Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19.04. CHU ĐỆ GIẢ ĐIÊN CƯỚP NGÔI

 Người dịch: Dương Đình Giao
Tháng 5 năm 1398, Chu Nguyên Chương bị bệnh mất. Hoàng Thái tử Chu Tiêu đã mất từ sớm, Hoàng Thái tôn Chu Doãn Văn kế thừa ngôi vua, đổi niên hiệu thành Kiến Văn, ông chính là vua Kiến Văn Đế.
Chu Doãn Văn tuy đương kim Hoàng đế, nhưng luôn trong tâm trạng lo lắng vì những nguời chú đang ở khắp nơi vốn đã xem thường mình, đặc biệt là nguời chú thứ tư Chu Đệ đang trấn thủ Bắc Bình (nay là Bắc Kinh). So với các Thân vương, đây là nguời có binh lực dồi dào, thế lực mạnh nhất.
Một hôm, Kiến Văn Đế mời thầy mình là Hoàng Tử Trừng vào Hoàng cung, hỏi:
– Tiên sinh, ngài vẫn còn nhớ những lời nói ở Đông Giác môn chứ?
Hoàng Tử Trừng trả lời:
– Thần cho đến chết cũng không dám quên.
Kiến Văn Đế thận trọng nói tâm sự của mình:
– Theo ý kiến tiên sinh, giờ ta phải làm thế nào?
– Thần sẽ đi tìm Binh bộ Thượng thư Tề Thái để bàn việc này.
Việc này là việc gì vậy? Vốn là sau khi Chu Doãn Văn được lập làm Hoàng Thái tôn, thấy không được những nguời chú coi trọng đã bàn bạc cùng với Hoàng Tử Trừng. Ở Đông Giác môn, Chu Doãn Văn hỏi Hoàng Tử Trừng:
– Hoàng thượng  còn, các chú sẽ không dám coi thường ta; nhưng khi Ngài  mất rồi ta làm sao có thể chế phục được những nguời chú này?
Hoàng Tử Trừng trả lời:
– Các Thân vương tuy đều có quân đội, nhưng binh lực ai cũng có hạn, không thể so với binh lực của triều đình. Nếu các Thân vương phát động phản loạn, triều đình có quyền đưa quân đi đánh dẹp. Nhà vua đưa quân thảo phạt phản loạn là điều hợp đạo lý, nhất định sẽ giành được thắng lợi. Xin Hoàng Thái tôn không phải lo lắng.
Thực ra, những lời nói ấy chỉ là để an ủi Chu Doãn Văn, trong lòng Hoàng Tử Trừng cũng đã rõ, chế phục được các Thân vương này không phải là chuyện dễ dàng. Giờ đây, Chu Doãn Văn đã lên ngôi Hoàng đế, vấn đề nhức nhối này đã cấp bách ở trước mắt. Câu hỏi của Hoàng đế khiến Hoàng Tử Trừng không thể không suy nghĩ. Ông ta tìm đến Tề Thái, nói nỗi lo lắng của Kiến Văn Đế. Tề Thái nói:
  • Bây giờ, trong các Thân vương, Chu Đệ có lực lượng mạnh nhất . Muốn ngăn chặn, trước hết phải trừ được Chu Đệ.
Hoàng Tử Trừng gật đầu, nói:
– Chu Đệ đã sớm có sự chuẩn bị, nếu để cho ông ta ra tay trước, tất sẽ dẫn tới đại loạn. Chi bằng chúng ta ra tay trước, hạ thủ các Thân vương khác, diệt những Thân vương có quan hệ mật thiết với Chu Đệ. Chu vương là em ruột của Chu Đệ, cần phải diệt ông ta đầu tiên.
Tề Thái đồng ý với mưu kế của Hoàng Tử Trừng, họ lập kế hoạch rồi lập tức bẩm báo với Kiến Văn Đế. Vừa hay lúc đó, có nguời báo Chu vương mưu phản, Kiến Văn Đế cử Đại tướng Lý Cảnh Long (3) mang quân tới Khai Phong, tranh thủ lúc Chu vương chưa có chuẩn bị, bao vây phủ Chu vương. Chu vương bị bắt, áp giải về Kinh thành. Kiến Văn Đế hạ lệnh phế trừ tước phong của Chu vương, biếm làm dân thường, đưa đi Vân Nam.
Sau khi xử lý xong vụ án Chu vương mưu phản, một số Thân vương khác như Tương vương, Đại vương, …cũng có liên lụy đều bị Kiến Văn Đế phế hoặc bắt giam. Trong vòng chưa đầy một năm, Kiến Văn Đế đã phế truất tước vị của năm phiên vương.
Chu Đệ thấy tình hình như vậy, trong lòng cũng sợ hãi. Để có thể tránh được tai họa, ông ta quyết định thực hiện kế sách giả điên. Chủ ý đã có, Chu Đệ làm đầu tóc rối tung, quần áo trên nguời rách tơi tả, vừa cười ha hả vừa đi như chạy trên đường phố. Chạy theo sau ông ta là biết bao nhiêu trẻ con. Chu Đệ tới trước mấy quán ăn, lấy thịt mà ăn rồi lấy rượu mà uống, rồi còn lấy đồ ăn phân phát cho đám trẻ con đang vây quanh. Chạy chán tới khi mệt, Chu Đệ lăn ngay trên đường ngủ. Nguời trong phủ  đưa về nhà bị ông ta đánh chửi. Chỉ tới ngày hôm sau, dân chúng ở Bắc Bình chẳng ai không biết Chu Đệ bị điên.
Ở thành Bắc Bình có hai nguời, một là Trương Bính và một là Tạ Quý đều là nguời của Kiến Văn Đế cử tới giám sát Chu Đệ. Nghe nói Chu Đệ bị điên, họ đều không tin, quyết định cùng nhau tới tận nhà Chu Đệ để xem hư thực. Hôm Trương Bính và Tạ An tới nhà Chu Đệ, thấy nhà đông khác thường. Tiết trời nóng bức, hai nguời toát cả mồ hôi len được vào. Thoáng thấy cảnh tượng bên trong, hai nguời đã vô cùng kinh ngạc. Chu Đệ cởi trần trùng trục, ngồi bên cạnh lò than mà vẫn rét run cầm cập.
Hai nguời vội tới trước mặt thỉnh an Chu Đệ:
– Vương gia, ngài có được khỏe không?
– Các nguời còn chưa ăn cơm à? Chu Đệ không trả lời câu hỏi, nói tiếp:
– Lại đây, uống rượu!
Trương Bính và Tạ quý thấy cảnh tượng ấy đều cho Chu Đệ điên là thật. Họ vội ra về, viết một mật thư cho nguời mang về kinh thành. Nhưng Chu Đệ cũng không phải như thế đã thoát nạn. Không lâu sau, Kiến Văn Đế ra một đạo Thánh chỉ, bãi hết tước vị của Chu Đệ, hạ lệnh bắt tất cả quan lại thuộc hạ, mang quân tiến về Bắc Bình tới bao vây nhà của Chu Đệ.
Chu Đệ cũng vội tập hợp quan tướng trong tay mình, nói với họ:
– Triều đình có hai kẻ tiểu nhân là Hoàng Tử Trừng và Tề Thái, họ kích động Hoàng thượng tàn sát các Thân vương, thật là tội ác muôn vạn lần chết! Hôm nay, ta, Chu Đệ buộc phải khởi binh, hy vọng các vị Tướng quân theo ta cùng diệt trừ hai tên gian tặc này.
Các tướng đồng thanh ủng hộ, cùng Chu Đệ tiến ra trận. Là nguời trí dũng song toàn, Chu Đệ chỉ huy quân lính thế như chẻ tre, rất nhanh chóng khống chế được một vùng rộng lớn ở Bắc Bình. Ban đầu, Kiến Văn Đế cử Cảnh Bính Văn (3) đánh dẹp Chu Đệ, nhưng Cảnh Bính Văn bị Chu Đệ đánh cho không còn mảnh giáp. Không lâu sau, Kiến Văn Đế phải triệu hồi Cảnh Bính Văn, cử Lý Cảnh Long chỉ huy ba quân.
Nghe nói Lý Cảnh Long cầm quân, Chu Đệ cười ha hả, nói:
– Lý Cảnh Long là kẻ mạt hạng không biết dùng binh. Để cho con người này chỉ huy quân đội thì thắng lợi thuộc về ta không còn nghi ngờ gì nữa!
Chu Đệ nảy sinh một kế, nói với các quan tướng:
– Nếu tự ta trấn thủ Bắc Bình, Lý Cảnh Long quyết không dám tiến công. Giờ đây Vĩnh Bình (nay là huyện Lư Long, tỉnh Hà Bắc) đang nguy cấp, ta trước hết đưa quân trợ giúp cho Vĩnh Bình, thấy thế, hắn nhất định sẽ công thành. Đến khi ấy ta sẽ trở về Bắc Bình, chúng ta sẽ nội công ngoại kích, Lý Cảnh Long nhất định sẽ đại bại.
Quả nhiên, Lý Cảnh Long trúng kế. Biết Chu Đệ mang quân đi cứu viện cho Vĩnh Bình, ông ta vui như mở cờ, cho rằng Chu Đệ đi rồi, thành Bắc Bình bỏ trống sẽ nhanh chóng nằm trong tay mình. Nào ngờ, Lý Cảnh Long trúng kế của  Chu Đệ, bị quân của Chu Đệ đánh cho đại bại. Ngay trong đêm, Lý Cảnh Long bỏ chạy về Đức Châu.
Đến lúc ấy, quân triều đình mất sức chiến đấu, quân Chu Đệ càng đánh càng mạnh. Không ít tướng lĩnh thấy quân Chu Đệ kéo tới liền bỏ chạy hoặc mở cửa thành đầu hàng.
Tháng 5 năm 1402, Chu Đệ huy động toàn bộ sức mạnh nhanh chóng tiến công Nam Kinh. Thành Nam Kinh hỗn loạn, nội cung như có lửa cháy, Kiến Văn Đế từ đó mất ngôi.
Chu Đệ trước các quần thần lên ngôi Hoàng đế, đó là Hoàng đế Vĩnh Lạc. Về sau, ông dời đô về Bắc Kinh, tiến hành một loạt các cải cách, trở thành một ông vua có nhiều cống hiến lớn.
Chú thích:
  • Thân vương: tên tước vị, có từ thời Nam Bắc triều, chỉ phong cho những nguời trong Hoàng tộc.
  • Lý Cảnh Long: nguời Hu Dị, Phượng Dương (nay thuộc Giang Tô), con Lý Văn tTrung, cha chết, con tập tước. cuối cùng đầu hàng Chu Đệ, làm tới Quang Lộc đại phu, Tả trụ quốc.
  • Cảnh Bính Văn (1335 – 1404), nguời Hào Châu (nay là Phượng Dương, An Huy), tập chức của cha làm Tổng quản quản quân, Thân quân chỉ huy sứ. Năm 1404 tự sát do bị hặc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét