Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 17.30. DA LUẬT SỞ TÀI “DĨ NHO TRỊ QUỐC”

  Người dịch: Dương Đình Giao
Sau khi thống nhất Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đưa quân đánh nước Kim. Đây chính là lúc ông cần tới một  nhân tài kiệt xuất, có tác dụng quan trọng tới sự phát triển của vương triều Mông Cổ về sau. Đó chính là Da Luật Sở Tài, một chính trị gia vĩ đại.
Năm Kim Chương Tông Nguyên Xương nguyên niên (1190), Da Luật Sở Tài sinh ở Yên Kinh (nay là Bắc Kinh). Ông là hậu duệ của Hoàng tộc Khiết Đan, cháu đời thứ 8 của Da Luật Đột Dục Đông Đan (1) vương nước Liêu. Cha ông là Da Luật Lý, một đại học giả đã Hán hóa ở trình độ cao, mãi tới năm 60 tuổi mới sinh ông. Nguời cha vô cùng yêu quý đứa con nhỏ của mình, thường nói với mọi người:
– Đây là con Thiên lý non của ta, sau này nhất định sẽ trở thành nguời khác thường.
Theo “Tả truyện”, ông dựa vào câu “Sở tuy hữu tài, tích thực dụng chi”, lấy tên Sở Tài để đặt cho đứa con mới sinh của mình.
Năm Da Luật Sở Tài 3 tuổi thì cha mất, ông được mẹ là Dương thị nuôi dạy cho tới khi lớn. Từ nhỏ, ông đã chăm học hỏi, năm 13 tuổi, bắt đầu học tập thi thư, năm 17 tuổi đã “không có gì không đọc, chẳng gì không hiểu, văn chương viết ra cũng được ngợi khen. Da Luật Sở Tài rất yêu quý tư tưởng Nho gia, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của Thiền tông. Ông luôn mơ ước có cơ hội để thi thố tài năng, thực hiện lý tưởng “kiêm tế thiên hạ”. Cơ hội đã rất nhanh chóng đến với ông. Khi tiến đánh nước Kim, Thành Cát Tư Hãn nghe tên Da Luật Sở Tài bèn triệu kiến ông ở Hán Bắc.
Da Luật Sở Tài nguời cao lớn, tiếng nói sang sảng, râu dài đến ngực, dáng vẻ phong độ, lời lẽ gãy gọn khó ai sánh kịp, Thành Cát Tư Hãn rất hâm mộ, gọi ông là “Ông râu dài” và giữ ông luôn bên mình để có thể thường xuyên nhờ ông tư vấn mọi việc.
Da Luật Sở Tài nhấn mạnh việc “dĩ Nho trị quốc”, chủ trương này của ông thường bị một nguời Tây Hạ giỏi làm cung chế giễu: “Quốc gia giờ đây đang thịnh võ, ông lại lấy văn trị quốc, dùng ông để làm gì?”
Nghe thế, Da Luật Sở Tài cũng không giận, ông mỉm cười, nói:
– Làm cung cần có nguời thợ khéo tay, trị quốc cũng cần những nguời giỏi trị thiên hạ.
Thành Cát Tư Hãn rất tán thưởng, bảo Oa Khoát Đài, nguời sẽ kế thừa ngôi vị của mình:
– Đây là bảo bối mà Trời đã ban cho ta. Sau này, con phải mang đại sự của quốc gia phó thác cho ông ấy.
Sau khi kế thừa Hãn vị, Oa Khoát Đài đã trọng dụng Da Luật Sở Tài. Một số đại thần Mông Cổ kiến nghị với Oa Khoát Đài:
– Chúng ta không thể dùng nguời Hán, chi bằng đem giết hết họ đi, đem cả đất Trung nguyên này biến thành đồng cỏ như Mông Cổ chúng ta.
Nghe những lời ngu xuẩn thiển cận ấy, Da Luật Sở Tài  đã hết sức ngăn cản Oa Khoát Đài. Ông nói:
– Nguời Hán vốn có nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển. Bảo vệ họ, chúng ta sẽ có lương thực, tô thuế. Khi chiến trận sẽ không sợ thiếu thốn nguời và của. Việc tốt như thế cớ sao lại không làm?
Oa Khoát Đài đồng ý với ý kiến ấy.
Trong chiến tranh khốc liệt, Da Luật Sở Tài còn đặc biệt chú ý tới việc bảo vệ con người, giúp đỡ dân chúng hạn chế những thương vong vô ích. Khi Thống soái Mông Cổ Tốc Bất Đài đánh chiếm thủ đô Biện Kinh của nước Kim, xin với Oa Khoát Đài, theo lệ cũ, “làm cỏ” cả thành. Nghe nói, Da Luật Sở Tài  vội lên ngay yên ngựa, tới trước mặt Oa Khuất Đài, khuyên:
– Đại Hãn đánh chiếm thiên hạ là để giành đất và giành nguời. Nếu giết tất cả nguời đi, đất đai ấy lấy ai cày cấy, chăn thả? Những thợ thủ công mà chúng ta rất cần cũng không còn, vậy ta ở ngoài đồng không mông quạnh sao?
Oa Khoát Đài thấy ông nói rất có lý bèn quyết định chỉ hỏi tội những nguời thuộc tộc Hoàn Nhan Thị triều Kim, ngoài ra đều tha bổng, tụ tập ở Biện Kinh có tới 147 vạn nguời.
Về sau, Mông Cổ bình định Hà Nam, nguời Kim bị bắt đều bỏ trốn. Oa Khoát Đài rất giận dữ, ra lệnh ai giúp cho nguời Kim bỏ trốn là phạm pháp, nguời cùng làng cùng xóm đều liên lụy. Pháp lệnh hà khắc ấy khiến rất nhiều nguời chết trên đường trốn chạy. Da Luật Sở Tài đã khuyên Oa Khoát Đài bỏ lệnh ấy. Chính sách khoan dung đã thực hiện khi đánh chiếm các nơi khác dần trở thành luật lệ.
Trong quá trình giúp đỡ Oa Khoát Đài cai trị quốc gia, Da Luật Sở Tài từng bước thực hiện chủ trương “dĩ Nho trị quốc” của mình trên đủ các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa. Sau khi  Nguời Mông Cổ diệt  nguời Kim, triều đình Mông Cổ chuẩn bị chỉnh đốn lại hộ khẩu vùng Trung nguyên, Da Luật Sở Tài ra sức kiến nghị đánh thuế theo hộ ở khu vực Trung nguyên. Chiếm được đất đai, Oa Khoát Đài chuẩn bị phân phong cho các vương thất, đại thần có công theo truyền thống Mông Cổ. Da Luật Sở Tài cho rằng việc chia cắt đất đai dễ sinh ra nhiều vấn đề, chi bằng cho mọi người tiền bạc. Ông còn giúp Oa Khoát Đài chế định chế độ tô thuế đối với đất đai vùng Trung nguyên. Tô thuế đều rất nhẹ, có lợi cho việc nuôi dưỡng sức dân. Oa Khoát Đài thấy ông là một nhân tài, đều đồng ý thực hện những kiến nghị của ông. Da Luật Sở Tài còn nói với Oa Khoát Đài: Trên mình ngựa để lấy thiên hạ nhưng không thể trên mình ngựa để cai trị thiên hạ. Theo đề nghị của ông, triều đình Mông Cổ bắt đầu trọng dụng các quan văn, thiết lập Quốc tử học (3) để biên soạn kinh sử, tuyển chọn Nho sinh. Da Luật Sở Tài đã có những cống hiến to lớn trong việc bảo tồn văn hóa Trung nguyên.
Những chính sách trị quốc của Da Luật Sở Tài không thể không xúc phạm tới lợi ích của giới quý tộc thủ cựu và thương nhân Tây Vực. Vì thế ông luôn luôn bị các thế lực thủ cựu công kích. Da Luật Sở Tài cũng bất khuất không chịu lui bước, sẵn sàng đấu tranh với các thế lực thù địch. Là nguời ngay thẳng, đã có lần ông chống lại cả Oa Khoát Đài.
Lần ấy, ông xét xử một vụ án, trong đó nghị án một viên thông sự (phiên dịch) kẻ tin cậy của Oa Khoát Đài. Oa Khoát Đài tức giận, lệnh cho nguời trói Da Luật Sở Tài. Nhưng xét cho cùng, Oa Khoát Đài vẫn là một ông vua sáng suốt, sau khi suy nghĩ hồi lâu, cơn giận dữ dịu bớt, cảm thấy việc làm của mình là nóng vội nên lệnh cho thị vệ cởi trói cho Da Luật Sở Tài. Nhưng Da Luật Sở Tài không chịu để cho nguời khác cởi trói. Ông ngẩng đầu, nói với Oa Khoát Đài:
– Thần là đại thần trợ quốc, bệ hạ ra lệnh trói thần, nói là thần có tội với tất cả các vị đại thần. Giờ bệ hạ lại nói cởi trói cho thần, nói rằng thần không có tội. Bệ hạ là vua của một nước, làm sao lại dễ  thay đổi chẳng khác gì một đứa trẻ như vậy? Nói như thế, khi quốc gia phát sinh đại sự sẽ phải xử lý như thế nào?
Nghe những lời nói đó, các đại thần đều thất kinh hoảng sợ, ai cũng lo Da Luật Sở Tài sẽ bị Oa Khoát Đài trừng trị. Không ngờ, Oa Khoát Đài đỏ mặt, trầm tĩnh một lát rồi thừa nhận với Da Luật Sở Tài là mình không đúng. Từ đó, Oa Khoát Đài càng kính trọng hiền thần của mình.
Năm 1241, Oa Khoát Đài do rượu chè vô độ mà chết, Hoàng hậu Nãi Mã Chân Thị (4) khống chế triều chính. Bà ta vẫn nuôi mối hận trong lòng với Da Luật Sở Tài công chính vô tư, không ngừng bài bác, đả kích Da Luật Sở Tài, ngăn cản ông tham gia chính sự.
Ba năm sau, uất ức mà thành bệnh, Da Luật Sở Tài tạ thế. Tin tức truyền đi, cả nước đau buồn, dân chúng khắp nơi đều tiếc thương như với nguời thân của mình. Sĩ đại phu nguời Hán đều không cầm được nước mắt trước sự ra đi của nhà chính trị nổi tiếng nguời Khiết Đan. Nhưng kẻ thù của ông không ngớt phao tin, nói thời làm Tể tướng, ông đã mang một nửa số thuế thu được về làm của riêng ở nhà mình. Nhưng kết quả điều tra đã sang tỏ, trong phủ đệ của Da Luật Sở Tài ngoài hơn chục cái đàn và một số tranh vẽ, vàng bạc hay các vật quý hiếm đều không có. Lời loan truyền của kẻ thù ông tự nhiên bị bác bỏ. Tấm lòng cao thượng của Da Luật Sở Tài một lần nữa được mọi người ca ngợi mãi không thôi.
Chú thích:
  • Đông Đan (926 – 953): nước phụ thuộc đàu đời Liêu. Năm 926, Liêu diệt nước Bột Hải, Liêu Thái Tổ sách laapjHf Thái tử Da Luật Bồi làm Quốc chủ.
  • Oa Khoát Đài (1186 – 1241): con trai thứ 3 của Thành Cát Tư Hãn, Đại hãn thứ 2 của Mông Cổ.
  • Quốc tử học: Quan học cấp Trung ương thời cổ đại, Học phủ tối cao của Nho học trong nước.
  • Nãi Mã Chân Thị ( ? 1246): vợ Oa Khoát Đài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét