Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.15. AN LỘC SƠN CHE GIẤU MƯU GIAN

Đường Huyền Tông yêu quý Dương Quý Phi, lại trọng dụng Dương Quốc Trung, rồi sa vào hưởng lạc. Năm 755, An Lộc Sơn đã âm mưu từ lâu tập hợp 15 vạn quân nhưng rêu rao là 20 vạn tiến xuống phía nam, trong khi Đường Huyền Tông lúc đó ở Trường An còn đang đắm chìm trong yến tiệc.
Kỳ thực, cuộc nổi loạn này không phải từ Đột Quyết kéo xuống, mà hoàn toàn do Đường Huyền Tông tạo nên do nhà vua kém cỏi đã dung túng cho An Lộc Sơn.
An Lộc Sơn có dòng máu người Hồ (1), thời tuổi trẻ, dựa vào Tiết độ sứ U Châu là Trương Thủ Khuê. Giỏi nịnh bợ, đơm đặt lấy lòng các quan viên trong triều, rồi kết liên với Tể tướng “miệng mật lòng gươm” Lý Lâm Phủ, gặp dịp, hắn lại cũng thường nói những lời hay ý đẹp trước mặt Đường Huyền Tông. Nhà vua cho rằng An Lộc Sơn là người có tài, thăng hắn làm Tiết độ sứ Bình Lư, rồi sau đó lại cho kiêm nhiệm Tiết độ sứ Phạm Dương, Tiết độ sứ Hà Đông. Ba trấn này tương đương với Bắc Kinh, Hà Bắc, Sơn Tây, Liêu Ninh, Sơn Đông, Hà Nam ngày nay, thống soái hơn mười tám vạn lính. Lúc đó, quân đội của triều Đường ở vùng biên trấn chỉ có khoảng bốn mươi chín vạn, An Lộc Sơn đã cai quản hơn một phần ba số quân đó.
Chưa vừa lòng với thế lực và quyền hành ấy, An Lộc Sơn còn muốn leo lên vị trí cao hơn. Hắn luôn muốn tìm mưu kế để giành được sự ưu ái của Đường Huyền Tông, được nhà vua tín nhiệm.
An Lộc Sơn vốn là người thấp, có cái bụng rất to, tự cho rằng nặng tới ba trăm cân. Một lần, Đường Huyền Tông chỉ vào cái bụng của hắn, vừa cười, vừa hỏi:
– Trong cái bụng này có những gì mà nó to thế?
An Lộc Sơn trả lời với giọng nghiêm túc:
– Không có gì đâu ạ, chỉ có lòng trung thành với bệ hạ thôi!
Nghe xong, Đường Huyền Tông thấy hắn có lòng trung đáng quý.
Lại có một lần, Đường Huyền Tông bảo hắn tới gặp Thái tử. Thần tử thấy Thái tử, theo quy định lúc ấy phải vái lạy. Nhưng An Lộc Sơn không lạy. Mọi người xung quanh nhắc phải vái lạy, hắn chỉ đứng chắp tay, nói:
– Ta chỉ biết có Hoàng thượng, không biết tới Thái tử.
Huyền Tông thấy hắn trung thành với mình như thế, càng thêm tin yêu.
An Lộc Sơn biết Đường Huyền Tông rất yêu quý Dương Quý Phi, nên mỗi khi tới gặp hai người, bao giờ hắn cũng vái lạy Dương Quý Phi trước, sau mới vái lạy Huyền Tông. Huyền Tông hỏi hắn tại sao lại như thế? Hắn trả lời:
– Người Hồ chúng thần “tiên mẫu hậu phụ”.
Càng ngày, nhà vua càng thấy hắn thật thà đáng quý.
An Lộc Sơn dứt khoát gọi Dương Quý Phi là “can nương” (mẹ nuôi). Dương Quý Phi cũng giả đùa tiếp nhận, coi An Lộc Sơn là con nuôi lớn, bảo cung nữ dùng kiệu khiêng hắn dạo chơi trong Hoàng cung, gọi là “thế lục nhi tẩy tam triều” (3). Huyền Tông biết mà không thấy xấu hổ, cũng xem một cách vui vẻ, còn thưởng cho Dương Quý Phi “tẩy nhi kim ngân tiền”. Cung đình triều Đường khi ấy thật hỗn loạn nhà vua cũng không sợ người ta chê cười.
Qua những việc ấy, An Lộc Sơn càng có điều kiện thấy rõ Đường Huyền Tông ngu muội, vô dụng, thấy rõ chính trị của vương triều Đường ngày càng hủ bại, quân đội ngày càng suy nhược. Hắn càng nuôi dục vọng, dần từng bước tiến tới âm mưu phản loạn, nung nấu dã tâm khởi binh diệt nhà Đường.
Năm Thiên Bảo thứ 6, An Lộc Sơn đã đưa những bộ tướng tâm phúc tới Trường An  để mật báo những động tĩnh trong triều về Phạm Dương, chuẩn bị tiến hành phản loạn. Ngoài việc nắm chắc 18 vạn quân, An Lộc Sơn còn sử dụng, huấn luyện  hơn tám nghìn hàng binh bại tướng của các bộ tộc Đồng La, Hề, Khiết Đan tổ chức thành “tráng sĩ doanh”, lực lượng nòng cốt cho cuộc nổi dậy. Hơn nữa, hắn còn dùng 32 tướng tâm phúc thay thế các tướng  Hán không chịu phục tùng sự chỉ huy của hắn. Rồi nuôi dưỡng mấy vạn con ngựa chiến, thu mua và sản xuất các vũ khí quân giới, cử người tới các nơi cướp đoạt hay thu mua mọi thứ chuẩn bị quân nhu. Hắn còn chuẩn bị áo dài đỏ, áo dài tía và ngư đại (4) để sau khi thành công cho các bộ hạ dùng để gia quan tấn tước. Để thu phục nhân tâm, An Lộc Sơn còn thăng hơn năm trăm bộ hạ trung thành làm Tướng  quân, hơn hai nghìn người làm Lang tướng, coi họ là những nanh vuốt của mình. Cuối cùng, hắn dùng hơn hai mươi  người thân tín như Sử Tư Minh, Nghiêm Trang, Cao Thượng, …làm mưu sĩ và tin cậy làm lực lượng hạt nhân cho cuộc nổi dậy. Trong những người đó, Sử Tư Minh là người quan trọng nhất.
Sử Tư Minh cũng là người có dòng máu Hồ, với An Lộc Sơn lại đồng hương, đồng tuế, hai người từ nhỏ đã thân thiết. Sau đó, do đánh mất tiền của quan, Sử Tư Minh phải chạy tới bộ lạc Hề  , thiếu chút nữa thì bị vua Hề giết chết. Hắn bày mưu, dụ dỗ giết chết hơn ba trăm binh lính tộc Hề, bắt được tướng  Hề tới gặp Tiết độ sứ U Châu Trương Thủ Khuê. Trương Thủ Khúc cho rằng hắn có công cho làm Tướng quân. Có một lần, được cử về kinh tấu việc, được Đường Huyền Tông để mắt tới, cho làm Bình Lư binh mã sứ (cấp phó của Tiết độ sứ), kiêm Thái thú Bắc Bình, Lô long quân sứ.
Âm mưu phản loạn của An Lộc Sơn ngày càng rõ, một số đại thần trong triều đình cùng các Tiết độ sứ cũng dần phát hiện ra. Họ nhiều lần thức tỉnh Đường Huyền Tông, mong muốn nhà vua tìm cách đối phó, tăng cường cảnh giác. Dương Quốc Trung vốn đã có mối thù với An Lộc Sơn, cũng nhiều lần dâng tấu lên Đường Huyền Tông, nói An Lộc Sơn mưu phản. Nhưng Đường Huyền Tông nghe nói thế nào cũng không chịu tin, ngược lại còn nói:
– Con người An Lộc Sơn đã chân thành cởi mở với ta, sao hắn có thể phản ta được? Vùng biên giới phía bắc và phía đông của chúng ta còn có thể dựa vào ai để trấn giữ? Các ngươi không phải bận tâm.
Qua mười năm. Tất cả các mặt An Lộc Sơn đã chuẩn bị đầy đủ, cho rằng đã đủ lực lượng để lật đổ triều Đường, chỉ đợi thời cơ đến sẽ phát lệnh ra tay. Tháng 10 năm Thiên Bảo thứ 14 (755), An Lộc Sơn cử một viên quan tới kinh thành tấu việc. Viên quan này sau khi trở về Phạm Dương đã mật báo tình hình triều đình với An Lộc Sơn. An Lộc Sơn cùng bọn Nghiêm Trang, Cao Thượng sau khi bàn tính, triệu tập các bộ tướng, nói dối mọi người Đường Huyền Tông có mật chỉ lệnh cho hắn mang binh về triều để trừng trị Dương Quốc Trung. Các tướng gì. Ngày 1 tháng 11, An Lộc Sơn với danh nghĩa thảo phạt Dương Quốc Trung mang 15 vạn binh (nói là 20 vạn) từ Phạm Dương xuất phát tiến quân về phía nam chuẩn bị tiến công Trung Nguyên, đánh vào Trường An, lật đổ triều Đường, tự xưng Hoàng đế.
Giữa những năm Thiên Bảo, chính trị triều Đường hủ bại, sức chiến đấu của quân dội suy yếu, lại thêm vùng này vốn do An Lộc Sơn trực tiếp cai quản, vì thế, quân An Lộc Sơn tới đâu, văn quan võ tướng  suốt 24 quận phía bắc sông Hoàng Hà hoặc mở cửa thành nghênh tiếp, hoặc bỏ chạy, nơi nào chống cự đều bị tiêu diệt. Quân phản loạn hầu như không gặp sức chống đỡ. Tin quân An Lộc Sơn liên tiếp được truyền về Trường An, đến lúc này, Đường Huyền Tông mới tin An Lộc Sơn đã làm phản. Nhà vua vội điều binh cử tướng , tăng thêm quân đội bố trí đánh dẹp phản loạn. Nhưng trong tình thế vội vàng, đội quân đó đâu có thể trở thành đối thủ của An Lộc Sơn! Sau khi  vượt sông Hoàng Hà, quân làm phản chia 3 đường tây, nam và đông tiếp tục tiến công, thế như chẻ tre. Quân An Lộc Sơn không bị ngăn cản, tới đâu gây bao đau thương chết chóc cho dân lành, khiến cuộc sống bị phá hoại nghiêm trọng.
Quân An Lộc Sơn nhanh chóng chiếm được kinh đô Lạc Dương, trực tiếp uy hiếp Đồng Quan, “đại môn” của kinh thành Trường An. Sau đó, ở Lạc Dương, An Lộc Sơn tự xưng “Đại Yên Hoàng đế”, phong các đại thần, phái cử các quan sứ, thiết lập chính quyền cát cứ.

Chú thích:
(1)   Người Hồ: tên gọi dân tộc thiểu số ở bắc và tây bắc thời cổ, nay thuộc các tộc ngữ hệ I-ran vùng Tân Cương, Trung Á, Tây Á.
(2)   Tiết độ sứ: Đầu đời Thiên Bảo, vùng biên viễn có 9 Tiết độ sứ. Tiết độ sứ U Châu cai quản vùng đất nay là Bắc Kinh.
(3)   Con trai sinh được ba ngày gọi là Tam triều. Trong ngày này, đứa trẻ được tắm rửa, cắt cuống rốn, mọi người tới chức mừng, chủ nhân chuẩn bị cơm rượu đãi khách. Tất cả những công việc đó gọi là “tẩy tam triều”.
(4)   Áo đỏ, áo tía, ngư đại là phục sức của các quan lại xưa.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét