Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 18.03. MAC-CÔ PÔ-LÔ

  Người dịch: Dương Đình Giao
Dưới triều Nguyên, Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh và giàu có vào loại nhất thế giới , sứ giả, thương nhân nguời du lịch đua nhau tới Trung Quốc để mở rộng tầm nhìn. Trong số đó, có Mac-cô Pô lô nguời I-ta-li-a là nổi tiếng nhất.
Mac-cô Pô-lô sinh ra trong một gia đình thương gia ở Vơ-ni-dơ, phía bắc I-ta-li-a. Năm 1260, cha và chú của ông Ni-cô-lô Pô-lô và Ma-phê-ô Pô-lô tới buôn bán ở Kim Trướng Hãn quốc (1), trên đường trở về, khi qua thành Bố Cáp La của Á Tế Á, họ gặp sứ thần của triều Nguyên cử tới Y Lợi Hãn quốc. Vị sứ thần này nói với họ:
– Đại Hãn của chúng tôi chưa được gặp nguời châu Âu, các ông nếu có thể cùng tôi tới Đại Hãn, đảm bảo các ông sẽ được thấy sự giàu có. Còn nữa, nếu các ông cùng chúng tôi tới Trung Quốc thì không có gì phải lo lắng.
 Anh em Ni-cô-lô vốn là những nguời thích du lịch khắp nơi, nghe nói có thể tới Đạn Hãn của Trung Quốc, làm sao họ có thể bỏ qua? Hai nguời đã cùng vị sứ thần nọ tới Thượng Đô (nay ở tây bắc Đa Luân, Nội Mông Cổ). Khi đó, Hốt Tất Liệt mới lên ngôi Đại Hãn chưa lâu, rất nhiệt tình đón tiếp hai nguời, hỏi họ những điều về các nước phương Tây và Giáo hoàng La Mã, nhờ họ nói rõ về cách trị quốc, đánh giặc, tín ngưỡng tôn giáo, v.v…Tất cả các câu hỏi đều được họ trả lời. Anh em Ni-cô-lô chưa có ý định lưu lại Trung Quốc, Hốt Tất Liệt qua họ được biết nhiều điều về châu Âu, đã gửi họ một bức thư cho Giáo hoàng La Mã, mời Giáo hoàng cử nguời tới Trung Quốc truyền giáo. Sau đó, hai nguời chia tay Hốt Tất Liệt,  từ biệt Trung Quốc.
Sau hơn ba năm họ mới về tới Vơ-ni-dơ. Lúc ấy, vợ của Ni-cô-lô đã mất, để lại nguời con là Mac-cô Pô-lô. Năm ấy, Mac-cô Pô-lô đã là một thiếu niên 15 tuổi.
Giáo hoàng La Mã vừa mất, Giáo hoàng mới chưa được bầu, anh em Ni-cô-lô để không phụ lòng Hốt Tất Liệt, quyết định tới Trung Quốc một lần nữa. Lần này, họ cho Mac-cô Pô-lô cùng đi. Lên đường từ La Mã, họ chờ để có được chứng thư của Giáo hoàng mới lên đường. Khi đi tới Ac-mê-ni-a, nghe tin Giáo hoàng đã được bầu, họ quay trở lại để yết kiến Giáo hoàng. Tân Giáo hoàng đã cử hai nhà truyền giáo đi cùng họ tới Trung Quốc. Trên đường đi, hai nhà truyền giáo nghe nói Ac-mê-ni-a đang có biến loạn đều hoảng sợ, đưa văn thư và lễ vật giao cho anh em Ni-cô-lô rồi quay về La Mã.
Hai anh em Ni-cô-lô cùng Mac-cô Pô-lô sau ba năm rưỡi, tới năm Chí nguyên thứ 12 (1275) đã tới Thượng Đô của triều Nguyên. Nguyên Thế tổ vô cùng vui sướng, phong cho ba nguời Vinh dự thị chúng.
Vốn thông minh, Mac-cô Pô-lô đã rất nhanh chóng học được tiếng Mông Cổ và những ngôn ngữ phương Đông khác. Lại là nguời hiểu biết mọi việc, cẩn trọng và chân thành, Mac-cô Pô-lô rất được Hốt Tất Liệt tín cậy. Ông thường triệu Mac-cô Pô-lô vào Hoàng cung, nghe nói về các nước châu Âu và phong tục, hiện trạng của họ, Hốt Tất Liệt rất hứng thú. Mac-cô Pô-lô thích nuôi ngựa, đã viết một áng văn ca ngợi loài bạch mã ở Sơn Tây, Hốt Tất Liệt đọc xong đã mang bức tranh Bát tuấn mã treo trong Hoàng cung thưởng cho Mac-cô Pô-lô.
Ngoài việc đảm nhận nhiều chức vụ ở Đại Đô, Mac-cô Pô-lô còn phụng mệnh Hốt Tất Liệt tuần du các tỉnh hoặc ra nước ngoài. Ông đã từng qua nhiều  nơi, nay là Sơn Tây, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, … đi sâu vào vùng  các dân tộc thiểu số ở Tứ Xuyên, Tây Tạng, tới Vân Nam và phía bắc Miến Điện, có nguời nói ông còn làm quan ở Dương Châu. Sau đó, ông lại phụng mệnh đi sứ tới Nam Dương, qua An Nam, Gia-va, In-đô-nê-xi-a, nhiều nơi thuộc Ấn Độ, Xri Lan-ca,…
Mac-cô Pô-lô cùng cha và chú sống ở Trung Quốc suốt 17 năm, họ rất muốn trở về quê hương Vơ-ni-dơ. Nhân có chuyến ba sứ thần do Đại Hãn của Y Lợi Hãn quốc cử tới xin gả vương phi, Nguyên Thế Tổ quyết định gả Công chúa 17 tuổi Khoát Khoát Chân. Sứ thần Y Lợi Hãn quốc cùng Công chúa từ xuất phát bằng đường bộ, nhưng do vùng Trung Á có chiến tranh, đường đi nguy hiểm nên quay lại Đại Đô. Vừa hay lúc ấy, Mac-cô Pô-lô từ Ấn Độ trở về bằng  đường thủy, báo cáo với Hốt Tất Liệt tình hình các nước vừa đi qua và mọi việc suốt cả hành trình. Ba sứ thần bèn xin cha con Mac-cô Pô-lô cho họ cùng đi đường biển. Hốt Tất Liệt vốn không muốn cha con Mac-cô Pô-lô dời Trung Quốc nhưng vì Công chúa xuất giá, không thể không bằng lòng, nhưng cũng yếu cầu họ sau một thời gian sẽ quay lại Trung Quốc.
Năm Chí Nguyên thứ 29 (1292), cha con Mac-cô Pô-lô, ba nguời chuẩn bị 14 cái thuyền, cùng lương ăn trong hai năm mang theo Quốc thư của Nguyên Thế Tổ cho Quốc vương Pháp, Anh, Tây Ban Nha, lên đường từ Tuyền Châu, Phúc Kiến.
Biển cả sóng gió bất thường, đầy trắc trở, sau hai năm rưỡi, họ mới tới được Y Lợi Hãn quốc. Lúc khởi hành có tới hơn nghìn nguời, trên đường đi, nguời thì bệnh mà chết, nguời thì chẳng may ngã xuống biển mà chết, tới nơi chỉ còn có 18 nguời. Công chúa may được bảo vệ chu đáo nên tới nơi bình an vô sự. Họ giao Công chúa cho Đại Hãn, sau khi nghỉ ngơi 9 tháng, họ bắt đầu hành trình trở về I-ta-li-a, trên đường đi, họ được tin  Nguyên Thế Tổ đã mất. Vô cùng thương tiếc cả ba đều thầm hứa rằng họ sẽ trở lại Trung Quốc một lần nữa. Cuối năm 1295, ba nguời về tới quê hương Vơ-ni-dơ.
Lúc đó, Vơ-ni-dơ và Giê-noa đang có chiến tranh. Mac-cô Pô-lô tham gia vào đội quân của Vơ-ni-dơ chiến đấu chống Giê-noa. Năm 1298 (Nguyên Thành Tổ Đại Đức thứ 2), Vơ-ni-dơ thua trận, Mac-cô Pô-lô bị bắt làm tù binh. Ông bị giam một năm, trong ngục có một nguời tên Ru-xti-xen-lô. Mac-cô Pô-lô đem những câu chuyện mắt thấy tai nghe về châu Á kể cho nguời bạn tù nghe. Ru-xti-xen-lô liền ghi chép lại những câu chuyện ấy. Đó chính là cuốn sách nổi tiếng thế giới “Mac-cô Pô-lô du ký”.
“Mac-cô Pô-lô du ký” được coi là “thế giới nhất đại kỳ thư”. Trong cuốn sách này, Mac-cô Pô-lô đã giới thiệu các thành phố nổi tiếng như Đại Đô, Dương Châu, Tô Châu, Hàng Châu, … ca ngợi sự giàu có và văn minh của Trung Quốc . Lần đầu tiên, Mac-cô Pô-lô đã giới thiệu Trung Quốc cho nguời ngoại quốc ở phương Tây. Qua “Du ký”, ông giới thiệu cho các nước trên thế giới biết những nghề nuôi tằm, làm giấy, tiền giấy, in ấn, đốt than, kiến trúc ở thành thị, cách quản lý đô thị, nghệ thuật, ..cr Trung Quốc.Theo truyền thuyết, cây đàn vi-ô-lông ở phương Tây cũng có nguồn gốc từ hồ cầm của Trung Quốc do ông mang về  mới phát minh ra.
Cuốn sách được xuất bản đã kích thích nguời châu Âu hướng tới văn minh Trung Quốc. Nguời Giê-noa biết Mac-cô Pô-lô nổi tiếng như thế nên đã tha cho ông về nước.
Từ đó về sau, quan hệ giữa nguời Trung Quốc với nguời châu Âu, nguời A rập càng thêm mật thiết. Các tri thức về thiên văn, toán học, y học bắt đầu truyền tới Trung Quốc  và ngược lại, ba phát minh lớn của Trung Quốc kim chỉ nam, kỹ thuật in ấn và thuốc nổ cũng từ Trung Quốc được truyền tới châu Âu.
Chú thích:
(1) Kim Trướng Hãn quốc: tức Khâm Sát Hãn quốc, một trong bốn Hãn quốc Mông Cổ.
(2) Y Lợi Hãn quốc: một trong bốn Hãn quốc Mông Cổ. Năm 1252, Hiến Tông Mông Cổ lệnh cho Húc Liệt Ngột mang quân đánh Ba Tư, sau đó phong cho Húc Liệt Ngột kiến lập Hãn quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét