Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 17.19. THÂN PHẬN TÙ BINH CỦA HAI VUA

 Người dịch: Dương Đình Giao
 Sau khi quân Kim rút lui, Tống Huy Tông trở lại Biện Kinh. Cha con Hoàng đế lại tiếp tục cuộc sống thái bình vô sự như trước đây, một cuộc sống xa hoa hưởng lạc chẳng cần chuẩn bị đề phòng bất cứ cái gì. Quân đội khắp nơi tới cứu trợ cũng bị nhà vua giải tán trở về.
Lý Cương thấy tình hình như vậy, rất lo lắng. Ông mấy lần dâng sớ, yêu cầu tăng cường quân phòng bị, đề phòng quân Kim xâm phạm. Nhưng trong triều, phe đầu hàng đang nắm quyền, không những chẳng chú ý gì đến ý kiến của ông lại còn bài bác. Chẳng bao lâu, Lý Cương đã bị buộc dời khỏi kinh thành.
Quả nhiên chưa được nửa năm, tháng 8 năm Tĩnh Khang nguyên niên (1126), Kim Thái Tông lại huy động quân sĩ xâm lược Bắc Tống. Ông ta ra lệnh Tông Hàn làm Tả phúc nguyên soái, Tông Vọng làm Hữu phúc nguyên soái chia làm hai ngả đông tây tiến quân. Lúc đó, quân Tống ở khắp nơi lại tự động kéo về bảo vệ Biện Kinh. Phe đầu hàng nhất định cầu hòa, lệnh cho quân đội phải dừng ngay việc tiến quân. Nhưng quân khắp nơi đã đông đảo kéo đến. Quân Kim tới bờ bắc sông Hoàng Hà, thấy quân Tống đã có tới mười mấy vạn, không dám vượt sông. Chúng đem trống trận tập hợp lại thúc suốt đêm khiến quân Tống rút sạch.
Quân Kim vượt sông Hoàng Hà, Tông Hàn cử sứ giả tới triều Tống, đề xuất việc lấy Hoàng Hà làm ranh giới, toàn bộ đất Hà Bắc, Hà Đông thuộc về Kim. Tống Khâm Tông thuận ý, lập tức cho Thị lang (1) Cảnh Nam Trọng và Tri phủ Khai Phong Nhiếp Xương đi cắt đất, còn hạ chiếu thư cho quân dân một số địa phương mở thành đón quân Kim.
Nhân dân Hà Bắc, Hà Đông vô cùng phẫn nộ, lập tức đứng dậy đấu tranh chống đầu hàng, cắt đất. Nhiếp Chương đến Giáng Châu (nay là huyện Tân Giáng tỉnh Sơn Tây), bị nhân dân Giáng Châu giết chết. Cánh Nam Trọng và sứ thần nước Kim đến Vệ Châu (nay là huyện Cấp tỉnh Hà Nam). Nhân dân Vệ Châu muốn bắt sống sứ thần nước Kim, sứ thần phải bỏ chạy. Canh Nam Trọng cũng không dám nói tới việc cắt đất nữa. Quân Kim lại tới Biện Kinh, quân trong thành rất ít, quân yểm trợ cũng đã bị giải tán, Tống Khâm Tông rất hoảng sợ. Quan quân phái kháng chiến xin nhà vua cho quân xuất chiến, Tống Khâm Tông không đồng ý. Binh bộ thượng thư Tôn Phụ muốn trời sáng sẽ dùng “pháp thuật” để đánh lui kẻ địch. Có người tên gọi Quách Kinh khoe mình hiểu được “lục pháp giáp”, thực ra là một lối yêu thuật bịa đặt, nói chỉ cần dùng bảy nghìn bảy trăm bảy mươi bảy người có thể bắt sống được Tông Hàn và Tông Vọng của quân Kim, lập tức tiến cử với Tống Khâm Tông, phong quan và thưởng tiền cho Quách Kinh, cho ông ta triệu tập bảy nghìn bảy trăm bảy mươi bảy người giữ thành. Một số người trong thành thấy Quách Kinh được nhiều phần thưởng, mắt sáng  lên, cũng tự xưng là “Bắc đẩu thần binh”, “Thiên khuyết đại tướng”, mô phỏng theo Quách Kinh làm phép, chiêu mộ binh lính. Biện Kinh trở thành rối loạn.
Quân địch tấn công rất mạnh mẽ, chính phủ triều Tống không ngừng thúc giục Quách Kinh ra tay, Quách Kinh làm ra vẻ sẵn sàng nhưng cứ lần lữa, thực ra không biết xoay xở thế nào để cho người xuất chiến. Ông ta ngồi trên lầu thành, giả như đang làm phép không cho người ngoài thấy được. Chẳng biết quân địch và quân của ông ta giao chiến ra sao đã thấy bại trận, không ít người chết chìm trên sông, dòng sông nổi đầy những xác người. Kẻ địch ào ào xông tới, Quách Kinh thấy tình hình nguy cấp, bèn nói với tướng giữ thành:
– Quân Kim ngông cuồng như thế này, để tôi phải đích thân ra khỏi thành làm phép, đảm bảo chúng sẽ phải rút chạy.
Nói xong, đem theo một lũ tàn binh bại tướng, mở cổng thành lớn, hướng về phía nam mất hút.
Quân Kim thừa cơ đánh thẳng vào thành, quân Tống không kịp đóng cửa thành, Biện Kinh nhanh chóng thất thủ.
Sau khi  phá thành, quân Tống cùng với cư dân trong thành giao chiến với kẻ địch trên đường phố. Tống Khâm Tông nào có dám chống cự? Ông ta lập tức cử Tể tướng  Hà Lật đến trại quân Kim cầu hòa. Hà Lật không trèo nổi lên lưng ngựa, đánh rơi roi ngựa đến ba lần. Tới trại quân Kim, Tông Hàm, Tông Vọng giả bộ nói:
– Chúng ta không có ý tiêu diệt triều Tống, bảo Hoàng đế của các ngươi tới bàn chuyện cắt đất, chúng ta sẽ lui quân.
Tống Khâm Tông cùng mấy đại thần tới trại quân Kim giao biểu xin hàng cho Tông Hàm, Tông Vọng, xưng thần với nước Kim. Tống Khâm Tông vừa giao biểu, quân Kim liền giở mặt, bàn chuyện lật đổ đế hiệu của Tống Khâm Tông, lập vua mới cho nước Tống. Tống Khâm Tông trở về thành, khóc lớn, hối hận vì đã không nghe lời của những người thuộc phái đầu hàng. Sau đó, quân Kim cử người vào thành, lấy vàng bạc vải lụa trong kho, vơ vét hơn một nghìn vạn đĩnh vàng, hai nghìn vạn đĩnh bạc, một nghìn vạn súc lụa. Tống Khâm Tông còn cử các quan lính năm lần bảy lượt tới nhà dân chúng  tìm thêm vàng bạc. Qua hơn hai mươi ngày, quân Kim như thấy vẫn chưa đủ, còn giết thêm bốn viên quan triều Tống.
Mùa xuân năm Tĩnh Khang thứ hai (1127), quân Kim lại muốn Tống Khâm Tông tới trại quân Kim. Nhà vua vừa tới nơi đã bị giam. Mấy ngày sau, Tống Huy Tông cũng bị bắt tới. Kim Thái Tông hạ lệnh phế truất Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, đem Huy Tông, Khâm Tông, Thái hậu, Hoàng hậu, phi tử, Công chúa, Phò mã cùng tất cả thân vương đại thần triều Tống, rồi hơn ba nghìn thợ giỏi các loại đưa về nước Kim làm nô lệ; ngoài ra còn cướp đoạt vàng bạc châu báu với các văn vật đồ thư. Như vậy, có thể nói vương triều Tống đã bị nước Kim diệt vong. Sự việc này diễn ra vào giữa triều Tĩnh Khang của Bắc Tống, cho nên sử sách gọi là “Tĩnh Khang chi biến”.
Trước khi rút đi, quân Kim đã lập kẻ đứng đầu phái đầu hàng là Trương Bang Xương (3) làm Hoàng đế bù nhìn, quốc hiệu Sở, lợi dụng hắn để trấn áp nguời phương nam.
Lúc đó Hoàng tộc triều Tống đều ở Biện Kinh, chỉ có Khang vương Triệu Câu cầm quân ở bên ngoài thoát khỏi tai họa này, một số quan viên triều Tống đã quyết định ủng hộ Triệu Cấu nối ngôi Hoàng đế.
Chú thích:
  • Môn hạ thị lang: Thứ quan của Chưởng môn họ tỉnh, đặt ở Bắc Kinh thời Thập lục quốc.
  • Phò mã: tên gọi tắt của Phò mã đô úy, chồng của Công chúa trưởng từ thời Ngụy Tấn.
  • Trương Bang Xương (1081 – 1127): nguời Thủy Tĩnh Quân Đông Quang (nay thuộc Hà Bắc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét