Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ-18.06. “THẠCH NHÂN NHẤT XUẤT THIÊN HẠ PHẢN”

 Người dịch: Dương Đình Giao
Cuối triều Nguyên, sông Hoàng Hà đoạn Hà Nam, Sơn Đông nhiều lần đê vỡ. Khi ấy, có quan viên đã nói với vua Nguyên Thuận Đế (1):
– Đê Hoàng Hà vỡ, không thể làm gì được. Bởi vì dân chúng giờ đang suốt ngày kêu khổ. Nếu huy động mấy mươi vạn nhân công, sợ rằng dân chúng sẽ khổ hơn.
Nhưng nhà vua không thể nghe theo lời khuyên ấy.
Mùa xuân năm 1351, triều Nguyên tập hợp 15 vạn nhân công của 13 lộ vùng Biện Lương, Đại Danh (Biện Lương nay là Khai Phong, Hà Nam, Đại Danh nay là Đại Danh, Hà Bắc) để chỉnh trị Hoàng Hà. Triều đình còn hạn định trong vòng 4 tháng, đến tháng 7 phải hoàn thành.
Thời hạn rất khẩn trương, chỉnh trị Hoàng Hà lại là công việc cần rất nhiều sức lực, vét bùn, chuyển đá, đắp đê, … việc nào cũng vô cùng nặng nhọc. Dân chúng làm việc vất vả quên cả ngày đêm, nhưng kinh phí chi cho việc này triều đình nhỏ giọt, lại còn bị quan lại các cấp cắt xén. Dân công đói không được ăn no, luôn mồm kêu khổ, cuộc sống vô cùng vất vả, còn bị đánh đập tàn nhẫn. Càng ngày sự phẫn nộ càng tích tụ, oán hận càng gia tăng.
Trước tình cảnh ấy, thủ lĩnh của giáo phái Bạch Liên giáo (2) là Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông bàn nhau quyết định nhân cơ hội này phát động quần chúng nổi dậy.
Họ biết việc đào sông nhất định phải qua Hoàng Lăng Cương (nay ở đông bắc Lan Khảo, Hà Nam), đây là nơi cư trú của những nguời thợ đục đá. Tới nơi, họ vừa ngầm bảo những nguời thợ tạc một pho tượng nguời đá chỉ có một mắt rồi khắc  vào sau lưng nguời  đá mười bốn chữ: “Hoàng đạo thạch nhân nhất chỉ nhãn, Tỷ vật nhất xuất thiên hạ phản”, rồi đem nguời  đá ấy chôn xuống đất, vừa cho mấy trăm tín đồ Bạch Liên giáo tới những nơi đang đào đất, chuyển đá truyền tụng hai câu ca dao:
“Hoàng đạo thạch nhân nhất chỉ nhãn,
Khiêu động Hoàng Hà thiên hạ phản.”
Dân chúng còn chưa hiểu hai câu ca có ý gì, nhưng nghe nói tới ba chữ “thiên hạ phản” thì cảm thấy ngày đổi đời đã tới. Khi công việc đào đắp tới vùng Hoàng Lăng Cương, có mấy nguời đào được tượng nguời bằng đá một mắt. Bao nhiêu nguời hiếu kỳ tụ tập lại xem,  thấy nguời đá chỉ có một mắt, rất lạ lùng. Sự việc này rất nhanh chóng được truyền đi khắp nơi ai cũng nghĩ, lời ca sẽ ứng nghiệm, khi thấy nguời đá xuất hiện họ tin rằng ngày nổi dậy đã tới.
Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông lại nói thêm vào:
– Số trời đã định, Trời bảo phản, Phật tổ bảo phản, liệu chúng ta không phản có được không?
Dân chúng nghe thế, đua nhau hưởng ứng.
Khi ấy, Lưu Phúc Thông nói với Hàn Sơn Đồng:
– Giờ đây triều Nguyên áp bức dân chúng vô cùng khổ sở, mọi người còn nhớ tới triều Tống. Nếu ta giương cao ngọn cờ khôi phục triều Tống, chắc sẽ được nhiều nguời ủng hộ.
Hàn Sơn Đồng rất tán thành chủ trương này, bèn cùng nói với mọi người: Hàn Sơn Đồng vốn không phải là nguời họ Hàn mà là họ Triệu, không những thế, còn là cháu đời thứ 8 của Tống Huy Tông; Lưu Phúc Thông cũng là đời sau của đại tướng Lưu Quang Thế triều Nam Tống. Nghe họ nói vậy, dân chúng đều tin là thật.
Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông chọn ngày, tập hợp mọi người, giết một con ngựa trắng, một con trâu đen, tế cáo Trời Đất. Mọi người bầu Hàn Sơn Đồng làm lãnh tụ, hiệu là Minh vương hẹn ngày khởi nghĩa tại Dĩnh Thượng, Dĩnh Châu (nay là vùng Dĩnh Thượng, Phụ Dương, An Huy), dùng khăn đỏ quấn ngang đầu để làm dấu hiệu quân khởi nghĩa.
Đang lúc uống máu ăn thề, lại nghe bên ngoài có tiếng kêu thất thanh:
– Không được để Hàn Sơn Đồng chạy thoát!
Mọi người nhìn ra, vốn là quan huyện cho quan lính tới đã bao vây xung quanh. Thấy tình hình như thế, mọi người đành phải liều mạng với quan lính. Lưu Phúc Thông sức khỏe hơn nguời, võ nghệ siêu quần, cùng một số nguời quyết tử mở một con đường máu, cuối cùng phá được vòng vây. Hàn Sơn Đồng không may bị bắt rồi đưa về giết ở nha môn. Vợ của Hàn Sơn Đồng mang theo con trai là Hàn Lâm Nhi trốn tránh sự truy đuổi của quan phủ tới Vũ An (nay là Vũ An, Hà Bắc).
Sau khi thoát được vòng vây, Lưu Phúc Thông trở về quê hương ở Dĩnh Châu, theo hẹn trước, tập hợp nông dân khởi nghĩa, đánh chiếm Dĩnh Châu và một số cứ điểm khác. Vốn những nguời đang làm việc đào sông ở Hoàng Lăng Cương nghe tin, cũng giết quan lại đua nhau gia nhập đội ngũ của Lưu Phúc Thông. Vì quân khởi nghĩa trên đầu quấn khăn đỏ nên dân chúng khi ấy gọi họ là Hồng quân, lịch sử gọi họ là quân Hồng cân. Chưa đầy mười ngày, quân Hồng cân đã phát triển tới hơn mười vạn nguời.
Vương triều Nguyên nghe thanh thế của Lưu Phúc Thông ngày càng lớn, vội vàng điều động hơn sáu nghìn quân Sắc mục nhân (3) cùng với quân A tốc và mấy chi quân Hán đàn áp quân Hồng cân. Quân A Tốc vốn là đội quân tinh nhuệ của vương triều Nguyên nhưng vào lúc này đã vô cùng hủ bại, tướng lĩnh chỉ biết ăn chơi rượu chè, lính tráng thì chẳng thiết gì đến chiến trận. Đối mặt với quân Hồng cân, chưa chiến đấu, chủ tướng đã vứt roi ngựa bỏ chạy, quân kỵ thì quay đầu ngựa rút lui, miệng luôn mồm kêu “a bốc! a bốc!” (tiếng Mông Cổ nghĩa là “chạy”). Binh lính thấy chủ tướng chưa lâm trận đã bỏ chạy cũng tán loạn bốn phương.
Được mấy tháng, quân Hồng cân của Lưu Phúc Thông lại liên tiếp đánh chiếm được nhiều thành trì. Nông dân cả vùng Giang Hoài sớm chịu ảnh hưởng của hội Bạch Liên, nghe nói khởi nghĩa của Lưu Phúc Thông đua nhau hưởng ứng, như Từ Thọ Huy ở Kỳ Thủy (Kỳ Thủy nay là Hy Thủy, Hồ Bắc), Quách Tử Hưng ở Hào Châu (nay là Phượng Dương, An Huy) đều giương cờ khởi nghĩa cùng với quân Hồng cân. Cũng có nơi không theo quân Hồng Cân như Trương Sĩ Thành ở phía bắc Giang Tô.
Năm 1354, Nguyên Thuận Đế cử Thừa tướng Thoát Thoát tập trung lực lượng các chư vương và các tỉnh, binh lực của Tây Thành, Tây Phiên xưng là Bách Vạn bao vây đánh phá quân khởi nghĩa của Trương Sĩ Thành ở Cao Bưu. Thành Cao Bưu bị vây hãm. Đang lúc quân khởi nghĩa gặp nguy khốn vương triều Nguyên đột nhiên gặp động loạn, Nguyên Thuận Đế hạ lệnh bãi chức của Thoát Thoát. Bách Vạn của quân Nguyên mất tướng chỉ huy, không đánh mà thua, toàn quân tan rã.
Sau khi quân Nguyên thua chạy, quân khởi nghĩa Lưu Phúc Thông ở phía bắc thừa thế, đại phá quân Nguyên. Tháng 2 năm sau, Lưu Phúc Thông đưa con của Hàn Sơn Đồng là Hàn Lâm Nhi đến Bạc Châu (nay là Bạc Châu, An Huy) chính thức xưng đế, quốc hiệu là Tống. Hàn Lâm Nhi được gọi là Tiểu Minh vương.
Ở Bạc Châu, sau khi Hàn Lâm Nhi và Lưu Phúc Thông kiến lập chính quyền, chia quân làm ba đường, tiến lên phía bắc, thẳng tiến tới thành Đại Đô của triều Nguyên. Vương triều Nguyên hoảng sợ, tập trung mọi lực lượng để trấn áp, quân Hồng cân gặp bất lợi.
Sau đó, vương triều Nguyên dùng cao quan hậu lộc chiêu hàng Trương Sĩ Thành. Lưu Phúc Thông hộ tống Tiểu Minh vương tới An Phong (nay là huyện Thọ, An Huy) bị Trương Sĩ Thành tập kích. Năm 1363, Lưu Phúc Thông hy sinh ở chiến trường. Quân Hồng cân sau 12 năm chiến đấu, cuối cùng thất bại.
Chú thích:
  • Nguyên Thuận Đế (1320 – 1370), ở ngôi 1333 – 1368.
  • Bạch Liên giáo: tôn giáo bí mật thời Nguyên, Minh, Thanh, rất hấp dẫn với quần chúng nghèo khổ.
  • Sắc mục nhân: tên chung chỉ nguời các dân tộc vùng tây bắc, Tây Tạng cho tới châu Âu.
  • Trương Sĩ Thành (1321 – 1367), nguời Bạch Câu Trường, Thái Châu (nay là một phần của Giang Tô). Năm 1357, đầu hàng triều Nguyên, năm 1367 bị Chu Nguyên Chương bắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét