Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ -17.07. NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM CỦA KHẤU CHUẨN

Người dịch: Dương Đình Giao
Năm 1004, quân Liêu tấn công Bắc Tống. Văn võ bá quan trong triều ai cũng hoảng sợ, rất nhiều nguời khuyên vua Chân Tông bỏ Biện Kinh, dời đô về phía nam. Giữa lúc đó, có nguời lên tiếng nói:
  • Ai chủ trương dời đô, ta sẽ chém đầu.
Lời nói khiến mọi nguời đều kinh động.
Nguời nói câu đó chính là Tể tướng Khấu Chuẩn. Ông là nguời chủ chiến, khuyên vua Chân Tông tạm lui về Thiền Châu, cổ vũ quân sĩ. Quả nhiên, quân Liêu bị đánh lui. Sau đó, Liêu Tống cùng ký Thiền Uyên chi minh (1), Bắc Tống được một thời gian ổn định.
Cuộc đời Khấu Chuẩn lúc thăng, lúc giáng, nhưng luôn khảng khái trung thực được mọi người kính trọng.
Khấu Chuẩn (961 – 1023), tự Bình Trọng, nguời Hạ Bang, Hoa Châu (nay là bắc Vị Nam, Thiểm Tây). Hồi nhỏ, sống trong một gia đình rất giàu có, cuộc sống hào hoa  xa xỉ, không coi trọng những việc nhỏ nhặt, thích nuôi chim, nuôi chó. Cha mẹ ông tính cách nghiêm khắc nên thấy thế rất tức giận, có lần    cầm quả cân ném vào ông khiến chân chảy máu rất nhiều. Sau lần đó, ông bắt đầu chăm chú đọc sách. Về sau, lúc đã có công danh, làm quan to thì cha mẹ đã mất. Mỗi lần nhìn vết sẹo ở chân, ông thường nhớ về tình cảm của cha mẹ, thương cảm khóc ròng. Năm mới hơn mười tuổi, ông đã thuộc lầu “Xuân thu tam truyền” (2), có thể nhận ra những sai khác nhỏ nhất trong những bản khác nhau khiến những nguời học rộng cũng phải ngạc nhiên.
Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980), Khấu Chuẩn 19 tuổi, dự kỳ thi tiến sĩ, từ đó bắt đầu làm quan. Một lần, ông nhận lệnh của Thái Tông, phân tích mối quan hệ giữa Tống và Khiết Đan, phản đối việc giảng hòa với Khiết Đan, nhận được cảm tình của vua Thái Tông, được vua phong Khu mật viện trực học sĩ (3).
Khấu Chuẩn làm quan toàn tâm toàn ý, có lúc tranh luận đúng sai một việc mà khiến Hoàng đế phải nổi giận. Có lần, tấu việc với Thái Tông, lời lẽ không phù hợp khiến nhà vua phật ý, đứng dậy bỏ đi, triều phải bãi. Thấy thế, Khấu Chuẩn níu áo Thái Tông, muốn vua ngồi lại để mình tiếp tục trình bày ý kiến, cho tới khi Thái Tông đưa ra quyết định, ông mới chịu thôi. Về sau, Thái Tông suy nghĩ mới cảm thấy Khấu Chuẩn không ngại nói thẳng, rất chân thành. Vua nói:
  • Ta được Khấu Chuẩn chẳng khác nào Đường Thái Tông có Ngụy Trưng vậy.
Sau đó, nhà vua khen ngợi ông bằng 4 chữ “trung chính liêm trực” khảm bằng ngọc quý thưởng cho Khấu Chuẩn.
Còn ít tuổi đã làm quan to, lại được vua Thái Tông tín nhiệm, Khấu Chuẩn bị không ít nguời ghen ghét. Tháng 9 năm Thuần hóa thứ 2 (năm 991), Khấu Chuẩn được nhậm chức Đồng tri khu mật viện sự (phó Tể tướng) nhưng lại bất hòa với Tri viện (trưởng quan tối cao của Khu mật viện) Trương Tốn. Mùa hạ năm Thuần hóa thứ 3 (992), Khấu Chuẩn cùng đồng liêu Ôn Trọng Thư cưỡi ngựa từ trong cung ra ngoài. Tới nửa đường, bỗng có nguời tới trước đầu ngựa của hai nguời vái lạy, miệng gào lên những tiếng “vạn tuế”. Vừa lúc đó, Trương Tốn về tới phủ đệ, nhìn thấy cảnh ấy cho nguời tâu với vua Thái Tông, nói rằng Khấu Chuẩn không muốn yên phận. Thái Tông rất tức giận, trách vấn Khấu Chuẩn. May cho ông có Ôn Trọng Thư làm chứng, nói rõ đầu đuôi câu chuyện có tính chất ngẫu nhiên mà Trương Tốn đã vu cho ông là “đại nghịch bất đạo”. Trước mặt Thái Tông, hai nguời lời qua tiếng lại bộc lộ mâu thuẫn. Thái Tông thấy hai nguời làm mất thể diện của các đại thần, liền biếm chức cả hai. Khấu Chuẩn bị biếm làm quan địa phương ở Thanh Châu (nay là Ích Đô, Sơn Đông).
Sau đó, Thái Tông lại nhớ tới Khấu Chuẩn, coi ông là nguời trung thành chính trực, không thể nào có hành vi như vậy, nên luôn luôn nghĩ tới ông. Có lần, nhà vua nói với những nguời xung quanh:
  • Khấu Chuẩn ở Thanh Châu làm việc có tốt không?
Những nguời đó vốn ghen tỵ với Khấu Chuẩn, bèn không giấu ý xấu, trả lời:
– Thanh Châu là nơi đất tốt, Khấu Chuẩn làm quan ở đó, sao không tốt được.
Mấy hôm sau, Thái Tông lại hỏi những nguời xung quanh. Họ cho rằng nhà vua vẫn muốn tin dùng Khấu Chuẩn nên gièm pha:
– Bệ hạ luôn nhớ tới Khấu Chuẩn, chưa bao giờ quên ông ta. Nhưng nghe nói ông ta ở Thanh Châu, ngày ngày chỉ uống rượu, chẳng nghĩ gì tới tấm lòng của bệ hạ.
Thái Tông nghe nói, im lặng không nói gì, nhưng hai năm sau, triệu hồi Khấu Chuẩn, giao cho ông làm Tham tri chính sự.
Sau khi  Tống Chân Tông lên ngôi, Khấu Chuẩn được làm Tể tướng. Khi quân Liêu mở cuộc tiến công xuống phía nam, nhờ chủ trương kiên quyết của Khấu Chuẩn, Tống Chân Tông ngự mã thân chinh, tiến công khiến nguời Khiết Đan phải lui quân, hai bên cùng ký Thiền Uyên chi minh.
Từ việc kiên quyết chống Liêu tới việc cùng ký Thiền Uyên chi minh, Khấu Chuẩn đã có công lớn. Vương An Thạch đã từng làm thơ ca ngợi ông. Nhưng thật cay đắng, chính vì có công lớn nên Khấu Chuẩn gặp tai họa không nhỏ.
Vương Khâm Nhược là nguời đã từng kiến nghị với vua Chân Tông chạy về Kim Lăng khi quân Liêu đánh xuống phía nam, bị Khấu Chuẩn nguyền rủa thậm tệ vẫn để bụng. Thấy Tống Chân Tông quý trọng Khấu Chuẩn hơn nguời, bèn hỏi Tống Chân Tông:
– Bệ hạ vẫn kính trọng Khấu Chuẩn có phải do công lao của ông ta trong việc  Thiền Uyên không?
Chân Tông gật đầu nói phải. Vương Khâm Nhược nói:
– Thiền Uyên chi minh lẽ ra bệ hạ phải thấy xấu hổ, ngược lại cho rằng Khấu Chuẩn có công, còn gì là đạo lý?
Tống Chân Tông nghi ngờ chưa biết giải thích như thế nào, không biết ý của Vương Khâm Nhược là gì.
Vương Khâm Nhược giải thích:
– Thành hạ chi minh không phải  là thắng lợi mà là nỗi nhục của bệ hạ, chẳng lẽ Khấu Chuẩn làm như thế là có công với quốc gia?
Nghe xong, Tống Chân Tông rất buồn. Vương Khâm Nhược tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa:
– Chắc bệ hạ có nghe nói tới trò đánh bạc. Khi nhìn thấy cái vòng đang quay tít, con bạc liền dốc hết tất cả những gì mình đang có, như thế gọi là “cháy túi”. Trong cuộc chiến ở Thiền Uyên, Khấu Chuẩn đã lợi dụng việc “cháy túi” của bệ hạ.
Tống Chân Tông càng nghĩ càng thấy Vương Khâm Nhược nói có lý, từ đó dần xa cách Khấu Chuẩn, đến năm Cảnh Đức thứ 3 (1006), dứt khoát bãi miễn chức Tể tướng của ông.
Năm Thiên Hỷ thứ 3 (1019), Khấu Chuẩn lại được cho làm Tể tướng, vào lúc đó, ông đã mắc một sai lầm chết nguời, đó là việc đã dùng nhầm Đinh Vị, một kẻ tiểu nhân. Khấu Chuẩn chỉ thấy hắn là một kẻ có tài mà không thấy tư cách xấu xa của hắn. Làm Tể tướng chưa lâu, Khấu Chuẩn đã tiến cử Đinh Vị làm Tham tri chính sự. Trước sự tin cậy của Khấu Chuẩn, Đinh Vị cảm động đến rơi nước mắt, vô cùng kính trọng Khấu Chuẩn, luôn luôn lựa ý để chiều theo. Trong một lần dự yến, Khấu Chuẩn vô ý để một chút thức ăn vương trên chòm râu. Đinh Vị nhìn thấy, vội bước tới, khéo léo nhặt sạch. Khấu Chuẩn cười, nói:
– Tham chính là trọng thần của quốc gia, sao lại có thể làm việc như thế này.
Nghe nói, Đinh Vị xấu hổ, từ đó mang mối hận, ngày đêm chỉ tìm cơ hội trả thù.
Khi Khấu Chuẩn phạm tội bị Chân Tông biếm chức làm Tư mã ở Đạo Châu (nay là huyện Đạo, Hồ Nam), Đinh Vị còn chưa thỏa lòng, bèn cấu kết với Lưu Hoàng hậu (4), khiến một lần nữa, Khấu Chuẩn  bị biếm làm Tư bộ tham quân ở Lôi Châu. Muốn đẩy Khấu Chuẩn tới chỗ chết, Đinh Vị nghĩ ra một độc kế: Khi truyền đạt ý chỉ của Lưu Hoàng hậu, Trung lại (Thái giám) Mã Tiền Huyền cố ý phủ lên một mảnh gấm, bên dưới đặt một thanh bảo kiếm khiến tua kiếm lộ ra bên ngoài, giả như muốn Khấu Chuẩn phải tự sát. Khi Trung lại đến Đạo Châu, Khấu Chuẩn đang cùng mọi người uống rượu. Tất cả thấy Trung lại mang bộ mặt sát khí đằng đằng đều rụng rời chân tay. Khấu Chuẩn cố trấn tĩnh, nói với Trung lại:
– Nếu triều đình quả thật muốn tôi chết, cần gì phải cho tôi tận mắt nhìn Thánh chỉ,
Trung lại vô cùng lúng túng, chỉ có thể tuyên ý chỉ của Lưu Hoàng hậu: Biếm Khấu Chuẩn làm Tư bộ tham quân Lôi Châu. Âm mưu của Đinh Vị mới không bị lộ.
Sau may mắn đó, Khấu Chuẩn bị biếm tới Lôi Châu chưa tới nửa năm, Đinh Vị cũng vì tội bị biếm đến Nhai Châu. Nguời ta đã làm ca dao chế giễu Đinh Vị: “Lôi Châu bộ, Nhai Châu bộ; Nguời đời nào biết còn gặp nhau”. Trên đường tới Nhai Châu, Đinh Vị tất phải qua Lôi Châu. Khấu Chuẩn nghe tin, cho nguời mang một đàn dê cho Đinh Vị vừa để biểu thị bản thân mình không thể ngang hàng với Đinh Vị, vừa để tỏ ý không muốn đón tiếp hắn. Nguời nhà của Khấu Chuẩn nghe nói Đinh Vị sẽ đi qua Lôi Châu, thề sẽ giết hắn. Khấu Chuẩn không muốn vì thù riêng mà phạm phép nước bèn cho đóng cổng nhốt mọi người trong nhà đề phòng xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Bọn Đinh Vị đường xa mệt mỏi cũng muốn dừng lại Lôi Châu nghỉ ngơi mấy ngày, khi biết chuyện ấy đành bỏ ý định.
Tháng 9 năm Tống Chân Tông Thiên Thánh nguyên niên (1023), Khấu Chuẩn mất ở Lôi Châu.
Chú thích:
  • Năm 1004, Tống Liêu cùng ký kết Thiền Uyên chi minh chấm dứt chiến tranh.
  • “Xuân Thu tam truyền” bao gồm 3 cuốn giải thích “Xuân Thu”, một tác phẩm kinh điển.
  • Khu mật viện trực học sĩ: đặt từ Hậu Đường, Ngũ đại.
  • Lưu Hoàng hậu: nguời Hoa Dương Ích Châu, Hoàng hậu vua Chân Tông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét