Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 07. KHANG HY BA LẦN ĐÁNH CÁT NHĨ ĐAN

 Người dịch: Dương Đình Giao
Sau khi triều Nguyên diệt vong, con cháu của Thành Cát Tư Hãn lui về ngoài biên giới, cư trú ở Nam Bắc sa mạc, từ đó dần hình thành ba bộ phận: Mạc Bắc Mông Cổ, Mạc Nam Mông Cổ và Mạc Tây Mông Cổ. Các bộ phận này thường muốn thôn tính lẫn nhau, rồi lại cùng nhau xuống phía nam quấy nhiễu nội địa. Sau đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực đã dùng nhiều biện pháp, trong đó có tạo quan hệ thông gia và liên minh, chinh phục được Mạc Nam Mông Cổ, tiến hành “Minh kỳ chế” (1). Mạc Nam Mông Cổ trở thành nguời bạn đáng tin cậy của triều Thanh.
Mạc Bắc Mông Cổ cũng gọi là Khách Nhĩ Khách Mông Cổ, sau Mạc Nam Mông Cổ cũng kiến lập quan hệ triều cống, hàng năm đều tiến cống triều Thanh lạc đà trắng, tám đôi ngựa bạch, gọi là “cửu bạch chi cống”. Nhưng về sau, một bộ phận cư trú ở phía tây núi Thái Sơn của Mạc Bắc Mông Cổ không ưng thuận hợp tác. Mạc Bắc Mông Cổ còn gọi là Ách Lỗ Đặc Mông Cổ, chia thành bốn bộ phận: Đỗ Nhĩ Bá Đặc, Thổ Nhĩ Hộ Đặc, Hòa Thạc Đặc và Chuẩn Cát Nhĩ, trong đó, Chuẩn Cát Nhĩ là hùng mạnh nhất, nó khống chế Hòa Thạc Đặc và Đỗ Nhĩ Bá Đặc, đẩy Thổ Nhĩ Hộ Đặc tới lưu vực sông Von-ga của nước Nga, đuổi nguời của Hòa Thạc Đặc tới Thanh Hải, Tây Tạng.
Sau khi khống chế được khu vực xung quanh dãy núi An-tai, Chuẩn Cáp Nhĩ tiếp tục tiến quân về phía đông, muốn giành được vùng Mạc Bắc rộng lớn. Các bộ lạc của Khách Nhĩ Khách chống lại không nổi với kỵ binh của Chuẩn Cát Nhĩ, đành phải chạy về hướng Mạc Nam xin Hoàng đế Khang Hy bảo hộ. Vua Khang Hy đem thảo nguyên Khoa Nhĩ Thấm  cho họ cư trú, lại cho thêm nhiều gia súc, chè vải vóc rồi cử nguời đi khuyên Đầu mục của Chuẩn Cát Nhĩ  đưa quân trở về khu vực núi An-tai, vùng đất cũ của nguời Khách Nhĩ Khách. Nhưng Cát Nhĩ Đan cho rằng mình binh hùng tướng mạnh, không những không thèm đếm xỉa yêu cầu của Khang Hy, còn mang mười vạn đại quân tiến vào Mạc Nam Mông Cổ, thảo nguyên Ô Chu Mục Thấm, muốn giao tranh với vua Khang Hy.
Thấy Cát Nhĩ Đan tỏ ra ngông cuồng, uy hiếp tới sự an toàn của triều Thanh, năm Khang Hy thứ 29 (1690), vào lúc thời tiết thuận lợi, ngựa béo quân khỏe, vua Khang Hy ra lệnh tiến đánh. Ông đích thân đem quân đóng ngoài thành, cử anh của mình là Thục thân vương làm Đại tướng quân đưa quân lên phía bắc tới Ô Lan Bố Thông, cách Bắc Kinh bảy trăm dặm cùng quân Chuẩn Cát Nhĩ giao chiến.
Quân Cát Nhĩ Đan chưa từng cùng quân Thanh giao chiến bao giờ nên chưa rõ địch tình. Họ dựa vào dãy núi nhân tạo, gọi là “Đà thành”, trói chân một vạn con lạc đà, khiến chúng nằm cả xuống đất, lại đặt những cái hòm lên lưng lạc đà,  trên đó phủ vải nỉ ướt rồi đưa quân chủ lực ẩn nấp trong đó, từ phía sau những cái hòm đó, bắn tên về phía địch.  Quân Thanh sau khi bày trận, dùng pháo oanh kích vào “đà thành”, bắn chết rất nhiều lạc đà, sau đó bộ binh và kỵ binh xung trận khiến quân Chuẩn Cát Nhĩ đại bại. Cát Nhĩ Đan biết không thể thắng nổi quân Thanh , chờ đêm tối, rút lui, ngày hôm sau, cử nguời tới trại quân Thanh xin hàng.
Đại tướng quân triều Thanh lập tức cử nguời về gặp Hoàng đế báo cáo chiến quả, lại cử sứ thần tới trại quân Cát Nhĩ Đan, bắt Cát Nhĩ Đan thề trước “uy kinh Phật”, bảo đảm không xâm phạm đất triều Thanh. Cát Nhĩ Đan vội cử sứ thần quỳ trước “Uy linh Phật”, khấu đầu, thái độ tỏ ra rất chân thành. Sứ thần triều Thanh  chứng kiến cảnh ấy rất yên tâm ra về.
Nhận được báo cáo quân Cát Nhĩ Đan đã đầu hàng, vua Khang Hy vẫn chưa yên tâm, sợ Tướng quân mất cảnh giác, liền cho nguời truyền lệnh với Đại tướng quân:
– Cát Nhĩ Đan là kẻ xảo quyệt, không thể chủ quan!
Lệnh chưa tới nơi, Cát Nhĩ Đan đã bỏ trốn.
Cát Nhĩ Đan bỏ cả xe cộ, cùng quân lính bỏ chạy, trên đường rút, nổi lửa thiêu đốt đồng cỏ, muốn ngăn cản đường truy đuổi của quân Thanh. Trên đường chạy, quân lính ốm mà chết, đói mà chết không thể đếm xuể, về tới nơi, điểm lại, mười vạn đại quân chỉ còn được mấy nghìn nguời. Để triệt để cô lập Cát Nhĩ Đan, tháng 5 năm sau, vua Khang Hy đích thân tới Đa Luân (nay ở đông nam khu tự trị Nội Mông Cổ), triệu tập các Vương công Mông Cổ khai hội. Trước khi mở hội, có tổ chức nghi thức duyệt binh.
Buổi sớm ngày duyệt binh, khôi giáp quân lính sáng choang, vũ khí tề chỉnh, tất cả toát lên vẻ uy dũng hùng tráng không đâu sánh kịp. Một lát sau, hiệu giác nổi lên, Hoàng đế Khang Hy mặc áo giáp vàng, lỏng tay cương trên con tuấn mã bước tới. Chỉ thấy một nguời đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, thân thể cường tráng, khuôn mặt hao gầy, hai con mắt tinh anh như có thần, toát lên vẻ cương nghị. Vua Khang Hy nhận triều bái của các chư vương, đại thần, vương công, Hoàng tử Mông Cổ, sau đó đi duyệt các đội kỵ binh Mông Cổ. Nhà vua thành thạo tiếng Mông Cổ, trò chuyện thân mật cùng các vương công. Mọi người càng thêm kinh ngạc vì sau khi  nghi thức duyệt binh hoàn tất, trước lời khẩn cầu của các Vương công, nhà vua bắn liền mười phát tên, chín mũi tên đã trúng hồng tâm. Lúc ấy, tất cả reo lên như sấm động, mọi người đều tung hô vạn tuế. Sau đó, nhà vua ban thưởng cho những nguời đã có công trong việc giúp đỡ quân Thanh  đánh bại quân Cát Nhĩ Đan, với những kẻ đã báo tin để Cát Nhĩ Đan bỏ chạy, nhà vua cũng ra lệnh trừng phạt. Các vương công Mông Cổ thấy nhà vua không những thuần thục việc binh mã, lại có thái độ thưởng phạt rất nghiêm minh, đều bày tỏ thái độ chân thành cảm phục.
Vua Khang Hy dựa vào cách biên chế của Hoàng Thái cực với Mạc Nam Mông Cổ, chia Mạc Bắc Mông Cổ thành 37 kỳ. Vì nguời Mông Cổ đều theo Lạt Ma giáo (2), nhà vua hạ lệnh xây dựng ở Đa Luân ngôi chùa đặt tên Hối Tông tự. Để kỷ niệm cuộc hội minh thắng lợi này, nhà vua còn đích thân viết bài văn bia, lệnh cho lập bia đặt tại chùa.
Cát Nhĩ Đan tuy đã thất bại, nhưng dã tâm vẫn chưa từ bỏ. Năm năm sau, hắn lại mang ba vạn kỵ binh xâm nhập vùng Ba Nhan Ô Lan, cướp bóc trắng trợn, lại còn huênh hoang sẽ mượn thêm sáu vạn ô thương (3) của nước Nga tiến đánh vào nội địa.
Nhận được tin, Hoàng đế Khang Hy lập tức tổ chức cuộc chinh phạt lần thứ hai. Quân Thanh tập kết dưới chân núi Chiêu Mạc Đa (ở đông nam thủ đô U-lan-ba-to của Mông Cổ hiện nay) cùng quân Cát Nhĩ Đan quyết chiến. Giết được hơn nghìn quân địch, bắt sống hơn ba nghìn tên, thu được rất nhiều ngựa, bò, dê, lạc đà cùng các trang bị khí giới, quân Thanh buộc quân Cát Nhĩ Đan  phải bỏ chạy. Nhận được tin chiến thắng, vua Khang Hy vô cùng vui vẻ, lệnh cho lập bia đặt dưới chân núi Chiêu Mạc Đa ghi lại sự kiện này.
Khi ấy, cháu của Cát Nhĩ Đan được sự ủng hộ của vua Khang Hy đã chiếm được một vùng ở phía tây núi An-tai vốn là đất cũ của Chuẩn Cát Nhĩ để chống lại Cát Nhĩ Đan. Cát Nhĩ Đan muốn trở về vùng đất cũ mà không được, đành thu tập tàn binh bại tướng  tới phía đông dãy núi An-tai tạm trú, săn thú, bắt cá sống qua ngày. Suốt bao nhiêu năm liên tục đưa quân xâm lược, cuộc sống của nguời Chuẩn Cát Nhĩ không được ổn định, họ ngày càng căm hận Cát Nhĩ Đan, những nguời thân cận lần lượt bỏ đi, cuối cùng chỉ còn lại có hơn một nghìn. Vua Khang Hy biết tin này, liền cho nguời đến nói với hắn:
– Chỉ cần nhà ngươi đầu hàng, vào triều nhận tội, Hoàng thượng nhất định sẽ đối xử tử tế với bản thân ngươi cùng Khách Nhĩ Khách Mông Cổ.
Nhưng Cát Nhĩ Đan không chấp thuận, cự tuyệt đầu hàng.
Để tránh hậu họa, năm Khang Hy thứ 36 (1697), nhà vua lần thứ ba chinh phạt. Được tin, Cát Nhĩ Đan cho con tới Cáp Mật mượn quân. Không ngờ, Cáp Mật vương cho bắt con của Cáp Nhĩ Đan đem nộp cho triều Thanh. Những nguời thân tín xung quanh ông ta thấy thế bèn bỏ chạy hoặc ra hàng quân Thanh. Cáp Nhĩ Đan hạ trại nơi đâu, cũng nhận được những lời cảnh báo khẩn cấp khiến hắn ngày đêm không thể ở yên, nhiều đêm không được một giấc ngủ ngon. Hắn như mê sảng, thường nói với những nguời xung quanh:
– Nguời trên thế giới có thể như thế này được không? Nghe nói Hoàng thượng tới đâu, ngay trên sa mạc cũng xuất hiện cam tuyền, cỏ xanh mọc lên từ đá tảng, Trời giúp ông ta hay sao?
Qua nhiều ngày, thấy những nguời gần gũi bỏ đi càng nhiều, hắn uống thuốc độc tự sát. Tay chân của hắn hơn ba trăm nguời mang xương cốt và con gái của hắn nộp cho Hoàng đế Khang Hy, sau đó đều đầu hàng.
Hoàng đế Khang Hy hạ lệnh ân xá cho các bộ Chuẩn Cát Nhĩ đã xâm nhập vào nội địa, phong cho con Cát Nhĩ Đan làm Thị vệ nhất đẳng, nhập Trương Gia Khẩu vào Cáp Nhĩ kỳ. Nhà vua lại biên chế các bộ Khách Nhĩ Khách Mông Cổ thành 55 kỳ, ra lệnh cho họ trở về chân núi An-tai cư trú. Nhà vua còn hạ lệnh đặt một tấm bia ở đó, ghi lại việc bình định Cát Nhĩ Đan.
Sau lần chống phản loạn này, khu vực nguời Mông Cổ sinh sống mới bắt đầu ổn định.

Chú thích:
  • Minh kỳ chế: chế độ thống trị thực hành từ 1624 tới 1771 tại khu Nội Mông Cổ, Tân Cương, Thanh Hải, … dưới triều Thanh. Mạc Nam Mông Cổ được chia thành 6 minh, 24 bộ, 49 kỳ. Kỳ là đơn vị hành chính, quân sự cơ bản.
  • Lạt Ma giáo: tức Phật giáo Tạng truyền
  • Ô thương: một loại hỏa khí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét