt đã diễn ra giữa các Hoàng tử. Ai cũng muốn thử sức, nguời nào cũng  có những biểu hiện để lấy lòng trước mặt vua cha, Dận Chân là nguời có vẻ từng trải hơn, có những biểu hiện khiêm nhường nhưng rõ ràng, tỏ ra hơn hẳn các Hoàng tử khác, vì thế, dần giành được cảm tình của Hoàng đế.
Khi ấy, các Hoàng tử coi Thái tử mới bị phế như hòn đá đã ném xuống giếng, chẳng ai còn thèm để ý, chỉ có Dận Chân là còn hay trò chuyện với anh ta. Một lần, vua Khang Hy chuẩn bị cử hành nghi thức tuyên đọc quyết định phế truất Thái tử trước Trời Đất. Trước đó, nhà vua muốn hỏi ý kiến, Doãn Nhưng nói với vẻ không vui:
– Chức Thái tử của con là do Hoàng thượng cho, nay Hoàng thượng muốn phế thì phế, sao còn phải cáo với Trời Đất?
Nghe những lời nói ấy, Khang Hy vô cùng tức giận, nói:
– Hoàng đế là do Trời ban cho, Thái tử cũng như vậy. Một việc lớn như thế sao có thể không tế cáo với Trời Đất? Con ăn nói hồ đồ như thế, từ nay trở đi, con không cần nói gì với ta nữa.
Doãn Nhưng nói:
– Hoàng thượng có thể nói con đã làm những điều không đúng, nhưng con hoàn toàn không có ý định hãm hại nguời khác. Các Hoàng tử nhất định sẽ thay con nói điều này với Hoàng thượng.
Các Hoàng tử nghe thấy cho rằng Hoàng thượng đã nghi oan, nói những điều chưa đúng với Doãn Nhưng nhưng không ai muốn nói lại giúp anh ta. Chỉ có Dận Chân nói:
– Việc của Doãn Nhưng rất quan trọng, cần phải nói để Hoàng thượng rõ.
Thấy các Hoàng tử khác vẫn thơ ơ, Dận Chân bèn nói:
– Mọi người không nói thì tôi sẽ tìm Hoàng thượng để nói.
Biết thái độ của Dận Chân, vua cha Khang Hy rất cảm động. Trong khi cùng tranh giành ngôi báu, anh em ai cũng chỉ biết phận mình, thái độ của Dận Chân rõ ràng là hiếm có, biểu hiện là nguời rất có tâm.
Khang Hy nói Dận Chân làm như thế là “thâm minh đại nghĩa”, đoàn kết được anh em, cả quốc và gia đều có lợi, vì thế, bắt đầu chú ý tới Dận Chân. Trong cuộc tranh giành ngôi vua, các Hoàng tử đều có rất nhiều thủ đoạn khiến triều chính bị ảnh hưởng, quốc gia nhiều khi bất an khiến vua Khang Hy vừa lo vừa giận, cuối cùng mang bệnh nặng. Các đại thần trong triều cùng các Hoàng tử tỏ ra không quan tâm. Ai cũng chỉ cần cư xử cho phải phép, không thật quan tâm đến sức khỏe của nhà vua. Điều duy nhất họ quan tâm là ai sẽ thừa kế ngôi báu sau khi Hoàng đế qua đời. Tới thăm hỏi nhà vua, điều ai cũng quan tâm là trong số các Hoàng tử, ai sẽ là nguời được nối ngôi.
Vua Khang Hy rất chán nản, chỉ có Dận Chân là tỏ ra quan tâm đến sức khỏe của nhà vua, Dận chân thường nói:
– Hoàng thượng, nguời là cái gốc của Đại Thanh. Nguời cần phải hết sức bảo vệ sức khỏe. Bây giờ, nguời đã bị bệnh, cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tìm thầy tìm thuốc để điều trị, làm sao để mau khỏi bệnh còn lo việc quốc gia. Còn việc nguời kế thừa ngôi báu, cứ đợi tới khi nguời khỏi bệnh sẽ suy nghĩ, không cần phải vội vàng.
Nghe nói, Khang Hy gật đầu như được an ủi.
Dận Chân vội tiếp lời:
– Hoàng thượng, con tuy không hiểu về y học, nhưng có thể lấy sinh mạng của con đảm bảo, nếu tìm được thầy, được thuốc,  chữa cả cơ thể và tinh thần, nguời nhất định sẽ khỏe mạnh. Nếu chữa không khỏi thì cứ giết con đi.
Nghe nói, nhà vua càng cảm động, tiếp nhận lời thỉnh cầu của con. Cuối cùng, Dận Chân chính là nguời đã tìm được thầy giỏi, thuốc hay, khiến sức khỏe của nhà vua dần được hồi phục. Trong lòng nhà vua, Dận Chân ngày càng được chú ý.
Về sau, vua Khang Hy thấy cuộc chiến tranh giành ngôi báu diễn ra quá tàn khốc, cục diện ngày càng hỗn loạn. Để ổn định tình hình, nhà vua lại lấy Doãn Nhưng làm Thái tử. Nhưng như ngựa quen đường cũ, Doãn Nhưng  vẫn chứng nào tật ấy, không hề thay đổi. Không còn cách nào khác, Khang Hy phải phế truất lần thứ hai, cuộc tranh giành ngôi báu giữa các Hoàng tử ngày càng nóng lên.
Dận Chân lúc bấy giờ, sau mấy năm vẫn không có động thái gì nhưng trong lòng Khang Hy, Hoàng tử này càng được vua cha coi trọng. Nhà vua bèn bí mật tập hợp một số đại thần xung quanh Hoàng tử, để Dận Chân trở thành một lực lượng không thể coi thường. Đến lúc ấy, một đứa trẻ đã có sự giúp đỡ to lớn mang tính quyết định  cho Dận Chân, khiến vị Hoàng tử này cuối cùng giành được ngôi báu.. Đứa trẻ này chính là Hoằng Lịch, nguời con thứ 5 của Dận Chân, nguời sau này trở thành Hoàng đế Càn Long.
Về cuối đời, cuộc tranh giành ngôi vua giữa các Hoàng tử khiến Hoàng đế Khang Hy rất buồn phiền, vì thế ông ít có thời gian được vui vẻ.Là một Hoàng đế, nhưng vua cũng là một ông lão, trong lòng luôn luôn cảm thấy cô đơn trống trải. Mùa xuân năm 1722, Khang Hy tới thưởng hoa ở vườn Minh Viên, đang lúc thanh nhàn, Dận Chân nói với cha ông có một nguời con trai, đó là cháu Hoằng Lịch của vua cha. Khang Hy lập tức gọi tới. Thấy Hoằng Lịch thông minh nhanh nhẹn, nhà vua thấy rất vui, liền cho giữ lại trong cung, luôn cho ở bên mình, ngày ngày cùng với chú bé học tập và vui chơi. Về sau, gặp mẹ của Hoằng Lịch, Khang Hy nhận xét đó là một nguời đàn bà phúc hậu. Mùa đông năm 1722, vua Khang Hy mất, đứa trẻ xuất hiện trong những ngày cuối cùng cuộc đời nhà vua có ý nghĩa quan trọng, đó là một nguyên nhân trọng yếu để nhà vua quyết định Dận Chân kế thừa ngôi báu.
Sau khi mất, nhà vua để lại một mật chiếu, chính thức tuyên bố Dận Chân làm Hoàng đế, đó chính là Hoàng đế Ung Chính. Trong dân gian có rất ng truyền thuyết nói về cuộc tranh giành ngôi báu của Ung Chính, đó là những cuộc cạnh tranh mà các đối thủ luôn luôn không cam chịu thất bại, đó là những câu chuyện được hư cấu một cách cố ý, không đáng tin cậy.

Chú thích:
  • Doãn (Dận) Nhưng (1674 – 1725): con thứ của Thanh Thánh Tổ (Khang Hy), mẹ là Hiếu Thành Hoàng hậu, hai lần bị phế truất, bị chết trong ngục, được truy phong Lý Mật Thân vương.
  • Hiếu là quan niệm luân lý cổ đại Trung Quốc.
  • Viên Minh viên: vườn rừng của Hoàng gia đời Thanh, là một tổ hợp các cung điện và vườn nằm cách thành Bắc Kinh8 km về phía tây bắc, được xây vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, là nơi các hoàng đế của nhà Thanh ở và cai quản triều chính, đã bị  quân AnhPháp và các nước phá hủy hoàn toàn năm 1860.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét